Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 03 ngày 06

 

“Việc cầu nguyện trước Thánh Thể quy hướng trực tiếp đến Thánh Tâm Chúa, giống như một mũi tên lửa vậy.” [ ]

 

Điều mà cha Eymard muốn nói ở đây, đó là: Việc cầu nguyện trước Thánh Thể là một hình thức cầu nguyện nguyện mà chính cha đã thực hành và dạy người khác thực hành một cách hăng say, nhìn chung việc cầu nguyện này được xem như ‘Lời nguyện Bốn Bước của Hy tế’. Cha Eymard đã giải thích Thánh Lễqua bốn mục tiêu: Thờ lạy, Thống hối, Tạ ơn và Cầu xin (ACTS). Cha thường đề nghị rằng: chúng ta nên giữ bốn ‘mục đích’ này trong tâm trí khi cử hành Thánh Thể cũng như dùng chúng cho việc Chầu Thánh Thể, phân chia một phần tư thời gian cho mỗi ý hướng ấy. Bốn mục đích này quá đơn giản và cơ bản đến nỗi ngay cả một người mới bắt đầu cũng sẽ cảm thấy dễ dàng để cầu nguyện và cử hành Thánh Thể theo phương pháp này. Bên cạnh đó, sự đơn giản của phương pháp này khuyến khích ‘người tôn thờ’ đặt tâm hồn mình vào đó, vì thế làm cho việc cầu nguyện mang tính riêng tư và hiệu quả. Không nghi ngờ gì khi cha Eymard đề nghị rằng việc cầu nguyện như vậy sẽ quy hướng trực tiếp đến Thánh Tâm Chúa, tựa như một mũi tên lửa vậy!

Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng toàn bộ mục đích của việc cầu nguyện không chỉ là ngợi khen và thờ lạy, tạ ơn và khẩn nài Chúa Cha, nhưng suy cho cùng đó là để biến đổi chúng ta từ ‘những người cầu nguyện’ thành những ‘con người của cầu nguyện’. Sự khác biệt giữa hai hình thức ấy thật đáng chú ý. Người cầu nguyện đến cầu nguyện nhiều lần trong ngày, nhìn chung là cầu nguyện theo công thức sẵn có hơn là cầu nguyện như một bổn phận hay nghĩa vụ. Vả lại, việc cầu nguyện như thế ít khi đụng chạm tới đời sống của người cầu nguyện. Không nghi ngờ gì, đã có những lần trong lịch sử của Hội dòng, đây là việc mà tất cả các tu sĩ Thánh Thể cho là phải làm khi họ dành thời giờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Thế nhưng, khi biết được mục đích của việc cầu nguyện là gì, chúng ta nên và được khuyến khích là để cho việc cầu nguyện của chúng ta biến đổi chúng ta, cho phép chúng ta hấp thụ những nhân đức cơ bản đằng sau mỗi ‘mục đích’. Vì thế, thời gian chúng ta dành để tôn thờ Chúa sẽ biến chúng ta thành những người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi người và mỗi biến cố, cũng như mời gọi chúng ta đón nhận thánh ý Ngài. Vì vậy, chúng ta trở thành những con người thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật bên cạnh việc thờ phượng Ngài trong những thời gian nhất định trong ngày!

Việc tạ ơn Thiên Chúa trong suốt Thánh Lễ và cầu nguyện sẽ biến đổi chúng ta thành những con người có lòng biết ơn, sẵn sàng bày tỏ lòng biết ơn đối với mỗi đặc ân/ân huệ nhỏ bé đã nhận được trong suốt ngày sống, thậm chí khi người cho chỉ đơn thuần là thực thi nghĩa vụ của mình. Vì vậy, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn một cách tự phát đối với một tài xế taxi hay nhân viên bán hàng, một đồng nghiệp, một người giúp việc nhà hay thậm chí là một đứa trẻ. Cũng có thể nói rằng tinh thần thống hối sẽ soi dẫn cho chúng ta biết cách cải thiện những lời đáp trả của mình trong mỗi tình huống, làm cho chúng ngày càng giống với Đức Ki-tô hơn và hữu ích hơn. Tâm tình thống hối sẽ làm cho chúng ta nhìn mọi sự việc xảy ra trên bước đường của mình như một ân huệ Chúa Cha ban cho, trong đó có cả những biến cố đau khổ và tang thương. Lời khẩn nài của chúng ta cũng sẽ trở nên phổ quát và trải rộng hơn, vì chúng ta liên kết việc cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành, và cầu xin cho những nhu cầu của Nước Trời lan rộng khắp trần gian. Vì thế, việc cầu nguyện của chúng ta dựa trên Thánh Lễ không chỉ đụng chạm đến Trái Tim Chúa, nhưng còn giúp chúng ta đến gần với Ngài trong suốt ngày sống.