CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 11,1-13

      Khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Giáo phận Kon Tum là  Pater noster. Tiếng Bahnar (vùng Kon Tum) là Bă nhôn. Tiếng Sé dang ( vùng Dakto) là Bă ngin.Tiếng Jơ rai (vùng Gia lai) là  Ama. Tiếng Việt là Cha chúng con.

Người Việt chúng ta gọi cha là ba, là bố, là thầy, là tía. 

       Gọi bằng từ gì thì ta cũng nhận cha là người cộng tác với  Thiên Chúa tạo hóa, để sinh ra ta. Cha là ân nhân lớn nhất đời ta. Vì Cha đã tặng cho ta sự sống. 

      Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác, mà còn sinh con về mặt tinh thần. Đó là những người cha có nhân cách lớn, kiên trì uốn nắn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.

      Cha không chỉ sinh thành mà còn dưỡng dục, còn che chở, nâng đỡ, phát triển đời con, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, cha là cả một trời yêu thương thân thiết, huyền nhiệm, không ai tả hết được.

         Người Công giáo gọi các linh mục là cha. Anh em Tin Lành không chấp nhận thói quen này. Họ dựa trên nghĩa đen (mot à mot) lời Chúa:” Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,9).

Thực ra, các linh mục chỉ là cha theo nghĩa hạn hẹp, tương đối. Các ngài thông phần tính cha của Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là cha đích thực. Các ngài nuôi dưỡng và hướng dẫn giáo dân trong bí tích và lời Chúa.   

     Chúa Giêsu đã mạc khải một Thiên Chúa Cha hoàn toàn khác với các thần linh trong các tôn giáo khác.

      Còn nhớ ngày xưa còn bé ở tiểu chủng viện, chúng ta thường đọc sách viếng Thánh Thể: Trong tất cả các tôn giáo, không có vị thần nào yêu thương và gần gũi như Chúa của chúng ta đối với chúng ta. 

      “Không những Chúa Giêsu cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha”.(Đức TGM Ngô Quang Kiệt).

       Trong Cựu Ước Thiên Chúa được nhận biết là Đấng quyền uy, toàn năng, nhưng ở nơi cao xa, rất mực nghiêm khắc  và công bình. Rất ít người và rất khó tiếp xúc với Chúa. Chỉ trong Tân Ước, đặc biệt là tin mừng theo thánh Luca chương 15 ta mới được mạc khải Thiên Chúa là một người Cha trên cả tuyệt vời. Chúng ta đọc Lạy Cha chúng con là chúng ta đã xưng tụng Thiên Chúa là Cha của mọi người, những người quanh chúng ta, mọi người trên toàn thế giới.Ta không chỉ đọc lạy Cha của con. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con… Xin Cha cho chúng con… Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con… Xin Cha cho con… Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.

Trong khi nói “chúng con”, con cầu nguyện cùng với các anh chị em và cho các anh chị em của con.

       Người xưa nói: Tứ hải giai huynh đệ. Bốn bể đều là anh em. Nhưng Chúa Giê su mới mạc khải mọi người là anh em con một Cha:

Lạy Cha chúng con ở trên trời

 Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt vời khi ta đọc lên, ta tiếp xúc với Thiên Chúa và liên kết với mọi người, là anh em trên toàn thế giới .

      Có người nói: Lúa gạo đầy bồ, thức ăn dư dả, đầy nhà mà còn cầu xin cho lương thực hàng ngày làm gì. Thực ra, chúng ta cầu xin không phải chỉ cho mình chúng ta, mà còn cho bao nhiêu người túng thiếu khác nữa. Cho mọi người biết chia sẻ với nhau. 

      Chúng ta thường giản lược cầu nguyện vào cầu xin, Thực ra, cầu nguyện là tôn thờ, thống hối, cảm tạ và xin ơn. Trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta hôm nay, chúng ta thờ phượng, ca ngợi, tôn vinh Chúa trong lời đầu tiên: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến” (Lc 11,2).

Rồi chúng ta thống hối: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4).

Chúng ta cũng cảm tạ những hồng ân Chúa ban, khi ta  thờ phượng và ca ngợi Chúa. 

Sau cùng, chúng ta cầu xin: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” (Lc 11,3), và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,4).

     Như thế, Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta thờ lạy, tôn vinh Chúa trước, rồi mới xin cho các nhu cầu của chúng ta sau.

      Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta là con cái của Người, là anh em của nhau. Chúng ta xin Cha ban các ơn hồn xác cần thiết; chúng ta xin Cha tha tội quá khứ, xin gìn giữ khỏi chước cám dỗ tương lai, nên chắc chắn sẽ được Chúa Cha đón nhận.

* Cầu nguyện phải kiên nhẫn, vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Mẹ Têrêxa Calcutta đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ một ai đến xin giúp đỡ.

       Một nữ tu trên Tây Nguyên cũng kể lại: Chúng tôi nuôi hơn 100 em sắc tộc khuyết tật. Chúng tôi không có lợi tức gì đặc biệt, thu nhập chỉ là ít rau, ít trái cây  trong khu vườn nhỏ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thiếu lương thực, thuốc men cho các em. Có những lần chỉ còn ít gạo, chúng tôi đã nói các em vào nhà nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thể, đọc to kinh Lạy Cha và kỳ lạ thay buổi chiều lại có người đem đến cho 3-4 tạ gạo, Mặc dù chúng tôi không thông báo gì cho họ trước. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng Người không bao giờ làm ngơ trước lời cầu nguyện và nhu cầu của chúng tôi.

      Chúng ta phải cầu nguyện, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đây là điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy: Khi cầu nguyện, các con hãy thưa lên: Lạy Cha chúng con ở trên trời.

      Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu mến lời kinh đặc biệt Chúa đã dạy. Xin cho chúng con biết luôn dùng lời kinh đó để cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời chúng con.

Nguyễn Đức Lân