LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ – năm B

Bài 1
Xh 24,3-8; Mc 14,12-16.22-26
Chủ đề: Máu Giao Ước
* Xh 24,8: đây là máu giao ước, ĐỨC CHÚA đã lập với anh em.
* Mc 14,24: đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước đổ ra vì muôn người.
Hôm nay Chúa Nhật X B Mùa Thường Niên. Phụng vụ long trọng mừng kính lễ MÌNH MÁU THÁNH ĐỨC GIÊSU. Về mặt lịch sử, việc mừng kính lễ này được khởi sự vào năm 1246 tại giáo phận Liège, nước Bỉ. Đến 11-08-1264, tức 18 năm sau, Đức Giáo hoàng Urbanô V đã mở rộng lễ này ra cho toàn thế giới qua sắc chỉ TRANSITURUS. Lễ này nhằm tôn vinh rước kiệu Thánh Thể long trọng kể cả trên đường phố, được đề cao. Sau Vatican II, phụng vụ để ý hơn đến ý nghĩa của ngày lễ được tỏ lộ qua phụng vụ Lời Chúa.
Có thể nói Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh của tình yêu thần linh tự hiến được Thiên Chúa thể hiện ngay trong dòng lịch sử: toàn thể VŨ TRŨ – CON NGƯỜI –  và THIÊN CHÚA hiệp nhất nên MỘT trong Thánh Thể. Thật vậy, trong TẤM BÁNH, LY RƯỢU bao gồm toàn thể vũ trụ – đó là HOA MÀU RUỘNG ĐẤT – ; bao gồm phần của nhân loại – là LAO CÔNG CỦA CON NGƯỜI – ; và Thần tính của Đức Giêsu cũng ngự trọn vẹn trong tấm bánh đó, khi Chúa Cha nhận tấm bánh nhân loại do thừa tác viên linh mục dâng lên, thì Thánh Thần biến tấm bánh phàm nhân ấy thành lương thực thần linh nuôi sống vũ hoàn. Và Đức tin công giáo khẳng đinh: “trong bí tích cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và THẦN TÍNH của Chúa chúng ta LÀ Đức Giêsu Kitô – và như vậy là Đức Kitô toàn thể – hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể” (GLHTCG 1374). Bí tích Tình Yêu ấy, được Thiên Chúa từng bước một chuẩn bị và thể hiện trong dòng lịch sử ngang qua một yếu tố nhân loại là GIAO ƯỚC: Một giao ước ký kết bằng MÁU. Các bài đọc trong phụng vụ năm B nhấn mạnh đến khía cạnh GIAO ƯỚC ký bằng Máu này của bí tích.
Bài đọc một trích từ Xh 24 trình bày nghi thức ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái qua trung gian của ông Môsê. Tại núi Sinai, Thiên Chúa đã ban Luật Chúa cho Dân Do Thái – Đó là MƯỜI LỜI mà ta quen gọi là 10 điều răn. Qua đó Chúa sẽ nhận người Do Thái làm dân riêng Chúa, còn họ sẽ tôn thờ Thiên Chúa là CHÚA của họ. Dân Do Thái đã đón nghe 10 Lời mà Môsê đã nhận lãnh từ Thiên Chúa và đọc lại cho họ. Họ đồng thanh hứa “Mọi lời Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành”. Sáng hôm sau nghi thức ký kết Giao Ước được cử hành: 
  • Môsê lập bàn thờ, dựng 12 trụ đá biểu tượng cho 12 chi tộc Israel.
  • Rồi dâng lễ toàn thiêu, giết bò làm lễ kỳ an dâng cho Thiên Chúa. Môsê chia MÁU của vật hiến tế làm 2 phần: một phần đổ trên bàn thờ (là biểu tượng cho Thiên Chúa).
  • Tiếp đó ông lấy cuốn sách đã chép 10 lời mà dân đã đồng ý trước đó, ĐỌC LẠI cho dân; Và một lần nữa dân long trọng tuyên thệ “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”.
  • Bấy giờ, Môsê lấy phân nửa số máu còn lại RẢY TRÊN DÂN VÀ NÓI “đây là Máu Giao Ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em…”
Với Giao Ước này, từ nay Thiên Chúa và dân Do Thái coi như có cùng chung một sự sống, một vận mạng. Tuy nhiên cũng vì Máu là biểu tượng của sự sống, cho nên ký kết bằng máu nghĩa là ký kết bằng chính mạng sống của mình; Do đó ai vi phạm Giao Ước thì máu người ấy phải đổ ra.
Với Giao Ước bằng Máu này, đám nô lệ, ô hợp trở thành một dân: dân tư tế, dân thánh dân riêng của Thiên Chúa và Chúa là Thiên Chúa của dân (Xh 19,5-6).
Còn trong Tin Mừng, Giao Ước là một hành vi tự nguyện, đơn phương phát xuất từ tình yêu thần linh của Đức Giêsu. Trong bữa Tiệc Ly, kỷ niệm ngày Chiên Vượt Qua chịu sát tế, Đức Giêsu trước khi tự hiến tế mình trên Thập Giá vào thứ sáu hôm sau, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Bánh và Rượu trong nghi lễ Vượt Qua Do Thái đã được Đức Giêsu sử dụng và biến chúng thành ra THỊT và MÁU NGƯỜI: Đức Giêsu cầm lấy bánh… và nói “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”; Và Người cầm chén Rượu… bảo các ông “Đây là Máu Thầy, MÁU GIAO ƯỚC, đổ ra vì muôn người”.
Vậy với Giao Ước mới này, ký kết trong Máu Đức Giêsu, từ nay qua bí tích và các thừa tác viên của Chúa và Giáo Hội, hy tế thập giá được tái hiện mỗi ngày trên bàn thờ; Và mỗi tín hữu chúng ta đều có dịp đích thân cam kết với Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ và Lời Chúa. Mình và Máu Đức Giêsu là dấu chứng tuyệt vời của Tình Yêu vô địch của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Bài 2
 Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh… và nói “anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu… bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).
Theo lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, Chúa Nhật ngay sau lễ Chúa Ba Ngôi được chọn làm ngày mừng trọng thể Mầu Nhiệm Mình và Máu Chúa Giêsu – Kitô. Trong đức tin, tất các tín hữu Công Giáo đồng tâm nhất trí tuyên xưng rằng: tấm bánh và ly rượu đang hiện diện trước cặp mắt phàm trần của chúng ta, trên bàn thờ, thì sau khi được linh mục truyền phép trong Thánh Lễ đã trở thành lương thực thần linh, trở nên THÁNH THỂ, nghĩa là trong tấm bánh, ly rượu đó giờ đây là “Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Đức Giêsu đang hiện diện cách đích thật, thật sự và theo bản thể (x.GLHTCG số 1374). Xét theo nhãn giới khoa học thì “tấm bánh” và “ly rượu” trước hay sau truyền phép thì chất thể vẫn chỉ là một, không biến đổi chút nào: bánh rượu vẫn là sản phẩm của lúa mì và cây nho nhờ lao công con người tạo nên. Do đó trong trường hợp bánh bị ẩm mốc, rượu bị hư chua nghĩa là bị biến đổi chất thể thì không thể dùng để cử hành bí tích.
Còn đối với những ai đã tin vào một Thiên Chúa tình yêu đã tạo dựng nên muôn loài và muốn muôn loài cuối cùng hiệp nhất trong Người (x.1Cr 15,28) thì cái chất thể “bánh rượu” ấy giờ đây trở nên lương thần nuôi dưỡng nhân loại và kết hợp nên một những ai tin nhận và ăn lương thần ấy với Thiên Chúa.
Tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã dùng một phương thức rất bình thường nhưng rất hữu hiệu trong công trình sáng tạo để kết hợp nên một kẻ tin với Đức Giêsu: Đó là ĂN. Thật vậy, chỉ có “ăn” mới làm cho lương thực và người ăn nên một. Khi ăn một lương thực vào con người mình, thì lương thực ấy sẽ được tiêu hóa và trở thành máu thịt của người ăn. Bù lại, dưỡng chất, sức sống của lương thực sẽ thấm vào xương thịt của người ăn, biến đổi người ấy, làm lớn lên, thay da đổi thịt nên như một người mới. Và khi sự sống của lương thực và của người ăn đan quyện vào nhau cách mật thiết bất khả phân ly thì lúc đó cả hai nên một, “ở trong nhau” (Ga 15) đến độ có thể nói được như Phaolô: “tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Để có được sự biến đổi bản thể nhiệm mầu (sđd 1376) tạo nên lương thực thần linh đó, Đức Giêsu (trong tư cách là người con sắp về lại nhà Cha dọn chỗ cho anh em mình: Ga 14,2-3) đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Đó là thời điểm Đức Giêsu biểu lộ ở mức độ cao nhất tình yêu của Người đối với đoàn môn đệ và trao quyền thừa kế cho họ tiếp tục công cuộc của Người: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.1Cr 11,24b.25b).
Như vậy, sau lời truyền phép của linh mục, trước mắt phàm nhân cũng chỉ là bánh và rượu; Nhưng đó không còn là một sự hiện diện theo chất thể nữa mà đã là một sự hiện diện biến đổi: tấm bánh, ly rượu đó giờ đây là Mình Máu Thánh Chúa là lương thần nuôi sống trần gian.
Có thể xem sự biến đổi này như là một công trình “sáng tạo mới”: giống như Thiên Chúa, từ cục đất đã nắn lên hình tượng Adam; lúc đó Adam chỉ mới là một bức tượng vô tri, nhưng khi Thiên Chúa “thổi hơi thở” vào thì tượng đất ấy được biến đổi thành một con người sống, đầy sinh lực, có khả năng làm chủ vũ trụ và hơn nữa còn có năng lực truyền sinh tạo nên những con người mới giống như mình, tràn đầy mặt đất.
Có thể nói công trình “sáng tạo mới” này kỳ diệu hơn công trình sáng tạo tiên khởi vì Thiên Chúa đã nâng cao vai trò của con người lên, thực sự mời con người cộng tác tích cực vào công trình biến đổi bản thể này. Thật vậy, trong tấm bánh một khi đã biến đổi thành Mình Máu Thánh, Thiên Chúa đã hiệp nhất toàn thể vũ hoàn: Trời – Đất – Người nên một trong Tấm Bánh. Thật vậy, để trở thành Mình Máu Thánh, “tấm bánh” đó là:
*“Hoa màu ruộng đất”: biểu tượng cho sinh lực, tinh túy của toàn thể vũ trụ.
*“Và lao công con người”: nhờ sức con người cày cấy, gặt hái, làm nên tấm bánh, ly rượu để tiến dâng lên Chúa.
*“Chúng con dâng lên Chúa”: trong tấm bánh cũng chan chứa lòng vâng phục, thảo hiếu của con người dâng lên Chúa, biểu lộ lòng tôn thờ theo đúng cách thức mà Đức Giêsu dạy bảo.
*“Để trở thành Thịt và Máu…”: tin rằng Thiên Chúa đón nhận và sẽ làm biến đổi thành Mình Máu Chúa.
*Và tác nhân thực hiện cuộc biển đổi ấy là Chúa Thánh Thần và thừa tác viên linh mục…Nhờ đó công cuộc thần linh kéo dài đến tận thế.
Phần phụng vụ Lời Chúa, Tin Mừng năm B sử dụng bản văn của Mc 14,12-16.22-26 thuật lại Bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu, trong đó Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể; còn bài đọc 1 trích Xh 24,3-8, thuật lại nghi thức Thiên Chúa kết giao ước với dân Do Thái tại núi Sinai: Thiên Chúa ban Lề Luật, Dân hứa quyết tâm tuân giữ và hai bên kết ước bằng một nghi thức, “rảy máu lên dân”. Như vậy Lời Chúa của năm B nhấn mạnh đến khía cạnh GIAO ƯỚC của Bí Tích Thánh Thể. Giao Ước được ký kết bằng MÁU. “Máu” nói kên tầm mức quan trọng của Giao Ước, đồng thời cho thấy mối hiệp thông gắn kết thâm sâu, bền vững vì “máu” là biểu tượng của sự sống:
  • “Môsê rảy máu trên dân và nói: đây là máu giao ước Yavê đã lập với anh em dựa trên những lời này” (Xh 24,8) và ông cũng rảy máu trên bàn thờ (24,6b. “Bàn thờ” tượng trưng cho Thiên Chúa).
  • Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).
“Máu Giao Ước” trong bài đọc 1 là một kết ước song phương: một nửa máu rảy trên dân và một nửa máu rảy trên bàn thờ. Chúa đòi hỏi dân phải tuân giữ lề luật như là điều kiện để được hưởng quyền làm Dân riêng Chúa (x.Xh 24,3.7; 19,4-6). Vào thời điểm nhóm nô lệ Do Thái vừa ra khỏi Ai Cập, chưa có kỷ luật chỉ là một nhóm ô hợp, chưa phải là một dân, thì Thiên Chúa cần phải có kỷ cương, đòi hỏi họ những điều tối thiểu để đào luyện tinh thần tự do, tạo nên một dân thống nhất để dần dần từng bước trao cho họ Đất Hứa, vương quyền thật sự là một dân, dọn đường đón Đấng Mêsia.
Còn trong bài đọc Tin Mừng, Giao 
Ước mới được Đức Giêsu thiết lập với đoàn môn đệ đã được Người chọn và đào tạo có mục đích rõ ràng, họ được Người coi như bạn hữu (x.Ga 15,15), như anh em (x.Ga 20,17; Mt 28,10). Do đó Chúa đơn phương kết ước, tự hiến tặng thân mình làm lương thực cho mọi người, chỉ cần họ chân tâm đón nhận.
*Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua: Mc 14,13-16, cấu trúc đoạn văn:
Lệnh truyền của Đức Giêsu
Sự việc xảy ra đúng như vậy
c.13: Đức Giêsu sai hai môn đệ đi
c.16a: hai môn đệ ra đi
Các anh đi vào thành 
Vào đến thành
cc.13b-15a: mô tả chi tiết các diễn tiến sẽ diễn ra
c.16b các ông thấy mọi sự y như Người đã nói
c.15b: ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta
c.16c: và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Marcô cố ý trình bày những gì Đức Giêsu ra lệnh thì mọi sự diễn ra răm rắp đúng như ý Người. So với Sách Sáng Thế chương 1: Chúa phán gì, mọi sự đều diễn tiến ra y như vậy. Đọc thêm Xh 12,21-27: ngay trong đất Ai Cập lúc còn là nô lệ, dân Do Thái đã nhận được chỉ thị cụ thể của Chúa phải mừng lễ Vượt Qua; Và họ đã tuân hành răm rắp (Xh 12,28). Ngay sau đó, dân Chúa lên đường rời đất nô lệ, tiến về vùng đất tự do. Và tại núi Sinai họ đã kết Giao Ước bằng máu với Thiên Chúa (bài đọc 1). Như vậy, qua cấu trúc văn chương như thế, Marcô kín đáo mặc khải Đức Giêsu như là một Vị Thiên Chúa (phán gì có đó) thiết lập Giao Ước mới, bí tích Thánh Thể. Người hoàn toàn làm chủ mọi tình huống và tất cả diễn ra đúng theo Ý Người. Người đang ĐIỀU KHIỂN mọi biến cố để thực thi Ý Cha.
*Lập bí tích Thánh Thể Mc 14,22-25
Bí tích Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập trong một bữa ăn. Đó là bữa ăn lễ Vượt Qua của người Do Thái. Lễ này tưởng niệm lại biến cố cứu độ làm xoay chuyển vận mạng của họ: từ một nhóm người bị nô lệ, bị bóc lột, có nguy cơ diệt chủng, họ trở thành những người tự do có thể chọn lựa quyết định vận mạng của mình: yếu tố chính tronh cử hành Vượt Qua đưa họ đến giải cứu là MÁU. Máu Con Chiên chịu sát tế được bôi lên ngưỡng cửa nhà của những ai ăn thịt Chiên. Máu đó trở thành dấu hiệu nhận diện dân Chúa để được cứu.
Khi thời buổi đến, đây là lúc Đức Giêsu biết Cha trao cho Người mọi quyền năng và cũng là lúc Người tỏ tình yêu đến tột cùng (x.Ga 13,1b.3), Đức Giêsu trong cương vị là Con sắp về lại Nhà Cha đã đảm nhận toàn bộ Giao Ước cũ làm của Người và BIẾN ĐỔI chúng (bánh không men và ly rượu trong nghi thức ăn lễ Vượt Qua Cựu Ước) thành MÌNH và MÁU Người, trở thành Giao Ước Mới, Lương Thần mới đưa dân mới vượt qua thân phận giới hạn của con người (thời Xuất Hành chỉ là vượt qua sa mạc) để hiệp thông với sự sống thần linh của Thiên Chúa.
*Việc Rước Lễ  còn gọi là hiệp lễ. Chúa lập Giao Ước Mới ban Mình Máu là để nên một với chúng ta, để chúng ta ĂN NGƯỜI.
Trong tiếng Việt chữ “Rước lễ” nhấn mạnh đến việc đón nhận long trọng, nhấn tới nghi thức – Chữ “Hiệp lễ” nhấn tới khía cạnh kết hợp diễn tả tốt hơn từ COMMUNIO của tiếng La Tinh. Chiết tự từ la tinh: “communio” gồm: “CUM” = “cùng với, với”; “UN” = “một”; “UNIT” = “hợp nhất”. Vậy ý nghĩa của “rước lễ” là chúng ta được nên một với “ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH”. Chúng ta không “rước” “thịt của một xác chết” mà là kết hiệp nên một VỚI Đấng Phục Sinh: “Cha – Con – Môn đệ” Ở TRONG NHAU (Ga 15).
Trong thân phận làm người, cách thức tuyệt vời nhất để nên một hai vật thể khác nhau đó là ĂN. Như vậy tất cả những “Hiện diện chất thể” trong công trình sáng tạo: Bánh – Rượu – Nho – hoa màu ruộng đất – lao công con người – ĂN… được Đức Giêsu tái đảm nhận và BIẾN ĐỔI bản thể chúng thành MÌNH MÁU NGƯỜI.
Với Mình Máu Chúa toàn thể vũ trụ, công trình sáng tạo nên một. Phần tín hữu, Chúa chỉ đòi một việc: thông hiệp vào quyền năng, tình yêu thần linh đó bằng cách “ĂN”. Vậy hãy “ĂN” cho xứng đáng. “HỌC”, “HIỂU”, “năng RƯỚC LỄ XỨNG ĐÁNG” là cách thức tuyệt vời để THỜ PHƯỢNG CHÚA và TRUYỀN GIÁO hữu hiệu.
Frère Pierre Đình Long FSC