Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 01 ngày 15

Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ     
      

  “Một linh mục để cho một ngày trôi qua mà không đọc Kinh Thánh thì coi như đã đánh mất đi ngày sống của mình.” [Tĩnh tâm ở Notre-Dame du Laus, 6/1837]

Cha Eymard trở đi trở lại chủ đề này dưới nhiều cách thức khác nhau. Chúng ta đã suy niệm về việc cha khẳng định rằng ngọn lửa cần phải được tiếp thêm nhiên liệu và bốc cháy lên thành ngọn đuốc, bằng không nó sẽ mau chóng tàn lụi. Ở đây, cha nhấn mạnh rằng người môn đệ nhiệt thành cần phải luôn luôn được lấp đầy bằng nguồn mạch và cội nguồn-chính là Lời Chúa trong Kinh Thánh. Trong thời đại hôm nay, chúng ta không có lý do gì để từ chối lời đề nghị này, chúng ta có rất nhiều ấn bản và phiên bản Kinh Thánh bằng nhiều ngôn ngữ. Bên cạnh đó, những sách chú giải cập nhật thường xuyên cũng có sẵn trong tầm tay chúng ta. Tất cả những gì chúng ta thực sự cần đó là xác tín rằng: giống như cơ thể sẽ suy yếu khi không được nuôi dưỡng một cách hợp lý, thì cũng thế tinh thần của chúng ta sẽ mất sức sống khi từ chối của ăn Lời Chúa trong Kinh Thánh.

Thế nhưng, đó không chỉ là vấn đề trung thành đọc bản văn, nhưng là đọc mỗi ngày. Lời chúng ta đọc cần phải được “bẻ ra”, được thưởng thức và được đồng hóa, lời ấy cần trở nên thành phần trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần nhận ra lời ấy trong việc liên hệ với những đoạn trong Kinh Thánh- những tham chiếu này sẽ giải thích bản văn hay thêm nhiều sắc thái quan trọng cho việc hiểu biết đầy đủ hơn và phong phú hơn. Người ta nói rằng chính Sách Thánh là sách chú giải hay nhất về bất kỳ đoạn văn nào trong Kinh Thánh! Do đó, việc đọc Kinh Thánh của chúng ta cần phải là việc đọc trong tâm thế thanh thản và cầu nguyện, qua đó chúng ta dành thời gian và tự do nội tâm vào những lời, những hình ảnh và những bản văn để liên kết và làm phong phú bản văn gốc. Chính Thần Khí sẽ dẫn dắt chúng ta trong việc đọc Sách Thánh được phong phú hóa này.

Nếu chúng ta nhớ lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta lưu ý rằng chính Chúa Phục Sinh giải thích Sách Thánh tường tận cho họ; Ngài đi xuyên suốt Sách Thánh để nối kết các bản văn với nhau cho đến khi các ông rạo rực bằng sự thúc bách và sức mạnh. Khi nắm bắt được chân lý: nhất thiết Đức Ki-tô phải chịu đau khổ rồi sau đó mới bước vào vinh quang của Người, các ông sẽ chẳng bao giờ lại có thể quên đi ý nghĩa của chân lý ấy và áp dụng vào cuộc đời mình. Chính cách đọc tường tận như vậy sẽ thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa và biến chúng ta thành những tông đồ năng động làm việc hết mình để loan báo Vương quốc tình yêu của Thiên Chúa.

Một điểm khác cũng đáng lưu lại trong tâm trí đó là chúng ta càng hành động nhờ lời sau khi tiếp nhận lời ấy, cuộc đời chúng ta ngày càng trổ sinh hoa trái (Gc 1,22-27). Chúng ta có được câu trả lời của Đức Giê-su dành cho người đàn bà đã chúc phúc cho Mẹ Ngài “Đúng hơn là phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Thường thì, thái độ không sẵn sàng để làm những gì Lời đòi hỏi chúng ta chính là cái đóng khung sự hiểu biết của chúng ta về Lời ấy. Do đó, trước khi chúng ta bắt đầu, một lời cầu nguyện chân thành với Chúa Thánh Thần lúc nào cũng sẽ giúp hướng đến việc hiểu biết rõ hơn và can đảm thi hành sứ điệp mang lại sự sống của Thiên Chúa dành cho chúng ta.