Chúa nhật 3 Phục sinh – năm A

Bài 1

Cv 2,14.22-28    ;     Lc 24,13-35

Chủ đề: YẾU TỐ LƯU TRUYỀN ĐỨC TIN PHỤC SINH: TÔNG TRUYỀN (bao gồm bí tích) và LỜI CHÚA.

  • Cv 2,31a.32b: Phêrô nói: …. Vì là ngôn sứ … tổ phụ Đavit đã cảm thấy trước và loan báo sự Phục Sinh của Đức Kitô … tất cả chúng tôi (các tông đồ) xin làm chứng.

  • Lc 24,30.32.34: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng … Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh … và họ công bố: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon”.

Trong năm A, ba Chúa Nhật mở đầu Mùa Phục Sinh đều quy về một điểm: yếu tố nào giúp cho nhân loại mọi thời có thể an tâm dựa vào đó để tin nhận rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh.

Câu đáp của Chúa Nhật 1A là nhớ lại và hiểu lời Kinh Thánh.

Của 2A là chứng tá tông truyền của các tông đồ và của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi.

Hai yếu tố trên được bài đọc 1 hôm nay lặp lại ngang qua lời rao giảng, chứng tá của Phêrô và nhóm Mười Hai trước dân Do Thái vào Lễ Ngũ Tuần.

Còn Tin Mừng hôm nay cung cấp thêm một yếu tố nữa: đó là nghi thức bẻ bánh, tức là Bí Tích Thánh Thể.

Trong bài 1, yếu tố truyền thống, gồm cả truyền thống Cựu Ước, được nhấn mạnh, có một vai trò lớn trong việc làm cho Tin Mừng Phục Sinh được loan báo cho toàn thế giới.

Thật vậy, bài đọc 1 là lời rao giảng của Phêrô vào dịp Lễ Ngũ Tuần. Theo truyền thống Do Thái giáo, đây là dịp mọi tín đồ Do Thái, gốc lẫn dân ngoại, từ bốn phương đều kéo về Giêrusalem dự lễ theo Luật (Cv 2,5-11). Nhưng lần này, thay vì tụ họp nhau ở Đền Thờ, thì họ lại được “tiếng GIÓ” của Thánh Thần lôi cuốn, đưa họ đến ngôi nhà nơi các tông đồ đang ẩn trú; Nhờ đó họ đã chứng kiến được một DẤU LẠ , một HỒNG ÂN là nghe hiểu được lời rao giảng của Phêrô bằng chính tiếng mẹ đẻ về Tin Mừng Phục Sinh.

Bài đọc 1 chính là lời rao giảng này, có nội dung như sau:

  1. Thập giá mà Đức Giêsu phải chịu là kế hoạch từ đời đời của Cha (c.23).

  2. Nhưng thập giá không phải là cùng đích mà Cha nhắm tới. Đó chỉ là chặng đường phải vượt qua, đích tới là PHỤC SINH (c.24).

  3. Dự tính đó của Thiên Chúa được Người tỏ lộ từ xưa cho Đavít. Phêrô đã áp dụng câu Cv 2,27 “vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để VỊ THÁNH của Người phải hư nát” là lời Đavít báo trước về sự Phục Sinh của Đức Giêsu (c.31). Điều đó hàm ý rằng việc Đức Giêsu Phục Sinh là Ý Chúa Cha.

Vậy truyền thống Do Thái, Lời Kinh Thánh lẫn truyền thống tông đồ Kitô giáo là cái nền vững chắc giúp tín hữu mọi thời an tâm tin rằng Đức Giêsu thực sự đã Phục Sinh.

Qua bài đọc Tin Mừng, về hai môn đệ làng Emmau, một yếu tố mới được bổ sung thêm: Đó là BÍ TÍCH. Tuy nhiên LỜI NGÔN SỨSÁCH THÁNH (Lc 24,25-27.32) vẫn là yếu tố NỀN, là CẦU NỐI: Đức Giêsu đã dùng truyền thống SÁCH THÁNH  từ Môsê đến các ngôn sứ để khai tâm mở trí cho hai môn đệ; Sau đó được sự trợ lực của DẤU CHỈ BÍ TÍCH, hai ông mới bừng sáng ra nhận rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh.

Điều mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh là: các tiếp xúc thể lý như nghe, nói, thấy, đồng hành suốt chặng đường dài đã không làm cho hai ông nhận ra người đồng hành là Đấng Phục Sinh; Chỉ có LỜI KINH THÁNH do Đức Giêsu gợi lên là làm các ông cảm thấy “lòng bừng cháy lên” (c.32), nhưng chút “bừng cháy” ấy chưa đủ để giúp nhận ra Đấng Phục Sinh.

Chỉ tới khi vào bàn ăn, Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (c.30), lúc đó hai ông mới nhận ra Đấng Phục Sinh. Nhưng ngay lúc họ nhận ra Người thì mắt phàm nhân của họ không còn thấy được Người nữa. Vậy tiếp xúc thể lý hoàn toàn không cần thiết để tin. Chính cử chỉ “bẻ bánh” gợi lại phép lạ nhân bánh và lập Bí Tích Thánh Thể mới mở cặp mắt đức tin của hai ông.

Thế là tức tốc, hai ông quay lại Giêrusalem để loan Tin Mừng. Nhưng khi tới nơi thì hai ông lại nhận được trước Tin Mừng từ cộng đoàn Giêrusalem, khởi phát từ PHÊRÔ : “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra cho ông Simon” (c.34). Nền tảng đức tin tông truyền vẫn là PHÊRÔ. BÍ TÍCH liên kết với  LỜI CHÚA TRUYỀN THỐNG TÔNG ĐỒ là ba yếu tố nền để nhân loại mọi thời dựa vào đó để TIN, ĐÓN NHẬN Tin Mừng Phục Sinh và được cứu độ           

Bài 2

Nhóm Mười Một và các bạn hữu bảo hai môn đệ  Emmau: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường về việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24,34-35).

Phụng vụ bước vào tuần thứ ba Mùa Phục Sinh. Lời Chúa hôm nay tiếp tục xây dựng, củng cố những nền tảng đức tin vững chắc để nhân loại mọi thời đều có thể dựa vào đó mà xác tín được rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh mà không cảm thấy mình bị sút kém, thua thiệt so với các tông đồ và với các tín hữu sơ khai; Đặc biệt trong các chi tiết của các bài đọc Tin Mừng. Xin nhắc lại yếu tố nền tảng đó:

  • Trong đêm canh thức phục sinh: Các bài đọc Tin Mừng trích từ ba Tin Mừng Nhất Lãm, trình thuật nói về “Ngôi mộ trống”. Thật ra ngôi mộ không “trống”: Trong ngôi mộ không còn xác chết của Đức Giêsu, nhưng thay vào đó là các thiên sứ đang hiện diện trong đó. Nơi chứa xác chết giờ trở thành nơi các hữu thể thiêng liêng từ trời xuống ngự trị và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các bà. Các bà không được thấy ngay lúc đó, Đấng Phục Sinh hiện ra, nhưng được nghe loan báo tin vui “Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28,7; Mc 16,6; Lc 24,6 ). Và yếu tố chính mà các thiên thần dựa vào để mặc khải tin vui là LỜI CỦA ĐỨC GIÊSU đã nói khi Người còn  sinh tiền “NHƯ NGƯỜI ĐÃ NÓI” ( Mt 28,6;Mc 16,7; Lc 24,6).

   Vậy yếu tố đầu tiên mà các thiên thần đã dựa vào để công bố Tin Mừng Phục Sinh là Lời của Đức Giêsu nói về mầu nhiệm lúc Người còn sinh tiền.

  • Trong tuần 1: Tin Mừng Gioan cũng nói đến “ngôi mộ trống”. Đứng trong lòng ngôi mộ trống đúng nghĩa ( không còn xác Đức Giêsu, cũng chẳng còn Thiên Thần trong đó như Nhất Lãm ), với một sự trật tự, ngăn nắp đáng kinh ngạc, các vải liệm xếp ngay ngắn, đặt đúng vị trí. Điều đó khiến HAI ông ( chứ không phải chỉ một mình “môn đệ Chúa yêu”) nhớ lại và HIỂU lời Kinh Thánh ( Ga 20,9) , thế là người môn đệ Chúa yêu được soi sáng nói lên niềm tin của mình (ông không thể nói thay cho Phêrô) rằng Chúa đã Phục Sinh cho dù đến lúc Đức Giêsu Phục Sinh chưa hiện ra cho bất kỳ ai cả. Một lần nữa yếu tố LỜI CHÚA chiếm vị trí hàng đầu trong việc mặc khải sự việc Đức Giêsu Phục Sinh, và đưa các môn đệ tới đức tin.

  • Qua Chúa Nhật 2 : Bài đọc Tin Mừng cho cả ba năm ABC còn khẳng định cách mạnh mẽ hơn nữa. Đấng Phục Sinh trong tư cách là “CHÚA và là THIÊN CHÚA” được tôn vinh đã công bố “phúc cho ai không thấy mà tin” và cảnh báo Tôma “đừng cứng lòng”, nhưng hãy tin vào lời chứng của tông đồ đoàn hợp nhau làm chứng. Ngoài ra để bảo đảm và chính thức hóa việc lưu truyền mặc khải Phục Sinh, Đấng Phục Sinh đã cho đoàn môn đệ BÌNH AN và được xem các vết tích Thập Giá trên thân thể Người (Ga 20,20); Người truyền cho các ông phải là “cánh tay nối dài hữu hiệu” của Người để tiếp nối công trình của Cha (20,21); Ban cho các ông Thánh Thần sáng tạo, tái sinh (thổi hơi : 20,22); Và thay quyền Người để trao ban ơn hồi phục và đón nhận mọi người mọi thời vào ơn cứu độ (20,23 ).

  • Hôm nay Chúa Nhật 3: Lần cuối bản văn Tin Mừng trong phụng vụ đề cập đến biến cố “Phục Sinh”. Tiếp tục chủ đề “ không thấy mà tin”, Tin Mừng Luca thuật lại biến cố Đấng Phục Sinh, đồng hành với hai môn đệ Emmau, giải thích Lời Chúa cho họ và cuối cùng tỏ mình cho họ qua sự việc “bẻ bánh” trong bữa ăn. Lúc tiếp xúc thể lý với Người thì không nhận ra Người đã Phục Sinh, khi nhận ra thì mắt phàm không còn thấy được Người nữa. Khía cạnh BÍ TÍCH của Mầu Nhiệm Phục Sinh được mặc khải: chính trong bàn tiệc Thánh Thể mời ta tiếp tục công bố và nhận ra Chúa đã Phục Sinh.

 Một điểm quan trọng cần chú ý trong Tin Mừng hôm nay: Theo Luca, ai là người được thấy Đấng Phục Sinh trước nhất ? Ai là người công bố Tin Mừng Phục Sinh trước nhất cho người khác ? Và họ đã tin lời chứng đó, rồi tiếp nối sứ vụ công bố tiếp cho các người khác ? PHÊRÔ! ( x. Lc 24,34 ).

   Trong tinh thần chuẩn bị cho tương lai Giáo Hội, lúc Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình tại thế, bài đọc 1 hôm nay nhấn mạnh đến “chứng từ cộng đoàn” của tín hữu, đặc biệt ở đây là tính TÔNG ĐỒ ĐOÀN của chứng từ Phêrô (x. Cv 2,14). Kết quả của chứng từ này thật tuyệt vời: Sau bài giảng kèm chứng từ hùng hồn của tông đồ đoàn vừa được tràn đầy Thánh Thần, đã có 3.000 người hoán cải tin vào Đức Giêsu Phục Sinh ( Cv 2,41).

Lời giảng về Phục Sinh, kèm chứng từ cộng đoàn của tông đồ đoàn còn mang lại kết quả còn dồi dào hơn nữa khi các tông đồ phải đối đầu, làm chứng trước những thử thách: 5.000 người đã tin (x. Cv 4,1-4).

Những con người này không hề biết Đức Giêsu lịch sử, không hề được Đấng Phục Sinh hiện ra cho gặp. Họ chỉ dựa vào lời giảng và chứng từ tông truyền của tông đồ đoàn, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, và họ đã TIN.

Chủ điểm phụng vụ

   Lời Kinh Thánh (tức Cựu Ước) và chứng từ của các chứng nhân là hai yếu tố căn bản thiết yếu để nhân loại mọi thời mọi nơi có thể dựa vào đó mà tin vào Đấng Phục Sinh mà không bị thua thiệt hay sai lệch gì so với những người sống cùng thời với Đức Giêsu. Lời Chúa hôm nay tiếp tục chủ đề tuần trước nhấn mạnh rằng những gặp gỡ thể lý là không cần thiết để tin, vấn đề là ở nơi Lời Kinh Thánh và chứng từ tông truyền.

Bài đọc một trích diễn từ đầu tiên của Phêrô ngay biến cố Hiện Xuống. Nội dung chính là công bố cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Chứng từ tông đồ này được đặt nền trên Lời Kinh Thánh, là ý định muôn đời của Thiên Chúa (c.23) đã được ngôn sứ công bố trước từ xưa cho dân Người (cc.25-28).

Tin Mừng kể lại chuyện hai môn đệ đang lầm lũi trở về quê Emmau, trong tâm trạng thất vọng vì Đức Giêsu đã bị tử hình Thập Giá. Nhưng rồi Đấng Phục Sinh đã hiện ra, đồng hành với họ và dùng Lời Kinh Thánh giải thích cho họ ý nghĩa và hoa trái của cái chết của Người. Cuối cùng qua cử chỉ bẻ bánh, Người tỏ mình ra cho họ và họ đã nhận được Người. Nhưng điều đáng chú ý: họ nhận và Người đã Phục Sinh khi mắt phàm không còn nhìn thấy Người nữa, trong khi cả chặng đường dài đồng hành tiếp xúc thể lý, họ đã không nhận được Người.

Vậy điều giúp nhận ra được Đấng Phục Sinh chính là Lời Chúa, Bí Tích, và chứng từ tông đồ. Một lần nữa phụng vụ nhấn mạnh: việc tiếp xúc thể lý với Đức Giêsu là không cần thiết để đi tới đức tin. Điều cần là hiểu Kinh Thánh, tham dự tiệc Bẻ Bánh và đón nhận chứng từ tông đồ.

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22- 28 

Sau khi Đấng Phục Sinh lên trời, các tông đồ cùng một số môn đệ đã trở lại phòng Tiệc Ly (so Cv 1, 3 với Lc 22,12) họp nhau trong tình hiệp thông và cầu nguyện để chờ đợi Chúa Thánh Thần. Trong thời gian này, Phêrô đã đề nghị bầu chọn người thay thế Giuđa và Mathia đã trúng cử (1,15-16). Và rồi Chúa Thánh Thần đã được ban xuống tràn đầy cho toàn bộ cộng đoàn tiên khởi với cơ cấu nền tảng ấy (2,1-13). Hoa trái là toàn thể tông đồ, môn đệ đã trở nên can đảm hiệp nhất một lòng đứng chung với Phêrô loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho dân mình, lẫn mọi người đang kéo về Giêrusalem mừng Lễ Ngũ Tuần; Và kết quả thật bất ngờ, lớn lao: 3000 người tin vào Đấng Phục Sinh (2, 14- 41).

Bài đọc một hôm nay là phần trích bài giảng đầu tiên của Phêrô về Đức Giêsu và về Tin Mừng Phục Sinh. Đây là một chứng từ tông đồ dựa trên nền tảng là Lời Kinh Thánh đã được các ngôn sứ loan báo.

  1. Lời mời gọi lắng nghe (c.14)

  • Diễn giả: Phêrô và nhóm Mười Một.

  • Thính giả: người Do Thái lẫn kiều bào về dự lễ.

  • Bối cảnh: Lễ Ngũ Tuần.

Tính cộng đoàn và Giáo Hội của chứng từ:Phêrô đứng chung với Mười Một tông đồ” có nghĩa là cả tông đồ đoàn cùng minh chứng. Cho dù sau này mỗi vị đi mỗi nơi để làm chứng nhân, vào ngày Giáo Hội ra mắt công khai trước bàn dân thiên hạ, ngày mà Chúa Thánh Thần được ban cho Dân mới thay thế Luật trong Bia Đá của Dân cũ, thì sự xuất hiện của cả tông đồ đoàn ở đây trong sự đồng tâm nhất trí với vị thủ lãnh là Phêrô thật là đầy ý nghĩa: Giáo Hội là một toàn thể hiệp nhất đặt nền tảng trên một đức tin tông truyền, duy nhất. Sự hiệp nhất này được tỏ lộ ra qua tiếng nói chính thức của vị thủ lãnh tông đồ đoàn.

Chứng từ của Giáo Hội không bao giờ là chứng từ của cá nhân riêng rẽ – cho dù lắm lúc chỉ làm việc một mình – nhưng luôn là chứng từ của một thành viên trong cộng đoàn. Và đúng hơn, đó là chứng từ của chính cộng đoàn ngang qua trung gian của thành viên ấy.

“Thưa anh em miền Giuđê và tất cả..” : lời ngỏ long trọng với tất cả những người Do Thái cư ngụ tại Giêrusalem, lẫn kiều dân Do Thái đang có mặt trong ngày lễ. Người Do Thái vào thời Đức Giêsu gồm ba hạng:

  • Do Thái bẩm sinh.

  • Những người tòng giáo, tân tòng (prosélytes): dân ngoại đã chịu cắt bì gia nhập Do Thái giáo và tuân giữ mọi điều của Luật Môsê.

  • Những người kính sợ Thiên Chúa (craignant – Dieu): dân ngoại có thiện cảm với Do Thái giáo, tin một Thiên Chúa và tham gia một số nghi thức tế tự, nhưng không chịu cắt bì.

  • Người Do Thái chính gốc không bao giờ tự xưng mình bằng danh xưng “người Giuđê”, mà là “người Israel”. Họ thích cách gọi tôn giáo vì tự hào mình là dân được ưu tuyển của Giavê (Israel là tên Thiên Chúa đặt cho Giacob).

  1. Nội dung: biến cố Đức Giêsu đặc biệt là Thập Giá và Phục Sinh (cc.22-24).

  • Đổi danh xưng: hỡi đồng bào Israel.

  • Đức Giêsu là người được Thiên Chúa sai đến (c.22a).

  • Dấu chứng Thiên Chúa ban cho Người giúp ta nhận ra Người: các điềm thiêng dấu lạ (c.22b).

  • Biến cố nền tảng:

  • Phát xuất từ kế hoạch của Thiên Chúa (c.23a).

  • Đó là Thập Giá (c.23b) và Phục Sinh (c.24).

Bằng một phương pháp tâm lý khéo léo, Phêrô đã từng bước đưa những người Do Thái đón nhận căn tính của Đức Giêsu:

  • Trước tiên, Phêrô đắc nhân tâm người Do Thái bằng cách thay đổi danh xưng: gọi họ là đồng bào Israel”.

Qua danh xưng mang tính thần quyền này mà người Do Thái ưa thích, Phêrô nhắc lại rằng họ là tuyển dân của Thiên Chúa, các lời hứa đã được thực hiện cho họ. Như vậy ông chuẩn bị giúp họ hiểu rằng chính trong Đức Giêsu mà mọi lời hứa mà Thiên Chúa dành cho họ đã được thực hiện vì lợi ích của Israel, của chính họ (x. CGKPV Tân Ước 504 s).

  • Đức Giêsu là một con người của Thiên Chúa: khôn khéo, Phêrô đã tránh gợi lên ngay tức khắc thần tính của Đức Giêsu, vì đây là điều nhạy cảm đối với niềm tin độc thần của Israel. Ông nhấn mạnh đến khía cạnh hoạt động cụ thể của Người – làm nhiều dấu lạ điềm thiêng – để đi đến kết luận Người là MỘT CON NGƯỜI CỦA THIÊN CHÚA. Người chính là Đấng “đã được Thiên Chúa phái đến với anh em”: Phêrô nhấn mạnh đến mục đích, đối tượng mà Thiên Chúa nhắm tới khi sai gởi Đức Giêsu đến trần gian, đó là Israel, ưu tiên một. Phêrô đã gài người Do Thái vào thế là phải đón nhận Đức Giêsu nếu họ muốn tỏ ra là người tôn trọng ý định của Thiên Chúa.

  • Ý định của Thiên Chúa là Thập Giá cứu độ: “theo kế hoạch của Thiên Chúa”:… mặc dù có phần ác ý của con người, nhưng Thập Giá của Đức Giêsu vẫn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, “con người của Thiên Chúa” lại phải chịu đóng đinh. Đây là một chướng ngaị lớn lao khiến người Do Thái khó chấp nhận Đức Giêsu là Mêsia của họ: hậu duệ uy quyền của Đavít là một tử tội như thế ư ?.

Câu trả lời của Phêrô là: đó là ý định của Thiên Chúa tự ngàn xưa. Dựa vào đâu, Phêrô dám khẳng định như vậy? vì hiện tại ĐỨC GIÊSU ĐANG SỐNG, Thiên Chúa đã cho Người Phục Sinh. Ở đây điều Phêrô bận tâm là loan báo Đức Giêsu đã Phục Sinh, đó như là một bằng chứng để người Do Thái nhận ra Người là Mêsia, là Chúa (c.36). Từ đó ông mời gọi thính giả hãy hoán cải, sám hối và tin vào Người hầu được hưởng trọn vẹn ân lộc của Lời Thiên Chúa hứa là ơn cứu độ chung cuộc (cc.39-41).

Như vậy “anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người…không phải là lời kết tội “quơ đũa cả nắm”, nhưng là lời quy trách nhiệm nhằm mục đích cảnh tỉnh người Do Thái, mời gọi họ sám hối để thông phần vinh quang do Thập Giá mang lại.

  1. Chứng từ Kinh Thánh về việc Đức Giêsu Phục Sinh (cc.25-28).

  • Trích lời Tv 16,8-11.

Phêrô trích Thánh Vịnh 16 và áp dụng vào Đức Giêsu để thuyết phục người Do Thái rằng việc Đức Giêsu sống lại vốn là ý định của Thiên Chúa từ ngàn xưa được báo trước trong Thánh Vịnh. Vậy Đức Giêsu đã thực sự sống lại theo ý định Thiên Chúa được tôn vinh làm CHÚA, làm Kitô. (c.36b)

Qua lời trích Tv 16,8-11, Phêrô chứng minh rằng Đức Giêsu không thể nào bị cầm giữ trong chão thừng của sự chết bằng cách trưng dẫn một sấm ngôn của Đavít. Lời sấm này theo Phêrô là được ứng dụng cho Đức Giêsu chứ không phải cho Đavít. Nó phải được thể hiện trong cuộc đời Đức Giêsu vì toàn thể Kinh Thánh phải nhận lấy sự hoàn tất nơi Người.

Tác giả Thánh Vịnh 16 hy vọng nhờ sự bảo trợ, phù trì của Thiên Chúa, ông sẽ được yên nghỉ trong an toàn và tâm hồn ông không bị giao nộp trong cõi âm ty và Thiên Chúa sẽ làm cho ông nhận ra con đường của sự sống. Rồi trong Cv 2,29-31 (Phụng vụ không đọc), Phêrô chú tâm chứng minh rằng các lời này không quy về Đavít, nhưng sẽ được hoàn tất trong Đấng Mêsia; Đồng thời thánh tông đồ còn thêm rằng việc “thân xác của Đấng Mêsia không phải hư nát” nay đã được thể hiện và các tông đồ đang là chứng nhân của điều ấy vì Người đã hiện ra cho các ông. Đi xa hơn nữa, các tông đồ còn làm chứng rằng Đức Giêsu đã được Thiên Chúa tôn vinh và trao ban Thánh Thần cho Người để Người đổ xuống cho các môn đệ (c.33) và điều này đang là một thực tại diễn ra trước mắt họ.

Vậy Đức Giêsu đã thực sự Phục Sinh ! Vậy Người đích thực là CHÚA KITÔ.

  1. Tóm kết

Trong bài diễn từ này, Phêrô đã dùng lời Kinh Thánh để minh chứng cho người Do Thái thấy rằng Đấng mà họ đã nhờ tay dân ngoại đóng đinh chính là Đấng Mêsia mà họ vẫn hằng mong đợi và hơn nữa Người còn là CHÚA; Bằng chứng cho lời công bố này là ĐẤNG ẤY ĐÃ PHỤC SINH. Được Thiên Chúa trao ban Thánh Thần để Người tuôn đổ xuống cho những ai tin Người. Điều này đang công khai diễn ra trước mặt bàn dân thiên hạ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên phần minh chứng bằng kinh nghiệm gặp Đấng Phục Sinh của các tông đồ (cc.29-31) không được phụng vụ hôm nay trích đọc. Vậy điểm được nhấn mạnh trong tuần này là: chính nhờ Lời Chúa (tức Cựu Ước, nhưng đối với chúng ta hôm nay là toàn bộ Kinh Thánh) được đọc dưới ánh sáng của lời rao giảng của các tông đồ mà người ta nhận ra rằng ĐỨC GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH, được tôn vinh là CHÚA.

TIN MỪNG : Lc 24,13-35

Theo sách Tin Mừng 3, trích đoạn trên là trình thuật đầu tiên Luca nói về việc hiện ra tỏ tường của Đức Giêsu và đối tượng được chọn để đón nhận ân huệ đó lại chỉ là hai môn đệ  ( có lẽ thuộc về nhóm 72: Lc 10,1-9.17-20) chứ không phải là thành viên Nhóm Mười Hai ưu tuyển. Nếu đúng như vậy thì chứng từ của Nhóm Mười Hai về Đức Giêsu Phục Sinh phải yếu thế hơn so với chứng từ của hai môn đệ “hạng 2” này.

KHÔNG ĐÂU ! Đọc kỹ Luca 24, chúng ta mới khám phá ra được ý tưởng thâm thúy của Luca được diễn tả một cách súc tích, độc đáo chỉ trong một câu ngắn gọn: đó là lời công bố của Nhóm Mười Một và các bạn hữu “CHÚA trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (c.34). Tiện đây, cũng lướt qua một chút vài nét đặc thù của Luca về biến cố Phục Sinh:

  1. Trong Luca, Đấng Phục Sinh không hề hiện ra cho bất kì phụ nữ nào và cũng không hề trao cho các bà sứ vụ về báo cáo cho các môn đệ biết. Các bà chỉ nhận được thông tin về việc Chúa sống lại qua trung gian “hai người đàn ông y phục sáng chói” (c.6); Và hai người này cũng không hề sai các bà về báo cho các môn đệ biết Chúa đã sống lại (khác với Mt 28,7 và Mc 16,7).

Chính những nhân vật thiêng liêng từ trời xuống mới là tác nhân đầu tiên chính thức công bố Tin Mừng Phục Sinh. Nhưng quan trọng hơn là các nhân vật thiêng liêng ấy DỰA VÀO ĐÂU để công bố sứ điệp Phục Sinh ? Lc 24,6b cho ngay câu đáp “LỜI CHÚA” : hãy nhớ lại điều Đức Giêsu đã nói lúc Người còn sinh tiền (Lc 24,6b-7). Đó chính là dự tính vượt trí tưởng tượng của con người, dự tính yêu thương, diệu kỳ, quan phòng của Thiên Chúa.

Và các bà đã TIN đã làm như lời sứ thần truyền là NHỚ LẠI lời Chúa Giêsu đã phán (c.8).

Và kết quả thật tuyệt vời: dù chưa gặp Đấng Phục Sinh, cũng chẳng được sứ thần trao sứ mạng thuật lại sự kiện cho các tông đồ, nhưng các bà đã vẫn cứ làm công việc “loan Tin Mừng mà các bà nhận được” (c.9). Đáng tiếc là chứng từ của các bà đã không được các tông đồ đón nhận (24,11).

  1. Vai trò của Phêrô:

Tất cả là để chuẩn bị cho mặc khải chính: vai trò thiết yếu của Phêrô trong việc “loan báo” và “lưu truyền” Tin Mừng Phục Sinh.

Dù phân vân trước tin do các bà mang đến, Phêrô vẫn ngay tức khắc, một mình, chạy ra mồ và theo Luca, ông là người DUY NHẤT nhìn ra “ngôi mộ TRỐNG đúng với thực trạng nguyên thủy của Nó (Lc 24,12 so với Ga 20,6.7). Lưu ý: các bà không thấy ngôi mộ “TRỐNG” mà thấy trong mộ có hai người đàn ông đang ở đó (một sự biến đổi diệu kỳ: Ngôi mộ chứa xác chết giờ thành nơi cho các hữu thể thần linh ngự và loan Tin Mừng Phục Sinh).

Nhưng Phêrô vẫn chưa đạt tới đức tin chân chính, ông chỉ mới ngạc nhiên (c.12b).

Vậy yếu tố nào là chính yếu để Tin Mừng Phục Sinh thật sự được đón nhận và được loan truyền qua muôn thế hệ, đến tận cùng thế giới ?

Câu đáp nằm trong trích đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật 3A Mùa Phục Sinh hôm nay.

  1. Lần hiện ra này Đức Giêsu không nhằm thiết đặt các chứng nhân của Mầu Nhiệm Phục Sinh, nên các chứng từ về thể lý không được nhấn mạnh như lần hiện ra tiếp sau cho Nhóm Mười Một. Sứ điệp của lần hiện ra này là Thập Giá không ngăn cách được Đức Giêsu đến với các môn đệ của Người: Người vẫn tiếp tục hiện diện giữa họ, không bằng xác phàm hữu hạn nữa, nhưng một cách vô hình với thân xác đã được tôn vinh của Đấng Phục Sinh. Phần các môn đệ, từ nay họ sẽ không còn nhận ra và tiếp xúc với Người bằng con đường giác quan nữa, nhưng bằng đức tin ngang qua Lời Chúa và Bí Tích. Vì thế cao điểm của trình thuật nằm ở thời điểm họ nhận ra Người, tuy nhiên chính lúc đó giác quan của họ không còn nhìn thấy Người nữa. Cái nhìn đức tin đã tới thay thế cái nhìn mắt phàm, nhờ đó con người họ được đổi mới hoàn toàn: từ buồn sầu buông xuôi, họ trở nên vui tươi tràn đầy sinh lực: bất chấp đêm tối, họ tức khắc lên đường về lại Giêrusalem loan báo Tin Mừng, mặc dù Đấng Phục Sinh không hề trao sứ mạng đó cho họ.

Cần nhấn mạnh thêm về một chi tiết đặc biệt trong Luca 24: sứ mạng công bố Tin Mừng Phục Sinh không hề được trao cho các phụ nữ, cũng không hề được trao cho các cá nhân của hai môn đệ làng Emmau; Đối tượng được trao ban mà Luca nhấn mạnh là CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI. Thật vậy trong lần hiện ra cho cả cộng đoàn gồm Nhóm Mười Một và các bạn hữu, cộng thêm hai môn đệ làng Emmau thì Đấng Phục Sinh mới chính thức trao sứ mạng cho họ (Lc 24,48).

Theo Luca, sứ mạng đó được trao cho toàn Giáo Hội, đặc biệt dành riêng cho Phêrô và tông đồ đoàn. Chi tiết này sẽ suy niệm rõ hơn trong phần cuối của trích đoạn Tin Mừng hôm nay.

  1. Đức Giêsu hiện ra, đồng hành cùng các môn đệ đang thất vọng và lắng nghe họ (cc.13-24)

  • Nỗi thất vọng của hai môn đệ (cc.13-21a)

Họ đã theo Đức Giêsu, tin Người là một ngôn sứ đầy quyền năng, họ hy vọng Người là Đấng cứu chuộc Israel. Thế nhưng cuối cùng Người lại bị đóng đinh vào Thập Giá.

  • “Sự việc xảy ra đến nay là ngày thứ 3 rồi” (c.21b)

Sau biến cố Thập Giá, họ còn nán lại Giêrusalem đến ngày thứ ba, họ còn một chút hy vọng để bám víu là lời nói của Đức Giêsu lúc sinh thời: Người bị khổ nạn, nhưng sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Thế nhưng đến ngày thứ ba, mọi sự vẫn diễn ra bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một sự can thiệp lớn lao nào của Thiên Chúa cho Người Phục Sinh. Chỉ có một sự kiện khiến họ kinh ngạc: “Ngôi mộ trống” được các phụ nữ trong nhóm họ khám phá khi ra thăm mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, kèm theo một tin tức: Thiên Thần nói với các bà là “Người vẫn sống” (c.23). Sự kiện này chỉ làm cho họ kinh ngạc chứ không đủ sức vực dậy lòng tin của họ, không đủ sức lay họ khỏi cơn thất vọng. Cuối cùng họ bỏ cuộc với nhiều tiếc nuối.

Họ thất vọng là vì niềm hy vọng của họ quá trần tục, dựa trên cái nhìn thuần nhân loại về các biến cố. Để vượt thắng được cớ vấp phạm của Thập Giá, niềm hy vọng đó phải được thăng hoa thành niềm hy vọng đối thần (tức đức cậy), đặt cơ sở trên cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử. Tự sức mình họ không thể thực hiện được cuộc biến đổi như thế.

  • Đấng Phục Sinh đã đến, đồng hành với họ (cc.15-24)

Ngay lúc họ thất vọng, yếu tin, Đấng Phục Sinh đã đến để giải cứu họ. Người đồng hành, lắng nghe họ. Người đi với họ cho đến tận cùng nơi chốn mà họ định tới trong cơn thất vọng, để rồi chính nơi đáy tuyệt vọng ấy, Người đã cho họ nhận ra rằng Người đã Phục Sinh. Người đã CÙNG HỌ đi hết con đường Thập Giá của họ để cuối cùng cho họ thấy ánh sáng Phục Sinh.

Như vậy bằng phương thế đồng hành và lắng nghe, Đấng Phục Sinh từng bước một đã giúp họ nhận ra Người và đưa họ vào tầm nhìn của Thiên Chúa. Chìa khóa Chúa dùng để mở đường cho họ chính là Lời Chúa.

Một điểm đáng lưu ý trong tiến trình đi tới đức tin là họ không nhận ra được Người khi cặp mắt phàm của họ còn nhìn thấy được Người trước mắt, nhưng họ lại nhận ra được Người khi Người biến mất. Chi tiết này cho thấy rằng việc tiếp xúc thể lý với Đức Giêsu không còn là điều kiện cần thiết để nhận ra Người và có khi còn cản trở nữa là khác.

  1. Bằng Lời Chúa, Đấng Phục Sinh đưa họ tiến dần vào mầu nhiệm của Người (cc.25-27):

  • “Ôi những kẻ tối dạ, lòng chậm tin vào các ngôn sứ” (c.25).

Đấng Phục Sinh quở trách hai môn đệ không vì họ không nhận ra Người mà vì họ chậm tin vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được ghi trong các sách ngôn sứ (x. cc 26-27). Vấn đề không phải là thấy Đức Giêsu (c.24) cho bằng là hiểu và chấp nhận chương trình này. Hai môn đệ đã thực sự sai lầm khi khước từ, trốn chạy Thập Giá Đức Giêsu, khi tưởng rằng Thập Giá là điểm chung cuộc của đời sống và sứ vụ của Người. Các ông rơi vào sai lầm này là vì đã không đọc Kinh Thánh trong tính toàn bộ và phổ quát của nó, mà chỉ đọc nó dưới góc cạnh quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi, giản lược vai trò cứu độ của Đấng Mêsia vào trong cái khuôn của vương triều Đavít (c.21).

  • “Nào Đấng Kitô … trong tất cả sách Thánh” (cc.26-27)

Đấng Phục Sinh điều chỉnh lại bằng cách đưa các ông đi vào khía cạnh phổ quát, toàn diện những gì liên quan đến Đấng Kitô: Người bắt đầu từ Môsê (nghĩa là toàn bộ Lề Luật) và tất cả ngôn sứ (chứ không chỉ riêng một số chi tiết), và cái toàn thể này phải được giải thích , hiểu dưới ánh sáng của cuộc đời Đức Giêsu. Như vậy Đức Giêsu đã làm một bài chú giải Kinh Thánh theo cách của Người để dẫn hai môn đệ về lại con đường đúng.

Luca không ghi lại nội dung cụ thể của bài chú giải, nhưng cho ta thấy hiệu quả của bài này: lòng hai môn đệ đã bừng lên, niềm hy vọng được thắp sáng trở lại (c.32). Nghĩa là các ông đã dần bước vào con đường cứu độ của Thiên Chúa, nhận ra Thập Giá là con đường đưa tới vinh quang (c.26).

Nhờ tái khám phá lại ý nghĩa của Lời Chúa dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh mà hai môn đệ Emmau đã thay đổi não trạng. Họ đã được chuẩn bị đầy đủ để sau đó sẽ nhận ra được Đấng Phục Sinh khi Người bẻ bánh.

  1. Yếu tố giúp nhận ra Đấng Phục Sinh: bẻ bánh (cc.28-35).

  • “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ trao cho họ”

Đấng Phục Sinh đang cử hành bí tích Thánh Thể, lặp lại Bữa Tiệc Ly ?

  • Đối với hai môn đệ làng Emmau, ta khó có thể nghĩ rằng Đức Giêsu tái hiện lại Bữa Tiệc Ly ở đây cho họ. Bởi vì vào thời thời điểm Đấng Phục Sinh hiện ra cho họ thì việc cử hành Lễ Bẻ Bánh chưa được thực hành trong cộng đoàn tín hữu. Do đó, vì không có mặt trong Bữa Tiệc Ly, hai môn đệ này sẽ không hiểu được ý nghĩa của cử chỉ này để mà nhận ra Người. Vả lại không phải bất kỳ cuộc bẻ bánh nào cũng đều là Bí Tích Thánh Thể cả (x. Cv 27,35).

  • Tuy nhiên hai môn đệ này phải biết một lần Chúa bẻ bánh: trước khi nhân bánh, Đức Giêsu đã “cầm lấy năm cái bánh … dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ …” (Lc 9,16). Với Luca, đây rõ ràng là hình ảnh tiên trưng của Bí Tích Thánh Thể.

  • Thêm nữa, vào thời Luca soạn Tin Mừng, rõ ràng nghi thức bẻ bánh là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể.

  • Cuối cùng ta cũng phải lưu ý đến hành động lạ lùng của Đức Giêsu: Người là “Khách” mà lại đi làm công việc của “chủ nhà” và đóng vai trò chủ tọa bữa ăn. Cử chỉ này gợi lại việc Người dùng năm cái bánh và hai con cá CỦA CÁC MÔN ĐỆ để nhân bánh đãi đám đông đến nghe Người.

Như vậy việc nhân bánh trước kia và cử chỉ của Đấng Phục Sinh ở đây, dù không là Bí Tích Thánh Thể đúng nghĩa, cũng phải được xem là biểu tượng của Thánh Thể vậy. Một cử chỉ như thế giúp các môn đệ nhận ra Cứu Chúa của mình: “họ nhận ra Người lúc bẻ bánh”. Nhưng chỉ về sau, nhờ thực hành của Giáo Hội, họ mới có thể thấu triệt ý nghĩa biểu tượng bí tích gắn liền với việc bẻ bánh này.

Dưới nhãn giới Luca, chính ý nghĩa Thánh Thể mới là điều thiết yếu. Trong trình thuật này, Đức Giêsu gợi ý cho các môn đệ đang muốn giữ Người lại (so với Ga 20,17), hiểu rằng: không những từ nay về sau Người hiện diện chắc chắn giữa các môn đệ cho dù sự hiện diện ấy thường mang tính cách vô hình, mà Người còn hiện diện với họ từ nay trong Bí Tích Thánh Thể.

Như vậy mỗi khi cộng đoàn tụ họp, lắng nghe, giải thích Lời Chúa và cử hành Lễ Bẻ Bánh thì Đấng Phục Sinh ở giữa họ, đồng hành với họ, dạy dỗ, nuôi sống họ.

  • Ngay lúc đó, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem

Tin Mừng phải được chia sẻ ngay bất chấp chướng ngại của đường xa, đêm tối, mặc dù không được đặt làm chứng nhân chính thức, nhưng việc loan Tin Mừng, sứ mạng truyền giáo phải trở thành như bản chất của những người đã gặp được Đấng Phục Sinh.

  1. Chứng từ và lời rao giảng tông truyền (c.34).

Nếu chỉ đọc thoáng qua bản văn Tin Mừng hôm nay, ta dễ dàng vội vã kết luận rằng:

  • Những người được Đấng Phục Sinh hiện ra cho tiếp xúc trước tiên là hai môn đệ Emmau.

  • Và như thế với dự tính ở câu 33, thì những con người chứng nhân đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh là hai môn đệ này.

  • Thế nhưng với câu 34, chỉ một câu ngắn gọn, mọi sự đều đổi thay:

  • Nhóm Mười Một và các bạn hữu ở Giêrusalem lại là những người đầu tiên công bố công khai sứ điệp Phục Sinh: “Chúa trỗi dậy thật rồi” (c.34a).

  • Nhưng dựa vào đâu để nhóm này dám công bố như thế ? Dựa vào LỜI CHỨNG TỪ của Simon: “Người đã hiện ra với ông Simon” (c.34b).

Luca đã tài tình tóm lại trong một câu ngắn cả một chuỗi biến cố quan trọng đã diễn ra ở Giêrusalem trong cộng đoàn tín hữu ở đó. Cụ thể như sau:

  • Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho Simon.

  • Simon liền công bố tin vui ấy cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu. Và họ đã TIN chứng từ của Simon. Do đó khi vừa gặp hai môn đệ Emmau, họ đã nhanh chóng tuyên tín “Chúa đã sống lại thật”.

  • Họ đã trở thành cánh tay nối dài của vị tông đồ trưởng loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Vậy đức tin của Phêrô và sự nối kết tông truyền là một nền tảng vững chắc để tín hữu mọi thời có thể an tâm dựa vào đó mà tin nhận Mầu nhiệm Phục Sinh.

Thật vậy, khi hai môn đệ Emmau đến nơi thì Tin Mừng Phục Sinh đã được Simon loan báo cho các môn đệ và Nhóm Mười Một ở Giêrusalem rồi. Kinh nghiệm Phục Sinh của hai môn đệ Emmau không đi trước Phêrô. Chứng từ của Phêrô luôn là nền tảng đức tin của Giáo Hội, đây chính là sứ mạng Chúa giao cho ông (x. Lc 22,32).

  1. Tóm kết:

Qua trình thuật này, Luca trình bày cho chúng ta cuộc hành trình đức tin để đi đến chỗ gặp và nhận ra Đấng Phục Sinh. Nhờ Đấng Phục Sinh đồng hành, hướng dẫn mà hai môn đệ đã hoán cải và từng bước nhận ra Người. Trước đó, vì thiếu hiểu biết Lời Chúa, họ đã bị kẹt trong tình trạng bất tín do xì-căng-đan của Thập Giá. Nhưng mọi sự đều ổn thỏa nhờ ánh sáng của Lời Chúa. Và khi họ nhận ra được Người nơi bàn ăn thì Người đã biến mất. Từ nay dù không còn thấy Người bằng mắt phàm nữa, họ đã chiếm hữu được Người tới mãi muôn đời. Niềm vui có Chúa đó phải biến kẻ tin thành sứ giả loan Tin Mừng Phục Sinh cho kẻ khác (24,33) chứ không được giữ riêng cho mình.

Diễn tiến đức tin của hai môn đệ Emmau là một kiểu mẫu hành trình đức tin: đi từ hoang mang thất vọng đến đức tin nhờ hiểu lời Chúa; rồi từ đức tin đi đến khám phá ra Đức Giêsu hằng sống nhờ Bí Tích; Một khi đã gặp Đấng Phục Sinh thì phải lên đường truyền giáo, loan báo Tin Mừng.

Và trong quá trình hăng say loan báo Tin Mừng thì chứng từ TÔNG TRUYỀN và phẩm trật (Phêrô ® Nhóm Mười Một ® Môn đệ ® Hai Emmau) luôn là mối dây hiệp nhất tất cả mọi tín hữu trong cùng một đức tin duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Nhờ đó, nhân loại mọi thời mọi nơi đều có thể đích thân gặp và tin vào Đấng Phục Sinh mà không bị thiệt thòi thua kém gì so với các tông đồ và với các tín hữu thời sơ khai.

Frère pierre Đình Long FSC