Thứ tư, sau Chúa Nhật XXXIII Thường Niên

“Hãy lo làm ăn sinh lợi
cho tới khi tôi đến”
(Lc 19, 11-28)

  1. “Có một người quí tộc kia trẩy đi phương xa…”

Để giúp chúng ta hiểu, nhận ra và sống mầu nhiệm Nước Trời, hay còn gọi là Triều Đại Thiên Chúa, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men trong bột, kho báu, ngọc quí,  “Mười trinh nữ”, và với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu nói về Nước Trời bằng dụ ngôn “các yến bạc”.

Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Đức Giê-su rất thích dùng hình ảnh người chủ đi xa. Thực vậy, trong dụ ngôn này, Ngài dùng hình ảnh người quí tộc trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền; và trước khi ra đi, ông trao phó tài sản của ông cho các tôi tớ. Và đây chính là một chi tiết quan trọng, nói cho chúng ta một cách sâu xa về tương quan của chúng ta với Chúa. 

Thực vậy, khi loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta được mời gọi sống theo được ơn gọi, và đặc biệt được tháp nhập vào Hội Dòng trong ơn gọi dâng hiến, tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô được ban nhưng không mỗi ngày.

Bởi vì tương quan chỉ  đích thật và trưởng thành khi vượt qua tương quan hiện diện thể lí, để sống tương quan ngay cả khi vắng mặt và ngang qua các dấu chỉ. Xét cho cùng, làm sao hai người hiện diện thể lí với nhau mọi lúc mọi nơi được! Giống như khi chúng ta còn bé, có lúc bé phải ở nhà một mình; và mẹ chỉ thực sự hài lòng và vui mừng khi bé ngoan cả khi mẹ đi chợ vắng nhà!

  1. Ân huệ “Nén Bạc”

Theo lời kể của thánh Mát-thêu, có sự khác biệt về số nén bạc được trao cho mỗi người: “Người này năm yến, người kia ba, còn người kia một, tùy theo khả năng mỗi người”. Còn theo thánh Luca, thì mỗi người đều được một nén. Nhưng dù là một nén hay hơn nữa, điều mà người chủ kí thác là rất lớn. Thật vậy, theo các nhà chuyên môn, mỗi yến bạc trị giá 6.000 ngày công, tương đương với 20 năm làm việc. Số vốn quá lớn! Điều này có nghĩa là, dù có sự khác biệt khách quan năm, hai hay một nén, tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người chúng ta tự bản chất đều quá lớn, có thể nói được là vô giá, vô giá như chính sự sống. Chúng ta có thể hiểu những yến bạc là những năm tháng cuộc đời Chúa ban cho mỗi người, dài ngắn khác nhau. Chúng ta cũng có thể hiểu những yến bạc là tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc sống: chủng tộc, xã hội, gia đình, giới tính, ngoại hình, khả năng, số phận…

Những gì Chúa trao ban cho chúng ta là quá lớn, là vô giá; nhưng trong thực tế, chúng ta lại hay rầu rĩ ỉ ôi về mình: tại sao Chúa trao cho con có nhiêu đây! Tại sao con sinh ra trong hoàn cảnh như thế này? Tại sao con không là con gái? Hay tại sao con không là con trai? Tại sao cái mặt, tay chân của con nó như vầy, tại sao con lại bị thế này, tại sao người ta có mà con không có? Tại sao và tại sao, và có những tại sao sâu thẳm mà chỉ mình mình biết thôi. 

  1. “Rồi người thứ ba đến trình”

Đó chính là vấn đề của người thứ ba trong dụ ngôn. Dụ ngôn nói nhiều nhất về trường hợp này, bởi vì người này phù hợp với tất mọi người chúng ta ở chiều sâu, không chỉ trong ý thức nhưng nhất là trong vô thức. Bởi vì một cách khách quan có sự khác biệt nhiều ít, nhưng cảm nhận của chúng ta về điều mình có và về điều mình là luôn luôn là ít và đôi khi là ít nhất. Và khi rầu rĩ về mình, tất yếu chúng ta có hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, về Đấng Tạo Hóa: tại sao Chúa ban có bao nhiêu đó, tại sao Chúa làm thế, tại sao Chúa hà khắc như vậy?

Người thứ ba trong dụ ngôn có hình ảnh méo mó về điều mình có, nên tất yếu có hình ảnh méo mó về người chủ, và chắc chắc có hình ảnh méo mó về người khác nữa. Thái độ tự ti, mặc cảm, ghen tị, hành động co cụm, yếm thế, lãng phí là những hệ quả tất yếu. Và cuối cùng anh trở thành nạn nhân của chính hình ảnh méo mó mà anh có về người chủ: anh nghĩ người chủ hà khắc, sự hà khắc ập xuống trên anh. Thực ra, khi mình nghĩ xấu và sai về người khác, thì cái xấu và cái sai đã hành hạ mình rồi sâu thẳm tự bên trong.

*  *  *

Dụ ngôn của Đức Giêsu, nhất là cuộc đời của Ngài mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn, mỗi Thánh Lễ là một lời tạ ơn, là Lễ Tạ Ơn, là lời kinh Tạ Ơn: tạ ơn về chính mình, mình y như thế đó, tạ ơn vì sự tin tưởng quá lớn Chúa trao tặng cho chúng ta, tạ ơn vì quà tặng Đức Giêsu Kitô Chúa cho chúng ta mỗi ngày thật quảng đại và nhưng không. Và chính tâm tình tạ ơn và ca tụng Chúa, làm cho chúng ta được bình an, hạnh phúc, và sinh hoa kết quả dồi dào, làm đẹp lòng Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc