SUY NIỆM CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN – năm A

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,18-19).

Hôm nay, Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh, ngày thứ bốn mươi ba kể từ buổi sáng của ngày thứ nhất, Đấng Phục Sinh hiện ra cho các phụ nữ và các tuyển nhân. Như vậy, so với Cv 1,3b, Đức Giêsu đã lên trời được ba ngày rồi. Thật ra từ năm 370, Giáo Hội mới mừng kính riêng lễ Chúa lên trời vào ngày thứ bốn mươi sau lễ Phục Sinh. Trước đó. Giáo Hội vẫn mừng chung lễ Thăng Thiên và Hiện Xuống trong một ngày, ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau lễ Phục Sinh (xem J.Gélineau “Họp nhau cử hành phụng vụ” Tập I năm 1992 trang 252). Như vậy việc thay đổi ngày mừng một lễ nào đó là chuyện có thể nói là bình thường nếu nhu cầu mục vụ vì lợi ích thực tế của giáo dân đòi hỏi. Mặt khác con số bốn mươi cũng chỉ mang tính biểu tượng vì ngay chính thánh Luca cũng thuật lại hai lần Đấng Phục Sinh thăng thiên khác ngày nhau (x.Lc 24,1.13-33.50; Cv1,3.9). Do đó hiện nay, Giáo Hội cho phép các giáo phận tùy nghi có thể cử hành lễ Thăng Thiên vào Thứ Năm của tuần VI Mùa Phục Sinh hay vào Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh đều được.

Về các bài đọc: bài đọc một chung cho ba năm: Cv 1,1-11; bài đọc hai có thể không đổi, đọc Ep 1,17-23 hoặc tùy nghi thay đổi theo năm; Tin Mừng thay đổi theo năm. Năm A đọc Mt 28,16-20. Bài đọc này không nói gì đến biến cố Thăng Thiên. Bản văn chỉ cho thấy uy quyền tối thượng của Đấng Phục Sinh trên toàn thể vũ trụ (câu 18b) và trên nhân loại mọi thời (c.19) biểu lộ qua lời độc thoại của Đấng Phục Sinh trước đám môn đệ còn đang ngỡ ngàng, phân vân: vừa bái lạy lại vừa có một số hoài nghi (c.17). Chúng ta cùng suy niệm mầu nhiệm Thăng Thiên dưới ánh sáng của bài đọc của Matthêu: chiêm ngắm quyền Chúa của ĐấngPhục Sinh: 

  1. Trong bài đọc một, quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh được biêu lộ qua các chi tiết:

  • Người lên TRỜI”: “Trời” ở đây không ám chỉ một nơi chốn trong không gian trần thế. Theo quan niệm xưa, vũ trụ có ba tầng: “Đất” là nơi con người sinh sống; “Trời” là nơi ở của các thần linh; và “Âm Ty” là nơi của sự dữ, tối tăm thống trị. Vậy “lên trời” là đi vào cảnh vực thần linh. Từ với biến cố thăng thiên, một người phàm của nhân loại chúng ta, của trái đất này đã được hoàn toàn thông phần trọn vẹn vào vinh quang Thiên Chúa. Và còn hơn thế nữa, nhân tính thọ tạo của Đấng Phục Sinh được tôn vinh là CHÚA (x.Pl 2,10-11). Cửa Trời xưa bị đóng lại vì tội Ađam, nay mở ra cho toàn nhân loại nhờ Ađam mới. Biến cố phục sinh, thăng thiên không là sự việc RIÊNG của Đức Giêsu mà là công trình Thiên Chúa sẽ thực hiện cho toàn nhân loại với Đức Giêsu là hoa quả đầu mùa.

  • Hai yếu tố “ngay trước mắt các ông” và “đám mây”: đã trình bày trong bài chủ đề.

  • Quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh còn được biểu lộ qua việc trao ban Thánh Thần (x.Cv 1,5-8) và biến đổi các môn đệ còn rất là “lơ mơ” trong việc hiểu biết về ý định Thiên Chúa (x.Cv 1,6-7) trở thành những CHỨNG NHÂN của Đấng Phục Sinh và tầm cỡ của công việc của “đám lơ mơ” này là “cho đến tận cùng trái đất” (1,8b).

  1. Trong bài đọc Tin Mừng, chính miệng Đấng Phục Sinh công bố quyền CHÚA của Người cho dù niềm tin các môn đệ chưa trọn vẹn.

  • “Khi THẤY Người, các ông BÁI LẠY”: Matthêu không chú trọng đến các kinh nghiệm thể lý của các tông đồ về Đấng Phục Sinh; Điều ông quan tâm là thái độ nội tâm. Những kinh nghiệm thể lý gặp gỡ Đấng Phục Sinh mà các sách Tin Mừng khác mô tả dài dòng thì Matthêu chỉ tóm gọn trong động từ “THẤY”. Đối với Matthêu, việc Đấng Phục Sinh sống lại được coi như là hiển nhiên, đó là một mặc khải thần linh đã diễn ra ngay trước mắt nhiều người kể cả đám lính canh mộ: họ thấy thiên thần đến xô tảng đá lấp cửa mộ ra (x.Mt 28,2-4); Rồi các thượng tế, kỳ mục dường như cũng tin Chúa sống lại, nên mới họp bàn bày mưu nói dối (28,13-15); do đó không cần mô tả nữa. Vấn đề quan trọng hơn chính là phản ứng của con người trước sự kiện đó.

– “Họ BÁI LẠY”: động từ này chỉ được Matthêu sử dụng trong những trường hợp thần tính của Đức Giêsu được hé lộ: các nhà chiêm tinh bái lạy Hài Nhi (Mt 2,2-8.11); trong phép lạ sóng gió biển im lặng (14,33); xem thêm 8,2; 15,5; 28,9. Vậy qua “bái lạy”, Matthêu muốn nói lên thái độ tôn thờ của các tông đồ nhìn nhận địa vị và phẩm tính tối cao của Đức Giêsu. Lần gặp gỡ hôm nay được trình bày theo một cuộc triều yết để nghe Đấng Phục Sinh công bố vương quyền tối cao của Người trên vũ hoàn, nhân loại lẫn thế giới thần thiên. Thật vậy cách nói các ông “đến ngọn NÚI mà Đức Giêsu đã truyền…”(28,16) gợi lại điềm tích Kinh Thánh:

NÚI là nơi Thiên Chúa hẹn dân đến để mặc khải ý định của Chúa đối với dân và tỏ mình ra cho dân (x.Xh 3,12b; 19,3-8). Với lần hẹn này, Đấng Phục Sinh tỏ uy quyền thần linh của mình cho đám dân mới, và ban cho họ lệnh truyền đi thâu nạp thần dân mở mang vương quốc của Đấng Phục Sinh cho khắp muôn dân. Lần tỏ mình này không chỉ riêng cho Israel mà cho cả “MUÔN DÂN”.

  • “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất”: Lời mặc khải này gợi lại hình ảnh “Con Người” trong Đn 7,14 được Đấng Lão Thành (là Thiên Chúa) trao vương quyền thống trị, vinh quang và vương vị: muôn người thuộc mọi dân mọi nước, mọi ngôn ngữ phải phụng sự người. Với biến cố phục sinh, một con người đã thực sự được tôn vinh là CHÚA của cả trời, đất lẫn âm ty (x.Pl 2,10-11).

  •  “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ…”: quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh được tỏ lộ qua lệnh truyền biến đổi tuyệt vời này. Đám môn đệ còn lơ mơ “hoài nghi” giờ trở thành TÁC NHÂN, THỪA TÁC VIÊN thực thụ có đủ quyền năng, phương tiện “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Mối dây liên kết Đấng Phục Sinh với thần dân không là liên hệ pháp lý mà là mối tương giao “THẦY – TRÒ”. Vương quốc này chỉ có một luật “YÊU” (x.Ga 14,15; 13,34).

Quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh đã nối kết muôn dân vào tương giao thành môn đệ Người qua lòng tin và phép rửa. Rồi một khi đã trở nên môn đệ, thì đến phiên mình, người môn đệ phải tiếp nối sứ mạng “làm muôn dân nên môn đệ” đưa mọi người, từng người vào tương quan Thầy – Trò biệt vị với Đấng Phục Sinh.

  • “Và Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”: từ nay không còn cản trở nào ngăn cách Đấng Phục Sinh với môn đệ. Hồng ân “Emmanuel” được Thiên Chúa trao ban trong một Hài Nhi nay đã là một thực tại hoàn chỉnh nơi Đấng Phục Sinh.

Quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh được biểu lộ qua một đặc nét của Thiên Chúa: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi mọi lúc.

  • Quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh được biểu lộ cách lạ lùng qua sự yếu đuối và bất toàn của đoàn môn đệ. Một chi tiết khá lạ trong trình thuật của Tin Mừng hôm nay: đó là “nhưng có mấy ông lại hoài nghi”. Đã còn hoài nghi tại sao còn “bái lạy” tôn phục?

Chi tiết này chắc là vọng lại một thực tại nơi các môn đệ trong tương quan với tình trạng sống lại của Đấng Phục Sinh. Được Đấng Phục Sinh hiện ra cho thấy nhiều lần, các môn đệ đã tôn nhận Đấng Phục Sinh là CHÚA; Tuy nhiên những yếu đuối của phận phàm nhân vẫn còn mạnh thế nơi bản thân họ. Qua các phản ứng của họ, ta có thể nhận thấy rằng quyền CHÚA của Đấng Phục Sinh nơi họ còn bị mắt phàm của họ che khuất: họ còn tưởng Người là ma; họ vẫn còn đóng cửa kín mít vì sợ người Do Thái; dù chưa đến nỗi rã đám đường ai nấy đi nhưng phản ứng các ông rất tiêu cực khi gặp Người: “hoảng hốt, ngờ vực” (x.Lc 24,38), không dám tỏ lộ tâm tình với Người, không dám hỏi Người là ai (x.Ga 21,12b so với Mc 9,32).

Và vào thời điểm mà các sách Tin Mừng được soạn thảo thì ở giữa cộng đoàn của Matthêu đã có những “con chiên lạc” (x.Mt 18,12-14), những kẻ ở lì trong các sai trái của mình cách nặng nề, không chịu đi theo đường đức tin như anh em, không nghe khuyên bảo (18, 15-17), không sống đức ái với nhau, không tha thứ (18,30).

Như vậy thái độ “lại hoài nghi” ấy là một thực trạng luôn có trong Giáo Hội mọi thời. Mặc dù vậy Đấng Phục Sinh vẫn tin tưởng trao sứ mạng cho Giáo Hội và chắc chắn chung cuộc, Giáo Hội sẽ thành công. Vì trong suốt dòng lịch sử cứu độ, hồng ân “có Chúa ở cùng” luôn là bảo chứng của thành công trong sứ vụ. Sự thành công trong yếu đuối là một dấu biểu lộ quyền CHÚA của Đức Kitô (x.2Cr 12,9).

Vậy sứ điệp chính của biến cố Thăng Thiên không phải là sự kiện lên trời mà là sự khai mở quyền CHÚA của Đức Giêsu trên toàn vũ trụ. Người đang “đi trước để dọn chỗ cho đoàn môn đệ trong nhà Cha” (x.Ga 14,2-3).

Frère Pierre Đình Long FSC