Thánh Thể Làm Nên Giáo Hội. Giáo Hội Làm Nên Thánh Thể

  1. Dẫn nhập:

Khi nói về mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội, Công đồng Vatican II và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có viết: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống sứ vụ Hội Thánh, là dấu hiệu và căn nguyên của sự hiệp thông trong Giáo Hội, là biểu thị và biểu hiện chính thực chất của Hội thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất với dân Thiên Chúa[1]. Như thế, Thánh Thể không tách rời khỏi Giáo hội và Giáo hội cũng không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể. Chính mầu nhiệm Thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu trở thành nền tảng cho việc cử hành Thánh Thể và xây dựng Giáo hội, làm cho Giáo Hội trở thành cộng đoàn những kẻ tin vào Đức Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa. Thánh Thể cũng chính là bảo chứng của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho con người.

2. Thánh Thể làm nên Giáo Hội

Hội Thánh là dân được Thiên Chúa quy tụ từ khắp cả hoàn cầu (Ekklesia),  được chuẩn bị từ khởi thủy, hình thành và sẽ hoàn tất nơi Đức Kitô trong bữa tiệc cánh chung. Trải qua dòng lịch sử, Hội Thánh hiện diện trong những cộng đoàn địa phương, thể hiện như một cộng đoàn phụng vụ, đỉnh cao là cộng đoàn Thánh Thể. Nơi đây, Hội thánh múc lấy sự sống nhờ Lời và Mình Thánh Chúa Kitô, nhờ đó trở thành thân thể Chúa Kitô[2].  Hội thánh vừa thiêng liêng, vừa hữu hình. Có thể nói không cuộc họp mặt nào của Hội thánh mà không để cử hành Thánh Thể, hay cách khác, nếu không cử hành Thánh Thể thì không có Hội Thánh đích thực, và Hội Thánh không được biểu hiện cách cụ thể, khả giác. Thánh Cyprianô nhấn mạnh chiều kích Hội thánh của Thánh Thể khi Ngài nhấn mạnh rằng Bánh và rượu không những là biểu tượng của Mình và Máu Thánh Đức Giêsu, mà còn là biểu tượng của Hội Thánh. Nhờ kết hiệp với Đức Giêsu, các tín hữu được liên kết thành một thân thể, giống như một tấm bánh từ nhiều hạt lúa và một chén rượu từ nhiều trái nho[3].

Bí tích Thánh Thể vô cùng phong phú với muôn vàn cách diễn tả khác nhau, và mỗi cách nêu lên một khía cạnh của mầu nhiệm: Lễ tạ ơn, Lễ bẻ bánh, bữa ăn của Chúa, “tiệc cưới con chiên” tại Giêrusalem trên trời. Thánh Phaolô gọi Bí tích Thánh Thể là Đồng bàn, cuộc tưởng niệm, Hy tế thánh, thiêng liêng, tinh tuyền và thánh thiện, Bí tích hiệp thông, của ăn đàng…[4]  Thật vậy, khi quy tụ cộng đoàn Dân Chúa, Thánh Thể làm nên Giáo Hội qua việc xây dựng Giáo Hội và làm tăng trưởng dân Kitô. Công Đồng Vaticanô II nói rõ : “Nhờ bí tích của tấm bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô được tỏ bày và trở nên hiệu lực”(GH 3).

Bí tích Thánh Thể còn là: mầu nhiệm ánh sáng, là nguồn mạch và biểu lộ tình hiệp thông, là nguyên lý và là sự dự phóng của sứ vụ[5]. Như vậy có thể nói rằng, Thánh Thể là sự tập họp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, lắng nghe và lấy Lời Chúa soi sáng cuộc sống của mình, để cảm tạ Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, vì những gì Đức Giêsu đã làm cho họ. nơi đây họ kết hiệp với Đức Giêsu, được sai đi vào giữa lòng nhân loại gieo rắc Tin mừng … Theo nghĩa này, Thánh Thể chỉ làm nên Giáo hội thực sự trong chiều kích Thánh Thể được cử hành trong bầu khí bác ái của Giáo hội. Vì Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất nên bác ái phải trở nên động cơ của đời sống Giáo Hội. Thánh Thể qui tụ lại những ai tham dự vào Thân Mình của Đức Giêsu như những chi thể của một thân thể[6]. Như thế, sống Thánh Thể là sống hiệp thông, Giáo hội có Đức Giêsu là Đầu, nên chúng ta không thể thuộc về Đức Kitô nếu không thuộc về Giáo hội. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu nên một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu. Đó chính là Giáo hội của Đức Giêsu, Giáo hội được khai sinh từ ngày lễ Ngũ tuần, được khai sinh từ bàn tiệc Thánh Thể. “Thánh Thể làm nên Giáo hội” là như thế. Lời kinh tạ ơn III, một lần nữa cho chúng ta thêm phần xác tín: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Giêsu”[7]

