CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – năm B

Bài 1

  Kn 1,13-15; 2,23-24; Mc 5,21-43
Chủ đề: THIÊN CHÚA và SỰ CHẾT

* Kn 1,13: Thiên Chúa không làm ra cái chết.

* Mc 5,41.42: Đức Giêsu phục sinh bé gái: “Này bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy…lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật XIII B Mùa Thường Niên. Lời Chúa hôm nay đề cập đến một vấn đề mà toàn thể nhân loại, mọi nơi, mọi thời, khi nghe nói tới thì ai cũng hoảng sợ, muốn né tránh. Khốn thay đó lại là một thực tại mà mọi người, từng người phải đích thân, trực tiếp gặp gỡ. Và mỗi người chỉ thật sự gặp một lần duy nhất. Chính vì thế mà thực tại ấy lại càng đáng sợ hơn, vì không ai có được kinh nghiệm về nó, nên không thể chia sẻ gì được với ai cả. Đó là SỰ CHẾT.

Cái chết thật đáng sợ: nó lột sạch con người chúng ta, vào đời tay trắng ra đi trắng tay, “cát bụi về lại bụi cát”. Sự chết chấm dứt, xóa sạch mọi công trình, mọi thành quả, kể cả sự hiện hữu của bản thân con người trên trần thế này. Mặc dù bất lực trước sự chết, không có kinh nghiệm gì về sự chết, con người vẫn không ngừng khắc khoải kiếm tìm: sự chết bởi đâu mà có? Chết phải chăng là hết, trở về hư không? Liệu con người có thể chiến thắng được sự chết? Các tôn giáo, triết thuyết luôn tìm cách trả lời và Lời Chúa cũng đề nghị cho ta một câu đáp. Một câu đáp lạc quan: cái chết sẽ được Tình Yêu Thiên Chúa khuất phục. Chết là cái tạm thời. Sống mới là vĩnh cửu.

Thật vậy, bài đọc 1 mở đầu bằng một lời khẳng định “Thiên Chúa không làm ra cái chết. Chúa chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong”. Sách Khôn Ngoan nói rõ hơn: Thiên Chúa sáng tạo là để cho muôn loài được hiện hữu. Thực vậy, chỉ có một mình Thiên Chúa là TỰ HỮU (x.Xh 3,14). Mọi vật chỉ hiện hữu được là nhờ chính Thiên Chúa thông ban sự sống, sự hiện hữu của Người cho chúng: Chúa phán “Hãy có” và tức thì mọi vật trở nên có (St 1). Và vì phát xuất từ Thiên Chúa nên mọi vật đều có ích, bổ túc cho nhau, không có vật vào mang nọc độc hủy hoại. Do đó hiện giờ sự chết vẫn còn đó, nhưng Âm Phủ không thể thống trị địa cầu. Sự công chính – tức là những gì phát xuất từ Thiên Chúa mới trường tồn. Điều phát xuất từ Thiên Chúa cụ thể là gì? Đó là Thiên Chúa đã dựng nên con người làm hình ảnh của bản tính Người (Kn 2,23). Mà Thiên Chúa thì vĩnh tồn, vậy làm sao mà Thiên Chúa để cho con người bị hủy hoại được? Vậy cái chết thể xác hiện nay chỉ là tình trạng nhất thời do sự ganh tỵ của quỷ tạo ra nhằm xuyên tạc tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, với hy vọng rằng khống chế được con người vì sợ chết mà làm theo ý quỷ.

Nhưng khi Đức Giêsu xuống trần, các dấu lạ nhất là làm kẻ chết sống lại và chóp đỉnh là sự PHỤC SINH của chính Người đã là dấu chỉ báo trước sự chết đã bị khắc phục. Và đó là niềm tin kitô giáo chúng ta: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính). Và bài Tin Mừng hôm nay là một minh họa cụ thể: đối với Đức Giêsu và những ai tin vào Người “chết chỉ là giấc ngủ” và Đức Giêsu cho thấy Người có quyền “đánh thức” kẻ ngủ trong sự chết “chỗi dậy”.

Tin Mừng thuật lại cho chúng ta hai phép lạ đan chéo vào nhau: – chữa lành một bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm. Máu là biểu tượng của sự sống (Lv 17,11); Băng huyết là dấu cho thấy đang tiến dần đến sự chết. Đức Giêsu chữa lành nghĩa là Người có đủ quyền năng CHẬN ĐỨNG sự chết. – Sau đó là phép lạ 2: Chẳng những chặn đứng mà Đức Giêsu còn giật được kẻ đã chết ra khỏi Tay Tử Thần; quyền lực âm phủ đành phải chịu khuất phục trước uy quyền của Đức Giêsu. Theo trình thuật Tin Mừng: khi Đức Giêsu sắp đến nhà ông trưởng hội đường thì em bé bệnh nhân ĐÃ CHẾT. Và mọi người đều biểu lộ sự tuyệt vọng trước Tử Thần nên nói với cha em bé “con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”. Nhưng đối với Đức Giêsu, đó chỉ là giấc ngủ “sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Họ chế nhạo Người, nhưng rồi họ buộc lòng phải nhận ra điều này: Người có quyền khống chế Tử Thần. Chỉ 1 cử chỉ nắm tay, kèm một lệnh truyền “này bé Thầy truyền cho con chỗi dậy đi!”. Vậy trong đức tin công giáo, sự chết không phải là tạo vật của Thiên Chúa nên nó không vĩnh tồn. Nó chỉ xuất hiện sau khi con người sa ngã, bị đuổi khỏi Eden như là hậu quả của tội; Và đến ngày Cánh Chung khi ơn cứu độ hoàn tất thì nó không còn nữa (Kh 21,4). Trong thời gian hiện tại, sự chết vẫn còn, nhưng nó không là ngõ cụt của án phạt nữa, mà là ngưỡng cửa phải bước qua để đi vào cuộc sống mới nhờ Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu.

 Bài 2

Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!… Đức Giêsu cầm lấy tay nó và nói… “này cô bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi”. Lập tức con bé đứng dậy… (Mc 5,39.41).

Lời Chúa của Chúa Nhật XIII B Mùa Thường Niên mời các tín hữu suy tư, cầu nguyện về một thực tại nhân sinh diễn ra hằng ngày trước mắt, ở bất kỳ nơi nào, lúc nào trên toàn thế giới. Thực tại này mọi loài thọ tạo đều phải lãnh nhận khi “tử kỳ hữu định” không ai trốn chạy được. Nó là một thực tại luôn ám ảnh con người không sao dò thấu, cảm nghiệm được. Vì mỗi người chỉ gặp nó một lần trong đời, không ai có kinh nghiệm về nó, không ai chia sẻ gì được về nó. Đó là cái CHẾT. “Chết” là “tờ giấy hẹn” được gởi cho mọi người ngay khi vừa mới chào đời và tới kỳ, tới nơi đã định thì Tử Thần có mặt dẫn đưa đương sự ra khỏi thế trần này. Và trước cuộc “đi xa” này tất cả mọi người đều bình đẳng: hành trang mang theo chỉ là hai bàn tay trắng. Vào đời trắng tay, ra đi tay trắng. Không có luật trừ! Dù chết bụi chết bờ hay được an táng long trọng; dù là tử tội hay bậc đế vương được xây lăng xây mộ…thì kết quả chung cuộc tất cả chỉ là những thây ma. Đứng trước thực tại đau thương phũ phàng đó, con người có phản ứng như thế nào?

Đa phần nhân loại là cúi đầu cam chịu, kèm theo chút ước mơ: sống lâu thêm được ngày nào hay ngày đó. Nhưng cho dù có sống thên được một thời gian thì rồi cuối cùng cũng phải CHẾT.

Một số ít người muốn vượt thắng cái chết bằng khoa học, y khoa…nhưng đến giờ phút này (và có lẽ là vĩnh viễn), tất cả đều là ảo tưởng.

Và những nỗ lực của con người chỉ là những việc làm ích kỷ: nếu giả như có tìm ra được phương thuốc trường sinh thì cũng chỉ trước tiên là để cho cá nhân mình, rồi các gia đình, phe nhóm của mình được hưởng… còn quyền lực Thần Chết vẫn tồn tại, tiếp tục đe dọa toàn thể nhân loại.

Phần Thiên Chúa, Người muốn toàn thể nhân loại không bị Tử Thần khống chế; Tuy nhiên Thiên Chúa không giải cứu con người bằng cách loại trừ, xua đuổi cái chết khỏi trần gian, Thiên Chúa cũng không ban cho con người ơn bất tử, “hằng hữu” như Chúa ngay tại thế này. Điều Chúa làm là hoàn thiện công trình Sáng Tạo ngay trong mảnh đất mà Tử Thần đang khoe nanh giương vuốt này.

Thiên Chúa hồi phục hồng ân “hình ảnh Thiên Chúa” nơi thân phận con người (“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9), xem thêm Mt 10,40; Mc 9,37); Thiên Chúa đem “Cây Trường Sinh” vào trồng ngay trong vùng đất của sự chết của trần gian này (Cây Thập Giá – Các bí tích). Như vậy ngay trong lãnh địa của Thần Chết đã được Thiên Chúa trồng vào mầm sống thần linh của Chúa, nhờ đó nhân loại khắc phục được Tử Thần.

Nhắc lại: Sách Sáng Thế không nói Thiên Chúa dựng nên con người bất tử, “hằng hữu” giống y như Chúa; St 1,27 chỉ nói Thiên Chúa dựng nên con người “theo hình ảnh Chúa”. Nghĩa là: tự bản thân, con người không “hằng hữu” tự mình mà có, không bất tử, nhưng con người không thể chết NHỜ KẾT HIỆP với Chúa qua việc tuân phục ăn trái của “Cây Trường Sinh”. Vì con người sa ngã, cổng vườn Eden khóa lại, con đường dẫn tới Cây Trường Sinh bị phong tỏa, do đó sự chết được tự tung tự tác hoành hành nơi con người.

Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới nanh vuốt Thần Chết. Người hồi phục “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người trong Đức Giêsu. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đem trồng Cây Sự Sống vào giữa đất lưu đày trần gian (Cây Thập Giá). Và như thế, dù nọc độc của sự chết, quyền lực của Tử Thần vẫn còn nhưng không thể khống chế những ai tin vào Đức Giêsu được nữa. Sự chết vẫn còn đó, nhưng từ nay những ai tin vào Đức Giêsu, sự chết không còn là ngõ cụt, là đích đến của phận người tội lỗi nữa mà là ngưỡng cửa, là “cửa khẩu” mở ra cho vùng đất mới đưa con người “về lại Nhà Cha”.

Đối với người Công Giáo, chết là “về lại Nhà Cha”, không phải là về lại Vườn Địa Đàng để hái ăn trái “Cây Trường Sinh” (Vì Cây Trường Sinh đích thực đã được Đức Giêsu đem trồng vào trần gian rồi: Cây Thập Giá), mà để được thông phần vinh quang bất tử với Chúa. Với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu thì “Cây Trường Sinh” đã được nâng tầm cao thành “Cây Bất Tử”, thật vậy, vào Ngày Cánh Chung, Thần Chết bị hủy diệt tận căn (x.1Cr 15,26; Kh 21,4): “quả vậy, cái thân hư nát này phải mặc lấy sự bất diệt; Và cái thân phải chết này phải mặc lấy sự BẤT TỬ” (1Cr 15,53), nhờ Đức Giêsu đã đảm nhận lấy phận con người, đã chết và đã sống lại (1Cr 15,20-21).

Lời Chúa hôm nay hé mở cho chúng ta vài nét về mầu nhiệm sự chết trong thực tại nhân sinh của chúng ta.

Bài đọc 1: Kn 1,13-15; 2,23-24.

Cho chúng ta thấy dự tính đầu tiên của Thiên Chúa đối với công trình sáng tạo của Người và nhất là đối với con người; Và rồi sau đó giải thích vì đâu mà sự chết xuất hiện. Bài đọc 1 trích từ Sách Khôn Ngoan, tóm lại những nét giáo lý chính yếu được mô tả trong 3 chương đầu Sách Sáng Thế.

1/ Thiên Chúa không làm ra cái chết… (câu 13): câu này nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa: mọi sự đều sống động, trật tự và tốt lành. Chúa phán gì có đó, mọi sự đều diễn ra theo đúng ý Chúa: “Thiên Chúa phán: Hãy có… tức thì có”. Mọi sự đều tốt lành, Thiên Chúa không dựng nên sự chết. Mọi sự diễn ra, lớn lên theo trật tự Chúa đã an bài; Mọi vật hiện hữu đều bổ sung, hữu ích cho nhau (câu 14).

2/ Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Chúa (Kn 2,23 so với St 1,27) riêng con người Chúa ban cho đặc ân được “là hình ảnh Thiên Chúa”. Yếu tố làm con người được trường tồn bất diệt là vì họ là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa thường tồn thì hình ảnh của Người cũng được thông phần bất diệt.

3/ Vậy tại sao có sự chết? “Vì quỷ dữ ganh tỵ mà cái chết đã xâm nhập trần gian”. Câu trên, Kn 2,24, vọng lại cuộc chiến bại của con người vì dại dột nghe theo lời lường gạt của Qủy, không muốn làm “hình ảnh của Thiên Chúa”, muốn tự mình độc lập, tách rời ra khỏi Thiên Chúa là nguồn sự sống. Và một khi đã tách rời ra khỏi “nguồn sống” thì sự chết dần dần xuất hiện.

4/ Sự chết không trường tồn (câu 14a.c.d), rơi vào cạm bẫy của Qủy, con người chết dần chết mòn vì tự ý tách rời ra khỏi Thiên Chúa là nguồn sống, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương ngăn chặn tình trạng tách rời, trốn chạy đó của con người; Thiên Chúa tiếp tục hoàn thiện công trình sáng tạo: Thiên Chúa sáng tạo là để cho muôn loài hiện hữu, Chúa không để nọc độc hủy hoại tiêu diệt công trình của Chúa (Kn 1,14). Nhờ đó “Âm phủ không thể thống trị địa cầu” (1,14d). Và cái trường tồn không là sự chết mà là sự công chính tức ý định của Thiên Chúa muốn muôn loài tồn tại (Kn 1,15).

Vậy sự chết có mặt chỉ là sự trục trặc tạm thời trong dòng lịch sử, còn cái trường tồn là dự tính, công trình của Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mc 5, 21-43

Trong Đức Giêsu, qua Thập Giá và Phục Sinh của Người, Thiên Chúa mở rộng kho tàng thiên ân giúp nhân loại khắc phục Thần Chết. Qua Giáo Hội và các bí tích, hồng ân, Thiên Chúa tuôn tràn phúc lộc thần linh xuống cho chúng ta, đặt các phương tiện chữa lành, hồi sinh vào tầm tay của con người. Phần nhân loại cũng như mỗi cá nhân phải “ăn”, “tiêu hóa” những “lương thực thần linh” ấy, chuyển hóa chúng thành “nội lực”, thành “sức đề kháng” của chính bản thân mình trước khổ đau và Thần Chết. Chính vì thế khi chữa lành cho các đối tượng, Đức Giêsu thường nói “lòng tin của con đã cứu chữa con” mặc dù chính Đức Giêsu ra tay cứu chữa.

Tin Mừng hôm nay là một minh họa cho điều đó. Sức sống thần linh, phương dược chữa lành, Thiên Chúa đã sẵn sàng tuôn ban cho chúng ta trong Đức Giêsu; Phần còn lại từ phía con người là “đụng chạm đến Người” dù chỉ đụng tới tua áo và nhất là TIN: “lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34); Đừng sợ! Chỉ cần tin thôi” (5,36).

Tin Mừng hôm nay kể lại 2 phép lạ xen kẽ nhau. Cả hai đều diễn ra giữa đám đông, nhưng chỉ những ai có lòng tin vào Đức Giêsu mới thọ hưởng được trọn vẹn, mới thông dự thật sự vào quá trình chuyển hóa: 

  • Chỉ có người đàn bà bị bệnh mới biết rõ diễn biến của việc bà được chữa lành.

  • Chỉ có những người được Đức Giêsu cho đi theo vào nơi em bé nằm chết mới chứng kiến tận mắt quyền năng thắng Tử Thần của Đức Giêsu.

CHỮA LÀNH (Mc 5,25-34)

1/ Bối Cảnh: đám đông đang chen lấn đến gần Đức Giêsu.

Có 1 bà bị bệnh xuất huyết đã 12 năm: bệnh tật đã là ô uế, càng ô uế hơn nữa nếu bệnh có liên quan tới máu, Luật cấm người bệnh đụng chạm tới người khác (Lv 15,25-27). Vậy mà bà ta đã cả gan chen lấn vào giữa đám đông với niềm cậy trông sẽ được lành nếu chỉ cần “sờ được vào áo choàng của Đức Giêsu”. Bà ta dám liều như vậy là vì lòng ao ước được chữa lành, lòng tin cậy vào Đức Giêsu đã thôi thúc bà. Trong Cựu Ước, tội nhân, người ô uế sợ hãi, lánh xa Thiên Chúa, còn trong Đức Giêsu, những hạng người ấy lại được Người lôi cuốn kéo đến nương tựa nơi Người. Trong Đức Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa được mặc khải, Tình Yêu đó lớn hơn tội lỗi con người, Tình Yêu đó chờ đợi con người đến với Chúa.

2/ Sức mạnh của đức tin và lòng cậy trông (5,30-33): cả đám đông chen lấn, biết bao lần đụng chạm vào Đức Giêsu, nhưng chẳng có ai “kích hoạt” được quyền năng thần linh đang đầy ứ trong Đức Giêsu. Nhưng chỉ một cái chạm nhẹ cố ý được thúc đẩy bởi lòng trông cậy đã khiến cho “một năng lực tự nơi mình Đức Giêsu phát ra” (c.30). Ơn Thiên Chúa luôn dư đầy, vấn đề là con người có cậy tin đến kín múc!

Bà được chữa lành (c.29) nhưng chỉ một mình bà biết, các môn đệ cũng chẳng ai hay biết. Nhưng hồng ân Thiên Chúa tuôn ban không phải là cho riêng và chỉ cho riêng người đó. Không hề! Ơn huệ đó phải được chia sẻ cho mọi người nhằm mục đích mời gọi mọi người hãy nhìn vượt xa hơn các phép lạ để tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế, Đức Giêsu mới “ngó quanh” để tìm cho được kẻ “sờ vào áo Tôi”.

3/ Chữa lành: bà phải “thú tội”: tội vi phạm Luật, tội làm cho đám đông và Đức Giêsu ra ô uế. Tội làm cho bà “sợ phát run lên”, buộc phải thú tội và “nói hết sự thật với Người”. Nhận tội thì phải lãnh án phạt! Nhưng thật bất ngờ: ở đây, nhận tội lại được tha bổng, lại còn được tuyên dương. Đức Giêsu đã chuyển hóa sự sợ hãi của bà (nhưng không che đậy mà thú nhận) trở thành phúc “bình an” và ơn cá nhân cảm nghiệm riêng mình được chữa lành trở thành phép lạ CÔNG KHAI cho mọi người biết. Chẳng những được chữa lành phần xác mà nhân phẩm còn được phục hồi, công khai hội nhập lại với đám đông vì họ biết bà đã được chữa lành, hết ô uế: “lòng tin của con đã cứu chữa con, con hãy về BÌNH AN và khỏi hẳn bệnh” (5,34).

THẮNG TỬ THẦN (Mc 5,21-24.35-43)

1/ Giai đoạn 1 (5,21-24)

* Người cha, ông Gia-ia, trưởng hội đường đến cầu cứu Đức Giêsu trong tình trạng bé gái, con của ông, “gần chết” nghĩa là còn sống. Cho đến giờ phút này, Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa lành và trừ quỷ. Người ta tin Đức Giêsu chận đứng được lưỡi hái Tử Thần khi “Nó” chưa ra tay “thu hoạch”. Người ta không tin rằng Đức Giêsu sẽ thắng được Thần Chết.

* Thái độ thiếu tin tưởng đó thấy rõ khi qua giai đoạn 2: thái độ của đám đông khác hẳn.

2/ Giai đoạn 2 (5,35-43)

* Bé gái chết! Thái độ của đám đông thay đổi hẳn. Họ không tin vào quyền năng của Đức Giêsu nữa vì Thần Chết đã ra tay trước rồi: “con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa (c.35b).

* Cũng cùng thái độ thiếu lòng tin, đám đông tại nhà ông Gia-ia đã cười nhạo Đức Giêsu khi Người bảo “đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”.

* Phản ứng của Gia-ia: ông vẫn can đảm giữ vững lòng tin trước hung tin con chết, trước lời xúi “mời Thầy chi nữa”. Ông không gào khóc làm náo loạn như đám đông…Ông tiếp tục TIN, tiếp tục mời Đức Giêsu đến nhà. Lòng tin ấy được Đức Giêsu ủng hộ, củng cố: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Chúa đang tinh luyện và nâng cao lòng tin của Gia-ia: Người là Đấng chiến thắng cả Tử Thần, Người có năng lực của Thiên Chúa là gỡ vong nhân thoát khỏi tay Thần Chết (x.Is 25,8; Hs 13,14; 1Cr 15,55).

Một khi vẫn vững tin và đón tiếp Đức Giêsu vào nhà thì điều kỳ diệu xảy ra và được loan báo trước: cái chết trở thành giấc ngủ (c.39). Và chỉ những ai tin (cha mẹ em bé và 3 môn đệ được Đức Giêsu “cho đi theo Người” c.37) mới được tận mắt chứng kiến lời Đức Giêsu tuyên bố trên (c.39) trở thành sự thật, còn đám đông chỉ được nhìn thấy “đáp số” khi mọi sự đã hoàn tất: em bé đứng dậy, đi lại, ăn uống được.

* Dung mạo thần linh của Đức Giêsu được hé lộ qua cách Đức Giêsu chữa lành cứu sống bé gái: chỉ bằng 1 lời nói.

– Lời báo trước: em bé chỉ ngủ: đúng 100%

– Chữa lành chỉ bằng 1 lệnh truyền, mọi sự diễn ra ngay tức khắc. (các câu 41.42)

* Sự có mặt của 3 môn đệ: lưu ý: đây là phép lạ cho kẻ chết sống lại duy nhất trong Tin Mừng Marcô. Trong phép lạ này không thấy nói tới đức tin của 3 môn đệ; Nhưng rõ ràng 3 vị này là những người được tuyển chọn đặc biệt để tham dự vào biến cố cứu độ, cứu sống toàn thể nhân loại: biến cố Hiển Dung và biến cố được Đức Giêsu mời đi cầu nguyện canh thức với Người để đương đầu với Thập Giá.

Dù đức tin “chưa có” (x.Mc 4,40), họ vẫn được Đức Giêsu chuẩn bị sớm, chuẩn bị từ xa khám phá ra quyền lực thần linh ẩn tàng trong con người Giêsu, một quyền lực thống trị cả Tử Thần, nhờ đó họ không sụp đổ hoàn toàn khi mầu nhiệm Thập Giá xuất hiện và họ sẵn sàng đi làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh khi họ được sai đi dù đức tin còn non kém (x.Mc 16,14-20).

Tóm lại, đối với những ai tin Đức Giêsu, sự chết vẫn còn đó, Nó vẫn là nỗi sợ của con người, nhưng nọc độc hủy diệt của Nó đã bị vô hiệu hóa: Nó chỉ là “giấc ngủ”, Nó không là điểm đến và là ngõ cụt của kiếp nhân sinh, nhưng là “ngưỡng cửa”, là “cửa khẩu” kẻ tin phải bước qua để tiến vào cuộc sống mới. Nó là nơi, là thời điểm để kẻ tin giã từ những gì là chóng qua, giới hạn để bước vào đời sống vĩnh cửu.

Frère Pierre Đình Long FSC