CHÚA NHẬT XVII B THƯỜNG NIÊN

Bài 1

2V 4,42-44; Ga 6,1-15

Chủ đề: Chúa dưỡng nuôi dân cách diệu kỳ: Phép lạ nhân bánh

* 2V 4,44: Họ đã ăn và vẫn còn dư như Lời Yavê đã phán.

* Ga 6,11: Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phát cho những người ngồi đó… ai nấy ăn bao nhiêu tùy thích.

Hôm nay Chúa Nhật XVII B Mùa Thường Niên. Lời Chúa có một chút khác lạ: Tin Mừng không đọc Marcô, mà đọc Gioan 6. Trong 5 Chúa Nhật liên tiếp XVII – XXI phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật sẽ cho ta nghe Ga 6, với một nội dung là phép lạ nhân bánh ra nhiều và các chi tiết có liên quan tới Bí Tích Thánh Thể.

Riêng Chúa Nhật XVII B, chủ đề khá dễ thấy: đó là phép lạ hóa bánh từ số ít ra số nhiều để thỏa đáp nhu cầu trước mắt của nhóm người đang đi theo Chúa. Đó là dấu chỉ của tình yêu quan phòng của Thiên Chúa không hề bỏ rơi những ai tin theo Người. Đó cũng là lời mời các kẻ tin hãy can đảm tin vào đường lối Chúa rồi can đảm bước theo. 

Bài đọc 1 và Tin Mừng có cấu trúc chung giống nhau: cả hai đều có những nét chính sau:

  • Tình cảnh ngặt nghèo về lương thực của cộng đoàn dân Chúa.

  • Lòng quảng đại của một tín hữu trong cộng đoàn dân Chúa.
  • Từ bước góp phần nhỏ bé đó của con người, Thiên Chúa can thiệp giải quyết.
  • Phản ứng của con người trước lối can thiệp giải quyết của Thiên Chúa: phản ứng tự nhiên, ban đầu là nghi ngờ, nhưng sau đó là TIN và làm theo.
  • Kết quả: tất cả đều ăn no. Mọi sự được giải quyết tốt đẹp như ý Chúa.

Một chi tiết mà cả hai bài đọc đều đề cao là PHẦN ĐÓNG GÓP TỪ PHÍA CON NGƯỜI. Với quyền năng thần linh, Thiên Chúa có thể nuôi các kẻ tin dễ dàng từ con số không; Nhưng Người đã muốn con người ĐÓNG GÓP, cho Chúa “vay” cái mình đang có.

Bài đọc 1 trích từ 2V 4 thuật lại 1 phép lạ của ngôn sứ Êlisa hóa bánh ra nhiều để nuôi cả tập đoàn ngôn sứ môn đệ của ông.

  • Tình cảnh cộng đoàn thật ngặt nghèo vì người đông, trong vùng đang nạn đói, người ta phải ăn cả cỏ dại, có khi phải trúng cỏ độc (2V 4,38-41).

  • Nhưng Thiên Chúa không bỏ kẻ tin vào Người: một người tốt bụng từ Baan Salisa đã mang đến biếu Êlisa 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm.
  • Từng ấy làm sao nuôi no đám môn đệ cả trăm người đang đói? Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp truyền cho Êlisa ra lệnh cho tiểu đồng của ông phát cho đám đông ăn.
  • Phản ứng đầu tiên của tiểu đồng là nghi ngờ “có bằng này, làm sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được? Nhưng Êlisa bảo cứ làm vì đó là lệnh của Thiên Chúa. Tin vào lời Thiên Chúa, tiểu đồng thi hành lệnh của Êlisa.
  • Kết quả: tất cả đều ăn no và CÒN DƯ đúng như Lời Chúa phán.