3. Giáo Hội làm nên Thánh Thể

Giáo Hội được sinh ra từ Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Trong thánh ý nhiệm mầu của Ba Ngôi Thiên Chúa trước khi sáng tạo Thiên Chúa đã có Giáo Hội và trong dòng lịch sử Giáo Hội hoàn tất và được hiện thực nơi Đức Ki-tô Giê-su, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhưng ngược lại, chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể. Giáo Hội, chứ không phải một cá nhân nào. Toàn thể Giáo Hội là người cử hành Thánh Thể. Chủ thể của việc cử hành tạ ơn là Giáo Hội, có nghĩa là cộng đoàn cụ thể của những người đã được rửa tội nhân danh Chúa Kitô. Chắc chắn, linh mục có một vai trò đặc biệt, đó là “chủ sự” nhân danh Đức Kitô. Nhưng chức vụ này không đặt ngài ở trên Giáo Hội, nhưng về phương diện thần học, ngài ở trong lòng Giáo Hội. Chỉ có một chủ sự, nhưng tất cả đều cử hành, hay nói theo Vatican II thì chủ thể của phụng vụ là Giáo Hội. Sách Lễ Rôma,đã nhấn mạnh về điểm này khi nói: “Thánh lễ là sự cử hành của dân Chúa được tổ chức có phẩm trật”[8] Thánh Augustin: “Đây là hiến tế của các tín hữu: nhiều người làm thành một thân thể trong Đức Kitô. Đó cũng là hiến tế mà Giáo Hội cẩn trọng cử hành nhiệm tích nơi bàn thánh[9]. Việc hiến tế này trong Cựu Ước được dùng với ba ý nghĩa khác nhau là Hiến tế Thượng hiến, Hiến tế Kỳ an-Cảm thông và Hiến tế Đền tội. Trái lại, trong Tân ước, mọi cử hành phụng vụ nhất là cử hành Thánh Thể đều xoay quanh Hiến tế thập giá đã được loan báo và truyền phải làm trong Bữa ăn cuối cùng: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con; các con hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, vào cuối bữa ăn, Người nâng chén rượu mà nói: đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi các con uống, các con hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy.” Như vậy, Hiến tế Thập giá cũng là “Hiến tế của Người Tôi Tớ hiến mạng sống mình cho muôn người” (Is 42,1-9), là “Hiến tế của Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).

Hiến tế Thập giá cũng là Hiến tế Thánh Thể và là Hiến tế của Giáo Hội. Thực vậy, khi thực thi lệnh truyền của Chúa : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Giáo hội hiện tại hóa hy tế thập giá của Đức Kitô và làm cho bí tích Thánh Thể được tồn tại mãi cho đến tận cùng thời gian. Giáo hội ý thức rằng chính Đức Giêsu, “nhờ các Tông đồ, đã làm cho các Giám mục, những kẻ kế nghiệp các Tông đồ, có thể tham dự vào việc hiến thánh và vào sứ mạng của Người. Các Giám mục lại trao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo hội theo từng cấp bậc.” Như vậy, chính trong sự tiếp nối hành động của các Tông đồ, vâng theo lệnh truyền của Đức Giêsu mà Giáo hội có nhiệm vụ tổ chức và cử hành Thánh Thể qua dòng thời gian[10].

