VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA1

Trên đây là tên nguyên thuỷ của bản “kinh vãn” – nghĩa là bản kinh biên soạn theo thể văn vần(thi ca)và để xướng ngâm theo cung giọng vãn ca – được các cộng đoàn dân Chúa thuộc tỉnh Dòng Đa Minh – Hải Phòng, Bùi Chu (Nam Định), Thái Bình, Bắc Ninh – ngâm ngợi một cách có bài bản, thành thuộc và nhịp nhàng. Nghe phảng phất chút nào đấy cung giọng ngọt ngào của những bài dâncaBắc bộ: Quan họ, hát chèo, ca trù. Đã thành một thói quen lành thánh, hằng nămcứ vào độ tháng10dương lịch, có ai về các miền đạo sung túc và thuần thành này ở vùng đồng đất chân quê sông Hồng và sông Thái Bình mà xem. Người người, nhà nhà, thôn trên xóm dưới cứ là rộn ràng thi đua kiệu cờ, trống chiêng, tập tành, ca vãn. Không chỉ ở những buổi kinh lễ, chầu tạ chung ở nhà thờ giáo xứ, nhà nguyện của các họ lẻ; mà còn ở ngay trong từng đoàn hội, trong các căn hộ gia đình. Hàng chục, hàng vài trăm người như một. Chẳng ai mà không xướng đọc lên vanh vách, như đã thuộc nằm lòng từ bao giờ những câu kinh bổng trầm, có lúc hân hoan, chộn rộn, có khi sầu muộn, bi thương, nhưng rất mực khoan thai, dịu dàng.

Vườn Rosa bao quanh trái đất
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền
Thử truy cùng cho đến căn nguyên
Xem ai đã gây nên vậy tá…
Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ
Suy ơn chuộc tội loài người thế…
Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này,rủ thương…
Cho con thủ tiết băng sương
Đáng lên hưởng phúc thiên đường mai sau…”

Tác giả của bản kinh vãn chữ Nôm đã đi vào lòng người này là ông Phê-rô PhạmTrạch Thiện(1818- 1903), một nhà nho khoa bảng Công giáo, gốc gác ở giáo xứ Cổ Ra (giáo phận Bùi Chu); làng CốcThành, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Những chi tiết xem ra có vẻ hy hữu và cụ thể mà chúng tôi giới thiệu dưới đây là kết quả đã tích luỹ từ một thực tế, một trải nghiệm bản thân: Điền dã, ghi chép tại chỗ; tham khảo kinh sách, báo chí Công giáo; trao đổi gần xa với những nhân chứng sống, là một số đấng bậc có thẩm quyền (1). Đặc biệt hơn, là qua gặp gỡ, trò chuyện và làm việc trực tiếp với linh mục Giuse Maria Phạm Châu Diên, một trong số rất ít những người đầu tiên lên tiếng, viết bài, công bố những thông tin cần thiết, có liên quan tới tác giả và tác phẩm kinh vãn đặc biệt này.(2)

Theo đó, được biết, ông Phê rô Phạm Trạch Thiện vốn con nhà gia giáo, đạo gốc đạo dòng ở giáo xứ Cổ Ra, nơi mà theo sử sách còn ghi “giáo sỹ I-nê Khu đã đặt bước chân sớm nhất đến đây trên đường truyền đạo, vào năm 1533, đời vua Lê Trang Tôn”. Ngay từ niên thiếu, đã được tiếng là thông minh, văn hay, chữ tốt hơn người; nên cha mẹ gửi ông vào tu tập trong nhà Chúa; nghe đâu đã mãn lớp triết của trường lý đoán Quần Phương. Nhưng mãi năm 1852, dưới triều vua Tự Đức thứ 5, mới lều chõng đi thi Hương tại trường thi Nam Định. Tại đây, ông đỗ Á khoa, nên người ta còn gọi làCụ Cử Thiện. Trớ trêu thay, chỉ vì theo “tả đạo Gia Tô”, chiếu theo lệnh triều đình, ông bị “truất tịch”, cấm cửa không cho ra làm quan.(3 )Từ đó, ông lui về quê quán, vui thú điền viên, biên soạn kinh sách, sáng tác thi phú, văn chương. Nhờ vậy, nhà đạo mình có được một kho báu kinh sách, vừa bềthế, chững chạc, vừa có giá trị về văn chương nghệ thuật, góp mặt, góp tiếng với đời.

