CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN C

Ml 3,19-20a; Lc 21,5-19

            Chủ đề: “Ngày của Chúa”: niềm vui hay nỗi sợ?

                        Lối sống hiện tại của mỗi người là lời đáp.

            * Ml 3,19a.20a: Này, “ngày ĐỨC CHÚA” đến!… đối với ai kính sợ Chúa, Mặt Trời Công Chính sẽ mọc lên.

            * Lc 21,6a.19: Những gì anh em đang thấy đó sẽ bị tàn phá hết…có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

            Chủ đề của Chúa Nhật trước Lễ Kitô – Vua, tức Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên, theo truyền thống phụng vụ, thường đề cập đến “Ngày Tận Thế”. Khi nghe nói tới ngày tận thế, người ta nghĩ ngay đến khía cạnh pháp lý của ngày đó: ngày Thiên Chúa xét xử, ngày hủy diệt thế giới vật chất này, ngày đáng sợ, ngày không ai thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Và thái độ chung của con người đối với ngày này là sợ hãi, tìm cách đối phó mang đậm nét cá nhân, mong sao cho phần riêng mình, của mỗi người, được bình an, tai qua nạn khỏi là đủ; chẳng mấy ai xem đó là ngày HỒNG ÂN, ngày Thiên Chúa ra tay can thiệp cách dứt khoát để đưa toàn thể vũ trụ này tiến vào thời điểm chung cuộc như ý Thiên Chúa đã muốn tự ngàn xưa. Để đón nhận được Quang Lâm, Ngày Chúa đến là HỒNG ÂN, cần phải thay đổi não trạng, đổi mới cái nhìn về Ngày đó.

            Trong Cựu Ước, dân Do Thái tự hào mình là dân được Chúa chọn, thế nhưng họ không chịu cố gắng đổi mới cuộc đời, sống xứng ơn gọi là dân riêng của Chúa mà cư xử như một đám nô lệ, phải có roi đòn thì mới sợ hãi chịu ép mình theo đường lối của Chúa… Và chính cái đầu óc nô lệ đó đã khiến họ suy nghĩ sai lầm là Chúa phải bảo vệ dân Chúa bằng mọi giá bất chấp lối sống bất xứng của họ. Do đó, đối với họ, “Ngày của Chúa” là ngày Chúa ra tay tiêu diệt mọi địch thù của dân, ngày Chúa tôn vinh họ, ngày các thù địch của Israel sẽ bị báo oán (x. Gr 46,10; Is 34,1-2), ngày Chúa biện hộ cho Xion (x. Is 34,8b).

            Còn trong TÂN Ước, lối trình bày ngày tận thế theo thể văn khải huyền đã bị các tín hữu hiểu lầm tưởng rằng “ngày Chúa đến” hay “Thế Mạt” tức là thời điểm mà thế giới hữu hình như chúng ta đang sống bây giờ sẽ không tồn tại nữa. Thực ra vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên vẫn tồn tại, nhưng vào lúc Đức Kitô quang lâm thì vinh quang phục sinh của Người bao trùm tất cả: mọi thọ tạo được nâng cao, được đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa; Thế giới vật chất này không còn bị giới hạn bởi định luật không gian và thời gian nữa, không còn quá khứ vị lai, nhưng tất cả được tham dự vào cái hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nói cách khác, điều mà Thiên Chúa đã hoàn tất nơi nhân tính phục sinh của Đức Giêsu thì giờ đây, vào lúc quang lâm, Thiên Chúa cũng thông ban trọn vẹn cho thể tạo thành.

            Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta bước thêm một bước nữa vào việc mặc khải Ngày của Chúa. Chắc chắn là có Quang Lâm! Điều quan trọng là phải nhận ra ý nghĩa và trong hiện tại phải có lối sống như thế nào để ngày Tận Thế là ngày chúng ta ĐƯỢC CỨU (x. Lc 21,19).

            Bài đọc 1 trình bày cho ta một ý nghĩa của Quang Lâm: đó là tính lưỡng diện của Ngày của Chúa. Ngôn sứ Malaki đã dùng những hình ảnh đầy ấn tượng để diễn tả tính lưỡng diện này:

            * Đối với kẻ gian ác: Ngày của Chúa được sánh ví như một HỎA LÒ rực lửa; còn kẻ ác được sánh với RƠM RẠ KHÔ. Rơm khô mà bị vào hỏa lò thì chút tro cũng chẳng còn!

            * Đối với người lành, kính sợ Thiên Chúa thì Ngày của Chúa là ngày “Mặt Trời công chính mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành”. Cách nói trên có ý nghĩa gì?

            Theo Tv 84,12, “Mặt Trời” là chính Thiên Chúa; và theo Gr 23,6 thì “ĐỨC – CHÚA – SỰ – CÔNG – CHÍNH – CỦA – CHÚNG – TA” là tước hiệu của Đấng Mêsia, Đấng mà Thiên Chúa sẽ sai đến cứu thoát Giuđa và làm cho Israel được yên hàn. Và dấu chỉ giúp nhận ra thời đại Mêsia đã tới là bệnh tật được chữa lành, con người được hồi phục (x. Is 35,5-6; 61,1).

            Các lời tiên báo trên đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: Người là “VẦNG ĐÔNG từ trời cao đến viếng thăm ta” (Lc 1,78), là ánh sáng cho dân Chúa và rạng soi dân ngoại (x. Lc 2,30-32); Người làm nhiều phép lạ giải cứu, loan Tin Mừng cho kẻ nghèo, và công bố đó là dấu cho thấy Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 11,4). Tuy nhiên, đó chỉ mới là dấu chỉ, còn ơn cứu độ thật sự được Đức Giêsu thông ban qua Thập Giá và Phục Sinh nhờ Chúa Thánh Thần và bí tích.

            Đức Giêsu đã đến rồi! Thời Thiên Sai đã khai mạc! Người đã phục sinh, đã thăng thiên. Nhưng Quang Lâm đâu vẫn chưa thấy? Kẻ ác vẫn nhởn nhơ! Có nhiều kẻ tin đã chao đảo! Tin Mừng hôm nay đưa ra một câu đáp. Chúng ta đọc Lc 21,5-19:

            * Những biến động, bất ổn chỉ nói lên một điều: một vũ trụ rệu rã như thế bắt buộc phải qua đi, phải được đổi mới. Chính Chúa đảm nhận việc này! Chắc chắn có Quang Lâm!

            * Tín hữu đừng để bị lường gạt về ngày giờ, nơi chốn xác định của Quang Lâm vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Đức Kitô phao đồn thất thiệt, Quang Lâm tới rồi, ở nơi đây này.

            * Thời kỳ trước khi Quang Lâm đến là nhiễu nhương, xáo trộn, kẻ tin bị bắt bớ vì danh Đức Kitô – Tin Mừng khuyên: thái độ kẻ tin trong hiện tại phải là:

            – Không sợ hãi, đừng tìm cách đối phó cho qua chuyện trước các thử thách;

            – Can đảm đương đầu với những thực tại đau đớn, bằng cách biến gian truân thành cơ hội tốt để làm chứng cho Đức Kitô

            – Vững tin vào Lời Chúa, vào tình yêu quan phòng của Người: “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu; Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,18-19).

            Lời loan báo về Quang Lâm không phải là một đe dọa mà là một cảnh tỉnh, một thúc giục sống ý Chúa trong hiện tại. Ước gì mỗi tín hữu sống trọn vẹn niềm tin của mình hôm nay để Quang Lâm, Tận Thế sẽ là ngày hội vụi cho tín hữu.

Frère Pierre Đình Long FSC