CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

MỤC TỬ NHÂN LÀNH (Ga 10,11-18).

Chúa nhật thứ tư Phục sinh, Chúa nhật kính nhớ Mục tử nhân lành, xin mạn phép trích dẫn lá thư của một người anh gởi cho người em, tân Linh mục giáo phận Kontum.

VIẾT CHO EM, TÂN LINH MỤC KONTUM

Em mến,

Nay em đã là Linh mục, là mục tử. Các đức cha, các cha giáo, các đấng các bậc đã khuyên nhủ em nhiều điều, anh không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ xin mượn lời Đức TGM Leopoldo Girelli nhắn nhủ đức tân giám mục Đa minh Nguyễn văn Mạnh, giám mục phó giáo phận Đà Lạt:

Vị đại diện Tòa Thánh cũng mong muốn Đức tân Giám mục bắt đầu cuộc hành trình giám mục bằng cách thăm viếng giáo dân để trở nên vị mục tử lắm mùi chiên như Đức thánh Cha nhắn nhủ và mang danh thánh Chúa đến cho những người chưa biết ngài” (Trích CGvDT số 2108 tr 15). 

Trong lá thơ trước anh đã mượn lời trên của Đức TGM Leopoldo Girelli để nói với em về các mục tử thiết tha với mục vụ thăm viếng. Nay anh muốn nói với em về các

mục tử lấm mùi chiên”, theo như lời khuyên của vị khâm sứ tòa thánh, và cũng là giáo huấn của ĐTC Phanxicô .

1.Mục tử lấm mùi chiên:“ Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”. (Ga 10,11)

*Năm 1926, cha Jean Cassaigne, thuộc hội Thừa sai Paris (MEP) đến Việt Nam. Ngài được chỉ định làm cha xứ Di Linh.

Giáo xứ của cha đầu tiên chỉ có 5 giáo dân gồm 3 người Việt, một “anh nuôi” và chú giúp việc. Đến với miền đất  mới cha tiếp cận  ngay với người sắc tộc bản địa; nhưng để có thể trò chuyện thân mật với họ, Ngài  tức tốc học tiếng, lúc ấy tiếng sắc tộc ở miền này chỉ mới là ngôn ngữ để nói chứ chưa có chữ viết. Ngài phải thường xuyên tiếp xúc, lần mò từ từ, và sáng tạo ra cách phiên âm, không lâu sau đó Ngài đã hiểu, nói thông thạo tiếng bản địa, Ngài còn dịch được một số kinh, bài hát ra tiếng sắc tộc;  độc đáo hơn, ngày 28.12.1929 lần đầu tiên một cuốn tự điển tiếng K’Ho do Ngài biên soạn được xuất bản trước sự thán phục của nhiều người.

Buổi đầu về nhận xứ  Ngài bận bịu với biết bao công việc, một mặt lo truyền đạo, dạy đạo,  mặt khác là nâng cao đời sống, dân trí cho bà con, ban ngày Ngài qui tụ trẻ em  để dạy chữ, chiều đến phải  lo cho các lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối lại dạy học cho người lớn. Đâu chỉ có thế, lúc ấy Ngài còn có biệt danh”Oâng lớn làm thuốc”, bất cứ ai đau ốm đều tìm đến Ngài để được chữa trị hoặc được phát thuốc, mọi người qúi mến Ngài, xem Ngài như vị cha chung. Sự tận tâm tận lực của Ngài đối với những người nghèo, người phong cùi cùng với sự tác động của Thánh thần chiều ngày 7.12.1927 một người phong cùi trong cơn nguy tử đã xin Cha rửa tội. Ngài sung sướng thốt lên:” Đây là niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau ngày mình được chịu chức và dâng lễ mở tay”.Kể từ  đó số giáo dân bắt đầu tăng lên, một năm sau giáo xứ Di Linh đã có 48 tín hữu, và cứ tăng dần theo thời gian, bao lao nhọc, vất vả của “người gieo giống” nay đã  tới mùa gặt hái…

Ngày lễ kính thánh Gioan Baotixita 24.06.1941  Ngài được tấn phong Giám mục và là Giám quản Tông tòa Giáo phận Sài Gòn. Nhưng sau 14 năm, khi bước vào tuổi 60 (cuối  năm 1955) Ngài xin từ chức để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để  phục vụ làng cùi.

Phần mộ của ngài ở ngay trong trại cùi Di Linh. Ngài muốn ở lại với con cái ngài ngay cả khi đã qua đời. Hội đồng giám mục Việt Nam và Giáo phận Đà Lạt đang tiến hành lập hồ sơ phong thánh cho ngài.(Xem Biên bản Hội nghị HĐGM VN lần 1/2021 từ 14 đến 17 /4/2021).

*Người ta thuật lại Đức cha Seitz có lần trên đường từ Sàigòn về Kontum, ngài đã gặp một chiếc xe tư nhân bị hỏng máy dọc đường. Những thập niên 50, 60 thế kỷ trước, con đường này còn hoang vắng, còn nhiều thú dữ, trời lại đã về chiều. Gia đình đang lo lắng thì xe đức cha đi tới. Ngài dừng lại hỏi thăm. Người chủ xe, cha gia đình, ngạc nhiên vì nghe ông tây nói tiếng Việt, giọng Bắc Hà nội rành rọt. Ông ta miêu tả tình trạng của xe. Đức cha liền kiểm tra máy, rồi lấy tấm lót và chui xuống gầm xe, chỉnh sửa. Sau chừng 20 phút  chiếc xe vận hành trở lại. Người chủ xe cảm ơn rối rít, xin địa chỉ đức cha. Mấy ngày sau ông tìm đến  tòa giám mục. Ông cảm phục, khi biết đó là giám mục cai quản cả Kontum, Pleiku và Ban mê Thuật. Sau đó ông ta và gia đình xin trở lại đạo công giáo.

*Trong phòng khách Tòa Giám Mục Kontum em có thể trông thấy, bên cạnh chân dung các Giám mục, có hình của cha Giuse Hoàng Ngọc Minh và cha Théophile Bonnet. Cha Minh bị sát hại trên đường đi thăm giáo dân  Sédang ngày 28 tháng 9 năm 1960 tại giáo xứ Kondu, quận Dakto. Đức cha Seitz, giám mục chánh tòa Kontum lúc đó, cần một cha khác thay thế cha Minh. Một linh mục trẻ, Cha Théophile Bonnet (MEP, tên Việt Nam là cha Quý) tình nguyện lên thay. Năm sau  ngày 13 tháng 12 năm 1961, ngài cũng bị sát hại tại Kon kơ la, thuộc giáo xứ Kondu.

Để ghi nhớ sự hy sinh của  2 cha này, đức cha Seitz đã lập một bệnh viện lớn tại thị xã Kontum đặt tên là bệnh viện Minh-Quý.( Nay là bệnh viện quân đội).

 *Hay như cha Augustino Nguyễn Viết Chung. Tình cờ đọc được trên một tờ báo về cuộc sống của Đức cha Cassaigne, chàng sinh viên Phật tử Nguyễn viết Chung quyết noi gương đức cha. Chàng trở lại đạo Công giáo, đi tu dòng Thánh Vinh Sơn, làm linh mục. Ngài được nhà dòng phát cho mấy áo mới. Nhưng mấy hôm đã thấy ngài mặc áo cũ. Hỏi ra, mới biết ngài đổi cho các thầy, ngài nói các thầy trẻ, đi học, cần áo mới hơn. Nghe nói có lần mọi người thấy cả ngày cha như thẫn thờ, bứt rứt, mãi đến tối mới thấy ngài vui. Thì ra có người tặng cha 5000 đô la. Ngài không biết cho ai được. May quá, ngài biết được một em bé cần mổ tim, ngài cho hết số tiền đó. Ngài phục vụ người phung và sida tại Sàigòn và Kontum nhiều năm trước khi qua đời ở tuổi 62, mới đây tại Sài gòn.

 Ngài là bạn với cha Quang cùi, ở Yaly, Pleiku. Cha Quang có biệt danh Quang cùi là vì trước khi làm Linh mục, bác sĩ Quang cũng từng giúp trại cùi Bến Sắn cùng với bác sĩ Chung. Nếu muốn biết thêm về cuộc sống đặc biệt của cha Chung, em có thể liên hệ với cha Quang.

2.Mục tử lấm mùi chiên: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.(Ga 10,10)

*Có cha ở tận Dakto, mở một cửa hàng nhu yếu phẩm bán bằng giá dưới tỉnh. Ngài xuống tỉnh mua nước mắm, muối, đường, cá khô, mắm tôm, bột ngọt, …bán lại cho giáo dân người sắc tộc, bằng giá mua. Người Kinh bán cho họ giá gấp đôi, gấp ba. Ngài chịu tiền chuyên chở. Làm sao mỗi tháng cửa hàng không lỗ quá 500.000 là coi như có lời rồi.

Người Thượng còn đi vào rừng hái măng le về bán. Cha chỉ cho họ cách đắp lò xấy măng, thu gom và gởi về các tỉnh bán cho được giá, giúp giáo dân tăng thu nhập.

*Đức cha Alexi Phạm văn Lộc, trước năm 1975, khi chưa làm giám mục, ngài cũng mua hàng tấn gạo từ Sàigòn về để bán huề vốn, bán thiếu, bán chịu hoặc đổi nông phẩm cho người Thượng.

*Nghe nói cha Tổng đại diện Nguyễn vân Đông hàng tháng đều đi Qui Nhơn mua mắm. Ngài lại đến các lò mổ heo, mua thịt ba rọi về nhờ người làm mắm xả tặng cho các phụ nữ sắc tộc đang mang thai tại các buôn làng để họ dưỡng thai.Ngài mua tận gốc, tặng tận ngọn cho giá thành hạ.

*Cha Bùi Đình Thân, tuy ở Canada nhưng lòng luôn hướng về Kotum. Hàng năm ngài đều tổ chức đại nhạc hội gây quỹ, lấy tiền gởi về Kontum.Thỉnh thoảng ngài còn mời một số bác sĩ thân quen về Kontum khám bệnh và phát thuốc. Nghe nói đoàn còn mang nhiều dụng cụ y khoa, nha khoa và thuốc về để phục vụ và cố tình để quên lại , khi rời Việt Nam.

*Thời gian gần đây, nông dân khốn khổ vì chuối ế, dưa hấu ế. Không người thu mua. Nhiều mục tử đã hô hào giáo dân mua giúp để nông dân bớt bị lỗ.

Có giáo xứ, cha xứ hô hào dân ăn thịt heo giúp những hộ chăn nuôi gặp khó khăn trong giáo xứ.

*Có những chuyện cao siêu, ta có thể suy niệm được, nhưng có những chuyện nhỏ nhặt đôi khi ta lại không tìm ra lời giải đáp.

Có lần, hơn 10 giờ đêm, cha xứ được báo có người trúng độc , bất tỉnh, cần đi cấp cứu. Cha cho một thày lấy xe nhà xứ chở đi bệnh viện. Sau hơn nửa giờ cấp cứu, người bệnh tỉnh lại. Bác sĩ hỏi ăn gì mà trúng độc, bất tỉnh. Người bệnh nói là ăn lá mì. Bác sĩ dặn: Từ nay không được ăn lá mì nữa nhé. Người bệnh hỏi lại: Vậy ăn gì, bác sĩ?

3.Mục tử lấm mùi chiên: “Con nào bị thương, ta sẽ băng bó.Con nào bệnh tật ta sẽ làm cho mạnh.(Ed 34,16b)

*Ở những giáo điểm truyền giáo, các cha nhiều khi còn phải đóng vai một y sĩ. Có người còn nói các cha phải học ngành hộ sinh nữa. Chuyện tưởng như đùa mà lại là thật. Cha Simon Phan văn Bình kể  lại. Có lần ngài được mời đến thăm một sản phụ đang lâm bồn, khó sanh. Ngài muốn khuyên sản phụ cố rặn, nhưng ngài không biết tiếng Banahr “rặn”nói thế nào. Ngài liền ngồi chồm hổm, nhăn mặt,ẹ,ẹ,ẹ… Sản phụ bật cười,  “đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc1,44) và vung ra khỏi lòng mẹ.

Cha Bùi Đức Vượng còn kể lần nọ, trời sẩm tối rồi mà cha Radelet (cố Gia)- lúc đó đang coi xứ ở quận Thuần Mẫn- ghé nhà xứ Phú Bổn. Hai tay ngài bê bết máu. Cha Vượng tưởng ngài bị tai nạn. Không, ngài chở một sản phụ về nhà thương tỉnh để sanh. Đường nhiều ổ voi, xe xóc. Em bé chào đời ngay trên xe. Thế là cha phải làm bà đỡ bất đắc dĩ.

*Trên đường lên Đức Mẹ Măng Đen, đến làng Kon jơ Dreh, em sẽ gặp một trạm xá có tên là Cao Thượng. Sao nghe có vẻ như bài học Nhân bản vậy? – Không, đây là một trạm  xá do các cựu chủng sinh CVK và KMF trên toàn thế giới xây dựng và nuôi dưỡng. Nhưng đàng sau đó là hình ảnh của cha Faugère ( cố Cao, tên Việt Nam). Ngài là một cha thừa sai Pari (MEP), cánh tay phải của đức cha Seitz từ Hà Nội vào đến Ban mê Thuật, Kontum. Ngài là giáo sư chủng viện Kontum, ngoài việc làm y sĩ chăm sóc sức khỏe, ngài còn là bác sĩ linh hồn cho bao thế hệ chủng sinh .  Ở chủng viện Kontum cũng giống như các chủng viện Xuân Bích, các chủng sinh tùy ý lựa chọn cha linh hướng trong các cha giáo. Cha Faugère bao giờ cũng đông con linh hướng nhất.

4.Mục tử lấm mùi chiên: “Tôi biết chiên tôi và chiên của tôi biết tôi. (Ga 10,14)

*Thời đại @, bùng nổ thông tin, anh biết một cha xứ ở Dak Nong, giáo phận Ban mê Thuật. Ngài lưu gần hết số điện thoại của giáo dân trong xứ, đặc biệt là những nhà có vấn đề hoặc có người đau yếu nặng. Nhất là số điện thoại của những người nằm chữa bệnh tại các nhà thương ở xa. Mỗi tối khoảng 8g30 đến 9 giờ, ngài gọi điện hỏi thăm từng người. Nhiều bệnh nhận xúc động, khóc sướt mướt trong điện thoại. Vì con cái họ, có khi bận rộn chuyện làm ăn, cũng lơ là.

Cha còn bắt các thiếu nhi phải ghi số điện thoại của cha vào đầu sổ Giáo lý. Cha yêu cầu các em, mỗi khi có chuyện vui buồn gì đặc biệt phải gọi cho cha. Có em nói : Thưa cha nghe cha giảng về người Samaria nhân hậu, nay nhóm chúng con đi thăm người bạn mới bị tai nạn.   Có em gọi điện báo cho cha là bố mẹ em đang cãi nhau inh ỏi…  Hay có em gọi báo tin bố em, nhậu xỉn về, đang mắng nhiếc bà nội. Có em báo tin chú em đang tổ chức đánh bạc. Cha liền xách xe chạy đến thăm. Giáo dân đồn: cha có điệp viên khắp nơi..Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Có lẽ nhờ thế mà giáo xứ bớt đi nhiều tệ nạn.

Mỗi tuần chắc cha tiêu phí không ít thời giờ và tiền bạc…Nhưng anh nhớ, không biết đã đọc ở đâu là ĐGH Phanxicô mỗi tháng ngài đích thân trả lời cho từ 50 đến 80 lá thư do các thiếu nhi gởi đến cho ngài.(Một ngày của ngài dài 24 hay 48 giờ?)

*Giáo phận Nha Trang thời đức cha Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận, khá đông đại chủng sinh, ở Giáo Hoàng Học viện Piô X, Đà lạt, ở ĐCV Xuân Bích, Huế,và ở chủng viện Lâm Bích. Nhưng đến lễ bổn mạng của thầy nào, đức cha cũng đích thân viết thơ chúc mừng. Thỉnh thoảng ngài còn gởi khô mực cho các thầy lai rai . Có khi các thầy ghé tòa giám mục, buổi tối đức cha cùng tắm biển và ăn hột vịt lộn ở bờ biển. Tòa giám mục ở sát ngay bờ biển.

*Anh còn biết một cha cvk 59, hiện là cha chánh xứ một giáo xứ ở Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc. Cha biết mặt và biết tên hầu hết các thiếu nhi, kể cả các em nhỏ. Cha còn biết rõ cha mẹ các em.Trước thánh lễ, cha thường đứng cuối nhà thờ, vừa để chào hỏi những người đến dâng lễ, vừa để nhắc nhở họ vào nhà thờ, mặc dầu cha chẳng cần nói lời nào. Họ tự động vào nhà thờ, vì ngại với cha (quen mặt quá mà). Các bạn trẻ hơn thì ngại cha nói lại với bố mẹ. Khác với nhiều giáo xứ, có khi cha xứ lên tòa giảng la lối, mắng nhiếc nặng lời mà giáo dân vẫn không chấp hành.

 Có hàng trăm cách để ” lấm mùi chiên”.Quan trọng là mục tử có muốn gần chiên hay không.

 Tha lỗi cho anh vì bố đời mà dám giảng cho ông cha. Thực ra anh chỉ mong muốn em là mục tử như lòng Chúa mong ước và như lòng dân mong đợi.

Anh của em.
Nguyễn Đức Lân