Như vậy phép lạ đó là công trình của Thiên Chúa, Êlisa chỉ là người nghe và thừa hành Lời Chúa, còn tiểu đồng thì nghe Êlisa. Vậy một cách kín đáo, sách 2V qua chuyện này loan báo một chân lý đã được mặc khải trong Lề Luật: “con người sống không nguyên bởi bánh mà là nhờ Lời Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3); Đồng thời sau này cũng được Đức Giêsu xác nhận (x.Mt 4,4). Chính LỜI CHÚA mới là thức ăn đích thực nuôi sống trường tồn. Phép lạ chỉ là DẤU CHỈ.

Trong Tin Mừng, dấu lạ nhân bánh do Đức Giêsu làm cũng được kể theo cùng một diễn tiến:

  • Tình trạng đám dân đang theo Đức Giêsu: họ đang ở bên kia Biển Hồ nghĩa là ở trong vùng đất dân ngoại, có thể là nơi hoang vắng xa thành thị (câu 3.10); Họ đang ở tình trạng đói và không thể tìm ra thức ăn được (c.5b).

  • Đức Giêsu ý thức rõ điều ấy và tự đảm nhận trách nhiệm nuôi sống họ. Mặc dù chủ động biết rõ việc mình phải làm, Đức Giêsu cũng cần con người góp phần:

  • Đức Giêsu hỏi Philipphê để cho thấy về phía con người là vô phương (c.7)

  • Thông tin của Anrê: một em bé có 5 cái bánh và hai con cá (c.9a)

  • Lời nhận định đầy thất vọng của Anrê sau khi cho thông tin (9b)

  • Đức Giêsu can thiệp nuôi sống đám dân.

Tin Mừng trình bày phép lạ nhân bánh giống như nghi thức cử hành bí tích Thánh Thể: Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát (c.11). Vậy phép lạ này là DẤU CHỈ mời dân Chúa ý thức rằng điều Đức Giêsu mang tới không là bánh mì nuôi thể xác, điều Người muốn là dân Chúa nhận ra sức sống của LỜI NGƯỜI và TIN VÀO NGƯỜI. Đừng tôn Người làm vua để tích lũy, hưởng thụ các nhu cầu vật chất mà hãy lắng nghe lời ngôn sứ của Người tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình là “hoa màu ruộng đất” và “lao công của con người” để Người tiếp tục dấu lạ làm bánh ra nhiều, thành lương thực thần linh nuôi sống nhân loại mọi thời mọi nơi.

Bài 2

 Đức Giêsu hỏi Philipphê: “Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Ông Anrê… thưa với Người: “ở đây có một em bé có 5 cái bánh lúa mạch…” Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó… ai muốn bao nhiêu tùy ý (Ga 6,5b.9a.11).

Hôm nay là Chúa Nhật XVII B Mùa Thường Niên. Theo thông lệ thì bài đọc Tin Mừng hôm nay phải là một trích đoạn của Tin Mừng Marcô và nội dung sẽ là một tiếp nối những gì Đức Giêsu đã làm trong Chúa Nhật trước. Tin Mừng tuần trước, đã cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu và đoàn 12 tông đồ đã phải tạm gác sang một bên dự tính “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, bởi vì lòng thương xót của Chúa đã không đành bỏ mặc đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Người đã phải tiếp đón họ và dạy dỗ họ nhiều điều (x.Mt 6,30-34). Đoạn văn Tin Mừng XVI B ngưng lại ở đây. Sau đó Mc 6,35-44 tiếp tục thuật lại việc Đức Giêsu tiếp đón dân với bản văn nói về phép lạ nhân bánh. Lẽ ra Tin Mừng Chúa Nhật XVII B phải tiếp tục đọc Marcô; Nhưng phụng vụ đã sắp xếp khác một chút: cũng đọc bản văn nói về hóa bánh ra nhiều, nhưng sử dụng trình thuật của Tin Mừng Gioan 6,1-15; Rồi tiếp sau đó liên tiếp 4 Chúa Nhật nữa XVIII B, XIX B, XX B, XXI B đều sử dụng Tin Mừng Gioan chương 6 thay thế cho Tin Mừng Marcô.

Có sự chuyển đổi như thế, có lẽ là do sách Tin Mừng Marcô quá vắn gọn so với Matthêu và Luca (Theo TOB, “Nouveau Testament” năm 1983 trang 34 thì Tin Mừng Luca có 1.160 câu; Mt có 1068 câu; còn Marcô chỉ có 661 câu); do đó không thể phân chia thành những trích đoạn đủ để làm các bài đọc cho tất cả các Chúa Nhật năm B; Vì thế đúng vào thời điểm rất hợp lý này (thời điểm Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều), Sách Các Bài Đọc đã sử dụng Tin Mừng Gioan chương 6 (khá dài, được chia làm 5 trích đoạn đọc trong 5 Chúa Nhật liên tục của năm B từ XVII B – XIX B) để tạo nên một sự liên tục hợp lý trong lộ trình của Đức Giêsu đi từ Galilê lên Giêrusalem theo Tin Mừng nhất lãm.

Còn về mặt văn chương, xét theo các chi tiết cấu thành bản văn thì Ga 6,1-15 ăn khớp chặt chẽ hơn với bài đọc một 2V 4,42-44 (xem chi tiết trong bài Chủ Đề trên).

Ngoài ra chúng ta phải ghi nhận rằng “trình thuật Gioan rõ ràng tập trung tất cả sự chú ý trên Đức Giêsu chứ không nhắm mục đích nuôi dân chúng…” (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B trang 345). Thật vậy, trong Mc 6, vai trò của các môn đệ nổi bật hơn: họ chủ động đến gợi ý với Đức Giêsu giải tán đám đông để họ tự đi tìm thức ăn cho riêng mỗi người (x.Mc 6,35-36); Còn trong Ga 6, Đức Giêsu chủ động hoàn toàn (x.Ga 6,5) và thêm một số chi tiết (sẽ suy niệm sau) chúng ta có thể nhận ra điều mà Gioan muốn mặc khải rõ ràng là dung mạo Đức Giêsu. Ở đây chúng ta chỉ suy niệm tổng quát với chi tiết kết thúc bản văn:

Phép lạ của Marcô kết thúc với chi tiết đám đông được ăn no và còn dư 12 thúng đầy. Còn Gioan kết bằng một mặc khải về dung mạo của Đức Giêsu: người ta muốn tôn Đức Giêsu làm vua (Ga 6,15). Đức Giêsu từ chối cái ước muốn sai lầm ấy, nhưng Gioan dẫn vào một mặc khải chân chính vào cuối chương 6 với lời tuyên tín của “số còn sót lại” từ đám đông (chỉ còn 12 thực ra là 11, so với đám đông ban đầu là 5.000): Đức Giêsu là Đấng có Lời đem lại sự sống đời đời; là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,68-69).

1/ Bối cảnh của Ga 6,1-15:

* Thời điểm và nơi chốn: sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái (6,1). Đức Giêsu đang ở vào năm thứ hai của thời hoạt động công khai của Người. Trong năm thứ nhất, Đức Giêsu đã mừng lễ Vượt Qua tại Giêrusalem và dân chúng xem ra mê thích Người vì thấy Người làm nhiều phép lạ chứ họ thực sự chưa tin vào Người (x.Ga 2,23-25). Thật vậy, đến chương 5, khi Đức Giêsu làm phép lạ chữa anh bị liệt 38 năm và biểu lộ căn tính của Người thì người Do Thái đã quyết giết Người (Ga 5,14-18). Họ chỉ muốn hưởng cách thụ động ích kỷ những phép lạ của Người chứ không muốn đón nhận sứ điệp và con người của Người. Có lẽ vì thế, trong năm thứ hai này, Đức Giêsu hoạt động công khai ở Galilê nhiều hơn (x.Ga 6,1; 7,1). Vì thế phép lạ nhân bánh trước lễ Vượt Qua năm đó đã được Đức Giêsu thực hiện tại Galilê.

* Các yếu tố đưa tới phép lạ:

– Đông đảo dân chúng đi theo Người… động cơ thúc đẩy họ là chỉ vì “từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm…”. Đức tin của đám Do Thái Galilê cũng chẳng khác gì hơn nhóm ở Giêrusalem. Do đó kết chương 6, họ đã bỏ Đức Giêsu, tất cả.

Đám dân này có hoàn cảnh khác với đám dân trong Mc 6. Họ không phải nghe lời Chúa cho đến chiều, họ không ở trong tình trạng đói, bơ vơ như chiên không có chủ. Họ theo Chúa chỉ vì phép lạ. Thế nhưng Đức Giêsu lại đáp trả ước muốn của họ. Chủ đích là mời họ khi thấy dấu lạ thì tin vào Người. Đây là đặc nét của dấu lạ trong Tin Mừng Gioan: thấy để tin, “hãy đến mà xem” (1,39.46b).

  • Sáng kiến làm phép lạ là của Đức Giêsu: trong Nhất Lãm, chính các môn đệ lưu ý Đức Giêsu là dân chúng không có gì để ăn. Trong Gioan, sáng kiến là của Đức Giêsu, Người hoàn toàn nắm vai trò chủ động: Người biết rõ điều Người phải làm (Ga 6,6).

  • Đức Giêsu muốn “thử” đức tin của Philipphê: Đức Giêsu vẫn đặt ra câu hỏi cho Philipphê trước khi làm phép lạ là để “thử” ông (6,6), là để trắc nghiệm sự sáng suốt của lòng tin nơi ông. Động từ “thử” = poirazô gợi lại nhiều sự kiện trong biến cố Xuất Hành trong đó Thiên Chúa thử thách dân Người nhất là về chuyện “Manna” (x.Xh 16,4; 20,20; Đnl 8,2).

Vậy yếu tố chính đưa tới phép lạ chính là ý định của Đức Giêsu: Người tận dụng lòng háo hức ban đầu của đám dân chỉ muốn hưởng phép lạ cách thụ động để lôi kéo họ đến với Người; Tiếp đó Người thực hiện “dấu lạ” với những cung cách ứng xử đặc biệt khiến họ phải bừng tỉnh đặt vấn đề Người là ai (Ga 6,14: tin mừng Nhất Lãm không đề cập gì đến phản ứng của đám dân được hưởng phép lạ), Người đang từng bước một hé mở cho họ huyền nhiệm về căn tính của Người; Đồng thời, trong mối tương quan với đoàn môn đệ, Người cũng “mời họ xem”, đào tạo đức tin qua chút “thử thách”, cho các ông ý thức được sự bất lực của mình để rồi kiên vững chờ đợi cách hành động của Chúa (cũng như Môsê và Aharon bất lực trước nhu cầu nuôi, hướng dẫn dân vượt sa mạc để cuối cùng là phó thác hết vào tình yêu quan phòng, đường lối lạ kỳ của Thiên Chúa).

2/ Diễn tiến trước khi làm phép lạ:

* Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ (c.3)

Đức Giêsu không đón tiếp đám đông ngay tại bờ hồ như trong Nhất Lãm (x.Mc 6,34; Mt 14,14 “ra khỏi thuyền” là Đức Giêsu tiếp đón dân ngay). Phép lạ được mở đầu bằng việc Đức Giêsu “lên núi” (c.3) rồi tiếp dân ở đó, làm phép lạ… kết thúc cũng bằng việc “lên núi” một mình (c.15) để trốn dân. Chi tiết có vẻ giả tạo, không hợp lý. Vậy “núi” ở đây không nhằm diễn tả một chi tiết về địa lý, nhưng “như thường thấy trong Kinh Thánh và nhiều nơi khác trong Tin Mừng (x.Mc 9,2; Mt 5,1; 15,29), “núi” được dùng làm khung cảnh cho một việc mặc khải; Và tư thế “ngồi” là tư thế của một người cai trị và giảng dạy (sđd, Mùa Thường Niên B trang 340). Vậy những gì Đức Giêsu sắp làm sau đây là một tác nhân mặc khải, được chính “Đấng Mặc Khải cũng là Bậc Thầy truyền dạy cho chúng ta. Vậy điều quan trọng là qua dấu lạ phải nhận ra dung mạo mà Đức Giêsu muốn bày tỏ chứ không chỉ khư khư bám vào cái lợi trước mắt là có bánh ăn.

* Nhìn thấy đám đông, Đức Giêsu HỎI ÔNG PHILIPPHÊ để THỬ ÔNG (cc.5-6): dường như mối bận tâm chính của Đức Giêsu không nhắm vào đám đông, mà vào đoàn môn đệ mà Philipphê và Anrê là đại diện. Thật vậy, đối với đám đông, Đức Giêsu biết việc Người phải làm là gì rồi (c.6); Nhưng ở Gioan, Đức Giêsu muốn kéo các môn đệ phải chia sẻ mối ưu tư của Người. Người không “bán cái” trách nhiệm cho các ông như trong Nhất Lãm (x.Mc 6,37; Mt 14,16; Lc 9,13). Người muốn các ông thông phần, chia sẻ ưu tư với Người trong ý thức về sự bất lực rõ ràng của mình. Vấn đề là trong thực tế bế tắc như thế, các ông có đủ tín thác và tình yêu để làm chứng lệnh truyền mà Đức Giêsu sẽ chỉ bảo tiếp theo hay không.

 Với cung cách đào tạo như thế, cuối cùng điều mà Đức Giêsu thu hoạch được vào cuối chương 6 là: tất cả đám đông, lẫn môn đệ đã bỏ Người mà đi, chỉ còn lại Nhóm Mười Hai.

* Giải pháp của các môn đệ:

Philipphê và Anrê là người cư dân Betsaida nơi phép lạ xảy ra (so với Lc 9,10) nên họ dư biết ở vùng đó không thể tìm đâu cho ra số lương thực đủ để nuôi ngần ấy người. Vậy câu hỏi của Đức Giêsu (6,5) là hoàn toàn bế tắc, không tìm được lời giải đáp. Philipphê còn đưa ra một con số cụ thể để khẳng định dứt khoát rằng tình thế là nan giải.

“Quan tiền” = đennariôn là tiền công nhật 1 ngày (x.Mt 20,2) Câu 7 hàm ý: Philipphê có làm việc suốt 200 ngày cũng không đủ để giải quyết vấn đề, huống chi giờ đây đang theo Thầy tay trắng.

Câu 9, góp ý của Anrê có vẻ như thừa, mỉa mai: 200 đồng bánh còn chưa thấm vào đâu huống chi chỉ có 5 cái bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ. Tuy nhiên chi tiết nhỏ đó lại là điều Đức Giêsu lưu ý, và khởi từ bước đầu nhỏ bé đó, Đức Giêsu đã can thiệp làm dấu lạ. Chỉ một lần duy nhất trong công trình sáng tạo, Chúa tạo dựng từ hư vô; Còn về sau trong dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa làm gì đều mời gọi con người cộng tác, góp phần dù nhỏ bé.

* Giải pháp đã có sẵn trong dự tính Đức Giêsu:

– Người biết rõ từ đầu điều Người phải làm (c.6)

– Một mục đích việc Người làm là “THỬ” Philipphê; Thực chất là xem môn đệ và cả đám đông có thực sự tin vào Người hay không. Chi tiết “THỬ” gợi lại đường lối Thiên Chúa huấn luyện dân trong thời Xuất Hành phải biết tin cậy, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa (x.Đnl 8,2).

– Rồi tuần tự, Đức Giêsu mời đoàn môn đệ tiến sâu dần vào huyền nhiệm của Người qua các câu hỏi, gợi ý, lệnh truyền (cc.7-10).

Trong chương 6 này, Tin Mừng Gioan không nói gì đến giảng dạy, không đề cập gì tới việc chữa lãnh, trừ quỷ hay làm các phép lạ loại khác, chỉ nhấn mạnh đến 1 biến cố duy nhất là NHÂN BÁNH.

  • Đức Giêsu cũng tạo ra những yếu tố giúp các môn đệ và đám đông nhận ra sự bất lực của con người, để khi sự việc diễn ra tốt đẹp thì ý thức rõ và tin vào quyền năng, sự can thiệp của Thiên Chúa nơi bản thân Người.

  • Tuy nhiên, Đức Giêsu để làm được phép lạ, cũng cần đến sự đóng góp của mọi thành phần: câu 9, lời góp ý có vẻ như dư thừa chả giải quyết được gì của Anrê lại là một yếu tố trọng yếu mà Đức Giêsu rất cần để khởi đầu cho dấu lạ. Đó là phần đóng góp của đám đông, đặc biệt là của em bé quảng đại.

Với tất cả những đóng góp tưởng chừng vô nghĩa chẳng ra gì của mọi thành phần mà Đức Giêsu đã thực thi dấu lạ.

3/ Thực thi dấu lạ: (c.11)

Được gói gọn trong câu 11. Trong Tin Mừng  Gioan, ngày thứ năm tuần thánh, Đức Giêsu không lập Bí Tích Thánh Thể mà chỉ “Rửa chân cho môn đệ”. Có thể tác giả Gioan đã sử dụng trình thuật nhân bánh này để nói về Thánh Thể. Có nhiều chi tiết làm cho trình thuật này của Gioan mang một màu sắc Thánh Thể: Trước hết đó là cử chỉ Đức Giêsu cầm lấy bánh và phân phát (c.11) hình như là một ám chỉ tới Bữa Tiệc Ly. Thật vậy trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu sau khi bẻ bánh thì đích thân Người phân phát bánh cho môn đệ (x.Mt 26,26; Mc 14,22; Lc 22,14). Trong phép lạ nhân bánh này chỉ có Ga 6,11 giữ lại chi tiết đích thân Đức Giêsu phân phát bánh cho đám đông, còn các bản văn song song trong Nhất Lãm đều nói Đức Giêsu trao bánh cho môn đệ và họ phân phát cho dân (x.Mc 6,41 và song song). Rồi động từ “phân phát” và thành ngữ “tạ ơn” có thể cũng đã được vay mượn từ nghi thức Thánh Thể… (x.Sđd Mùa Thường Niên B trang 343). Rồi ngay sau dấu lạ này, chỉ có Tin Mừng Gioan là có một bài diễn từ dài về Bí Tích Thánh Thể. Rồi cũng chỉ có một mình Gioan đặt phép lạ này vào bối cảnh trước lễ Vượt Qua của người Do Thái (6,4).

Vậy trong Tin Mừng Gioan, phép lạ này vừa là một ứng nghiệm về bữa tiệc cánh chung mà Thiên Chúa đã hứa đãi muôn dân “TRÊN NÚI” (x. Is 25,6), vừa là một tiền ảnh báo trước Tiệc Cưới Con Chiên trong Trời mới Đất mới. Thật vậy, theo chương 6 của Tin Mừng Gioan thì phép lạ bánh và cá chỉ là bước dạo đầu; Còn lương thực mà Đức Giêsu muốn đãi dân là “Thịt và Máu” của Người (Ga 6,51-54). Điều mà Đức Giêsu mặc khải ra bằng lời nói ở đây thì được Tin Mừng Nhất Lãm thể hiện ra trong Bữa Tiệc Ly: Đức Giêsu biến “bánh rượu” thành “Thịt Máu” của Người.

