GIÁO HUẤN VỀ PHỤNG VỤ VÀ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC…

Lm. Giuse Đinh Văn Huấn

Trưởng Ban Phụng Tự – GP. Xuân Lộc.

PHẦN I.

LINH ĐẠO THỪA TÁC VIÊN NGOẠI THƯỜNG TRAO MÌNH THÁNH CHÚA

Lời mở

Tôi xin bắt đầu với ba câu hỏi này:

1/ Chúng ta có tin rằng, chính Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã làm muôn phép lạ ngày nào, Đấng biến đổi muôn tâm hồn qua lịch sử Giáo Hội, Đấng có thể chinh phục trái tim chúng ta đang hiện diện với chúng ta nơi mỗi cử hành phụng vụ không?

2/ Chúng ta có tin rằng, Chúa rất yêu chúng ta, Ngài không bao giờ chịu thua tình yêu của chúng ta và đủ quảng đại ban tặng cho chúng ta phần thưởng tuyệt đối lớn lao vượt xa mọi suy nghĩ và mọi quà tặng trần gian không?

3/ Tin vậy, chúng ta có dám đánh cuộc đời mình với Chúa không?

Suy ngắm đoạn Tin Mừng Lc 1,39-44, về biến cố Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth, để gợi lên ít suy nghĩ về tác vụ Trao Mình Thánh Chúa của chúng ta.

Mang Ngôi Lời trong dạ, Đức Maria đã vội vã đến thăm để giúp người chị họ trong lúc sinh nở. Mẹ đã đem Chúa đến cho gia đình bà Êlisabeth và Chúa đã đổ đầy niềm vui ân sủng trên gia đình này, trên Gioan đến nỗi em nhảy mừng trong dạ mẹ. Biến cố này cũng loan báo việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa thăm viếng dân Ngài, để tuôn đổ trên nhân loại tình yêu cứu độ.

Mỗi lần trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em, đặc biệt cho các bệnh nhân, chúng ta cũng theo chân Đức Maria để đem Chúa đến cho họ.

I. MỘT VÀI Ý NGHĨA THẦN HỌC TỔNG QUÁT VỀ TÁC VỤ TRAO MÌNH THÁNH CHÚA

Chúng ta đề cập đến ba chiều kích Thần Học, Giáo Hội và Tu Đức:

1/ Chiều kích Thần Học: Chúng ta không là một công chức của Giáo Hội mà là một Tông Đồ, không đơn thuần thi hành một công việc của giáo xứ, mà thực thi một sứ mạng. Giáo Hội trao cho chúng ta sứ mạng đem Chúa Thánh Thể, Đấng là tình yêu, là ân sủng cứu độ, là niềm vui và hy vọng đến cho tha nhân, nhất là những người già yếu, bệnh tật, hấp hối, góp phần củng cố đức tin của họ, đồng thời làm triển nở sự sống nơi Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội.

Càng hiểu được đúng ý nghĩa của việc làm, có được cảm thức linh thánh nhậy bén về sự hiện diện và tình yêu của Chúa, chúng ta càng kinh ngạc về sự cao cả của tác vụ. 

2/ Chiều kích Giáo Hội: Tác vụ của chúng ta lãnh nhận từ quyền bính Giáo Hội qua Đức Giám Mục, nhằm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Chúng ta cần ý thức để thi hành tác vụ trong sự hiệp thông với Giáo Hội, đặc biệt với Giáo Hội địa phương. Một tác vụ xem ra nhỏ bé nhưng cao cả, thiêng liêng vì được tham dự vào sứ vụ cứu độ của Chúa Kitô và Giáo Hội.

3/ Chiều kích Tu Đức: Tác vụ mà chúng ta thực hiện nhằm thánh hóa tha nhân, góp phần phát triển sự sống của Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, đồng thời cũng thánh hóa bản thân chúng ta. Vì vậy, chúng ta được mời gọi thánh hóa mình, nhất là qua việc thực thi tác vụ, nhờ đó, chúng ta càng cử hành tác vụ cách xứng hợp hơn. Ước gì chúng ta không chỉ cộng tác vào một tác vụ để thánh hóa dân Chúa, mà biết dâng hiến trọn cuộc sống mình thành lời cầu nguyện cho sự sống thánh thiện của Thân Thể Chúa Kitô, đặc biệt của Giáo Phận, Hội Dòng và giáo xứ chúng ta phục vụ.

Hiểu được tính thiêng liêng và sự cao cả của tác vụ, chúng ta biết trân trọng và thực thi với tâm tình đạo đức xứng hợp.

1. Ý NGHĨA THẦN HỌC VIỆC RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA CHO BỆNH NHÂN, NGƯỜI HẤP HỐI

Truyền thống Giáo Hội thời đầu đã có thói quen cất giữ Mình Thánh Chúa sau Nghi thức Bẻ Bánh (thánh lễ), nhằm phục vụ nhu cầu thiêng liêng của người hấp hối, các bệnh nhân và các tín hữu vắng mặt. Việc trao Mình Thánh Chúa này diễn tả các chân lý đức tin:

Chúa Kitô hiện diện đích thực trong hình Bánh và hình Rượu cho dù Thánh lễ đã kết thúc. Vì vậy, khi đón nhận Bánh Thánh Thể là bệnh nhân đón nhận chính Chúa Giêsu đến với mình và gia đình đón nhận cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

– Khi rước lễ, bệnh nhân được kết hợp trọn vẹn vào mầu nhiệm Vượt Qua, tức Hy Tế Thập Giá Đức Kitô, mầu nhiệm trung tâm của thánh lễ. Vì vậy, việc trao ban Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân không được tách rời với cử hành thánh lễ trước đó.

– Đón nhận Chúa Thánh Thể là đón nhận chính Sự Sống và Sức Mạnh của Ngài, giúp nuôi dưỡng và nâng đỡ người đau bệnh, kẻ già yếu và bảo đảm cho họ sự sống đời đời.

– Việc rước Mình Thánh Chúa cũng làm cho những người không thể tham dự thánh lễ được Hiệp Thông với toàn thể dân Chúa, tháp nhập họ vào Thân Thể Chúa Kitô.

Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến người hấp hối. Họ được đón nhận Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng (viaticum) cho cuộc vượt qua cuối cùng đầy khó khăn này. “Khi nhắm mắt lìa đời, bệnh nhân có cảm giác bị mọi người bỏ rơi. Nhưng đức tin dạy cho chúng ta biết mình không bị bỏ rơi, bởi vì Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, Ngài dẫn chúng ta về nhà Cha. Ngài còn bảo đảm cho chúng ta được sống lại với Ngài”.[1] Chúng ta cần chú trọng đến nhu cầu khẩn thiết của họ.

Thật rất ý nghĩa khi cuộc vượt qua sau cùng đầy khó khăn của người hấp hối được soi sáng, được tháp nhập, được nâng đỡ bằng chính cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Thật an bình khi họ biết Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và ban cho nhân loại ơn bất tử, Đấng duy nhất có thể dẫn họ vượt qua sự chết để bước đến sự sống đời đời đang hiện diện với họ.

III. LINH ĐẠO CHO THỪA TÁC VIÊN NGOẠI THƯỜNG

Thừa Tác Viên có sứ mạng là làm sáng lên những ý nghĩa thần học vừa được trình bày:

  1. Đối với bệnh nhân

  2. Giúp cho bệnh nhân và người hấp hối cảm nhận được chính Chúa Giêsu đến và hiện diện với họ nơi Bí tích Thánh Thể, để Ngài nên sự sống, sức mạnh đỡ nâng và niềm hy vọng cho anh chị em bệnh tật.

Thừa Tác Viên cần tỏ rõ đức tin của mình để củng cố đức tin của bệnh nhân. Chúng ta có thể bày tỏ đức tin bằng LỜI, nhưng có lẽ thích hợp hơn là bằng HÀNH ĐỘNG của chúng ta qua việc cử hành các Nghi Thức cách đạo đức và sốt sắng.

– Cần rước Mình Thánh Chúa đến cho bệnh nhân với tất cả sự cung kính, đầy tràn đức tin và lòng mến xứng hợp.

– Đến nhà bệnh nhân, nên mời cả gia đình quây quần và nếu được, đặt Mình Thánh Chúa trên khăn thánh, trải trên một bàn xứng hợp có đặt Thánh Giá và nến cháy sáng, rồi nếu được, mời mọi người quỳ gồi tôn thờ Thánh Thể bằng một ít lời cầu nguyện, hoặc một bài hát. Nhớ rằng, mỗi lần rước Mình Thánh Chúa đến cho bệnh nhân, cũng là Chúa đến viếng thăm gia đình, nên cần quy tụ cả nhà để đón Chúa, để cả gia đình được đón nhận phúc lành của việc Chúa viếng thăm, và cùng nhau cầu nguyện cho người bệnh được những ơn họ đang cần. Đó là những phút giây củng cố hữu hiệu đức tin của họ nơi Bí tích Thánh Thể.

– Sau đó, đứng dậy và cử hành Nghi Thức Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân cách đạo đức (Lưu ý: giúp người hấp hối lãnh nhận ơn toàn xá).

  1. Giúp cho bệnh nhân và người hấp hối được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng đức tin, lòng mến, niềm cậy trông và những tâm tình xứng hợp, hầu họ thực sự được sống bởi Chúa và được sức mạnh Chúa đỡ nâng.

Nếu được, cùng cầu nguyện và cám ơn với họ, nhất là nhắc họ phó dâng bản thân cho Chúa và thông hiệp cuộc sống, khổ đau, bệnh tật vào hy tế Thập Giá của Chúa Giêsu.

  1. Đối với bản thân

Để chu toàn nhiệm vụ xem ra nhỏ bé nhưng cao cả này, Thừa Tác Viên phải là con người phụng vụ. Con người có đức tin sống động, nhiệt thành cầu nguyện và đầy lòng mến Chúa, yêu người, nhờ đó, mầu nhiệm HIỆN DIỆN và CỨU ĐỘ của Thánh Thể được biểu lộ, giúp người bệnh mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng và bình an. Xin gợi một vài suy nghĩ:

1/ Từ cử hành Nghi Thức đến cử hành Mầu Nhiệm

Đây là hai thái độ cử hành phụng vụ:

Cử hành nghi thức phụng vụ: cử hành đúng luật để thành sự với đức tin của Giáo Hội, nhưng thiếu đi đức tin cá nhân, thiếu đi sự bén nhậy thiêng liêng, nên cử hành phụng vụ không biến đổi đời sống chúng ta, mà còn có thể làm giảm suy đức tin của người khác. Một linh mục hoặc một nữ tu, trong cử hành phụng vụ là hình ảnh của Giáo Hội trước mắt mọi người, có ảnh hưởng rất lớn đến tha nhân. Nhiều khi chúng ta vô tình nói năng, cư xử như không có Chúa hiện diện.

Phụng vụ vốn là nguồn mạch và đỉnh cao thánh hóa đời sống người Kitô hữu, nhưng sau nhiều năm cử hành phụng vụ, phụng vụ làm chúng ta thánh thiện hơn không? Nếu phụng vụ không có sức thánh hóa bản thân chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể dùng phụng vụ mà thánh hóa tha nhân?

Cử hành mầu nhiệm phụng vụ: chúng ta càng kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong đức tin và tình yêu như Mẹ Maria, chúng ta càng kết hợp với mầu nhiệm của Chúa. Lúc đó, chúng ta cũng thường mang sâu nỗi khát khao đưa tha nhân, người bệnh đến với Chúa, để kín múc dạt dào tình yêu và ân sủng cứu độ của Chúa mà biến đổi cuộc đời. 

Khi người phụ nữ băng huyết chạm đến gấu áo Chúa Giêsu, thì tức khắc “một năng lực” tự nơi Thân Thể Chúa phát xuất ra chữa lành bà (x. Mc 5,30). Thiên Chúa trong dấu chỉ thân xác ngày nào, không là chính Chúa Giêsu trong dấu chỉ bánh rượu hôm nay sao? Điều gì mà Chúa không làm được. Chúng ta không chỉ chạm vào mà còn rước chính Chúa vào lòng, nhưng tại sao không có “một năng lực” từ Thánh Thể xuất ra chữa lành chúng ta. Nếu không đi tới một đức tin đích thực, không để quyền năng Thánh Thể chạm đến, thì chúng ta đang tự mâu thuẫn với chính mình trong ơn gọi và sứ mạng, điều này là một bất hạnh lớn lao.

2/ Đi từ Lý Trí đến với Trái Tim

Thánh Augustinô (354-430) nói: Đức Mẹ có diễm phúc mang Chúa Kitô trong trái tim hơn là việc Chúa thành người trong thân xác Mẹ. Cái khác biệt trong cử hành phụng vụ chính là mối tương quan của chúng ta đối với Chúa Giêsu sâu đậm hay hời hợt. Chúa ở trong hay ở ngoài chúng ta.

  1. Thắp bừng niềm khao khát Chúa như Mẹ Maria.

Ngoài một ít trường hợp đặc biệt, khởi đầu hành trình đức tin thường thiên về lý trí trong cầu nguyện. Một Thiên Chúa vẫn ở ngoài chúng ta, lắng nghe lời chúc tụng và khẩn cầu của chúng ta. Lúc đó, chúng ta cử hành phụng vụ Nghi Thức hơn là Tinh Thần, sử dụng lý trí và ý chí nhiều hơn là được lôi kéo bởi ân sủng và tình yêu.

Sau hành trình đầy khát khao, nhiệt thành dấn thân tìm Chúa, nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể tiến vào một kinh nghiệm riêng với Chúa. Lúc đó, Chúa không còn ở ngoài mà được chúng ta cưu mang trong chính trái tim mình như Đức Maria. Blaise Pascal nói: “Trái tim cảm nghiệm được Thiên Chúa, còn lý trí thì không[2] Trong bài giảng lễ tuyên phong Chân phước cho Hồng y Newman, Đức Bênêđictô XVI cũng nói: “Thiên Chúa cứu độ chúng ta không phải bằng các luận chứng, nhưng bằng cách nói với trái tim chúng ta”.[3]

Trong nhà thờ, có khi chúng ta chỉ bước vài bước, mất vài giây để tiến gần nhà tạm, để tay chạm đến Thánh Thể, nhưng đôi khi, phải mất nhiều năm nỗ lực tìm Chúa với cả khổ đau, lòng chúng ta mới đến gần nhà tạm, trái tim mới chạm được đến Chúa. Nhà thần bí Maurice Zundel nói: “Nào có ích gì khi Chúa ngự trong những nhà tạm bằng gỗ, mà Chúa không ngự trong trái tim chúng ta. Chúng ta không là những nhà tạm của Người.”[4] Chỉ khi chúng ta có được Chúa hiện diện trong trái tim như Mẹ Maria, nghĩa là yêu mến, nên một với Ngài, thì trong chúng ta, Đức Kitô sẽ làm cho mầu nhiệm của Ngài tỏa sáng qua cử hành phụng vụ. Lúc đó, sự thờ phượng không diễn ra chỉ ở ngoài, trên bàn thờ, mà trong chính tâm hồn chúng ta.

Lúc đó, niềm vui của chúng ta không ở bên ngoài nơi công việc dù rất thánh thiện, mà từ bên trong tâm hồn gặp Chúa. Niềm vui này có sức thâm nhập con người, biến đổi cuộc sống và đỡ nâng gánh nặng bổn phận hằng ngày trở nên nhẹ nhàng, tươi vui, bình an.

  1. Thắp bừng niềm khao khát các linh hồn của Chúa.

Ngày nay, dân Chúa đang bị sức mạnh của tiền bạc, lạc thú, quyền lực đến quên Chúa, bỏ Chúa, chạy theo thế gian, mà ngẫu tượng căn cốt là bản thân. Nhiều Kitô hữu, nhiều gia đình, nhất là các bạn trẻ đang mất dần ý thức về tội và đi liền là sự soi mòn cảm thức linh thánh, đánh mất đức tin. Chúng ta cảm được sự mất mát này trong kinh nghiệm gặp gỡ giáo dân, có khi ngay trong một vài biến cố của hội dòng.

Từ đáy lòng, nếu chúng ta cảm thấy thương xót Chúa vì tình yêu khôn cùng của Chúa dành cho nhân loại đang bị khước từ thê thảm và thương người anh em khi biết họ khước từ Đức Kitô, là tự đánh mất sự sống, hạnh phúc đích thực của đời họ, thì lòng chúng ta sẽ vô cùng tha thiết với đức tin, với phần rỗi của tha nhân.

Khi có được cảm nhận này sâu xa, chúng ta cũng cảm được nỗi bất lực tận cùng nhằm hoán cải trái tim người khác. Từ đó, chúng ta hoàn toàn cậy trông Chúa, biết đi vào thinh lặng cầu nguyện, đồng thời, biết hiến dâng chính mình, đời mình thành của lễ “sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1) mà cầu xin cho ơn cứu độ của nhân loại, của chính Hội Dòng và Giáo phận chúng ta. Cầu cho các linh mục được nỗi khao khát sống thánh thiện. Mỗi lần rước Mình Thánh Chúa đến cho bệnh nhân, chúng ta hết lòng cầu nguyện cho họ, biết cử hành nghi thức cách đạo đức, biết chấp nhận để Chúa yêu họ trong chúng ta. Đó cũng là đường đưa ta nên hoàn thiện!

Lời kết

Sống đời thánh hiến, là chúng ta đã chọn Chúa Giêsu là hạnh phúc đời mình. Nhưng sau nhiều năm, tôi vẫn luôn tự hỏi lòng tôi, thực Chúa đang là hạnh phúc của đời tôi hay là điều gì khác? Tôi có đủ tin để đánh cuộc đời mình với Chúa chưa?

Giáo phận chúng ta thật có phúc vì có được con số tu sĩ nam nữ đông đảo. Thực tại đấu bột như càng nhiều hư hốt, thì tấm men ước chi càng phải mặn mà. Nếu bằng này anh chị em chúng ta đang hiện diện, nhờ cử hành Phụng vụ, không chỉ có lý trí quy phục chân lý đức tin, mà trái tim và trọn cuộc sống thực sự say mê tìm Chúa, quảng đại đáp trả tiếng gọi “Hãy theo Thầy” của Người mỗi ngày, sẵn sàng từ bỏ muôn tiếng gọi trần gian, tiến dần tới tình thân mật thiết với Chúa để nói được như thánh Phaolô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9) thì chẳng những cuộc đời chúng ta sáng lên trong vẻ đẹp tuyệt hảo của chân lý và tình yêu chẳng gì cao cả hơn, mà còn mang đến cho Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, Giáo Phận một sức sống dồi dào, và chắc chắn, với trái tim nhân hậu của Chúa, chúng ta biết đón nhận lẫn nhau và yêu thương nhau, sống có tấm lòng với nhau, sẽ làm cho Hội Dòng, cho cộng đoàn thành những mái nhà dễ thương, dễ sống và an vui hơn.

Đó không là mong ước của Chúa và của cả chúng ta đó sao? Chắc chắn Chúa chẳng thua tình yêu và lòng của quảng đại của ai bao giờ!

PHẦN II

MỘT VÀI QUY LUẬT PHỤNG VỤ

Chúng ta thường không chỉ là một Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, nhưng còn phụ giúp các linh mục trong nhiều công việc phụng vụ khác, vì vậy, tôi xin được trình bày thêm một vài quy luật phụng vụ cần thiết và trả lời một số thắc mắc:

  1. Thực hiện việc trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ:

– Dù một ngày dự lễ và trao Mình Thánh Chúa ba hoặc bốn lễ, chúng ta cũng chỉ được rước lễ hai lần (x. GL 917).

– Chúng ta không phép rước bình đựng Mình Thánh Chúa từ nhà tạm xuống hoặc cất Mình Thánh Chúa lên Nhà Tạm.

– Chúng ta không được tự rước Mình Thánh Chúa, và cũng không tự động lấy bình đựng Mình Thánh Chúa, phải chờ linh mục chủ lễ trao cho chúng ta. Nếu chúng ta ra trễ, bất đắc dĩ, trong trường hợp này chúng ta có thể tiến lên Bàn thờ và tự lấy bình đựng Mình Thánh Chúa, nhưng không tự rước lễ.

– Chúng ta không được phép ủy thác (nhờ) việc mình cho một chị em khác mà chị không có phép Đức Giám Mục. Chỉ cha chủ tế mới có quyền cho từng lần tùy nhu cầu.

– Trong trường hợp hết Mình Thánh Chúa mà còn đông người rước lễ, chúng ta có thể bẻ Bánh Thánh nhỏ ra.

– Chúng ta không được sang Mình Thánh Chúa từ bình này sang bình khác trên Bàn thờ, còn lúc đang cho rước lễ mà thiếu, chúng ta có thể làm việc này.

– Thừa tác viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi Thức Rôma (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ Redemptionis Sacramentum, ngày 25/3/2004, số 133).

  1. Thực hiện việc trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân:

– Trong các lần cho bệnh nhân rước lễ, chúng ta có thể cho cả người coi sóc bệnh nhân rước lễ nếu họ không thể đi dự lễ; tuy nhiên, cần chuẩn bị họ xứng đáng.

– Khi thiếu Mình Thánh Chúa chúng ta có thể bẻ Bánh Thánh, nhưng khi dư Mình Thánh Chúa mà việc rước về khá bất tiện, có hai giải pháp: cho người nhà của bệnh nhân cùng rước lễ hoặc cho bệnh nhân rước tất cả một lần.

  1. Một số quy định với TTV ngoại thường:

Các thừa tác viên ngoại thường không cho rước lễ khi có các thừa tác viên có chức thánh hiện diện (Huấn thị BTCĐ, 157). 

Thừa tác viên ngoại thường không được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa cho một người nào khác. Ví dụ: như ủy quyền cho người con của một bệnh nhân (Huấn thị BTCĐ, 158) (Dịp Tết, một dì muốn rước MTC cho cha hoặc mẹ mỗi ngày?)

Thừa Tác Viên Ngoại Thường không được dồn Máu Thánh từ các chén lại, tuyệt đối cấm với mọi người (x. Huấn thị BTCĐ, 106). Thừa Tác Viên Ngoại Thường không được dồn Mình Thánh từ các bình đựng lại và tráng bình hay tráng chén. Đó là việc của linh mục, của phó tế hay của thầy đã nhận tác vụ giúp lễ (x. QCTQRM 2002, 279)

  1. Nến bàn thờ: dấu chỉ biểu thị sự hiện diện của Chúa trên Bàn thờ và biểu tỏ lòng tôn kính. Nhiều nhà thờ có thói quen thắp hai cây trong lễ thường, bốn cây cho lễ kính và sáu cây cho lễ trọng. Khi chầu Thánh Thể, đặt từ bốn đến sáu cây nến. Mặc dù quy luật này không quá đỗi chặt chẽ, nhưng không nên để chỉ một cây nến quanh năm, mà hình dáng lại giống Nến Phục Sinh, sẽ gây nhiều ngộ nhận và đánh mất ý nghĩa của Nến Phục Sinh. Trong Mùa Phục Sinh, Nến Phục Sinh không thay thế nến bàn thờ.

  2. Để việc rước lễ tỏ ra rõ ràng hơn là một sự tham dự vào Hy Tế đang cử hành, nên “giáo dân tham dự Thánh Lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi” (Hc PVT số 55; x. Huấn thị BTCĐ 89).

Vì vậy, nên chuẩn bị bánh lễ vừa đủ là tốt nhất.

  1. Dâng lễ vật, bánh và rượu phải được dùng để thánh hiến.

  2. Khi lên rước lễ, chúng ta không được lấy thêm Mình Thánh Chúa về cho chị em đang hát trên ca đoàn. Cố gắng xếp đặt để chính họ lên rước lễ, tránh sự bất xứng. Quy chế Sách lễ Rôma 2002 viết: “Phải liệu cho các ca viên có thể rước lễ cách xứng hợp.”

  3. Linh mục đồng tế phải rước lễ dưới hai hình, rước từ Mình Thánh và Máu Thánh được truyền phép trong chính thánh lễ trước khi cho rước lễ. Đó là dấu chỉ tham dự vào Hy Tế được dâng trong thánh lễ (Huấn thị BTCĐ, số 97 và 98).

  4. Được phép dùng sách 150 Thánh Vịnh của Cha Kim Long trong Phụng vụ Giờ Kinh.

Các bài hát Thánh Vịnh của cha Kim Long đã được giáo quyền cho phép hát trong phụng vụ thì chúng ta cứ việc hát trong phụng vụ giờ kinh.

Nếu hội dòng nào sử dụng những bài khác mà không biết nguồn gốc, chúng ta có thể hỏi cha Nguyễn Duy. Tôi nghĩ thường những bản văn này đã được phép rồi, và từ nhà dòng này lan rộng sang nhà dòng khác và lúc đó chúng ta không biết đến nguồn gốc.

Riêng Thánh vịnh Đáp ca, cho đến khi Sách Bài Đọc mới được HĐGM xuất bản, chúng ta vẫn được dùng những bài hát Thánh Vịnh đã được giáo quyền chuẩn nhận. Tuy nhiên, không được dùng một bài thánh ca mang ý nghĩa của ngày lễ để thay bài hát Thánh Vịnh đáp ca trong thánh lễ như dịp lễ cưới, lễ an táng, lễ tạ ơn…

  1. Bổng lễ: tại giáo xứ lớn, có thể nhiều người xin lễ giỗ vào cùng một. Dù linh mục rao 20 ý lễ, thì ngài chỉ được phép nhận một bổng lễ, những lễ còn lại phải gửi về TGM. Tại đây, Đức Giám Mục sẽ chuyển đến các giáo phận, dòng tu, các linh mục truyền giáo… những nơi có nhu cầu. Chỉ Đức Giám Mục mới có thể gộp lễ và gộp tối đa là 10 đô la Mỹ.

  2. Hôm ngày 17/12 vừa rồi nhằm vào ngày Chúa nhật. Vậy Kinh thần vụ ngày hôm đó đọc theo ngày 17 là đúng hay đọc theo Chúa nhật tuần 3 Mùa vọng?

Rất ít khi Chúa Nhật III Mùa Vọng ở trong khoảng 17-24. Nếu xảy ra, phần giáo đầu và thánh thi chúng ta lấy theo Phần Chung II, còn các phần riêng mà Chúa Nhật Tuần III đã có, chúng ta cứ đọc theo Chúa Nhật.

  1. Tại sao trong Lịch đầu SÁCH LỄ RÔMA trang 110 ghi lễ thánh Alberto Cả là bậc Lễ nhớ (buộc), ở trang 372 cũng ghi là bậc Lễ nhớ (buộc), nhưng trong Lịch Phụng Vụ Giáo phận lại chỉ để bậc “nhớ tự do” (trang 115)?

Ấn bản I (1970), II (1975) thì ấn định lễ thánh Albertô Cả là bậc lễ nhớ, nhưng ấn bản III (2002) thì để bậc “nhớ tự do” cho Giáo Hội hoàn vũ, còn Hội Dòng được mừng theo lịch riêng.

  1. “Năm điều răn Hội Thánh”

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (ấn bản năm 1992) số 2042-2043 dạy: Hội Thánh có năm điều răn thay vì sáu. Tuy nhiên, Hội Thánh không bỏ đi điều răn nào trong sáu điều răn trước đây, nhưng tóm lại thành bốn điều, đồng thời thêm một điều mới: đóng góp để xây dựng Hội Thánh.

 Bản Giáo Lý Hỏi Thưa của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam tóm lại như sau:

 Câu 466. H. Hội Thánh có mấy điều răn?

  1.  Hội Thánh có năm điều răn:

–  Thứ nhất: dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc;

–  Thứ hai: xưng tội trong một năm ít là một lần;

–  Thứ ba: rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh;

–  Thứ bốn: giữ chay và kiêng thịt những ngày HT buộc;

– Thứ năm: góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình.

Điều răn thứ năm, tuy được kể là “mới” trên văn bản, song đối với người Giáo Dân Việt Nam chúng ta, vốn dĩ đã luôn có lòng chung, lúc nào cũng biết nghĩ đến ích lợi cho Giáo xứ, Giáo phận. Không kể tiền bạc và công sức, chia sẻ công việc trong phụng vụ, trong việc điều hành giáo xứ, cũng là những đóng góp rất đáng trân trọng.

Việc sửa đổi kinh sách thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục hoặc Đấng Bản Quyền Địa Phương. Chúng ta chờ đợi một thông báo chung.

  1. Hội Dòng, Cộng đoàn đặt MTC chầu thì sao?

Giáo luật điều 943 viết rằng: “Thừa tác viên đặt Mình Thánh để chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế; trong những hoàn cảnh riêng, Thừa Tác Viên Giúp Lễ, Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh hay một người nào khác được Đấng Bản Quyền địa phương ủy quyền, có thể đặt và cất Mình Thánh, mà không ban phép lành, nhưng vẫn phải giữ những quy định của Đức Giám Mục Giáo phận”.

Có ba hình thức Chầu Thánh Thể: mở cửa nhà tạm, đặt bình Mình Thánh Chúa, đặt Hào Quang…

Nếu không có linh mục và phó tế, quý dì làm TTV ngoại thường được phép đặt. Chúng ta có thể xin ĐGM hai hoặc ba người thay nhau đề phòng khi có người vắng mặt. Cách thực hiện xin đọc cuốn “Nghi thức Trao MTC cho bệnh nhân” của giáo phận.

  1. Nhà nguyện trong cộng đoàn có Mình Thánh Chúa khi Cha Xứ đi vắng (đi tĩnh tâm) dài ngày thì Dì Bề Trên trong cộng đoàn có thể được làm Phụng Vụ Lời Chúa và cho các Dì trong cộng đoàn Rước Lễ không?

Thưa: Về việc “suy tôn Lời Chúa và cho rước lễ”

Theo các số 162-167 trong Huấn thị Bí Tích Cứu độ (RS):

– Cha sở buộc phải lo liệu cho Giáo dân có Thánh lễ trong các ngày Chúa nhật và Lễ Trọng.

Còn về cử hành Lời Chúa và cho rước lễ thì Huấn thị ghi:

– Số 164 viết: “Tuy nhiên, các cử hành ngày chúa nhật đặc biệt loại này phải luôn luôn được coi như có một tính tuyệt đối ngoại thường. Vì thế, tất cả những ai được Giám Mục giáo phận chỉ định thi hành một chức vụ trong những cử hành như vậy, dù họ là phó tế hoặc giáo dân, họ “có trách nhiệm gìn giữ sống động trong cộng đoàn một sự ‘khao khát’ đích thực bí tích Thánh Thể, để không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào có Thánh Lễ, bằng cách tận dụng sự hiện diện ngẫu nhiên của một linh mục, miễn là vị ấy không mắc ngăn trở theo giáo luật”

Một bài viết nói: “Việc ‘suy tôn Lời Chúa và cho rước lễ’ trong ngày thường: Giám mục không được ‘dễ dàng cho phép’ – nhất là tại những nơi mà ngày Chúa Nhật trước hoặc sau, đã có hoặc sẽ có Thánh lễ… Vì lý do chính đáng (trong dịp Tĩnh Tâm năm) hoặc bất khả kháng (bệnh, sức khoẻ…), cha sở cũng không được nhờ các chủng sinh, hoặc nữ tu, hoặc giáo dân (kể cả trong trường hợp họ có tác vụ ‘thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ’ cử hành buổi ‘suy tôn Lời Chúa và cho rước lễ’”[5]. Chúng ta được khích lệ để thực hiện việc rước lễ thiêng liêng.

  1. Trong sách Lễ Roma, một vài chỗ vị chủ tế xướng: CHÚA Ở CÙNG ANH CHỊ EM (Đầu lễ, Trước phần Kinh Tiền tụng…).

Nếu cộng đoàn toàn là nam hoặc nữ, thì có thể thưa: CHÚA Ở CÙNG ANH EM hoặc CHÚA Ở CÙNG CHỊ EM có được không? Vì có người nói Sách Lễ in thế nào thì đọc như vậy, không được phép thay đổi.

Thưa: Tiếng Việt chúng ta mới gặp trường hợp này. Trong Nghi Thức Thánh Lễ, có những chỗ chúng ta hoàn toàn phải tôn trọng bản văn, không thêm không bớt và không sửa đổi… nhưng cũng có những chỗ chúng ta có thể thích nghi tùy hoàn cảnh. Câu chúc này không mang tính quá chặt chẽ. Ngoài việc bản văn in sao thì đọc vậy, nhiều người còn lý luận: cộng đoàn phụng vụ luôn là Hội Thánh, có nam có nữ nên cứ xướng y như vậy: “Chúa ở cùng anh chị em”… Có lẽ không nên nô lệ từ ngữ ở chỗ này, nhiều lúc chúng ta nói: “hãy thương mến anh em mình” thì đâu có phải chỉ thương mến các anh mà bỏ các chị. Nói “Chúa ở cùng chị em” hướng về chính cộng đoàn đang hiện diện trước mắt chủ tế, nhưng đó là cộng đoàn chị em hoặc anh em đang là hình ảnh của toàn thể Hội Thánh. Đâu có gì mất đi ý nghĩa phụng vụ.

  1. Trong phần đọc dành cho đồng tế 1 hay đồng tế 2, VỊ CHỦ TẾ rời khỏi vị trí giữa bàn thánh, để nhường cho vị đồng tế 1 đọc phần đồng tế (vì lý do micro chỉ có 1 cái ở giữa) thì có được không?

Thưa: Con nghĩ vì lý do bất tiện di chuyển micrô, nên việc chủ lễ nhường chỗ cho đồng tế 1 và 2 đứng vào vị trí của mình, tưởng cũng không phải là điều gì đó làm lu mờ vai trò chủ tế. Đây là những trường hợp hiếm có, còn nếu nơi nào cử hành thánh lễ đồng tế như Hội Dòng, con tưởng chẳng nơi nào để thiếu micrô.

  1. Có vài nơi cộng đoàn cho rước lễ dưới hai hình (bánh và rượu):

Ngoài nguyên tắc dành cho các linh mục đồng tế, thì: hình thức trao cho tu sĩ hoặc giáo dân thế nào là đúng nhất. Lý do, có nơi:

1/ Vị thừa tác viên cầm bánh thánh chấm vào chén rượu thánh và trao thẳng trực tiếp cho người rước lễ.

2/ Vị thừa tác viên trao bánh thánh, sau đó tu sĩ và giáo dân cầm và tự chấm (có 1 thừa tác viên cầm chén thánh bên cạnh)

3/ Vị thừa tác viên trao bánh thánh. Giáo dân sau khi rước bánh thánh xong, thì sang bên cạnh và cầm chén rượu thánh tự uống (giống hình thức ở Mỹ và vài nước Châu Âu)

Vậy các hình thức trên có được không?

Thưa: Cách thứ nhất và cách thứ ba, thì đúng. Còn cách thứ hai thì không.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2002 ghi:

  1. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống chén thánh, người rước lễ sau khi đã chịu Mình Thánh, đi sang thừa tác viên cầm chén và đứng trước mặt. Thừa tác viên nói: “Máu Thánh Chúa Kitô”, người rước đáp: “A-men”, và thừa tác viên đưa chén, người rước cầm chén bằng hai tay đưa lên miệng. Người rước uống một chút, trả lại chén cho thừa tác viên rồi lui gót; thừa tác viên dùng khăn lau miệng chén.

  2. Nếu rước chén thánh bằng cách chấm, người rước cầm đĩa dưới miệng, tiến đến vị tư tế cầm chén thánh và bên cạnh ngài có thừa tác viên cầm bình Mình Thánh. Vị tư tế lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén, rồi đưa cho vừa nói: “Mình và Máu Chúa Kitô”, người rước nhận lấy bằng miệng, rồi lui gót.

Con Huấn Thị về Bí Tích Cứu Độ thì ghi (25/3/2004):

  1. Không được cho giáo dân rước với chén thánh, nếu, vì số người rước lễ đông, khó mà lường được lượng rượu cần thiết cho Thánh Lễ; quả nhiên, phải tránh nguy cơ “còn dư quá nhiều Máu Chúa Kitô phải rước cuối buổi cử hành”.

  2. Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô.

Như vậy, nếu cho rước lễ bằng cách chấm, thì người nhận phải lãnh nhận bằng miệng.

Trong Cộng đoàn nhà tu, chúng ta được phép đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa theo luật phụng vụ, nghĩa là theo sự chọn lựa các lễ mà chúng ta muốn.

  1. Thánh ca chiếm vị trí quan trọng trong Phụng vụ, nhất là Thánh lễ. Thánh Ca được coi là “Nô tỳ của Phụng vụ”. Thế nhưng vài nơi nhà thờ thì nghe hát vài bài Thánh ca không phù hợp. Thí dụ : “Từ muôn phương ta về đây…” Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời…”, hoặc Mary Boychild (vào lễ Giáng sinh), v.v… Ủy ban Thánh Ca và Thánh Nhạc trong giáo phận Xuân Lộc có qui định gì về vấn đề này không? Nhất là những bài ca mang tính tôn giáo hoặc hành hương không được hát trong Thánh lễ không?

Thưa: Con chỉ xin trả lời vắn tắt, những bài hát đã được Đức Giám Mục hoặc HĐGM chuẩn nhận để hát trong phụng vụ thì được hát trong các cử hành phụng vụ. Nếu bài hát nào chỉ mang tính đạo đức, chưa có phép ĐGM thì không được.

  1. Một ngày quá bận rộn, đến tối mới về đến nhà đọc luôn một lúc Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối được không? Lỗi bỏ các Giờ Kinh Phụng Vụ thì thế nào?

Thưa: Một trong những mục đích của Giờ Kinh Phụng Vụ là thánh hóa thời gian. Nếu bận rộn mà không thể đọc đúng thời gian trong ngày thì không buộc đọc cho đủ. Nhiều Hội Dòng đã đưa ra cách thế để thay thế.

Còn việc có tội hay không trong việc bỏ bổn phận này thì thường có hai khuynh hướng: một số người chẳng thấy lo lắng gì khi bỏ vì chẳng có luật nào ghi bỏ là có tội, người khác thì thấy bối rồi vì mình đã bỏ bổn phận phải làm. Dĩ nhiên, với lời cam kết khi khấn dòng, chúng ta lỗi đức thờ phượng khi bỏ bổn phận này mà không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, chúng ta cần vươn lên từ bình diện luân lý đến bình diện tình yêu, đặt mọi bổn phận trong tương quan với Chúa. Trong yêu mến, chúng ta sẽ không thấy đó là bổn phận mà là ân huệ Chúa ban. Cái gì nhỏ bé nhất làm trong yêu mến cũng sẽ thấy ngọt ngào, nhưng chỉ là bổn phận thì quả là gánh nặng của cả cuộc đời.

  1. Nguồn gốc và ý nghĩa thánh lễ 04 Tết tại Giáo Phận.

Lời kết

Hiểu thêm ít Nguyên Tắc Phụng Vụ, nhưng nếu xảy ra những khác biệt tại giáo xứ, xin khôn ngoan. Nếu tế nhị sửa đổi được thì nên làm, nhưng nếu khó khăn thì giữ thinh lặng là tốt nhất, tránh mọi tranh luận. Nếu cha xứ, cha phó nhờ làm một điều gì đó không đúng, chúng ta cứ lịch sự thưa lại: “Hình như điều này chúng con không được phép”. Nếu cha bảo cứ làm, chúng ta cứ vâng lời và không mắc lỗi về điều này.

[1] Phan Tấn Thành, Tại sao việc rước lễ lần cuối cùng được gọi là “Của Ăn Đàng”?

[2] Blaise Pascal, Pensée, 278 (x. Phúc Thay! Tám Mối Phúc Thật, tr. 557).

[3] x. Nguyễn Ngọc Thế, Phúc Thay! Tám Mối Phúc Thật, NXB Tôn Giáo 2015, tr. 558.

[4] Maurice Zundel, Sống với Chúa trong cái thường ngày, tập 2, 1990, tr. 91

[5] Phêrô Vũ Văn Hải (Giáo xứ Cái Tắc), Thừa Tác Viên Trao Mình Thánh Chúa, https://vi-vn.facebook.com/hdcaitacct/posts/1800337150188811