CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Is 66,10-146; Lc 10,1-12.17-20
Chủ đề: Công bố niềm vui cứu độ đến gần

* Is 66,12: Này Ta tuôn đổ xuống thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.
* Lc 10,9b: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần

10,20b: anh em hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời.

Lời Chúa của Chúa Nhật XIV C Mùa Thường Niên kêu mời tất cả những ai đã biết và đi theo Chúa hãy mạnh dạn, công khai loan báo cho những người còn đang sống trong bóng tối u sầu biết rằng niềm vui đang tới gần. Được sống an bình vui tươi, hạnh phúc – cho dù là ít ỏi, ngắn ngủi – cũng là một khát vọng chính đáng và lớn lao của kiếp người.

Đang mò mẫm trong đêm tối, âu lo không biết đâu là đường hướng, thì chỉ dầu là một đốm sáng nhỏ chập chờn từ xa chợt loé lên, đó cũng đã là một niềm vui, một hy vọng cho thân lữ khách dặm trường đang chìm trong bóng tối. Vì thế lời Chúa hôm nay kêu mời những ai đã hưởng được niềm vui biết Chúa, được ánh sáng Chúa chiếu dọi, được nếm cảm phần nào niềm hạnh phúc được sống với Chúa… hãy công bố niềm vui, hạnh phúc ấy cho những người còn trong trùng vây của đêm đen thất vọng.

Với quyền năng vô biên, với tình yêu không tính toán, Thiên Chúa có thể đem trực tiếp ơn cứu độ cho mọi người. Tuy nhiên Chúa trung tín với dự tính ban đầu của Người: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27). Chúa Con đã đảm nhận tự nguyện nhân tính thì Thiên Chúa cũng muốn con người cũng phải đích thân đảm nhận hồng ân “được thông phần thiên tính”; Vì thế Thiên Chúa đã mời gọi ai đã tin vào Chúa trở nên cánh tay nối dài của Người đem ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc của Chúa đến cho tha nhân.

Bài đọc 1 trích từ sách Ngôn Sứ Isaia 66: Chúa sai vị ngôn sứ thời hậu lưu đày loan báo tương lai tươi sáng của Giêrusalem và mời những ai yêu mến thành đô, những người từng khóc than vì thành đô bị tàn phá hãy vui mừng vì thời phục hưng sắp tới. Sự thật là dân Chúa đã được hồi hương, họ đang sống trong Đất Hứa. Thế nhưng những gì đang diễn ra trước mắt đám hồi hương này không lý tưởng như những gì họ tưởng nghĩ ra khi nghe các lời hứa lúc còn ở đất lưu đày: “Số người hướng lòng về Đất Hứa và dám bỏ những gì họ đã tích luỹ ở Babylon để lên đường về lại Đất Hứa không nhiều: khoảng năm mươi ngàn người (Nkm 7,66; Ẻ 2,64-67 so với sáu trăm ngàn lúc rời Ai Cập: Xh 12,37).

*Nhóm hồi hương này là những người già, sau năm mươi năm ở đất lưu đày, hoặc là các người trẻ sinh tại Babylon. Nhóm già thì hoài cổ; Nhóm trẻ thì chưa biết gì về Thành Giêrusalem, họ đã thất vọng.

*Đất đai khô cằn so với Babylon; Đền Thờ do vưa Salomon xây vẫn còn nguyên một đống hoang tàn (x. Kg 1,4b); Tường thành của Giêrusalem thì hủng hê, đổ nát (x. Nkm 1,3). Rồi dân họ, dù được các vua Ba Tư ưu đãi, cũng chỉ là một thuộc địa.

Ước mơ khôi phục lại một đế quốc Đavit – Salomon bị sụp đổ hoàn toàn. Họ thất vọng! Chính trong bối cảnh đó, lời sấm của Isaia đệ tam vang lên.

