KHÁT VỌNG SỰ BÌNH AN.

Đã là phận người, ai ai cũng ước mong tìm sự bình an, đi tìm hạnh phúc của đời mình. Và  cuộc sống của mỗi người là hạnh phúc hay khốn khổ tùy thuộc vào từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình. Có những ngày ta thấy thật phấn khởi hân hoan khi vừa mở mắt thức giấc, muốn cùng muôn tạo vật cất lời ngợi ca; và khi chiều tà, lòng ta đầy hạnh phúc khi cất lên lời tạ ơn. Nhưng làm sao tránh được những đêm trường giăng mắc cả khi bình minh sáng chói nhìn đâu cũng thấy ảm đạm, chán chường bởi trong lòng ta mất niềm tin tưởng, cảm thấy bế tắc trước những khó khăn, những áp lực liên tục xảy đến trong nơi ta đang sống và trong cả thế giới.
Bình an trong tâm hồn mới thật quý giá, vậy làm sao biết được sự bình an đích thực đó đây? Người ta vẫn thường nghĩ: bình an là có sức khoẻ, nhà cao cửa rộng hay thành công trong cuộc sống… Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhiều người có đầy đủ những thứ đó, nhưng họ vẫn thấy bất an. Ngược lại, nhiều người gian nan thiếu thốn hay đau khổ mà vẫn cảm thấy bình an. Như vậy, bình an đích thực là gì? Ta có bình an không? Một vị Linh mục nọ nói rằng: “bình an đích thực không hệ tại ở sự giàu sang phú quý, mà sự bình an chỉ đến, khi người ta ở gần Chúa và ở trong Chúa, tức có Chúa ở cùng”. Và ngài khẳng định tiếp: “ta chỉ thực sự bình an khi ta biết tìm đến Chúa, ở trong Chúa và để Chúa ở trong ta, mà có Chúa là có bình an, mà có bình an là có tất cả”. Bình an Chúa Giêsu trao ban là ân huệ phục sinh của Người. Hay nói cách khác: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2, 14). Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định: “người ta chỉ có bình an thực sự, khi người ta luôn biết rằng: Chúa Giêsu đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Chỉ khi ấy, ta biết rằng cuộc sống có Chúa Giêsu thì trở nên đầy đủ hơn; và với Người, ta dễ dàng tìm thấy bình an trong mọi sự và biến cố của cuộc đời (số 226). Vì thế, ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa. Chỉ cần một lần được ẵm Chúa trên tay như cụ già Si-mê-on thì đã cảm thấy toại nguyện, nên ông mới bộc phát lên cầu nguyện: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 29). Nếu bình an của thế gian là sức khỏe, tiền tài, danh vọng, lạc thú… thì bình an của Chúa hệ tại ở một cái gì khác hẳn. Nó hiện diện ngay cả trong đau khổ, thử thách và bất chấp những nghịch cảnh éo le bên ngoài. Nói tắt, đó là sự bình an của một trái tim đầy Chúa, của một tâm hồn rộng mở đón Ngài ngự trị. Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Ðể có thể sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Kitô trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng khơi dậy trong Dân Chúa, và Giáo Hội hằng khuyến khích, đôi khi còn buộc dùng, để thánh hóa các chi thể mình bằng nhiều phương thế khác nhau. Trong tất cả các phương thế thiêng liêng, quan trọng hơn cả là kết hợp với Chúa Giêsu nơi Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể”.
Với “Bàn Tiệc Lời Chúa”: ta sẽ nghiệm thấy sự bình an của Chúa và sẽ kiến tạo sự bình an ấy lan tỏa ra môi trường xung quanh. Thánh Phaolô đã khẳng định chỉ trong Đức Kitô, ta mới nghe được lời chân lý là Tin Mừng cứu độ ta. Rõ ràng, sống với Chúa Giêsu và nhờ Lời của Ngài mà ta được bình an trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Bởi vì, khi ta kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài sẽ ban chính Lời Ngài làm sức mạnh cho ta kiên nhẫn chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả và hy vọng tất cả với Chúa trong mọi biến cố (x.1Cr 13,7), Lời của Chúa giải thoát ta khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi, giao hòa ta với Chúa và với tha nhân. Cho nên, “Lời Chúa là lời sáng tạo” (St 1,3-26); “sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12) “Lời hằng sống” (Ga 6,68); “Lời mang lại ơn cứu độ cho muôn dân” và làm phát sinh hoa trái cứu độ: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ” (Gl 5, 22- 23). Vì vậy, trong Thư Chung 1980 của  Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng cũng như định hướng cho mọi Kitô hữu về giá trị của Lời Chúa trong cuộc sống: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời” (số 8).
Vì thế, ta cần phải đem Lời Chúa thấm nhập vào mảnh đất tâm trí, lời nói và hành động của ta trong cuộc sống hằng ngày, nghĩa là ta phải “ăn” Lời, hấp thụ lấy Lời hằng ngày qua việc đọc, suy niệm và thi hành Lời Chúa. Vì chưng, Chúa thực hiện Lời của Ngài nơi mọi hoạt động, công việc của ta qua việc sống Lời Ngài. Ngược lại, nếu ta đọc Lời Chúa và không thi hành thì chẳng khác gì “đọc bài báo”. Điều đó, chứng tỏ ta không tin vào sức mạnh của Lời Chúa, như thế đức tin của ta đã chết rồi. Vì vậy, Thánh Giacôbê khuyên: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 2,22-25).
Lời Chúa cần được nghe và thi hành trong mọi nơi mọi lúc, bất cứ hạng người nào dù là thánh hay tội nhân, dù hạnh phúc hay đau khổ thì nhờ sức mạnh của Lời Chúa, con người và cuộc sống của ta sẽ trổ sinh hoa thơm trái ngọt cho mình và lan tỏa ra môi trường xung quanh mình, chính là sự bình an và thánh thiện. Cụ thể, ta thấy: Phêrô đã vất vả thả lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào mà chỉ khi Chúa Giêsu truyền lệnh và ông đã vâng Lời của Chúa thì được mẻ cá đầy thuyền (x.Lc 5,1-11). Rõ rang, vì tin và vâng Lời Chúa nên Phêrô bắt được mẽ cá đến nỗi hầu như rách lưới và gần chìm thuyền, ngược lại chính sự tự cao, quên Chúa, quên Lời Ngài nên cả đêm chẳng bắt được con cá nào. Không phải nhờ vào khả năng của chính mình mà Phêrô bắt được cá, nhưng nhờ tin và thi hành Lời Chúa truyền. Và thêm nữa, cũng chính vì tin vào Lời Chúa Giêsu đầy uy lực nên chị phụ nữ tội lỗi cấp thành phố đã sẵn sàng làm tất cả để được thứ tha, được sự bình an và hạnh phúc đích thực cho đời chị (x.Lc 7,37-47). Rồi, một người tội lỗi tầy trời như chàng thanh niên Augustinô đã tin vào Lời Chúa và thi hành Lời Chúa dạy, Chúa đã biến mảnh đất tâm hồn của Ngài đầy sỏi đá, gai gốc thành mảnh đất tâm hồn của đời sống thánh và thiện mà mọi người hôm nay luôn gưỡng mộ.
Vì vậy, để cuộc đời ta có được bình an đích thực, ta hãy sống Lời Chúa một cách triệt để và thật lòng: nếu tâm hồn ta có những sói đá là kiêu ngạo, nghe Lời Chúa mà không sống Lời Chúa, ích kỷ… thì ta cần phải cày sâu cuốc bẩm bằng việc khiêm nhường, đọc và cầu nguyện với Lời Chúa để thấy những viên sỏi đá ấy, lượm và vất đi qua việc năng chịu các Bí Tích. Nếu tâm hồn ta là bụi gai, gai của đam mê dục vọng tội lỗi, gai của gian dối, lọc lừa, gai của kỳ thị, khinh người, gai của các loại tội lỗi khác… thì ta cần phải phát hoang, đào bậc gốc bụi ấy mà bỏ đi ra ngoài tâm trí, hành vi trong cuộc sống ta bằng việc sống thi hành các giới răn của Chúa và Hội Thánh, nhất là thực thi Lời Chúa hằng ngày. Ta cần phải dẹp bỏ những vệ đường này bằng việc Mến Chúa yêu người hết lòng, sức sức và hết linh hồn; có như thế, hạt giống Lời Chúa mới phát sinh hiệu năng nơi tâm hồn, trong cung cách sống và hành xử của ta giống như Chúa và các thánh trong nơi mình sống ngõ hầu thế giới mới được thái bình thịnh vượng.
Với “Bàn Tiệc Thánh Thể”, ta cũng cảm nghiệm sự bình an đích thực như “Bàn Tiệc Lời Chúa”. Trước khi Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mạng tiếp tục mầu nhiệm tình yêu Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Chúa Giêsu thông ban tình yêu của Chúa cho các ngài, đến độ tình yêu của Chúa trở thành thức ăn thức uống nuôi dưỡng các ngài. Và ngay lúc này, Chúa cũng nói với ta: “Đây là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn. Đây là chén Máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống”, điều ta cần phải chú ý là Chúa không chỉ trao chính mình cho ta mà còn truyền cho ta phải ăn Thịt phải uống Máu Ngài. Vì ăn thịt và uống máu Chúa là một động thái thể lý, đồng thời diễn tả một hành động tinh thần thấm nhuần tâm tư của Chúa, sống trong tình nghĩa thân mật với Chúa. Vì Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở lại trong người ấy”. Như vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sinh lực, nguồn gợi hứng và nguồn bình an sung mãn cho cuộc đời ta. Lúc đó, “tâm tình của chính Chúa Giêsu sẽ thấm nhiễm mọi quan hệ liên vị của ta”( Luật sống Dòng NTTT, số 11.1), “tình yêu Thiên Chúa do Thánh Thần đổ vào lòng ta” (LS 11.2) chính là sự bình an và thánh thiện, yêu thương và phục vụ, tha thứ và hy sinh để qua ta, đoàn dân Chúa và mọi người nhận ra được tình yêu vô biên và sự bình an của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.  Cho nên, “Chỉ có Tấm Bánh Thánh Thể mới ban Sự Sống mới, có thể băng bó những tổn thương, ban sức mạnh, bình an và đỡ nâng cho hành trình đức tin cũng như sứ mạng của ta là thi thố Tình Yêu Thiên Chúa cho muôn người”(Thánh Têrêxa Calculta). Vì thế, mỗi lần ta đến rước Mình Thánh Chúa, ta tin thật Chúa đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, ta mến yêu và thờ lạy Chúa đó là điều chính đáng. Đồng thời, cũng xin Chúa ban sức mạnh để ta luôn nỗ lực xây dựng hoà bình trong nơi mình hiện diện bằng việc yêu người như Chúa Giêsu Thánh Thể yêu. Yêu là phục vụ, tha thứ hy sinh cho người mình yêu.
Chúa Giêsu Thánh Thể chính là nguồn mạch bình an cho các môn đệ và cả nhân loại. Giữa lúc các môn đệ đang nghi ngờ và lo sợ, đang đóng chặt cửa để tìm sự an toàn thì Chúa đã hiện ra để ban bình an và củng cố đức tin cho các ngài. Trong một thế giới đang bất an, khủng hoảng niềm tin, chưa sống hiệp nhất với nhau…. Thì ta, mỗi khi kết thúc Thánh lễ đã được Chúa Giêsu Thánh Thể ban và chúc ta đi bình an, nên ta đừng bao giờ đóng chặt cửa tâm hồn trong sự ích kỷ mà hãy sẵn sàng rộng mở cõi lòng để đón nguồn bình an và niềm vui Phục sinh của Chúa; biết ra khỏi sự ích kỷ và khép kín của bản thân để đem niềm vui của Chúa đến cho anh chị em ta bằng lời nói, hành động yêu thương chân tình và cụ thể.
Chúa Giêsu Thánh Thể đã ban bình an và niềm vui Phục sinh của Chúa cho ta hằng giây hằng phút trong cuộc sống, mỗi khi ta đọc Lời Chúa và tham dự cử hành các Bí Tích. Vậy từng cung cách đối nhân xử thế của ta cũng phải biết trao bình an và làm lan tỏa niềm vui của Chúa cho mọi người nhờ sẵn sàng: “Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.  Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. (Bài hát Kinh Hoà Bình-Phanxicô)
Maria Hồng Thắm,sss.