CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A

Mt 4,1-11

Núi nơi Chúa Giêsu chịu cám dỗ.

       Bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Chay, phụng vụ cho ta nghe thánh Matthêu trình bày về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1).” Người ăn chay ròng rã 40 đêm ngày, và sau đó Người thấy đói”. ( Mt 4, 2).

       Quỷ cám dỗ Chúa lấy quyền năng con Thiên Chúa hóa đá thành bánh mà thỏa mãn cơn đói sau 40 ngày chay tịnh. Rồi nó cám dỗ Chúa về vinh quang danh tiếng và cuối cùng là phú quý, vinh hoa, lợi lộc trần thế.

        Đây cũng chính là ba cám dỗ của dân Do Thái trong hoang địa: bánh man-na (Xh 16,4), Thử thách Thiên Chúa, đòi điềm thiêng dấu lạ (Xh 17,7) và thờ ngẫu tượng (Xh 32,8); nhưng trong khi dân Do Thái thất bại trước những chước cám dỗ này, thì Chúa Giêsu lại chiến thắng vẻ vang.

       Có thể nói cám dỗ gắn liền với thân phận con người. Thật thế, ngay khi nguyên tổ loài người được tạo dựng, ông Adam và bà Eva, đã bị cám dỗ về kiêu ngạo và bất tuân. Các tổ phụ các tiên tri và cả toàn dân cũng đều bị cám dỗ. Khôn ngoan đạo đức như thánh vương David, còn không thoát khỏi cám dỗ, nói chi đến thứ dân như ta.

       Cám dỗ của chúa Giêsu cũng là những cám dỗ, những quyến rũ đối với mọi người chúng ta ở mọi nơi , mọi thời.

      Nói đến cám dỗ ta thường nghĩ đến ma quỷ, có khi ta còn hình dung ra một quái vật to lớn, đuôi dài, đen đủi, răng nanh, sừng nhọn , lưỡi đỏ, tay nắm chắc ba chỉa.

      Nếu quỷ xuất hiện dưới hình dáng đó, chắc chắn mọi người sẽ chạy xa, trẻ con sẽ khóc thét và nó sẽ không cám dỗ được ai.

     * Ma quỷ có thật, dù chúng ta không trông thấy nó. Kinh Thánh gọi nó là loài xảo quyệt (St 3,1), luôn lừa dối (St 3,13).Nó thường núp dưới những hình dáng xinh đẹp, duyên dáng, mỹ miều, khéo léo, dịu ngọt. Nhưng nó luôn chống lại Thiên Chúa và làm hại con người. Nhớ lại Kinh Bổn Đồng Ấu của ĐC Hồ Ngọc Cẩn: Hỏi ma quỷ làm gì cho ta? – Thưa: Nó chỉ cám dỗ ta phạm tội và muốn làm hại ta mà thôi.

        Bao nhiêu cám dỗ và vấp ngã về danh vọng, tiền tài hay lạc thú, sa đọa cũng đều khởi đầu bằng những lý do rất đẹp đẽ, thanh nhã, có khi đạo đức nữa .

       Cần thận trọng từng bước và biết dừng đúng thời điểm.

       *Cám dỗ thử thách là một gánh nặng , khổ đau.

      Cám dỗ, thử thách luôn hiện diện trong cuộc đời mọi người, già trẻ lớn bé, không trừ tuổi nào, địa vị nào. Có khi thuyền to thì sóng lớn. Càng giàu sang, càng vị vọng, càng nhiều cám dỗ, thử thách. Đừng tưởng mình inoxydable, miễn nhiễm, dẫu trong bậc độc thân thánh hiến hay bậc đôi bạn hôn nhân gia đình.(Cứ hỏi vua thánh Đavít- 2 Sm 11,2-5). Có khi cám dỗ và tội ác này kéo theo một loạt cám dỗ và tội ác khác.

        Hay như Phê rô, mạnh dạn: “Lạy Chúa, dẫu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa , con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33) Nhưng chỉ một đứa tớ gái dò hỏi, ông đã chối phắt: “Tôi có biết ông ấy đâu chị! ( Lc 22,57). Đừng tưởng mình đứng vững.Té ngã khi nào không hay.

        Chúa Giê su dạy chúng ta cầu nguyện: Xin chớ để chúng con SA chước cám dỗ. Người đời nói Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như  lời một danh nhân nào: Ví thử đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai? Người chiến sĩ thực sự dũng cảm là người chiến sĩ thích chiến đấu, không thích làm lính văn phòng , lính kiểng, lính ma. Và cần có mặt trận mới có chiến đấu, mới có chiến công. Càng cam go, càng hiển hách.

        Cám dỗ, thử thách luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta mọi nơi, mọi lúc và cũng thật cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng của chúng ta.

       *Cám dỗ thử thách cũng là một ân ban hồng phúc.

Cám dỗ, thử thách, tủi nhục có thể vùi dập ta xuống vực thẳm, nhưng cũng có thể nâng ta lên tới Thiên Chúa. Khổ đau, gian nan, bất hạnh  có thể đẩy ta đến bất mãn, điên dại và sự chết nhưng cũng tạo nên nhiều danh nhân, anh hùng, thánh nhân.

Có người chiến sĩ nào có chiến công mà đã không phải chiến đấu gian nan? Có vị thánh nào nên thánh mà không chịu gian nan thử thách và đã không thắng vượt?

       Cám dỗ và thử thách chính là cửa hẹp để vào nước trời. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy (Mt 7, 13-14).

      Cám dỗ thử thách xuất hiện cùng lúc Thiên Chúa tạo dựng con người và chắc hẳn nó sẽ còn đeo đẳng con người cho hết kiếp người. Ngay trận chiến đầu tiên nguyên tổ loài người đã thua tan nát. May mà Thiên Chúa đã hứa trợ giúp : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”(St 3,15).

Nhưng đối đầu với Chúa Giê su, thì ma quỷ đã thua tanh banh. “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi , chờ đợi thời cơ. (Lc 4,13)

      Cám dỗ và thử thách là gánh nặng của kiếp người, nhưng cũng là hồng ân cao cả khi được Thiên Chúa đỡ nâng. “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cr 12,9).

       Lạy chúa, xin dạy chúng con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa để khỏi sa chước cám dỗ.

  Nguyễn Đức Lân