SỐNG MÙA VỌNG là Sống Niềm Hy Vọng và Cậy Trông

Năm tháng dần trôi, thời tiết đổi thay luân chuyển, và giờ đây, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội bắt đầu bước vào Mùa Vọng của năm Phụng Vụ mới 2019. Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta đã từng sống qua nhiều Mùa Vọng; và ai ai chúng ta cũng đều hiểu rằng Mùa Vọng là thời gian giúp các tín hữu chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Thiên Chúa làm người. Điều này chỉ đúng một phần; và tinh thần Mùa vọng không chỉ dừng lại ở đây, mà còn mang nhiều ‎ nghĩa khác nữa…
Thiết nghĩ, đây cũng là một dịp tốt để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và sống cho đúng tinh thần Mùa Vọng mà Giáo hội mời gọi chúng ta sống trong thời gian này.

1.Ý nghĩa của Mùa Vọng
Giáo Hội đặt ra thời gian Mùa Vọng không chỉ với ‎ ý nghĩa là chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh như nhìn về quá khứ để mừng một kỷ niệm, nhớ một biến cố đã qua như xã hội loài người chúng ta vẫn thường làm. 
Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu không biết đến lễ Giáng Sinh, nhưng chỉ biết có lễ Vượt Qua (Lễ Phục sinh của Đức Kitô); và trong niềm vui Vượt Qua, họ nóng lòng đợi chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang để ban cho mọi người được tham dự vào sự Phục sinh của Người. Cả đến khi phong tục mừng Lễ Giáng Sinh bắt đầu lan rộng và trở thành một trong những đại lễ của Giáo Hội, người ta vẫn không bỏ qua niềm chờ đợi ngày Chúa quang lâm. Và Giáo Hội từ xưa tới nay vẫn luôn đặt lễ Giáng Sinh vào trong tương quan với niềm chờ đợi đó. Chúa đến cứu độ chúng ta, và Người hứa sẽ trở lại đón chúng ta vào vương quốc của Người. Niềm vui quá khứ của đêm Giáng Sinh chính là khởi điểm làm hy vọng lên một niềm vui khác sẽ tới. 

Nếu tách biệt niềm hy vọng vào ngày Chúa quang lâm ra khỏi niềm vui Giáng Sinh, là làm mất đi một phần lớn ‎y nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Bởi lẽ nếu lễ Giáng Sinh chỉ đơn thuần là gợi lại một quá khứ thì thật không hơn gì một lễ kỷ niệm mà chúng ta vẫn mừng; và nếu một tôn giáo chỉ hướng tầm nhìn người tín hữu đến quá khứ thì tôn giáo ấy đã tự chôn mình trong viện bảo tàng, một tôn giáo không biết đến hy vọng, đó là một tôn giáo đã bắt đầu “chết”.

Mong chờ ngày Chúa lại đến đó là niềm hy vọng mang lại sức mạnh để mọi người vui sống trong hy vọng. Và đây là điều mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta mỗi khi Mùa Vọng đến và trong mỗi dịp lễ Giáng Sinh.

2. Niềm hy vọng của người Kitô hữu:

Một vấn đề khác gây khó khăn không ít cho người Kitô hữu : việc mong chờ Chúa đến có làm giảm đi nỗ lực xây dựng cuộc sống hiện tại không? Phải chăng vì mong mõi chờ Chúa đến trong tương lai, mà người Kitô hữu không cần phải quá bận tâm để xây dựng cho thế giới này được tân tiến và thịnh vượng, cho cuộc sống hôm nay ngày càng được an vui hạnh phúc? Phải chăng ngày Chúa đến cũng là ngày chấm dứt cuộc sống – ngày chết của mỗi các nhân và ngày tận thế của cả vũ trụ này – chấm dứt mọi công trình, mọi nỗ lực của nhân loại? Phải chăng niềm hy vọng vào ngày Chúa đến loại bỏ niềm hy vọng đời thường của con người?

Có lẽ chính vì một quan niệm tiêu cực như thế mà nhiều Kitô hữu không còn tha thiết mong chờ Chúa lại đến; và điều này – hình như – cũng gây nên điều lấn cấn khi chúng ta cất lời hát trong lễ viếng đám tang của người Kitô hữu : khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ … 

L‎ý do là vì quan niệm tiêu cực về ngày tận thế, coi đó như là một sự phá hũy, một tai họa. Ngày tận thế – ngày chết của mỗi người – được hiểu như là một cái gì chống lại mọi nỗ lực xây dựng cuộc sống của con người như lời than thở của ngôn sứ Isaia “Lạy Chúa con như người thợ dệt, đang mãi dệt đời mình, bổng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ… “ (Is 38,21b). Quan niệm như thế tức là chúng ta đang tạo ra sự đối lập giữa trần gian và Nước Trời; và như thế, vô tình chúng ta đã biến Chúa thành một đấng phá hoại, là kẻ hủy diệt. Chúa không còn là Đấng trao ban sự sống mà là đấng gây ra chết chóc, đau thương… và nếu một “ông Chúa” như thế thì có ai chờ đợi làm chi và mọi sự đâu có gì để mà hy vọng…

Nhưng giáo lý‎ Kitô giáo cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa hoàn tất cuộc sống con người và làm cho cuộc sống ấy được sung mãn, trọn vẹn. Cái chết chỉ là một sự biến đổi cần thiết và thiên đàng không phải là một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với cuộc sống mỗi người trên trần gian. Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa làm cho tình nghĩa chúng ta xây dựng trên trần gian này được trọn vẹn và sung mãn hơn trong Nước Chúa. Quan niệm này không quá để ‎y đến cách diễn tả rùng rợn của lối văn khải huyền khi diễn tả về ngày chung cuộc của đất trời, nhưng tin vào (sự kiện) cánh chung đã bắt đầu ở trần gian này. Thật vậy, thực tại cánh chung đã bắt đầu tại đây do bởi Đức Kitô đã đến, đã gieo mầm và hạt giống đó sẽ nảy mầm, lớn lên và sẽ được gặt hái, được viên mãn vào ngày cánh chung. Như vậy, ngày Chúa đến là ngày hoàn thành, ngày gặt hái, ngày hân hoan của mỗi chúng ta sau cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực…Chúa đến không phải để làm huỷ diệt tiêu tan, nhưng là “để cho người ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Như thế, người tín hữu hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa để sống trọn vẹn nỗ lực xây dựng cuộc sống chứ không phải để chê ghét và chối bỏ trách nhiệm với trần gian. Chính trong trách nhiệm của con người với gia đình, với xã hội và với chính bản thân mà người Kitô hữu càng thêm tin tưởng, cậy trông vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Và cụ thể là khi sống trong niềm hy vọng, chúng ta tránh được hai thái cực này:

– Một là chúng ta không đòi hỏi tuyệt đối: Thái độ đòi hỏi nơi mình và nơi tha nhân một sự tuyệt đối xem ra thật viễn vông và có lẽ khó lòng được toại nguyện, bởi lẽ cuộc sống của mỗi người chúng ta là một tiến trình đi tới, đang đi, chưa hoàn thành, chưa trọn vẹn… và chúng ta chỉ hoàn thành, trọn vẹn vào ngày cánh chung trong Đức Kitô mà thôi.

– Điều cần tránh thứ hai là chúng ta không được phép tương đối hóa mọi sự, cứ tà tà được chăng hay chớ (theo kiểu là sao cũng được, gì gì rồi cũng xong…). Thật vậy, niềm hy vọng không cho phép chúng ta sống cuộc sống hôm nay với một thái độ như vậy, mà ngược lại luôn đòi buộc chúng ta phải cố gắng, phải nổ lực với tất cả khả năng và thiện chí của mình để mong cho ngày mai được tươi sáng, được hoàn thiện hơn.

Có được thái độ sống như vậy, chúng ta sẽ không thất vọng về người khác và cũng không chán nãn trước những thất bại, yếu đuối trong chính bản thân mình. Thiên Chúa đến trần gian để gieo vãi, để trao tặng, nhưng Ngài chỉ gieo hạt, Ngài chỉ tặng một nhúm men… và với thời gian cùng với việc cộng tác với ơn Chúa, chính chúng ta làm cho hạt giống được nảy mẩm, làm cho nhúm men được lan tỏa (trong khối bột) để rồi tất cả được hoàn tất trọn vẹn trong ngày sau hết.

3. Sống niềm hy vọng bằng thái độ tỉnh thức: 

Có một điều không thể không nhắc đến ở đây là thái độ tỉnh thức của người đợi mong. Kinh nghiệm đời thường cho thấy là khi đợi mong ai, hay khi đợi mong một điều gì đó thì đương sự luôn ở trong tình trạng tỉnh thức để mong ngóng, đợi chờ. Việc đợi chờ Chúa đến như chờ đợi ông chủ đi ăn cưới trở về, hay phải cảnh giác đề phòng kẻ trộm (xc Mt 24,45-50). Nhưng sự chờ đợi ở đây không có nghĩa là buông xuôi hết tất cả trong tình trạng “mòn mõi đợi trông” như những tín hữu Thesalonica ngày xưa vẫn tưởng (xc 2Tx 3,7-12); mà là phải sống hết mình, trọn vẹn trong mọi công việc và bổn phận hàng ngày hầu làm triển nở và sinh lợi những nén bạc Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta khi sinh ra ở cuộc đời này (xc Lc 19,12tt).

Hơn nữa, việc tỉnh thức của chúng ta ngày hôm nay là gì nếu không phảo là sống trong tình trạng gắn bó, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa của chúng ta qua đời sống cầu nguyện liên lĩ hàng ngày. Thiết nghĩ, đây chính là thái độ căn bản của một người biết tỉnh thức, bởi lẽ khi họ luôn sống trong tình trạng “có Chúa” như vậy, thì bất cứ khi nào Chúa đến, họ cũng luôn có mặt để sẵn sàng ra nghênh đón Người.

Hiểu được như vậy, chúng ta có thể an vui với cuộc sống của mình, với tất cả những gì là của bản thân mình, và những điều mà tha nhân đang có, đang được như là của chính họ; đồng thời chúng ta cũng vẫn nỗ lực, vẫn cố gắng sống và sống tha thiết hơn để ngày một trở nên giống đức Kitô hơn vì tin chắc rằng, mọi sự sẽ được hoàn trọn trong ngày sau hết. Đây chính là việc sống trong đức Cậy của người Kitô hữu chúng ta.

4. Đức Maria – Mẫu gương sống đời hy vọng:

Chúa đã đến trần gian và đã đi vào cuộc đời mỗi người chúng ta, và có lẽ Đức Trinh nữ Maria là người đã hưởng nếm và cảm nghiệm trọn vẹn nhất ‎y nghĩa của “sự kiện” Nhập thể này

Qua trình thuật Tin Mừng mà chúng ta vẫn thường được nghe về biến cố Truyền Tin cho Đức Mẹ: Thiên sứ Gabriel đã trao đổi với Đức Mẹ và để lại nhiều lời “hứa hẹn” : nào là “Đức Chúa ở cùng bà” con của bà sẽ “được gọi là Con Đấng Tối Cao”, rồi là “triều đại của Người sẽ vô tận” rồi “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”… vv…vv… (xc Lc 1,28-35)