Thật vậy, Giáo Hội làm nên Thánh Thể khi chúng ta hiểu Giáo Hội như là “bí tích của ơn cứu rỗi” hay “bí tích của Nước Thiên Chúa”. Đây không phải là bí tích thứ tám, nhưng là “bí tích căn bản” bí tích bao gồm các bí tích khác. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội chỉ là “bí tích căn bản” do sự lệ thuộc hoàn toàn và mãi mãi vào “bí tích uyên nguyên” của Thiên Chúa và sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa là Đức Kitô [11].Giáo Hội mạc khải và thể hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại trong Con của Người là Đức Giêsu nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Chính trong cử hành Thánh Thể và các bí tích khác mà Thánh Thể là trung tâm mà Giáo Hội tưởng nhớ đến Chúa của mình, nhớ  đến mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm đã làm nên sự hiện hữu của Giáo Hội như là Giáo Hội của Chúa Kitô và hiện tại hóa mầu nhiệm này để sống lấy mỗi ngày[12]

  1. Thay lời kết:

 “Thánh Thể là kho tàng xây dựng Giáo Hội, nghĩa là nguồn suối và cùng đích của đời sống Kitô hữu, là kinh nguyện tạ ơn, là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa”. Tạ ơn Chúa mỗi ngày con được sống trong tình yêu Thánh Thể, cận kề bên Ngài, Thánh Thể chính là tâm điểm mọi hoạt động trong đời sống của con. Tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội đều bắt nguồn, quy hướng về Thánh Thể  và hoàn tất trong Thánh Thể. Và không nơi nào bản chất của Giáo Hôi biểu lộ căn tính của Giáo Hội rõ nét bằng lúc cử hành Thánh Thể. Chính lúc con tôn thờ Thánh Thể là linh hồn và là sức sống của con, không phải con tôn thờ Thánh Thể  cá nhân con nhưng “hợp với Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội”. Cha Thánh Phê rô Giuliano Eymard đã nói:“Chúng ta chỉ chuốc lấy thất bại khi chúng ta xa rời Thánh Thể” Vâng, sứ mệnh của chi Nữ Tỳ Thánh Thể là tôn thờ Thánh Thể là việc cần thiết sống còn cuộc sống của con nếu mỗi ngày con không tôn thờ Thánh Thể đó chính là lúc con đánh mất căn tính của mình. Và với chị nữ tỳ mỗi ngày thờ phượng Thánh Thể trong Tinh Thần và Chân Lý mời gọi con nhìn thực tại nhân loại và thế giới này trong ánh sáng Thánh Thể và quy hướng mọi sự về Thánh Thể “tất cả phải phát xuất từ Thánh Thể và quy hướng về Thánh Thể”. Từ đó con có thể mượn lời của cha Thánh tổ phụ “Chúa đã chọn con phục vụ Thánh Thể Người, dù con bất xứng”.

Sr. Maria Hồng Ánh


[1] Vatican II, Presbyterorum Ordinis, số 5; Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 2000, số 16. Lumen Gentium, số 11, số 3, GLHTCG số 12; 1324 – 1327, Huấn thị Mầu nhiệm Thánh Thể, số 6.

[2] Paul Ngô Suốt, Thánh Thể làm nên Giáo Hội, http://gpbanmethuot.vn/content/giao hoi lam nen thanh the-thanh the lam nen giao hoi

[3] Phan Tấn Thành, Về nguồn, nxb Chân Lý, 2000, tập 3-4, tr. 693.

[4] Lc 22,19; 1Cr 11,24; Mt 26,26; Mc 14,22,  , Mt 26,6; 1Cr 11,24, Mt 14, 19; 15,16; Mc 8,6.19.1Cr 11,17-34;  GLHTCG số 1329, 1330-1331

[5] Gioan Phaolô II, Tông thư “Mane Nobiscum Domine“,  ban hành ngày 7.10.2004, số 11-28

6  Phaolô Bùi Văn Đọc, Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 1999.tr. 371-374

[7] Sách lễ Roma, Kinh tạ ơn

[8]  Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ch. I, 1.

[9] Vũ Chí Hỷ, Thánh Thể, Hy lễ chúc tụng Tạ ơn, bí tích Tình yêu, nguồn ơn Cứu độ (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh, 2012), tr. 231.

[10] Paul Ngô Suốt, Thánh Thể làm nên Giáo Hội, http://gpbanmethuot.vn/content/giao hoi lam nen thanh the-thanh the lam nen giao hoi

[11] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/ChuaBaNgoi-ThanhThe/Chuong6.htm.

[12] Ibid.