CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Bài 1

Is 60, 1 – 6; Mt 2, 1 – 12

Chủ đề: Thiên Chúa Hài Nhi tỏ mình cho chư dân, đáp lại, chư dân mang lễ vật đến tôn thờ Người.

* Is 60, 6: tất cả … đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng YAVÊ

* Mt 2, 11: họ sấp mình thờ lạy Người, rồi … lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.

          Hôm nay Hội Thánh Công Giáo Tây Phương mừng lễ Hiển Linh. Hài Nhi Giêsu tỏ uy quyền thần linh của người cho các hiển sĩ dân ngoại và họ đã nhận ra trong Hài Nhi bé mọn này chính là vị vua Thiên Sai mà các sấm ngôn từ bao đời đã loan báo và họ đã thờ lạy Người.

          Hiển Linh có gốc tiếng Hi Lạp là EPIPHANEIA được ghép lại bởi EPI có nghĩa là TRƯỚC MẶT và PHANEIS = “hiện ra”, chỉ sự biểu dương quyền uy của vua chúa hay những cuộc tỏ hiện của thần linh.

          Vào thời sơ khai của Kitô giáo, Hội Thánh mừng lễ Hiển Linh vào ngày 6/1 và thực chất là mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh là ngày Thiên Chúa tỏ mình công khai cho người thế trong xác phàm Hài Nhi Giêsu. Ngày nay Hội Thánh Công Giáo Phương Đông và một số Giáo Hội Chính Thống vẫn còn giữ truyền thống này nghĩa là mừng lễ Giáng Sinh vào 6/1. Còn Hội Thánh Công Giáo Phương Tây mừng lễ Giáng Sinh vào 25/12 là kết quả của một tiến trình kitô giáo hóa một lễ hội ngoại giáo: Lúc đạo công giáo lan qua Tây Phương thì ở đó dân thờ Thần Mặt Trời và 25/12 là lễ hội mừng “Mặt Trời Chiến Thắng”. Và sau này dù tin vào Đức Giêsu thì tập tục mừng lễ hội 25/12 họ vẫn giữ và lấn át lễ Giáng Sinh vào 6/1 không sao xóa bỏ được. Thế nên thay vì xóa bỏ, Hội Thánh đã kitô giáo hóa ngày 25/12 bằng cách biến ngày ấy thành sinh nhật Đức Giêsu vì người là “VẦNG ĐÔNG từ chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1, 78). Và ngày 6/1 trở thành lễ Đức Giêsu tỏ mình cho dân ngoại. Tuy nhiên sau Vatican II thì ngày lễ Hiển Linh thay vì cử hành vào 6/1 thì đổi thành vào Chúa Nhật sau lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1 như hiện nay. Ngoài ra các biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, Tiệc cưới Cana cũng được gọi là HIỂN LINH; Và trong truyền thống thuở ban đầu của Hội Thánh 3 biến cố Hiển Linh – Phép Rửa và Tiệc Cana được cử hành chung vào 6/1 (x. HĐGMVN, Ban Tự Vựng, “Từ điển Công Giáo”, Hiển Linh, Lễ)

    Ngày nay phụng vụ Lời Chúa lễ Hiển Linh hướng về ý nghĩa Đức Giêsu tỏ mình cho dân ngoại. Đáp lại, chư dân sẽ mang lễ phẩm đến bái phục tôn thờ Người.

          Trong bài đọc 1, Thiên Chúa tỏ mình qua việc Người dùng Kyrô, vua Ba Tư giải cứu dân Chúa khỏi cảnh Lưu đày, cho họ được hồi hương với nhiều ưu đãi. Họ về lại quê nhà lòng tràn niềm vui, trong tư thế ngẩng cao đầu. Việc tỏ mình thần linh ấy làm số phận Giêrusalem đổi thay: thành được kêu mời hãy chỗi dậy, đứng lên, bừng sáng lên để trở thành ánh sáng và nên trung tâm qui tụ chư dân.

          Muôn dân nước sẽ lũ lượt kéo nhau về Giêrusalem mang theo lễ vật quí giá để ca tụng, tôn thờ Thiên Chúa. Hình ảnh lạc đà xứ Madian, Epha, Sơva mang theo vàng, trầm hương tiến về Giêrusalem là hình ảnh báo trước cuộc triều bái của các nhà hiền sĩ phương đông trước Hài Nhi Giêsu sẽ được thuật lại trong trình thuật Tin Mừng.

          Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện các hiền sĩ từ phương đông tìm đến Giêrusalem để triều bái, suy phục “Vua dân Do Thái vừa mới hạ sinh”. Qua biến cố này, chúng ta thường nói Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại. Thật ra qua những phương thế khác nhau, Hài Nhi tỏ mình ra cho TOÀN THẾ GIỚI. Tiếc thay chỉ có các hiền sĩ đón nhận hồng ân hiển linh của Hài Nhi cho họ và sinh hoa kết quả; Còn các nhân vật khác đã có các phản ứng tiêu cực trước các dấu chỉ tỏ mình của Hài Nhi. Thật vậy: Câu hỏi “Đức Giêsu vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?” của các hiền sĩ đã làm chấn động vua Hêrôđê và cả dân thành Giêrusalem. Tiếc thay dân thành chỉ “xôn xao” rồi sau đó hờ hững bỏ qua, không màng gì tới Tin Mừng trọng đại ấy; Còn Hêrôđê thì nảy sinh ác ý, ganh tỵ tìm cách giết Hài Nhi. Rồi qua trung gian Hêrôđê, toàn thể ban lãnh đạo Do Thái giáo các thượng tế và kinh sư nghe công bố Tin Mừng! Thế nhưng họ chỉ làm công việc của con mọt sách và vô tình trở thành kẻ chỉ điểm để Herode tìm giết Hài Nhi. Riêng phần các hiền sĩ với tất cả lòng thành, họ được Thiên Chúa TỪNG BƯỚC soi dẫn, tận dụng mọi phương tiện tốt lẫn xấu và đã tới đích được Hài Nhi hiển linh: Nhờ ngôi sao họ đến được Giêrusalem và gặp được Hêrôđê; Nhờ Hêrôđê, họ tiếp xúc được với các đại diện của truyền thống Do Thái giáo đang nắm giữ những mặc khải chính xác về Đấng Mêsia; Nhờ họ, các hiền sĩ nghe được lời Kinh Thánh…Và phối hợp tất cả lại, họ đã gặp được Hài Nhi. Sau đó họ đã đổi đời, đi lối khác mà về xứ mình. Và chắc chắn rằng họ là những người loan báo tin mừng Giáng Sinh cho quê hương họ.

          Vừa giáng sinh, Hài Nhi Giêsu đã tỏ mình cho toàn thế giới! Còn phần tôi, tôi đóng góp được gì cho công cuộc HIỀN LINH của Hài Nhi vẫn còn đang tiếp diễn?

Bài 2

Is 60,1-6 ;  Mt 2, 1-12

Họ vào NHÀ, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thwof lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ 2 sau lễ Giáng Sinh 25/12. Giáng Sinh là mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa tỏ mình ngang qua Hài Nhi Giêsu. Đối tượng của những lần tỏ mình gồm nhiều thành phần khác nhau, được đề cập tới qua các lễ quan trọng trong Mùa Giáng Sinh (x. Suy niệm lễ Hiển Linh A, bài dẫn nhập trang 4-5).

Chóp đỉnh của việc Hài Nhi Thiên Chúa tỏ mình trong thời thơ ấu là biến cố các nhà chiêm tinh phương đông đến bái thờ Người và dâng lễ vật. Phụng vụ cũng quen gọi lễ này với tên là Lễ Ba Vua. Thật ra bản văn Tin Mừng không nói tới số “3” mà chỉ nói “CÁC” nhà chiêm tinh (Mt 2, 16). Có lẽ vì số lễ vật được dâng là 3: “vàng, nhũ hương, mộc dược” (Mt 2, 11b) nên “CÁC” đã trở thành “3”.

Họ là biểu tượng của muôn dân đến thờ lạy Chúa Hài Nhi; Và cũng chính họ sẽ loan tin vui Giáng Sinh ra khắp nơi khi họ “đi đường khác” theo lời sứ thần mộng báo để về lại xứ sở xa xôi của họ.

Như vậy, ngay từ lúc còn là một Hài Nhi, Đức Giêsu đã công bố Tin Mừng “Đấng Cứu Tinh đã đến” cho toàn thể nhân loại.

Trong phần suy niệm năm B, chúng ta chú tâm đến NHỮNG PHƯƠNG THẾ mà Hài Nhi Gieessu đã dùng để tỏ mình cho các nhà chiêm tinh. Không phải là một cá nhân hay chỉ một biến cố nào mà là toàn thể dòng lịch sử cứu độ được biểu lộ qua một số nhân vật, biến cố tiêu biểu. Thật vậy:

– Thiên Chúa có một dự tính từ ngàn xưa là cứu toàn thể nhân loại ra khỏi tội, chứ không chỉ giải phóng Israel khỏi tay một đế quốc nào (x. St 3, 15).

– Và trong buổi bình minh của việc thiết lập Dân Chúa, Thiên Chúa đã can thiệp mạnh mẽ để từ một gia đình hiếm muộn, người mẹ không hy vọng gì sẽ sinh con được nữa sẽ cho xuất hiện người con trai (vốn là gốc dân ngoại không biết Chúa) trở thành tổ phụ của Dân riêng của Chúa.

– Rồi ngay khi Dân Chúa còn là một đám người lưu lạc trong hoang địa thì Chúa đã soi sáng cho một ngôn sứ dân ngoại biết trước rằng: một Ngôi Sao từ nhà Giacob sẽ xuất hiện thống trị muôn dân (x. Dt 24, 17-19).

– Rồi vào giai đoạn dân Chúa còn lưu lạc lữ hành chưa vào Đất Hứa thì Chúa cũng đã khiến cho một ngôn sứ dân ngoại là Balaam (Bi-lơ-am, CGKPV) báo trước là sẽ có một ngôi sao từ nhà Giacob sẽ xuất hiện thống trị muôn dân (x. Ds 24, 17-19). “Ngôi sao” ấy là một thiên thể, nhưng cũng là biểu trưng ám chỉ một vị Minh Quân sẽ xuất hiện thực thi dự tính của Thiên Chúa.

– Và lời sấm đó được lưu truyền trong dòng lịch sử: dân Chúa lẫn dân ngoại đều giữ trong kí ức sấm ngôn về “Ngôi Sao” này. Và với ký ức đó, tất cả sống Mùa Vọng đợi Đấng Cứu Tinh Quân Vương.

– Rồi khi đến thời đến buổi, vị Minh Quân giáng trần và Ngôi Sao của Người cũng xuất hiện trên bầu trời làm dấu chỉ giúp cho ai hằng chiêm nghiệm Lời Chúa cách trung tín sẽ nhận ra và tìm đến với Vị Cứu Tinh.

– Như vậy, trước tiên Thiên Chúa dùng các hiện tượng thiên nhiên vũ trụ làm dấu chỉ: Ngôi Sao trên bầu trời. Vậy thiên nhiên cũng góp phần vào việc công bố mầu nhiệm thần linh của Ngôi Lời giáng thế. Ngôi Sao ấy xuất hiện khơi lên nơi tâm hồn những ai thành tâm mong đợi một niềm hy vọng phấn khởi, thúc họ dám rời bỏ những an toàn, tiện nghi của cuộc sống đang có để dấn than lên đường bấp bênh, lữ thứ. Các nhà chiêm tinh dân ngoại đã khám phá kịp thời sự xuất hiện và ý nghĩa dấu chỉ Ngôi Sao: một Minh Quân đã ra đời tại đất Do Thái. Và lên đường!

– Và trong tiến trình tỏ mình của Hài Nhi, các nhà chiêm tinh dân ngoại đã trở nên “ngòi nổ” đánh thức dân Chúa từ vua, quan, dân chúng, thượng tế, kinh sư…. bừng dậy ra khỏi cơn mê ngủ.

– Sự thiếu hiểu biết của các chiêm tinh về vị Thiên Sai đã được Chúa dùng làm công cụ đánh thức bạo chúa Hêrôđê. Và Chúa đã dùng ông vua độc ác tham quyền cố vị này để giúp truy tìm Đấng Thiên Sai.

