SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN C

     “Thấy mình được lành, anh liền quay trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn… Đức Giêsu nói “lòng tin của anh đã cứu chữa anh…” (Lc 17,16.19).

          Một trong những sai lầm, mà nếu không cẩn thận, các tín hữu, nhất là những ai tìm cách sống dễ dãi, thoải mái thường mắc phải là dựa vào một số câu Lời Chúa bị tách khỏi mạch văn để rồi ngụy biện xem nhẹ việc phải giữ luật của tiền nhân, của cộng đoàn, của Giáo Hội. Một câu vẫn thường nghe nơi những kẻ bị anh chị em góp ý sửa lỗi là “lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã…” (Mt 7,5) để rồi từ chối sửa mình ; hoặc “con người làm chủ luôn cả ngày sabat” (Mc 2,27-28) để rồi coi thường luật lệ, các lời dạy bảo của tiền nhân… Họ đã tự dối lòng mình, ở lì trong những sai trái và có nguy cơ diệt vong (x. Lc 13,5).

          Họ quên mất rằng trong dòng lịch sử của Dân Chúa, Lề Luật chính là hồng ân lớn lao mà Chúa trao ban để biến đám nô lệ, ô hợp trở thành những người tự do, có thể toàn quyền nói lên các chọn lựa của mình, để trở thành một dân, Dân riêng của Chúa (x. Xh 19,5 – 8). Rồi chính Đức Giêsu cũng dạy rõ rằng : Người đến để kiện toàn Lề Luật, một chấm một phết trong Lề Luật cũng không bỏ qua… (x. Mt 5,17 – 18) và số phận đời sau của mỗi người là tùy thuộc vào thái độ của mình đối với Luật (x. Mt 5,19).

          Khi bóp méo Lời Chúa để thỏa mãn ý riêng, họ đã tỏ ra là người vô ơn, không còn nhận Luật là hồng ân đào tạo tự do mà Chúa thương ban ; trái lại họ đã phù phép sử dụng Luật để rời xa Thiên Chúa, đi trệch khỏi đường lối Người. Họ chỉ thấy quyền lợi trước mắt của họ làm chuẩn mực cho cuộc sống, chứ không muốn trở thành môn đệ của Chúa, trở thành Dân Chúa, dân khôn ngoan thông minh có Chúa luôn ở cùng (x. Đnl 4,6 – 8).

          Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nhắc lại tầm quan trọng của Lề Luật, đồng thời cho thấy Người đến để kiện toàn Lề Luật như thế nào. Lc 17,11 – 19 thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi. Đây là một phép lạ chữa lành từ xa : Đức Giêsu không trực tiếp tiếp xúc chữa lành, mà Người bắt các bệnh nhân phải thi hành những gì Luật dạy. Vài chi tiết trong bài đọc làm nổi bật đặc điểm của những bệnh nhân này là việc họ nghiêm túc tuân thủ Lề Luật : Họ ý thức thân phận mình và đã :

          1/ Tuân thủ đúng Luật Lv 13,46 : Họ tách li khỏi cộng đoàn, không được vào làng, không được tiếp xúc với người thường… nên họ đã phải đứng cách xa Đức Giêsu mà kêu cứu (17,13).

          2/ Trong phép lạ này, Đức Giêsu cũng được trình bày như một người giữ Luật : Người không tiếp xúc trực tiếp với họ như trong các phép lạ khác (x. Mt 8,3 ; Lc 5,13 ; 14,4 ; 18,40 – 42). Từ xa người ban cho họ một lệnh truyền :

          3/ Lệnh truyền đó là một lệnh truyền thi hành Luật : “Hãy đi trình diễn với các tư tế” (Lc 17,14). Trình diện không phải là để được tư tế chữa lành ; nhưng chỉ những ai đã lành rồi mới đi trình diện để được tư tế xác nhận và như thế là sẽ được hội nhập lại với cộng đoàn. Và sự thật đã xảy ra như vậy “đang khi đi thì họ được sạch”. Như vậy nhờ TIN VÀO ĐỨC GIÊSU, việc thi hành Luật đã trở thành phương thức Đức Giêsu dùng để chữa lành họ. Đức Giêsu đã kiện toàn Lề Luật (Mt 5,17) như thế đó, bằng cách dùng việc tuân thủ Lề Luật để chữa lành.

          Tuy nhiên sứ điệp Tin Mừng không dừng lại ở việc chữa lành thể xác. Việc chữa lành thể xác phải đưa tới việc chữa lành tâm linh, đưa người được chữa lành đi vào một tương quan mới với Thiên Chúa, với Đức Giêsu. Một người trong nhóm đã trở lại GẶP Đức Giêsu, tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu và tạ ơn Người. Lòng biết ơn đã giúp anh ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong con người Đức Giêsu, vì thế anh đã dùng cử chỉ tôn thờ Thiên Chúa để tạ ơn Đức Giêsu (câu 16). Chính lòng biết ơn này đã làm đức tin anh ta lớn lên, làm được điều kỳ diệu : Chính Đức Giêsu xác nhận như thế “lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19).

          Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục, hôm nay, dùng các trung gian để chữa lành cho chúng ta đặc biệt qua bí tích hòa giải. Thử xét mình lại xem : Sau khi xưng tội, có bao nhiêu lần chúng ta có được một tâm tình tạ ơn thẳm sâu đối với Giáo Hội, với vị linh mục vừa ban bí tích cho ta? Chúng ta có thực sự nhận ra tình yêu, vinh quang Thiên Chúa đang bao trùm lên ta qua Giáo Hội và linh mục ? Chính tâm tình tạ ơn đó mới làm đức tin chúng ta lớn lên như anh cùi Samari, chứ không chỉ được tha tội như chín người cùi Do Thái. Khi có tâm tình tạ ơn thẳm sâu và đức tin như thế, chúng ta mới hy vọng bớt tái phạm lại những tội mà ta đã xưng. Biết ơn và đức tin là thành trì bảo vệ ta bớt phạm tội.

Frère Đình Long FSC