Bài giảng Lễ Ngọc Khánh Cha Giu-se Bùi Đức Vượng

 MỪNG NGỌC KHÁNH LINH MỤC 

Cha cố Giuse Bùi Đức Vượng 

1958 – 27/07 – 2018

Lm Tôma Nguyễn Văn Thượng      

 Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Ngày 27.07.2018 vừa qua, nơi nhà chính của Tỉnh Dòng NTTT-VN tại Biên Hoà, thuộc Giáo phận Xuân Lộc, đúng ngày kỷ niệm Ngọc Khánh Linh mục của cha cố Giuse 27.07.1958 – 2018, Tỉnh Dòng đã mừng:

50 hiện diện tại VN
25 năm là thành viên của Dòng NTTT Quốc tế
25 năm khấn dòng của lớp khấn đầu tiên
Đồng thời cũng mừng Ngọc Khánh Linh mục của cha cố Giuse

Đức cha Giuse Vũ Huy Chương, Giám mục Đà lạt giảng lễ hôm đó nói là mừng 4 trong 1. Và giải thích lý do tại sao như thế, các chị NTTT đã cho thấy mối liên hệ “SINH THÀNH” giữa Tỉnh Dòng và cha cố Giuse. Các chị đã dùng hình ảnh “Ông Môsê dẫn dân Israel ra khỏi đất Ai Cập, qua sa mạc, đưa vào Đất Hứa” để diễn tả mối liên hệ SINH THÀNH ấy.

Hôm nay, Đức cha Aloisio đã nhận lời cha cố Giuse xin và mời cha cố về Giáo phận để mừng Ngọc Khánh Linh mục tại ngôi nhà nguyện của CVTSKT, nơi cha cố cách đây 42 năm đã bị bắt đi tù cải tạo. Và Đức cha trao cho con vinh dự chia sẻ trong Thánh Lễ này – con xin hết lòng cám ơn Đức cha – con cũng xin tiếp nối suy tư của các chị NTTT về hình ảnh thánh Môsê trong cuộc đời 60 năm Linh mục của cha cố.

  1. THÁNH MÔSÊ VÀ NHỮNG NGỌN NÚI

Khi nói về Thánh Môsê, phải nói tới mối tương quan giữa Thánh nhân và Thiên Chúa. Và mối tương quan ấy cứ dần dần rõ nét qua những lần thánh nhân được gặp Thiên Chúa trên núi. Có thể nói tới 3 ngọn núi trong cuộc đời Thánh Môsê:

  • Núi Khoreb (Xh 3, 1-6):

Nơi Thiên Chúa kêu gọi Thánh Môsê, chúng ta nghe trong bài đọc 1. Hay nói theo ngôn từ của Ngôn sứ Giêrêmia: Thiên Chúa dụ dỗ, quyến rũ thánh nhân làm Meshiah của Người, khiến thánh nhân xiêu lòng, chấp nhận đứng đầu lãnh đạo dân Israel đấu tranh thoát ách nô lệ Ai Cập. Vâng, Chúa đã khéo dùng phép lạ bụi gai cháy nhưng không bị thiêu rụi, để dụ dỗ một tội phạm giết người phải lẩn trốn, lưu lạc nơi đất khách quê người nhận trách nhiệm đứng đầu dân Chúa.

  • Núi Sinai (Xh 19, 20-25; 24, 1-2. 13-18; 34, 1-9):

Nơi Thiên Chúa đặt Thánh Môsê làm trung gian GIAO ƯỚC Người nhận Israel làm dân riêng và Israel nhận Người làm Đấn Thiên Chúa duy nhất và chân thật để tôn thờ.

Sinai cũng là nơi dăm ba lần Thánh Môsê tiếp tục nhịn ăn nhịn uống suốt 40 đêm ngày để khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ cho dân. Chính ở núi Sinai, như Chúa phán với ông Aharon và bà Miryam… “với Môsê, Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn” (Ds 12, 8) – “Đức Chúa dàm đạo với ông Môsê mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11).

  • Núi Nơ-vô:

Nơi Chúa truyền cho Thánh Môsê lên để được ngắm nhìn Đất Hứa, rồi về với cha ông (Đnl 32, 48-52; 34, 1-12).

Ở núi Khoreb và Sinai, Thánh Môsê đã lên tiếng, bày tỏ ý kiến với Thiên Chúa. Ông nói rất nhiều. Nhưng lạ ở đây, không thấy thánh nhân lên tiếng, không thấy một lời nào. Chỉ thấy im lặng, im lặng hoàn toàn: Người tôi tớ cúi đầu vâng phục trước lệnh chủ.

  1. CHA CỐ GIUSE VÀ NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHỤC VỤ

Vâng, 3 ngọn núi – 3 giai đoạn trong đời phục vụ của Thánh Môsê: được quyến rũ để làm thừa sai – được trở thành người bạn để cộng tác trong chương trình cứu độ – và sau cùng như một tôi tớ trung thành vâng phục chấp nhận ra đi.

Về cha cố Giuse, con cũng xin mạo muội phác hoạ 3 ngọn núi trong đời của ngài – đây là suy nghĩ của con, rất riêng và rất chủ quan:

  • Núi Phượng Hoàng: Quận Lệ Thanh (Đức Cơ), Pleiku, nơi cha cố được Chúa quyến rũ làm người thừa sai bắt đầu từ dinh điền Sùng Lễ, đến Phú Bổn rồi đến CVTSKT và 12 năm tù đày.

  • Núi Chứa Chan, ở ngã Ba Ông Đồn, Xuân Lộc, nơi Chúa cho cha cố là bạn thân thiết để thi hành sứ vụ hình thành Dòng NTTT-VN.

  • Và hôm nay như trên núi Chư Pao nhìn về đất hứa Kontum, mãn nguyện vì sứ mạng đã hoàn thành.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Khi nói về Thánh Môsê, thường người ta nói tới núi Khoreb và đặc biệt nhấn mạnh tới núi Sinai, nhưng hình như quên núi Nơ-vô. Nói về cha cố Giuse trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay, con cũng gặp cám dỗ muốn quên Chư Pao trên chặng đường cuối đời của cha cố. Nhưng khi nghĩ đến:

  • Cha cố Gioakim Nguyễn Thúc Nên với 98 tuổi đời và 64 năm LM

  • Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung 93 tuổi đời và 63 năm LM

  • Rồi đến cha cố G.Baotixita Trần Văn Hộ, 91 tuổi, 60 năm LM, nhưng hôm nay ngài không có mặt nơi đây, nhưng chắc chắn Giáo xứ Đức An nhớ tới ngài. Và cha cố của con, Giuse Bùi Đức Vượng, 90 tuổi đời với 60 năm LM

  • Tiếp đến là lớp các đấng bậc mừng trên 50 năm LM: Đaminh Đinh Trung Thành, Giuse Phạm Minh Công, Giuse Phạm Hữu Thế, Tôma Vũ Khắc Minh, Đaminh Trương Kim Hương – Lớp mừng 50 LM: Đức ông Vinhsơn Đặng Văn Tú, cha cố Đaminh Trương Bảo Tâm, Simon Phan Văn Bình, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh – một thế hệ với tuổi đời trên 80.

  • Rồi thế hệ chuẩn bị mừng 50 năm LM với tuổi đời gần 80: Cha cố Giuse Nguyễn Văn Đắc, cha Giuse Trần Sĩ Tín, cha TĐD Phêrô Nguyễn Vân Đông, cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu, Giuse Nguyễn Đức Chương, Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn . Cuối cùng là con và cha Giuse Đỗ Hiệu trên 70 tuổi đời và 44 năm LM.

Con thấy những thế hệ vượt niên hạn thất thập cổ lai hy này có thể đã phải lên núi Nơ-Vô với Thánh Môsê, lên núi Chư Pao với cha cố Nên, Đức cha Phêrô cùng với 2 cha cố Giuse và G.Baotixita mừng Ngọc Khánh LM hôm nay. Chính vì thế con muốn xin cộng đoàn dừng lại chiêm ngắm thánh Môsê trên chặng đường cuối đời ở núi Nơ-Vô, như hình ảnh báo trước Đức Kitô chết trên núi Sọ, và như gương mẫu những ai muốn làm tôi tớ phục vụ Thiên Chúa.

Vâng, trung thành với truyền thống của Sách Thánh coi Chúa Kitô là Môsê mới, chúng ta có thể đọc cuộc đời thừa sai của Chúa với 3 ngọn núi:

  • Ngọn núi cao nhất vùng Dơ-vu-lun: nơi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu, nhưng chúng thất bại;

  • Núi Bát Phúc: nơi Chúa công bố Hiến Chương Nước Trời;

  • Núi Sọ: nơi Chúa vâng phục “bỏ thế gian mà về với Cha”.

Tất cả đều qui về núi Sọ.

Cũng có thể nói: trong mối tương quan của Thánh Môsê với Thiên Chúa, tất cả đều qui về núi Nơ-vô.

Và cuộc đời mỗi tín hữu chúng ta tiếp bước Chúa, tất cả cũng phải quy về núi Sọ, và Thánh Lễ Tạ Ơn – Bí Tích Thánh Thể là việc quy về tuyệt hảo nhất. Thật vậy, “cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cor 11, 26); đã được giương cao (Ga 3, 14).

Thật vậy, khi lên núi Nơ-vô hay được giương cao trên núi Sọ là lúc  chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu, là anh cả của chúng ta; là chúng ta tiếp nhận Thần Khí Đức Kitô để trở nên Tôi Tớ Vâng Phục, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, để cùng Ngài “về với Cha” vào thời điểm Cha muốn, Cha quy định. Cử hành BTTT là cách tốt nhất chuẩn bị cho chúng ta về với Cha.

Lạy Chúa Giêsu, trên núi Sọ, Chúa đã “gục đầu” xuống và trao Thần Khí (Ga 19, 30). Xin đổ Thần Khí xuống trên cha cố Giuse, mừng Ngọc Khánh LM hôm nay, cũng như trên tất cả chúng con – Amen.