Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 10 ngày 04

Ngày 4 Tháng Mười

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    “(Sau khi cha họ qua đời)… trước đó vài ngày, ông đã trao lại toàn bộ số tiền của mình cho cha Chanuet… và nói với ngài rằng: ‘Một tu sỹ không nên giữ lại bất cứ thứ gì. Con muốn từ bỏ mọi sự.” [Gửi cho các xơ: Euphrosie, Louise và Marcelle Ravanat, tháng 8/1867]

Lời khẳng định này của cha Eymard là một phần trong lá thư chia buồn mà cha viết cho ba nữ tu trong ngày qua đời của cha họ. Rõ ràng là cha tìm cách an ủi họ qua việc đưa ra một vài dấu chỉ tích cực cho thấy cha của họ đã được ban tặng một phần thưởng đích thật và thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông sau khi nhìn nhận ông như một tu sỹ. Từ chi tiết nhỏ chúng ta đọc được trong lá thư này, dường như ông Ravanat là một con người chân thật tìm kiếm Thiên Chúa sau khi sống trọn cuộc đời mình, chu cấp cho gia đình cũng như quan tâm đến tất cả những bổn phận khác của ông. Ở đây, cha Eymard nhấn mạnh cách ông đã dâng tất cả mọi tài sản của mình cho cha giáo tập mà không giữ lại bất cứ cái gì cho mình.  

Trong ý nghĩa này, không ngạc nhiên lắm khi thấy rằng chính cha Eymard đã đẩy mạnh Hiến lễ Bản vị trong tất cả mọi chiều kích. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy Thiên Chúa không thể bị người khác qua mặt về lòng quảng đại. Trái lại, chúng ta không thể không nhớ lại điều mà chính Đức Giê-su đã nói với các môn đệ của Người khi chàng thanh niên giàu có đặt câu hỏi cần phải làm gì để có được sự sống đời đời “Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: người giàu có sẽ khó vào Nước Trời. Thầy còn bảo anh em, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. Nghe nói thế, các môn đệ vô cùng sửng sốt và hỏi: “Vậy ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19:23-29).   

Lý do đằng sau việc dứt bỏ mình khỏi tất cả mọi thứ là rất quan trọng. Bao lâu vẫn còn một điều gì đó khiến người ta có thể ngoái lại, thì người ấy chưa thực sự cảm thấy cần Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao khi kêu gọi một người nào đó thì chính Đức Giê-su nhất quyết lôi kéo người ấy đến với Người. Khi người ấy cảm nghiệm sự bất lực của mình, đó là lúc người ấy thực sự trở về với Thiên Chúa và sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà Chúa chỉ dạy. Chỉ trong trường hợp bất lực này, đức tin mới bắt đầu biểu lộ một cách tốt nhất. Vì thế, nếu Chúa không khởi xướng trước trong vấn đề này, thì người ta sẽ phải tự làm một vài điều này hay điều khác trong cuộc đời mình. Khi việc này được thực hiện bằng tình yêu và lòng quảng đại, người ấy cảm nghiệm được một sự tự do nội tâm bao la và bắt đầu bước những bước lớn để thuộc trọn về Chúa. Chỉ có một điều hơi buồn trong trường hợp này đó là ông Ravanat đã không có nhiều thời giờ trên trần gian này để tận hưởng sự tư do và tình yêu của Thiên Chúa; tuy nhiên, chắc chắn ông sẽ không bị khước từ nữa khi ở trên nước trời!