SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN C.

 Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí… Lẽ nào Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? (18, 1.6b).
     Lời Chúa của Chúa Nhật 29 C Mùa Thường Niên đưa chúng ta vào một chủ đề mới: CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện thường được hiểu như là thái độ của con người chạy đến với thần linh vì một mục đích, một khát vọng, một nhu cầu lợi ích nào đó của mình. Thực ra cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương giữa Thiên Chúa và con người với nhau; Và phần đi bước trước, chủ động vẫn là của Thiên Chúa. Sau sa ngã, theo Sách Sáng Thế, con người đã trốn lánh Thiên Chúa, không dám gặp Người. Thiên Chúa phải tới tìm gặp con người giúp Ađam, Eva đối thoại với Người để nhận ra thực trạng khốn cùng của mình. Nhờ đó con người mới lấy lại được khả năng dám đến gặp gỡ Thiên Chúa và rộng mở tâm tình ra với Chúa, thân thưa mọi sự với Người.
Như vậy về phía con người, điều trước tiên cần phải có để có thể cầu nguyện đích thực là phải tin chắc rằng Thiên Chúa có đó, Thiên Chúa đang hiện diện; Thiên Chúa đang mở rộng lòng đón tiếp và lắng nghe chúng ta. Rồi tin rằng Chúa luôn quảng đại, đầy tình yêu và quyền năng để giúp con người thực hiện được ước mơ, những gì phù hợp ý Chúa.
Vậy để có thể cầu nguyện tốt, vấn đề nền tảng vẫn là tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện và quyền năng đầy yêu thương của Người đang điều khiển dòng lịch sử vũ trụ, đang hướng dẫn tâm hồn của từng con người, từng bước đi vào đường lối của Thiên Chúa; Mọi sự đang tiến về cùng đích mà Thiên Chúa muốn.
Dù đang giương nanh múa vuốt, sự dữ, sự ác, bất công, dối trá…sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn phải nhường chỗ cho “Trời mới Đất mới”, nơi không còn khổ đau, bất công, sự chết vì Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự (Kh 21, 1-5). Đến giờ của Chúa, Chúa sẽ hoàn tất công cuộc của Người (1Cr 15, 24-28).
Phải tin chắc rằng CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN, LUÔN HOẠT ĐỘNG và ĐANG ĐƯA DÒNG LỊCH SỬ VŨ TRỤ ĐẾN CÙNG ĐÍCH CHÚA MUỐN, thì chúng ta mới có thể cầu nguyện đích thực, mới có thể cầu nguyện kiên trì phó thác tất cả, dám sống Lời Chúa đến cùng chờ giờ Thiên Chúa phân xử chung cuộc.
   Với nền tảng xác tín trên, chúng ta suy niệm Lời Chúa của Chúa Nhật 29 C hôm nay: Cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay không đề cập đến mọi góc cạnh của vấn đề cầu nguyện. Điều được quan tâm đến là phải có tâm tình nào khi cầu nguyện để những nguyện vọng chính đáng của mình chắc chắn được Thiên Chúa nhậm lời.
   Các điểm nhấn của bài đọc 1: Phải cầu nguyện KIÊN TRÌ, CẬT LỰC, và nhất là có SỰ PHỐI HỢP TOÀN THỂ CỘNG ĐOÀN. Bài đọc 1 thuật lại cuộc chiến tại Rơphiđim, giữa đám nô lệ ô hợp vủa mới rời Ai Cập chưa được 50 ngày, với dân Amalek. Trong lúc Giôsuê chỉ huy các thanh niên trực chiến với kẻ thù thì Môsê, tay cầm gậy của Thiên Chúa, lên đồi cao, cùng với Aharon và Hur. Kết quả của cuộc chiến không tùy thuộc vào Giôsuê nơi trận điịa mà tùy thuộc vào Môsê: Khi nào Môsê giơ cao tay thì Israel thắng thế và ngược lại. Chính vì thế mà Aharon và Hur phải giúp nâng tay Môsê giơ cao tay SUỐT CẢ NGÀY cho đến khi Israel toàn thắng. Môsê cầm gậy của Chúa giang tay, đó là hình ảnh của cầu nguyện. Chính Yavê nhận lời cầu xin kiên trì của Môsê mà trợ lực cho dân thắng trận.
   Bài đọc Tin Mừng mở đầu bằng lời Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện LUÔN (trong mọi lúc), KHÔNG ĐƯỢC NẢN CHÍ. Tiếp đó Người minh họa cho lời dạy trên bằng một dụ ngôn: Bà góa nghèo và ông quan tòa vô đạo chẳng kính sợ Chúa và chẳng coi ai ra gì. Bà góa bị đối thủ áp bức bất công đến nhờ ông quan tòa minh xét. Lúc đầu ông không chịu giúp, nhưng vì bà góa cứ kiên trì kêu cứu, ông đành phải nhượng bộ để khỏi nhức đầu nhức óc mà minh xét cho bà. Từ đó, Đức Giêsu rút ra bài học cho các môn đệ: Lẽ nào Thiên Chúa không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn hằng kêu cứu với Người sao? Tuy nhiên dụ ngôn kết thúc bằng một lời cảnh báo: Khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Lời cảnh báo con người có thể nản lòng bỏ cuộc khi thấy Thiên Chúa chậm can thiệp, chậm xét xử kẻ ác. Chủ đề được nhấn mạnh: KIÊN TRÌ và CẬT LỰC trong cầu nguyện.
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 8-13
   Sau tai ương thứ 10 Chúa giáng xuống Ai Cập, Israel thực sự thoát khỏi bạo quyền của Pharaô và lên đường rời đất nô lệ. Thiên Chúa tiếp tục can thiệp giúp dân: rẽ nước Biển Đỏ, đưa dân Chúa bước vào vùng đất tự do. Cuộc hành trình sa mạc bắt đầu và dân đang tiến dần về Núi Chúa Sinai.
Chặng đường từ Biển Đỏ đến Núi Sinai được đánh dấu bằng các biến cố:
  • Nước đắng hóa ngọt tại Mara, Chúa thử lòng dân (Xh 15, 22-27).
  • Thiếu thốn lương thực, họ lại hướng lòng về nồi thịt nô lệ diệt chủng bên Ai Cập và trách MôSê, Aharon đưa họ vào sa mạc để chết đói… Chúa can thiệp ban Manna và chim cút (Xh 16,1-35)
  • Tới Rơphiđim, không có nước, dân lại trách MôSê, Chúa can thiệp cho nước phun ra từ tảng đá (Xh 17, 1-7). Và ở đây dân đã lộ ra sự yếu tin của họ: “Có Yavê ở giữa chúng ta hay không” (17, 7b).
  • Tiếp theo là cuộc giao chiến với quân Amalek (Xh 17, 8-16)
  • Môsê gặp nhạc phụ Git-rô và được hướng dẫn cai trị cách tổ chức dân cho hợp lý, thiết đặt các thẩm phán theo từng cấp độ (Xh 18,1-27).
  • Biến cố kết Giao Ước ban luật Sinai (Xh 19-20)
Bài đọc 1 là trích đọan giao chiến với quân Amalek tại Rơphidim. Một cuộc chiến không cân sức giữa 1 đám nô lệ ô hợp vừa ra khỏi Ai Cập với 1 binh đội cướp sa mạc thiện chiến. Một cuộc chiến cam go nhưng rồi cuối cùng nhóm dân Chúa chọn đã chiến thắng. Cuộc chiến được mô tả theo nhãn giới tôn giáo: chiến thắng của dân Chúa không tùy thuộc vào sức lực lượng chiến đấu của dân mà tùy thuộc vào thái độ của MôSê trên đồi cao. Khi MôSê đủ sức giương cao cây “gậy của Thiên Chúa” thì dân thắng trận, còn khi ông mệt hạ cây gậy xuống thì dân rơi vào thế thất bại. Trong chủ đề phụng vụ hôm nay, hành động cầm cây gậy giơ cao được cắt nghĩa là CẦU NGUYỆN.
Vậy cuộc chiến này không đơn thuần chỉ là cuộc chiến giữa 2 nhóm người mà là cuộc chiến của Thiên Chúa đang đồng hành, đồng lao cộng khổ với dân để dẹp đi những chướng ngại cản bước dân đi tới đích Thiên Chúa muốn. Thật vậy:
  • Đối với Israel, cuộc chiến này là 1 lời đáp rõ ràng Thiên Chúa trả lời cho nỗi nghi ngờ vừa chớm nở trong lòng dân khi phải đối đầu với những thách đố trên con đường vượt sa mạc: “có Yavê ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7)
  • Đây là lời khẳng định của Chúa cho dân: Chúa thật sự hiện hữu và luôn hiện diện giữa dân, đồng hành với dân, và chiến đấu với dân, cho dân.
  • Trận chiến này cũng có thể coi là một lời Thiên Chúa mời đám dân cứng đầu, cứng cổ vô ơn này (cứ mỗi lần gặp khó khăn là lại trở mặt kêu trách Thiên Chúa, gây sự với MôSê ) hãy Đồng Tâm Nhất trí cùng với MôSê với Chúa hoàn tất công trình cứu độ mà Chúa muốn thực hiện. Chiến thắng này là công trình của Chúa, của MôSê, Aharon, Hur, Giôsuê và toàn dân. Bản văn cho thấy mọi thành phần dân Chúa đều góp phần.
  1. Phân công chiến đấu (Xh 17,8-10)
* Tình huống bất ngờ: Amalek đến đánh Israel tại Rơphidim (17,8)
    Theo lộ trình trong Kinh Thánh dân Chúa đang tiến về núi thánh tức là đi về hướng nam của bán đảo Sinai. Rơphiđim là nơi xảy ra vụ mạch nước Mêriba và đã tới gần núi Sinai rồi (Xh 19,2). Trong khi đó thì người Amalek ở phía bắc của bán đảo, tại vùng Negeb và vùng núi Séir (St 14, 7; Ds 13,29; Tl 1,16;1Sb 4,42…). Vậy theo địa dư thì lộ trình của Israel  chưa đụng chạm gì đến lãnh địa Amalek  thế mà chúng lại vượt đường xá xa xôi tiến đánh Israel ngay lúc nhóm này chưa là một dân, vừa ra khỏi Ai Cập chưa được 50 ngày, chưa nhận được Luật. Chúng muốn ngăn cản việc hình thành dân Chúa, muốn diệt họ từ trong trứng nước. Vậy cuộc chiến được đặt vào vị thế và thời điểm như thế chắc là mang một ý nghĩa biểu tượng.
     Mặt khác dưới góc cạnh truyền thống lịch sử, theo St 36, 12.16, Amalek là cháu của Esau, thực ra dân này đã có từ lâu đời (Ds 24,20: trong lúc Israel chưa vào Đất Hứa thì Amalek đã là một dân hùng mạnh). Giữa Amalek và Israel có mối thù truyền kiếp từ ông tổ (Esau và Giacop) và kéo dài suốt lịch sử của Amalek cho đến khi dân này biến mất trong dòng lịch sử Kinh Thánh (x. Xh 17,16; Ds 24,20; Dnl 25,17-19’ Sm 15;28,18;30; 1Sb 4,42-43; và trong Et 3,1 thì Aman là hậu duệ của Agag vua Amalek đã được nói đến trong 1Sm 15). Mối thù này là không đội trời chung trong truyền thống Israel:
  • Trong Is 19,22 -25 và Tv 87, 4: Ai Cập, Babylon còn có hy vọng hoán cải được nhập cộng đoàn dân Chúa.
  • Còn với Amalek thì Rabbi Eliezer viết: “từ ngai tòa vinh hiển của Người, Thiên Chúa xét xử rằng: nếu có bất kỳ người nào trong các quốc gia đến để xin nhập đạo, chúng ta sẽ tiếp nhận, nhưng sẽ không nhận người và nhà Amalek” ( Mekhilta surl’Exode). Dnl 25,17-19 cũng có nhìn khe khắt như vậy đối với Amalek.
  • Vậy Amalek ở đây chính là biểu tượng của tên “đối thủ” (Satan) luôn tìm đủ mọi cách chống đối Thiên Chúa, phá hoại dân Chúa. Với “tên này” dân Chúa chỉ có thể chiến thắng được bằng ăn chay, cầu nguyện (Mt 17,21; Mc 9,29).
* Môsê phân công chiến đấu (17,9)
– Giôsuê trực chiến tại trận địa cùng một số thanh niên ưu tuyển
– Môsê đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy Thiên Chúa.
* Thi hành lệnh (17, 10)
  “Gậy Thiên Chúa” là gậy chăn chiên của Môsê nhưng đã được Thiên Chúa dùng làm dấu chỉ cho việc Người đã sai ông (Xh 4,1-5). Nó còn là biểu tượng uy quyền của Thiên Chúa: mỗi lần Môsê hay Aharon giơ gậy, đưa tay lên là Thiên Chúa can thiệp ngay; các tai ương bên Ai Cập (7,20; 8,1.12; 9,23; 10,13.22); rẽ nước Biển Đỏ (4, 16.21); làm nước vọt ra từ tảng đá (Xh 17,5-6; Ds 10,11). Vậy hàm ý dân Chúa chiến đấu dưới sự bảo trợ của Chúa.
  1. Yếu tố quyết định chiến thắng (17,11-12)
*  Khi Môsê giơ tay lên, Israel chiến thắng và ngược lại (17,11)
* trợ lực của các thành phần dân Chúa:
– Môsê mỏi tay – người ta kê đá cho Môsê ngồi
– Aharon và Hur đỡ tay Môsê
   Môsê giơ tay lên: Dấu hiệu Thiên Chúa tỏ lộ uy quyền. Kết quả là dân Chúa thắng. Vậy dân thắng là nhờ Thiên Chúa can thiệp biểu lộ quyền năng và vinh quang của Người. Nhìn về phía con người, thái độ này biểu lộ một người đang đi vào mối tương quan, tiếp xúc với Thiên Chúa: Cầu nguyện. Văn bản không nói rõ là Môsê đang cầu nguyện. Nhưng chắc chắn là ông đang tâm nguyện: hai tay hướng về trời là tư thế cầu nguyện của người Do Thái. Mặc dù Giôsuê và binh sĩ vất vả chiến đấu, nhưng nguyên do của chiến thắng chính là lời cầu nguyện liên lỉ của Môsê biểu lộ qua hành vi “giơ tay lên”.
   Để Môsê có thể giơ tay liên tục cho “tới khi mặt trời lặn”, cần có sự trợ lực của “người ta”, Aharon và Hur. “Người ta” ở đây có lẽ ám chỉ đại diện thành phần dân Chúa không trực tiếp chiến đấu. Vậy chiến thắng là của Thiên Chúa, nhưng Người muốn tập luyện cho dân chiến đấu, đoàn kết mỗi người góp phần mình bằng chính sức mình, tùy sức, tùy địa vị. Tính cách CỘNG ĐOÀN của cầu nguyện, của cuộc chiến được đề cao.
*  Kết quả: Môsê giơ tay mãi cho đến khi mặt trời lặn
   Cuộc chiến cam go, kéo dài cho đến cuối ngày. Khía cạnh kiên trì, liên tục không ngơi được nhấn mạnh. Muốn vậy cần có sự đóng góp của toàn thể cộng đồng dân Chúa. Thêm nữa, Lời Chúa hôm nay còn đòi hỏi phải cầu nguyện CẬT LỰC, vận dụng tận cùng sức lực, khả năng của mình để cầu nguyện.
  1. Chiến thắng (17, 13)
   *  Giôsuê đánh bại Amalek
   Yếu tố quyết định thắng bại là Môsê cầu nguyện, nhưng người dứt điểm địch thù lại là Giôsuê. Chiến thắng là của toàn dân. Tất cả – kẻ chiến đấu, người cầu nguyện, kẻ kê đá làm ghế cho Môsê, kẻ đỡ 2 tay Môsê – đều đồng tâm nhất trí cho một công việc duy nhất: đánh bại kẻ thù.
Tóm kết
   Trong lúc thuật lại cuộc chiến giữa Israel và Amalek, bản văn đề cao tầm quan trọng mang tính quyết định của việc cầu nguyện: cầu nguyện liên lỉ với cường độ cao. Thái độ này là yếu tố quyết định cho chiến thắng chung cuộc của dân Chúa trước kẻ thù truyền kiếp luôn tìm cách cản trở bước tiến của dân tiến về Đất Hứa.
   Trên bình diện vũ trụ, kẻ thù ấy là Satan! Cuộc chiến này chỉ thực sự chấm dứt vào ngày Chúa “giơ tay” đặt mọi thù địch làm bệ dưới chân Người. Trong khi chờ đợi ngày ấy, chính là lời cầu nguyện liên lỉ của Giáo Hội, của mỗi tín hữu, kết hợp với sự chiến đấu liên tục trên mọi mặt trận (mỗi tín hữu đóng góp phần mình tùy sức, địa vị), mới có thể đem lại chiến thắng chung cuộc cho nhân loại.
TIN MỪNG: Lc 18, 1 – 8
   Đức Giêsu bước vào giai đoạn 3 của hành trình lên Giêrusalem. Chủ đề chính được đề cập trong giai đoạn này là “bao giờ Triều Đại Nước Thiên Chúa đến?” Đức Giêsu đáp: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”, nghĩa là đã tới rồi, nhưng không thể thấy được bằng mắt phàm xác thịt (17, 20 – 21).
   Trong Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực tại vừa mang tính hiện tại, vừa tương lai. Để sống tốt thực tại này, kẻ tin cần có những thái độ thích hợp. Thái độ đầu tiên được Đức Giêsu đề cập đến là CẦU NGUYỆN. Hai dụ ngôn kế tiếp nhau cho thấy cách thức phải cầu nguyện: kiên trì và khiêm tốn.
   Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn 1 thuật lại chuyện ông quan tòa chẳng biết sợ trời sợ đất gì đành phải chào thua một bà góa cứ kiên trì đòi ông phải minh xử cho bà ta. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh phải kiên trì trong cầu nguyện và không được buông thả trong khi chờ đợi thời điểm Thiên Chúa đáp trả lời kêu xin. Dụ ngôn mang chiều kích cánh chung.
Dẫn nhập: loan báo trước ý nghĩa của dụ ngôn (18,1)
* Đối tượng dụ ngôn: môn đệ.
* Mục đích: dạy cầu nguyện luôn và không nản chí.
“Luôn”: mọi thời, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Mỗi lần cầu nguyện là luôn luôn nhắc tới điều ta muốn nài xin.
“Không được nản chí”: Me êgkakêin. Lần duy nhất Luca dùng động từ này. Đây là từ đặc biệt của Phaolô, dùng để nói lên quyết tâm phải hoàn tất cho được sứ vụ đã lãnh nhận bất chấp những khó khăn trở ngại, không buông thả, chán nản, thất vọng. (x. Ep 3,13; Gl 6,9; 2Tx 3, 13; 2Cr4, 1-16).
Nội dung lời cầu nguyện: đặt lời dẫn nhập này vào trong bối cảnh của đoạn văn đi trước và của các câu áp dụng 6-8, ta thấy lời cầu nguyện này mang màu sắc cánh chung. Đức Giêsu đã nhiều lần khuyên bảo cầu nguyện như thế ngay sau khi gợi lên cuộc quang lâm của Người (Lc 21,36; Mc 13, 32-37). Do đó mệnh lệnh “cầu nguyện không được nản chí” mang một ý nghĩa chuyên môn: trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô trở lại, hiện tại là thời thử thách, các môn đệ không được trì trệ hay buông thả việc cầu nguyện “nài xin Chúa mau đến”, kể cả khi lời khẩn cầu xem ra như vô vọng, Thiên Chúa có vẻ thờ ơ lãnh đạm. Điều này gợi lại thực trạng của Giáo Hội vào thời Phaolô, Luca: các tín hữu tưởng rằng quang lâm sẽ đến ngay trong thời của họ, trong khi đó Chúa cứ thờ ơ im tiếng; Do đó có người đã thất vọng (2Pr 3,9; Kh 6, 9-11).
Như vậy phải luôn qui hướng về câu dẫn nhập này để hiểu dụ ngôn. Đây không chỉ là lời giáo huấn về việc cầu nguyện nói chung mà là lời cầu nguyện kiên trì bền chí trong khi chờ đợi Chúa quang lâm. Sự kiên trì này vừa là thái độ chính yếu của môn đệ trong thời cánh chung, vừa là một thử thách cam go của thời sau hết. Như vậy, cái thử thách và là nguy cơ lớn cho các tín hữu không chỉ đến từ bên ngoài mà thực chất còn là 1 tên nội ứng: có vững tin để cầu nguyện luôn và không nản chí không? Và mục đích của việc cầu nguyện như thế là gì? Đây chính là điều mà dụ ngôn muốn xác quyết trước nhất: đó là điều kiện để chiếm hữu được sự công chính chung cuộc, nghĩa là sự giải thoát vĩnh viễn dành cho những người được chọn lúc Chúa quang lâm.
  1. Bài dụ ngôn (18, 2-5)
* Giới thiệu nhân vật: “trong thành kia, có:”
– 1 ông quan tòa vô đạo, bất cận nhân tình: chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì.
– và 1 bà góa
2 hình ảnh tương phản nhau: một bên là “bà góa”, mẫu người nghèo cô thế, bị xã hội khinh chê, tôn giáo cho rằng bị Chúa phạt và luôn bị các quan tòa ép, đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi khi phải thưa kiện, tranh tụng với địch thù nhất là ở chốn cửa công (x. Tv 127, 3-5) Bên kia là “quan tòa”, một người đầy uy quyền được Chúa trao cho trọng trách bảo vệ công lý, bênh vực kẻ thế cô, làm cho “đèn trời” được tỏa sáng đến tận mọi ngóc ngách của trần thế (Tv 82, 3-4). Tiếc thay tên quan tòa trong dụ ngôn này không được như vậy. Y thuộc vào dạng gian ác bị Kinh Thánh kết án (Am 5,7; 6,10-13; Is 1,23; 5,7-23; Gr 5,28…). Lc còn cố ý nhấn mạnh rằng y “chẳng kính sợ Thiên Chúa, cũng không coi ai ra gì”, nghĩa là không có gì lay chuyển được cõi lòng chai cứng, ích kỷ của y. Thế nhưng lần này y đành phải nhượng bộ trước thái độ kiên trì, liên lỉ của bà góa. Hai hình ảnh tương phản trên đã làm nổi bật năng lực của lời cầu nguyện liên lỉ, không nản chí. Nó có khả năng làm biến đổi lòng người, thúc đẩy Thiên Chúa mau ra tay hành động cứu độ kẻ tin.
*Tình tiết của dụ ngôn
– Bà này đã NHIỀU LẦN đến thưa…
Kiên trì theo đuổi một mục tiêu chính đáng, hợp pháp. “Kiên trì” là vũ khí duy nhất mà bà góa dựa vào để mong ông quan tòa bất lương sẽ phải lùi bước chịu xét xử cho bà. Bà ý thức quyền lợi của bà là chính đáng, hợp pháp, nếu được phân xử đúng luật chắc chắn bà sẽ thắng kiện. Đây là điều ta phải lưu ý khi đọc dụ ngôn này: không phải xin bất cứ điều gì cũng đều sẽ được, nhưng điều mình xin phải phù hợp với công lý, phải là quyền lợi chính đáng của mình theo đúng luật Chúa. Bà biết rõ giới hạn, sự thấp hèn của mình, nhưng bà cũng đã biết tận dụng tối đa các vũ khí duy nhất của mình: kiên trì kêu nài công lý trong tin tưởng mình sẽ được minh xét.
  • Phản ứng của quan tòa “một thời gian KHÁ LÂU … nhưng CUỐI CÙNG …”
  • Lý do nhượng bộ: lòng ích kỷ muốn yên thân: “dẫu rằng … nhưng mụ góa này … làm ta nhức đầu nhức óc”
  “Khá lâu: diễn tả sự chai lì trong bất chính của tên quan tòa. Thế rồi y ĐỘT NGỘT đổi ý, lấy 1 quyết định bất ngờ: minh xét cho bà góa. Điều mỉa mai là y xét xử không vì công tâm, vì động lực tốt nhưng vì ích kỷ, chỉ muốn được yên thân. Tích cách đột ngột trong hành động giải quyết vấn đề, đó là điều mà Đức Giêsu muốn so sánh Thiên Chúa với tên quan tòa: chắc chắn Thiên Chúa sẽ can thiệp, nhưng 1 cách đột ngột và bất ngờ vì vinh quang Chúa và ơn cứu độ của người tin, chính vì thế mà phải luôn cầu nguyện, tỉnh thức.
  1. Bài học cho môn đệ (18, 6 – 8)
* “Rồi Chúa nói” …
   Luca thay đổi danh xưng: ‘Chúa” thay vì là “Đức Giêsu” ở c.1; Trong nhãn giới cánh chung của dụ ngôn, “CHÚA” ở đây có nghĩa trọn vẹn và mạnh nhất của từ. Luca nhấn mạnh đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giêsu: vị quan tòa tối cao, chủ thể vũ trụ lên tiếng. Do đó điều sắp nói ra đây chắn chắn sẽ được thi hành.
* “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!”
  Bài học rút ra từ câu nói của ông quan tòa: đó là việc ông ĐỘT NGỘT đáp ứng yêu sách của bà góa
* “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa… Người đã tuyển chọn ngày đêm kêu cầu? Lẽ nào Người cứ trì hoãn?”
   Đức Giêsu không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một quan tòa bất chính. Đây là lối so sánh tương phản nhằm làm nổi bật nghĩa tích cực. Trong dụ ngôn này giữa ông quan tòa và Thiên Chúa có nét tương đồng lẫn tương phản. Nét tương phản (bất chính/công chính – quan tòa và bà góa không liên hệ thân thiết nào, mà con quấy rầy nhau nữa/ Thiên Chúa và môn đệ có liên hệ mật thiết: chính Chúa tuyển chọn môn đệ cho việc Chúa – quan tòa sợ nghe bà góa lải nhải, sợ nhức đầu/ Thiên Chúa thích nghe lời môn đệ kêu cầu) được dùng làm nền để làm nổi bật lên nét tương đồng, đó là sự can thiệp đột ngột để giải quyết tận căn vấn đề được kêu xin. Cũng như trong trường hợp ông quan tòa, không có triệu chứng nào báo trước là ông ta chịu xét xử, Thiên Chúa cũng sẽ can thiệp nhưng không rõ lúc nào, cách nào và sự đáp trả ấy sẽ diễn ra rất nhanh, đột ngột, không sao lường trước được, không sao đối phó kịp nếu chỉ chờ đợi “nước tới chân mới nhảy”. Phải chuẩn vị từ xa, bằng cầu nguyện kiên trì, liên lỉ.
* Người sẽ mau chóng minh xét … (18, 8a)
  Câu 7: lẽ nào Thiên Chúa cứ trì hoãn, nghĩa là Thiên Chúa có trì hoãn. Ở đây lại nói Người mau chóng minh xét. Có mâu thuẫn chăng? Thực ra:
  • “Trì hoãn”: Makrôthumêo, trong Tân Ước, có nghĩa là “kiên nhẫn, chịu đựng, bao dung”, nó ám chỉ lòng từ ái, quảng đại của Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Đó là  ý chí hằng muốn thứ tha mãi, tìm mọi thời cơ để giúp tội nhân hoán cải. Đó là yếu tố hữu hiệu nhất để thực hiện ơn cứu độ phổ quát (x. Rm 2, 4; 9, 22; 1Tm 1, 16). Do đó sự bất động, trì hoãn hoặc chưa can thiệp của Thiên Chúa thay vì bị coi là dấu hiệu của thờ ơ lãnh đạm, thì đó lại là bằng chứng của lòng nhân từ, nhẫn nại của Thiên Chúa muốn đợi chờ để con người có thời gian hoán cải (x. 2Pr 3, 9 – 15).
  • “Mau chóng”: ên takhêi   diễn tả tính cách gấp rút, vội vã. Có thể hiểu 2 cách:
  1. Nghĩa thời gian: sắp hành động, sắp đến.
  2. Hoặc chỉ cách thức hành động: bất ngờ, thình lình như một cái bẫy bất chợt chụp xuống trên mình. Đây mới là ý nghĩa của từ được dùng trong câu 8a.
     Thật vậy, bản văn cho thấy tên quan tòa đột ngột đổi ý, chịu minh xét cho bà góa. Vậy câu 8 a không nói là Thiên Chúa SẮP can thiệp mà là nói CÁCH Thiên Chúa can thiệp: đột ngột, chớp nhoáng.
* Lời cảnh báo nghiêm trọng: “nhưng khi Con Người đến, liệu…”
   Xem CGKPV “Tân Ước” 344 y. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng cho các môn đệ: họ là những kẻ được chọn, là những kẻ phải cố thôi thúc cho ngày Đức Giêsu tái giáng mau đến (2Pr 3, 12). Thế nhưng vì Chúa “trì hoãn” và đời con người lại giới hạn, do đó để rơi vào nguy cơ không tin vào quang lâm, vào việc Thiên Chúa can thiệp cứu vớt nữa, nhất là khi sự dữ cứ nhởn nhơ trước mắt, kẻ lành bị thiệt, kẻ tin Chúa bị áp bức. Từ đó kéo theo những hệ quả xấu về đời sống đạo đức, tôn giáo. Chính vì thế mà Đức Giêsu cảnh báo: phải cầu nguyện luôn, không nản trong mọi tình huống kể cả khi rơi vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, biết mình sắp chết vẫn xin, như tên trộm lành trên thập giá.
   Phải cầu nguyện luôn vì đó là cội nguồn của lòng tin bền vững. Đó là ơn cứu độ.
  Tóm kết
   Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu phải kiên trì, liên lỉ cầu nguyện cho ơn cứu độ sớm được hoàn tất, nói cách khác xin Chúa mau đến chỉnh đốn lại mọi sự theo thánh ý Người, minh xét cho kẻ tin được trả lẽ công bình. Trong thời gian chờ Chúa đến, việc cầu nguyện không được lơi lỏng, suy giảm cường độ bất chấp những thử thách đang diễn ra trước mắt. Thiên Chúa có vẻ như chậm đáp trả là vì Người muốn cứu độ tất cả. Người muốn nhân loại có thời giờ để sám hối, trở lại. Vì thế các môn đệ Chúa cũng phải chia sẻ tâm tình cứu độ ấy của Chúa, góp phần vào công cuộc cứu độ mọi người bằng cách kiên trì cầu nguyện, chấp nhận sự khoan giãn của Thiên Chúa vì lợi ích cứu độ của nhân loại. Và sự kiên trì ấy phải được truyền lại cho thế hệ tương lai mãi cho tới ngày Chúa đến.
Frère Pierre Đình Long, FSC.