Đức Mẹ Thánh Thể.

Ngày 13 tháng 5 hàng năm thường được nhiều người Công Giáo biết đến như Lễ Đức Mẹ Fatima, để nhớ lại việc Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu tại Fatima năm 1917 với ba trẻ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Tại nhiều nơi, ngày này còn được cử hành như Lễ Đức Mẹ Thánh Thể. 
Tại sao ngày kỷ niệm việc Đức Mẹ hiện ra lần đầu tại Fatima lại được chọn để mừng Lễ Đức Mẹ Thánh Thể? Câu trả lời được tìm thấy trong cuốn Cuộc Thánh Chiến của Mẹ Chúa Kitô, khi Chị Lucia thuật về lần hiện ra thứ ba của thiên thần năm 1916 như sau:
    “Chúng tôi đi từ Pregueira đến Lupa, đi quanh các ngọn đồi cạnh thôn Aljustrel và Casa Velha. Chúng tôi lần hạt ở đó và cùng nhau cầu nguyện, xin thiên thần hướng dẫn chúng tôi về những điều mà ngài đã nói trong lần hiện ra đầu tiên. Rồi thiên thần lại hiện ra với chúng tôi lần thứ ba, trên tay ngài có cầm cả chén thánh nữa.
    “Bánh Thánh ngự phía trên chén thánh, và từ đó vài giọt Máu đã rơi vào chén thánh. Ngài đã đặt chén thánh và Bánh Thánh lơ lửng trên không, đoạn quỳ xuống đất và lập lại lời cầu nguyện này ba lần: Lạy Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, đang ngự thật nơi mọi nhà tạm trên thế gối,  để đền tạ về những sự lăng nhục, phạm thánh và dửng dưng xúc phạm đến Người. Nhờ công nghiệp vô cùng của Rất Thánh Trái Tim Người và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, con nài xin Chúa ban ơn hối cải cho các tội nhân khốn khổ.
    “Rồi thiên thần đứng dậy cầm lấy chén và Bánh, ngài trao Mình Thánh cho Lucia, còn Máu Thánh trong chén thì ngài trao cho Giaxinta và Phanxicô. Ngài bảo: Hãy nhận lấy Mình Máu Chúa Giêsu, Đấng đã bị lăng nhục vì những kẻ vô ơn bội phản. Hãy xin Chúa cứu chữa những tội lỗi của họ và hãy an ủi Thiên Chúa các con.”
Như vậy, việc tôn thờ và đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể đã giữ một địa vị trung tâm trong sứ điệp Fatima ngay từ buổi đầu. 
Cũng thế, phép lạ mặt trời quay tại Fatima trước sự chứng kiến của 70 ngàn người ngày 13/10/1917 cũng phải được hiểu như lời Đức Mẹ khẩn thiết mời gọi mọi người phải hướng về Bí Tích Thánh Thể, là Mặt Trời của đời sống tâm linh của mọi người.
    Ngay cả tước hiệu “Đức Mẹ Mân Côi” mà Đức Mẹ đã tỏ ra cho ba trẻ tại Fatima cũng hướng mọi người về Chúa Giêsu Thánh Thể. Thật vậy, bản chất của việc lần hạt Mân Côi mà Mẹ kêu gọi mọi người thực hiện trong các lần hiện ra tại Fatima không là gì khác hơn là việc tiếp tục nối dài Thánh Lễ. Vì chính khi cầu kinh Mân Côi, người ta có cơ hội nhớ lại, chiêm ngắm và nỗ lực sống theo các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô với tâm tình yêu mến tôn thờ của Mẹ Maria. Mệnh lệnh “Hãy năng lần hạt Mân Côi” của Đức Mẹ tại Fatima có thể được coi là một cách nhắc lại lời Chúa Giêsu khi lập phép Thánh Thể: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc. 22:19).
    Lần sau cùng Thánh Kinh nhắc đến sự hiện diện của Mẹ Maria khi Mẹ còn sống ở trần gian là hình ảnh Mẹ cùng cầu nguyện với các môn đệ nơi Nhà Tiệc Ly (Acts 1:14). Với chi tiết này, Chúa Thánh Thần muốn các tín hữu Chúa Kitô phải luôn nhớ đến Mẹ là “Đức Mẹ Thánh Thể” và là Mẹ Hội Thánh, để noi gương Mẹ và kết hợp với Mẹ trong việc yêu mến tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể và trung thành phụng sự Hội Thánh. Lòng biệt kính đích thực dành cho Mẹ Maria bao giờ cũng phải gắn liền với lòng yêu mến tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể và lòng yêu mến vâng phục Hội Thánh.
    Trong cuốn Người Say Yêu Thánh Thể, Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Đấng Sáng lập Dòng Thánh Thể đã trình bày những giáo huấn rất quý giá và sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa lòng sùng kính Đức Mẹ với lòng tôn sùng Thánh Thể như sau:
    “Bởi vì ơn gọi của chúng ta là để tôn kính đặc biệt Phép Thánh Thể, nên chúng ta đừng vì lý do gì mà kém lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ. Thật là tội lộng ngôn nếu nói rằng: Chỉ duy Phép Thánh Thể là đủ cho tôi rồi: tôi không cần Đức Maria. Nhưng tôi sẽ tìm được Chúa Giêsu ở đâu trên trái đất này nếu không phải ở trong vòng tay Mẹ Maria? Mẹ chẳng phải là người ban cho chúng ta Phép Thánh Thể sao? Chính việc Mẹ ưng thuận cho Ngôi Lời nhập thể trong lòng Mẹ đã khai nguyên mầu nhiệm vĩ đại của sự đền tạ Thiên Chúa và sự kết hợp với chúng ta mà Chúa Giêsu đã thực hiện suốt cuộc đời dương thế của Ngài và vẫn tiếp tục trong Phép Thánh Thể.
    “Không có Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được Chúa Giêsu, vì mẹ chiếm hữu Ngài trong Trái Tim Mẹ. Ở đó Ngài lấy làm khoái vui, và ai muốn biết những nhân đức sâu thẳm nhất của Ngài, muốn nếm cảm đặc ân tình yêu sâu sắc nhất của Ngài, phải tìm biết và nếm cảm những sự ấy nơi Đức Maria. Những ai yêu mến Mẹ nhân lành sẽ tìm gặp được Chúa Giêsu trong Trái Tim thuần khiết Mẹ.
    “Chúng ta đừng bao giờ tách lìa Chúa Giêsu ra khỏi Mẹ Maria; chúng ta chỉ có thể đến với Ngài qua Mẹ.
    “Tuy nhiên, tôi vẫn chủ trương rằng chúng ta càng muốn yêu mến Thánh Thể, thì càng phải yêu mến Mẹ Maria hơn. Bao giờ chúng ta cũng yêu mến những gì mà bạn hữu ta yêu; mà có bao giờ có thụ tạo nào được Thiên Chúa yêu hơn, có người Mẹ nào được con mình kính mến hơn là Đức Maria được Chúa Giêsu yêu dấu?
    “Phải rồi, Chúa Giêsu sẽ phải đau khổ nhiều nếu chúng ta, những tôi tớ của Phép Thánh Thể, lại không có lòng tôn sùng lớn lao đối với Mẹ Maria, vì Mẹ là Mẹ Ngài! Chúa Giêsu đã mắc nợ Mẹ mọi sự trong trật tự nhập thể, tức bản tính nhân loại của Ngài. Chính bởi thịt Mẹ đã hiến cho Ngài mà Ngài đã tôn vinh Chúa Cha, đã cứu chuộc chúng ta, và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và cứu chuộc thế giới qua Phép Thánh Thể.
    “Đức Thánh Trinh Nữ đã làm gì trong Nhà Tiệc Ly? Mẹ thờ lạy. Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của những người tôn thờ. Nói tóm lại Mẹ là Đức Mẹ Thánh Thể…Chúng ta sẽ khám phá ra sự kết hợp hoàn hảo giữa hai Trái Tim này. Trái Tim Chúa và Trái Tim Mẹ đã hòa trộn với nhau như một Trái Tim, một sự sống…
    “Chúng ta hãy học đời sống nội tâm của Mẹ với việc cầu nguyện và tôn thờ. Chúng ta có thể hình dung ra trước mắt tất cả những gì mãnh liệt nhất trong tình yêu, tất cả những gì thánh thiện nhất, tốt nhất trong nhân đức, và đem gán tất cả cho Đức Maria. Và vì Mẹ Maria đã sống tại Nhà Tiệc Ly hơn hai mươi năm trong sự kết hợp với phép Bí Tích Cực Thánh, nên tất cả những nhân đức của Mẹ đều mang dấu ấn Thánh Thể. Chúng được nuôi dưỡng bởi những lần hiệp lễ, bởi việc tôn thờ, và bởi sự kết hợp không ngừng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Các nhân đức của Mẹ Maria suốt thời gian Mẹ lưu ngụ tại Nhà Tiệc Ly đã đạt tới trình độ hoàn hảo nhất—một sự hoàn hảo gần như vô giới hạn—và chỉ sau các nhân đức của Người Con Chí Thánh của Mẹ.
    “Tất cả mầu nhiệm về cuộc đời Đức Maria đã được tái diễn nơi Nhà Tiệc Ly. Nếu chúng ta suy gẫm về việc Mẹ sinh Con ở Bêlem, chúng ta hãy tiếp tục trình thuật Tin Mừng, và chúng ta sẽ hiểu ngay việc sinh ra phép Thánh Thể của cùng một người Con ấy trên bàn thờ. Hoặc nếu chúng ta suy về cuộc đào vong sang Aicập, chúng ta lại chẳng thấy rằng ngay bây giờ Chúa chúng ta vẫn ở giữa những người xa lạ và lỗ mãng, trong các thành phố và các quốc gia mà các nhà thờ bị đóng cửa, không có ai đến viếng thăm Ngài đó ư? Và rồi đến cuộc đời ẩn dật tại Nazareth, chúng ta lại không thấy Ngài vẫn còn mai ẩn hơn nữa tại đây sao? Cứ theo cách này mà suy gẫm tất cả các mầu nhiệm khác dưới ánh sáng Thánh Thể, và suy tư về phần mà Đức Maria đã góp vào đó…
    “Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo: Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó. Và như Đức Maria, chúng ta phải thích ứng với ân sủng này, bằng cách quan chiêm Chúa Giêsu trong tất cả các hành động của Ngài, bằng việc thờ lạy và kết hợp với Ngài trong tất cả các trạng thái khác nhau của đời sống Ngài.
    “Thánh Thể có năng lực hấp dẫn đối với Đức Thánh Trinh Nữ đến nỗi Mẹ không thể sống tách lìa khỏi Thánh Thể. Mẹ sống trong Thánh Thể và bởi Thánh Thể. Mẹ đã sống qua ngày cũng như đêm dưới chân Người Con Thần Linh của Mẹ.”
    Chắc hẳn khi đặt Bí Tích Thánh Thể làm trung tâm cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II muốn mọi người nhận biết rằng thời điểm của ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô giáo phải là Thời Điểm của Thánh Thể. Và biến cố Fatima đã góp phần chuẩn bị cho Thời Điểm này, vì Mẹ Maria hướng chúng ta về với Chúa Giêsu Thánh Thể.
    Sự liên hệ mật thiết giữa lòng biệt kính Đức Mẹ và việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể càng được nhận thấy rất rõ nơi những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Từ ngày 20-23/ 5/2004, tôi có dịp hành hương kính Đức Mẹ tại Lộ Đức để xin ơn canh tân ơn gọi linh mục sau mười năm lãnh sứ vụ. Tại đây, tôi đã được biết Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Lộ Đức gồm ba tầng là ba Thánh Đường dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Mân Côi và Thánh Giáo Hoàng Piô X, Vị Giáo Hoàng của Phép Thánh Thể. Bên ngoài Thánh Đường gần hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette là một lều thật lớn đặt Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật cho mọi người chiêm ngắm thờ lạy. Từ tháng ba đến tháng mười, khi trời không còn quá lạnh, mỗi ngày đều có kiệu Thánh Thể vào buổi chiều và kiệu rước nến tôn vinh Mẹ. 
    Vào đúng ngày kỷ niệm tròn mười năm linh mục, tôi nhận được một Ảnh Đức Mẹ Thánh Thể làm quà mừng với lời chúc ngắn gọn của một độc giả như sau: “28/5/2004 Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria Thánh Thể mãi mãi là Trung Tâm của đời LM của Cha Hưng” và lời chúc của cô em gái như sau: “Kỷ niệm 10 năm linh mục em chúc anh mãi mãi là một linh mục tốt lành thánh thiện, nhiệt tâm của Nữ vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi, của Tình Yêu Tuyệt Đối Thánh Tâm, Thánh Thể Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh”.
    Tôi còn mong gì hơn nữa?
    “Ôi Maria! Xin dạy chúng con biết đời sống tôn thờ! Hãy dạy chúng con biết chiêm ngắm, như Mẹ đã làm, tất cả các mầu nhiệm và tất cả các ân sủng của Phép Thánh Thể; để làm sống lại câu chuyện Tin Mừng và đọc lại nó dưới ánh sáng sự sống Chúa Giêsu Thánh Thể. Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin hãy nhớ Mẹ là Mẹ của tất cả những người tôn thờ Phép Thánh Thể” (Thánh Phêrô Giulianô Eymard)
        
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
(June 1, 2004)
(+Bức ảnh chụp Thánh Tượng Đức Mẹ Thánh Thể mà Thánh Tổ phụ Eymard đã tặng cho các chị Nữ tỳ Thánh Thể nhà paris. Hiện Thánh tượng vẫn còn và được đặt tại phòng Souvenir ở nhà Trung Ương Dòng- Canada)