-Kinh Cao Sang: Bản dịch chữ Nôm từ tác phẩm “Cảm Tạ Niệm Từ” nguyên văn bằng chữ Hán, rất uyên bác của Thầy giảng Phan Chi Cô, năm 1632.(4)  Đọc kỹ Kinh Cao Sang của Cụ Cử Thiện, với 90 câu thơ Nôm, theo thể thơ lục bát, ta dễ liên tưởng tới ý nghĩa thâm thuý của Thánh Vịnh và của Kinh Vực Sâu, mỗi khi đọc kinh nguyện giỗ, cầu hồn.

-Thánh Mẫu Thi Kinh: Vãn Kinh Cầu Đức Bà, 134 câu thơ lục bát. Một nghệ thuật chuyển thể trác tuyệt Kinh Cầu Đức Bà từ tiếng La Tinh sang bản trường ca diễn Nôm.

-Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương: Vãn Dâng Hoa Kính Đức Bà, 112 câu thơ phức hợp (song thất, thất ngôn và lục bát). Một kịch bản Dâng Hoa xứng đáng xếp vào danh mục kinh điển, từ hình thức, đến nội dung

-Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca: Kinh Vãn Tháng Mân Côi, 252 câu thơ phức hợp. Chúng tôi xin được giới thiệu trong phần dưới đây.

2.Tìm hiểu Tác Phẩm.

Trong ngôn ngữ dân gian nhà đạo, ngoài tên gọi chính thức trên văn bản là Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca (VCTNTTTC), có lẽ do cách hiểu và suy diễn phóng khoáng của dân gian ở mỗi địa phương, còn thấy một số tên gọi khác, như: Vãn Tháng Văn Côi, Vãn Tháng Đức Bà Văn Côi, Kinh Vãn Tháng Mân Côi, Vãn Đức Bà Rosa, Phép Ngắm Rosa, Kinh Vãn Tháng Đức Bà, Phép Lần Hạt Đức Bà Mân Côi v.v. Nhưng tất cả chỉ qui về một mối là VCTNTTTC của danh sĩ Phê rô Phạm Trạch Thiện.

Đây là một bản “trường ca”, dài hơi, liền mạch; được viết theo thể văn vần (thi ca) rất phóng khoáng, cả về hình thức (cách gieo vần, cách dùng từ, số câu trong bài, bố cục), lẫn cảm hứng, tứ thơ, ý nghĩa nội dung. Khác hẳn vần, luật, niêm, đối chặt chẽ theo truyền thống cố cựu ảnh hưởng phươngBắc. Những ai nhạy cảm, nòi tình và đồng điệu có thể nhận ra,phải chăng, đây là khúc rẽ chợt tách ra khỏi dòng chảy chung là thi phú Đường luật đã cắm rễ thật sâu trong văn học Việt Nam? Đó là trường hợp của những Gia Huấn Ca, Côn Sơn Ca, Quỳnh Uyển Cửu Ca, Hà Thành Chính Khí Ca, Hạnh Thục Ca. Đó là mảng ngâm khúc tài hoa, như Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Tự Tình Khúc. Và càng ngạc nhiên hơn, lại còn là sự xuất hiện hàng loạt của Tự Tình Vãn, Thần Tích Vãn, Ngoạ Long Cương Vãn, Ai Tư Vãn… Phải chăng, tất tần tật mảng “Ca, Ngâm, Vãn” ở đây có thể được xem như là một cơn sóng đột biến, một trỗi dậy, một vẫy vùng hoặc một chuyển động nào đó của văn nhân thi sỹ ta muốn vượt thoát ra khỏi vòng kềm toả đã giam hãm, bủa vây quá khứ? Đồng thời, sự kiện ấycũng đã hé mở một cánh cửa, mang ý nghĩa tiên tri cho thể thơ Hát Nói, một “điềm lạ, một con chim báo bão” chợt loé lên ở những thập niên cuối thế kỷ 19? Chúng tôi muốn, dù chỉ một lần, nhắc lại cái cảm xúc nôn nao, khinh khoái, tự hào, trong khi giảng bình cho học trò của mình rằng có đấy“một hiện tượng bay bổng, thăng hoa trong thi ca Hát Nói tuyệt vời” của Thánh Quát Cao Chu Thần, củaTam nguyên Yên Đổ và của anh em nhà Dương Lâm, Dương Khuê rất đỗi huê tình, kiệt xuất. Vâng, lúc ấy và mãi đến nay, đã gần đất xa trời, trong đáy thẳm linh hồn tôi, vẫn còn vang âm những ngôn ngữ, giai điệu bát ngát, như nhập đồng của xuân nữ,bồng mạc, ca trù… Rõ ràng, là “lụa không nhàu,màu không phai”. Kinh và thơ, kinh nguyện và ca vãn ngày xưa – dưới ngòi bút xuất thần của các bậc tiên hiền – đã làm cho các nghi thức thờ phụng và tế tự của nhà đạo mình được thêm phần hương sắc, gấm vóc,mượt mà. Như khói trầm nghi ngút, thơm tho bay lên trước toà Chúa uy nghi, trước nhan Mẹ từ bi ban muôn phước lành.

Với 252 câu thơ phức hợp, liền mạch của tác phẩm, có thể phân đoạn như sau: -Phần I. Dẫn nhập: Giới thiệu Kinh Vãn (từ câu 1 đến 32).

-Vì sao Thánh Đa Minh lập ra Kinh Mân Côi.
-Những ơn ích thiêng liêng của Kinh Mân Côi.
-Phần II. Các Mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu (từ câu 33 đến 216).
-Mùa Vui: Thời niên thiếu của Chúa Giêsu tại làng quê Na gia rét (câu 33-96).
-Mùa Thương: Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu (câu 97-156).
-Mùa Mừng: Vinh quang của Chúa, sống lại,l ên trời (câu 157-216).
 -Phần III. Tổng tạ.Tạ ơn Chúa và cám ơn, nhờ Đức Mẹ chuyển cầu (từ câu 217 đến 252). 3.VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA.

Sau đây là toàn văn :

1.Vườn Rosa bao quanh trái đất
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền
Thử truy cùng cho đến căn nguyên
Xem ai đã gây nên vậy tá?

5.Bởi Ông Thánh Du Minh, Cha Cả
Thấy ruộng thiêng, cỏ rả mê man
Người lo buồn, nguyện ngắm, kêu van
Xin Đức Mẹ cực khoan, thương đoái

9.Đức Mẹ thương, xuống ơn rộng rãi
Trao tràng châu, truyền hãy giải khuyên
Khuyên người ta lần hạt, ngắm nên
Sẽ chữa tật thiêng liêng cho đã…

13.Người vâng cứ, giảng, không bao nả
Thấy lòng người khác cả khi xưa
Kẻ mê đàng tội lỗi liền chừa
Phường đạo rối xác xơ, tan tác

17.Thế gian bỗng tự nhiên, ra khác
Ruộng Y-ghê cỏ rác bớt dần
Thánh hội từng tư mộ công ân
Hằng năm, đặt lễ, tuần kính nhớ…

Thơ rằng :

21.Mộc bản thuỷ nguyên giai hữu tự
Đức cơ phúc chỉ khởi vô do
Bởi đâu khai tác thánh chi đồ
Phải truy niệm sao cho xứng đáng

25.Kìa hà lạc thấy còn cảm thán
Nọ cam đường thi tán tam chương
Huống vườn thiêng Thánh Mẫu mở mang
Cây phúc rủ ngành vàng quý hoá

29.Ta hãy cố hái hoa,tìm quả
Quả cùng hoa rất lạ, rất nhiều
Rất thơm tho, mỹ vị, ngọt ngào
Ngoạn hứng, chỉn không bao là chán

VĂN CÔI THẬP NGŨ SỰ THI CA

31.Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ
Suy ơn chuộc tội loài người thế
Tử sinh nhi tử tử nhi sinh
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể

35.Lạy ơn Rất Thánh Đức Bà
Xin vì Phép Ngắm Rosa Thánh này
Ban ơn soi sáng bởi trời
Cùng ban sự sống đời đời cho con

39.Chúa toan Cứu Chuộc các sinh linh
Sai sứ truyền tin Thánh Tử sinh
Thánh Mẫu dâng mình theo ý Chú
Chịu thai, nguyên vẹn đức đồng trinh

45.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, rủ thương
Cho con lòng vững đá vàng
Vâng theo ý Chúa, mọi đàng, đừng sai

49.Y-sa-ve thánh đà già cả
Chúa định mang thai con cách lạ
Đến viếng thăm, con khỏi tội truyền
Con trong lòng mẹ liền mừng tạ

53.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, rủ thương
Cầu xin Chúa Cả thiên đường
Cứu con cho khỏi các đường tội khiên

57.Bê- Lem phong cảnh cực trần ai
Chúa chọn sinh nơi khốn khó thay
Máng cỏ ,bò lừa quỳ thở ấm
Thiên Thần mừng rỡ Chúa ra đời

61.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, rủ thương
Cho con được ở khiêm nhường
Chớ yêu chuộng sự vẻ vang trên đời

65.Mầu hoàng vâng giữ lời truyền dạy
Đem Chúa vào đền, xin chuộc lấy
Thầy cả xưng ra thật Chúa Trời
Liền xin ẵm lấy, cùng thờ lạy

69.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, rủ thương
Cho con thủ tiết băng sương
Đáng lên hưởng phúc thiên đường mai sau

73.Lễ rồi, Con lạc. Mẹ tìm Con
Lòng Mẹ ba ngày rất héo hon
Đoạn trở vào đền, tìm lại thấy
Con về, thảo kính đến khi khôn

77.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, xuống ơn
Cho con lòng thật ăn năn
Soi gương phúc đức, siêng năng, vâng lời

TẠ.

81.Tôi kính nhớ, ngợi khen Đức Mẹ
Đã hưởng phần vui vẻ, lạ thay
Vui, vì khi thấy Sứ Chúa sai
Truyền tin lạ chịu thai Thánh Tử

85.Vui, vì Y-sa-ve, thánh nữ
Tội truyền con, khỏi tự trong thai
Vui,vì khi thấy Chúa ra đời
Thiên Thần hát mừng Người cách lạ

89.Vui, vì Chúa vào đền thờ cả
Thánh Simi kính tạ khen Người
Vui, vì Con lạc mất ba ngày
Tìm lại thấy trong nơi đền thánh

93.Bấy nhiêu sự chúng tôi dâng kính
Xin dàn ra trong tính phần vui
Cho chúng tôi hưởng phúc trên trời
Được hằng sống đời đời, vui vẻ

……………………………………………??? (5)

97.Sự vui qua, sự sầu lại kế
Lòng Đức Bà như bể dạt dào
Khi thấy Con chịu khốn khó bao
Thì Người cũng phải đau đớn hết

101.Chúa vào cầu nguyện trong vườn Giệt
Thấy tội loài người, lòng thảm thiết
Máu lộn mồ hôi đổ toá ra
Phó mình vào nộp toà quan xét

105.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này,thẩm thương
Cho con được sức vững vàng
Chịu nhiều sự khó Chúa thường định cho

109.Chịu khốn thâu đêm rất nhuốc nha
Sáng ngày, dinh trấn giải vào tra
Dạy đưa cột đá, đem dây trói
Đánh cả và mình, thịt nát ra

113.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này thẩm thương
Soi cho con mọn biết đường
Trách mình vì tội đã thường phạm liên

117.Mặc cho áo đỏ như vua giả
Đầu đội mão gai thâu suốt cả
Máu chảy ròng ròng mặt chứa chan
Lại quỳ gối nhạo, giơ tay vả

121.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này thẩm thương
Cho con được đức khiêm nhường
Hằng bằng lòng chịu trăm đàng nhuốc nha

125.Khi quan luận giết, án đà phê
Thánh giá đem cho vác nặng nề
Đau đớn, và đi và ngã xuống
Hung đồ buộc cổ, kéo lôi đi

129.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này thẩm thương
Giữ con, đừng để ngang tàng
Cứ nương thánh giá, theo đàng Chúa đi

133.Thảm thay, xô ngửa trên thánh giá
Kéo dãn chân tay, đanh đóng cả
Chúa chịu đền thay hết tội đời
Mẹ như dao sắc thâu qua dạ

137.Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vì sự nhiệm mầu này xuống ơn
Tha con khỏi các nợ nần
Khi hồn lìa xác, khỏi quân giặc thù

TẠ :

141.Kính nhớ sự thảm thương Đức Mẹ
Khi Con vì tội thế, đền bồi
Thương Con đã đổ máu, mồ hôi
Chịu quân dữ bắt nơi vườn Giệt

145.Thương Con chịu thâu đêm thảm thiết
Chịu đánh đòn, nát hết thịt mình
Thương Con đầu đội mão gai khoanh
Mặc áo đỏ như hình vua giả