Thế nhưng trình Thuật Tin Mừng kể lại cho chúng ta thấy là cuộc đời của Đức Mẹ đâu có huy hoàng, trôi chảy như “hợp đồng” ban đầu : Ngay từ những ngày đầu chung sống thì giữa Đức Mẹ và thánh Giuse đã có sự trục trặc do hiều lầm, rồi con Mẹ chào đời trong hoàn cảnh trớ trêu, khắc nghiệt; rồi sau đó cả gia đình phải đi ty nạn sang đất khách quê người… rồi lớn lên, Con Mẹ đã làm nhiều điều “trái khoáy”, nói những điều chói tai… và kết cục là Con của Mẹ bị thiên hạ đem ra tử hình như một tên tội phạm. Ngay từ đầu, Thánh Luca đã nói Đức Mẹ luôn luôn ghi nhớ các sự kiện ấy và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Thế nhưng, trước những biến cố liên quan đến cuộc đời của hai mẹ con của Mẹ, hình như Đức Mẹ cũng không hiểu hết và Mẹ không biết phải trả lời làm sao cho phải với những câu hỏi “tại sao ?”. Trong cơn khủng hoảng buồn đau trước những thử thách đó, và nhất là khi đứng dưới chân thập tự nhìn con hấp hối tưởng chừng làm Mẹ sẽ ngã quỵ, tháo lui. Nhưng Mẹ vẫn một niềm tin tưởng, cậy trông; và Mẹ luôn đứng vững vì Mẹ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện (xc Lc 1,45)

Thiên Chúa cũng đã bước vào cuộc đời mỗi người chúng ta, và Ngài cũng đã dẫn chúng ta đi trên những nẻo đường chúng ta không bao giờ nghĩ tới, không thể hiểu được và cũng không biết l‎y giải làm sao; và nhiều khi những sự việc đó lại gây xáo trộn, làm đảo lộn những dự tính bình thường của chúng ta nữa chứ!! Thiết nghĩ, lời cầu xin duy nhất trong những tình huống này chính là xin cho chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, đừng ngã lòng cậy trông. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy là trong cuộc đời này, mọi chuyện, mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, sẽ mai một… và điều còn lại duy nhất mà chúng ta cần phải có đó là niềm hy vọng. Chính niềm hy vọng này là động lực để giúp người ta sống, để người ta phấn đấu vươn lên để luôn biết hướng về một ngày mai tươi sáng với một niềm tín thác vào Đấng vẫn hằng chờ đợi chúng ta. Từ lẽ đó, nói như các nghị phụ của Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể hiểu được rằng số phận nhân loại chúng ta nằm trong tay những người có khả năng trao cho người khác những l‎y do để sống và để hy vọng (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 31).

Mùa Vọng lại đến và biến cố Giáng Sinh lại một lần nữa lại trở về trong đời sống đạo của người tín hữu chúng ta. Mùa Vọng cũng mời gọi chúng ta tỉnh thức và vững lòng đợi trông ngày Chúa đến hoàn tất mọi sự, dẫn đưa chúng ta vào hưởng cuộc sống hạnh phúc với Ngài, mặc dầu hiện tại chúng ta vẫn phải phấn đấu để trở nên hoàn thiện hơn. Trong thời đại văn minh tân tiến hôm nay, người ta đã bóp méo đi ‎ nghĩa thánh thiêng của ngày đại lễ và mặc cho nó một tấm áo của chủ nghĩa thực dụng, của hưởng thụ, của kinh tê cạnh tranh thị trường: Mùa Vọng – Giáng Sinh thay vì là mùa chuẩn bị đón Chúa đến, lại là mùa của mua sắm, ăn chơi, hưởng thụ, khoa trương đẳng cấp … để làm mất đi ‎ nghĩa sâu xa của niềm hy vọng. Đứng trước thực trạng đó, người tín hữu chúng ta đã làm gì để “chỉnh trang” lại quan niệm và lối sống đó? Chúng ta sống, ứng xử, giải quyêt những tình huống đời thường như thế nào? Liệu những cung cách chúng ta sống và diễn tả niềm tin như thế, có đủ để “trả lời cho những người chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3,15) hay không?


Lm. Lê Văn La Vinh, OP.