GIÁNG SINH: LỄ RẠNG ĐÔNG

Bài 1

Is 62,11-12; Lc 2,15-20

Chủ đề: Cuộc đổi đời thăng hoa kỳ diệu,
tuyệt vời do “ĐẤNG GIÁNG SINH LÀM NGƯỜI” mang lại cho nhân loại.

* Is 62,12: chúng sẽ được gọi là “Dân Thánh” là “cô gái đắt chồng”.

* Lc 2,18.20: các mục đồng trở thành chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng Giáng Sinh: “Họ kể lại điều đã được nói với họ về HÀI NHI… Rồi ra về, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.

Chúa đã đến rồi! “Này tôi báo cho anh em một TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI, cũng là Tin Mừng CHO TOÀN DÂN”. Một Tin Mừng cả thể đã được thiên thần loan báo cho các mục đồng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là ĐẤNG KITÔ ĐỨC CHÚA”. Đó là sứ điệp vui mừng của lễ Nửa Đêm.

Đáp lại Tin Vui ấy, các mục đồng đã lên đường tìm chiêm ngắm Đấng Cứu Tinh. Tin Mừng lễ Rạng Đông thuật lại cho chúng ta thái độ đáp trả mau mắn ấy của các mục đồng.

Phối hợp với bài đọc một, chúng ta thấy rằng Niềm Vui ấy không giới hạn trong số người chăn chiên ít ỏi nghèo nàn, mà đã mở rộng ra cho toàn cõi đất. Tin Mừng cho Xion, Dân Chúa bây giờ phải được loan báo cho mọi người trên toàn thế giới. Đó là sứ điệp mở đầu của bài đọc 1: “Đây là lời ĐỨC CHÚA loan truyền cho KHẮP CÙNG CÕI ĐẤT”. Sứ điệp vui mừng cho Thiếu Nữ Xion “ƠN CỨU ĐỘ của NGƯƠI đã tới” nay trở thành Niềm Vui cho “khắp cùng cõi đất”. Ơn cứu độ ấy sẽ được kèm theo một hồng ân ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI. Đó là PHẦN THƯỞNG cho những ai mở rộng lòng đón nhận tin mừng. Tất cả đều trở nên “DÂN THÁNH” của Chúa, được gia nhập vào hàng ngũ “những người được ĐỨC CHÚA cứu chuộc”.

Còn riêng đối với Israel vốn đã là Dân Thánh của Chúa, số phận cũng được thăng hoa, được tôn vinh dung nhan rạng rỡ bằng những cách nói truyền thống giàu tính biểu tượng: “Còn ngươi (tức Israel) sẽ được gọi là “CÔ GÁI ĐẮT CHỒNG”, là “THÀNH KHÔNG BỊ BỎ”. Hình ảnh niềm vui của một thiếu nữ được người yêu săn đón, hình ảnh niềm vui của một thành đầy dân cư ngụ với cuộc sống phú túc là những biểu tượng truyền thống diễn tả Niềm Vui Thiên Sai.

Những gì được tiên báo trong bài đọc một được nói rõ ra trong bài đọc Tin Mừng:

Các mục đồng, là một biểu tượng của Số Sót Lại của Israel đã vội vã lên đường đến Bêlem; Và hồng ân, phần thưởng họ nhận được là ĐÃ GẶP ĐƯỢC “Maria, Giuse và HÀI NHI đặt nằm trong máng cỏ”.

Ngay tức khắc, cuộc đời họ đổi thay: họ trở nên NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ngang qua việc “họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Điều họ đã nhận được từ các thiên thần.

Và ngay lập tức, “Tin Mừng trọng đại” ấy được loan đi “khắp cùng cõi đất”. Vì lúc ấy, trong nhà trọ, người tứ xứ kéo về đang tạm trú ở đó để khai tên tuổi theo lệnh hoàng đế Auguttô. Tất cả dân tứ phương thiên hạ có mặt ở đó đều thấy tận mắt Hài Nhi và gia đình, đều nghe tận tai lời loan báo, giải thích của các mục đồng.

Như vậy, Tin Mừng mà đầu tiên chỉ được thiên thần loan báo cho các mục đồng thì giờ đây đã được loan báo cho những người đến từ “khắp cùng cõi đất”. Vấn đề còn lại là thái độ đáp trả của mỗi người.

  • Các mục đồng đơn sơ đón nhận tin vui, trở thành người loan báo tin mừng và cuộc đời đổi mới: về lại với đời thường “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.

  • Còn các lữ khách đến từ bốn phương trong khắp đế quốc? Họ chỉ ngạc nhiên. Tuy vậy họ đã nghe sứ điệp từ trời và cũng đã thấy Hài Nhi.

  • Còn Mẹ Maria? “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và SUY ĐI NGHĨ LẠI TRONG LÒNG”.

Thiên Chúa đã tỏ mình! Sự kiện Giáng Sinh đã diễn ra trong dòng lịch sử nhân loại! Biến cố ấy cũng đã loan đi “khắp cùng cõi đất”! Nhưng phần đáp trả từ phía con người thì sao?

Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng mỗi tín hữu biết đáp trả lại như Mẹ Maria, như các mục đồng để biến cố Giáng Sinh, Mầu Nhiệm nhập thể thực sự là một TIN MỪNG CẢ THỂ, TRỌNG ĐẠI cho nhân loại, cho từng người.

Bài 2

SUY NIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Dựa trên 4 bài đọc Tin Mừng:

  • Mt 1,1-25 Lễ Vọng

  • Lc 2,1-14 Lễ Đêm

  • Lc 2,15-20 Lễ Rạng Đông

  • Ga 1,1-18 Lễ Ban Ngày

Cũng như bao nhiêu mầu nhiệm khác, “Giáng Sinh” là hoa trái của cả một hành trình dài lịch sử cứu độ với biết bao thăng trầm, xấu tốt đan chen vào nhau dệt nên tấm vải hồng ân. Từng bước thứ tha, đào tạo, tinh luyện… chắt lọc qua bao thế hệ, Thiên Chúa mới đưa được công trình cứu độ đến mức viên mãn: khi đến thời đến buổi, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để… chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa (x. Gl 4,4-5).

Con người nhưng lại từ chối phận làm người, đòi làm Thiên Chúa và kết quả là đổ vỡ tất cả, vườn Địa Đàng khép lại (x. St 3); Để hồi phục nhân loại, Con Thiên Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa, lại đảm nhận thân phận phàm nhân, sống dưới quyền Lề Luật để nâng phận phàm nhân lên ngang hàng Thiên Chúa (x. Pl 2,6-11); Và ai tin vào người con ấy sẽ được quyền làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Khi kiên trì, TỪNG BƯỚC MỘT, lệ thuộc dòng thời gian và nhiều yếu tố phàm trần khác, Thiên Chúa yêu thương nói với con người, khờ dại (đòi làm Chúa, không chịu làm người theo lời xúi dại của Rắn) rằng chỉ có con đường làm người trọn vẹn trong Đức Kitô, theo Thánh Ý Cha, mới đưa nhân loại tới vinh quang đích thật được làm con Thiên Chúa, được nâng lên bằng Thiên Chúa.

Trong ý định từ muôn đời của Thiên Chúa, yếu tố nền để con người thực sự làm người trọn vẹn không phải là một cá nhân hoàn thiện, riêng rẽ mà là một cộng đoàn, MỘT GIA ĐÌNH: Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo HÌNH ẢNH CHÚA là một cộng đoàn “con người có nam có nữ” (St 1,27); Và cộng đoàn tiên khởi, nền tảng đó là GIA ĐÌNH: “con người ở một mình thì không tốt…” (St 2,18) nên phải lìa bỏ cha mẹ, gắn bó với vợ mình nên một xương một thịt (St 2,24). Và để giữ vững cái cộng đoàn nền, hạnh phúc ấy, con người phải tuân theo lệnh Chúa (St 2,17). Tiếc thay nhân loại ấy đã đồng lõa với nhau chống lại ý định Thiên Chúa đối với mình: nên nhớ rằng tội chưa hiện nguyên hình gian ác khi người nam là Adam CHƯA ăn trái cấm. Như vậy con đường sống vẫn còn mở ra cho nhân loại: chỉ cần tìm cho được trong hàng ngũ nhân loại có được một người sẵn sàng làm theo Ý Chúa mọi đàng thì nhân loại được hồi phục. Và chính Thiên Chúa đã yêu thương đứng ra đảm nhận trách nhiệm đi tìm con người ấy giữa lòng nhân loại đã sa ngã (St 3,15). Thiên Chúa đã ra tay can thiệp bênh vực con người. Theo St 3,15 thì:

  • Trước tiên, ngay tại hiện trường ở gốc Cây Trái Cấm, lúc nhân loại đã thua trận, tưởng chừng hết phương cứu chữa (vì ăn trái cấm là chết mà) thì Thiên Chúa đã xuất hiện bênh vực nhân loại, vực “người đàn bà” chỗi dậy tiếp tục chiến đấu: Ta đặt mối thù giữa mi (cá nhân Con Rắn) và người đàn bà (theo St 2,23 là cá nhân Eva)”. Như vậy, hai nguyên tổ chưa phải chết ngay, trái lại còn sinh con đẻ cái gây dựng nên dòng dõi cho dù phải chịu hậu quả trước mắt là bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng.

  • Rồi từ dòng dõi ấy mới xuất hiện Đấng Đạp Đầu Rắn. Vậy để Đấng Cứu Thế ra đời, Thiên Chúa cần sự cộng tác của cả cộng đồng nhân loại, nhất là Nhóm còn sót lại, cụ thể phải là một gia đình chứ không chỉ là một cá nhân.

Ngoài ra, để một cá nhân, một gia đình có được cuộc sống an lành, có được điều kiện thuận lời để thể hiện được ơn gọi “là hình ảnh của Thiên Chúa” thì vai trò, bối cảnh xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhờ được sống trong lòng xã hội, có Lề Luật chở che hướng dẫn và nhờ cơ chế, truyền thống xã hội duy trì, gìn giữ, lọc lựa… các giá trị qua dòng lịch sử mà các công cuộc, nỗ lực của cá nhân lẫn gia đình mới thực sự mang lại công ích thiết thực cho nhân loại mọi thời.

Dựa theo những điều được trình bày trên, chúng ta suy niệm thêm về một số yếu tố ít được truyền thống lưu ý của mầu nhiệm Giáng Sinh. Khi nói tới mầu nhiềm Giáng Sinh, chúng ta thường nhớ đến vai trò của Đức Giêsu, của Đức Mẹ, của Gioan Tẩy Giả, còn vai trò, dung mạo của Giuse ít được nhắc tới; Còn vai trò của xã hội, của gia đình, của Luật gần như bị bỏ quên. Bài suy niệm này lưu tâm đến những gì lâu nay ít được đề cập đến đặc biệt trong năm Thánh kính Thánh Giuse.

1/ Giáng Sinh là hoa trái của Luật và truyền thống:

Để dọn đường cho Ngôi Lời giáng sinh, Thiên Chúa đã phải tận lực làm việc suốt dòng lịch sử:

  • Thiên Chúa tha thứ, bảo vệ Cain, cho dòng dõi ông phát triển (St 5,15-22).

  • Tinh luyện nhân loại: với Hồng Thủy (St 6-9), Thiên Chúa gột rửa nhân loại khỏi mọi tội nhơ, bảo vệ người công chính, đưa Nôê và gia đình vào tuong quan thân tình với Thiên Chúa: kết giao ước.

Tưởng chừng với một GIA ĐÌNH đã được lọc lựa ấy, sẽ có được một nhân loại đạo đức biết làm theo Ý Chúa. Tiếc thay “ngựa quen đường cũ”, ngay từ trong gia đình của “người công chính” ấy (x. St 6,9b) đã nảy sinh mầm tội (x. St 9,18-25). Rồi khi nhân loại nên hùng mạnh thì nảy sinh tâm tình chống Chúa dẫn tới hậu quả là mất hiệp nhất, chia rẽ, hỗn độn: chuyện Tháp Babel (x. St 11,1-9).

Với đám người hỗn độn, tan nát ấy, Chúa lại phải ra công tái thiết và khởi sự với việc gọi Abram (x. St 12,1-4). Ban đầu, Abram là dân ngoại, thờ thần, không biết Thiên Chúa là ai, nhưng Thiên Chúa đã kêu gọi, đào tạo, ban cho ông một dân, một đất (x. Gs 24,2-13), để rồi từ dân đó, Chúa cho xuất hiện Vị Cứu Tinh mang đến ơn cứu độ (x. Ga 4,22).

  • Công cuộc đào tạo, tinh luyện ấy được Thiên Chúa kiên trì thực hiện từng bước một suốt gần hai ngàn năm của lịch sử Israel. Những nét chính được Matthêu tóm lược cách tài tình và đầy ý nghĩa trong bản “gia phả của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavit, con cháu tổ phụ Abraham (Mt 1,1-17). Trong bài suy niệm hôm nay, chúng ta chỉ chú ý đến vài chi tiết trong bản gia phả nhằm trả lời vấn nạn của các tín hữu tiên khởi (và cũng là của chúng ta hôm nay) là: dựa vào đâu để tin nhận rằng Đức Giêsu là thuộc dòng tộc Đavit, là con cháu Abraham cho dù Người không phải là con của Giuse?

Đó là nhờ cả một truyền thống, Luật của toàn thể một dân tộc đã sống, tuân theo những tập tục, phong hóa, luật lệ xã hội suốt gần hai ngàn năm lịch sử từ Abraham cho đến thời Đức Giêsu. Tất cả đã ăn sâu vào huyết quản của dân tộc Do Thái một tầm nhìn, một quan niệm, một phong thái sống đến độ khi đến thời Đức Giêsu, dù biết rõ Người không phải là con của Giuse do huyết nhục, nhưng tất cả các tín hữu kitô không ai đặt vấn đề về tính hợp pháp, chân truyền của việc Đức Giêsu được hưởng quyền thừa kế đích thực những gì Thiên Chúa đã hứa với hoàng tộc Đavit, cũng như đã hứa với tổ phụ Abraham. Chúng ta cùng nhau khám phá những chi tiết giúp giải đáp vấn nạn nêu trên ẩn chứa trong bản gia phả này.

1.1/ Thời các Tổ Phụ:

*St 17,9-14 yếu tố để một cá nhân được công nhận là thuộc về dòng tộc của Abraham không phải là huyết nhục mà là giao ước: “người đàn ông con trai, không được cắt bì… sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ” (St 17,14). Đó là giao ước Thiên Chúa ký với Abraham khi đổi tên ông. “Giao Ước” chứ không phải là “huyết tộc” là yếu tố xác nhận thành viên của nhà Abraham, được thừa kế lời Chúa hứa.

*Giacop chọn Ephraim chứ không chọn Manassê (St 48,17-20); Rồi ông chọn Giuđa đứa con thứ tư làm người lãnh đạo anh em (St 49,8-12) chứ không phải là Ruben, con trưởng hoặc Giuse, đứa con yêu. Yếu tố để được thừa kế là được cha, người đang nắm quyền, trao cho quyền bính.

*Giuđa không trao quyền thừa kế cho con chính thất của mình là Sêla (St 38,5) mà lại trao cho Peret là đứa con ông có với con dâu Thamar của ông.

1.2/ Thời vào Đất Hứa và thời các Thủ lãnh:

*Rakhap là gái điếm và là dân ngoại ở thành Giêricô. Có lẽ một trong hai người được Giôsuê sai đi dò thám Giêricô đã cưới cô vì được cô cứu giúp (x. Gs 2,1-6), Mt 1,5 gọi tên ông ấy là Xanmôn. Ông đã trao quyền thừa kế lại cho Boat, con của cô gái điếm dân ngoại.

*Còn trường hợp bà Rút: theo luật thế huynh, lẽ ra Ôvêt con của Rút phải thuộc chi nhánh của Êlimelek, nhưng Bôat đã nhận Ôvêt làm kẻ thừa kế của mình (x. Rút 4,9-17).

1.3/ Thời quân chủ:

*Vua Đavit cướp bà Batseva vợ ông Urigia sinh ra Salomon. Lẽ ra người kế vị Đavit phải là Ađônigia, nhưng rồi Đavit đã chọn Salomon, con của Batseva để làm người thừa kế.

Như vậy Luật Giao Ước, tập tục, truyền thống dân tộc và quyền chọn lựa quyết định của người cha là những yếu tố, điều kiện cần và đủ để con của một phụ nữ được chồng mình chọn làm người thừa kế được hưởng trọn quyền theo đúng luật. Tất cả các yếu tố đó đã được Chúa dùng để dọn đường, dọn lòng dân Chúa suốt hai ngàn năm để Con Chúa nhập thể thực sự là con cháu tổ phụ Abraham, thuộc nhà Đavit nhờ Giuse là đúng luật, hợp pháp.

2/ Giáng Sinh hoa trái của tình yêu gia đình:

Trong Sách Sáng Thế, Chúa dựng nên con người là một gia đình và từ gia đình ấy, nhân loại sinh sôi nẩy nở và hoàn thành. Do đó khi muốn Ngôi Lời nhập thể làm con người, trước tiên, Chúa chuẩn bị một gia đình trong đó các thành viên yêu thương, đón nhận nhau cách trọn hảo, coi nhau là quà tặng ân sủng của Thiên Chúa (chứ không phải là kẻ hại nhau như trong Sáng Thế sau sa ngã): Maria và Giuse đã ĐÍNH HÔN với nhau. Đó là ý muốn của Thiên Chúa và Người quyết giữ ý định đó nên cho dù đã trao cho Maria sứ mạng thiên sai làm Mẹ Đấng Cứu Thế (không phải là con thánh Giuse) và Giuse muốn từ bỏ sống gia đình với Maria (âm thầm bỏ đi) thì Thiên Chúa đã ngăn cản: “đừng ngại đón Maria vợ ông về” và phải nhận quyền làm cha pháp lý trao quyền thừa kế cho Hài Nhi mà Maria đang cưu mang (x. Mt 1,20.21.24.25).

Không có gia đình làm nền, MỘT MÌNH Maria đơn độc không thể chu toàn trọn vẹn ơn gọi làm mẹ “Đấng Cứu Thế sinh từ hoàng tộc Đavit” được. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã nối kết các thành viên của gia đình lại cho dù có nhiều yếu tố bề ngoài tưởng chừng xé nát gia đình đó: Maria đồng ý thụ thai với một quyền năng không phải là chồng mình; Giuse có ý định bỏ Maria. Và Thiên Chúa đã gây dựng lại gia đình kiểu mẫu nhờ có “Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta” đang ngự giữa gia đình đó. Các thành viên lại gắn bó với nhau bền vững hơn, yêu nhau chân thật, tinh tuyền hơn không vì huyết nhục nữa mà vì có “Ngôi Lời nhập thể” làm chất keo liên kết. “Hình ảnh Thiên Chúa” nơi Maria và Giuse ngày càng hoàn thiện và liên kết, yêu nhau (như Cha Yêu Con làm phát sinh ra Thánh Thần) nên đã phát sinh sự sống thần linh là Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa thật.

Chính qua đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình mà ơn gọi làm người của cả nhân loại, và ơn gọi làm người của từng cá nhân độc đáo mới có thể hoàn thành trọn vẹn.

Qua mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hồi phục nhân loại, hồi phục gia đình, hồi phục từng cá nhân, hoàn thiện tuyệt phẩm “con người là hình ảnh Thiên Chúa” và nhất là từ một GIA ĐÌNH nhân loại Con Thiên Chúa đã được sinh ra. TUYỆT VỜI! Con người không thể tưởng tượng được, đó là tuyệt phẩm của Tình Yêu Thiên Chúa.

3/ Vai trò duy nhất, bất khả thay thế của Giuse

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:

  • Vai trò “cháu đích tôn” của Abraham, của Đavit, nắm giữ quyền thừa kế chính thức lời Thiên Chúa đoan hứa với nhân loại (x. St 3,15), với Abraham và hoàng tộc Đavit (Mt 1,1-17) là độc quyền “của Giuse, không ai trong nhân loại, không người thứ hai nào thế được vị trí đó.

  • Vai trò làm chồng của Maria, làm cha của Giêsu là hợp pháp, đúng Luật đã được dân Chúa sống hai ngàn năm lịch sử cũng là độc nhất vô nhị được Thiên Chúa dành riêng cho Giuse.

  • Đó là phần Thiên Chúa đã dọn sẵn. Phần còn lại là thái độ đáp trả của Giuse. Phản ứng đầu tiên của Giuse là của một người con trai thực thụ, có bản lãnh và nhân hậu, quảng đại: âm thầm ra đi. Qua thái độ “âm thầm” này, Giuse muốn nhận hết nơi mình mọi hàm oan, tạo an toàn cho Maria và thai nhi trong dạ mẹ. Thật vậy với Luật đính hôn của dân Do Thái, việc Maria sớm có thai là một hồng ân của Thiên Chúa. Nhưng nếu Giuse chối từ thai nhi đó vì không phải là của ông thì đúng là hồng ân thành thảm họa ném đá Maria. Khổ thay, vốn là người ngay chính, Giuse không thể đánh lừa xã hội nói thai nhi đó là của mình. Theo tính toán của Giuse, tốt nhất chỉ còn cách là âm thầm trốn đi. Giuse cam nhận mọi oan khiên đổ hết trên đầu mình: kẻ vô hạnh, bạc tình, sở khanh, bỉ ổi, vô trách nhiệm… Còn Maria và thai nhi sẽ được xóm giềng cưu mang đùm bọc. Thái độ đó của Giuse sẽ làm gia đình tan vỡ và chắc chắn sẽ tác động xấu không nhỏ trên con người và sứ mạng của Đức Giêsu sau này.

Thiên Chúa không muốn như thế! Con Chúa nhập thể phải có một gia đình nhân loại đầm ấm, vợ chồng yêu thương kính trọng nhau, đón nhận hỗ trợ nhau… Giêsu phải sinh ra, lớn lên, được dưỡng dục trong tình yêu của cha của mẹ.

Như Abraham vâng lệnh Chúa hi sinh hiến tế Isaac huyết nhục để được lại một Isaac “phục sinh” tổ phụ dân Chúa, thì Thiên Chúa cũng muốn tinh luyện Giuse: Chúa muốn Giuse phải là chồng của Maria, là cha của Giêsu; Nhưng hiến dâng tế lễ cho Chúa cái tương quan chồng cha theo huyết nhục để đảm nhận vai trò “chồng, cha” theo Luật pháp, theo Giao Ước, ý định của Thiên Chúa. Khi Giuse đã bộc lộ ra hết những cái gì là sâu thẳm nhất của phận làm người, lúc đó Thiên Chúa thanh luyện bằng cách mặc khải cho ông biết toàn bộ ý định của Thiên Chúa đối với Maria và Thai Nhi. Và may mắn cho nhân loại, TẠ ƠN VÔ CÙNG THÁNH GIUSE: Giuse đã dâng tế phẩm là “quyền làm chồng, cha theo nhân loại” để đón nhận “quyền làm chồng làm cha theo dự tính của Thiên Chúa”, nhờ đó nhân loại phục sinh; Mầm sống đã được gieo trong cung lòng Maria được con người, Luật pháp, truyền thống, tập tục của nhân loại mà Giuse là đại diện đón nhận. Nhân loại mới, Adam mới (Giêsu), Eva mới (Maria) đã được Giuse (nhân loại cũ) tiếp đón. Nhân loại mới tinh tuyền trong Đức Giêsu đã hội nhập nên một với nhân loại cũ tội lỗi và “làm con” nhân loại tội lỗi nhờ thái độ im lặng đón nhận ý Chúa của Giuse.

Maria, Giêsu được hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội, còn Giuse thì không. Giuse mới thực sự chịu hết mọi hậu quả của nguyên tội như chúng ta, nhưng chính trong tình trạng bị vướng bùn nhơ nhân loại mới tinh tuyền làm con nhân loại cũ: Đức Giêsu con cháu Abraham, con cháu Đavit (Mathêu) và con Adam (Luca).

KẾT: khi nói tới Nhập Thể ta thường quy tất cả vào Maria và Giêsu. Vai trò gia đình, Luật và Giuse bị lãng quên. Trong năm Thánh Giuse, chúng ta cố gắng tìm hiểu sâu hơn vai trò của Thánh Cả và qua Thánh Cả, ta suy niệm về vai trò gia đình.

  • Trong Eden, khi phạm tội, Adam đã khước từ Eva và ý định Thiên Chúa trên mình; Nay Giuse là thành viên nhân loại tội lỗi đón nhận Maria và Ý Chúa trong Giêsu.

  • Kẻ gian ác cũng góp phần giúp mầu nhiệm tỏ hiện rõ nét: không có hoàng đế la mã, không có ác ý Hêrôđê làm sao Đức Giêsu sinh ở Bêlem, ứng nghiệm lời Kinh Thánh.

  • Thiên thần báo cho mục đồng dấu chỉ nhận ra Đấng Mêsia là Hài Nhi bọc trong tấm tã, nhưng khi tới Bêlem, họ nhận ra một GIA ĐÌNH (Lc 2,16)

Để Ngôi Lời giáng sinh, Thiên Chúa thiết lập một GIA ĐÌNH mới (chứ không phải chỉ một mình Maria đơn thân làm mẹ). Gia đình ấy được Đức Giêsu xác nhận lại (x. Mt 12,48-50). Đừng quên nhân loại là “hình ảnh Thiên Chúa” mà Thiên Chúa là một cộng đoàn gồm ba ngôi vị Cha, Con và Thánh Thần. Và ơn cứu độ chung cuộc được diễn tả bằng hình ảnh GIA ĐÌNH, con cùng một CHA.

Frère Pierre Đình Long FSC