Vậy qua chương 6 này, Đức Giêsu tỏ mình là Đấng Phải Đến hoàn tất lời hứa thiên sai của Thiên Chúa; Đồng thời báo trước Bữa Tiệc Cưới Con Chiên mà Người sắp thiết lập ngay tại thế này để làm lương thực lữ hành đưa muôn dân đến Trời mới Đất mới. Lần mặc khải trong chương 6 này không dành riêng cho đoàn môn đệ nữa (x.Ga 1,41.45; 2,11) mà mở ra cho toàn dân.

4/ Phản ứng của đám đông (6,14-15)

Họ đã hiểu đúng ý nghĩa của dấu lạ nhân bánh. Họ nhận ra Đức Giêsu chính là “Vị Ngôn Sứ” đã được Thiên Chúa báo trước qua Môsê (Đnl 18,15.18), Đấng phải đến thế gian. Chỉ tiếc một điều là thay vì nghe, tuân phục Vị Mêsia ấy như Chúa truyền thì người Do Thái đã muốn biến Đức Giêsu thành công cụ thực hiện mưu đồ, khát vọng bá quyền của họ. Họ muốn tôn Người làm Vua để khôi phục vương quốc huy hoàng (nhưng bé tí) thời Đavit (x.Cv 1,6). Đức Giêsu không muốn đáp trả lại cái nhìn lệch lạc ấy của họ nên Người “lại lánh mặt, đi lên núi” (6,15); Còn họ thì “trở mặt” ruồng bỏ Người (6,66). Và còn tệ hại hơn nữa, cuối cùng họ giết Người, vì họ muốn đi theo đường lối làm thần dân César (Ga 19,15) chứ không chịu làm con dân của “Vua dân Do Thái” (x.Ga 19,21)

Tóm: con người bên ngoài là đi tìm Thiên Chúa, là đi theo Đức Giêsu, nhưng thực chất họ đang đi tìm chính tham vọng của mình. Những dấu chỉ Thiên Chúa thương ban giúp họ gặp Người thì bị họ chiếm đoạt làm thành phương tiện phục vụ ý đồ của họ. Cái lệch lạc từ căn bản trong phận người từ thời Adam, muốn tự thể hiện mình thay vì là “hình ảnh của Thiên Chúa” đã làm nhân loại sa ngã và tiếp tục ngăn cản con người thể hiện Ý Chúa qua các dấu chỉ Người ban. Bổn phận của đoàn môn đệ là làm sao lấy đi “rào cản” ấy để “hình ảnh Thiên Chúa” được rạng sáng trong thân phận con người ngay tại thế này. Có như vậy thì các dấu chỉ Chúa thương ban mới có thể giúp nhân loại đi vào đường lối Chúa.

5/ Cụ thể bổn phận của người môn đệ là gì theo Ga 6

Chỉ xin đưa ra vài suy tư dựa theo những gì đã được mô tả trong Gioan 6.

  • Theo Đức Giêsu, bỏ bên bờ Do Thái cứng tin qua bờ bên kia của biển hồ (6,1).

  • Theo Đức Giêsu “lên núi” và “ngồi đó” với Người (6,3).

  • Chấp nhận được Đức Giêsu “thử”, để can đảm nhận ra sự bất lực của mình trước nhu cầu mênh mông. (6,5-7).

  • Đồng hành để nhận biết tiềm năng của đám đông qua chi tiết Anrê biết trong dân có 1 em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá (6, 8-9).

  • Thuyết phục được em bé (chắc là cả cha mẹ của em nữa) dám quảng đại trao hết sinh lực đó của mình cho Chúa.

  • Tin tưởng vào Đức Giêsu, làm theo lệnh truyền của Người dù chưa hiểu hết (6,10).

  • Sẵn sàng làm những gì Đức Giêsu sai bảo trong tinh thần phục vụ. Trong Gioan là “thu lại những mảnh thừa” (6,13), không để chút phung phí nào ân huệ của Thiên Chúa.

  • Quyết liệt trung thành đến cùng với Đức Giêsu và đường lối của Người cho dù tất cả đã lìa bỏ Người (6,67-69).

    Frère Pierre Đình Long FSC