Sấm ngôn mời dân Chúa vui lên! Nhưng niềm vui nào? Dân Chúa mong ước một đế quốc hùng cường về quân sự, giàu có, đủ sức đè bẹp thiên hạ, thống trị chư dân. Trong khi đó niềm vui Chúa loan báo là “Ta tuôn đổ xuống thành đô ƠN THÁI BÌNH tựa dòng sông cả…” (Is 66,12b): Giêrusalem là nơi tuôn ra ơn thái bình như dòng sông, lôi cuốc chư dân đến hoà nhập mọi sự cách tự nguyện như các dòng thác, suối quy về sông cả sẽ êm trôi ra biển (Is 66,12c); Hạnh phúc Chúa ban là hạnh phúc an bình qua hình ảnh em bé sướng vui “bú no bầu sữa mẹ”, và chư dân cũng được quy tụ về để chung hưởng cái hạnh phúc an bình đó. Đó mới thật sự là niềm vui mà người tin Chúa phải can đảm loan báo cho chư dân.

Còn trong Tin Mừng, đối tượng được Đức Giêsu sai đi loan báo Tin Mừng bình an cho “tất cả các thành” là Nhóm Bảy Mươi Hai” môn đệ. Sứ mạng dành cho “Nhóm Mười Hai” trong Mt 10,1-16, và trong Mc 6, 7-13 đã được Lc 10,1-12 mở rộng ra cho “Nhóm Bảy Mươi Hai”.Con số 72 là con số mang tính biểu tượng: đó là con số ảm chỉ tất cả các dân trên thế giới theo danh mục được liệt kê trong St 10. Vậy niềm vui này là niềm vui phổ quát, được Thiên Chúa sai dân Chúa mang đến phân chia cho chư dân, chứ không phải là niềm vui vơ vét hết của người khác để gom về cho chính mình.

Đó là niềm vui được Chúa gọi mời làm cộng tác viên của Chúa để mang BÌNH AN của Người đến cho toàn nhân loại: “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này”; bằng cách loan cho họ tin vui “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11b).

Tin Mừng còn thêm một chi tiết: động cơ và đích điểm của niềm vui không dừng lại ở thành quả thấy được trước mắt: “Thưa Thầy, nghe đến danh của Thầy cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (10,17);Mà là niềm vui vĩnh cửu được thuộc về Thiên Chúa mãi mãi: “anh em hãy mừng… vì tên anh em đã được ghi trên trời” (10,20).

Xin Chúa Thánh Thần giúp mỗi kitô hữu xác tín được rằng cuộc sống trần gian của mỗi tín hữu là một niềm vui: NIỀM VUI được Chúa chọn làm cộng tác viên của Thiên Chúa, góp phần vào sứ mạng chiến đấu loan báo Tin Mừng “Triều đại Thiên Chúa đến gần”, cho thế giới trong niềm hy vọng chắc chắn được hưởng NIỀM VUI vĩnh cửu trong Nước Chúa.

Bài 2

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (c.2). Anh em hãy ra đi… (c.3a). Hãy chữa lành, và nói: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần…” (c.9)

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta bước vào một cuộc sống mới: một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hy vọng, chan chứa ân sủng; nhưng cũng là một cuộc sống chiến đấu với những thách đố, trách nhiệm, những cố gắng không ngừng góp phần gìn giữ, xây dựng, thăng tiến, lan toả niềm vui phúc lộc ấy ra cho mọi người.

Niềm vui mà Lời Chúa hôm nay đề cập đến không phải là niềm vui cá nhân được thoả mãn một khát vọng hay thành công trong một công việc riêng tư nào đó của riêng mình nơi trần thế này, nhưng đó là niềm vui ơn cứu độ chung cuộc được ban tặng cho mọi môn đệ và Tin Mừng minh hoạ: “anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Đó là niềm vui của một cộng đoàn nhận ra thời điểm được Thiên Chúa yêu thương, quan tâm ban ơn cứu độ đã tới. “Đã tới” không có nghĩa là mọi sự” đã hoàn tất mà là “đang khởi đầu”.

Đó là niềm vui của người nông dân thấy hạt giống sau giai đoạn bị vùi lấp trong lòng đất tối tăm ẩm ướt, thối mục dần, nhưng giờ đây BẮT ĐẦU NẢY MẦM. Mầm sống mới khởi sự chui ra khỏi cái vỏ của hạt giống để chồi ra khỏi lòng đất chào đón khí trời và ánh quang. Với bước khởi đầu đầy phấn khởi đó, người nông dân tiếp tục lao vào những trách nhiệm mới: chăm sóc, bảo vệ, làm lớn lên… chiến đấu khắc phục những yếu tố tiêu cực giúp mầm sống vươn lên tầm mức trưởng thành đủ sinh lực cho ra hoa trái mới.

Niềm vui được trình bày trong bài đọc 1 không phải là một ao ước, một giấc mơ do con người vẽ ra mà là một LỜI HỨA đến từ Thiên Chúa. Vì thế đó là một niềm vui của hy vọng, cậy trông, phó thác vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Còn niềm vui trong Tin Mừng phát xuất từ một thực tế: “lúa chín đầy đồng”; vấn đề còn lại là làm sao tìm đủ thợ để gặt lúa về: “mà thợ gặt thì ít”. Niềm vui đan lẫn âu lo và có nguy cơ trở thành nuối tiếc, ân hận nếu “lúa chín” mà không gặt có thể bị hư rục, mục nát. Vì thế Tin Mừng nhấn mạnh hơn tới khía cạnh trách nhiệm của niềm vui: trách nhiệm, bổn phận của môn đệ Đức Giêsu là làm sao thu được lúa về.

Trước đồng lúa chín vàng chờ gặt đó, Đức Giêsu đã hối thúc các môn đệ phải xin Cha sai thợ gặt đến và Người sai họ lên đường làm thợ và họ hưởng được niềm vui là nên công dân Nước Trời.

BÀI ĐỌC I: Is 66,10-14

Bài đọc 1 trích từ phần thứ ba của sách ngôn sứ Isaia, từ chương 55-66 thường được giới chú giải Kinh Thánh gọi là Isaia đệ tam. Isaia đệ nhất (Is 1-39) thi hành sứ vụ tại Palestin trước khi dân bị lưu đày, khoảng 740-687; Isaia đệ nhị (Is 40-54) thi hành thừa tác vụ an ủi dân trong bối cảnh họ đang bị lưu đày bên Babylon (687-638), báo cho họ niềm vui hy vọng Chúa sẽ can thiệp cứu họ đưa về lại quê hương; Thế nhưng khi đám dân lưu đày này về đến Giêrusalem thì cảnh tượng hoang tàn đổ nát của Đền Thờ, đất đai bị dân ngoại chiếm đóng, sự thù nghịch của dân cư địa phương, rồi hạn hán… đã làm họ thất vọng. Isaia đệ tam xuất hiện vực dậy niềm tin hy vọng của họ vào Thiên Chúa, vào lời hứa của Người, vạch ra cho họ thấy vì đâu mà họ vẫn bị thua thiệt ngay tại đất quê hương của mình, mời họ vững tin, phó thác vào Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự

1/ Đối tượng mà sấm ngôn nhắm tới (c.10)

Đó là những người yêu mến thành đô, những người đã than khóc thành đô khi bất hạnh, điêu tàn chụp xuống thành đô. Đó là hai cách nói diễn tả tâm trạng, tình cảm của những người lưu đày hồi hương đứng trước thành đô giờ chỉ toàn là những phế tích. Có những người trong họ, thuở nhỏ đã chứng kiến cảnh huy hoàng của Đền Thờ, các nghi lễ tôn giáo long trọng… (Vì thời gian lưu đày chỉ dưới 50 năm). Giờ đây tất cả chỉ còn là quá khứ!

Là những người yêu mến thành đô nên họ đã sẵn sàng bỏ tất cả những gì họ tích luỹ được trong thời gian lưu đày ở Babylon mà quay về cố hương; Rồi những lời tốt đẹp của Isaia đệ nhị sao không thấy… nên tâm trạng của họ là tiêu cực, thất vọng. Để vực dậy niềm tin của họ, Thiên Chúa sai Isaia đệ tam đến khơi dậy nơi họ niềm vui cậy trông phó thác.