– Với uy quyền của một bạo chúa, ông triệu tập được các thủ lãnh đạo Do Thái. Những người này nắm giữ truyền thống đức tin và mặc khải của dân Chúa. Nhờ họ lời mặc khải Kinh Thánh về Đấng Thiên Sai được tỏ hiện.

Họ thuộc làu làu Kinh Thánh nhưng chẳng chút động tâm khi nghe tin vui Đấng Cứu Tinh đã tới. Và vô tình họ còn là kẻ “chỉ điểm” để Hêrôđê tìm giết “vua Dân Do Thái vừa giáng sinh”.

  • Và một lần nữa, bạo chúa với các ác ý mưu đồ của ông đã là công cụ trong tay Chúa để đem mặc khải Kinh Thánh đến cho các dân ngoại.

  • Rồi với sự soi chiếu của truyền thống Do Thái, của Lời Chúa, kể cả với những mưu mô của Hêrôđê, các nhà chiêm tinh đã hiểu được ánh sáng Ngôi Sao và theo nó để tới tận nơi “ vua dân Do Thái giáng sinh”.

Tóm lại, Thiên Chúa luôn trung tín với dự tính nguyên thuỷ của Người: bất chấp những tiêu cực, ác ý từ phía con người, Chúa vẫn thực hiện điều Người đã quyết. Tất cả mọi yếu tố từ thiên nhiên (Ngôi Sao), đến sự hờ hững, ác tâm của con người, đến cơ chế, truyền thống dân Chúa là Giêrusalem, thựợng tế, kinh sư, từ Lời Chúa trung tín tới những lời dối trá của con người, của tham vọng trần thế… tất cả đều là công cụ trong tay Thiên Chúa để Người tỏ mình cho chư dân.

BÀI ĐỌC I: Is 60, 1 – 6

           Is 60 – 62 là 1 khối thống nhất ca tụng Giêrusalem vinh hiển (x. CGKPV “Các Sách Ngôn Sứ” 199 – d). Nhưng trong thực tế, dân cư vừa thoát ách Babylon, một số đã hồi hương, bàn thờ vừa được dựng lại, nhưng dân cư còn thưa thớt, công trình tái thiết Đền Thờ dang dở do bị đám dân địa phương cản phá (x. Er 4, 1 – 5), lại thêm hạn hán (x. Kg 1, 10 – 11) …, do đó tâm trạng vẫn chưa an đưa tới tâm trạng sai lầm hờn trách Chúa (x. Is 58, 3). Trong bối cảnh ấy Lời Isaia đệ tam vang lên để điều chỉnh, an ủi, định hướng cho dân:

            Phụng vụ trích đọc Is 60. 1 – 6, mời Giêrusalem vui lên vì Chúa tỏ lộ vinh quang cho Giêrusalem. Sứ điệp vui mừng hy vọng không chỉ dành riêng cho Israel mà con chiếu toả ra cho toàn thế giới nữa. Thiên Chúa tỏ vinh quang Người cho muôn dân, tính phổ quát và đại đồng của việc Chúa tỏ mình được nhấn mạnh.

           Thiên Chúa ngang qua ngôn sứ Isaia đệ tam, nhân cách hoá Giêrusalem, nói với Giêrusalem như nói với người vợ tưởng rằng mình đã bị bỏ rơi, như nói với 1 người mẹ sầu khổ vì thực tại con cái còn đầy tăm tối, rằng Chúa sẽ hồi phục, làm Giêrusalem được toả sáng. Thực vậy, dân đã hồi hương đợt 1 vào năm 538 với Sheshbaxar (x. Er 1, 8). Về đến Palestin, thực tế trước mắt không lý tưởng như lúc còn ở Babylon nghe Is đệ nhị loan báo: Giêrusalem điêu tàn: dân cư kém cỏi, nghèo, thưa thớt, lẫn lộn dân ngoại, đất đai bị bọn thực dân chiếm, nhất là người Samari, đống hoang tàn của Đền Thờ còn đó, rồi việc tái thiết gặp khó khăn … khiến những tiêu cực xảy ra trong dân hồi hương và họ đã than trách Chúa (x. Is 58, 3ab; 59, 1. 13cd). Chính trong bối cảnh như vậy, Isaia đệ tam xuất hiện, phân tích nguyên do, tình hình và loan báo ngày Giêrusalem được toả sáng, công bố sứ điệp hi vọng, vực dậy lòng tin.

  1. Loan báo hồi phục, kêu mời hi vọng (c.1)

* Đối tượng: bản hipri không ghi rõ; bản LXX và Phổ Thông ghi “Giêrusalem”

* Nội dung

– “Đứng lên”, “chỗi dậy”: “qum”: đôi khi dịch là “phục sinh” (Is 26, 19)

– “Bừng sáng lên”: “hãy trở thành ánh sáng”, “hãy là ánh sáng”

   Những cách nói loan báo số phận sẽ sáng tươi, đó là lời đáp của Chúa cho những lời than trách ở 2 chương trước: từ tình trạng đang nằm rạp (58, 5cd), được mời đứng lên, chỗi dậy: từ chỗ còn đang trong bóng tối (59, 9cd) nay được mời tỏa sáng hay nói mạnh hơn được mời trở thành ánh sáng. Tuy nhiên các từ ấy cũng hàm ý mời bỏ đi cái nhìn lệch lạc, than trách Chúa khi không được như ý (58, 3; 59, 1. 13) cần hồi tâm thú lỗi (59, 12. 20)

* Nguyên do có lời mời (c.2)

– Ánh sáng của người đến rồi

– Vinh quang Yavê như bình minh chiếu tỏa trên ngươi

   Số phận đổi thay, Giêrusalem bừng sáng không do tự sức mình, nhưng do Chúa là “ánh sáng của Giêrusalem” đã đến soi chiếu cho Giêrusalem. Hình ảnh “bình minh” gợi lên ánh Mặt Trời.

  1. Hoa trái: vinh quang cho dân Chúa (cc 2 -3): Chúa ưu đãi dân

* Chư dân tối tăm

* Còn dân Chúa tràn đầy vinh quang Chúa

          Mục đích của việc được ưu đãi không để thống trị, lên mặt nhưng là Giêrusalem phải là trung gian chiếu tỏa ánh sáng Chúa cho chư dân.

