SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN -năm C

Bài 1

Hc 3, 17 – 18. 20. 28 – 29; Lc 14, 1. 7 – 14
Chủ đề: Khiêm nhường trong ứng xử và hoa trái của Khiêm nhường

* Hc 3, 18.20: càng làm lớn, con càng phải tự hạ. Con sẽ được đẹp lòng ĐỨC CHÚA … Đức Chúa được tôn vinh nơi những kẻ khiêm nhường.

* Lc 14, 7. 11: Đức Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ … “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

    Lời Chúa của Chúa Nhật XXII C Mùa Thường Niên mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG. Các bản văn phụng vụ hôm nay trình bày đức khiêm nhường không bằng những khái niệm lý thuyết, trừu tượng, nhưng đưa ra những cung cách ứng xử cụ thể tùy theo từng trường hợp xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Bài đọc 1 trình bày hai trường hợp: 1/ phải cư xử khiêm nhường nhũn nhặn, khi ta được thành công hoàn tất được các dự tính. 2/ lại càng phải khiêm tốn khi đang ở địa vị cao sang. Còn Tin Mừng đề cập đến hai đối tượng còn cụ thể hơn nữa: 1/ phải cư xử thế nào trong một bữa tiệc mà mình được mời tham dự. 2/ Và trong trường hợp ta là chủ đứng ra tổ chức tiệc.

   Vậy hai bài đọc hôm nay nhấn mạnh hơn đến khía cạnh ứng xử nhân bản của đức khiêm nhường; Khía cạnh tương quan với Thiên Chúa – con người thọ tạo mọn hèn phải tự khiêm, tự hạ trước Thiên Chúa Tạo Hóa toàn năng – tạm gác qua lúc khác. Kèm theo khía cạnh sống tình người với nhau dưới góc nhìn của đức khiêm nhường, Lời Chúa cũng nêu lên những lời cảnh cáo cho hạng người kiêu ngạo “mục hạ vô nhân”; Đồng thời cũng nêu gương những hoa trái tốt đẹp do cách ứng xử khiêm nhường sẽ đem lại cho những ai khiêm tốn.

   Bài đọc 1 trích từ sách Huấn Ca, là cuốn sách thuộc thể loại sách Khôn ngoan được viết vào thười đế quốc Hi Lạp làm bá chủ Cận Đông, trong giai đoạn các hoàng đế còn đối xử tử tế với dân Do Thái. Chính trong bầu khí tương đối dễ thở ấy mà các người Do Thái tâm huyết với đạo giáo tổ tiên, với dân tộc, đã linh cảm thấy cái nguy cơ dân mình sẽ bị đồng hóa theo lối sống, văn hóa của đế quốc hùng cường, nhiều tham vọng. Để bảo vệ tôn giáo và tinh thần dân tộc, sách Huấn Ca đã được viết ra. Sách này cần thiết cho những người Do Thái muốn giữ nguyên căn tính của mình giữa một thế giới đang biến chuyển mau chóng … Dù bị bao sức ép, lôi cuốn từ bên trong lẫn bên ngoài, người dân của Chúa cũng không được phép đầu hàng trước trào lưu hi lạp hóa (x. CGKPV “các sách Giáo Huấn, ấn bản 1997, trang 609). Tác giả ao ước chia sẻ những kinh nghiệm khôn ngoan của mình “cho những ai thích học hỏi … để nhờ thế mà sống phù hợp với lề luật (x. Lời tựa Hc câu 12 – 14).

   Bài đọc 1 đề ra hai trường hợp cụ thể phải sống khiêm nhường: 1/ “Hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn” (Hc 3, 17); 2/ và “càng làm lớn, con phải càng tự hạ” (3, 18). Hai nố này bao trùm cả cuộc sống: đang khi nổ lực làm việc; và khi đã thành công có được địa vị. Phải khiêm nhường suốt đời, trong mọi tình huống! Và phần thưởng mà người khiêm nhường sẽ vui hưởng là:

  1/ “được yêu mến hơn cả người hào phóng” (c. 17b): trong tiếng Hipri, “người hào phóng” là “người tặng quà” (sđđ 619 x); Đó là người quảng đại, thích giúp đỡ kẻ khác, thường làm việc đạo đức … Mọi người đều yêu mến hạng người này! Hc 3, 17b khẳng định “người khiêm nhường” được yêu mến nhiều hơn. Như vậy “khiêm nhường: có tác động tốt trên cách ứng xử của con người hơn cả các việc đạo đức bên ngoài.

  2/ “được đẹp lòng Đức Chúa (c. 18b) đối với người Do Thái, Thiên Cháu là Đấng Cao Cả nhưng thích cúi xuống với các thọ tạo của Người; Ai mọn hèn khiêm hạ sẽ được Chúa nâng lên, thi ân giáng phúc (x. Tv 113, 4 – 8; Cn 3, 34). Trái lại “kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cung thì vô phương cứu chữa “vì sự xấu xa ăn sâu trong nó (x. Cn Hc 3, 28; Cn 14, 3); Chúa ghê tởm kẻ kiêu căng, trừng phạt chúng (x. Cn 16, 5; 15, 25a). Chắc chắn sụp đổ! (x. Cn 16, 18)

   Với Đức Giêsu, khiêm nhường là thuộc tính của Người và Người muốn môn đệ phải học hỏi (x. Mt 11, 29b); Do đó khiêm nhường trở thành nhân đức tin mừng có năng lực biến những hành vi đạo đức nhân bản trở nên những hành vi có giá trị công đức đáng được Cha ân thưởng (x. Mt 6, 4. 6. 18).

