CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – năm A

Is 35,1 – 6a.10 ; Mt 11,2 – 11

      Chủ đề : Niềm hy vọng thời thiên sai : ơn giải cứu.

      * Is 35,5 – 6 : Vui lên nào… bấy giờ mắt người mù xem thấy, tai người điếc nghe được… miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

      * Mt 11,4 – 5 : Cứ về thuật lại cho ông Gioan : người mù xem thấy… người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.

      Chúng ta bước vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, chặng đường dọn lòng chuẩn bị đón Chúa đến, chúng ta đã đi được quá nửa. Ngày Chúa đến càng tới gần thì niềm vui của kẻ đang mong chờ càng dâng cao. Trong Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi tín hữu đang khát khao Chúa đến “HÃY VUI LÊN”, hãy sống trước trong đức tin những niềm vui của thời đại Chúa đến.

      Để diễn tả niềm vui ấy, bầu khí phụng vụ thay đổi : phẩm phục màu HỒNG thay cho màu TÍM ; bàn thờ sáng tươi lên hơn với đèn nến, hoa được chưng bày ; bầu khí tươi vui hơn với tiếng đàn nhịp nhàng theo tiếng hát. Chung vui với bầu khí bên ngoài, Lời Chúa cũng chất chứa đầy NIỀM VUI. Trong năm A, lý do của NIỀM VUI là vì cuộc sống được thăng hoa, cuộc đời được đổi thay theo chiều hướng tích cực : các yếu tố gây tai họa, cản trở, khổ đau đều được khắc phục.

      Bài đọc một trích từ chương 35 sách Isaia, loan báo NIỀM VUI, sự phú túc do thời đại Mêsia đem tới. Niềm hạnh phúc, cuộc đổi đời tuyệt vời ấy được thực hiện ở ba mức độ :

  1. Thiên nhiên được mời vui lên vì sức sống được hồi phục : những vùng đất chết như hoang địa, sa mạc khô cằn thì vào thời Mêsia sẽ trở thành vườn hoa, rừng cây bạt ngàn như rừng Liban, thành vựa lúa như đồng bằng Saron.

  2. Phần con người, những yếu tố gây đau khổ, bất hạnh sẽ được khắc phục tận căn : người mù thấy được, người điếc nghe được, người què nhảy nhót, người câm reo hò.

  3. Và nhất là dân Chúa sẽ được quy tụ về lại Xion, nơi ấy Niềm Vui sẽ là vĩnh cửu vì khổ đau và than khóc sẽ biến mất.

      Cội nguồn của Niềm Vui ấy chính là vì “ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội đã tới rồi. Chính Người sẽ đến cứu anh em”.

      Những hình ảnh hạnh phúc được bài đọc một loan báo, chúng ta thấy chúng được thực hiện cách tron hảo trong Tin Mừng nơi con người Đức Giêsu.

      Bài đọc Tin Mừng không có từ NIỀM VUI ; trái lái còn trình bày cho chúng ta nỗi lo âu khắc khoải của Gioan Tẩy Giả, cả cuộc đời sống công chính, chờ đợi, giới thiệu Đấng Mêsia cho dân. Nay Đức Giêsu xuất hiện, nhưng nét thẩm phán nghiêm khắc thưởng phạt công minh đâu không thấy mà bản thân ông lại còn bị tù đày vì dám sống công chính, nói lên sự thật, ngăn cản hành vi sai trái đoạt vợ anh mình của vua Hêrôđê. Bị tống ngục, ông hoang mang, sai hai môn đệ đến khắc khoải thưa cùng Đức Giêsu : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải chờ đợi ai khác ?”

      Đáp lại nỗi ưu tư, khắc khoải của Gioan, Đức Giêsu mời ông bình tĩnh nhìn lại những gì người đã làm : dấu chỉ mà Cựu Ước loan báo đã được thực hiện và còn nhiều việc còn lớn lao hơn : mù thấy được, điếc nghe được… rồi kẻ chết được sống lại và nhất là kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Từ đó Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi “đừng vấp ngã vì Người”.

      Ngày nay, sau hơn 2.000 năm Chúa giảng dạy, sự dữ vẫn tồn tại và dường như còn lộng hành, thách đố hơn bao giờ hết ; tuy nhiên Phaolô đã xác tín : nơi nào tội lỗi đầy tràn thì ân sủng càng chan chứa. Điều lớn nhất mà Đấng Mêsia – Giêsu mang đến là sự hồi phục linh hồn: kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Điều ấy Giáo Hội đang làm qua sứ mạng truyền giáo và các bí tích. Vấn đề là chúng ta hãy nhìn ra dấu chỉ chữa lành, tha thứ ấy để can đảm góp phần mình vào việc loan báo Tin Mừng, kêu gọi nhân loại sám hối để dự tính của Thiên Chúa mau hoàn tất.

      Chúa luôn cần đến ĐỨC TIN của chúng ta ; một đức tin được biểu lộ ra trong cuộc sống : sống ơn tha thứ, hồi phục, loan báo Tin Mừng.

      Xin Chúa Thánh Thần trợ lực chúng ta để đừng vấp ngã vì những gì đang xảy ra trước mắt, nhưng vững tin vào ơn cứu độ đã được Đức Giêsu mang tới, không vấp ngã, nhưng vững tin vào Người.

Frère Pierre Đình Long FSC