Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 10 ngày 28

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    “Thiên Chúa yêu thương chúng ta dù chúng ta nghèo nàn và bất trung, vì thế lòng biết ơn của chúng ta xứng đáng hơn tất cả; đó là phương tiện giúp con đứng dậy và can đảm… Con sẽ nhận ra những lỗi lầm của mình rõ hơn nơi lòng nhân từ của Thiên Chúa hơn là nơi chính bản thân con.” [Gửi cho bà Antoinette de Granville, 12/1867]

Nếu như lời diễn giải của cha Eymard trong lời khuyên này là Thiên Chúa yêu thương chúng ta dù chúng ta nghèo nàn, thì cũng có thể nói một cách chính xác là Thiên Chúa yêu thương chúng ta chúng ta là những người nghèo. Chẳng phải chính Đức Giê-su đã cảnh tỉnh chúng ta một cách nghiêm túc: “Nếu anh em không trở nên giống trẻ thơ, anh em sẽ không vào được Nước Trời.” (Lc 18,16). Nói cách khác, chúng ta phải hết sức nỗ lực để biến mình trở nên trẻ thơ, người bất lực, người cần giúp đỡ và cầu xin sự trợ giúp vốn không phải là xu hướng tự nhiên của chúng ta. Đặc biệt trong thời đại chúng ta, người ta thích được tự do và dùng những khả năng cũng như tài năng Chúa ban để hoàn thành công việc. Ở đây, cơ hội dường như nằm ở chỗ: chúng ta, những con người, muốn ôm trọn cả sự tự do lẫn sự phụ thuộc cùng một lúc.

Được trao tặng những khuynh hướng tự cho mình là trung tâm, nhưng nếu chúng ta để cho những khuynh hướng ấy ảnh hưởng đến mình, thì rõ ràng chúng ta sẽ chỉ nhắm đến việc sử dụng những ân huệ nhằm đem lại lợi ích cho riêng mình mà thôi. Chính Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong chúng ta là Đấng luôn lôi kéo chúng ta hướng về việc từ bỏ Cái Tôi và đặt mọi ơn phúc của chúng ta vào việc phục vụ anh em mình. Vì thế, hình thức dường như là như vậy, như đã được thánh I-nha-xi-ô Lô-yo-la liệt kê quá rõ: “Khi bạn cầu nguyện, hãy cầu nguyện như thể mọi thứ phụ thuộc vào Thiên Chúa; nhưng khi bạn làm việc, thì hãy làm như thể mọi thứ chỉ lệ thuộc vào một mình bạn!” Ở đây, điểm nhấn mạnh đó là chữ “như thể”, có nghĩa là chúng ta biết rằng có một khía cạnh khác đối với từng phần của câu khẳng định này! Do đó, để Chúa định đoạt đời mình thì không phải là quỵ lụy, nhưng là cách để nhận biết những kế hoạch Ngài dành cho chúng ta là gì, và lấy ra tất cả những nguồn lực mà chính Ngài đã đặt vào trong chúng ta.

Cộng tác với Thiên Chúa và người khác là nhiệm vụ không dễ chút nào đối với nhiều người. Thế nhưng, ngay cả những nhà khoa học nổi tiếng cũng như những con người ưu tú đã làm giàu cho xã hội vượt trên cả những ước mơ hoang sơ nhất của chúng ta, đã biết cộng tác với Thiên Chúa một cách có ý thức và quảng đại. Vì thế, chúng ta không cần hối hận vì đã có thái độ này trong cuộc sống, thay vào đó chúng ta nên tự hào rằng bằng cách này chúng ta hoàn thành kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Như sách Sáng Thế đã chỉ ra cho chúng ta, lúc khởi đầu Thiên Chúa có ý định cho con người trở thành những cộng sự viên của Ngài khi Ngài nói với A-đam và E-và ‘Hãy làm chủ trái đất và… đặt tên cho loài vật…’ (St 1,28-30). Đây là những cử chỉ biểu tượng cho thấy Thiên Chúa đã để cho công trình sáng tạo vũ trụ dang dở và trao nhiệm vụ hoàn tất và làm đẹp ấy cho con người. Khi chúng ta thất bại trong nhiệm vụ này, Thiên Chúa không chối bỏ hay cằn nhằn chúng ta, mà Ngài đổi mới chúng ta và lại sai chúng ta hoàn tất nhiệm vụ này, vì không có sự cộng tác của chúng ta thì vũ trụ vẫn sẽ còn dở dang cho tới muôn đời. Nếu chúng ta có thể chấp nhận những thất bại của mình với một tinh thần biết ơn và không xấu hổ về chúng, nhưng biết đứng dậy, nhận thức chúng và chấp nhận sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong tương lai, thì chúng ta lại không thể làm điều tốt cho xã hội sao!

Quả thực, tất cả những vĩ nhân thực sự thì cũng là những con người khiêm nhường. Họ là những cộng sự viên nổi tiếng, biết làm việc theo nhóm và không nhắm đến bất kỳ một lợi nhuận nào cho bản thân mình.