CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN-năm B

Bài 1

Ed 2,2-5; Mc 6,1-6
Chủ đề: Tình yêu của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người.

* Ed 2,3: Hỡi con người (Êdêkien) chính Ta sai ngươi đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta.
* Mc 6,4: Đức Giêsu nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình”.

Lời Chúa của Chúa Nhật XIV B Mùa Thường Niên mời chúng ta chiêm ngắm 2 yếu tố: 1 từ trời và 1 từ con người, đan chéo vào nhau tạo nên một chuỗi các biến cố thăng trầm của dòng lịch sử cứu độ. Đó là TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA VÀ THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ TỪ PHÍA CON NGƯỜI.

  • Phần Thiên Chúa, Người luôn yêu thương, trung tín, kiên trì tìm đủ cách (có khi biểu lộ ra bằng cơn giận, án phạt) để cứu độ con người.

  • Phần đáp lại từ phía con người thì lúc nóng lúc lạnh, thăng trầm thất thường theo những hứng khởi nhất thời. Tuy nhiên, giữa đám dân trở chứng như thế, Thiên Chúa vẫn lọc lựa ra được những con người làm cầu nối giữa dân với Người, truyền đạt sứ điệp của Người xuống cho dân.

Sự đáp trả thất thường của dân trước Tình Yêu Thiên Chúa đã khiến cho những người được Chúa chọn làm trung gian phải gặp nhiều khó khăn trong vai trò làm cầu nối giữa dân với Thiên Chúa. Nhưng cho dù tình huống có trắc trở đến đâu đi nữa thì người được chọn cũng phải noi gương Chúa, kiên trì, can đảm rao giảng lời, truyền đạt trung thực đến cho dân Ý Chúa và thuyết phục dân thi hành.

Tình yêu kiên trung, nhân ái của Thiên Chúa; thái độ phản nghịch, nổi loạn của dân; lòng tín trung can đảm đương đầu với mọi khó khăn để chu toàn sứ mạng của người được Chúa chọn là những điểm nổi bật, đan chéo vào nhau của Lời Chúa XIV B Mùa Thường Niên.

Bài đọc 1 là một điển hình cho mối tương quan 3 bên mà chủ đề hôm nay đề cập đến. Êdêkien được Chúa mời gọi làm ngôn sứ cho Người khoảng năm 593 TCN, bên đất lưu đày Babylon. Đối tượng mà ngôn sứ được Chúa gởi đến là đám dân bị đi lưu đày năm 579, hiện đang ở Babylon. Vương triều Đavit vẫn còn đang lây lất tồn tại ở Giêrusalem. Tình trạng bi thảm như thế mà dân chưa chịu tỉnh ngộ, chưa chịu hoán cải, vẫn ở lì trong những suy nghĩ sai trái của mình; Vì thế Chúa mời gọi đám dân lì lợm của Chúa là “dân phản nghịch, đang nổi loạn chống lại Ta, chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá…” (Ed 2,3-4).

Việc Chúa sai Êdêkien đến nói sứ điệp thần linh cho dân, cho dân biết vẫn còn “có một ngôn sứ đang ở giữa họ” (2,5) là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn còn yêu thương dân, nên vẫn lên tiếng nói chuyện với dân qua ngôn sứ, nghĩa là dân còn có phương tiện để tiếp xúc với Ý Chúa. Và Êdêkien đã phải gồng mình thực thi sứ mạng cam go, tế nhị này (c.6).

Cũng trong hướng chung của chủ đề, Tin Mừng Mc 6,1-6 thuật lại việc Đức Giêsu và các môn đệ về giảng dạy tại quê hương Người là Nadaret. Và tình trạng khó khăn mà các ngôn sứ vấp phải đối với dân Do Thái thời Cựu Ước cũng lập lại y chang như thế đối với Đức Giêsu: họ khước từ Người.

