CHÚA NHẬT THỨ II THƯỜNG NIÊN NĂM C

Ga 2, 1-12

Chum đá ở Cana chứa 80-120 lít nước. (Ga 2,6)

      Cả bốn tác giả Tin Mừng đều tường thuật những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, khi Ngài đi rao giảng, trong thời kỳ  sống công khai.  Các phép lạ đó biểu hiện quyền năng của Con Thiên Chúa xuống thế làm người,  nhưng cũng biểu lộ tình yêu thương bao la vời vợi của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu chữa các bệnh nhân mù lòa, câm điếc, què quặt, phung cùi, quỉ ám. Cả người chết, cũng được Chúa cho sống lại. Chúa chữa lành thân xác và tâm hồn họ.

      Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm gọi đó là những phép lạ, riêng tác giả Tin Mừng thứ tư gọi đó là những dấu lạ, hay là những dấu chỉ .Ý nói những sự lạ đó diễn tả một thực thể khác cao vời hơn, sâu xa hơn.

      Tin mừng thứ tư thuật lại, sau khi khi lãnh nhận phép rửa với Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan và tuyển lựa các môn đệ tiên khởi, Chúa Giêsu đã tham dự tiệc cưới tại Cana, miền Galilê.  Trong tiệc cưới có thân mẫu của Người và các môn đệ cũng được mời tham dự.(Ga 2,1-2). Đây là dấu lạ đầu tiên mở đầu  cuộc sống công khai của Chúa. Dấu lạ này bày tỏ vinh quang, quyền năng của Chúa, đồng thời  cũng cho thấy lòng yêu thương của Ngài đối với con người, đặc biệt là với đôi tân hôn, và từ đó các môn đệ đã tin vào Chúa. (Ga 2,11).

      Con Thiên Chúa xuống thế làm người, sống như người nghèo khó, cùng khổ nhất. Ngài rất gần gũi, thân tình với mọi người, chia sẻ mọi biến cố  vui buồn của con người. Cụ thể ngày hôm nay, Ngài chia sẻ niềm vui lớn của đôi tân hôn và gia đình.

      Thật ngạc nhiên, dấu lạ đầu tiên Chúa thực hiện lại  là trong một tiệc cưới, cho một đôi tân hôn. Thực khách đang phở lở. Yến tiệc đang cao điểm, nhưng sự cố bất ngờ:” Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đức Maria đã tế  nhị, nhận xét thấy  và đã can thiệp với Con mình. Sáu chum đá, mỗi chum chứa được khoảng 80 hoặc 120 lít nước (Ga 2,6). Vị chi là trên dưới 700 lít rượu. Cả làng cùng say bí tỉ. Nếu Chúa không can thiệp thì đây là một bất trắc lớn cho đôi tân hôn trong ngày trọng đại.

      Gia đình bình thường nào cũng có thể có những bất trắc. Bất trắc về vật chất: cơm áo gạo tiền.Thiếu tiền thuốc men khi ốm đau, bệnh tật. Bất trắc về tinh thần: thiếu kính trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau. Thiếu tế nhị  trong lời nói, cử chỉ. Thiếu chung thủy. Thiếu trách nhiệm giáo dục con cái. Sống bê tha, nêu gương mù gương xấu cho gia đình và lối xóm. Bất trắc trong đời sống thiêng liêng. Đức tin èo ọt, lung lạc. Sinh hoạt đạo đức hình thức, chiếu lệ.Thiếu công bằng, bác ái.

      Đức cha Ngô Quang Kiệt còn nhận xét thêm: những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa. (Trích bài SN Mời Chúa Đến Nhà-Tấm Bánh Cho Đời- Chia sẻ TM CN năm C) Chung quy là tại họ thiếu rượu Tình Yêu. Họ không mời Chúa đến nhà. Chúa không hiện diện trong gia đình họ.

      Sự sai lầm của các cặp vợ chồng là đã không xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề. Đức Cha Tihamer Toth đã hỏi các bạn trẻ: “Các bạn có biết cái tội đầu tiên mà đôi bạn Công giáo đã phạm không? Và Ngài đã trả lời: đó là khi làm đám cưới, các bạn đã mời tất cả, nào là bà con, bạn hữu, phụ dâu, phụ rể, cả thợ trang điểm, thợ may, (thợ quay phim, chụp hình), mời luôn dàn nhạc, mời hết chỉ trừ Chúa Giêsu là không có trong danh sách được mời. Cái tội đầu tiên nầy là khởi điểm của một cuộc phiêu lưu dẫn đôi bạn trẻ vào một con đường vô định, một con đường đầy bóng tối…”. (Trích trong Niềm Vui Chia Sẻ).

      Đã có một thời gian dài người ta coi nhẹ đời sống hôn nhân gia đình. Chỉ những người đi tu làm linh mục hay tu sĩ mới được coi là có ơn kêu gọi, có ơn thiên triệu. Chỉ sau công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo mới  đề cao ơn gọi hôn nhân gia đình.

      Từ lâu Kinh thánh đã dùng hình ảnh phu phụ để nói về tương quan giữa Thiên Chúa với dân Người, và dùng hình ảnh tiệc cưới để diễn tả việc Thiên Chúa ở giữa dân Người.

      *Thiên chúa tự nhận là tân lang: Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.(Is 62,5) và Ngài gọi dân riêng là: Ái Khanh lòng ta hỡi! (Is 62,4)

      *Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương (Hs 2, 21).

      *Nói chi đến cuốn Diễm Tình Ca. Nếu không được ghi trong Kinh điển Kinh Thánh, chắc chắn người ta sẽ nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn về cuộc tình cực “hot” của đôi trai gái trẻ trung, đương thì.

      Hình ảnh hôn ước này cũng được nối tiếp trong Tân Ước.

     * Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.(2 Cr 11,2).

     * Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,25)

      * Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như Tân Nương trang điểm để đón Tân Lang.(Kh 21,2)

      * Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên .(Kh 21,9).

     Chúa Kitô đã chọn Giáo hội làm hôn thê thiêng liêng. Ngài hiến mạng sống mình cho Giáo hội. Ngài là đầu của Giáo Hội. Ngài dưỡng nuôi Giáo Hội bằng chính Mình Máu Ngài, nơi bàn tiệc Thánh Thể.

     Ta có thể thấy, chắc hẳn không phải tình cờ, mà khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã tham dự và chúc phúc cho cuộc hôn nhân ở Cana, bằng cách thực hiện dấu lạ đầu tiên. Qua việc hiện diện này, Chúa Giêsu sửa soạn thiết lập hôn nhân Kitô giáo. Cả thân mẫu và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó cho thấy Thiên Chúa đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quý, đáng được ủng hộ và chúc phúc.

      Ơn gọi hôn-nhân-gia-đình là một ơn gọi linh thiêng.Trong bối cảnh hôn nhân gia đình đang khủng hoảng hiện tại, ta thấy càng cần có tình yêu, có rượu Tình Yêu và chúc phúc của Chúa Giêsu.

    Lạy Chúa, xin đến và hiện diện trong các gia đình chúng con. Xin ban thêm rượu tình yêu cho các gia đình chúng con.

                                                        Nguyễn Đức Lân