SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – năm A

       Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay 40 đêm ngày… Người nói “Xatan kia, xéo đi…” Quỷ bỏ Người mà đi và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người”
(Mt 4,1.2.10.12).

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay. Chủ đề Lời Chúa cho cả chu kỳ ba năm ABC đều là CÁM DỖ – CHIẾN ĐẤU. Trong năm A, Tên Cám Dỗ là Rắn, là ma quỷ và đối tượng Quỷ nhắm tới là nhân loại, là con người. Trong bài đọc một, nhân loại đã bại trân ; Còn trong Tin Mừng, nhân loại, trong Đức Giêsu, đã chiến thắng. Tại sao bại? Tại sao thắng? Nguyên nhân chính là ở chỗ con người có đón nhận đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, có sống cho trọn ơn gọi làm người mà Chúa đã thương ban khi tạo nên con người hay không.

          Thật vậy, trong bài đọc một, con người là một tạo vật độc đáo của Thiên Chúa được tạo nên bởi xác là bụi đất và được hồn là “hơi thở” của Thiên Chúa linh hoạt để trở thành một sinh vật (x.St 2,7). Vậy để được hạnh phúc, con người phải sống cho trọn thân phận làm người của mình, vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa (x.St 2,9.16 – 17) ; và thêm nữa, trong dự tính của Thiên Chúa, con người phải liên đới với nhau thành cộng đoàn (x.St 2,18.22-24).

          Thế nhưng, khi chiến đấu với Rắn, Người Nữ đã chỉ có một mình đối địch : Ađam có bên cạnh đó đã không trợ giúp gì mà lại còn đồng lõa với lỗi phạm của vợ. Mặt khác, trong khi chiến đấu, Người Nữ chỉ vận dụng các năng lực phàm nhân của phận người (x.St 3,6) mà không để cho “Hơi Thở” của Thiên Chúa là Thần Khí đã làm cho “con người” (Ađam) trở thành sinh vật nhân linh độc đáo (so St 2,7 và St 3,6) hướng dẫn.

          Còn trong cuộc chiến đấu thứ hai, được Tin Mừng thuật lại, Đức Giêsu đã liên đới với phận người tội lỗi, với đám tội nhân đang sám hối ngang qua cử chỉ Người đã THÚC ĐẨY Gioan làm phép rửa cho Người (x.Mt 3,15). Chính trong tình trạng liên đới mật thiết như thế với nhân loại, Đức Giêsu đã được THẦN KHÍ dẫn vào hoang địa để chiến đấu (x.Mt 4,1 : cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhấn mạnh đến chi tiết này : x.Mc 1,12 ; Lc 4,1 – 2). Đây là cuộc chiến đấu hồi phục nhân tính: trong liên đới với nhân loại khi chịu phép rửa và khi chịu cám dỗ, Đức Giêsu là ADAM MỚI đến khắc phục những hậu quả xấu và tu chỉnh lại những đổ vỡ mà Ađam cũ đã gây ra khi đã để cho Rắn và Người Nữ thao túng, biến mình thành kẻ đồng lõa. Trong hai trình thuật “chịu phép rửa” và “chiến đấu trong hoang địa”, Đức Giêsu hoàn toàn đóng vai chủ động và khiến Quỷ phải bỏ chạy (x.Mt 3,15 ; 4,10). Qủy đã hoàn toàn thảm bại và hạnh phúc Địa Đàng được khôi phục : “Quỷ bỏ Người mà đi và các thiên sứ tiến đến hầu hạ Người” (x.Mt 4,11 so với St 3,24). Đức Giêsu đã đập tan gông cùm bao đời đè nặng trên nhân loại. Chiến thắng của Đức Giêsu mở ra con đường mới, đồng thời ban cho nhân loại phương tiện hữu hiệu để chiến thắng Satan.

          Sau cuộc chiến thắng này, Đức Giêsu bắt đầu công khai thực thi sứ vụ Mêsia của Người. Người đào luyện dân, đặc biệt là các môn đệ biết chiến đấu như Người qua giáo lý, lời dạy, phép lạ, cách sống, nhất là tương quan “con – cha” với Thiên Chúa. Người chia sẻ, thông ban tất cả cho kẻ tin. Vấn đề còn lại về phía nhân loại là phải lắng nghe Lời Chúa, hành động theo hướng dẫn của Thần khí để cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trở thành chiến thắng của kẻ tin. Trong tinh thần đó, Mùa Chay là mùa hoán cải, sám hối, chiến đấu đổi mới các mối tương giao, dưới sự dẫn dắt của Thần Khí để được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong Thập Giá và Phục Sinh. Cụ thể điều mà tín hữu phải chiến đấu để đổi mới là gì ?
– Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro đã cho chúng ta vài gợi ý :

  1. Bố thí : Đổi mới tương quan với tha nhân. Sau sa ngã của hai nguyên tổ trong Vườn Địa Đàng, mối tương quan thân tình hỗ trợ nhau của cộng đoàn nhân loại bị đổ vỡ. Trước lời hỏi tội của Thiên Chúa, Ađam và Người Nữ đổ lỗi cho nhau, cho kẻ khác (x.St 3,12-13). Bố thí là hành vi trợ giúp tha nhân trong cơn họ bị túng ngặt : nhận lấy cái thiếu thốn của họ làm của mình và sẵn sàng chia sẻ, đảm nhận trách nhiệm tương trợ nhau. Qua đó, con người trở thành “người trợ tá tương xứng của nhau” theo đúng ý Chúa trong công trình sáng tạo (x.St 2,18). Như vậy tương quan cộng đồng nhân loại hỗ trợ nhau được hồi phục.

  2. Cầu nguyện là tìm đến với Chúa, tỏ lộ tất cả con người, nhu cầu của mình cho Chúa. Như vậy con người không trốn chạy Thiên Chúa nữa, không nói dối với Thiên Chúa nữa như lúc còn trong Địa Đàng (x.St 2,8 – 10). Chẳng những hồi phục tương quan với Thiên Chúa mà nhờ Đức Giêsu, ta còn dám gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha” nữa.

  3. Ăn chay : Làm chủ con người mình không để “cái ăn” điều khiển, bóp méo nhân cách của mình, đến độ khép kín lòng trước nhu cầu của tha nhân, bỏ ngoài tai lời Chúa nghe theo lời Rắn.

          Và đích đến của các việc trên là “nên hoàn thiện như Cha” (x.Mt 5,48), và trong Đức Giêsu được gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 6,9).
–  Và Tin Mừng Chúa Nhật I A Mùa Chay :

  1. Sống Muà Chay, làm việc đạo đức dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

  2. Khi chiến đấu với các cám dỗ, không lý luận tranh biện nhưng bám chắc vào Lời Chúa với lòng tín thác không lay chuyển. Trong Địa Đàng, người nữ đã bị Rắn dụ rơi vào tranh luận với Nó, rồi quên Lời Chúa nên đã sa ngã.

  3. Điểm mặt Tên Cám Dỗ và xua đuổi Hắn đi khi thấy Hắn dối trá đòi tiếm quyền Thiên Chúa. Ba cơn cám dỗ Đức Giêsu (cũng như cơn cám dỗ trong Địa Đàng) có cùng một mưu chước: xuyên tạc Lời Chúa, kèm theo những lời dụ dỗ được hưởng phúc lộc chóng qua ngay trước mắt đánh lừa con người lãng quên lời Chúa.

          * Cám dỗ một : Cơn đói của Đức Giêsu chỉ là nhất thời, Đức Giêsu tự nguyện ăn chay, Người dễ dàng giải quyết cơn đói đó bằng một ổ bánh với vài con cá. Vậy mà Quỷ đã dụ Đức Giêsu quyền năng thần linh của Người Con Thiên Chúa để giải quyết một vấn đề chỉ lớn bằng “một ổ bánh mì”. Quyền năng Thiên Chúa trao ban để phục vụ chứ không để lạm dụng làm xáo trộn trật tự của công trình sáng tạo: một tích tắc biến đá thành MỘT ổ bánh để giải quyết một cơn đói nhất thời, không có gì cấp bách, nguy cơ. Đó là cơn cám dỗ lạm dụng ơn Chúa ban để làm xáo trộn định luật sáng tạo.

          * Cám dỗ hai : Cơn cám dỗ nghi ngờ tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biến hồng ân được Chúa phù hộ chở che để giúp kẻ tin trung tín với Chúa, trở thành một cuộc thử thách ngu xuẩn, để xem Thiên Chúa có can thiệp làm một “phép lạ” ngược với quy luật tự nhiên: đang khỏe mạnh, đột nhiên leo lên nóc Đền Thờ rồi nhảy xuống để xem Chúa có “tay đỡ tay nâng hay không”. Tv 91,11 – 12 là lời cầu nguyện phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đã bị Quỷ xuyên tạc. Đó là cơn cám dỗ nhạo báng tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đòi Thiên Chúa phải bảo vệ mình khỏi những hành vi ngu xuẩn, ngược lẽ tự nhiên.

          * Cám dỗ ba : Cuối cùng Satan lòi mặt thật : kẻ dối trá, kẻ muốn tiếm quyền của Thiên Chúa. Tự bản thân, Satan hoàn toàn tay trắng, chẳng có một thứ gì vậy mà dám dối trá trắng trợn rằng “sẽ cho Đức Giêsu tất cả những thứ đó”, những thứ thật ra là của Chúa. Và mục đích của cơn cám dỗ này là Hắn muốn tiếm quyền của Thiên Chúa : “sấp mình bái lạy tôi”. Đây là cơn cám dỗ tự phong mình làm thần linh mà nếu ai vướng vào thì ngay tức khắc thấy mình trắng tay, trần truồng.

          Đức Giêsu đã chiến thắng chỉ với một vũ khí duy nhất : LỜI CHÚA. Được Thần Khí hướng dẫn và được trang bị Lời Chúa, trong tâm tình hiếu kính của người Con đối với Cha, Đức Giêsu đã chiến thắng ! Nhân loại được hồi phục ! Khung cảnh Vườn Địa Đàng, được tái hiện ngay giữa lòng trần thế còn đầy tội lỗi này : “các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (4,11b).

          Chiến đấu, chay tịnh, bố thí,cầu nguyện để vượt qua những ảo tưởng của kiếp phàm nhân tội lỗi ; Chiến đấu để sống theo đường lối của Chúa, để ý Chúa thể hiện nơi mình ; Chiến đấu để sống như là CON THIÊN CHÚA.

          Và trong tổng thể Tin Mừng Matthêu, có thể xem trình thuật thắng cơn cám dỗ là phương án hành động mà Đức Giêsu chọn lựa và quyết theo để hoàn tất sứ mạng Cha trao phó và để biểu lộ Người đích thực là Đấng Mêsia – Con Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC