CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – năm B

Bài 1

2Sb 36,14-16.19-23; Ga 3,14-21

Chủ đề: Những bất trung của con người và hậu quả
Phần Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ.

* 2Sb 36,14.19: các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa… và rồi quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem… 

* Ga 3,17: Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người được cứu.

Lời Chúa của Chúa Nhật IV B Mùa Chay nhấn mạnh đến Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người kiên trì thực hiện dự tính cứu độ yêu thương ấy, bất chấp tội lỗi, sự cứng lòng, phản trắc, chối từ từ phía con người. Tuy nhiên về phía phàm nhân, con người không dễ dàng nhận ra được tình yêu ấy, nhất là khi phải đối đầu với những tai ương, những trắc trở, gian truân trong đời. Những lúc ấy chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho Chúa “Trời không có mắt!” hoặc trách Chúa sao quá nặng tay trong việc sửa phạt. Cái nhìn nặng tính cách luân lý ấy đã là một thứ chướng ngại cản trở ta nhìn ra được dung mạo đầy yêu thương của Thiên Chúa trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Thực ra, điều mà chúng ta quen gọi là “án phạt” thì vẫn phải có trong phương pháp giáo dục con người: lắm khi nhà giáo dục phải lấy biện pháp mạnh để cảnh cáo, thức tỉnh môn sinh, nhất là để ngăn chận đừng để cái hậu quả tồi tệ nhất xảy ra. Có thể ví đó như là một cuộc phẫu thuật bó buộc để cứu lấy sinh mạng bệnh nhân. Dù hành vi phẫu thuật là có tính áp đặt, có thể gây ức chế, phản kháng… nhưng động cơ là yêu thương, mục đích là để cứu sống. Tuy nhiên khi ĐANG TRONG NGHỊCH CẢNH, nạn nhân khó lòng nhận ra được tấm lòng yêu thương ẩn tàng bên trong những điều bất hạnh ấy.

Lời chúa hôm nay mời gọi nhân loại, nhất là tín hữu Chúa, khám phá ra, rồi đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa ẩn tàng trong dòng lịch sử lắm khi đượm nhiều nét sầu thương, bi thảm. Lời Chúa vạch ra cái căn nguyên sâu thẳm của những bất hạnh đời người, đồng thời chỉ ra phương thế khắc phục: đó là THỜ LẠY THÁNH Ý, Đường Lối giáo dục của Chúa để nhận ra được Tình Yêu Chúa đang hồi phục chữa lành ta ngay cả trong lúc đang phải chịu những hậu quả nặng nề của tội lỗi.

Bài đọc một là bảng tóm lược lịch sử Israel, dưới cái nhìn đức tin, từ cuối thời quân chủ cho đến lúc Kyrô, vua Ba Tư, ban sắc chỉ cho dân Chúa được hồi hương. Mục đích của việc xem lại các “thước phim” đó là nhằm mở mắt Dân Chúa nhận ra được đâu là cội nguồn của các khổ đau mà họ phải chịu, đồng thời cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ cho dù nặng tay phạt họ. Cội nguồn của mọi khốn đốn là tội của Israel từ vua quan, tư tế đến dân chúng: tất cả… “chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa… ra ô uế”. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương, kiên nhẫn sai sứ giả là các ngôn sứ, nhiều lần nhiều cách, đến nhắc nhở, cảnh cáo… nhưng họ vẫn làm ngơ, lại còn giễu cợt sứ giả Chúa. Họ đang lao vào dòng thác diệt vong mà không biết. Thiên Chúa phải dùng biện pháp mạnh để lay tỉnh họ. Chiếc roi Chúa dùng chính là quân Canđê để triệt hạ Đền Thờ đã ô uế, bắt vua dân đi đày. Thế nhưng tiếng nói cuối cùng của Chúa mãi là TÌNH YÊU. Chúa thứ tha, và dùng Kyrô vua Ba Tư giải thoát họ khỏi Babylon giúp họ hồi hương và xây lại Đền Thánh. Lúc ấy, dân Chúa mới nhận ra tội lỗi của mình và tình yêu vô biên của Chúa.

Trong Tin Mừng, Tình Yêu dung thứ cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu mặc khải trực tiếp “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Đường lối thứ tha cứu độ của Chúa cũng đầy bất ngờ: Thiên Chúa dùng công cụ để phạt tội nhân biến thành nên phương tiện cứu độ. Thật vậy, “Con Rắn Đồng” trong sách Ds 21,6-9, “Thập giá” của Đức Giêsu trong Tân Ước vốn là công cụ dành để phạt tội nhân. Thế nhưng một khi Thiên Chúa thứ tha thì công cụ án phạt đó lại trở nên hồng ân cứu độ: “như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Vậy thập giá vốn là công cụ của án phạt, Nó cho thấy sự tàn bạo khủng khiếp của tội, hậu quả hủy diệt của lỗi phạm con người; Nhưng rồi Tình Yêu Thiên Chúa đã biến thập giá ấy thành con đường cứu độ cho tội nhân nào tin vào Đức Giêsu, tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. Vậy hãy can đảm nhìn ra lỗi phạm của mình; Hãy can đảm đón nhận những hậu quả do lỗi phạm gây ra đừng trốn chạy, chắc chắn, cuối cùng, trong Đức Kitô, chúng ta sẽ gặp được Thập giá hồng ân đưa kẻ tin đến ơn cứu độ.

Bài 2

… “Con Người sẽ phải được giương cao… Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,14.16)

Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV B Mùa Chay. Từ đầu Mùa Chay cho tới giờ, màu tím bao trùm khắp nơi trong các nghi thức phụng vụ. Màu tím nói lên tâm tình dốc lòng sám hối, thú nhận tội lỗi của Giáo Hội và của con cái mình. Tuy nhiên Mùa Chay không là một hành trình sầu thảm, thất vọng của một phạm nhân đang chờ đem ra xét xử; mà là sự trỗi dậy, quyết tâm quay về với Cha của người con, dù nhận ra lầm lỗi của mình cũng như những hậu quả khốc hại, vẫn xác tín rằng Cha mình là Đấng giàu lòng thương xót luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người cùng khốn và nâng đỡ họ. Nơi Thiên Chúa không có án phạt, mà chỉ có thứ tha. Cái mà loài người tội lỗi chúng ta gọi là “án phạt” thật ra chỉ là sự khước từ đến cùng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Cửa nhà Cha, bàn tiệc của Cha luôn mở rộng đón mời và Cha luôn sẵn sàng “năn nỉ” mọi người con vào sum họp; Chỉ kẻ không đón nhận Tình Cha mới phải đứng bên ngoài (x.Lc 15,1-32).

Để khơi lại niềm hy vọng, tâm tình tích cực của Mùa Chay, Giáo Hội trong Chúa Nhật IV đã thay thế lễ phục màu tím bằng màu HỒNG, mời gọi các tín hữu đang ăn năn sám hội, hãy MỪNG VUI LÊN (Laetare) vì được Chúa quy tụ về, được Chúa tha thứ ủi an (ca nhập lễ Chúa Nhật IV Chay). Vì thế Chúa Nhật này còn được gọi là Chúa Nhật Áo Hồng, Chúa Nhật vui tươi, do mở đầu ca nhập lễ là lời mời LAETARE = “hãy vui lên” (x. “Từ điển Công Giáo Phổ Thông” từ ngữ “Chúa Nhật Áo Hồng”).

Đây chưa phải là niềm vui trọn vẹn, niềm vui đã đạt được mức hoàn thiện; nhưng là niềm vui ngay giữa cơn thử thách, chiến đấu gian nan vì nhận ra lỗi phạm của mình, biết mình đáng tội nhưng đồng thời cũng nhận biết mình được thứ tha: Vui vì cảm nghiệm đích thân rằng tình yêu thương xót của Chúa lớn hơn tội phạm của mình. Do đó có động lực hơn, hăng hái hơn quay về cùng Thiên Chúa.

Thật vậy, Thiên Chúa có một dự tính yêu thương với toàn thể tạo vật mà Chúa đã dựng nên: Chúa xót thương hết mọi người, chờ đợi họ ăn năn hối cải, vì mọi loài đều là của Chúa; Chúa yêu sự sống, đầy lòng khoan dung, vì thế ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh cáo, nhắc nhở giúp họ nhận ra lỗi lầm, để họ bỏ điều ác mà tin vào Thiên Chúa (x.Kn 11,23-12,2). Đọc lại dòng lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, mặc dù cũng có nhiều lần Chúa đánh phạt nặng tay, nhưng chung cuộc vẫn là vì ơn cứu độ cho con người (x.Is 4,4-5); Chúa sửa phạt nhưng không bao giờ để con phải chết (x.Tv 118,18). Thiên Chúa luôn kiên trì thực hiện dự tính cứu độ của Người bất chấp tội lỗi, sự cứng lòng của con người. Chúa luôn yêu thương con người bằng một tình yêu kiên trung, tha thứ vô điều kiện. Tình yêu đó luôn có sáng kiến đưa ra những phương thế thích hợp vào từng giai đoạn lịch sử, kể cả đánh phạt, để rồi tiếng nói cuối cùng luôn là giải cứu, thứ tha, hồi phục, nâng cao.

Đó chính là NIỀM vui mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta. Niềm vui nhận ra được những sai trái của mình; Niềm vui dám chấp nhận những hậu quả do những sai trái đó gây ra; và chóp đỉnh là Niềm Vui biết mình được thứ tha, hồi phục. Để có được niềm vui đó, chúng ta phải CHIẾN ĐẤU: chiến đấu để can đảm nhận mình là tội nhân; CHIẾN ĐẤU để sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả của tội, mọi cách sửa dạy của Chúa (xem gương Đavit); và CHIẾN ĐẤU để ơn tha thứ của Thiên Chúa “bám rễ” được trong tâm hồn ta, sinh hoa kết trái.

Bài đọc một là một minh họa rõ nét về NIỀM VUI và về cuộc CHIẾN ĐẤU mà chúng ta vừa gợi lên ở trên. Nhìn vào giai đoạn lịch sử của dân Chúa được Sách Sử biên niên thuật lại trong bài đọc một, chúng ta nhận ra được trong đó dung mạo bất tín trung, lì lợm của chính mình; Đồng thời cũng nhận ra được tình yêu săn đón kiên trì của Thiên Chúa luôn tìm đủ mọi cách để cứu chúng ta:

  • 2Sb 36,14-16 là bảng tóm lược những bất tín, bất trung của dân Chúa. Nét tiêu biểu được Sách Sử biên niên nêu ra là làm Nhà ĐỨC CHÚA ra ô uế. Đền Thờ là hồng ân Chúa ban để dân đến đó thờ phượng Chúa đã bị dân làm biến chất trở thành nơi tạo dịp cho họ phạm tội (x.Ga 2,14-16). Và họ càng đáng tội hơn là vì Thiên Chúa đã “không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ”, nhưng họ vẫn coi thường lòng thương xót của Chúa đối với họ và đối với Đền Thờ. Họ không thú nhận những sai trái của họ; Trái lại còn chìm sâu trong sai lầm, phạm thượng, xúc phạm đến Chúa bằng những lời nhạo cười chế giễu các ngôn sứ của Chúa. Họ đã không chiến đấu để nhận ra tội phạm của mình, họ ở lì trong nẻo đường bất hảo.

  • 2Sb 36,19-21: cần phải thức tỉnh họ khỏi cơn mê đưa tới diệt vong. Chúa đã dùng quân Canđê (tức Babylon) làm cây roi buộc dân phải thức tỉnh. Cũng như Môsê đã đập vỡ Hòm Bia khi dân ở Sinai đã thờ lạy Bò Vàng, Thiên Chúa giờ đây cũng hủy diệt Đền Thờ đã bị dân làm ra ô uế, mục nát, phải san bằng mọi sai trái, nhưng để rồi sẽ cho xây dựng lại. Cuộc đánh phạt toàn diện, đớn đau, nhưng cần thiết để phục hồi lại cho dân ân huệ lớn lao được chọn làm dân riêng, dân tư tế của Chúa.

  • 2Sb 36,22-27: nhưng tiếng nói chung cuộc của Chúa không bao giờ là án phạt, đó chỉ là đợt tẩy luyện để làm lại. Án phạt lưu đày chỉ kéo dài năm mươi năm. Đến năm 538 TCN, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư ngoại đạo để biểu lộ lòng thương xót của Chúa đối với dân, tha thứ cho dân để họ được quay về lại quê hương, tái thiết lại Đền Thờ.

Tiếc thay dân Chúa đã không biết CHIẾN ĐẤU để biến cuộc tẩy luyện, tu sửa ấy thành ra NIỀM VUI đích thật và bền vững. Họ vẫn cứ “ngựa quen đường cũ” và vòng luẩn quẩn cứ thế lập lại: lòng thương xót của Chúa ban lại cho dân Đền Thờ thứ hai, thế nhưng rồi dân lại biến Nó thành nơi buôn bán, chợ búa; Thế là Nó lại bị hủy diệt. Và lần này để khắc phục tính bất thường của con người, Con Thiên Chúa làm người đã ban cho dân mới của Chúa một Đền Thờ vĩnh cửu; đó chính là Thân Thể Người (x.Ga 2,21) là nơi mà nhân loại mọi nơi, mọi thời thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cách tuyệt vời, trọn hảo cho nhân loại. Đó là niềm vui của dân mới của Thiên Chúa, thế nhưng lòng thương xót Chúa còn lớn lao hơn nữa, Người muốn mỗi tín hữu chúng ta cũng phải là Đền Thờ của Chúa (x.1Cr 3,16-17). Vậy phải không ngừng chiến đấu để giữ vững hồng ân và niềm vui thần linh đó.

Bài đọc Tin Mừng đưa chúng ta đến chóp đỉnh của tình yêu tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đứng trước tội phạm của con người, thay vì dựa vào Luật, vào Giao Ước Sinai để hủy diệt dân, Chúa vẫn kiên trì thứ tha, và điều mà ngay trí tưởng tượng của con người cũng không sao nghĩ tới là “để cứu người tôi tớ, Chúa đã ban tặng chính Con Yêu Dấu” (Bài Exultet, “công bố Tin Mừng Phục Sinh”). Tuy nhiên Thiên Chúa không mị dân, không ép buộc con người, cho dù là ép buộc bằng tình yêu. Bài đọc Tin Mừng cũng trình bày rõ ràng vai trò quyết định của tự do của con người. “Được cứu” hay “bị lên án” là kết quả của việc mỗi người đáp trả lại trước lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa: ai tin thì được cứu độ, ai không tin thì đã bị lên án rồi (x.Ga 3,17-18). Một “vườn Eđen mới” được đặt ra trước mặt MỖI NGƯỜI: “AI TIN” hay “KHÔNG TIN”. Không còn đổ lỗi được nữa cho hai nguyên tổ Adam, Eva. Lỗi nguyên tổ đó đã được Thiên Chúa thứ tha rồi qua việc ban tặng Con Một, xuống thế tìm đến với nhân loại không để xét xử, lên án, mà là để thế gian nhờ Con Một của Người mà được cứu độ. Một cuộc chiến đấu trực diện, đích thân đang được đặt ra trước mặt TỪNG NGƯỜI, trước mặt mỗi “AI” cá vị. Như vậy NIỀM VUI mà Thiên Chúa mang đến cho nhân loại cách rộng rãi, không trừ ai, được Tin Mừng hôm nay đặt ra trước mắt mọi người và TỪNG NGƯỜI. Mùa Chay mang đến cho nhân loại NIỀM VUI: mỗi người thực sự làm chủ vận mạng của mình. Đó là NIỀM VUI của kẻ can đảm CHIẾN ĐẤU sống theo sự thật và vì thế mọi việc công chính họ đã làm đều được tỏ lộ ra cho mọi người được thấy và được Thiên Chúa ân thưởng.

* Lòng thương xót của Chúa: “lòng thương xót của Chúa” chính là “Thiên Chúa”. Chúa yêu thương ta hết mình, nên ngay khi tạo dựng nên ta, Chúa đã muốn ta là “hình ảnh của Thiên Chúa”; Và trong dự tính của Thiên Chúa thì điều ấy sẽ hoàn tất trọn vẹn khi “thời gian đến hồi viên mãn”. Thế nhưng, nhân loại không biết chờ “giờ của Chúa”, nên đã lầm đường và rơi vào cảnh khốn cùng. Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên vững yêu thương, đã hứa “ban Con Một” ngay lúc Adam và vợ vừa sa ngã. “Con Một Người” chính là Đấng thuộc dòng dõi người nữ, là Đấng Đạp Đầu Rắn. Như vậy lòng thương xót Chúa đã có từ ngàn đời và hôm nay xuất hiện tỏ tường cụ thể trong dòng lịch sử nhân loại. Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa, là sự ban tặng chóp đỉnh mà Thiên Chúa dành cho con người. Vậy để được sống, chỉ còn một con đường duy  nhất: TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU.

* Cách thức thể hiện lòng thương xót đó: dùng chính án phạt, biến công cụ hành hình tội phạm thành phương thức cứu độ: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy”. Đọc Ds 21,4-9, ta thấy “Rắn” là hình phạt Chúa dùng để trị tội phản loạn của dân; Thế nhưng khi thứ tha, để cứu dân, Chúa dùng lại chính hình phạt để làm phương tiện cứu độ. Chắc chắn không phải “con rắn đồng” tự nó có giá trị chữa lành, cứu sống. Rắn chỉ giết chết! Điều đưa tới sự sống là Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA và qua Ý ĐỊNH đó, con người phải TIN và sẵn sàng làm theo lệnh Chúa, chấp nhận đường lối hành xử của Chúa.

Con Rắn ở Địa Đàng đã làm cho con người NGHI NGỜ Tình Yêu của Thiên Chúa và đã đưa nhân loại đến chỗ chết. Nay “thần dược” Chúa dùng để “tiêm chủng” cho “bệnh dịch” nghi ngờ Tình Yêu Thiên Chúa chính là TIN TƯỞNG PHÓ THÁC TUYỆT ĐỐI vào đường lối, cách hành xử của Chúa. Chúng ta có tin rằng “vắc-xin” Thập Giá chắc chắn sẽ diệt tận căn “nọc rắn” đã thấm vào cái “tế bào” nhân loại chúng ta khi tổ tông sa ngã không?

* Phía con người: HÃY TIN: “để ai tin vào “Đức Giêsu được giương cao” thì được sống muôn đời”. Kẻ không tin thì đã bị kết án rồi: Vì “nọc Rắn ở Eden” đã ngấm sâu vào mọi tế bào nhân loại; Biệt dược duy nhất để trục “nọc Rắn” là TIN VÀO ĐỨC GIÊSU. Từ chối tin vào Người là để cho “nọc Rắn” phát huy độc chất hủy hoại chúng ta.

Vậy NIỀM VUI của ta là CHIẾN ĐẤU để tin nhận sự thật này: _VUI vì nhờ ơn Chúa, ta đã dám nhận mình là tội nhân đáng chết; _ VUI vì được Chúa thẳng tay sửa dạy để diệt tận căn sự dữ nơi ta; _ VUI vì xác tín rằng cuối cùng ơn cứu độ sẽ hoàn tất trọn vẹn nơi ta. Luôn CHIẾN ĐẤU để vững tin vào con đường Thập Giá của Đức Giêsu. Đó là niềm vui Mùa Chay chuẩn bị đón mừng Thập Giá Phục Sinh.

Frère Pierre Đình Long FSC