            Hình ảnh ấn tượng: Chúa là Mặt Trời, dân tạm coi là mặt trăng đêm rằm, chư dân là trái đất trong đêm tối. Trong đêm, “Trăng” “trở nên ánh sáng” cho “Trái Đất” nhờ phản chiếu ánh “Mặt Trời”

* Hệ quả; chư dân sẽ hướng về Giêrusalem lúc đó đã THÔNG PHẦN trở nên “ánh sáng”, “bình minh”.

          Lúc này đề phòng cơn cám dỗ địa đàng: có ảo tưởng muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, tưởng mình là “ánh sáng”, là “bình minh”

  1. Niềm vui, hạnh phúc của Giêrusalem: trung tâm qui tụ (cc. 4 – 6)

* Niềm vui hạnh phúc của Giêrusalem (c. 5ab)

* Thấy con cái hồi hương quy tụ về trong tình trạng được đối xứ tử tế (c.4 so Br 5, 5 – 6)

* Thấy nguồn giàu sang phú quý của chư dân tuôn về thành (cc. 5c – 6)

           Một truyền thống sống động của Israel cho rằng việc quy tụ Israel lẫn chư dân là công trinh của Đấng Mesia. Cái nhìn có hậu cảnh Mesia (x. Is 11, 10 – 12; 49, 6)

           Lời sấm về của cải chư dân có thể ám chỉ biến cố hồi hương với những giúp đỡ tận tình của các vua Ba Tư: Kyrius (Er 6, 1 – 5) nhất là Darius trong đợt hồi hương 2 với những giúp đỡ cụ thể lớn lao: Kyrius ra lệnh trích lấy tiền thuế thu được từ vùng Bên Kia Sông để chu cấp cho việc xây Đền Thờ và cung cấp đầy đủ lễ vật bò chiên để tế lễ cho Thiên Chúa (x. Er 6, 6-12).

* Lạc đà Madian và Êpha … từ Sơva kéo đến

    Madian là con của Abraham, Epha là con Madian, Sơva cũng là con của 1 người con khác của Abraham. Theo Kinh Thánh, họ được gọi là “con cái của phương đông” (X. St 25, 1- 6). Vậy việc hồi phục Giêrusalem ở đây không chỉ là cho Israel mà là cho Abraham, nghĩa là cho cả nhân loại. Với những tên kể ra đều là bà con với nhau, hàm ý khi sự hồi phục diễn ra thì mọi người sẽ nhận ra lại tất cả bà con của nhau. Vậy hạnh phúc của Gierusalem không chủ yếu là giàu có, không là thống trị, tước đoạt kiểu minh chủ- chư hầu, nhưng là do nhận ra nhau là anh em.

– Lạc đà từng đàn hàm ý của cải rất nhiều

– Vàng, trầm hương là đặc sản của Sơva: biểu tượng điều tốt nhất mỗi xứ

Những hình ảnh trên gợi lại các nhà chiêm tinh đi tìm Giêsu. Chưa nói đến mộc dược là vì mầu nhiệm Thập Giá chưa được hé mở.

  1. Tóm kết

            Bài đọc 1 cho thấy ý định của Thiên Chúa về số phận huy hoàng và sứ mạng của Giêrusalem trong tương quan với ơn cứu độ phổ quát mà Chúa dành cho chư dân: Nhờ ánh sáng Chúa chiếu rọi, Giêrusalem được hồi phục, được chiếu sáng và còn hơn nữa được trở thành ánh sáng chiếu rọi vinh quang Chúa cho chư dân. Giêrusalem sẽ là nơi quy tụ, thu hút chư dân đến để hưởng nhờ ơn cứu độ, để dâng lên Chúa lễ phẩm tôn thờ và ca khen Thiên Chúa

            Cái nhìn đại đồng, tính phổ quát của ơn cứu độ đã được đề cập đến ở đây. Niềm vui của Giêrusalem là được đón nhận ơn Chúa và đem chia sẻ cho người khác để cuối cùng tất cả họp nhau tôn vinh Chúa.

TIN MỪNG: Mt 2, 1-12

     Tin Mừng MátThêu mở đầu bằng 5 trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu, giới thiệu căn tính, sứ mạng của Người và cách Người sẽ dùng để thi hành sứ mạng

* Đức Giêsu là con Đavit, con Abraham, Người đến hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với các bậc tổ tiên (1,1-17)

* Cuộc truyền tin cho Giuse giải thích bằng cách nào Đức Giêru đã hội nhập vào hoàng tộc Đavít (1,18-25)

* Việc giáng sinh được trình bày như là cách Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại: tuyển dân lẫn dân ngoại; và thái độ đáp trả từ phía con người (2,1-12)

* Trình thuật về việc trốn qua Ai Cập (2,13-18),

* Và từ Ai Cập trở về lại quê hương (2,19-23) nhằm mặc khải Đức Giêsu là Môsê của thời đại mới, đồng thời giải thích nguồn gốc Nadarét của Người, cho dù người được sinh hạ tại Bêlem.

          Tin Mừng hôm nay trích đoạn thứ ba. Hài Nhi Giêsu tỏ mình ra, chính yếu là cho chư dân mà các nhà chiêm tinh là đại diện. Tuy nhiên, trong thực tế, bằng nhiều phương thức khác nhau, Hài Nhi cũng tỏ mình ra cho Hêrôđê và dân thành Giêrusalem, qua câu hỏi của các nhà chiêm tinh. Rồi qua Hêrôđê, Hài Nhi nhắc nhở cho các Thượng tế và kinh sư biết Chúa đã đến. Tiếc thay tất cả đều có phản ứng tiêu cực: Hờ hững, chẳng quan tâm; Tệ hơn nữa là Hêrôđê còn nảy sinh ác ý tìm giết Hài Nhi. Chỉ có các nhà chiêm tinh là đáp trả tích cực: lên đường tìm kiếm và kiên trì cho đến cùng.

          Và cũng như các mục đồng, một khi đã gặp và thờ lạy Hài Nhi, cuộc đời họ biến đổi: họ đã đi lối khác mà về xứ mình; và chắc chắn rằng Tin Mừng Giáng Sinh mà họ đã cảm nghiệm sẽ được họ loan báo cho đồng bào của họ nơi đất nước, quê hương họ đang cư trú.

           Công việc của Thiên Chúa thật tuyệt vời: vừa mới Giáng Sinh, Hài Nhi đã tỏ mình cho toàn thế giới. Thế nhưng con người đã đáp trả như thế nào?

SUY NIỆM Mt 2, 1-12

Trong bài suy niệm hôm nay, chúng ta cẩn thận đọc chăm chú Mt 2,1-12 để khám phá xem những yếu tố nào được Thiên Chúa sử dụng để tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh và được họ vui mừng đón nhận mặc khải đó.

A/ Câu trả lời thuộc lòng, hời hợt:

Nhờ đâu các nhà chiêm tinh tìm gặp được Hài Nhi và vui vẻ thờ lạy Người, tiến dâng lễ vật quý giá?

Câu trả lời chúng ta thường nghe từ nhỏ kèm theo một lời khuyên bài học luân lý là: NGÔI SAO. Vậy mỗi tín hữu chúng ta phải là một “ngôi sao sáng” để soi đường cho người khác đến với Đức Giêsu; Hoặc là chúng ta phải ngắm nhìn các “ngôi sao sáng” để biết đường đi đến với Đức Giêsu. Và thường là được khuyên phải hiểu “ngôi sao” theo nghĩa biểu tượng hơn là một hiện tượng thiên văn khoa học. Dầu vậy, “ngôi sao” vẫn không phải là tác nhân mặc khải chủ động, nó xuất hiện nhất thời và không có giá trị thường tồn. Nó chỉ là công cụ được Thiên Chúa sử dụng vào những thời điểm nhất định để làm dấu chỉ, cắm chặng các mốc, các thời điểm quan trọng của dòng lịch sử cứu độ.

Vậy vấn đề là chúng ta phải tỉnh táo đủ để nhận ra các dấu chỉ khi chúng xuất hiện, hiểu được ý nghĩa của chúng, theo gương các nhà chiêm tinh dân ngoại chứ đừng vô tâm hờ hững như dân thành Giêrusalem và các thượng tế, kinh sư. Và điều quan trọng nhất là phải can đảm từ bỏ cái an toàn, hạnh phúc đang có để chấp nhận lên đường, đối đầu với bao thử thách, bất trắc, vượt qua mọi chướng ngại để quyết tâm đi cho đến cùng. Đồng thời phải có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa rằng một khi Chúa đã cho ra dấu chỉ thì Thiên Chúa chắc chắn sẽ đồng hành với ta đến cùng. Đừng nản lòng bỏ cuộc vì lạc mất một dấu chỉ, vì phương tiện của Thiên Chúa là vô biên.

B/ Câu trả lời theo Mt 2,1-12:

Đọc kỹ Mt 2,1-12, ta có thể nói ngay được rằng nếu chỉ dựa vào yếu tố “ngôi sao” thì các nhà chiêm tinh không thể nào tìm gặp được Đức Giêsu và có thể là khó lòng “triều bái Người” vì điều hiện ra trước mắt các vị ấy chỉ là một ngôi nhà tầm thường, một bà mẹ trẻ và một hài nhi. Nhiều yếu tố đan chéo vào nhau, liên hệ hỗ tương với nhau, ta cần biện phân khám phá để có được lời đáp trả chính xác.

1/ Lời Chúa: ý định từ ngàn xưa của Thiên Chúa

Tất cả mọi yếu tố liên quan tới Đấng Mêsia đều nằm trong ý định khôn ngoan từ xa xưa của Thiên Chúa, rồi Thiên Chúa hé mở từ từ theo dòng lịch sử. Do đó không một yếu tố lẻ tẻ nào có thể cho ra lời đáp. Cần sự phối hợp và sự phối hợp đó dựa trên Lời Chúa. Các nhà chiêm tinh dựa vào đâu để khi thấy “Ngôi Sao” xuất hiện đột ngột thì nhận ra ngay đó là “Ngôi Sao” ám chỉ vào vị vua của người Do Thái? Thật ra dấu chỉ “Ngôi Sao nhà Giacob” đã được Thiên Chúa báo trước tận từ thời Xuất hành do miệng một đạo sĩ dân ngoại là Bilơam bị buộc phải chúc lành cho Israel theo lệnh Chúa: “Tôi thấy… một VÌ SAO xuất hiện từ Giacob, một VƯƠNG TRƯỢNG trỗi dậy từ Israel…” (x. Ds 24,17). Như vậy qua Lời Chúa, Thiên Chúa cũng cho dân ngoại biết trước và được tham gia vào đường lối của Người. Nhưng vua dân Do Thái sinh ra thì có liên can gì tới dân ngoại mà các nhà chiêm tinh từ phương đông phải bỏ mọi an toàn đang hưởng để lên đường dấn thân vào đường lữ hành xa xôi gian truân mà triều bái ông vua chỉ mới là một hài nhi? Thưa rằng lời sấm của Bilơam cũng báo trước vương quyền bao trùm hoàn vũ của vị vua này (x. Ds 24,17-24). Và vào thời điểm lời sấm được công bố thì Thiên Chúa đang phù trợ Israel “tiến như chẻ tre” hướng về ĐẤT HỨA; Quyền lực của dân Chúa là vô địch, bất khả kháng cự (x. Ds 22,2-4).

Như vậy yếu tố mặc khải nền tảng là LỜI CHÚA. Lời Chúa hoạt động trong suốt dòng lịch sử để hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao; Và vào những thời điểm đặc biệt, Thiên Chúa sẽ cho những dấu chỉ đặc biệt cắm chặng giúp dân Chúa định hướng. Sau thời Bilơam, Lời Chúa tiếp tục hoạt động trong dòng lịch sử để dần hiển lộ ra dung mạo của Đấng Thiên Sai. Ta có thể liệt kê vài nét chính:

  • Đấng Cứu Tinh đó sẽ là vị vua thuộc hoàng tộc Đavit (x. 2Sm 7,12.18), kèm theo vài dấu chỉ đặc biệt để nhận ra Người:

  • Mẹ của Người là một Trinh Nữ, tên của Người là Emmanuel (Is 7,14)

  • Nơi Người sinh ra là làng quê Bêlem (Mk 5,1)

Chính vì thế nên khi Hài Nhi sinh ra ứng nghiệm các Lời Chúa phán xưa thì mọi người nhận ra Hài Nhi dù nghèo hèn đó là chính Đấng Thiên Sai.

2/ Truyền thống tôn giáo:

Ngôi Sao chỉ đưa được các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem rồi biến mất. Lúc này mới thấy rõ hơn nhiệt tâm và lòng đạo đức của các chiêm tinh: Họ tìm cách giải đáp bế tắc. Với suy luận thường tình, con vua thì phải sinh ra ở cung điện, vì thế họ tìm đến với Hêrôđê để tìm hiểu “vua dân Do Thái vừa mới sinh hiện ở đâu?”. Thật là một tin kinh hoàng đối với ông vua bạo ác và tham quyền lực này. Nhưng vốn là tay chính trị cáo già, Y che đậy dã tâm và từng bước thực hiện mưu đồ. Y triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại và hỏi cho biết Đức Kitô phải sinh ra ở đâu? Và Y đã tìm được câu đáp từ đám “tham danh hám lợi” này. Chính đám này trở thành kẻ chỉ điểm để Hêrôđê biết nơi sinh của Đức Giêsu và tìm giết Người, khi họ đem Lời Chúa ra để thông tin cho Hêrôđê biết về lai lịch, gốc gác của Đức Kitô. Bọn họ, có thể nói, là kẻ gián tiếp DÙNG LỜI CHÚA để truy sát Đức Giêsu và giết các Thánh Anh Hài. Họ là những người được Thiên Chúa và truyền thống tôn giáo trao cho vai trò mục tử chăn dắt dân Chúa: họ thông thạo Kinh Thánh, có đủ quyền lực và phương tiện trong tay, lẽ ra họ phải là người đầu tiên nhận ra dấu chỉ “Ngôi Sao” và là người hân hoan loan báo tin vui cho dân Chúa. Thế mà họ lại không biết chút gì về điềm lạ Ngôi Sao xuất hiện. Và cái vô tâm, vô trách nhiệm của họ lại càng đáng trách hơn khi được Vua Hêrôđê hỏi về nơi sinh của Đức Kitô, họ không tỏ ra có một chút quan tâm nào: không hỏi gì về “Ngôi Sao”, không thắc mắc tại sao Hêrôđê lại hỏi câu đó vào lúc đêm khuya như thế này; Họ chỉ trả lời như cái máy cho xong chuyện rồi rút lui như kẻ bàng quan trước tin vui cả thể cho toàn dân: vua thiên sai, Đấng Cứu Tinh đã đến. Tệ hơn nữa, họ trở nên công cụ, cánh tay nối dài của Hêrôđê làm kẻ chỉ điểm để bạo vương biết đường và tìm giết Đức Giêsu.

Họ là những người gìn giữ, lưu truyền các truyền thống tôn giáo của Israel cách chính thức và hợp pháp, dù họ vô tâm bất xứng. Matthêu cố ý trình bày sự vô tri của Hêrôđê và dân cả thành Giêrusalem về nơi sinh của Đức Giêsu: vua và dân chỉ biết “bối rối”, “xôn xao” (Mt 2,3). Chính nhờ Nhóm Thượng Tế, kinh sư này – là đại diện cho truyền thống tôn giáo – mà Lời Chúa mới lộ rõ nét là “ánh sáng soi đường” tỏ tường dẫn lối các nhà chiêm tinh đến tận Bêlem. Lưu ý: sau khi biết Lời Chúa nhờ các người giữ truyền thống tôn giáo là Thượng Tế, kinh sư thì Ngôi Sao lại xuất hiện và lần này trở thành ánh sáng dẫn đường chính xác đưa các nhà chiêm tinh đến với Đức Giêsu.

Như vậy là LỜI CHÚA và TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO mới là yếu tố chính dẫn đường cho những ai thiện tâm đến với Chúa. Những gia bảo ấy, Chúa ban phát suốt dòng lịch sử đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách để thực sự là ÁNH SÁNG soi dẫn kẻ tin. Ngôi Sao chỉ là công cụ hữu ích nhưng nhất thời được Chúa ban vừa đủ, đúng lúc giúp ta ứng dụng Lời Chúa và Truyền Thống vào cuộc sống mà đi tìm Chúa suốt đời ta.

Tuy nhiên nhìn thái độ vô tâm, vô trách nhiệm của các Thượng Tế và kinh sư, và nhất là hậu quả kinh hoàng họ gây ra cho Đức Giêsu và dân Bêlem, các Tín hữu phải biết sợ hãi đừng để mình rơi vào tình cảnh đáng sợ, đáng nguyền rủa đó. Ngày hôm nay, tín hữu chúng ta đã có Lời Chúa, đã có truyền thống tôn giáo là Giáo Hội và hơn nữa còn có đủ phương tiện để học hỏi, chúng ta cần nhìn vào gương các nhà chiêm tinh để rút bài học tích cực cho mình.

3/ Tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành của các nhà chiêm tinh

Yếu tố khách quan đến từ Lời Chúa và Truyền Thống luôn luôn có, vấn đề còn lại là thái độ đáp trả của chúng ta: như Thượng Tế kinh sư hay như các nhà chiêm tinh? Chúng ta suy niệm một chút về thái độ các nhà chiêm tinh.

Mọi sự khởi phát với lời nói của các nhà chiêm tinh: chúng tôi đã “THẤY” Vì Sao của Người… và đã lên đường đến bái lạy Người” (Mt 2,2b). Cái “thấy” đó không phải là cái thấy thuần túy giác quan đâu, nhưng đó là cái thấy đức tin: các ông đã nhìn mọi sự với cặp mắt đức tin. Thật vậy, các nhà chiêm tinh đã được nuôi dưỡng, lớn lên trong bầu khí của niềm tin từ cha ông họ về một Đấng “Ngôi Sao Giacob”. Họ đã sống niềm tin ấy cách mãnh liệt suốt đời, do đó khi dấu hiệu “ngôi sao” vừa xuất hiện, họ đã thấy ngay, nhận ra được ý nghĩa của nó và lên đường ngay. Đức tin và lòng nhiệt thành thôi thúc họ, bằng mọi giá phải gặp cho được vị vua thần linh đó (giống như cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna trong Lc 2,25-35). Niềm tin yêu đó thôi thúc họ, điều khiển mọi quyết định và hành vi của họ, là động lực lẽ sống cho đời họ.

Niềm tin yêu đó càng rõ hơn khi họ lạc mất “ngôi sao” nơi đất khách quê người. Làm sao đây? Không thể thoái lui được! Lúc đó niềm tin yêu quy hướng tất cả về “Vị Vua vừa giáng sinh”. Phải tìm đủ mọi cách để gặp Người…

Rồi lại được nghe thêm Lời Chúa, gặp lại “ngôi sao” … các chi tiết ấy giúp họ vững tin hơn… Do đó khi gặp Hài Nhi nghèo hèn, bên cạnh Mẹ Người trong một căn nhà đơn sơ, họ vẫn nhận ra được đó là Đấng mà họ tìm kiếm. Họ xác tín là vì “ngôi sao” dẫn đường, ngôi sao của Lời Chúa đang dừng lại trên ngôi nhà.

Chóp đỉnh của đức tin và lòng nhiệt thành là việc họ đã đồng thanh “sấp mình thờ lạy Người” và dâng cho Người lễ phẩm.

Đáp lại mối chân tình của họ, Thiên Chúa đã sai sứ thần mộng báo hướng dẫn họ “đi lối khác” (vừa là “đi về bằng lộ trình khác”, vừa có ý nghĩa luân lý là “đổi đời”) mà về xứ sở họ. Về đến nơi chắc chắn là họ phải loan báo cho cư dân nơi họ sinh sống về những gì họ đã thấy, đã cảm nghiệm: Họ là những nhà truyền giáo đầu tiên về Đức Giêsu cho dân ngoại ngay khi Người vừa hạ sinh. Đường lối hành động của Chúa thật tuyệt diệu vượt sức tưởng tượng con người.

4/ Vai trò không thể thiếu của bạo vương Hêrôđê:

Khi vừa nghe tin từ các nhà chiêm tinh: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” thì Hêrôđê đã hốt hoảng vì tưởng rằng ngai vàng ông ta đang ngồi sắp tới thời đổi chủ. Nhưng vốn là tay chính trị lão luyện và tàn độc, Y đã ngay tức khắc vẽ ra trong trí một chương trình hành động (x. Mt 2,4-9a):

  • Ngay tức khắc, dù đang đêm, Y triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư để tra hỏi cho ra cội nguồn của vị Tân Vương vừa giáng thế.

  • Rồi Y đích thân đem những tin đã dò hỏi được đó, bí mật đến gặp các nhà chiêm tinh, ân cần thông tin kèm theo lời dặn dò đầy vẻ quan tâm, sẵn lòng thuần phục vị vua mới.

Nét ân cần, săn đón đó, thực ra là mưu mô thâm độc… Tuy nhiên điều mà bài suy niệm muốn đề cập tới không nhắm vào khía cạnh luân lý, chính trị, mà là thái độ của Hêrôđê có vai trò gì trong công trình của Thiên Chúa để hướng dẫn các nhà chiêm tinh đến được Bêlem, nhận ra Hài Nhi Giêsu và tôn thờ Người.

*Nếu Hêrôđê không là một ông vua! Nếu Y không phải là kẻ tham tàn say mê quyền lực, luôn sợ kẻ khác cướp ngôi… thì làm sao chỉ mới nghe qua một thông tin do những người xa lạ đưa tới vào nửa đêm, Y lại hoảng lên đến độ phải cấp tốc triệu tập “tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân” để hỏi một câu duy nhất “Đấng Kitô” (không còn là “Đức Vua” nữa) sinh ra ở đâu? Và lạ hơn nữa là TẤT CẢ Thượng Tế, kinh sư đáp ứng lời hiệu triệu của Hêrôđê. Đừng quên là trong thực tế người Do Thái không ưa gì Hêrôđê. Vậy đây là cách nói ngoa dụ nhắm vào một ý thần học: Matthêu muốn báo trước mầu nhiệm thập giá. Thật vậy sau này phe Hêrôđê và phe biệt phái liên minh với nhau tìm hại Đức Giêsu: Mt 22,15-16; Mc 3,6); và theo Nhất Lãm thì lý do mà các Thượng Tế và kinh sư dùng “chụp mũ” để kết án Đức Giêsu là vì Người xác nhận Người là Đức Kitô (Mt 26,63-66; Mc 14,61-64; Lc 24,67-71).

*Chính các thượng tế và kinh sư này mới đủ tư cách đưa ra câu đáp chính xác và hợp pháp về lời các ngôn sứ nói về cội nguồn của Đức Giêsu; Bởi vì họ là những người được trao giữ truyền thống tôn giáo của Dân Chúa.

Tuy nhiên Matthêu đã có một chút chú giải khi trích đoạn Mikha:

Mk 5,1: “hỡi Bêlem Epratha ngươi NHỎ BÉ NHẤT…” là một câu xác định nói về địa lý hành chánh, quả thật Bêlem quá nhỏ bé.

Mt 2,6: “Hỡi Bêlem… người ĐÂU PHẢI LÀ thành NHỎ NHẤT…”. Bêlem đã đổi thay số phận nhờ được Thiên Chúa đoái nhìn cho xuất phát từ đó Vị Cứu Tinh: trong quá khứ là ĐAVIT và hiện tại là Đức Giêsu.

Chi tiết trên cho thấy Matthêu đã đọc Cựu Ước dưới ánh sánh của đức tin kitô giáo: Bêlem ĐÂU CÒN là NHỎ nữa, mà là vĩ đại, vì Thiên Chúa đã chọn Nó làm nơi xuất phát hai nhân vật vĩ đại của dân Chúa. Đức Giêsu vừa là Vua, vừa là Kitô, Đấng hoàn tất mọi lời đoan hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

*Như vậy phải nói rằng: dù đầy ác ý, nhưng trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Hêrôđê cũng là một phương tiện được Chúa dùng để tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh dân ngoại. Thật vậy nếu không có ông vua bạo ác này với các ác tâm của Y thì làm sao các nhà chiêm tinh dân ngoại (bị Do Thái cho là ô uế, không nên tiếp xúc) vào lúc nửa đêm, lại có thể gặp được cả hội đồng lãnh đạo tôn giáo của Do Thái? Làm sao nghe được sứ điệp của ngôn sứ Mikha mà đến được Bêlem?

Chúng ta thấy đường lối hoạt động lạ lùng của Thiên Chúa: Người đang điều khiển dòng lịch sử và thế giới theo kiểu của Người, hướng về cùng đích mà Người đã dự tính. Tất cả đều là công cụ có định hướng, hữu ích trong bàn tay của Thiên Chúa. Vậy giá trị của cuộc sống kitô hữu là nhận ra được bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời mình qua mọi biến cố; là dần khám phá ra được vị trí, vai trò khiêm tốn của mình trong công cuộc của Chúa; và sẵn sàng vui mừng góp “hai xu” của mình vào công trình vĩ đại ấy, trao hết cho Chúa “năm cái bánh” mình đang “thủ” cho cá nhân mình, cho Thiên Chúa để Người sử dụng vào công cuộc của Người. Vậy tín hữu chúng ta phải vui mừng vì biết chắc mình có một vị trí, một vai trò trong chương trình của Thiên Chúa. Hãy mừng vui và hãnh diện góp phần.

*Một lời cảnh báo chúng ta: mặc khải, Chúa trao cho các ngôn sứ; lưu truyền mặc khải là dân Chúa; gìn giữ mặc khải là các thủ lãnh, truyền thống tôn giáo… Vậy mà ở đây người trao mặc khải cho dân ngoại lại là một ông vua dân ngoại đầy ác ý, thù nghịch với dân Chúa. Tuy nhiên ta vẫn đầy lạc quan, hy vọng, tín thác vì câu chuyện trước mắt: Hêrôđê với bao tâm huyết bày mưu để tiêu diệt Đức Giêsu, nhưng rồi chính Y đã “đá phản lưới nhà” khi mưu đồ của Y đã là một yếu tố quan trọng để Hài Nhi tỏ mình cho các nhà chiêm tinh.

5/ “Ngôi Sao tái xuất hiện”: chung cuộc, “Ngôi Sao” lại tái xuất hiện để nói lên tiếng nói cuối cùng đưa các hiền sĩ đến tận nơi Hài Nhi ở và dừng lại. Tất cả mọi nẻo đường rồi đều phải phục vụ dự tính từ ngàn đời của Thiên Chúa.

C/ Đối tượng được Hài Nhi tỏ mình là những ai?

Thường chúng ta có câu đáp nhanh là: các nhà chiêm tinh! Đúng! Họ là những người đã can đảm, kiên trì, dấn thân và tới đích: gặp và thờ lạy Hài Nhi.

Nhưng nếu hiểu “tỏ mình” là việc Chúa làm cho biết, giải bày bằng nhiều cách để giúp hiểu một sự kiện, một dự tính nào đó… thì biến cố Hiển Linh thật sự là Chúa tỏ mình cho toàn thế giới. Thật vậy:

  • Đối với các nhà chiêm tinh, Chúa tỏ mình qua “Ngôi Sao”.

  • Đối với Hêrôđê và dân thành Giêrusalem, Chúa tỏ mình qua câu hỏi chấn động của các nhà chiêm tinh.

  • Đối với các thượng tế và kinh sư, Chúa tỏ mình qua lệnh triệu tập và truy hỏi của ông vua bạo ác vào giữa đêm khuya.

  • Rồi còn một đối tượng nữa, đừng nên quên: đó là những cư dân ở nơi quê hương của các nhà chiêm tinh. Khi họ được Thiên Chúa báo mộng đi đường khác mà về… thì về đến nhà chắc chắn họ phải loan truyền những gì họ đã chứng kiến trong quá trình đi tìm Chúa. Họ là những thừa sai đầu tiên loan Tin Mừng giáng sinh cho nhân loại.

Như vậy ngay khi vừa chào đời, Hài Nhi đã tỏ mình cho toàn thế giới

  • Và rồi cái lệnh tàn sát các trẻ dưới hai tuổi ở Bêlem cũng là một dấu chỉ đủ mạnh để báo cho dân Giuđa biết rằng Vua – Mêsia đã tới.

Vấn đề còn lại là thái độ đáp trả của mỗi người.

TÓM LẠI

Hài Nhi mới hạ sinh ở Bê lem chính là Đấng Thiên Sai mà Israel hằng mong đợi. Matthêu đã sử dụng cách dồi dào các yếu tố Kinh Thánh từ hiện tượng thiên nhiên, đến thể chế truyền thống và nhất là lời ngôn sứ để tỏ lộ căn tính thần linh của Hài Nhi.

Điều lạ là tất cả các phương tiện mặc khải ấy, người Do Thái đều biết và nhất là họ đang mong chờ Đấng Mêsia, thế nhưng họ đã tỏ ra hết sức hờ hững, vô tâm trước tin mừng vua của họ đã đến, trong khi đó dân ngoại lại náo nức tìm tòi dò dẫm từng bước đến bái phục Người trong Hài Nhi bé nhỏ. Qua những nét tiêu cực của Hêrôđê, Giêrusalem, thượng tế, kinh sư, Thập Giá của Đức Giêsu được phác họa sớm: hệ quả là chỉ có ai dám chấp nhận thập giá mới nhận ra được căn tính thật của Hài Nhi.

Trong tinh thần phụng vụ: Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại thì cách thức tỏ mình tiệm tiến của Thiên Chúa được nhấn mạnh. Từng bước một, với các phương thế thích hợp, chóp đỉnh là Lời Chúa và Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa mời con người tiếp đón Người vượt qua vẻ nghèo hèn nhân loại bên ngoài. Phụng vụ mời mỗi người chúng ta mở rộng lòng để có thể nhận ra Thiên Chúa đang tỏ mình trong từng giây phút, qua mọi biến cố trong cuộc đời chúng ta và hãy thờ lạy Người trong mọi sự, đổi mới cuộc đời.

Frère Pierre Đình Long FSC