2/ Niềm vui “được ủi an”

*Ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến mời gọi dân hãy vui lên (c.10). Bản văn không mô tả rõ các chi tiết của niềm vui như thế nào. Bản văn chỉ cho thấy bản chất của niềm vui là “được ủi an”:

– Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng… để được thành đô cho hưởng trọn nguồn an ủi (c.11a)

– Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; Tại Giêrusalem các ngươi sẽ được an ủi vỗ về (c.13)

*Đứng trước sự tan hoang của Đền Thờ và của Giêrusalem, cộng thêm lòng thù nghịch, phá phách của dân địa phương, dân vừa hồi hương lại nghèo nàn… lấy đâu ra sức lực, của cải để tái thiết Thánh Đô. Do đó đám hồi hương đợt 1 vào năm 538 đã thất vọng, bỏ cuộc, rút lui lo riêng cho gia đình cá nhân. Cái nhìn đó của dân thất bại vì dân muốn giải quyết vấn đề chỉ dựa trên sức riêng mình.

Các ngôn sứ Habacuc,Dacaria, đặc biệt là Isaia đệ tam, theo lệnh Chúa đã đến an ủi dân, khích lệ họ đọc lại và nhận ra ý nghĩa của các biến cố để nhận ra đường lối hành động của Thiên Chúa. Và thực ra Chúa đã hành động rồi ngay trong cuộc hồi hương họ vừa được hưởng: đâu phải nhờ sức lực của dân Do Thái mà họ được giải thoát khỏi ách Babylon! Chính nhờ Thiên Chúa tác động trên vua Kyrus, Ba Tư mà họ được giải cứu và có đủ điều kiện để hồi hương.

*Giờ đây đứng trước cảnh hoang tàn của Giêrusalem và sự bất lực của chính bản thân mình thì thay vì than khóc, ngôn sứ mời dân vui lên trong hy vọng bằng cách loan báo cho dân biết đường lối của Chúa: “Ta sẽ tuôn đổ xuống thành đô, ơn thái bình tựa dòng sông cả; Và khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (c.12). Và trong thực tế, với cuộc hồi hương đợt hai vào năm 520 thì Đền Thờ đã được tái thiết và khánh thành vào năm 515; Rồi đến thời Nơkhemia và Et-ra thì Giêrusalem đã được hưng phục, Luật Chúa được tôn trọng.

Vậy vấn đề không phải là giải quyết ngay tức khắc, các sự kiện đang diễn ra trước mắt theo mơ ước phàm nhân, mà là đọc cho ra ý nghĩa của sự kiện ấy, nhận ra trong đó dấu chỉ Chúa đang ra hiệu nhắc nhớ cho chúng ta một điều gì đó.

Chính trong niềm vui hy vọng đó mà qua ngôn sứ Thiên Chúa ủi an, vực dậy niềm tin và hy vọng của dân; Tin tưởng Chúa luôn quan tâm tới dân cho dù trước mắt các tình huống có vẻ tiêu cực.

3/ Hình ảnh nói lên sự quan tâm của Chúa: đó là hình ảnh người mẹ hiền (là Thiên Chúa) chăm sóc con thơ (dân): được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối (c.12b).

Ở đây Kinh Thánh dùng hình ảnh “mẹ” để nói về tình âu yếm khoan dụng của Thiên Chúa. Như một người mẹ, Thiên Chúa an ủi dân (Is 66,13) và cho dù có một người mẹ nào có thể lãng quên con cái mình, Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên Israel (Is 49,15).

Vậy điều quan trọng là nhận ra đường lối của Thiên Chúa, tôn trọng cách hành động của Người trong kiên trì, hy vọng. Không đòi ngay kết quả theo mơ ước phàm trần mà kiên trì hoạt động trong hy vọng “giờ” của Chúa. Đó cũng chính là sứ điệp mà Đức Giêsu dạy dỗ các thừa sai rao giảng trong Tin Mừng hôm nay Lc 10,3-11.

TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đoạn tiếp nối ngay sau trích đoạn Tin Mừng tuần trước. Đức Giêsu đang đanh mặt lại quả cảm tiến về Giêrusalem, đồng thời đưa ra những đòi hỏi quyết liệt cho những ai muốn đi theo đường lối của Người. Với những đòi hỏi như thế, tưởng chừng rằng sẽ chẳng còn mấy ai dám đi theo Đức Giêsu; Thế nhưng Lời Chúa hôm nay cho thấy rằng ơn Chúa vẫn chiến thắng nơi nhiều con người và họ sẵn sàng theo Đức Giêsu. Phần Người, Đức Giêsu tiếp tục sứ mạng của Người: đào tạo họ nên môn đệ của niềm vui hy vọng. Con số 72 người được sai đi cho thấy việc đi theo Chúa không ngừng gia tăng, mở rộng ra cho mọi người chứ không chỉ riêng cho người Do Thái: những gì Đức Giêsu căn dặn Nhóm Mười Hai khi sai các ông đi sứ vụ (Mc 6,6b-13; Lc 9,1-6) cũng được lập lại ở đây cho nhóm Bảy Mươi Hai.

Trong tương quan với sứ vụ được sai đi, Matthêu và Marco chỉ nói tới việc Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai, chỉ riêng Luca còn thêm việc sai đi Nhóm Bảy Mươi Hai và khung cảnh là trong cuộc hành trình lên Giêrusalem. Luca làm nổi bật khía cạnh phổ quát của sứ điệp truyền giáo được đặt nền trên ơn cứu độ do Thập Giá mang tới.

1/ Tính phổ quát, chính danh và cộng đoàn của sứ vụ truyền giáo (10,1):

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến việc Đức Giêsu sai mười hai tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho Israel. Chỉ riêng Luca có thêm việc Đức Giêsu sai nhóm bảy mươi hai và bối cảnh lúc đó là Đức Giêsu đang đi vào vùng đất dân bị coi là ngoại đạo Samari và đã bị họ từ chối và Nhớm Mười Hai đã có phản ứng tiêu cực (Lc 9,51-56).

*Tính phổ quát:

Việc chọn con số 72 (hoặc 70) liên hệ với con số làm nên nhân loại theo bảng thống kê dân số của Thánh Kinh (St 10). Đức Giêsu và sứ điệp của Người nhắm đến toàn thể nhân loại

*Tính chính danh:

Đức Giêsu chỉ định các sứ giả và qua đó ban cho họ một sứ mệnh chính thức; Sứ mạng đó có tính cách pháp lý.

Người sai họ đi từng hai người, vì họ phải hành độngg với tư cách CHỨNG NHÂN. Ở Israel khi hai nhân chứng cùng nhất trí về một vấn đề, thì chứng tá của họ có giá trị và được chấp nhận về mặt pháp lý (Đnl 19,15; Mt 18,16).

*Tính cộng đoàn:

Ngoài khía cạnh pháp lý ra, việc sai đi “từng hai người” còn có một lý do khác nữa: “truyền giáo” không phải là việc của một cá nhân riêng rẽ mà phải là việc của một tập thể, dù tập thể đó còn phôi thai. Một môn đệ không thể tự hào rằng bản thân đã quán triệt sứ điệp kitô giáo và cho rằng mình có thể phản ánh trọn vẹn sự phong phú của nó.

Việc rao giảng Tin Mừng không thể là một độc quyền mà cần có sự cộng tác của anh em: mỗi thành phần dân Chúa đảm nhận một khía cạnh bổ sung nhau (x. Gl 2,6-9); không chỉ có một sách Tin Mừng nhưng là có bốn  và Phaolô cũng xác quyết rằng những gì ông rao giảng cũng là Tin Mừng của Đức Kitô (x. Gl 1,11-12). và hình ảnh tuyệt vời nói lên tính cộng đoàn của Giáo Hội và sứ vụ là “CÂY NHO” (Ga 15,1-17) và “NHIỆM THỂ” (x. 1Cr 12,27).

2/ Bản chất của việc truyền giáo:

*Lúa chín thì nhiều: nhân loại được so sánh với đồng lúa chín vàng đã tới thời thu hoạch, chờ được gặt mang về để chất vào kho lẫm Nước Trời… Đức Giêsu thấy số người sẵn sàng trở lại rất nhiều. Trước công việc lớn lao và cấp bách đó, số thợ gặt lại quá ít. Phản ứng tự nhiên từ phía con người là muốn tự giải quyết vấn đề, tự đi tìm “thợ gặt” theo tầm nhìn và hiểu biết của mình. Nhưng Đức Giêsu đã nhắc lại: Thiên Chúa là chủ mùa gặt: quyền quyết định những gì liên hệ đến vụ mùa là của Chúa. Việc thu nhận vào Nước Thiên Chúa là công trình và ân huệ của Người; Việc chọn thợ cũng là công trình của Chúa.

*Anh em hãy xin…

Chính vì thế, Đức Giêsu kêu mời mọi người HÃY CẦU NGUYỆN để Thiên Chúa khơi lên trong con người tinh thần làm môn đệ, để họ cộng tác giúp nhiều người được vào Nước Thiên Chúa, bằng cách hiến thân hoàn toàn cho Chúa.

Thiên Chúa muốn ta phải cầu xin Chúa sai thợ đến là nhằm duy trì và củng cố trong các tông đồ và môn đệ ý thức này là họ đã được Thiên Chúa gọi và sai đi… Chúng ta không là chủ công trình mà chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa, việc chính yếu là cầu nguyện để biết vị trí và những gì chúng ta phải làm trong phút giây hiện tại để góp phần hoàn thiện công trình của Thiên Chúa.

*Truyền giáo đòi tinh thần phó thác:

Động cơ thúc đẩy các môn đệ lên đường truyền giáo là một mệnh lệnh thần linh đến từ Đức Giêsu “Hãy đi” (c.3) và họ tức tốc ra đi thi hành sứ vụ với một tinh thần hoàn toàn phó thác, thi hành theo đúng những lời chỉ dẫn của Đức Giêsu (đang được Luca kín đáo trình bày như một vị Thiên Chúa, nhưng không kém phần rõ nét: phán một lời mọi sự liền có):

– Vẫn dấn thân dù đã được mặc khải rõ đó là một cuộc chiến cam go, sinh tử với hình ảnh minh hoạ ấn tượng, Đức Giêsu không mị dân: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (10,3). Yếu tố chính yếu mà các môn đệ cậy dựa vào để tiến bước là chính con người và lệnh truyền của Đức Giêsu.

*Tinh thần hội nhập, bình đẳng (cc.6-8):

“Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì ở lại đó và cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em”. Vào thời lưu đày và sau đó, do sống trà trộn với chư dân, nên luật sạch dơ, ăn uống kiêng cử là một nét đặc thù giúp nhận ra ai là người Do Thái hầu giữ vững căn tính dân tộc và tôn giáo của mình. Nhưng đến thời Đức Giêsu, Người tuyên bố “mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7,19b). Do đó việc kiêng cử thức ăn không thể tồn tại để làm vật ngăn cản công cuộc truyền giáo, làm các thừa sai không thể đến hoà nhập với dân ngoại. Câu 8 hàm ý rằng khi đến nơi truyền giáo, các thừa sai phải biết hội nhập văn hoá để từ đó Tin Mừng hoá nền văn minh đó bằng Tin Mừng.

*Đừng chào hỏi ai dọc đường (c.4b)

Tin Mừng không dạy chúng ta lạnh lùng, vô cảm không biết một chút lịch sự tối thiểu trong lối ứng xử giao tiếp với mọi người, nhưng nhằm đề phòng môn đệ tránh xa những câu chuyện tầm phào vô bổ; Và nhất là trong trường hợp gặp lại người quen sau lâu năm xa cách, tại quê người nơi ta đến truyền giáo. Đó sẽ là những lôi cuốn có thể làm ta chậm trễ công việc truyền giáo. Không một giao tiếp nhân loại nào có thể cản trở, làm chậm trễ bước chân truyền giáo của các thừa sai, sứ giả.

Một lương tâm tự do, ngay chính như thế là rất quan trọng trong việc truyền giáo cho dân ngoại; Phaolô cũng khuyên các tín hữu có cách ứng xử tương tự: “… trái đất và muôn vật muôn loài trên đó đều là của Chúa, do đó nếu có người ngoại nào mời anh em… thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em không cần phải đặt vấn đề lương tâm” (1Cr 10,26-27).

*Trong trường hợp bị từ chối

Những việc các thừa sai phải làm cho những nơi đón nhận các vị là: trao ban bình an của Chúa (c.5); chữa lành và rao giảng Tin Mừng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (c.9).Còn đối với những thành không đón nhận các thừa sai, Người không truyền cho các môn đồ đổ cơn thịnh nộ xuống đầu họ, nhưng Người chỉ truyền lệnh:

– Phủi bụi chân, giũ trả lại cho họ, hàm ý cảnh cáo rằng họ đã khước từ ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới.

– Nhưng vẫn phải loan báo cho họ bằng một lời cảnh tỉnh: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Dù họ không chịu đón nhận ân huệ trong hiện tại: “bình an của anh em sẽ trở lại với anh em” (c.6b); dù cho họ không hưởng được các phép lạ chữa lành trong hiện tại thì ơn cánh chung, lời rao giảng Tin Mừng cơ bản cũng phải nói vào tai họ cho dù giọng điệu có thể khác: “các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (c.11). Nghĩa là bằng mọi cách, lời Tin Mừng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” phải tới tai kể cả những ai không đón nhận sứ giả. Nghĩa là Thiên Chúa không loại trừ ai, Người vẫn ban đủ các ơn, phương tiện cần thiết; Còn đón nhận hay không là quyền của họ – Còn số phận của họ? Hiện tại chỉ là lời cảnh cáo; còn chung cuộc phải chờ ngày cánh chung.

Nhiệm vụ của thừa sai là loan báo Tin Mừng, còn đáp trả của đối tượng cứ trao lại cho Tình Yêu Quan Phòng và lòng xót thương của Thiên Chúa xét xử.

3/ Niềm vui hy vọng đích thực của các môn đệ (10,17-20)

*Trước mắt, niềm vui của môn đệ là sự thành công của bản thân mình trong sứ vụ: “ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.

Và Đức Giêsu cũng công bố quyền lực của Satan cũng đã bị khuất phục: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống”. Câu trên hàm ý rằng quyền lực của Satan đã thống trị nhân loại từ khi hai nguyên tổ sã ngã, nay với sự xuất hiện của Đức Giêsu và sứ vụ truyền giáo của các môn đệ do Đức Giêsu khởi xướng, đã bắt đầu bị phá vỡ. Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu.

*Niềm vui đích thật: “tên anh em đã được ghi trên trời”.

Vượt lên trên niềm vui khuất phục được Satan, lật đổ ách thống trị của Sự Dữ, là niềm vui Nước Thiên Chúa đang đến và mở rộng cửa đón nhận thần dân. Nguyên nhân chính khiến các môn đệ vô cùng vui sướng, đó là việc, ngay ở dưới thế tạm này, họ đã được chọn lựa và tiền định sống đời sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa… Nguyên nhân vui mừng vượt trên mọi nguyên nhân, chính là được quyền tham sự vào Nước Thiên Chúa, có thể đón nhận cuộc sống vĩnh cửu và trở thành thành viên trong cộng đoàn của Thiên Chúa.

Kết luận:

Đức Giêsu đòi hỏi nhóm bảy mươi hai những điều Người đã đòi hỏi ở Nhóm Mười Hai (Lc 9,1-6). Đó cũng là những yêu sách, đòi hỏi ở các nhà truyền giáo mọi thời đại: rao giảng bình an của Đấng Mêsia, và loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, trong tinh thần dịu hiền, nghèo khó và phó thác, phục thiện, bất vụ lợi, chịu đựng mọi thiếu thốn và bất an. Chính với giá đó mà Satan đã bại trận và các nhà truyền giáo thừa sai thấy tên mình được ghi trên trời.

Các điều kiện tông đồ truyền giáo này thuộc về chính bản chất của Kitô giáo, vì chúng phản ảnh chính con người và hành động của Đức Giêsu (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C – Chúa Nhật XIV Quanh Năm C – trang 186-197). 

Frère Pierre Đình Long FSC