MÙA CHAY

Chúng ta bước vào Mùa chay, Giáo Hội thiết lập Mùa Phụng Vụ nhằm mời gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn lẫn thể xác, cá nhân lẫn cộng đoàn, tưởng niệm và hiệp thông một cách mật thiết hơn với mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Sống Mùa Chay không chỉ là một viêc đạo đức cá nhân, nhưng trước tiên và quan trọng hơn đó là công việc đổi mới, thanh luyện của toàn Nhiệm Thể. Trong giai đoạn này toàn thể Giáo Hội nỗ lực biểu lộ rõ, công khai tính cách duy nhất của Nhiệm Thể qua các nghi thức phụng vụ và đạo đức : cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau sám hối  nhận mình là tội nhân trước Thiên Chúa, cùng nhau tập luyện, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau phá vỡ các “bức tường ngăn cách” chia rẽ, xây dựng các “nhịp cầu hiệp thông” để từng bước hủy diệt dần mầm tội, sự dữ trong chúng ta, biến Giáo Hội và từng cá nhân nên mảnh đất tốt đón nhận và làm lớn lên “gène phục sinh, thần linh” mà Thiên Chúa gieo vào nhân tính của chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó khi thân xác này phải mục nát vì tội, trở về các bụi rồi vĩnh viễn bị hủy diệt đi, thì trái lại, sẽ trở thành “phân bón” góp phần làm cho “mầm sống”, “yếu tố di truyền” ( gène) thần linh sẽ nảy mầm đưa nhân loại đến Phục Sinh như Đức Giêsu.

Như vậy các nghi thức phụng vụ được Giáo Hội thiết lập, kèm theo các lời khuyên đạo đức: hãm mình, bố thí, ăn chay, cầu nguyện, xưng tội, rước lễ…. không phải là những trói buộc pháp lý, cản trở tự do của con người mà là những biểu lộ thực tế, cụ thể khía cạnh cộng đoàn một cách công khai : toàn nhiệm thể cùng nhau, giúp nhau làm, cách sống thiết thực với tinh thần mùa phụng vụ.

1/ Cấu trúc Mùa Chay:

Hiện nay, Mùa chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, kéo dài tới trước lễ Rửa Chân, lễ Tiệc Ly của Thứ Năm tuần thánh, gồm 6 Chúa Nhật  I, II, III, IV, V, VI .Chúa Nhật VI là Lễ Lá bắt đầu Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, ba ngày cuối được gọi là TAM NHẬT VƯỢT QUA : Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Thánh.

“Nhật”  là “ngày”, ở đây không tính theo thời lượng một ngày phải đủ 24 tiếng. Mà tính theo thời điểm cử hành nghi thức phụng vụ tiêu biểu của ngày ấy :

  • Điểm trọng yếu đánh dấu Thứ Năm Thánh là Lễ Tiệc Ly, “Thánh Lễ Tiệc Ly cử hành ban chiều lúc thuận lợi có toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ….” . Với Thánh Lễ này, Hội Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua ( Lịch Công Giáo 2021 – 2022 Tổng Giáo Phận TP.HCM trang 63 )

  • Yếu tố đánh dấu Thứ Sáu Thánh là “nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa”, được cử hành “khoảng 3 giờ chiều … nếu lý do mục vụ đòi hỏi, có thể cử hành giờ thuận tiện hơn từ sau 12 giờ trưa, song đừng muộn quá 9 giờ tối” ( Sđd trang 66 ).

  • Đặc biệt Thứ Bảy Thánh; không có nghi thức phụng vụ nào. Và lịch Công Giáo lưu ý : “Canh thức Vượt Qua thuộc CHÚA NHẬT PHỤC SINH nên phải TRÁNH trình bày nghi thức đó như là những giờ phút cuối cùng của Thứ Bảy Tuần Thánh” ( Thông tư Bộ Phụng Tự ngày 16-01-1988. Số 95 ).

Như vậy Thứ Bảy Thánh chấm dứt trước nghi thức Canh Thức Vượt Qua. Tinh thần phụng vụ chủ yếu của Thứ Bảy Thánh là “Hội Thánh bên cạnh mồ Chúa, để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông, đồng thời ăn chay cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh ( Sđd 67-68 ).

2/  Ý Nghĩa của Mùa Chay:

  • Thời lượng : “Mùa Chay” trong tiếng La Tinh là “QUADRAGESIMA” = “Mùa 40” . Vậy Mùa Chay có 40 ngày, Đó là 40 ngày chuẩn bị cử hành Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh tức Tam Nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh. Thuở ban đầu, khoảng thế kỉ IV, tính ngược từ Thứ Năm trước Lễ Tiệc Ly trở về trước thì ngày thứ 40 rơi vào Chúa Nhật I Mùa Chay.

Một việc làm chính của Mùa Chay là ĂN CHAY . Lúc mới thiết lập Mùa Chay, chưa có luật phải  ăn chay 40 ngày, số lượng ngày ăn chay thay đổi tùy Giáo Hội địa phương. Đến thế kỉ thứ VII, người ta thấy cần phải ăn chay 40 ngày theo gương Đức Giêsu. Như vậy là ăn suốt cả Mùa Chay. Nhưng trong truyền thống của toàn Giáo Hội, Chúa Nhật là ngày Đấng Phục Sinh hiện ra, đến ở giữa các môn đệ, trước niềm vui lớn lao ấy, người ta không thể ăn chay ( x. Mc 2,29; Lc 5,34 ); vì vậy số ngày ăn chay chỉ còn 34 ngày. Cộng thêm 2 ngày chay tịnh Thứ Sáu và Thứ Bảy của Tam Nhật Vượt Qua là 36. Còn thiếu 4 ngày : Người ta đôn ngược lên trước tới thứ tư là đủ tới số 40. Từ thế kỷ VII, Mùa Chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và 40 ngày là 40 ngày ăn chay. Ngày nay, Giáo Hội không buộc ăn chay 40 ngày nữa, chỉ còn buộc Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu trong Tam Nhật Vượt Qua.

  • Ý nghĩa của Mùa Chay : Trong Kinh Thánh con số 40 là số linh thánh gợi lên nhiều biến cố ý nghĩa của lịch sử cứu độ :

  • 40 năm dân Chúa vượt sa mạc, được tôi luyện chuẩn bị vào Đất Hứa.

  • 40 Môsê ở trên núi chuẩn bị đón Bia Giao Ước.

  • 40 ngày Êlia vượt sa mạc về lại núi Khoreb để được củng cố đức tin và tiếp tục làm sứ mạng cho Chúa.

  • Và còn nhiều biến cố khác . Nhưng chóp đỉnh là 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu, đạp dập đầu Rắn, chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Người.

Ở đây chúng ta chỉ suy niệm hai biến cố : một mang tính cộng đoàn : là biến cố      40 năm sa mạc của dân Do Thái; và một mang nét cá nhân tức 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu.

3/ Bốn mươi năm sa mạc của dân Do Thái

  • Đây là thời gian Chúa dùng để tôi luyện dân Chúa : biến họ từ một đám nô lệ, không luật lệ đang ở trong tình trạng nguy cơ diệt chủng ( Pharaô ra lệnh giết mọi trẻ nam sơ sinh Do Thái ), trở thành một dân tự do, có quyền chọn lựa quyết định vận mạng của mình : được Chúa ban Lề Luật và tự do ký kết Giao Ước với Chúa.

  • Đây là giai đoạn Chúa nói lại tương quan thân tình với dân, gặp gỡ dân; Tập luyện dân sống theo Luật Chúa vừa trao ban; Đồng hành với dân, từng bước giáo dục, tôi luyện dân.

  • Đây là giai đoạn, thời gian cần thiết để từng bước một gột rửa, xóa đi những vết tích nô lệ nhiễm sâu vào trong con người của đám dân nô lệ 400 năm từ sau khi Giuse qua đời; Giúp họ biện phân và tách họ ra khỏi cái “nồi thịt”, “củ hành củ tỏi” diệt chủng của Ai Cập.

  • Đây là thời gian “thay da đổi thịt”: Tất cả những gì nô lệ phải xóa đi, thay vào những gì tự do, sống theo Luật Chúa. Thật vậy, sau 38 năm ở Quadesh, tất cả những ai sinh ra ở Đất nô lệ Ai Cập đều chết hết, kể cả Môsê, chỉ có Giôsuê và Caleb vì tin tuyệt đối vào Chúa nên mới được vào Đất Hứa.

  • Đây là thời gian tập dân sống tín thác vào Chúa, không tích lũy, chỉ lượm Manna đủ ăn trong ngày, không lo cho ngày mai, nhờ đó xác tín rằng con người sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Yavê phán ra.

Rồi việc ăn cùng một thứ bánh, cùng sống dưới một mái lều đã tập cho dân sống bình đẳng, chia sẻ với nhau một điều kiện sống, cùng một lộ trình, cùng một đích đến …

Cùng nhau chiến đấu với kẻ thù, phối hợp mỗi người giữ đúng vai trò, vị trí của mình ( x.Xh 17,8-16 ).

Nói tóm lại, sau 40 năm được Chúa tôi luyện, Israel được hoàn toàn đổi mới và ở trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Đất Hứa Chúa trao tặng. Lộ trình vượt sa mạc để tới Đất Hứa của Israel cũng là điều mà Giáo Hội mong muốn con cái mình ( cá nhân cũng như toàn Nhiệm Thể ) phải cảm nghiệm để được đổi mới hầu xứng đáng được hiệp thông với Mầu Nhiệm Vượt Qua và Phục Sinh của Đức Giêsu.

  • Phần mang nét cá nhân: 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu chúng ta sẽ suy niệm trong Chúa Nhật I Mùa Chay ABC.

Còn ở đây để kết thúc phần suy niệm tổng quát về “Mùa Chay”, chúng ta hãy sẽ coi xem, Giáo Hội muốn chúng ta làm gì qua một chút suy niệm các bài đọc của Thứ Tư Lễ Tro.

LỄ TRO

Điều thực hành hiển lộ rõ nhất trong Mùa Chay là “CHAY TỊNH”

Chay tịnh là hình thức sám hối thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ và hiệp thông với cuộc Thương Khó của Đức Giêsu bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc hưởng thụ các nhu cầu khác. Và một khi đã hạn chế những nhu cầu đó thì chúng ta có nhiều thời giờ hơn, phương tiện hơn … để cầu nguyện, để nghĩ đến tha nhân, để chia sẻ …

Vậy chay tịnh là những cách thức thể hiện ra bên ngoài, những hình thức cụ thể để diễn tả một thái độ, một chọn lựa nội tâm: tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và nhất là muốn trở nên giống Người trên lộ trình Thập Giá trong xác tín là sẽ được cùng Phục Sinh với Người. Và cần lưu ý:

Cuộc chay tịnh Mùa Chay không là cuộc chay tịnh mang tính cá nhân chủ nghĩa, mà là cuộc CHAY TỊNH CỘNG ĐOÀN : Toàn thể Giáo Hội, mọi thành phần, cá nhân đều được mời sống chay tịnh Mùa Chay theo những quy chế đã được Giáo Hội ấn định và cùng nhắm tới một mục đích chung cho toàn thế giới đó là đạt tới vinh quang Phục Sinh ngang qua Thập Giá.

Theo truyền thống Kinh Thánh, những lần dân Chúa được mời gọi chay tịnh tập thể toàn dân là nhằm mục đích:

  • Chuẩn bị gặp Chúa, đón nhận Thánh Ý Người (x.Xh 19,10.15 )

  • Tìm kiếm ý Chúa, lấy những quyết định trọng đại (x.Et 4,16 )

  • Cầu xin Chúa thứ tha can thiệp giải cứu dân (x. Gđt 4,9-15 )

Trong tinh thần đó, Mùa Chay là một cơ chế do Giáo Hội lập ra mời gọi toàn dân Chúa trên khắp địa cầu ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ cùng nhau chay tịnh trong một thời gian quy định để chuẩn bị CÙNG NHAU gặp Chúa, đón nhận Thánh Ý và ơn thứ tha hồi phục Chúa sẽ trao ban qua Thập Giá và Phục Sinh.

Lời Chúa của Thứ Tư Lễ Tro diễn đạt các ý trên của Mùa Chay:

Bài đọc 1 nhấn mạnh tới TÍNH CỘNG ĐOÀN của việc chay tịnh: ĐỨC CHÚA ra lệnh cho TOÀN DÂN đồng loạt giữ chay, cùng nhau biểu lộ ra bên ngoài bằng ăn chay, khóc lóc, thống thiết nài van; Tiết chế các niềm vui “Tân lang hãy rời khỏi loan phòng, Tân Nương hãy rời khỏi phòng khuê”. Những biểu lộ bên ngoài ấy phải là hoa trái của lòng sám hối chân thật: “HÃY XÉ LÒNG”; “Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA …”.

Tính cộng đoàn được diễn tả qua các lệnh: “Hãy rúc tù và tại Xion … Hãy công bố mở cuộc họp … hãy tụ tập dân chúng … triệu tập, tụ họp mọi thành phần dân Chúa”. Tất cả là nhằm để được Chúa xót thương, giải cứu. Chìa khóa của mọi hồi phục đạo đức là “TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA, CHÚA CHÚNG TA” (Ge  2,12-19 ).

Và để định hướng cho các việc làm cụ thể trong Mùa Chay, Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro sử dụng một trích đoạn trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI nói về cách thực hành 3 việc đạo đức truyền thống Do Thái giáo:

  • Bố thí nhằm thiết lập lại tương quan trợ lực hòa hợp giúp nhau trong công trình sáng tạo.

  • Cầu nguyện nối kết tương quan thân tình với Thiên Chúa.

  • Ăn chay nhằm làm chủ bản thân.

Điểm nhấn mạnh của Tin Mừng là mọi việc làm trên đều quy về CHA là cùng đích tối hậu. Làm mọi việc chỉ cần CHA biết rồi sau đó là phó thác tất cả cho lòng nhân ái của CHA.

Tóm lại, tất cả mọi hành động chay tịnh bên ngoài phải xuất phát từ động lực tái lập lại mối tương giao với tha nhân, với Chúa và với bản thân. Mùa chay sẽ là khúc dạo đầu để đưa tới khúc hòa tấu hồi phục hạnh phúc Địa Đàng và còn hơn nữa, những nỗ lực, cố gắng trong Mùa Chay còn là những bậc thang, từng bước một đưa ta vào vinh quang Phục Sinh của Đức Giêsu, được Người thông phần thiên tính trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Thiên Chúa sẽ thực hiện cuộc biến đổi thăng hoa kỳ diệu này.

Frère Pierre Đình Long FSC