CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Is 66, 18 – 21; Lc 13, 22- 30

Chủ đề: Tính phổ quát của ơn cứu độ

*Is 66, 18: Ta sẽ đến tụ họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.
*Lc 13, 29: Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

   Chủ đề chính của Chúa Nhật XXI C Mùa Thường Niên là tính phổ quát của ơn cứu độ. Ơn cứu độ là cho cả nhân loại và cho từng người. Tôn trọng thân phận loài người, vốn là do chính Chúa dựng nên, nên Thiên Chúa đã thực hiện ơn cứu độ cách tiệm tiến, từng bước một, tùy theo từng giai đoạn lịch sử. Và Thiên Chúa đã có sẵn dự tính để cuối cùng thì ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người; Mỗi người, mỗi giai đoạn lịch sử đều có vai trò trong chương trình của Chuá dù lắm khi chúng ta không hề hay biết. Thật vậy, Kinh Thánh cho biết: ban đầu Thiên Chúa tạo dựng chỉ có MỘT  nhân loại, chỉ có MỘT ơn cứu độ. Giống như chiếc xe máy mới xuất xưởng: mọi thành phần, mọi chi tiết đều phối hợp nhịp nhàng với nhau cách tuyệt hảo; mọi sự đều tốt đẹp! Nhưng dần dần qua dòng thời gian- với nhiều lý do – các thành phần bị hư hao. Thế là có những lần tu sửa cục bộ! Và cho tới lúc, đền thời đến buổi (x. Gl 4, 4; Dt 1, 2). Thiên Chúa muốn làm mới lại toàn diện trong Đức Kitô, chuẩn bị cho nhân loại bước vào “Trời đất mới” (x. Kh 21, 1).

   Trong quá trình chỉnh sửa tiệm tiến ấy, bước đầu tiên là Thiên Chúa chọn một con người giữa bao người, tên là Abram, rồi từng bước đào tạo đức tin cho ông, biến một ông già vô sinh thành cha một dân đông đúc và đổi tên cho ông thành ABRAHAM. Từ đó dân Do Thái từng bước được thành hình; Rồi Chúa ban cho dân ấy một lề luật, một giao ước biến họ thành Dân Chúa, dân tư tế chuyên phụng sự Chúa, và qua họ Chúa ngỏ lời cùng toàn thể nhân loại.

   Như vậy ơn cứu độ là CHUNG CHO MỌI NGƯỜI. Người được phúc đón nhận trước sẽ phải là cầu nối, là máy chuyền ơn cứu độ mình đã lãnh nhận được cho những kẻ đến sau, không được giữ riêng lại cho mình. Phần Chúa, Chúa đã mở rộng cánh cửa cứu độ cho mọi người; Tuy nhiên, phần con người, cho dù là Do Thái hay dân ngoại đều phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp” (Lc 13, 24). Đó là đòi hỏi của Đức Giêsu mà Lời Chúa hôm nay nhắc nhở thêm cho chúng ta.

   Bài đọc 1 trích từ chương 66, chương cuối cùng của sách Isaia. Is 66 mở đầu bằng hình ảnh bội phản của dân Chúa. Có tội thì đương nhiên là phải bị phạt! Nhưng vì thương Giêrusalem, Chúa vẫn tìm ra được cách phục hồi dân (66, 5 – 17) ngang qua việc Người ngự đến xét xử (câu 15). Xét xử không chỉ Israel mà còn toàn thể chư dân vì các tội đã phạm (câu 16 – 17). Tuy nhiên, xét xử không phải để tiêu diệt mà là để thanh luyện, để biểu lộ vinh quang thần linh cho “Số Còn Sót Lại” của dân Chúa, lẫn của chư dân để cứu họ tất cả, những người tin Chúa là Đấng Cứu Độ (x. Is 45, 20 – 25).

   Các chi tiết trong bài đọc 1 đều qui về chủ đề tính phổ quát của ơn cứu độ. Chúa sẽ đến để:

  • Tập họp chư dân cho họ thấy vinh quang Chúa (câu 18)

  • Biến dổi “số còn lại của chư dân”, tức là những người quay về với Đức Chúa của Israel, trở thành thừa sai loan báo Danh Chúa đến những nơi chưa hề thấy vinh quang của Người (câu 19).

  • Nhờ vậy, chư dân đều trở thành anh em với dân Chúa; Họ cũng sẽ được hiến thánh cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa: Tất cả chư dân đều được đưa về “làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA” ( câu 20).

  • Và còn tuyệt vời hơn nữa khi Chúa chọn một số người trong “số còn lại của chư dân” làm trở thành “tư tế”, thành “thầy Lê vi” của Chúa (câu 21).

    Tóm lại, mọi đặc quyền, trước kia chỉ dành riêng cho Israel, thì nay đã được mở rộng ra cho chư dân. Tất cả những ai đáp lại lời hiệu triệu của Thiên Chúa, tôn nhận, thờ lạy vinh quang thần linh của Người đều được nên một với dân Chúa (x. Gl 3, 28; Rm 10, 12; 1 Cr 12, 13). Tính PHỔ QUÁT của ơn cứu độ đã được loan báo trước từ trong Cựu Ước.

    Và Tin Mừng khẳng định thêm: “THIÊN HẠ sẽ từ ĐÔNG TÂY NAM BẮC đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (x Lc 13, 29). Tuy nhiên con cái trong nhà (ám chỉ dân Do Thái) lại có thể rơi vào nguy cơ “bị đuổi ra ngoài” (13, 28b). Vậy bài đọc Tin Mừng nhấn mạnh hơn tới điều kiện phải có từ phía con người để được hưởng ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp” (13, 24a). “Qua của hẹp” ám chỉ việc bước theo Đức Giêsu “trên đường tiến về Giêrusalem” (x. Lc 13, 22a), nghĩa là bước theo Người trên con đường Thập Giá.

     Đó là lời đáp của Đức Giêsu cho một người Do Thái hỏi “những người được cứu thì ít có phải không?”.  Như vậy có nghĩa là sẽ có người bị Thiên Chúa loại trừ? Câu đáp của Đức Giêsu hàm ý: ơn cứu độ không loại trừ ai; Tuy nhiên để được hưởng thì phải “chiến đấu để qua cửa hẹp”, phải tin vào đường Thập Giá của Đức Giêsu. Và Đức Giêsu cảnh cáo: đời người có giới hạn, vậy hãy kíp nhanh chân theo Đức Giêsu  bước vào cửa hẹp, vì nếu chần chờ, một khi chủ khép cửa lại rồi thì vô phương cứu vãn (13, 25).

   Đường dẫn tới ơn cứu độ đã được Đức Giêsu mở ra cho mọi người, và từng người đều có đường chạy, có khởi điểm riêng. Không ai bị loại trừ! Không gì phải chen lấn! Hiệu kỳ xuất phát là Thập Giá cũng đã phất lên rồi. Ai tin nhận và lao vào đường chạy thì đều sẽ là người được “lên hàng đầu” (13, 30) trong Nước của Thiên Chúa.

Bài 2

    Trên đường lên Giêrusalem … có kẻ hỏi Đức Giêsu: “Lạy Chúa những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” (c 23). Đức Giêsu đáp “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đế dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (c 29).

   Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên mời chúng ta cùng suy gẫm về chủ đề: tính phổ quát của ơn cứu độ. Điểm kết thúc của bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay đều nói tới việc dân ngoại được thông hiệp trọn vẹn vào tất cả những ân huệ mà trước kia dân Do Thái cứ lầm tưởng rằng những ơn đó chỉ dành riêng cho họ:

  • Bài đọc 1 kết thúc bằng một sấm ngôn của Yavê: “người ta sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi THUỘC MỌI DÂN TỘC về làm lễ phầm tiến dâng Yavê … và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi” (Is 66, 20 – 21).

  • Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu trong khi ngăm đe người Do Thái thì đã công bố “thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 13, 29).

    Thật vậy, Kinh Thánh ngay trong những trang đầu tiên đã tỏ cho nhân loại biết ý định cứu độ của Thiên Chúa là PHỔ QUÁT:

  • Thiên Chúa muốn tặng ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, muốn mọi người được nhận ra chân lý (x. 1 Tm 2, 4). Thiên Chúa muốn mọi người xác tín rằng chỉ có một Thiên Chúa là Cha, một Chúa (kurios = tức Đức Giêsu ), một phép rửa, một đức tin và một Chúa Thánh Thần hiệp nhất tất cả chúng ta trong một thân thể, chỉ có một đức tin, một niềm hi vọng, và một đức ai (x. Ep 4, 1 – 6).

  • Chính vì thế, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã khẳng định rằng Thiên Chúa dựng nên chỉ một vũ trụ, một nhân loại (ý nghĩa của việc Thiên Chúa dựng nên chỉ một cặp con người tiên khởi, từ họ nhân loại phát sinh), và khi nhân loại ấy sa ngã cần phải thanh luyện TẬN GỐC thì Chúa vẫn để lại một mầm sống từ nhân loại cũ để tạo nên nhân loại mới (Noê – Abram – Gốc Giêsê …)

   Thật vậy:

  • Chúa tạo dựng một nhân loại và chúc lành cho họ qua Adam: St 1, 28;

  • Sau Hồng Thủy, Chúa vẫn chúc lành cho toàn vũ trụ qua mọi thế hệ nhờ Nôê (St 9, 1; Chúa ký giao ước vĩnh cửu với toàn thể vũ trụ mới qua Nôê (St 9, 8 – 17).

  • Rồi khi nhân loại phân tán vì tội Babel, Thiên Chúa khởi sự tái thiết sợ hiệp nhất qua một con người trong đám phân rã đó: Abram. Chọn cá nhân ông nhưng là để chúc lành cho mọi dân mọi người, mọi thời (St 12, 3; 22, 18; Hc 44, 21 …)

  • Chuyện phân chia thành Do Thái, dân ngoại chỉ bắt đầu từ thời Giacop, Esau. Chúa chọn Giacop, nhưng cũng dùng Giuse con của Giacop để cứu toàn thể chư dân trong thời gian hạn hán bảy năm. Dự tính tính phổ quát không hề đổi thay trong ý định của Thiên Chúa. Do Thái vẫn sống để huề với các dân khác,

  • Nhưng về phía con người; sự phân rẽ dần dần đậm nét đến độ người Ai Cập muốn khai trừ, tiêu diệt người Do Thái vào thời Xuất Hành. Vua Ai Cập ra lệnh giết hết tất cả trẻ nam Do Thái sơ sinh vì sợ dân này sinh sản đông đúc sẽ chiếm lấy đất đai, quyền lợi của Ai Cập. Cho tới lúc này, người Do Thái chưa ý thức mình là một dân độc lập; Họ vẫn coi mình như đám người ở nhờ nên họ như cam chịu khi tai họa ập tới.

  • Với biến cố Xuất Hành do Môsê lãnh đạo, và nhờ việc Chúa đến đề nghị kết Giao Ước Sinai, ban lề luật cho họ, rồi sau đó là vào Đất Hứa, người Do Thái dần xác tín họ là một dân: một dân đặc biệt, dân riêng của Thiên Chúa.

  • Từ đó, khái niệm “dân riêng của Thiên Chúa” in sâu vào trong tâm thức của người Do Thái. Rồi khi đã vào sống trong Đất Hứa, chung đụng với cư dân địa phương và các tiểu lân quốc chung quanh, để chống lại những cám dỗ, lôi cuốn đến từ các nền văn hóa, tôn giáo, tập tục … của họ, dân Do Thái phải bám chắc vào niềm tự hào là “dân riêng của Thiên Chúa”.

  • Rồi đến thời các đế quốc, dân bị lưu đày, tầm nhìn của dân Chúa vượt khỏi biên giới Palestin, mở rộng ra khắp đế quốc với bao nhiêu những lôi cuốn mới, hiểm họa mới … Những người Do Thái đạo đức càng co cụm vào Nhóm nhỏ “Còn sót lại”: chỉ ai trung thành với Luật Chúa, trung tín với tập tục Mô sê thì mới được cứu.

  • Rồi đến thời Macabê, khi vương triều Hasmônê dành lại được độc lập thì chính những con người đạo đức này cũng dần bị sai lạc, chạy theo thói đời, nên nội bộ của họ cũng bị phân rẽ: một số ít người muốn sống nghiêm ngặt luật Chúa theo quan điểm của nhóm họ, đã tự tách ra những nhóm đặc biệt như Pharisêu, Essêniên…Ai cũng tự cho rằng nhóm mình mới nắm được đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả đang rơi vào cơn cám dỗ muốn nắm giữ Thiên Chúa, ơn cứu độ của Người trong tay mình.

  • Và vào thời Đức Giêsu, khuynh hướng muốn giữ riêng Chúa cho riêng bản thân, phe nhóm mình đã thấm sâu vào trí người Do Thái:

  • Coi thường, loại trừ dân ngoại: coi dân ngoại như chó (Mt 15, 26); vào nhà dân ngoại là ra ô uế (x. Ga 18, 28b.29a)…

  • Ngăn cản người tật bệnh đến với Đức Giêsu (x. Lc18, 39).

  • Dân Capharnaum muốn giữ riêng Đức Giêsu cho họ (Lc 4, 42)

  • Ngay cả Gioan, môn đệ Chúa yêu, cũng muốn dành riêng Đức Giêsu như là ân huệ riêng cho nhóm: cấm kẻ khác nhân danh Đức Giêsu ( Lc9, 49).

      Lời Chúa hôm nay chỉnh sửa lại những lỗi lầm ấy và nhắc lại dự tính tự muôn đời của Thiên Chúa: ơn cứu độ là phổ quát.

BÀI ĐỌC I: Is 66, 18 – 21

      Bài đọc 1 là phần cuối của sách Isaia. Dân Chúa đang ở giai đoạn sau thời lưu đày, một số nhỏ đã quay về lại Đất Hứa, tái thiết Đền Thờ, phần lớn vẫn còn lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Những người còn trung tín với Lề Luật Môsê và truyền thống cha ông – được xem là “số còn sót lại” của dân Chúa – đang nỗ lực gìn giữ căn tính dân tộc và tôn giáo của Israel, chống lại những lôi cuốn, cám dỗ, bắt bớ… của các quyền lực ngoại ban: Họ tự hào là “dân riêng”, “là số còn sót lại” của Thiên Chúa. Lòng nhiệt thành mãnh liệt về tôn giáo đã đưa họ đến cái nhìn quá khích “quơ đũa cả nắm” coi thường dân ngoại về mặt tôn giáo: chỉ có Yavê là Thiên Chúa duy nhất mang lại ơn cứu độ; do đó tất cả dân ngoại cũng như những kẻ bất chính bất trung trong dân Chúa sẽ đương nhiên không được hưởng ơn cứu độ. Nkm 10 và Er 9 – 10 là một minh họa.

   Trước trào lưu quá khích ấy, các ngôn sứ là những người của Chúa, phải can đảm điều chỉnh lại cái nhìn thái quá của dân, nhắc lại cho họ dự tính cứu độ phổ quát từ muôn đời của Thiên Chúa và vai trò trung gian của dân trong chương trình cứu độ của Người.

    Bài đọc 1 là một đoạn trích tái khẳng định rõ ràng rằng ơn cứu độ là phổ quát. Dân Do Thái được Thiên Chúa chọn không phải là để “lên mặt” loại trừ dân ngoại mà phải loan báo ơn Chúa, đường lối của Người cho muôn dân nơi mà dân đang chung sống (x. Is 66, 19). Và tầm nhìn về tính phổ quát trong Is 66, 20 còn vượt xa trí tưởng tượng của dân Do Thái: một số trong dân ngoại cũng được Chúa chọn làm tư tế, làm Lêvi để làm người dâng lễ vật tôn thờ Thiên Chúa.

  1. Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ…( c. 18)

    Ơn cứu độ phổ quát là sự tính từ muôn đời của Thiên Chúa. Thế nhưng cho đến thời sau lưu đày thì số người tin vào Thiên Chúa còn quá ít: “số còn sót lại”, lại còn bị chèn ép tư bề bởi những kẻ ngoại đạo. Như vậy việc đem ơn cứu độ đến cho muôn dân, mọi ngôn ngữ sẽ phải thực hiện như thế nào?

    Trích đoạn hôm nay là một lời đáp của Thiên Chúa cho “số còn sót lại”

  • Trước tiên đó là công trình của Thiên Chúa: Chúa biết rõ việc làm và ý định của CHÚNG, tức là của những kẻ đang chạy theo các tà thần, ngẫu tượng chống phá Thiên Chúa và dân Chúa (c.18). Người sẽ đến can thiệp trừng phạt tùy theo tội phạm của chúng (c. 15), đó là điều luôn xảy ra trong dòng lịch sử (các đế quốc thay nhau bị sụp đổ). Nhưng ý định chung cuộc của Thiên Chúa vẫn là cứu tất cả.

  • Sẽ đến lúc Chúa đến can thiệp quyết liệt, không phải để phạt nữa mà là để TẬP HỌP chư dân, mọi ngôn ngữ, để giúp họ nhận biết Chúa, đến với Chúa, nhìn nhận vinh quang của Người (c. 18b).

    Thời điểm và cách thức Thiên Chúa thực hiện thuộc quyền tự do của Thiên Chúa. Cách thức Chúa làm nhiều khi ta không hiểu, nhưng tất cả chỉ là để mở rộng đường, để mọi người có thời giờ hoán cải hầu được cứu ( 2Pr 3, 8-9).

  1. “Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu…” (c. 19)

* “Một dấu hiệu” (c.19a)

   Vào thời dân bị lưu đày Babylon, Isaia đệ nhị đã loan báo ơn cứu độ sẽ được Thiên Chúa thực hiện cho dân ngang qua một nhân vật huyền bí gọi là “Người Tôi Trung của Yavê”. Dung mạo của con người này được mô tả trong bốn bài ca nói về “Người Tôi Trung”. Người này được trao sứ mạng giải cứu dân Chúa, nhưng đồng thời cũng được Chúa trao cho sứ mạng mang ơn cứu độ đến cho dân ngoại: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất” (Is 49, 6). Vậy “Người Tôi Trung” chính là dấu hiệu tỏ tường Thiên Chúa can thiệp để hoàn tất Ý Chúa. Hình ảnh bí nhiệm về “Người Tôi Trung” được ứng nghiệm trọn vẹn nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu.

* Ta sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc (c. 19b)

– “Họ” ở đây nếu nối kết với c. 18, ám chỉ những dân ngoại được Thiên Chúa đến tụ họp và họ đã nghe, đến và thấy vinh quang Thiên Chúa, họ đã hoán cải, quay về lại với Yavê của Israel (x Is 45, 20 – 25) và Thiên Chúa đã sai phái họ đi nói về Chúa cho chư dân chưa biết Chúa như những “nhà truyền giáo” đầu tiên.

– “Họ” có thể hiểu là “số sót lại” nhỏ bé còn tin tưởng vào Thiên Chúa, còn bền chí trung thành với Lề Luật và truyền thống cha ông. Sau thời lưu đày họ vẫn còn lưu lạc, tản mác khắp nơi trong đế quốc. Tình cảnh đau thương ấy thay vì nhấn chìm họ trong tủi nhục lại được Thiên Chúa biến thành phương thế để họ loan báo về Thiên Chúa cho chư dân nơi họ đang sinh sống.

   Thể chế hội đường ngày càng phát triển: nơi nào có người Do Thái tụ họp lại là có hội đường; ở đó họ lôi cuốn dân ngoại đến với Yavê, tạo nên tầng lớp các “tân tòng” (những dân ngoại tin theo Do Thái giáo, chịu phép cắt bì và giữ tất cả luật Môsê), và các “người kính sợ Chúa” (là các dân ngoại có cảm tình với Do Thái giáo, giữ một số luật nhưng không chịu cắt bì).

  Lời này ứng nghiệm vào thời sơ khai của Giáo Hội: nhiều người Do Thái lẫn dân ngoại đã nghe lời các tông đồ và tin theo Đức Giêsu, chính họ là những người đem Tin Mừng đến mọi ngóc ngách của đế quốc. Danh xưng “Kitô hữu” cũng phát xuất từ những người này (x. Cv 11, 26b).

  Đặc biệt Phaolô là người chống Chúa Giêsu quyết liệt đã trở nên tông đồ nhiệt thành mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất (tức Rôma) và chính bản thân ông cũng xác tín mình lãnh nhận sứ vụ từ Đức Giêsu, xác tín mình cũng là ánh sáng cho muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất ( Cv 13, 47).

*Các địa danh trong câu 19b:

Danh mục này mượn lại của Ed 27, 10-13. “ Tacsit” là Tây ban nha ; “ Put ”là Liby ; “ Lút” là Lydi ; “Tu van” là Kitikia và “Giavan” nói chung là hi lạp.

  1. Đáp trả của “HỌ” ( c. 20)

     Người ta sẽ đưa tất cả những “anh em của các ngươi thuộc mọi dân tộc” ( tức là các dân ngoại đã hoán cải, tin vào Yavê : họ được kể vào hàng anh em với dân Chúa, anh em không phải do huyết thống nhưng là do được thuộc về cùng một thiên Chúa thật : CGKPV” các sách ngôn sứ “1996 trang 219 nốt “k”). Về làm lễ phẩm tiến dâng Yave.. về trên núi thánh của Ta là Giêrusalem”.

   Một khi dân ngoại đã được đón nhận ơn cứu độ và thành thừa sai của Chúa thì họ sẽ biểu lộ tâm tình thờ phượng Yavê qua việc tiến dâng lễ tế tôn thờ. Bằng cách nào?

    Dân Do Thái trước kia, thời còn sống co cụm trong Đất Hứa, việc tôn thờ phụng tự được họ biểu lộ qua việc “ mang lễ phẩm trên chén đĩa thanh sạch đến nhà Yavê” (c.20a), thì giờ đây các dân ngoại trên khắp thế giới sẽ diễn tả lòng thờ phượng tế tự bằng việc TRUYỀN GIÁO :

  • Họ làm chư dân thành “anh em của các kẻ tin”

  • Họ biến Giêrusalem thành trung tâm qui tụ, tập họp muôn dân lại thờ phượng Chúa, lắng nghe Thánh Luật… như đã được ngôn sứ loan báo ( Is 2, 1-5)

   Vậy công trình phổ quát ơn cứu độ được Thiên Chúa thực hiện bằng chính sự góp công góp sức của dân ngoại vào sứ vụ truyền giáo; Chính họ góp phần đắc lực và lớn lao làm cho các sứ điệp ngôn sứ được thể hiện.

  1. Tư tế do ơn gọi : “Ta sẽ chọn…,” ( c. 21)

    Tính phổ quát đưa tới việc thay đổi cơ chế tư tế: trước kia trong Israel chỉ có chi tộc Lêvi được đảm nhận chức vụ tư tế và do cha truyền con nối. Nay trong dân mới tư tế là do CHÚA CHỌN Thiên Chúa sẽ chọn làm tư tế một số trong bọn họ (c. 21): có thể hiểu đây là những “ con cái Israel” từ bốn phương trở về mà không cần họ là dòng dõi tư tế (Er 2, 62; Nkm 7,64), hoặc là những người thuộc mọi dân tộc, mà không cần họ là dòng dõi Israel ( Is 56, 3-7). Thật là một sự cởi mở chẳng những rộng hơn, mà còn sâu xa hơn so với những gì đã nói ở c.19 ( CGKPV Sđđ 219, “l”).

    Điều đó được hoàn tất trong Giáo Hội của Đức Giêsu.

Tóm kết: Trong dự tính yêu thương của Thiên Chúa, chỉ có một nhân loại, một công trình cứu độ. Tiếc thay con người đã không tin, không cộng tác vào công cuộc đó, lại chạy theo lời xúi dục của Rắn, lao theo ảo tưởng sai quấy của bản thân mình nên đã gây ra những đỗ vỡ, chia ly.

   Thiên Chúa vẫn quyết tâm duy trì dự tính của Người. Người đến với loài người, từng bước một tập hợp lại mọi dân, mọi ngôn ngữ trong Tình yêu của Người. Nhưng thực tế trước mắt: khổ đau vẫn còn, chia rẽ, đố kỵ vẫn tràn lan. Thời điểm Thiên Chúa hoàn tất công cuộc của Người vẫn còn xa vời. Lòng tin của những kẻ tín trung có nguy cơ bị sói mòn.

   Để củng cố đức tin cho họ, Chúa ban một dấu hiệu. Đó là Đức ki tô và Giáo Hội, Thiên Chúa bắt đầu qui tụ, thực hiện cách rõ nét công trình cứu độ phổ quát: tất cả mọi dân đều được mời gọi và tạo điều kiện tốt để có thể làm thừa sai, làm người truyền giáo đem ý định của Chúa đến tận cùng trái đất, nơi xa xôi nhất. Tất cả đều được mời gọi cộng tác vào công cuộc của Người và từng người sẽ góp phần mình để đưa công cuộc của Chúa mau đến chỗ hoàn tất.

    Thật vật trong Đức Giêsu và nhờ Giáo Hội và Thánh Thần, tất cả tín hữu đều được hiệp thông vào chức vụ ngôn sứ, tư tế, vương đế của Đức Giêsu, trở thành chi thể của nhau, anh em với nhau cũng là con Thiên Chúa ngay đời này, trong lòng Giáo Hội. Hãy can đảm góp phần mình vào công trình phổ quát hóa ơn cứu độ của Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Lc 13, 22 – 30

    Đức Giêsu đã bước vào giai đoạn hai của cuộc hành trình tiến về Giêrusalem. Trụ đánh dấu lộ trình “trên đường lên Giêrusalem” xuất hiện lần thứ hai (Lc 9, 51; 13, 22; 17, 11; 19, 28). Chủ đề Đức Giêsu giảng dạy trong giai đoạn thứ nhất xoay quanh chủ đề “phải làm gì để được thừa kế Nước Thiên Chúa” (10, 25); Giai đoạn hai xoay quanh vấn nạn: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” (13, 23); Và thắc mắc của giai đoạn ba xoay quanh Mối bận tâm về “ngày giờ Triều đại Thiên Chúa đến” (17, 20).

    Vậy  qua lộ trình lên Thành Thánh, Đức Giêsu đã chuẩn bị những nét chính về ơn cứu độ và về những yếu tố cần để được vào Nước Thiên Chúa. Cuối cùng chính Người vào Giêrusalem mở cửa Nước Trời cho những ai tin và sám hối: Trước khi tiến vào Giêrusalem, Đức Giêsu mở cửa Nước Trời cho Dakêu (19, 1 – 10); Và trước khi kết thúc cuộc đời dương thế, về lại Nhà Cha, Đức Giêsu đã mở toang cửa Trời cho tên trộm lành một cách vô điều kiện (23, 43). Như vậy Đức Giêsu, trên Thập Giá, đã trả lời đầy đủ cụ thể cho ba vấn nạn được đưa ra trong ba chặng tiến về Thánh Đô:

  • Câu 1: để được thừa kế phải tín thác đón nhận tất cả mọi sự từ Đức Giêsu như Dakêu và Trộm Lành. Không làm gì cả chỉ vui mừng khao khát đón Chúa đến với mình cho dù thực tại trước mắt có là gì đi nữa.

  • Câu 2: vấn đề “ít nhiều”không phải là chuyện đến từ ngoại cảnh hay do Thiên Chúa an bài sắp sẵn, nhân loại chỉ thụ động cam chịu, mà là kết quả của một cuộc chiến đấu, chọn lựa của mỗi người.

  • Câu 3: về ngày giờ, Đức Giêsu đáp: đã tới rồi. Nước Thiên Chúa đã tới rồi nơi Đức Giêsu đặt biệt trong Thập Giá, phục sinh của Người. Ai đón nhận thì “Amen… hôm nay anh hãy ở với tôi trên Thiên Đàng” (23, 43)

   Trích đoạn được đọc trong Chúa Nhật XXI C là câu trả lời trực tiếp đầu tiên cho câu hỏi “ít nhiều” người được vào Nước Thiên Chúa.

  1. Dụ ngôn “hãy vào cửa hẹp” (13, 22 – 24)

  *Câu hỏi “ít người được cứu?”  một cơn cám dỗ lớn lao của thân phận làm người là muốn biết trước được tương lai. Biết trước để chuẩn bị, để đối phó, để an tâm, để tìm ra được những phương thế hữu hiệu hầu giải quyết các vấn đề theo ý riêng, có lợi nhất cho bản thân, phe nhóm mình. Đó là biến thái của cơn cám dỗ “trái cấm” ở Eđen. Và cũng có những người muốn biết trước mọi sự để “lười”, để trốn trách nhiệm, để khước từ cố gắng…; Muốn làm tối thiểu, ít nổ lực hay không làm gì cả nhưng lại hưởng được những kết quả dồi dào, giá trị (Ví dụ như “học tủ”, Thầy cho để thi trước và cho luôn bài giải sẵn …), hậu quả là biết bao tai họa đã đổ xuống đầu nhân loại.

   Và trong đức tin Công Giáo, việc hành xử như thế là con người thoái hóa, đánh mất đi “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người chúng Ta. Những con người hủ hóa như thế sẽ làm nghèo nhân loại: và để bảo vệ quyền lợi bất chính của bản thân, họ sẽ đi tới chỗ tranh dành, loại trừ kẻ khác. Đứng trên góc nhìn tôn giáo, họ sẽ dành độc chiếm Thiên Chúa cho riêng họ: Thiên Chúa đã chọn họ thì Người phải cứu họ bất chấp cuộc sống sai quấy, tội lỗi của họ, họ ở lì trong đường lối của họ mà không chịu hoán cải.

    Kinh thánh đã cho ta thấy những bài học lớn từ dân Do Thái, họ đã bị các ngôn sứ và Đức Giêsu quở trách:

  • Vào thời ông vua đạo đức Khitkigia, biết tôn thờ Thiên Chúa, nghe lời ngôn sứ Isaia, nên Thiên Chúa đã cứu vua khỏi tay hoàng đế Sennakênib (Is 18 – 19). Đến thời ngôn sứ Giêrêmia, ông vua trị vì Do Thái là Xitkhigiahu vô đạo đức, dân chúng thì thích nghe những lời đường mật của các ngôn sứ giả không chịu hoán cải. Vậy mà cứ ba hoa rằng Chúa phải cứu dân, phải cứu dân khỏi sự đàn áp của vua Babylon như đã từng cứu dân thời vua Khitkhigia khỏi tay vua Assyri là Sennakêrib. Giêrêmia cảnh cáo: nếu không hối cả, dân sẽ bị lưu đày. Và kết quả đúng như thế.

  • Vào thời Gioan Tẩy Giả rao giảng sám hối, nhiều người vẫn ở lì trong sai trái của mình, không chịu hoán cải vì cho rằng Chúa phải cứu họ, vì họ là con cái Abraham. Gioan Tẩy Giả đã nặng lời với họ và tiếp tục mời dân hãy sám hối.

    Các biệt phái thời Đức Giêsu, bám vào quan điểm sai lầm cho rằng: toàn dân Israel sẽ được dự phần trong thế giới mai hậu”. Có người lại bi quan: Thế giới mai hậu chỉ an ủi một số ít còn đa số sẽ phải đau khổ cùng cực”. Các người Esséniens, thuộc cộng đoàn Qumrân cho rằng chỉ các thành viên của họ mới được cứu rỗi.

   Vậy cái nhìn “ít hay nhiều người được cứu” sẽ đưa tới ý tưởng cuộc bộ, tranh dành ơn cứu độ và sẽ loại trừ nhau. Đó không phải là điều mà Đức Giêsu mang tới.

* Câu đáp: dụ ngôn “vào cửa hẹp”

   Mặc dù ơn cứu độ là miễn phí, Chúa dọn sẵn cho tất cả chúng ta, nhưng đó không phải là những “gói đồ”, “món quà” cố định đã được gói sẵn theo đúng tiêu chuẩn nào đó cho mỗi người (kiểu đi phát chẩn từ thiện mỗi phần quà đã được định sẵn cố định …); Nhưng là những mầm sống được ban cách rộng rãi, và mỗi người tùy sức mình mà đón nhận rồi làm nảy sinh sự sống nơi mình: hình ảnh minh họa tuyệt vời là Manna. Chúa ban rộng rãi không sợ thiếu; Ai đủ sức ăn bao nhiêu cứ tự lo thu nhặt nhưng không được tích lũy làm của riêng; Lượm xong, về phải chế biến để trở thành lương thực hợp khẩu vị mỗi người. Do đó không có vấn đề ít hay nhiều, không sợ thiếu, nhưng cũng đừng ham lấy dư; Vấn đề là CHIẾN ĐẤU.

  • CHIẾN ĐẤU không phải với kẻ khác để tranh dành … mà chiến đấu với tính ươn lười, muốn tích lũy để bảo đảm an toàn … của bản thân: phải lượm mỗi ngày, vừa đủ ăn hết, không phí thừa … Cứ thế mà CHIẾN ĐẤU từng ngày cách bền bỉ, trung thành cho tới khi vào Đất Hứa.

  • “CỬA HẸP” không hiểu theo nghĩa thời gian, không gian ít giờ, nhỏ bé nhưng hiểu theo nghĩa đó là “cánh cửa duy nhất của mỗi người”. Không ai vào Nước Trời bằng “cánh cửa của người khác” được. Đã sinh vào đời, mỗi người là một số phận không ai giống ai. “Cửa” này rất hẹp vì không ai vay mượn được công đức của người khác để vào Nước Trời vào thời điểm mình chết, vào lúc cánh chung cho cả thế giới.

   Vậy thời điểm mà ta còn chiến đấu với bản thân, còn chia sẻ được với nhau là giai đoạn ta còn đang lữ hành trên trần thế này: đừng bận tâm so đo ít nhiều, chê bai chỉ trích loại trừ ai; Nhưng hãy chiến đấu với bản thân, đồng thời giúp đỡ tha nhân để mỗi người trên đường lữ hành tìm ra được con đường, “cánh cửa” mà Chúa đã đặt để ngay trong chúng ta.

  1. Một khi chủ nhà đãđứng dậy và khóa cửa lại … (13, 25 – 29)

*  Phần thứ hai của bài đọc Tin Mừng là những gì sẽ xảy ra trong ngày cánh chung. Thời điểm “chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại”là cách nói ám chỉ dòng thời gian chấm dứt, mọi sự khóa sổ. Tình trạng cuối cùng của mỗi người tại thế vào lúc đó (hoặc lúc ta chết) sẽ quyết định số phận chung cuộc của họ.

* Lý do chủ nhà khước từ mở cửa (c. 25b)

–  Lý do đầu tiên là vì tới trễ, cửa đã đóng. Đó là cái cớ bên ngoài

–  Lý do hai có lẽ là chính “Ta không biết các anh từ đâu đến!”. Câu nói lạnh lùng của Chủ được lập lại đến hai lần y chang nhau.

–  Trong khi đó những người bị chối từ lại nói rằng họ rất thân quen với Chủ: từng ăn uống chung, từng nghe lời giảng dạy của Chủ (c. 26).

  Ba lý do trên đâu có gì trầm trọng lắm để phải cắt đứt mối tương giao cách dứt khoát. Điều sai lỗi là ở chỗ này:

  • Những người bị từ chối là những người trước kia có thân quen với Thiên Chúa: họ từng đón rước Chúa vào nhà mình, phục vụ Người, đã chuyên cần nghe lời Người dạy. Lẽ ra họ phải thấm nhuần, đi sâu vào đường lối của Thiên Chúa. Thế nhưng đến giây phút quyết liệt của cuộc đời thì họ lại trễ hẹn với Chúa và khi bị Chúa khước từ thì họ lộ ra động cơ thật của các việc họ đã làm cho Chúa: việc được Chúa đến nhà, dùng bữa, rao giảng tin mừng là những ân huệ Chúa ban thì họ coi đó như là những công đức họ làm cho Chúa để rồi Chúa phải ân thưởng cho họ Nước Trời.

    Đoạn văn này là một lời cảnh tỉnh người Do Thái, họ được nhiều đặt ân của dân riêng của Chúa. Họ phải đem những ơn đó ra để phục vụ tính phổ quát của ơn cứu độ, làm công cụ đem phúc lành của Chúa cho chư dân. Đừng để thoái hóa biến những ân huệ thành những cạm bẫy coi đó là công nghiệp của riêng mình rồi đòi Thiên Chúa phải ân thưởng, hiểu theo các nhu cầu của mình.

  1. Ơn cứu độ phổ quát (13, 28 – 29)

  Đoạn văn này cũng hướng về ngày cánh chung, nên đó chưa phải là một sự thật, nhưng là một lời cảnh cáo người Do Thái đừng để mình rời vào tình trạng đáng buồn đó.

    Ơn cứu độ là phổ quát, nên kết quả chung cuộc sẽ là chư dân từ tứ phương thiên hạ sẽ được Chúa quy tụ về chung hưởng bàn tiệc Nước Trời với các tổ phụ và các ngôn sứ. Người Do Thái đừng vì ngoan cố ở lì trong cái nhìn cuộc bộ, sai lầm của mình mà rơi vào tình trạng khổ đau thấy mình bị loại ra khỏi cộng đoàn cứu độ phổ quát.

    Tóm lại: ơn cứu độ là phổ quát, được Chúa muốn ban tặng cho tất cả mọi người và từng người. Vì thế những đặc ân riêng Thiên Chúa ban cho cá nhân hay nhóm nào đó vào từng giai đoạn thích hợp trong dòng lịch sử đều là những phương tiện để phục vụ cho ý định yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa.

    Đừng vì những quyền lời, danh vọng trước mắt của từng giai đoạn lịch sử mà quên đi ý Chúa, cản trở tha nhân đến với hồng ân cứu độ phổ quát mà Chúa đem đến cho toàn nhân loại. Để tránh được các nguy cơ luôn rình rập, mỗi người từng bước một, mỗi ngày phải CHIẾN ĐẤU, đi vào con đường hẹp mà Chúa đã vạch ra. Tất cả đều là hồng ân. Mỗi người đều góp phần mình cho ơn cứu độ phổ quát mau hiện thực trong Giáo Hội, trong nhân loại

Frère Pierre Đình Long FSC