VỀ CỐ HƯƠNG

Chị em trong chúng ta ai cũng biết một chút về tâm lòng cha Bề Trên kính yêu. Ngài có nguồn gốc từ giáo phận Kontum và luôn hướng lòng về nơi ấy, dù ở đâu, làm việc gì. Giờ đây, tuổi đã cao, ngài vẫn một mực mong ngóng “Về Cố Hương”, đặc biệt sau chuyến viếng thăm dài ngày năm 2021 vừa qua. Đáng lẽ chuyến về này khởi hành từ thứ năm sau lễ Tro vừa qua, nhưng vì Cô Vy xuất hiện, nên đành dời lại sau 34 ngày, nghĩa là vào thứ ba, ngày 05/04/2022.

Tính ngài trầm lắng nên “thành phần tham dự” chuyến đi chỉ có cô Lê và cô Hằng, thày Lân là những người thân yêu của gia đình cha và đại diện Tỉnh dòng chỉ được hai người ( chị Phó GT và tôi ).

4g00 ngày 05 thứ ba, chúng tôi dâng thánh lễ cầu bình an cho chuyến “Về Cố Hương” của cha. Sau khi ăn sáng, chúng tôi lên đường. Lần đầu tiên đi từ Long Khánh đến địa phận Buôn Ma Thuột, chúng tôi phải mất 4 tiếng đồng hồ để đi qua một con đèo ngoằn ngoèo dài khoảng 120km. Cảnh đẹp, khá ngoạn mục vì vẫn còn nét đẹp hoang sơ chưa khai thác. Con đập Đồng Nai nằm sừng sững, nhưng khô cạn. Vì mải say xe và say cảnh, nên chẳng ghi được tấm ảnh nào. Đèo dốc và dài như hình con rắn khổng lồ lượn lờ giữa núi rừng, nên giữa đèo phải dừng chân, vì… cha mệt. Lúc đó tôi cũng choáng váng mặt mày, nhưng đi với các vị cao niên, nên phải tỏ ra “chất anh hùng”. Nhưng khi xe vừa dừng, tôi mở cửa chạy ra trước tiên, để hít thở khí trời… Cảm ơn cha !

Chúng tôi tới cộng đoàn Dakmil kịp giờ cơm trưa. Tại đây có bà cố của cha Long (gp Kontum), là giáo dân giáo xứ Phú Bổn xưa, đến chào cha.

14g chúng tôi lên đường tiến về cộng đoàn phố Ban Mê. Các chị trong cộng đoàn Eabar cũng ra chào cha. Tại đây, có anh Huyên – CVK cũng đến gặp cha. Đến đâu, dù mệt, cha cũng bắt tay, vẫn tươi cười thân thiện và chống gậy đi thăm vườn. Nhìn ông cụ trên 90 tuổi trong cung cách ấy, tôi thầm cảm phục và tạ ơn cho ngài.

Dừng chân nơi đây non một tiếng, chúng tôi lên đường và tiến về Pleiku. Nhưng trước khi về cộng đoàn ăn tối, cha muốn ghé thăm Đức cha Micae ở cộng đoàn Nagia gần Hàm Rồng. Đến nơi khoảng 19g30, chúng tôi đã thấy Đức cha đứng đón tại cửa, mặc dầu ngài đau rất nặng. Hai cụ trò chuyện với nhau phải có “thông dịch viên” vì cha thì nghe chẳng rõ, còn Đức Cha thì nói thật khó khăn,  rất ít lời, nói rất nhỏ và từng tiếng. Tôi thấy ngài xuống sức mau quá; mới ngày nào giọng ngài còn sang sảng, bước chân thoăn thoắt…

Sáng thứ tư, sau khi dâng lễ và ăn sáng, chúng tôi ghé chào cha Quản Hạt. Ngài vui tươi, hồ hởi đón tiếp chúng tôi. Tôi nghĩ: gặp ngài, dù lạ cũng thành quen. Ngài có giọng cười giòn giã và cách nói khôi hài, nên chúng tôi cười suốt. Thảo nào, các chị em ở cộng đoàn Pleiku cũng bị ảnh hưởng không ít. Tốt đấy !!!

Xe chúng tôi tiến về nghiã trang thành phố, để thăm bác Thượng. Ngài mới được dọn về đây gần 4 tuần. Phần mộ của ngài đã được anh Duối mời các kiến trúc sư thiết kế. Khi viếng mộ, cha Bề trên nói đôi lời về tình thân thiết gắn bó với ngài, dù sống chết cách trở. Thày Lân nghẹn ngào xin lỗi vì vắng mặt trong ngày tang lễ và còn nói “ Dưới mắt người đời, cha Cố được xem là “ Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh đã rụng…” nhưng cha đã can đảm dâng cho Chúa…” Cha Bình – quý tử, cũng sẽ tổ chức lễ giỗ 40 ngày, 50 ngày cho ngài … Cha chọn những con số có ý nghĩa trong Kinh thánh mà thời bình sinh, cha cố Toma hay nhắc tới.

Trưa thứ tư, chúng tôi được diễm phúc ăn cơm trong nhà hưu, nơi cha Bề trên và 9 cha khác dùng cơm mỗi ngày. Cha cẩn thận lắm, đem quà biếu các cha nhà hưu. Cha Đông nói: Vậy, thỉnh thoảng cha cố cứ về… để đem quà lên nhé! Chị bếp sẵn sàng tạo điều kiện để giúp chúng tôi có bữa ăn nóng với thức ăn chúng tôi mang theo. Chúng tôi cũng gặp cha Quản lý nhà hưu, ngài chỉ cho chúng tôi căn phòng nghỉ trưa. Sau giấc nghỉ trưa khá dài, cha Bề Trên dẫn chúng tôi đi chào và mừng Đức cha Aloisio 32 năm linh mục của ngài. Đức cha cũng đứng sãn ở sân để đón. Nhìn ngài có thái độ ân cần và nhiệt tình đón tiếp cha Bề trên, tôi cảm thấy an lòng.

Phút chia tay đã đến. Chuyến “Về Cố Hương” đến hồi kết thúc. Khi tiễn cha về, cha bước xuống xe và quay lại vỗ vai cô Lê để chào. Cô ứa nước mắt. Cha vội quay đi và bắt tay cô Hằng. Tôi thấy nét mặt cha thoáng buồn và ngài đứng tần ngần trước cửa, chờ xe chúng tôi đi khuất mới bước vào phòng.

Cha ơi, chúng con chỉ ước mong tuổi già cha sống trong an bình, vui vẻ. Cha luôn là người lạc quan và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Con tin như thế!

 Người tháp tùng
Agnes, SSS