Vượt hơn tất cả mọi ngôn sứ khác, Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia mà họ hằng mong đợi, Người là Con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa nay đến viếng thăm dân Người, đến đem sứ điệp hạnh phúc thần linh cho họ: họ nghe được lời rao giảng của Người và nhận ra được giá trị của lời đó, đó là những lời khôn ngoan; họ chứng kiến tận mắt những phép lạ Người làm. Tiếc thay họ đã không nhận ra được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy để nhận ra Thiên Chúa đang thăm viếng dân Người và tin vào Người. Họ đã để cho tầm nhìn xác thịt hạn hẹp trong vùng quê Nadaret che lấp đi ý nghĩa của những dấu chỉ thiên sai: họ chỉ thấy Người là một bác thợ, con bà Maria, anh chị em Người là những người đồng hương với họ. Biết hết cả rồi mà! Gốc gác tầm thường như thế làm sao là Đấng Thiên Sai thuộc dòng tộc vua Đavit được. Và cũng như các ngôn sứ, Người đã bị rẻ rúng giữa quê hương, bà con mình. Ơn Chúa mang tới không đâm rễ nơi họ vì họ không tin.

Đó là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay gởi cho ai theo Chúa tiếp tục sứ vụ của Người: hãy can đảm đón nhận sự thật và trung tín với sứ mạng đến cùng vì lợi ích ơn cứu độ cho nhân loại.


Bài 2

Tại Nadaret, Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe sửng sốt và nói: “bởi đâu ông này được như thế?…” Ông không phải là bác thợ, con bà Maria… sao?” Và họ vấp ngã vì Người. (Mc 6,2-3).

Theo thứ tự được trình bày trong Tin Mừng Marcô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa và chiến thắng ma quỷ trong hoang địa miền Giuđê (x.Mc 1,9-13; Mt 3,1), thì Người quay về Galilê bắt đầu ngay sứ mạng thiên sai của Người. Sứ vụ công khai của Đức Giêsu được Marcô mở đầu bằng một lời giới thiệu tổng quát về hoạt động chính yếu của Đức Giêsu: “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14). Tin Mừng đó được tóm kết trong câu 15 gồm 3 ý:

1/ “Thời kỳ đã mãn”: nghĩa là thời kỳ mà Thiên Chúa đã ấn định để hoàn tất những gì Người đã đoan hứa cùng các tổ tiên, những gì mà dân Chúa mỏi mòn trông đợi GIỜ ĐÃ ĐẾN RỒI. Thời đợi chờ đã chấm dứt; Thời thiên sai bắt đầu.

2/ “Nước Thiên Chúa đã đến gần”: một trong những ước mơ của dân Cựu Ước là được thấy ngày Thiên Chúa thiết lập vương quyền của Người trên Israel và trên toàn thế giới (x.Is 52,7; Gr 3,17; Dcr 14,9…). Điều đó bắt đầu rồi nơi Đức Giêsu.

3/ Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng: “hối cải” = “sám hối” = “mêtanôêo” nghĩa là phải suy nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận (CGKPV “Kinh Thánh Tân Ước” bản có hiệu đính 2008 trang 195 nốt “l”). Để đón nhận được sứ điệp Tin Mừng do Đức Giêsu mang đến thì “hối cải” là điều cần thiết tiên quyết: phải tin nhận Đức Giêsu là chính Tin Mừng (x.Mc 1,1), rồi đón nhận đường lối hành động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Nếu không làm được điều hoán cải này thì Tin Mừng Đức Giêsu mang tới sẽ là cớ vấp phạm và kết quả là sẽ chống đối và loại trừ Người. Điều nghịch lý ấy được Marcô 1,16-3,6 tóm lược lại và đoạn Tin Mừng hôm nay là một minh họa rõ nét.

1/ ĐÓN NHẬN

Mc 1,16-3,6 có thể nói là một tóm lược toàn bộ hoạt động của Đức Giêsu:

*Theo Marcô thì việc làm đầu tiên của Đức Giêsu trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa là kêu gọi các môn đệ, thành lập cộng đoàn thiên sai (Mc 1,16-20). Thiên Chúa trong công trình sáng tạo đã dựng nên con người là một cộng đoàn (x.St 1,27c; St 2,18.24) thì trong công trình tái tạo, cứu độ, Thiên Chúa cũng hoạt động trong một cộng đoàn: Đức Giêsu không làm việc một mình đơn độc, Người thi hành sứ vụ VỚI MỘT CỘNG ĐOÀN. Và với cộng đoàn vừa thiết lập đó – “Đức Giêsu và CÁC MÔN ĐỆ đi vào thành Capharnaum” (1,21) – Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ.

