LỄ DÂNG ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ

“Khi đã gần đến ngày lễ thanh tẩy… theo Luật Môsê, Maria và Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22).

          Tin Mừng hôm nay mở đầu với hành vi tuân thủ Luật Chúa của cả gia đình thánh: Maria, Giuse đem Hài Nhi lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Việc “gia đình sống đạo”, cùng nhau thờ phượng Chúa theo tinh thần Luật Chúa là phương thế để Hài Nhi Giêsu tỏ mình ra như là Đấng Cứu Độ, là vinh quang của Israel dân Chúa, là ánh sáng cho muôn dân (x.Lc 2,30-32).

          Các lần tỏ mình ra trước đây: cho các người chăn chiên, cho các người đang trọ ở Bêlem (x.Lc 2,15-18); cho các nhà chiêm tinh, dân Giêrusalem, Hêrôđê, Thượng Tế, Kinh sư (x.Mt 2,1-12) đều diễn ra tại Bêlem, nơi Hài Nhi được sinh ra. Lần này Hài Nhi rời khỏi “cung điện Bêlem” về lại cố đô Giêrusalem mà Thiên Chúa đã ban cho vương triều Đavít, về lại Đền Thờ là nơi Thiên Chúa chọn để bày tỏ vinh quang, Thánh Ý thần linh cho dân, là nơi dân đến gặp gỡ và thờ lạy Thiên Chúa. Tất cả những yếu tố truyền thống của Do Thái giáo đã loan báo trong Cựu Ước đều được Thiên Chúa sử dụng ở đây làm chất xúc tác cho Hài Nhi tỏ mình: Thánh đô Giêrusalem, Đền Thờ, Lề Luật, các đại diện cho dân Chúa: ông Simêon đại diện cho những người công chính sùng đạo hằng khát khao Chúa đến, bà Anna có thể được coi như đại diện cho những người bất hạnh nhưng luôn gắn bó với Chúa, ăn chay, cầu nguyện. Và yếu tố nền ở đây, theo Luca, đã nối kết, phối hợp tất cả là GIA ĐÌNH THÁNH đang thi hành Luật Chúa.

          Vậy GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO chính là môi trường tốt đẹp, tuyệt hảo để Hài Nhi tỏ mình cho thế giới. Chính khi sống đạo tốt, gia đình công giáo là công cụ truyền giáo hữu hiệu, ưu việt đưa Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

          ĐỐI TƯỢNG CHÍNH được Hài Nhi tỏ mình trong đoạn văn là ông cụ Simêon và Nữ ngôn sứ góa bụa đã lớn tuổi (84 tuổi) là những bậc lão thành, có thể được coi là đại diện cho lòng đạo đức truyền thông của Israel: công chính, sùng đạo mong chờ niềm an ủi của Israel (x.Lc 2,25); thủ tiết, gắn bó với Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Chúa (2,37b).

          Họ là những người đại diện cho tất cả những ai hoàn toàn tin cậy, phó thác cho Chúa; Bất chấp thực tại trước mắt là thế nào, họ vẫn tin vào Lời Chúa và kiên trì trông cậy bằng cách gắn bó với những truyền thống đạo đức của tiền nhân. Và lòng tin cậy đó đã được Chúa ân thưởng: phần thưởng là được GẶP ĐẤNG MÊSIA. Họ đích thực là con cái tổ phụ Abrahma là Đấng đã tin vào Lời hứa của Thiên Chúa cho dòng dõi đông đúc và an tâm “ra đi” khi chỉ thấy tận mắt Isaac cưới vợ, cô gái mà Abraham mong ước (x.St 24,38-41.67). Họ đích thực là hậu duệ của “cha của mọi kẻ tin” (x. Rm4,11). Và họ đã không thất vọng, thanh thản ra đi (Lc 2,29).

        Đối tượng tiếp theo được Hài Nhi tỏ mình-thật bất ngờ-lại chính là Đức Maria. Thật vậy, theo Tin Mừng Luca, lần mà Hài Nhi tỏ mình ra cho các đối tượng tại “máng cỏ” ở Bêlem thì khía cạnh Thập Giá chưa được tỏ lộ rõ nét. Hôm nay, ngay tại Giêrusalem-nơi sau này Chúa chịu đóng đinh-qua lời cụ Simeon (người công chính và sùng đạo), mầu nhiệm Thập Giá được hé lộ, và đối tượng trực tiếp đón nhận mặc khải Thập Giá là Mẹ Maria, Thập Giá đó cũng làm tan nát lòng Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt Cháu Bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2,34-35). Chính trong tư cách là Mẹ, Maria đã được Thiên Chúa tỏ bày bằng con đường mà Hài Nhi sau này sẽ trải qua để hoàn tất sứ vụ cứu độ, đồng thời mời Mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nơi bản thân mình con đường cứu độ mà Thiên Chúa sẽ trao cho Con của Mẹ.

          Vậy qua lời cụ Simêon nói với Mẹ Maria, sứ vụ và phương tiện để thi hành sứ vụ của Đức Giêsu được mặc khải. Vài nét dung mạo Hài Nhi được tỏ lộ.

          Hài Nhi này là ai?

          – Qua mặc khải của Thánh Thần cho ông cụ Simêon, Luca cho ta thấy Hài Nhi này chính là “Đấng Kitô của ĐỨC CHÚA” (2,26). Lời này làm ta nhớ tới lời tuyên tin của Phêrô (x. Lc9,20) và lời chế giễu của các thủ lãnh Do Thái thách thức Đức Giêsu đang bị treo trên Thập Giá (x. Lc 23,35). “Kitô” là dịch từ “Mêsia” tiếng Do Thái, nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”, là vị cứu tinh mà Thiên Chúa hứa ban cho người Do Thái để cứu họ. Tuy nhiên phương thức mà Thiên Chúa dùng để giúp Đấng Mêsia hoàn tất sứ vụ lại là con đường Thập Giá. Đó là lời tuyên xưng từ miệng người phàm: cụ Simêon, Phêrô, các Thủ Lãnh Do Thái; Còn mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa qua sứ thần truyền tin cho Maria thì Hài Nhi này đích thực là KITÔ-ĐỨC CHÚA (x.Lc 2,11) nghĩa là Hài Nhi Thiên Chúa.

          – Qua lời ca Nune dimiltis của cụ Simêon: Hài Nhi là Đấng Cứu Độ (2,30); là vinh quang của Israel dân Chúa (2,32b); là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (2,32a). Ơn cứu độ Hài Nhi mang đến là cho tất cả thế giới (2,31). Vậy Hài Nhi này chính là Đấng Đạp Đầu Rắn, nơi Em, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa cho Adam và Eva (x.St 3,15), cho Abrahma (x.St 12,1-2).

          Tóm lại, qua tất cả các cơ chế nhân loại lẫn tôn giáo như: gia đình, Luật Môsê, Đền Thờ, lòng sùng đạo… kể cả ác ý, sự cứng lòng từ phía con người (Hêrôđê-Thượng tế kinh sư…) đều là công cụ để Chúa tỏ mình.

          Lễ này cũng được gọi là LỄ NẾN, lễ DÂNG CON CHO CHÚA. Ước gì mọi gia đình kitô giáo luôn tỏa sáng ánh nến mà mỗi tín hữu đã nhận lúc lãnh phép rửa tội, giáo dục con cái theo đường lối Chúa để đứa con do gia đình nhân loại sinh ra được trở nên con cái Chúa; và với ơn Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi gia đình kitô giáo và từng thành viện của gia đình là “vinh quang của dân Chúa”, là “ánh sáng trần gian” nơi chúng ta đang sinh sống.

Frère Pierre Đình Long FSC