    Chủ đề khiêm nhường cũng được Tin Mừng đề cập đến ngang qua hai lời giảng dạy của Đức Giêsu. Đối tượng mà bài dụ ngôn nhắm tới là những khách được mời. Chủ tiệc là một thủ lãnh; khách được mời phải la những bậc đồng liêu thế giá, là kinh sư, biệt phái thông luật; Ngày dự tiệc lại là ngày Sabat; Và Luca nói rõ: họ mời Đức Giêsu là để DÒ XÉT Người (14, 1). Họ là những người có địa vị cao, biết bao đời là các thầy dạy luật. Thế mà giờ đây, giữa bàn tiệc, dù đã rình rập, họ cũng không bắt bẻ gì được Đức Giêsu khi Người công khai chữa lành một người bị phù thủng trong ngày Sabat (14, 2-6). Và ngay sau đó, Đức Giêsu nói cho đám thực khách háo danh này, đang lăm le nhảy vào dành cỗ nhất (14, 7) bài dụ ngôn về đức khiêm nhường. Đức Giêsu muốn cảnh tỉnh và mời họ đổi thái độ.

      “Bữa Tiệc” trong bài dụ ngôn này ám chỉ bữa tiệc Nước Trời đang được dọn ra cho mọi người. Đấng dọn đãi bữa tiệc này là Thiên Chúa. Các thủ lãnh, kinh sư, biệt phái cũng được mời. Họ đang là các bậc vị vọng của Do Thái giáo, nên nghĩ rằng họ xứng đáng được ngồi vào các cỗ nhất. Thế nhưng VỊ KHÁCH CAO TRỌNG hơn họ đã đến. Đó là Đức Giêsu với các giáo huấn mới mẻ của Người. Họ được mời gọi HÃY KHIÊM TỐN trao lại uy quyền tối thượng trên dân Chúa lại cho Người (việc chữa lành bệnh ngay giữa bàn tiệc, trong ngày Sabat là một minh họa), và cho Giáo Hội của Người. Vậy để hưởng trọn vinh phúc, danh dự trong Nước Trời thì HÃY KHIÊM TỐN: đừng tự cao chọn chỗ nhất, hãy tự khiêm chọn chỗ chót, để được Chúa tôn vinh. Đây không phải là lời khuyên sống giả hình hoặc sống thờ ơ không phát triển tối đa tài năng Chúa ban cho mình, mà thật ra là lời khuyên noi gương Đức Kitô khiêm nhường trong thơ Pl 2, 6-11: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa…nhưng đã tự hạ mặc lấy phận rốt hết, dùng hết tài năng dấn thân cứu thế đến độ chết như tội nhân trên Thập Giá (chọn chỗ rốt hết), nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người…

   Vậy điều Đức Giêsu muốn dạy là hãy khiêm tốn theo gương Người.

   Qua dụ ngôn hai, Đức Giêsu đặt người nghe vào vị trí chủ nhà dọn bữa ăn đãi khách. Đức Giêsu khuyên đừng mời bạn bè, bà con, lối xóm giàu có…vì họ có điều kiện để mời đáp trả. Trái lại hãy mời những người cùng khốn, không có gì đáp trả lại, để chính Thiên Chúa sẽ “đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Ý nghĩa luân lý nhân bản là: làm việc phúc đức trong khiêm tốn, không phô trương. Thế nhưng trong bài dụ ngôn thì ta tự hỏi: ở trần thế này, có bữa ăn nào có được giá trị đến độ được chính Thiên Chúa “đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”? hàm ý người đãi bữa ăn đó sẽ được sống lại và được Chúa thưởng.

      Rõ ràng dụ ngôn muốn ám chỉ đến THÁNH THỂ. Vậy đối tượng mà Đức Giêsu muốn gửi sứ điệp không chỉ là vị thủ lãnh đang mời Người mà còn là toàn thể tín hữu Kitô giáo: Bưã ăn Thánh Thể phải mở ra cho mọi người và mọi thực khách tham dự đều bình đẳng và anh em với nhau (x. 1Cr 11, 17-21). Vậy ở đây, khiêm nhường là thái độ mở rộng ơn cứu độ ra cho mọi người và coi nhau là anh em trong Đức Giêsu, theo gương Đức Giêsu.

Bài 2

  Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất … (c. 8a). Trái lại hãy vào ngồi chỗ cuối (c.10a) … Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (c. 11)

  Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm về chủ đề “khiêm nhường”. Khiêm nhường là gì?

* Về mặt nhân bản:

  “Khiêm” là một trạng từ có nghĩa là “một cách nhún nhường”, “bằng cách tự hạ mình, đặt mình xuống thấp”.

 “Nhường” là động từ có nghĩa là “nhịn”, tự ý chịu chút thiệt thòi về phần mình để mưu lợi cho người khác, chấp nhận phần thiệt với mục đích hướng thiện, ngay lành, xây dựng an bình hiệp nhất.

