Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 17

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, bạn sẽ là cái bạn là”. [ ]

Ngày nay, các nhà tâm lý học nhắc nhở chúng ta rằng những điều kiện cơ bản cần thiết để có được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa trên trần gian chính là phải có một sức khỏe và vóc dáng cân đối. Thế nhưng, tất cả mọi người đều lao động dưới những gánh nặng được đặt lên họ ngay từ thưở bé, kìm hãm họ đến nỗi họ không thể thực sự trở nên “tốt được”. Dường như, tất cả chúng ta đã đặt lối suy nghĩ này vào trong đầu mình khi cho rằng người ta chỉ trở nên “hoàn thiện” trước khi họ có thể được chấp nhận, không chỉ được Thiên Chúa chấp nhận, mà còn cả những người xung quanh nữa. Như vậy, suốt cuộc đời, dobuộc những khối đá to lớn (sự chối bỏ bản thân) trên cổ của mình, nên hầu hết mọi người ít khi nhận ra điểm tích cực nào nơi bản thân mình.

Đây là vấn đề muôn thưở đối với con người qua nhiều thế kỷ, có lẽ chỉ trong chính thời đại của chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu xác định nó như là một trong những gánh nặng không cần thiết lắm mà chúng ta phải gánh vác trong suốt cuộc đời. Cũng trong vấn đề này, có lẽ cha Eymard đi đầu trong thời đại của ngài, khi nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự là gì dưới cái nhìn của Thiên Chúa! Ngay cả nhà thần học mục vụ nổi tiếng như Henri Nouwen cũng tỏ ra cho thấy ngài đã phải mất nhiều năm để nhận ra chân lý này- ngài dễ dàng tin tất cả những lời lẽ xung quanh nói rằng ngài xấu hay thiếu sót hơn là lắng nghe lời nói tin cậy của Chúa đang nhắn nhủ ngài: “Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”. Chỉ sau khi ngài bắt đầu đón nhận những lời của Thiên Chúa một cách nghiêm túc, thì ngài mới cảm nghiệm được đôi chút về sự an bình nội tâm cũng như sự mãn nguyện.

Thực sự, Thiên Chúa nhìn chúng ta cũng như mỗi con người do Người tạo nên như thế nào? Quả là không sai khi nói rằng Thiên Chúa nhận ra nơi chúng ta hình ảnh của chính Người, không phải là hình ảnh đã bị bóp méo vì sự thiếu quan tâm cũng như tội lỗi của chính chúng ta, nhưng là chính tiềm năng lớn lao mà Người đã đặt vào trong con người chúng ta, tiềm năng mà Người luôn luôn tìm kiếm để nhận ra nó trong cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta để cho Người nắn đúc chúng ta! Ngay cả khi chúng ta đến trước nhan Người như những tội nhân, sự quan tâm của Người cũng hướng về con người chúng ta, đến việc chúng ta “là ai” hơn là chúng ta “như thế nào?”.

Giống như một bà mẹ luôn để mắt trông chừng đứa con của mình đang nô đùa trong vườn, rồi chạy vào nhà mà trên mình đầy lấm lem. Khi bà nhìn thấy những vết bẩn trên mình đứa con, bà sẽ chỉ để ý đến đứa con yêu dấu trước mặt bà, mà không quan tâm đến những vết bẩn! Và bằng tình yêu khôn tả dành cho đứa con (và có thể là không ai giúp), bà sẽ nhanh chóng rửa sạch các vết bẩn đó dù biết rằng có thể chỉ vài phút sau, đứa con của mình lại ra vườn nô đùa và lại dính bẩn. Ít khi bà mẹ phạt đứa con nhỏ vì chúng nghịch bẩn. Nhưng hy vọng sâu xa bên trong của bà, đó là: tình yêu tuyệt đối bà vẫn tỏ ra cho đứa con của mình một ngày nào đó sẽ giúp nó gọn gàng và sạch sẽ hơn. Vì thế, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, chúng ta là ai dưới cái nhìn của Thiên Chúa mới là vấn đề quan trọng, và khi chúng ta tập trung vào điều này thì chúng ta mới hy vọng rằng chúng ta sẽ trở nên cái mà Thiên Chúa nhìn thấy nơi chúng ta.