CHÚA NHẬT THỨ XX THƯỜNG NIÊN NĂM B

 Ga 6,51-58:
BÍ TÍCH THÁNH THỂ

“Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. (Ga 6,54).Trong đoạn tin mừng Gioan 6, 51 – 58, Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm B hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng 9 từ ăn, 4 từ uống và 7 tử sống.

Bất cứ sinh vật nào cũng phải ăn phải uống mới sống được ; vì lý do nào đó mà không thể ăn uống được hay không muốn ăn uống, đều có nghĩa là tử vong. Con người có thể sống từ 5 đến 10 ngày mà không ăn, nhưng không thể sống được một ngày nếu không uống.

Về phương diện thể lý, con người phải ăn uống, về phương diện linh thiêng, con người càng cần phải ăn uống hơn.

      Mầu nhiệm Thánh Thể là một màu nhiệm trọng đại. Thứ Năm Tuần Thánh Chúa Giêsu mới thiết lập bí tích Thánh Thể; Nhưng biết con người khó hiểu và khó chấp nhận, nên ngay từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải màu nhiệm này cho nhân loại cách từ từ. Chúa đã nuôi sống dân bằng Manna. Ông Môsê bảo họ: đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn (Xh 16,15).

Ta nhớ lại tiên tri Elia, sau khi chiến thắng 450 tiên tri của thần Baal, đã phải chạy trốn hoàng hậu Izabel; Khi ông kiệt sức, chán nản, thất vọng, Thiên Chúa đã sai thiên thần đến đem bánh và nước để ông bồi bổ sức khỏe và đi về núi Horeb suốt 40 ngày đêm.(1V 19,8.)

Thiên chúa còn mời dân Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế.( Cn 9,5).

Và nhất là, trước khi giảng về phép Thánh Thể, là Mình Máu Thánh Chúa, Chúa Giêsu  đã hóa bánh ra nhiều cho 10.000 người được ăn no nê. Chúa muốn đi từ của ăn thân xác để giảng dạy về của ăn thiêng liêng.

Trường hợp của cô Têrêxa Newman, Thánh Thể vừa là của ăn thiêng liêng vừa là của ăn thể xác:

Têrêxa sinh ngày 8 tháng 4 năm 1898, trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo miền Bắc Baveria, nước Đức. Từ lễ Giáng Sinh 1926, Têrêxa kinh nghiệm một sự thay đổi đột ngột là ngưng hẳn việc ăn uống. Hằng ngày sau khi rước lễ, cô chỉ dùng vài giọt nước để giúp cô nuốt trôi Mình Thánh Chúa. Nhưng cha sở Nobert chứng thực rằng sau tháng 9 năm 1927, cô không cần những giọt nước này nữa.

Từ đó trở đi, trong 36 năm liền, Têrêxa sống mà không cần ăn uống gì cả. Mình Thánh Chúa là thức ăn duy nhất của cô. Cha Nobert, người đã cho Têrêxa rước lễ mỗi ngày cho đến khi cô chết, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng: Têrêxa thường nói với mọi người là cô sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn thêm rằng nơi Têrêxa thực đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi Ngài nói: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống.”

Câu chuyện trên minh họa lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56). Câu chuyện cho thấy Chúa ở lại một cách lạ lùng: Chúa ở lại và tỏ lộ quyền năng của Người nơi một giáo dân chỉ cần chịu lễ mà thôi, không cần ăn uống gì khác trong suốt thời gian 36 năm, mà vẫn mạnh khỏe! Chúa còn ở lại và cho người ấy dự phần vào cuộc thương khó của Chúa cả nơi thân xác lẫn nội tâm.

Sự kiện mà một người chịu lễ và không ăn uống gì khác suốt 36 năm, cũng như sự kiện về năm dấu thánh nơi thân xác với những đau đớn người đó phải chịu các ngày thứ sáu, những hiện tượng đó đã được kiểm chứng đầy đủ do các bác sĩ có thẩm quyền của Toà Thánh và của giáo phận Ratisbon của Đức Quốc.

 (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)(Trích bài giảng Bàn tiệc Chúa của Lm Carolo Hồ Bạc Xái)

Từ bánh nuôi thể xác Chúa Giêsu đã mặc khải về bánh hằng sống, về Mình Máu Thánh Ngài. Khi ta ăn thịt cá rau củ, những thực phẩm này biến thành máu thịt ta, nhưng khi ta ăn thịt và uống máu Chúa thì chúng ta  trở nên thân thể Ngài.

“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. (Ga 6,53) 

Bí tích Thánh Thể là bí  tích tình yêu, tình yêu hợp nhất: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56)

 Tình yêu này khắng khít đến độ thánh Phaolô có thể nói: “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.( Gl 2,20)

Bí tích Thánh Thể không phải là một ao tù ứ đọng, nhưng là một dòng suối tươi mát. Tình yêu cao cả đó bắt nguồn từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu  và đến tất cả mọi người chúng ta. Như chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (Ga 6,57) 

Bí Tích Thánh Thể trổ sinh hoa trái dồi dào trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta biết chia sẻ cuộc sống với người khác.

Trong lúc đại dịch Covid hoành hành, bao nhiêu bác sĩ và nhân viên y tế đang giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Họ đã ròng rã 2-3 tháng trời ở nơi nguy hiểm nhất, vất vả nhất, hầu như không có thời gian nghỉ, xa gia đình, đẫm mình trong bộ đồ bảo hộ và kiệt sức trong những ca trực. Hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và các bạn trẻ thiện nguyện cũng tham gia công tác này để xoa dịu nỗi đau thương, cô quạnh của các bệnh nhân trên giường bệnh, nhất là trong lúc hấp hối. Bao nhiêu tấm lòng vàng hỗ trợ những người khó khăn bằng nhiều cách khác nhau.

 Mẹ Têrêxa Calcutta nhận định: Những người nghèo khổ không hẳn chỉ là những người không có cơm ăn áo mặc mà còn là những người không được chăm sóc, an ủi, yêu thương.

 Thời đại @ nói ăn thịt và uống máu nghe rùng rợn, nếu không muốn nói nói là man rợ. Nhưng vẫn còn có thể hiểu được, thực tế trong đời sống thể lý: thai nhi trong bụng mẹ làm gì để sống, để phát triển, nếu không hút máu của người mẹ? Rồi khi sinh ra, cũng phải bú sữa mẹ để lớn lên. Đó không phải là uống máu mẹ đó sao?

Người ta còn kể trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.

Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra?

Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút.

“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.

Đó là lời của bà Susanna, sau khi được cứu. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ.

Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu.

Thực ra, mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể thật khó hiểu và khó chấp nhận, nếu không được Chúa ban ơn Đức Tin: Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.(Ga 6,44).

Trước các màu nhiệm trọng đại ta mới thấy  lời chúa Giêsu nói với Tôma thật là quan trọng: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. (Ga 20,29)

   Xin cho chúng con biết thân thưa như thánh Tôma: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”

 Nguyễn Đức Lân