Chiến đấu thắng cám dỗ để làm theo ý Chúa, thờ lạy Người.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- NĂM C

Đnl 26,4-10; Lc 4,1-13

Chủ đề: Chiến đấu thắng cám dỗ để làm theo ý Chúa, thờ lạy Người.

* Đnl 26,10: anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan YAVÊ rồi phủ phục trước tôn nhan Người.

* Lc 4,12 và 8: ngươi chớ thử thách  CHÚA phải thờ phượng một mình Người mà thôi.

Chúng ta đã chính thức bước vào Mùa Chay từ Thứ Tư tuần trước, với nghi thức xức tro tỏ lòng sám hối. Mùa Chay giúp các tín hữu chuẩn bị cả hồn lẫn xác để đi vào sự hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu trong mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Người vào Tam Nhật Vượt Qua (chiều thứ 5, 6 và 7) và Lễ Phục Sinh. Thời gian chuẩn bị là bao lâu? Và phải làm gì trong thời gian đó? Các thế kỷ đầu, Hội Thánh còn bé nhỏ và bị bách hại nên cơ chế chưa rõ ràng. Đến thế kỷ IV, thời gian được chọn là 40 ngày. Như vậy tính ngược lại từ sáng thứ 5 của Tam Nhật Vượt Qua thì túc số 40 rơi vào Chúa Nhật I Mùa Chay. Và làm gì trong suốt thời gian ấy? ĂN CHAY! Nhưng Chúa Nhật là ngày kính Đức Giêsu Phục Sinh nên không ăn chay. Như thế còn 34 ngày, cộng thêm hai ngày thứ 6 và 7 của Tam Nhật nên tổng cộng là 36 ngày ăn chay. “36”: con số đẹp, vì là 1/10 của năm. Đó được coi là một dạng thuế Thập phân (x. Ds 18,21-32; Đnl 14,22-27), dân kitô giáo hiến cho Thiên Chúa. Đến thế kỷ VII nảy sinh ra ý muốn đạo đức: bắt chước Đức Giêsu ăn chay 40 ngày; Thế là đẩy ngược thêm về trước 4 ngày, rơi vào thứ Tư lễ Tro như hiện nay.

Trong tiếng La tinh, Mùa Chay là QUADRAGESIMA, nghĩa đen là Mùa Bốn Mươi, tức 40 ngày ăn chay. Ngày nay chỉ còn buộc giữ chay Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Thánh. Qua nét canh tân phụng vụ đó, Hội Thánh mời con cái mình đào sâu hơn Ý NGHĨA của việc giữ chay.

“CHAY” nghĩa là “TRONG SẠCH”, giữ mình (Xh 19,14.22) cho khỏi ra ô uế hoặc nài xin Thiên Chúa thương xót tha thứ, thanh tẩy cho hết các ô uế (2Sm 12,22; Tv 51(50), 4), mục đích là để dọn mình, ở tư thế sẵn sàng cho một công cuộc trọng đại nào đó (x. Ban từ vựng CG “Tự điển CG” – Mùa Chay) (xem ở “Từ điển Đức Tin Kitô giáo Pháp – Việt” từ “Quarantaine” p.703 cột b). Tại núi Sinai, để chuẩn bị đón Chúa đến ban Lề Luật, biến đổi đám nô lệ nên dân của Chúa, dân Do Thái đã phải “giữ mình cho khỏi nhiễm uế”, “giặt quần áo” (x. Xh 19,10), mọi sự phải sẵn sàng, đừng gần gũi đàn bà (19,15). Điều quan trọng không chỉ là thi hành một số điều khoản pháp lý bên ngoài, tức thời mà là đổi mới tận căn các mối tương quan:

  1. Giữ mình trong sạch, thanh tịnh

  2. Nối kết lại các mối tương quan thân ái với tha nhân (x. Is 58,6-7.9-10).

  3. Chiến đấu để biện phân ra ý Chúa và thực thi. Đó là những CHIẾN ĐẦU cam go để hồi phục lại các mối tương quan tốt với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Để giúp tín hữu sống tốt Mùa Chay, Hội Thánh trong Chúa Nhật I Mùa Chay mời dân Chúa CHIẾN ĐẤU.

Bài đọc 1 trình thuật lại nghi thức dân Israel tiến dâng lên Thiên Chúa sản phẩm đầu mùa của hoa màu ruộng đất để nói lên lòng tôn kính thần phục đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Chúa là Đấng Khai Sinh dân, giải cứu dân, ban cho dân Đất Hứa và hoa màu ruộng đất. Thoạt nhìn chúng ta không dễ thấy chủ đề CHIẾN ĐẤU hiện diện trong bài đọc 1. Tuy nhiên lời tuyên xưng đức tin và việc tuân lệnh Chúa dâng lễ vật đầu mùa cho Thiên Chúa là hoa trái của cả một quá trình chiến đấu. Thật vậy, khi vào Đất Hứa, Israel được hưởng nhiều tiện nghi của cuộc sống do nền văn minh Canaan mang lại, kể cả những ảnh hưởng về tôn giáo thờ Thần Baal: Israel luôn bị cám dỗ chạy theo dân Canaan thờ cúng dâng lễ vật cho Thần Baal vì bị dân địa phương lôi cuốn tưởng rằng mọi sự tốt đẹp là do Thần Baal ban. Đó là cơn cám dỗ thường xuyên đối với dân Chúa. Họ phải chiến đầu không ngừng để trung tín với Thiên Chúa của mình mà việc dâng của đầu mùa là một biểu tượng.

Tin Mừng thuật lại cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong hoang địa. Cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu gồm hai yếu tố: 1/ bên ngoài là việc ăn chay 40 ngày, và Đức Giêsu thấy đói; 2/ bên trong là cuộc chiến đấu chọn thực thi ý Chúa.

Cuộc chiến đấu chủ yếu nằm ở yếu tố 2. Qủy đã bóp méo, xuyên tạc Lời Chúa để dụ lừa Đức Giêsu đi trệch đường lối Thiên Chúa muốn trên Người. Đức Giêsu quả thật là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa! Nhưng vấn đề là: bằng phương thức nào, Đức Giêsu chọn để biểu lộ Người là Đấng Cứu Tinh, Thiên Sai? Thật vậy:

  1. Cơn cám dỗ 1:Quỷ xúi Đức Giêsu dùng uy quyền thần linh của người con Thiên Chúa làm một phép lạ chỉ để giải quyết một nhu cầu nhất thời trước mắt. Đức Giêsu đáp: Lời Chúa là để nuôi sống nhân loại chứ không để phục vụ một nhu cầu thoáng qua của một cá nhân.

  2. Cám dỗ 2:Quỷ xúi Đức Giêsu thần phục nó để nhận được từ nó phương tiện thế trần này để hoàn tất sứ mạng. Đức Giêsu đáp: người chỉ thờ lạy một Thiên Chúa, đón nhận từ Thiên Chúa những phương thế Chúa ban để thi hành sứ mạng, không nhận từ ai khác, phương tiện khác.

  3. Cám dỗ 3: quỷ xúi Đức Giêsu làm một công việc ngu si ngược tự nhiên để xem Thiên Chúa có ra tay giải cứu hay không? Đức Giêsu đáp đừng thử thách Thiên Chúa. Và trong Tin Mừng Luca, cơn cám dỗ vẫn tiếp tục: nơi thập giá của Đức Giêsu (x. Lc 23,37.39) và nơi các tín hữu là nhiệm thể của Người: quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ (Lc 4,13). Chúa Nhật I Mùa Chay, Hội Thánh mời tín hữu noi gương Đức Giêsu chiến đấu chọn theo ý Chúa. Mùa Chay là Mùa chiến đấu! Chiến đấu để nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong Thập Giá và Phục Sinh.