TRÁI TIM TÌNH YÊU.

+ Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37.
          Tháng Sáu hằng năm, phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu. Bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.
          Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. “Thiên Chúa là tình yêu”, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu.
          Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim con người của Đấng là Con Thiên Chúa, qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chiêm ngưỡng dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi nhìn ra thế giới để thấy được thực trạng vô cảm đáng báo động của nhân loại hiện nay, từ đó, người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của trái Tim nhân hậu Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.
          Lòng tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim ‘con người’ của Ðấng là ‘Con Thiên Chúa’, mời gọi các tín hữu chiêm ngắm như dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lòng tôn sùng này đã được Thánh Gioan Euđê (1680) cổ vũ từ giữa thế kỷ XVII, và nhất là qua các thị kiến mà Thánh nữ Margarita-Maria Alacoque (1690) nhận được tại Tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial vào năm 1673 và 1675. Trong các thị kiến, M-M. Alacoque được Chúa Giêsu chỉ cho thấy Trái Tim Người, “một trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn”.
          Thánh nữ còn được uỷ thác việc cổ vũ xin thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Nhưng phải đợi đến gần hai thế kỷ sau ngày ngài qua đời, vào năm 1856, Ðức Piô IX mới chính thức thiết lập ngày lễ này trong toàn Giáo Hội. Rồi sau đó, dưới thời các Ðức Giáo hoàng Lêô XIII, Piô XI và Piô XII, đã có các giáo huấn liên hệ đến việc tôn sùng Thánh Tâm qua Thông điệp “Annum Sacrum”, công bố ngày 25.5.1899 chuẩn bị Năm Thánh 1900, với việc dâng loài người cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, thông điệp “Miserentissimus Redemptoris” ngày 18.5.1926, “Summi Pontificatus” ngày 20.9.1939 và “Haurietis Aquas” ngày 15.5.1956.
          Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là đoạn Tin Mừng (Ga 19,31-37), sau khi Chúa Giêsu chết trên cây thập giá, “một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra”. Một đoạn Tin Mừng khác là (Mt 11,25-30) về mạc khải rất quý báu: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng…”.
          Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy : “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. “Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x.Ga l9,34), “được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai”. (Haurietis aquas : DS. 3924 ; x. DS 3812).
          Trái Tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn ; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các Bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… ; để ai uống nước này “thì từ họ sẽ vọt lên sự sống đời đời.” (Ga 4,14).
          Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, «Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep  3,8-12.14-19). Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chẳng những thế, con người còn xúc phạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên: « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ).
          Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loài người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.
          Nhìn ngắm Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trong sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra lòng nhân lành của Chúa Giêsu luôn yêu thương, ấp ủ chúng nhân, chứng tỏ Trái Tim Người là mạch đầy dẫy hằng sống và thánh thiện, là nguồn suối cứu chuộc chúng ta. Để hiểu sâu xa hơn, chúng ta phải trở về với cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria thành Sykar thuộc xứ Samaria. Cô ta đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: « Xin bà cho tôi uống nước ». Người đàn bà Samaria thưa lại: « Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria? » Thánh sử sau đó thêm rằng : (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
          Sau đó, cô nhận được phản ứng của Chúa Giêsu: « Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: « Xin cho tôi uống nước », thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống […]vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời » (Ga 4, 1-14). Đây là những lời nói bí ẩn.
          Chúa Giêsu là nguồn suối; từ Người vọt lên sự sống thần linh. Gần Chúa, ở lại trong Chúa, chúng ta sẽ có sự sống. Nguồn suối ấy đem tưới vào đời mình ta sẽ có được sự bình an sâu thẳm và niềm hạnh phúc đích thực ở nơi Trái Tim Giêsu yêu thương.
          Người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể đứng chỉ tay năm ngón, hay dửng dưng không can hệ đến nỗi đau khổ của con người, hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Không bao giờ chúng ta được phép tự cho mình có những hành vi ấy, mà ngược lại, phải hiểu rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô” (Gaudium Et Spes, số 1).
Lm. Anmai, CSsR.