CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – Năm C

Ga 10, 27-30
MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa Nhật thứ tư phục sinh thường được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành hay Chúa Nhật mục tử nhân lành.

      Mục Tử và đoàn chiên là một chủ đề rất quen thuộc trong Kinh Thánh. Nhiều người Do Thái sống du mục bằng nghề chăn nuôi chiên cừu. Đây là một loại động vật chậm chạp, hiền lành, rất dễ bị thú dữ săn đuổi và ăn thịt. Người chăn chiên cần hiện diện để hướng dẫn, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên . Hình ảnh người mục tử rất gần với dân Do Thái. Họ nhận Thiên Chúa là Mục Tử của họ. (Tv 23).Trong Tân Ước Chúa Giêsu xác quyết: 

Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Ga 10,11)
Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.(Ga 10,10)
“Tôi biết chiên tôi và chiên của tôi biết tôi”. (Ga 10,14)

      Trong Cựu Ước, Chúa còn phán: Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc Ta sẽ đưa về; Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh”.(Ed 34,16).

      Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói: Người  chăn chiên phải mang lấy mùi chiên. Khi ta ngồi trong phòng kín, hút thuốc, khói thuốc sẽ quyện vào người, vào tóc, vào quần áo. Cũng vậy, người chăn chiên đi với đàn chiên, mùi chiên phải quyện vào người chăn chiên.

      Đoạn Tin Mừng chúa nhật thứ tư Phục Sinh năm C, Ga 10,27-30 hôm nay, ngắn gọn, chỉ có bốn câu, Nhưng ta cũng thấy được những việc làm của người chăn chiên và thái độ của chiên cần có.

      *Trước hết người chăn chiên phải gọi, phải nói với chiên.(nghe tiếng tôi, Ga 10,27). Nhất là nơi hoang mạc xa vắng, thung lũng sâu thẳm. Người Việt Nam không có kinh nghiệm với chiên cừu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm với trâu, bò, chó, mèo. Chỉ khi chủ nuôi gọi, những con vật này mới về nhà, mới lại gần. 

      *Người chăn chiên biết chiên: Tôi biết chúng (Ga 10,28). Động từ “biết” trong tiếng Việt không sâu đậm bằng các ngôn ngữ khác.Tiếng Pháp connaitre, theo chiết tự, có nghĩa là cùng sinh ra với. Tiếng Anh understand có nghĩa là đứng ở dưới. Nói chi đến chữ “biết” của Kinh Thánh:“tôi không hề biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).

     *Người chăn chiên hiến mạng sống mình vì đoàn chiên: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Ga 10,11).

      *Người chăn chiên sẵn sàng bảo vệ  đoàn chiên khi thú dữ đến: Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (Ga 10,28).

  Đáp lại, đoàn chiên phải có bổn phận:

*Nghe tiếng chủ chăn: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi.(Ga 10,27).
*Và phải theo chủ chăn: Và chúng theo tôi (Ga 10, 27b).

      Chúng ta thường coi các giáo hoàng, các giám mục, các linh mục, các tu sĩ là các vị Mục Tử, còn giáo dân là con chiên, có người khôi hài, là thằng chiên.  Điều này chắc hẳn không sai. Hôm nay cũng còn là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ, chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài có được các đặc điểm của vị Mục Tử nhân lành. 

      Chúng ta cũng cầu chúc và cầu nguyện cho đoàn chiên biết lắng nghe chủ chiên  và đi theo chủ chiên. Nghĩa là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

       Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta, những người lãnh đạo, những chủ doanh nghiệp, chủ cộng đoàn, chủ gia đình, cũng là mục tử. Chúng ta cần biết gọi, biết nói chứ không phải la mắng, quát nạt. Biết huấn luyện, đào tạo, khuyên dạy. Cần tìm hiểu, cảm thông với người dưới, với các thành viên gia đình. Cần khôn ngoan hiền hậu, nhân từ. Cần luôn biết hy sinh, luôn biết bảo vệ những người thuộc quyền. 

      Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa dạy. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa là Mục Tử nhân lành, trong mọi hoàn cảnh, địa vị của chúng con. 

Nguyễn Đức Lân