   “Khiêm nhường” là một quyết định khôn ngoan, biết mình, biết người đưa đến thái độ, hành động tự hạ, nhường nhịn, châp nhận chút thiệt thòi trước mắt để tỏ lòng tôn trọng phẩm giá của tha nhân, tạm nhường đường cho kẻ khác không tranh lấn dù mình đúng (để tránh “kẹt xe”), hầu xây dựng sự hiệp nhất, an bình, thăng tiến của cộng đồng nhân loại.

  Vậy “khiêm nhường” không phải là hành vi đối phó trước mắt bên ngoài của kẻ nhu nhược, giả hình hay ngu dốt bất lực mà là bản chất của người thật sự hùng mạnh, thật sự làm chủ được các bản năng hạ cấp của phận người. Nét tự hạ bên ngoài chỉ là cách bộc lộ kín đáo nhưng thuyết phục cái nội lực, sức sống dồi dào bên trong.

   Càng có thực tài thì càng khiêm nhường. Cũng như các bông lúa trong cánh đồng: bông nào vươn mình đứng thẳng chọc trời, ngạo nghễ lắt lư trước gió thì đó là các bông lúa lép, số phận chung cuộc của chúng là rơm khô để thiêu đốt; Còn bông nào gục xuống, dáng vẻ nặng nề thì đó là các bông lúa mẩy, sẽ được tích trữ vào kho và còn tuyệt vời hơn nữa, chúng sẽ là nguồn sống nuôi dưỡng nhân loại.

   Hình ảnh lợi ích của “bông lúa mẩy” thật ấn tượng. Nhưng với thế giới thích hào nhoáng hôm nay thì dường như con người cá nhân lẫn xã hội có vẻ thích “lúa lép” hơn; Và kết quả là tranh đua, đố kỵ, mưu mô, loại trừ nhau.

   Về phần cá nhân, người ta đề cao những con người thành công, nhiều tiền, tài năng, sắc đẹp, … chẳng những không khiêm nhường mà người ta còn “thổi phồng”, phô trương quá đáng đưa cá nhân lên tận mây xanh.

   Về phần xã hội, người ta cũng nô nức quảng cáo, tô son trát phấn cho nhau qua đủ thứ cuộc thi: hoa hậu, ca sĩ, … qua đủ thứ giải đấu … rồi qua đó truyền thông, báo chí mặc sức mà tôn vinh, “phong thần” cho con người.

*Về mặt thần học:

  “Khiêm nhường” = humilité, từ gốc la tinh “humus” có nghĩa là “đất” (gợi lại chất liệu Thiên Chúa đã dùng để dựng nên con người: St 3, 7). Vậy “khiêm nhường” là nhân đức mà người ta tự ý hạ mình trước mặt Thiên Chúa vì Người là Đấng Tạo Hóa và là Chúa Tể; Đồng thời cũng tự ý hạ mình trước mặt người anh em, với tư cách người anh em này là một mầu nhiệm của Thiên Chúa hoặc là người đại diện của Thiên Chúa. (Tự điển đức tin kitô giáo – pháp việt “Humilité”).

   Vậy “khiêm nhường” là đặt đúng vị trí của mình vào trong chương trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Khi Ađam, Eva làm loạn chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau vì tự kiêu (Tội ăn trái cấm), thì mọi sự đều đổ vỡ; Để hồi phục, Đức Giêsu đã nhập thể làm người và sông “hiền lành và khiêm nhường” trong lòng (Mt 11, 29), đến độ chịu thiệt nhận hết mọi hậu quả của phận tội nhân chết trên Thập Giá như một tử tội. Chính vì sự khiêm nhường cùng tột ấy (đối lại với sự kiêu ngạo của Ađam), Thiên Chúa đã siêu tôn Người và nhờ đó Người cứu thoát nhân loại (Pl 2, 6 – 11).

* Giữa một thế giới đang chạy theo văn hóa phô trương, kể cả đi đến chỗ “khoác lác” thì việc sống được đức khiêm nhường dường như vượt quá sức phàm nhân. Trong cuộc bơi ngược dòng ấy, sinh lực giúp tín hữu vượt thẳng được cơn cám dỗ kiêu ngạo ở vườn Eđen chính là NOI GƯƠNG, BÁM CHẶT vào Đức Giêsu: “đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình, Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”; để sống được tâm tình khiêm nhường đó thì “giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô – Giêsu (Pl 2, 3 – 5).

   Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta một số gương cụ thể để sống đức khiêm nhường giữa chợ đời bon chen chạy theo thói phô trương, kiêu ngạo.

BÀI ĐỌC I: Hc 3, 17 – 18. 20. 28 – 29

   Ben Xira là một thân hào kỳ mục ở Giêrusalem và là một bậc thầy khôn ngoan. Ông sống vào cuối thế kỷ III và đầu thế kỷ II trước Đức Giêsu. Ông ghi lại những hoa trái kinh nghiệm và giáo huấn của ông bằng tiếng Hipri vào khoảng năm 180 trước Chúa Giêsu rồi khoảng 50 năm sau, tác phẩm của ông được người cháu dịch ra tiếng hi lạp.

   Ben Xira viết tác phẩm vì ông có một mối bận tâm. Sau cuộc chinh phục của Alesxaudre Đại Đế (336 – 325 t. CGS), nền văn minh hi lạp thống trị khắp vùng Cận Đông. Palestin cũng không tránh khỏi trào lưu đó. Môi trường các quý tộc Giêrusalem, kể cả một số tư thế, cũng nghiêng theo lập trường này. Là người có tinh thần cởi mở, ông không ngần ngại đón tiếp những gì là tinh hoa đích thật của nền văn hóa mới, nhưng ông cũng cảm nhận được một mối nguy cơ đang đe dọa Do Thái giáo. Ông khát khao mãnh liệt khôi phục lại những giá trị đạo lý truyền thống. Đối với ông, khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của Israel bởi vì sự khôn ngoan đó có Thiên Chúa là mẫu mực, mô phạm và có Luật Chúa là cách phô diễn rõ ràng (Compremdre la Parole, anneé C3 p. 178. Xem thêm CGKPV “các sách Giáo Huấn” 1997 trang 609).

   Sách Huấn Ca là một sách chỉ nam thực hành cho người Do Thái trung tín. Sách chứa đựng đầy lời khuyên về cuộc sống hằng ngày, đề cập đến mọi chủ đề. Trích đoạn hôm nay đề cập đến SỰ KHIÊM NHƯỜNG, và ông bàn về chủ đề này từ chương 3: Khiêm nhường là một nhân đức tiêu biểu trong Kinh Thánh (vì thiếu khiêm nhường, kiêu ngạo không tuân lệnh Chúa mà con người gây ra bao đổ vỡ … St 3). Đừng để luân lý đạo đức ngoại giáo phủ lấp con tim của mình.

  1. Tán tụng đức khiêm nhường

* Hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm nhường (c. 17a). Lời giáo huấn không là một tư tưởng trừu tượng về đức khiêm nhường, nhưng là một khích lệ thực hành nhân đức này, thực hành ngay trong mọi hành vi của cuộc sống. Nói cách khác mọi cử chỉ, hành vi, lời nói của ta từ quét nhà, nấu ăn, kinh nguyện, việc bác ái, tông đồ … đều được làm một cách nhũn nhặn, khiêm tốn, tôn trọng kẻ khác, nhằm mang lại lợi ích thiêng liêng tốt nhất cho họ. Nghĩa là khiêm tốn trở thành động cơ, lực đẩy cho mọi phản ứng, hành vi của mình.

 * Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng (c. 17b)

Trong tiếng Hipri, “người hào phóng” là “người thường tặng quà” (Comprendre là Parole p. 179). Người thường tặng quà cho người khác thì sẽ được người thọ ơn yêu mến, thế nhưng người có cung cách ứng xử khiêm nhường sẽ được nhiều người yêu mến hơn, bởi lẽ khi tiếp xúc với người khiêm nhường, đối tượng cảm nhận ra mình được tôn trọng, được đề cao, ý kiến của họ được lắng nghe, không sợ bị trù dập, đố kỵ, chụp mũ; Họ cảm nhận được sự an toàn, bình an khi tiếp xúc với người khiêm nhường. Vì thế  họ mếm yêu người khiêm nhường.

  1. “Khiêm nhường” làm đẹp lòng Thiên Chúa (c. 18)

 “ Càng làm lớn càng phải tự hạ”: Khi con người đạt tới đỉnh cao quang vinh, con người dễ dàng quên, lìa xa Thiên Chúa. Kinh thánh cho chúng ta nhiều bài học đắt giá về thực tế này là con người sa ngã khi đang ở trong tình trạng an toàn, có đủ mọi sự, vinh quang ngút ngàn, không còn biết lắng nghe những lời can gián nữa: Adam – Đavít – Salomon … Lúc tự kiêu quá tin vào mình dường như họ đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình. Và chỉ khi tỉnh ngộ, nhận ra sai trái, mình là tội nhân trước nhan Chúa, khiêm nhường đón nhận sự sửa dạy, hồi phục của Chúa thì công việc tái thiết mới có thể bắt đầu. Ngay lúc khiêm nhường thống hối, mình còn vướng đầy tội nhơ thì ngay lúc đó đã “đẹp lòng Chúa” rồi: đứa con hoang đàng (Lc 15); người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền cầu nguyện (Lc 18, 13 – 14); tên trộm lành (Lc 23, 41 – 43).

   Càng làm lớn, con người càng dễ rơi vào cám dỗ làm theo ý của riêng mình tưởng mình có thể thay trời làm mưa. Đó chính là cội nguồn mọi tai họa cho tạo vật; Chỉ khi khiêm tốn nhận ra vị trí thụ tạo của mình thì lúc đó mối tương quan thuận thảo với Chúa mới nối kết lại.

   Khi đối nghịch lại với kiêu ngạo, khiêm nhường chính là thái độ của loài thọ tạo nhận ra tội lỗi của mình và các hậu quả trước Đấng Toàn Năng và chí thánh. Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều đã lãnh nhận với Chúa (1 Sm 2, 7; Cn 15, 33) (ĐNTHTK “Khiêm nhường” I).

  1. Số phận kẻ kiêu ngạo (c. 28)

   Kẻ kiêu ngạo là những kẻ có tâm tình, cách ứng xử ngược lại với người khiêm nhường: bọn kiêu ngạo không tin tưởng vào Chúa mà chỉ cậy dựa vào sự hiểu biết của bản thân (Cn 3, 5), tự cho mình là khôn ngoan không còn kính sợ Thiên Chúa (Cn 3, 7), tự cao tự đại (x. Rm 12, 16). Con người như thể, một khi rơi vào cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì những gì bọn họ cậy dựa đều như “xây nhà trên cát” ( Mt 7, 26 – 27); Bản thân, sự nghiệp của con người là vô thường: chỉ cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cùng không biết mình (Tv 103, 15 – 16; Lc 12, 20 – 21).

     Cái “cảnh cùng khốn” nói trong c. 28a, kèm thêm chi tiết “sự xấu đã ăn sâu mọc rễ trong nó “khiến ta phải nghĩ đến “cảnh cùng khốn” chung cuộc của kiếp người cá nhân hay toàn thể nhân loại. vì quả thật, đến lúc đó thì con người không còn gì để đối phó, xoay sở được nữa.

   Đó là lời cảnh báo cho  những ai đang còn trung tín phải biết giữ mình trong mọi tình huống khỏi tâm trạng kiêu ngạo, hãy sống khiêm nhường hầu quyền uy Thiên Chúa được tôn vinh (nghĩa là Ý Chúa được thể hiện nơi họ) ngay trong cuộc sống lữ hành này.

  1. Điều phải làm để được khiêm nhường (c. 29)

    Câu 29 khen người khiêm nhường là sáng trí, khôn ngoan, nghĩa là người biết cách ứng xử, biết phân định phải trái, quyết định hợp lý và hành động thích hợp trong mọi tình huống. Nhờ vậy người khiêm nhường được tha nhân mến yêu hơn là người hào phóng (c. 17b). Nhưng làm cách nào để đạt được sự khôn ngoan sáng suốt đó?

   * Học hỏi: “các ẩn dụ” là kho tàng khôn ngoan biết bao đời của các bậc tiền nhân lưu truyền lại. Do đó để nên khôn phải tận dụng kho tàng quá khứ đó bằng cách chiêm niệm, để tâm nghiên cứu biến các kiến thức nhân loại ấy nên kinh nghiệm của bản thân mình.

    * Lắng nghe: đây là việc người khôn ngoan phải làm trong hiện tại. Trong Kinh Thánh, phương tiện Thiên Chúa dùng để bày tỏ mình chính là Lời: “Thiên Chúa phán”; “Mười Lời”; “Đó là sấm ngôn của Yavê”…để đón nhận được Lời, hiểu, rồi đem ra thực hành thì điều tiên quyết là “lắng nghe”. Và điều tâm niệm lẫn tụng niêm trên môi mỗi ngày của Dân Chúa là “Hỡi Israel hãy lắng nghe” (Đnl 6,4; Mc 12, 29). Và Đức Giêsu cũng dạy như thế “các ngươi nghe đây”; “Ai có tai thì hãy nghe” (Mc 4, 3. 9).

     Đó là hai điều mà bài đọc I hôm nay gợi lên giúp ta có được sự khôn ngoan sáng suốt, từ đó biết sống khiêm nhường theo ý Chúa.

    Tóm lại: có thể nói “khiêm nhường” là nhân đức, là tác nhân hồi phục mọi tương quan tốt đẹp mà Chúa đã dựng nên trong công trình sáng tạo. Thật vậy, vì kiêu ngạo, con người đã cắt đứt tình thân với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ (St 3-9). Và Thiên Cháu vì yêu thương đã dần dần nối kết lại. Một trong những phương thức Chúa dùng để nối kết lại là KHIÊM NHƯỜNG.

     Bài đọc I hôm nay cho ta thấy những hoa trái nối kết cụ thể:

  • Người khiêm nhường được mọi người yêu quý

  • Người khiêm nhường được đẹp lòng Thiên chúa

  • Người khiêm nhường được Thiên Chúa hộ phù trong cơn nguy khốn

  • Người khiêm nhường là cầu nối, hiệp nhất khôn ngoan nhân loại quá khứ (để tâm nghiên cứu) cũng như hiện tại (lắng nghe)

  • Và chóp đỉnh là sự khiêm nhường của Đức Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ, hồi phục của Thiên Chúa. Vậy giữa anh em hãy có tâm tình khiêm nhường như Đức Giêsu (x. Hc 3, 17a; Pl 2, 6-11).

TIN MỪNG: Lc 4, 1. 7-14.

Đức Giêsu đang ở vào giai đoạn 2 của cuộc hành trình lên Giêrusalem (13, 22-17, 10). Chủ đề chính của phần này nằm ở câu hỏi mở đầu: “Thưa Ngài, những người được cứu thì ít có phải không?” Thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi đó, Đức Giêsu đưa ra những chuẩn mực, những đòi hỏi cho những ai có ý muốn vào Nước Trời tham khảo và chọn lựa. Vấn đề không phải là số lượng ít nhiều, nhưng là nằm ở bản chất của Nước Trời (Đức Giêsu sẽ dần dần mặc khải qua các dụ ngôn và giáo huấn) và quyết tâm chọn lựa của người nghe. Trong phần này, Đức Giêsu dùng nhiều dạng thức văn chương dụ ngôn để giảng dạy về mầu nhiệm Nước Trời. Thật vậy, phần này mở đầu (13, 22-30) và kết thúc (17,7-10) đều là dụ ngôn. Và phần lớn nội dung của phần này là dụ ngôn: 14, 15-20 / 14, 28-35 / cả chương 15 / 16, 1-8 / 16, 29-31. Còn về tư tưởng thần học là những chuẩn mực, đòi hỏi để được vào Nước Trời; Phần con người chọn lựa.

   Tuần trước Mùa Thường Niên XXI C, chủ đề là “Hãy chiến đấu mà vào cửa hẹp” và một đặc nét của Nước Trời là phổ quát.

    Tuần này Mùa Thường Niên XXII C, suy niệm về chủ đề KHÊM NHƯỜNG. Qua hai dụ ngôn “Hãy ngồi chỗ cuối” và “Mời ai khi đãi khách”, trích đoạn Tin Mừng hôm nay làm nổi bật nét khác biệt giữa “bàn tiệc Nước Thiên Chúa” với “bàn tiệc trần gian”, rồi qua đó, Đức Giêsu đề ra một lời mời hãy suy gẫm và chọn lựa cách ứng xử thế nào cho phù hợp với bàn tiệc Nước Thiên Chúa.

  1. Tính phổ quát của Nước Trời

  “Phổ quát” là chủ đề chính của Chúa Nhật tuần trước. Tuy nhiên nét “khiêm nhường” cũng lộ nét trong Tin Mừng XXI C: để vào Nước Trời phải chấp nhận “vào cửa hẹp”; để vào được cửa hẹp thì phải từ bỏ những gì là to lớn, kềnh càng, phô trương bên ngoài; chấp nhận tình trang đảo ngược vị trí trong Nước Trời: kẻ cuối sẽ được lên hàng đầu và ngược lại. Vậy khía cạnh “khiêm nhường” cũng đã được chuẩn bị trước.

   Tuần này, XXII C, chủ đề là “khiêm nhường”; Nhưng dung mạo “phổ quát” của Nước Trời cũng khá rõ nét trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay.

   Thật vậy, “bữa tiệc” là biểu tượng của niềm vui, hạnh phúc Nước Trời thời cánh chung và “Luật chọn chỗ ngồi trong bàn ăn dùng để nói lên một điều kiện gia nhập Nước thiên Chúa” (Chú giải P.A Chúa Nhật MTN C 294). Trong đoạn 1 (14, 7-11), đối tượng được mời là hạng người có thế giá nên mới nảy ra tham vọng muốn ngồi chỗ nhất; còn trong đoạn 2 (14, 12-14) thì đối tượng là hạng nghèo hèn bị xã hội phàm nhân khinh chê loại trừ; còn cầu nối giữa hai nhóm người là “môn đệ Đức Giêsu”. Thật vậy:

   Đó là môn đệ của Đức Giêsu thì đương nhiên là thuộc nhóm “có thế giá” trong đạo rồi; Vậy thái độ phải có là “khiêm tốn” khi được làm khách được mời dự tiệc. Còn khi mình là sứ giả của Đức Giêsu đi dọn tiệc mời thiên hạ thì phải mở rộng niềm vui cho mọi người, đặc biệt là cho những ai trước giờ bị xã hội lẫn tôn giáo loại trừ.

    Vậy bàn tiệc Nước Trời là phổ quát, không ai bị loại trừ. Người đóng vai trò nối kết, hiệp nhất là “môn đệ Đức Giêsu”, vừa là khách được mời vừa là chủ mời trong cả hai bàn tiệc.

    * Một chi tiết nữa cũng nói lên tính phổ quát của bữa tiệc: “Đức Giêsu đến nhà một ông THỦ LÃNH nhóm Pharisêu, vào ngày sa bát” (14,1). Trong trái tim của Đức Giêsu không ai bị loại trừ (xem thêm Lc 7, 36 nốt “X” CGKPV).

  1. Dụ ngôn “hãy ngồi chỗ cuối” (14, 7-11)

* Tiệc cưới (c8): bữa tiệc Đức Giêsu dùng trong dụ ngôn là “Tiệc Cưới”. “Đó là thuật ngữ chỉ mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc của các tín hữu với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Kitô” (x. GLHTCG 1027). Dụ ngôn này hướng về ngày cánh chung. Đức Giêsu báo trước tình trạng sẽ xảy ra trong Nước Trời vào ngày chung thẩm. Thực tại cánh chung đó phải là bài học cho chúng ta, các tín hữu trong hiện tại, phải sống như thế nào trong hiện tại (biết khiêm tốn chọn chỗ ngồi trong đời sống trước mắt ra sao cho phù hợp, đừng nâng mình lên, đừng phô trương) để khi giờ khai tiệc cánh chung mở ra thì đừng rơi vào tình trạng đáng buồn mà Đức Giêsu cảnh cáo trong dụ ngôn: người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Đức Giêsu chuẩn bị cho những người muốn theo Người cách thức để hưởng được trọn vẹn bền lâu hạnh phúc, niềm vui trong Nước Trời.

* Chọn chỗ trong bàn tiệc (c. 8)

   “Đừng ngồi vào cỗ nhất” dịch sát là “đừng nằm dài ra ở giường thứ nhất”. Tin Mừng Luca được viết cho dân hi lạp hoặc theo văn hóa hi lạp tri thức (Lc 1, 1: Théophilo đáng kính) nên mô tả tư thế dùng bữa trong các đại tiệc La Hi của các thực khách là “nằm trên giường”

   Động từ Kataklitheis ở dạng aorist, subjonctif, passif nói lên toan tính và qua đó diễn tả một ước muốn mãnh liệt và tham lam, tranh đoạt chỗ nhất.

   Vào thời Đức Giêsu thứ tự chỗ ngồi được xác định căn cứ vào thanh danh của thực khách; Mà thanh danh lại tùy thuộc vào chức phận và sự giàu có. Trong các sách Tin Mừng, người Biệt Phái được mô tả là người ưa tìm danh lợi: các chỗ nhất trong hội đường (Lc 11, 43; 20, 46; Mt 23, 6; Mc 12, 38) và trong các yến tiệc, thích được chào ở các quảng trường (Lc 12, 46 …). Họ xác tín rằng họ có quyền được danh dự: vì danh dự mà họ đòi hỏi phát xuất từ lề luật mà họ là những nhà đại biểu. (Sđđ 292)

   Ngỏ lời với các người được mời, Đức Giêsu nhắc lại một qui luật khôn ngoan. Đi dự tiệc mà chiếm chỗ nhất là không khôn ngoan chút nào, vì nhỡ có người đến sau có địa vị trọng vọng hơn thì sao! Các nhân vật quan trọng thường đến vào phút chót! Hậu quả là ban tổ chức phải mời tôi nhường chỗ nhất … Trong khi đó thì những chỗ danh giá khác cũng đã có đầy người “đại diện” lấp hết rồi, thế là đành ra chỗ chót. “Nhục”!

  Còn ngược lại chọn chỗ thấp để rồi được mời lên chỗ cao thì “Vinh”!

* Việc đang tranh dành cỗ nhất đang diễn ra nơi trần thế này, Tuy nhiên trong thực tế, một ai đó khi đã chiếm được chỗ nhất rồi thì ai, quyền lực nào có thể “bứng” họ ra khỏi “cái ghế” đó và đẩy họ xuống tận ghế chót. Trong thực tế họ chỉ được đổi chỗ thôi mà vẫn là chỗ vinh quang; Còn ghế chót là dành cho các “con dê tế thần”.

   Vậy việc đẩy những kẻ quyền thế, chiếm ghế nhất vào chỗ cuối hết, liệu có thể diễn ra trong thế giới này hay không? Lúc nào? Ở đâu? Và ai có quyền năng để làm được việc đổi chỗ đó?

* Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống … (c.11)

   Sự đảo lộn tận căn như thế chỉ diễn ra nhờ vào sự can thiệp quyền năng vượt trên tất cả thể lực trần gian, được thực hiện vào “Giờ” của Chúa.

  Thật vậy, động từ “hạ xuống”, “nâng lên” ở thế thụ động, ám chỉ hành động của Thiên Chúa. Động từ ở tương lai “SẼ” ám chỉ đến cuộc phán xét chung thẩm. Đến đây, Lời Chúa không còn nói đến bình diện liên hệ nhân bản nữa, mà nói đến can thiệp mạnh của Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ không tây vị ai … Các luật sĩ và biệt phái tự cho mình các đặc ân và đòi phải được ưu đãi: họ làm thế vì nghĩ rằng họ là người tôn giáo, đã tuân giữ Luật cách tỉ mỉ. Họ giả thiết rằng Thiên Chúa cũng có cái nhìn như họ, nên sẽ ưu đãi họ và ban cho họ các chỗ nhất trong Nước Trời. Ở đây Đức Giêsu kín đáo tiên báo cho họ biết họ có nguy cơ ngồi chỗ rốt hết (Sđđ 298).

   Theo Kinh Thánh, thời cánh chung bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Vậy ngay trong dòng lịch sử hiện tại, “nhân vật quan trọng hơn” đã đến rồi. Đó là Đức Giêsu. Lời dạy, uy tín, hành vi, nhân cách … của Người vượt xa các kinh sự biệt phái; Rồi với Thập Giá và Phục Sinh, mọi người bắt đầu tin vào Đức Giêsu (Pl 3, 8). Kinh sư, biệt phái, tư tế, thượng tế không còn là người ngồi ở vị trí nhất nữa.

   Rồi đến ngày cánh chung, quang lâm, Người sẽ thực hiện cuộc đảo lộn tận căn ấy.

   Vậy trong phần 1, sứ điệp hiện tại cho môn đệ là KHIÊM NHƯỜNG.

* Mẫu gương của việc tự khiêm chọn chỗ cuối hết để rồi được Thiên Chúa nâng lên chính là Đức Giêsu: vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng tự hạ … và Thiên Chúa tôn vinh ban tặng danh hiệu trổi vượt mọi danh hiệu … Giêsu Kitô là CHÚA (Pl 2, 6 – 11).

  1. Lời khuyên khi đãi khách (14, 12 – 14)

   Tiếp tục chủ đề về “bữa ăn”, nhưng lần này đối tượng Đức Giêsu nhắm tới không phải là khách mời mà là người chủ đãi khách (c. 12a).

   Theo lẽ thường, “bữa ăn” là dấu hiệu của tinh thân, tình gia đình, sụ hiệp thông sự sống, nói lên mối thân tình tương giao tốt đẹp, chặt chẽ, sự đồng thanh đồng khí, đồng hội đồng thuyền. Vì vậy trong bữa ăn, người ta thường mời bà con, bạn hữu, người thân quen. Ít ai đồng bàn với những người xa lạ, nhất là với những hạng người đáng khinh, bị loại trừ, …

   Thế nhưng ở đây trong tương quan với chủ đề “bữa ăn”, Đức Giêsu đã đưa ra hai lời khuyên có vẻ ngược đời theo cái nhìn phàm nhân:

 * Bữa ăn miễn phí, phổ quát (c. 12)

– “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay tối”: đây là bữa ăn bình thường hằng ngày. Lời khuyên ứng dụng vào sự sống thường nhật.

– “Thì đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con hoặc láng giềng giàu có”: Vậy khách mời toàn là những người xa lạ, không quen biết, là khách lữ hành lỡ đường, cơ nhỡ, …

– Lý do mời những hạng người trên là vì họ không có dịp đáp đền lại. Nghĩa là “thi ân bất cầu báo”. Bữa ăn này hoàn toàn là cho không, miễn phí, là biểu hiện của một tình yêu vô vụ lợi chứ không phải là một tình yêu đòi đáp trả

  Liệu trên trần gian này, có được một bữa ăn như thế?  Và nếu diễn ra thường xuyên, mỗi ngày?

   Có người đề nghị giải thích câu 12 này theo lối diễn tả của người Sêmit: có nghĩa là “đừng chỉ mời bạn bè … mà thôi” (Sđđ 299). Như vậy bữa ăn này miễn phí và phổ quát: Lối hiểu này gợi lên những bữa ăn phát chẩn, từ thiện, giúp kẻ cơ bần … Nhưng các bữa ăn như thế chỉ mang tính thời vụ.

   Có lẽ một cách kín đáo, Đức Giêsu muốn hé mở sớm ở đây, nhân dịp nói về bữa ăn, BỮA ĂN THÁNH THỂ. Đúng là bữa ăn miễn phí phổ quát tuyệt đối, hoàn hảo, diễn ra mọi nơi mọi thời thiết đãi toàn nhân loại.

* Bữa ăn đón nhận, hồi phục kẻ bị loại trừ (c. 13)

   Điều mà Đức Giêsu nói ở câu 13, không còn là bữa ăn trưa, tối thường nhật nữa mà là “bữa tiệc”. Hình ảnh này gợi lại Is 25, 6: bữa tiệc sum vầy, Thiên Chúa đãi mọi dân trên núi Chúa vào thời Mêsia.

   Rồi khách mời là những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù gợi nhớ Is 35, 5 – 6: dấu chỉ thời Mêsia đã tới là những người bất hạnh, bị loại trừ được hồi phục, hội nhập lại với cộng đoàn.

   Bữa tiệc này hoàn toàn vô vụ lợi, miễn phí. Không cần sự đáp trả ở trần gian này và phần thưởng đích thật sẽ được chính Thiên Chúa đáp lễ trong ngày cánh chung.

  Hình ảnh bữa tiệc tưởng chừng như không thể có được ở trần thế này thì Đức Giêsu đang hé mở vài nét ở đây và Người sẽ thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể. Theo văn mạch, đối tượng được Đức Giêsu nhắm tới là “ông thủ lãnh nhóm Pharisêu” nhưng thực ra, qua ông đó Đức Giêsu đang nói cho các môn đệ: điều mà thế gian không làm được và cho phi lý thì các môn đệ của Đức Giêsu phải thực hiện mỗi ngày để là dấu chứng cho thế giới này biết rằng Nước Trời đã đến ở trần gian rồi và Đấng Cứu Thế đang ở giữa chúng ta (Ga 1, 26).

  TÓM LẠI: trong tin mừng hôm nay, chủ đề “khiêm nhường” không được trình bày như là một nhân đức luân lý tự sức phàm nhân có thể thủ đắc được, hoặc như là một kỹ năng sống, một cách ứng xử khôn ngoan để được việc, để thành công trong cuộc sống; Nhưng được trình bày như là một mặc khải đến từ Đức Giêsu, một nhân đức Kinh Thánh, một con đường dẫn tới ơn cứu độ.

    Đức Giêsu là “vị khách mời thế giá nhất” đã đến rồi. Trong bữa tiệc cuộc đời của mỗi người, đừng tranh ngồi vào ghế nhất nữa mà hãy mau mắn sẵn sàng tự nguyện mời Đức Giêsu vào ghế nhất trong cuộc đời chúng ta. Và còn hơn thế nữa, Đức Khiêm Nhường Kinh Thánh mời chúng ta để Đức Giêsu vào vị trí chủ nhà trong bữa ăn cuộc đời chúng ta (x. Lc 24, 29b-30: Đức Giêsu là khách mà lại đóng vai trò chủ nhà: cầm bánh chúc tụng bẻ ra…); Để rồi từ đó nhờ tiếp tục khiêm nhường vâng nghe Đức Giêsu, người môn đệ nhờ Chúa Thánh Thần, biến bữa ăn nhân loại thành bữa tiệc cánh chung, từng bước một mời con người  nếm cảm trước ngay tại thế này hạnh phúc của bữa tiệc sum họp gia đình con cùng một Cha sẽ hoàn tất vào ngày Chúa định.

Frère Pierre Đình Long FSC