* Một ngày hoạt động mẫu (Mc 1,21-34): đó là một ngày Sabat, Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, làm phép lạ ngay trong hội đường giữa cộng đoàn phụng vụ, rồi di chuyển từ hội đường tới nhà Simon, chữa lành mẹ vợ Simon, rồi chiều đến là chữa lành, trừ quỷ cho “cả thành”. Tất cả đều diễn ra trong ngày Sabat.

* Kết quả: không gặp một chút chống đối nào. Người ta nhận rằng Người là Đấng giảng dạy có uy quyền; người ta ùn ùn kéo đến với Người cho dù đó là ngày Sabat, để hưởng nhờ phép lạ. Điều đáng lưu ý là địa điểm thu hút quy tụ toàn dân không phải là hội đường mà là “nhà của Simon và Anrê”, là nơi mà người bệnh ở trong đó sau khi được Đức Giêsu chữa lành đã phục vụ “các ngài” (tức là cộng đoàn thiên sai mà Đức Giêsu vừa thiết lập).

2/ CHỐNG ĐỐI đưa tới LOẠI TRỪ

* Những thành công ngắn ngủi ban đầu chóng tan như bọt nước. Qua chương 2, chỉ “vài ngày sau” (2,1), cũng tại Capharnaum, cũng từng ấy việc như đã làm trong “ngày hoạt động mẫu”: chữa lành, gọi môn đệ Lêvi, dùng bữa trong nhà môn đệ, thế nhưng phản ứng của người Do Thái đã khác: bắt bẻ (2,6-7), truy vấn, kết tội (2,16.18.24); Họ không đón nhận lời giảng dạy của Người nữa, họ không nhìn nhận Người là Đấng có uy quyền nữa, họ dựa vào Luật để tranh luận với Người (2,1-3,5) mà mau chóng họ tìm cách giết Người cho dù không tìm ra được tội gì để kết án Người.

Lưu ý: trong Marcô, lời kết án đầu tiên người ta dành cho Người là “phạm thượng” = blasphemias (Mc 2,6 lời kết án này chỉ mới nảy ra trong ý tưởng); và lời kết án cuối cùng để giết Người mà không cần xét xử vì tìm không ra tội (Mc 14,66: cũng là blasphemias, nhưng lần này là kết án công khai do Thượng Tế công bố).

3/ YẾU TỐ TẠO ĐỔI THAY

Đức Giêsu đã tởi mở ra triều đại mới (1,15a), lập cộng đoàn mới (1,16,20), để hưởng được hồng ân đổi mới đó, Người mời con người phải “hối cải và tin vào Tin Mừng” (1,15b). Tiếc thay, con người không đáp lại lời kêu mời đó, họ chỉ thấy quyền lợi riêng tư của họ: thay vì họ hoán cải làm theo đường lối của Đức Giêsu, thì họ lại muốn bắt giữ Người phục vụ riêng cho họ. Mc 1,25-38 hé lộ cho thấy điều mâu thuẫn ấy:

Sau khi biến ngày Sabat thành ngày phục hồi, Đức Giêsu bước vào tuần mới để thực hiện dự tính của Thiên Chúa. “Sáng sớm” (1,35) đã qua ngày mới, ngày thứ nhất trong tuần, ngày khởi đầu một công cuộc mới. Trong dự tính của Đức Giêsu, việc phải làm là thực hiện ý Cha và biểu lộ ơn cứu độ phổ quát cho mọi người. Nên Đức Giêsu bắt đầu ngày mới, tuần mới bằng CẦU NGUYỆN (1,35), rồi sau đó sẽ đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa; Đó là sứ mạng chính của Người (1,38). Trong khi đó, khát vọng của đám đông chỉ là thụ động hưởng phép lạ và nhất là chỉ muốn dành Đức Giêsu cho nhóm nhỏ của mình: Họ đi tìm Đức Giêsu là trong ý hướng đó (1,37b), Đức Giêsu nhận ra thâm ý đó nên Người tạm bỏ họ để đi làm phận sự của Người. Người không quay về với họ, Người đi khắp nơi để rao giảng (1,29).

