YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU.

+ Chúa Nhật Tuần VII Mùa Thường Niên 

1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23; 1 Cr 15, 45-49; Lc 6, 27-38

          Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.

          Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy ngay trong gia đình đã có những tranh chấp, cãi vã; hàng xóm cũng kiện tụng, đánh nhau; thế giới thì không ngừng chiến tranh, khủng bố…

          Và ta thường thấy theo bản tính tự nhiên, người ta dễ dàng niềm nở với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào; Chúa Giêsu bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải nhoẻn miệng cười thân ái với người mình không hy vọng gì được chào đáp lại hay phải tha thứ cho một người đã cho mình thấm thía kinh nghiệm “làm ơn mắc oán”.

          Chính vì vậy, sống nhân đức yêu thương Kitô giáo không phải là việc dành cho những người khiếp nhược, trái lại phải dũng cảm và nỗ lực vượt trên tính tự nhiên. Người Kitô hữu nhờ ơn Chúa giúp, ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, hiểu rõ Chúa đang dùng đời họ để trải dài tình yêu của Ngài, và bằng ý chí kiên vững, họ dám sống như Chúa Giêsu sống, “người mẫu” của đức yêu thương.

          Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha yêu thương ban mưa thuận gió hòa cho cả người công chính cũng như kẻ bất lương. Ngài còn dạy các môn đệ phải biết yêu thương kẻ thù. Yêu kẻ thù là chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.

          Chúa Giêsu đã dạy yêu thương và Ngài đã sống điều Ngài dạy. Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ…” Yêu thương, tha thứ quả là điều vô cùng khó. Chỉ nguyên việc không tìm cách trả đũa kẻ gây ra những đau thương bất hạnh cho mình đã là khó, nói chi đến việc làm ơn, cầu nguyện cũng như chúc phúc cho những kẻ thù nghịch với mình.

          Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.

           Chúa Giêsu cho biết không hề có sự chia cắt giữa mến Chúa và yêu người, vì là hai khía cạnh của một điều răn duy nhất: điều răn yêu thương. Vì thế, chúng ta không thể hẹp lòng với tha nhân, kể cả với kẻ thù, mà vẫn nghĩ rằng mình mở lòng với Thiên Chúa. Hẹp lòng với tha nhân cũng là hẹp lòng với Thiên Chúa. Điều này được giải thích ở lời khấn xin trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Không phải Thiên Chúa từ chối ban ơn tha thứ cho chúng ta, nhưng vì lòng chúng ta quá hẹp không thể đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Theo thánh Phao-lô, mở lòng đối với tha nhân chính là yêu thương. Yêu thương thìø tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Vào lúc từ giã cuộc đời, khi đối diện với Thiên Chúa, mọi ân huệ khác đều biến mất, chỉ còn duy đức yêu thương tồn tại vĩnh viễn, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

          Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.

          Chúa Giêsu đã nói với chúng ta hãy “yêu thương như Người”. Ở đây, Người nói hãy trở nên “một” như Ba Ngôi Thiên Chúa! Nhưng trong câu này, Người còn thêm rằng, chính sự giống nhau đó làm nên Giáo hội mang tính “thừa sai”. Công đồng Vatican II, Công đồng đầu tiên trong lịch sử đề cập tín điều về Giáo hội một cách trực diện, trong Hiến chế tín lý quan trọng “Lumen Gentium” (Anh sáng muôn dân), đã đặt trọn vẹn suy tư’của mình trên một kiểu nói của thánh Xy-pri-anô, giám mục thành Các-ta-gô vào khoảng năm 250: “Giáo hội là một dân tộc rút ra sự hiệp nhất cho mình, từ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần”. Giáo hội là sự mở rộng cho nhân loại, kiểu tương quan liên vị hoạt động trong Thiên Chúa Giáo hội là “bí tích hữu hình” của Thiên Chúa, là “dấu chỉ” của Người: “Giáo hội, ở trong Đức Kitô, như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện để kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và để hiệp nhất với toàn thể nhân loại”

           Chúa Giêsu đã trở nên một mẫu gương sống động về việc thực thi khuôn mẫu tình yêu này. Dẫu cho bị người Do Thái chống đối, sỉ nhục và giết chết, ấy vậy mà ngay trong những giây phút đau đớn nhất trên thập giá, Người vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho họ. Cổ nhân có câu : “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Là những người con của Chúa, chúng ta được mời gọi để trở nên nhân từ như Cha chúng ta ở trên trời bằng việc bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và tha thứ.

          Là môn đệ của Chúa Giêsu phải khác hơn: Tránh làm một hành vi tiêu cực để đáp lại một hành vi tiêu cực, thì chưa đủ. Họ còn phải đáp trả oán ghét bằng tình yêu hy sinh, việc bị khai trừ bằng việc làm ơn, những sỉ vả bằng lời chúc phúc và bị xoá tên bằng việc cầu nguyện. Tức là họ không chỉ tìm cách giữ cho ổn định đời sống xã hội, nhưng còn phải diễn tả cách xử sự của Thiên Chúa ra cho anh chị em đồng loại. Họ phải cố gắng làm một điều “hơn”.

          Lời Chúa hôm nay là một thách đố đối với con. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho con không chỉ thuộc lòng lời Chúa dạy, nhưng còn biết noi gương Chúa để tha thứ cũng như cầu nguyện cho những kẻ thù ghét mình, hầu nhờ đó con có thể hóa giải hận thù, góp phần kiến tạo bình an cho những người xung quanh và cho thế giới hôm nay.

Huệ Minh