149.Thương Con phải vác cây thánh giá
Gượng vác đi mà ngã, khốn thay
Thương Con chịu đanh đóng chân tay
Cùng chịu chết vì loài người thế

153.Đức Mẹ bởi thương Con quá lẽ
Trong lòng nên như bể đắng cay
Xin vì những sự thảm thiết này
Cho con mọn ăn mày phần phúc

157.Sự thương khó đà qua khỏi lúc
Những sự mừng bỗng chốc tiếp theo
Vì các ơn rất cả,rất nhiều
Đức Mẹ được, kể sao cho xiết

161.Xác quàn hang đá khỏi ba ngày
Sống lại ,uy nghi, sáng láng thay
Đức Mẹ thấy Con, mừng quá bội
Tông đồ mặt ủ, bỗng nên tươi

165.Lạy ơn Đức Mẹ cam thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, đoái thương
Cho con sạch tội mọi đàng
Cùng tin mọi sự tỏ tường ngày sau

169.Cứu chuộc, Chúa đà xong mọi sự
Dặn dò Thánh Mẫu, cùng đầy tớ
Khuyên còn ở lại, Chúa lên trời
Bên hữu Dêu Cha, toà Chúa ngự

173.Lạy ơn Đức Mẹ cam thay
Xin vì sự nhiệm mầu này, đoái thương
Cho con lòng mến thiên đường
Hằng hằng ra sức tìm đường để lên

177.Thánh Mẫu, Tông đồ hội họp nhau
Thánh Thần, lưỡi lửa xuống trên đầu
Soi cho biết tiếng muôn vàn nước
Ban sức thiêng liêng giảng đạo mầu

181.Lạy ơn Đức Mẹ cam thay
Xin vì sự nhiệm mầu nay, đoái thương
Cho con sức mạnh vững vàng
Xưng ra đạo thánh, sửa sang trong ngoài

185.Nữ Vương đến tuổi đầy ơn phúc
Thánh Tử, Thiên Thần đều xuống rước
Hồn xác lên trời rất tốt lành
Hưởng muôn muôn phúc, ai suy được

189.Lạy ơn Đức Mẹ cam thay
Xin vì sự nhiệm mầu này đoái thương
Đến cơn nhất đán phi thường
Cho con khỏi mắc chước phường Satan

193.Chúa Cả Ba Ngôi thưởng Nữ Vương
Ngự trên thần thánh nước thiên đường
Ban quyền xem sóc loài người thế
Làm Mẹ cầu bầu để Chúa thương

197.Lạy ơn Đức Mẹ cam thay
Xin vì sự nhiệm mầu này xuống ơn
Cho con lòng giữ trung cần
Đáng lên chầu chực, hưởng phần phúc riêng

TẠ :

201.Tôi cám mến, ngợi khen, kính nhớ
Sự Đức Bà mừng rỡ Con mình
Mừng khi thấy Chúa đã Phục Sinh
Rất sáng láng, tốt lành hơn trước

205.Mừng khi thấy Chúa lên hưởng phúc
Các Thiên Thần đón rước tưng bừng
Mừng vì khi thấy Chúa Thánh Thần
Đã hiện xuống, ban ơn cả thể

209.Mừng khi thấy mình toan giã thế
Con xuống, mời rước Mẹ lên trời
Mừng vì được ơn cả Ba Ngôi
Ban toà thưởng, ngự nơi trọng nhất

213.Sự vui mừng rất bền, rất thật
Lòng Đức Bà càng rất khoan thai
Xin vì những sự mừng này
Cho chúng tôi đời đời mừng rỡ

THỐNG KỶ :

217.Ba phần tóm lại mười lăm chục
Cám nhớ, khong khen công cứu thục
Mọi phúc treo gương, rất sáng thay
Soi lên, sẽ được muôn phần phúc

TỔNG TẠ :

221.Mười lăm sự ngắm về lần hạt
Chúng tôi xin ngợi hát, khong khen
Các ơn,các ích thiêng liêng
Tóm lại cách chung riêng thay thảy

225.Bởi sự vui Đức Bà xem thấy
Sứ Ba Ngôi chào lạy, truyền tin
Ngôi Thứ Hai xuống ở cùng liên
Được hưởng các ơn thiêng vạn bội

229.Bởi sự thương, thấy Con Chuộc tội
Chịu gian nan nghìn nỗi, trăm đàng
Lòng Đức Bà đau đớn, thảm thương
Các sự khó cũng dường như phải

233.Bởi sự mừng tự Con sống lại
Chúa xuống ơn rộng rãi, man vàn
Cho đến khi lìa khỏi thế gian
Các phúc trọng Chúa ban đầy dẫy

237.Vì ba sự: Vui, Thương, Mừng ấy
Giúp đỡ Con chuộc lấy loài người
Lại nên vườn hoa trái, lạ thay
Cho Thánh hội đời đời thưởng ngoạn

CHỮ RẰNG :

241.Thái linh chi giả tư kỳ bản
Chước lễ tuyền giả thám kỳ nguyên
Huống các ơn bởi mạch thiêng liêng
Xưa nay đã tràn trên trái đất

245.Rễ cây phúc đượm nhuần tốt bậc
Lá ngành đua, thật rất rum ra
Bóng rợp che mát mẻ, ôn hoà
Hoa đỏ,trắng,gần xa ánh giãi

THƠ RẰNG :

249.Thanh hư linh hựu quang minh khái
Hồng bạch huyền hoa phúc úc khai
Sắc vẻ vang,hương ngào ngạt bay
Gẫm xem chính xuân đài cảnh trí

Trên đây là trọn vẹn 252 câu thơ phức hợp của bản kinh vãn VCTNTTTC, theo nguyên bản của tác giả Phạm Trạch Thiện. Theo kết cấu và bố cục, bản kinh này chỉ có 3 nội dung: Vui (câu 33-96); Thương (câu 97-156) và Mừng (câu 157-216), cùng với các phần đoạn “thơ, chữ rằng, tạ và tổng tạ”, để mở khép ý nghĩa cho mỗi mầu nhiệm Vui, Thương,

Mừng.

Như vậy, là suốt từ những năm bắt đầu lưu hành, ở cuối thế kỷ 19, kinh này chưa có “mầu nhiệm 5 sự sáng”. Mãi đến những năm gần đây của thế kỷ 21, chính xác là vào một khoảnh khắc hồng ân mang tính lịch sử: Ngày 16 tháng 10 năm 2002. Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã công bố một văn kiện quan trọng “KINH MÂN CÔI CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA – Rosarium Virginis Mariae”, với mục đích tôn vinh cuộc đời công khai hành đạo của Chúa Giêsu, qua những biến cố: Chúa Giêsu chịu phép rửa; Chúa dự tiệc cưới Cana; Chúa Giêsu công khai rao giảng Tin Mừng về nước trời; Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và Chúa lập bí tích Thánh Thể.

4.MẦU NHIỆM NĂM SỰ SÁNG.

Sự ra đời mấy chục câu thơ của mảng “vãn 5 sự sáng” này, chúng tôi trộm nghĩ, là nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, qua chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, cộng với sự khuyến khích, quan tâm liên lỉ của các đấng bậc trong Giáo hội; đồng thời cũng không thể không nhắc tới những gợi ý, traođổi từ phía quý vị trưởng thượng, bạn bè gần xa. Nguồn động lực thiêng liêng ấy luôn thúc báchchúng tôi, phải tra tay vào, phải suy nghĩ và phải biến nó thành hiện thực, nghĩa là thành câuthànhchữ, thành bài bản đàng hoàng. Tắt một lời, là làm sao “điền vào chỗ trống, cho hợp nghĩa, cho đủ bộ Vui-Sáng-Thương-Mừng”. Nếu được, xin mạn phép cho chúng tôi được một lần ghi ký phương danh của quý vị vào bảng ghi nhớ sau đây: Đức Hồng y Giuse Phaolô Phạm Đình Tụng, Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Hà Nội, Bắc Ninh); ĐứcChaGiuse Vũ Văn Thiên, linh mục Lô-ren-sô Phạm Hân Quynh (Hải Phòng); Đức Tổng Giám mụcTê- pha-nô Nguyễn Như Thể, linh mục – nhạc sỹ Phê-rô Hoàng Diệp, linh mục Phê-rô Phan Xuân Thanh(Huế); Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu (Long Xuyên); Đức Cha Phê-rô Trần Đình Tứ, cha giáo Thái Hiến, cha cố Giuse Đinh An Khang, cha Hà Chí Luyến (Phú Cường); Đức Cha An-tôn Vũ Huy Chương, linh mục Micae Trần Đình Quảng (Đà Lạt); Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, linh mục Tô- ma Nguyễn Văn Thượng, linh mục Giuse Trần Sỹ Tín (Kontum); Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, các linh mục – nhà thơ Xuân Ly Băng, JBT Cao Vĩnh Phan (Phan Thiết), linh mục- nhà thơ An Sơn Vị; cha già cố Giuse Vũ Ngọc Bích, linh mục Matheu Vũ Khởi Phụng, linh mục Vinh sơn Phạm Trung Thành (DCCT); Nhà nghiên cứu Hán Nôm Vinh Sơn Vũ Văn Kính, học giả Hoàng Xuân Việt, nhà địa bạ học Nguyễn Đình Đầu, nhà sử học Công giáo Phạm Đình Khiêm. Đó chỉ là một số trong nhiều tên tuổi và địa chỉ đáng tin cậy mà chúng tôi còn nhớ được, khi viết bài này, sau hơn một chục năm bề bộn, chồng chéo, lãng quên, vì lãng đãng của tuổi già… Riêng chuyện hai anh em chúng tôi là Phaolô Phạm Gia Thoan thuộc giáo xứ Kiên Lao, Bùi Chu và Phan-xi-cô Assisi Lê Đình Bảng ở Sài gòn- tình cờ thân quen và toàn tâm toàn ý với nhau -trong việc biên soạn mảng ca vãn “mầu nhiệm5sựsáng” này. Khi vào Nam, lúc ra Bắc. Mưa Sài gòn, mưa Hà Nội. Nắng nóng Nam bộ và rét đậm rét hại Bắc bộ. Nhiều chuyến đi lại trên xe đò, trên toa tàu chợ, ngồi xe ôm, lếch thếch thân già, về giáo xứ Kiên Lao mù mịt đẩu đâu… Từ khởi sự (2003) cho đến hoàn thanh (2010) để kỷ niệm NămThánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Và vào ngày 07.10.2017, nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, chúng tôi trình làng, tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ Mân Côi – La Vang, đồng thời kính dâng toàn thể các cộng đoàn dân Chúa Việt Nam. Xin độc giả vui lòng “điền vào sau câu 96”.

Câu 95.Cho chúng tôi hưởng phúc trên trời

97.Được hằng sống đời đời vui vẻ.
……..( chúng tôi tạm đánh số thứ tự,từ 1 đến 167) như sau:

1.Cùng Đức Mẹ, suy năm sự sáng
Chúa công khai rao giảng Phúc Âm
Với Con ,Mẹ được dự phần
Thông ơn Cứu Chuộc, muôn dân tin thờ
Chúa đến bên bờ sông Gio-đan
Chịu ơn thanh tẩy bởi Gio-An
Đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhân hậu
Rợp ánh hào quang Chúa Thánh Thần
Người được xức dầu nên cực trọng
Quyền uy phủ bóng khắp dương gian
Nguyện xin trời đất chứa chan
Ơn thiêng mưa móc tràn lan khắp miền
Xứng làm dân Chúa chọn riêng
Cùng muôn muôn nước,nên chiên một ràn

15.Tiệc cưới Cana với họ hàng
Mẹ, Con và môn đệ cùng sang
Cuộc vui đang ấm, không còn rượu
Nhờ Mẹ ngỏ lời xin Chúa ban
Nước hoá rượu ngon, chiêu đãi khách
Ra về, ai nấy cũng hân hoan
Nghĩa tình, duyên nợ Tào Khang
Tóc tơ từ thuở A-đam, E-và
Ấm nồng, chồng vợ âu ca
Cháu con ,trăm họ một nhà đông vui

25.Chúa loan báo nước trời gần đến
Kíp ăn năn, cầu nguyện đêm ngày
Hết lòng thờ phượng, thảo ngay
Mở mang nước Chúa đông tây, xa gần
Ở giữa chốn bàn dân thiên hạ
Làm sáng danh đạo cả Chúa Trời
Nguyện xin, mọi lúc, mọi nơi
Sẻ chia nước mắt, nụ cười, yêu thương
Đời này chẳng bận tơ vương
Mai sau,về bến thiên đường thảnh thơi

35.Tỏ mình ra chói ngời, rực rỡ
Các môn đồ hoảng sợ, thất kinh
Đấng quyền uy, cao trọng biến hình
Cả vũ trụ sấp mình thờ lạy
Cho chúng con ai nấy nhận ra
Đường ngay, lẽ thật, gần xa
Đâu là ý Chúa, đâu là tư riêng
Như xưa, Thiên sứ truyền tin
Xin vâng, Mẹ giữ trọn niềm cậy trông
Cho con luỹ thép, thành đồng
Xưng ra đạo thánh, một lòng trung kiên
46.Bánh và rượu đã nên thịt máu
Là suối nguồn châu báu dưỡng nuôi
Xác hồn con lành mạnh, tốt tươi
Muôn hoa trái sinh sôi tràn ngập
Đất với trời mênh mang, đầy ắp
Rất thiêng liêng, trù mật, phong nhiêu
Đây là Bí Tích Tình Yêu
Chúa nên của lễ toàn thiêu cứu đời
Từ trong mạch sống tinh khôi
Hoá nên cơm bánh nuôi người trần gian

TẠ :

56.Đường Phúc Âm là đường ánh sáng
Để dẫn đưa, chiếu rạng muôn dân
Sáng, nhờ khi Chúa đến Gio-đan
Chịu phép rửa, gây ràn chiên mới
Sáng, là khi lập nên hôn phối
Và chúc lành tiệc cưới Cana
Sáng, từ lời mời gọi thiết tha
Loan báo khắp gần xa, sám hối
Sáng, trên núi hào quang chói lói
Chúa biến hình, chiếu rọi quang vinh
Mầu nhiệm thay, Thánh Thể kết tinh
Bánh và rượu nên Mình, Máu Chúa
Ngắm sự sáng, giữ lời khấn hứa
Xin Mẹ thương, phù hộ chuyển cầu
Chúng con còn đòi đoạn, bể dâu

71.Đây, tâm nguyện, khấu đầu, nhờ Mẹ
…………( xin vui lòng trở lại 5 Sự Thương,câu 97) như sau:

Thay vì “Sự Vui qua, sự sầu lại kế”, ta đổi thành: “Sự Sáng qua, sự sầu lại kế”, và tiếp tục cho đếnkết thúc bản kinh vãn. Kết luận, VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA có 322 câu thơ, đủcả Vui, Sáng, Thương, Mừng.

Chú thích:

(1) Đa Minh Bán Nguyệt San (1939-1946). Tờ báo thông tin, giáo dục của toà giám mục Bùi Chu. Chủ biên: Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Ban biên tập: Minh Châu,Minh Trân, Minh Đạo, Minh Đệ, Phạm Châu Diên, Võ Thanh, Thế Kiên, Trần Đức Huân. Từ năm 1950, Đa Minh Bán Nguyệt San

đổi thành Thời Mới. Nguyệt san Thời Mới (1950-1954). Tạp chí thông tin, nghị luận, văn hoá, tôngiáo của giáo phận Bùi Chu. Chủ biên: Giám mục Phê rô Maria Phạm Ngọc Chi. Ban biên tập: Cáclinh mục Lâm Quang Trọng, Phạm Châu Diên, Trần Đức Huân, Võ Thanh, Quang Chính, Bách Huyền…Toàn Niên Kinh Nguyện, sách kinh của giáo phận Bùi Chu,Thái Bình, Sài gòn 1956… GioanTrần Văn Hiến Minh (1918-2003); Trần Đức Huân (1907-1984); Trần Thái Hiệp (1926-1996); VũĐình Trác (1927-2013); Nguyễn Hưng (1927-2010); Đỗ Quang Chính (1929-2012)…

(2) Linh mục Giuse Phạm Châu Diên, bút danh Vị Thuỷ (1914-2007) sinh quán tại giáo xứ Lục Thuỷ, Xuân Trường, Nam Định. Thư ký phòng bộ của các giám mục: Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn; Tadeo Lê Hữu Từ và Phê rô Maria Phạm Ngọc Chi. Ông là tác giả nhiều bộ sách tu đức, lịch sử, viết bài cho các báo: Đa Minh, Thời Mới, Đường Sáng, Xây Dựng.

(3) Đánh rớt xuống cuối bảng và cấm chỉ, không cho ra làm quan.

(4) Thầy giảng Phan-chi-cô ( ?- 1640). Xin tham khảo tác giả và tác phẩm đặc biệt này trong tập Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam – Miền Thơ Trong Kinh Nguyện, của Lê Đình Bảng, xuất bản năm 2009.

(5) Xin coi cách hướng dẫn: ghi chép mảng “Ca Vãn 5 Sự Sáng, từ câu 97 đến 167” vào đây.