Thực ra Đức Giêsu không bỏ rơi họ. Người muốn họ đón nhận hồng ân Người mang đến đúng như dự tính Thiên Chúa. Thế nhưng họ không chịu hoán cải, thế nên “chỉ vài ngày sau” (2,1) Đức Giêsu trở lại, cũng làm từng ấy việc thì họ lại không đón nhận Người (xem phần 2/ CHỐNG ĐỐI). Một cuộc chiến đang diễn ra giữa “Thiên Chúa trung tín” và “con người phản loạn”. Thiên Chúa muốn con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì con người lại muốn nhào nắn Thiên Chúa theo khát vọng của mình. Chóp đỉnh của sự cứng lòng đó là Thập Giá Đức Giêsu (3,6). Phần Đức Giêsu – và cũng là phần của những ai theo Người – vì biết rõ đường lối của Thiên Chúa và quyết trung tín đến cùng, Đức Giêsu vẫn kiên trì rao giảng, công bố Lời Chúa bất chấp những cứng lòng từ phía con người. Lời Chúa của Chúa Nhật XIV B Mùa Thường Niên một lần nữa mời tín hữu suy niệm về Tình Yêu Thiên Chúa biểu lộ qua cách hành động lạ lùng của Người; đồng thời cũng cho thấy sự u mê, cứng lòng của con người trước dự tính của Thiên Chúa. Chuyện xảy ra khi Đức Giêsu về thăm làng quê Nadaret.

Mc 6,1-6

* Tình yêu (dự tính) của Thiên Chúa và đáp trả của con người:

Những gì được trình bày trong 5 chương đầu của Tin Mừng Marcô, giờ đây được tóm kết lại trong đoạn văn ngắn Mc 6,1-6.

  • Đường lối của Thiên Chúa: Đấng dạy dỗ những lời khôn ngoan, Đấng làm những phép lạ lớn lao mà mọi người đều chứng kiến và thán phục (Mc 6,2). Đấng đó lại chỉ là một con người bình thường, một con người mà ai cũng biết rõ lý lịch, biết nơi xuất thân (6,3). Điều đó hàm ý rằng Thiên Chúa muốn thông ban ơn cứu độ thần linh cho nhân loại ngang qua con người bình thường đó: Đức Giêsu. Từ miệng của Đức Giêsu, nhân loại sẽ nghe được lời khôn ngoan của Thiên Chúa, sẽ hưởng được những hồng ân của thời thiên sai là các phép lạ. Vậy thực tế điều mà Thiên Chúa muốn là nhân loại hãy tin vào con người đó, nhận ra trong dáng vẻ phàm nhân tầm thường đó, chính là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa (x.Mc 1,1).

  • Đáp trả của con người: đường lối đó của Thiên Chúa, dân Nadaret – cũng như nhân loại mọi thời – đã không đón nhận. Thật vậy mặc dù nhận ra Người có những lời khôn ngoan vượt bậc, Người thực hiện được những hành vi quyền năng, nhưng tiếc thay họ không có chút đổi thay nào trong tương quan đức tin đối với Người: Trước mặt họ, Người vẫn chỉ là bác thợ, con của bà Maria, là một người đồng hương đối với họ thôi (Mc 6,3).

* Sự cứng lòng tin của dân Nadaret:

– Trước tiên, Đức Giêsu sống đúng theo tinh thần luật: ngày Sabat, Người vào hội đường và giảng dạy. Trong lúc giảng dạy Đức Giêsu đã hé mở ra vài nét dung mạo thiên sai của Người: và dân Nadaret đã nhận ra được nơi Đức Giêsu một sự khôn ngoan được Thiên Chúa trao ban cho (x.Mc 6,2) và một quyền năng thần thông ngoại hạng: Đức Giêsu làm được những phép lạ của thời thiên sai (x.Mt 11,3-6). Sự khôn ngoan Thiên Chúa ban và quyền năng làm phép lạ là 2 ưu phẩm của Đấng Mêsia (x.Is 11,2, so sánh với 1Cr 1,24: Chúa Kitô chính là khôn ngoan và quyền lực của Thiên Chúa). Đứng trước lời khôn ngoan của Đức Giêsu, những sự lạ Người làm họ bái phục, họ ngưỡng mộ. Thế nhưng ngưỡng mộ về mặt lý trí chưa phải là đức tin. Thật vậy thay vì tìm hiểu các lời khôn ngoan của Đức Giêsu, tìm ra ý nghĩa của các dấu lạ, thì họ lại đi bới móc cội nguồn trần thế của Người. Họ cho rằng họ đã quá biết về Người; Và với cái biết hữu hạn đó, họ đã đi đến kết luận không tin vào Đức Giêsu. Lòng họ mãi mơ ước các điềm thiêng dấu lạ của vương triều, họ không tìm kiếm chính vương quốc mà chỉ tìm kiếm những biểu hiện trần tục của vương quốc thôi. Với tầm nhìn như thế, họ thấy nơi con người Giêsu một nhân cách gần gũi, hòa đồng với đám dân đen. Hình ảnh của Đức Giêsu khác hẳn với Thiên Chúa của Cựu Ước: xa cách, uy nghiêm, đáng sợ; Rồi nhân thân thực tế trước mắt của Người: chỉ là 1 bác thợ, con một người đàn bà bình thường của xóm làng Nadaret. Một con người như thế đó, làm sao mà làm vua được. Như vậy thay vì đón nhận dự tính của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, họ lại vẽ ra một hình ảnh Thiên Chúa theo những ước mơ của họ, và họ đòi Thiên Chúa phải bỏ dự tính từ muôn đời của Người để làm theo những mơ ước thất thường nhất thời của họ. Con người thay vì là “hình ảnh của Thiên Chúa”, thì con người lại đòi vẽ ra một ngẫu tượng cho bản thân mình. Có thể nói Mc 6,1-6 là một dạng thức của tội nguyên tổ được trình bày theo thần học của Marcô. Thật vậy, con người đã áp đặt tầm nhìn trần tục của mình lên mọi hành động của Thiên Chúa, thay vì phải chỉnh sửa con người cho phù hợp với Thiên Chúa.

* Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình: những người Nadaret cho rằng họ đã quá rõ về Đức Giêsu: nghề nghiệp, gia đình, bà con,… Và cái chết là họ đã coi những cái biết đó của họ như là chuẩn mực để xét đoán, mà họ không chịu khám phá ra cái vĩ đại do Đức Giêsu dạy dỗ, những dấu lạ thiên sai đã được ngôn sứ bao đời công bố.

“Những người Nadaret đã “nhốt”, đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong các thành kiến hẹp hòi, vụ lợi và trần tục của họ, vì thế họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ do Người mang đến… Vì thành kiến về Thiên Chúa và về đường lối của Người, họ không thể chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể hiện thân nơi con người đơn giản khiêm tốn là Đức Giêsu… Thiên Chúa của cha ông họ là Thiên Chúa làm chủ dòng lịch sử, Thiên Chúa uy hùng xẻ đôi lòng biển, Thiên Chúa tiêu diệt các quân vương hiển hách… lẽ nào lại là con người Giêsu tầm thường đang hiện diện trước mặt họ đây: (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Nùa Thường Niên B trang 291).

Dân Nadaret, cũng như chúng ta quên mất một điều, Thiên Chúa không phải là một vị thần vô tri để chúng ta chỉ cần tìm hiểu nắm giữ một lần là đủ; Thiên Chúa là sự sống, chúng ta phải tìm kiếm, kết hiệp mỗi ngày. Chúng ta là “hình ảnh của Thiên Chúa” thì chúng ta phải luôn nhìn vào Chúa và phản ánh lại cho trung thực điều mà Thiên Chúa muốn tỏ ra trong một hoàn cảnh cụ thể, Thiên Chúa hằng hữu, bất biến, nhưng với con người hữu hạn của chúng ta thì Thiên Chúa luôn có đầy sáng kiến đưa chúng ta vào những nẻo đường đầy bất ngờ.

Chúng ta phải nhớ rằng đường lối của Thiên Chúa khác và trổi vượt hơn hẳn đường lối của con người và tư tưởng con người khác với tư tưởng của Thiên Chúa (Is 55,8-9). Vì thiếu ý thức như thế cho nên bao nhiêu con đường ân sủng đã bị sự cứng lòng của ta đóng lại, bao nhiêu ân huệ đã phải ra vô ích chỉ vì ta không cởi mở đón nhận cái bất ngờ của Thiên Chúa.

Và cái bất ngờ lớn nhất của Thiên Chúa, được Marcô mở toang ra vào cuối sách Tin Mừng: “Thấy Đức Giêsu chết như thế, viên sĩ quan tuyên xưng: CON NGƯỜI này là Con Thiên Chúa (Mc 15,39). Mc 6,1-6 là một dọn đường cho Thập Giá Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC