CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Hc 27,4-7; Lc 6,39-45
Chủ đề: Tiêu chuẩn phân biệt lành dữ – xem quả biết cây.

* Hc 27,6: xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.
* Lc 6,44-45: xem quả thì biết cây… Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát sinh sự thiện.

 Lời Chúa của Chúa Nhật VIII C Mùa Thường Niên dạy chúng ta cách ứng xử khôn ngoan theo tinh thần kitô giáo trong cuộc sống để bản thân mình khỏi rơi vào cạm bẫy của sự dữ, đồng thời cũng giúp kẻ khác được như thế. Ở đây đề cập đến hai chiều kích của việc ứng xử: với bản thân và tha nhân

1/ Phần cá nhân: mình đừng để bị kẻ xấu đánh lừa. Nhưng làm cách nào để phân biệt được kẻ xấu, người tốt? Làm sao để đừng rơi vào cạm bẫy của những kẻ muốn hại ta? Đó là phải quan sát, nhìn, nghe, biện phân, rồi phán đoán dựa trên “túi khôn nhân loại” và nhất là dựa trên Lời Chúa: “xem quả biết cây”.

2/ Trong tương quan với tha nhân: phải dùng cái khôn ngoan được Chúa trao ban ấy để phục vụ, hướng dẫn tha nhân, nhằm làm giảm bớt điều ác trong cộng đồng nhân loại, ngăn cản cái ác lộng hành. Khôn ngoan không chỉ dùng hưởng lộc cho cá nhân hay bè nhóm. Tuy nhiên, Chúa cảnh cáo: coi chừng rơi vào cơn cám dỗ là lấy cái khôn trước mắt đó của mình làm chuẩn mực để rồi phán xét, kết án tha nhân. Để thực hiện tốt bước 2, tương quan với tha nhân, Chúa dạy, trước tiên phải xét mình: xem mình có phải là kẻ “ngụy quân tử”, là “bọn giả hình” hay không (x. Lc 6,42b). Qua lời dạy này, Đức Giêsu không có ý bảo chúng ta phải nên trọn hảo tuyệt đối (điều không có được trong phận người tại thế) rồi mới hướng dẫn anh em mình. Đức Giêsu chỉ đòi chúng ta trong khi hướng dẫn kẻ khác thì đừng có tự cao, lên án, xét xử kẻ khác, nhưng phải luôn khiêm tốn tự xét mình để tránh cái thảm họa “mù dắt mù để rồi cả hai cùng rơi xuống hố” (x. Lc 6,39). Điều quan trọng khi hướng dẫn, góp ý với tha nhân là chúng ta làm với động cơ, mục đích nào? Phải làm vì đức ái: “người tốt thì lấy cái tốt, từ kho tàng tốt của mình” (x. Lc 6,45a) để biện phân, khuyên răn, hướng dẫn kẻ khác.

Bài đọc 1 nhấn mạnh điểm số 1: làm cách nào để đừng bị kẻ xấu đánh lừa? Văn mạch của bài đọc cho thấy đây là lời dạy khôn được nhắm trước tiên vào lãnh vực thương mại: “làm thương mại khó tránh khỏi tham lam, đi buôn bán không thoát được tội lỗi” (Hc 26,29). Trong lãnh vực buôn bán, “mua rẻ bán đắt” luôn là cơn cám dỗ ngọt ngào rình rập các thương nhân: họ có thể sống thỏa hiệp, bình an với việc “ăn gian nói dối”. Trong bối cảnh đó, bài đọc 1 khuyên: khi giao dịch, chớ vội vã quyết định chọn mua hay bán ngay, nhưng phải làm sao kích động để đối tượng của mình phải nói ra thật nhiều lời và mình chủ động lắng nghe; Vì nhiều lời ắt sẽ có lỡ lời, lộ nhiều thông tin, nhờ đó ta nắm bắt được các dữ liệu cần thiết để biện phân nhận được sai/ đúng, thật/ giả. Sách Huấn Ca nói rõ như thế: “Một khi đã nói ra thành lời thì cái dở rõ ràng thấy được ngay” (x. Hc 27,4b); “phải nghe người ta chuyện trò thì mới biết được ai rởm ai hay” (câu 5b); “nghe lời miệng nói thì biết ngay lòng người” (câu 6b). Nghe được những gì kẻ khác nói rồi thì ta phải BIỆN PHÂN. Việc biện phân được Sách Huấn Ca diễn tả ra bằng các hình ảnh: sàng lúa để lộ ra đâu là thóc, đâu là rác trấu (câu 4a); Phải bỏ các bình gốm vào lò nung để lọc ra bình tốt/ bình xấu (câu 5a). Rồi Sách Huấn Ca kết luận: “chớ vội khen (chê) ai khi người chưa lên tiếng” (câu 7a); Và tổng quát hóa vấn đề: “xem quả (nghe người nói) biết cây (sẽ biết được người)” (cc. 6a và 7b). Trong Tin Mừng, Đức Giêsu lấy lại câu 6a và giải thích thêm: “vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Lc 6,45c).

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu mở rộng tầm nhìn của chủ đề biện phân để nhận ra sự thật cho toàn cuộc sống. Nhưng một khi đã nhận ra “cái rác trong mắt anh em” rồi thì đừng lên mặt đòi làm quan án xét xử anh em, nhưng hãy khiêm tốn nhận ra mình cũng có “cái xà trong mắt mình”. Như vậy khi biện phân giúp anh em sửa lỗi thì bản thân mình cũng phải được sửa sai. Tiếp đó, Đức Giêsu lấy lại ý tưởng “xem quả biết cây”. Nhưng Người nhấn mạnh đến ĐỘNG CƠ thúc đẩy làm việc đó hơn là chỉ nói đến sự kiện: mọi việc người môn đệ Đức Giêsu làm đều phải phát xuất từ ĐỨC ÁI: “người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình” (Lc 6,45a). Như vậy Đức Giêsu mời các môn đệ (x. câu 30) bắt chước Người: Người đến trần gian chỉ cho các tội nhân biết có “cái rác” trong mắt họ, nhưng không lên án mà để cứu (x. Ga 3,17). Vậy môn đệ Đức Giêsu phải luôn tỉnh táo biện phân rồi giúp tha nhân nhận ra đâu là tốt/ xấu, thật/ giả; Nhưng chỉ làm tất cả vì tình yêu, vì ơn cứu độ cho tha nhân và cho cả bản thân mình.

Bài 2

Xem quả thì biết cây. Ở bụi gai làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm làm gì hái được nho!… Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra (Lc 6,44.45c).

  Lời Chúa của Chúa Nhật VIII C Mùa Thường Niên đã khai thác từ kho tàng kinh nghiệm của “túi khôn nhân loại” rút ra những bài học quý giá giúp con người sống trung thực hơn với bản thân mình, đồng thời giúp tránh được – ở mực độ cao nhất – những cạm bẫy, mánh khóe lừa đảo của một thế giới đang bị thống trị bởi dối trá, vô luân. Lời Chúa mời suy tư về chủ đề: làm cách nào để biện phân ra được một sự kiện là tốt hay xấu, đúng hay sai, thật hay giả? Yếu tố nào làm bộc lộ ra sự gian trá của phường dối trá; Yếu tố nào giúp ta nhận ra được, vạch mặt được mưu mô của bọn gian tà?

Cả hai bài đọc 1 và Tin Mừng đều đưa ra một nguyên tắc chung: “xem quả biết cây” (Hc 27,6a; Lc 6,44a). Đó là quy luật tự nhiên trong những điều kiện bình thường của công trình sáng tạo do Thiên Chúa an bài. Quy luật này đòi hỏi thời gian: để có được trái ngon, chất lượng thì phải có thời gian để cây lớn lên rồi mới ra bông, kết trái, chưa kể còn phải chịu tác động từ những yếu tố bên ngoài: thời tiết, côn trùng, cỏ dại, thuốc… Ngoài ra khi cây đã ra trái, thì không phải bất kỳ ai cũng có thể phân biệt chính xác trái nào đã chín, trái nào có sâu… Phải có cặp mắt nhà nghề để biện phân. Thêm nữa, ngày nay với khoa học tiến bộ, sự can thiệp và chủ ý của người nông dân cũng ảnh hưởng lớn tới ý nghĩa của câu châm ngôn trên: ở Việt Nam thường nghe nói: ở chợ những rau trái to ngon, xanh mơn mởn là hoa trái “độc hại” vì xịt thuốc; còn trái èo ọp… lại là rau trái sạch có ích thật cho sức khỏe.

Như vậy, “xem quả biết cây” không dễ như ta tưởng; với cặp mắt không chuyên môn kèm với cái nhìn hời hợt bề ngoài thôi thì dễ đưa tới lầm lẫn tựa như người đi chợ lần đầu lựa trái cây, mua cá thịt… thường dễ mua lầm đồ dzỏm mà cứ tưởng là đồ ngon vì dáng vẻ bên ngoài của chúng.

Ứng dụng câu “xem quả biết cây” vào trong tương quan giao tế hằng ngày thì “quả” cụ thể là gì, để có thể nhìn vào đó mà biết được “cây”? Lời Chúa hôm nay cho một câu đáp: đó là LỜI NÓI (x. Hc 27,6b-7; Lc 6,45). Dĩ nhiên có nhiều yếu tố khác cũng giúp ta nhận biết được lòng dạ, tâm tư của một con người. Nhưng hôm nay, lời Chúa nhấn mạnh tới “Lời nói”. Do đó phải hết sức cẩn trọng trong tương quan với lời nói: khi nghe, khi nói và phán đoán.

BÀI ĐỌC I: Hc 27,4-7

Sách Huấn Ca là một tuyển tập những câu châm ngôn, ngạn ngữ, những bản văn ngắn dùng để giáo dục luân lý đạo đức cho những người trẻ Hipri trong những năm 200 – 180 giúp họ trở nên tín hữu trung tin với tôn giáo, Lề Luật và Sự Khôn Ngoan. Sách được viết bằng tiếng Hipri do ông Giêsu, con ông Xira soạn thảo (Hc 50,27). Vì thế sách này còn được gọi tên là “Sự khôn ngoan của ông Giêsu, Ben Xira” sau đó khoảng năm 132 tcn, cháu nội của ông đã dịch ra tiếng Hi lạp (x. 15-25). Do Thái giáo không nhận sách Huấn Ca là Kinh Thánh. Giáo Hội Công Giáo nhận là Kinh Thánh bản tiếng Hi lạp; và có lẽ là để nhấn mạnh đến sự kiện Giáo Hội nhìn nhận Sách Huấn Ca là Kinh Thánh (x. Cha Thuấn) nên còn gọi là Ecclésiasticus = “(sách) thuộc về Giáo Hội”, vì tầm quan trọng và ích lợi của sách trong việc giáo huấn (nhất là các tân tòng) trong Giáo Hội (CGKPV).

Sách được viết ra là để giúp những ai thích học hỏi và gắn bó với đường giáo huấn và lẽ khôn ngoan sẽ nhờ thế mà sống phù hợp hơn với Lề Luật (Lời tựa câu 13.14); Rồi sau đó được dịch ra tiếng Hi lạp là để phục vụ những người đang ở nước ngoài mà thích học hỏi và muốn điều chỉnh lại nếp sống của mình sao cho phù hợp với Lề Luật (câu 34.35).

Giai đoạn lịch sử này đế quốc Hi lạp thống trị vùng Cận Đông và Lưỡng Hà. Họ vừa mạnh về quân sự, chính trị lẫn văn hóa, nên đã lôi cuốn các nước thuộc địa sống theo lối sống Hi lạp: ở tại Giêrusalem người Do Thái đã xây hí trường, đã xấu hổ che đậy vết cắt bì… Nguy cơ mất gốc đang rình rập người Do Thái. Sách Huấn Ca được soạn thảo nhằm bảo vệ gia sản tôn giáo và văn hóa của dân tộc. Đây là một tác phẩm cần thiết cho những người Do Thái muốn giữ nguyên căn tính của mình giữa một thế giới đang biến chuyển mau lẹ. Họ có thể tìm thấy ở đây một cẩm nang đời sống thực hành giúp họ trung thành với Thiên Chúa, với dân tộc. Dù có bị sức ép mạnh từ bên ngoài, cộng thêm với sự suy thoái của một số người từ bên trong Do Thái giáo, người dân của Chúa cũng không được phép đầu hàng trước trào lưu hi lạp hóa (CGKPV “Các Sách Giáo Huấn” trang 609 “Chủ đích của Huấn Ca”).

Bài đọc 1 là một trích đoạn nhỏ gồm bốn câu châm ngôn trình bày các biện pháp giúp con người biện phân ra được đâu là tốt/ xấu, thật/ giả… Và ở đây yếu tố chính giúp biện phân là “LỜI NÓI” được lồng trong 3 hình ảnh:

1/ Sàng lọc (Hc 27,4): hình ảnh dễ hiểu vay mượn từ cuộc sống nông nghiệp. Đến vụ mùa, nông dân cắt lúa, bó lại rồi đập vào bồ để tách hạt khỏi bó lúa. Lúc đó thì lúa và các tạp chất lẫn lộn nhau. Thuở xưa chưa có máy móc, người ta mới lấy cái sàng để lọc lấy các hạt lúa, còn rơm rác thì quăng đi. Cái sàng là một chuẩn mực đơn sơ để ngang qua đó, người nông dân mau chóng lọc ra đâu là lúa mẩy, đâu là rác.

Áp dụng hình ảnh đó vào cuộc sống của con người, yếu tố được Sách Huấn Ca đề cập đến ở đây để giúp biện phân phải trái, thật giả nơi một con người là Lời nói: “nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay” (27,4b).

Vậy người khôn là người biết lắng nghe nhiều và cẩn trọng trong lời nói. Nghe nhiều để có được những yếu tố cần thiết để biện phân; còn ăn nói cẩn trọng thì sẽ bớt lỡ lời, tránh được những cạm bẫy, nguy cơ do việc nói nhiều gây ra. Chúng ta thấy trong Tin Mừng, các đối thủ của Đức Giêsu cũng tìm đủ mọi cách để Đức Giêsu phải mở lời hầu tìm chỗ bắt bẻ Người; Đức Giêsu đáp lời cũng bằng phương thức này: Người hỏi lại, đối thủ phải trả lời và Đức Giêsu dùng chính những lời họ nói ra để chỉ bảo, giáo huấn dạy dỗ hoặc bắt bẻ làm họ phải im đi.

2/ Tinh luyện (27,5a) hình ảnh vay mượn từ nghề thợ gốm.

Một lô đồ gốm vừa được nặn ra hình dạng xong; Muốn cho những thành quả ấy được bền và cũng để xem cá thể nào còn những khiếm khuyết, người ta cho chúng vào lò và nung. Sự nung luyện ấy sẽ củng cố cái tốt, đúng chất lượng, đồng thời cũng làm lộ ra những khiếm khuyết nếu có.

Áp dụng vào việc nhận chân giá trị một con người thì yếu tố nào là “lửa tôi luyện”. Đó là LỜI NÓI: “nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay” (27,5b). Bài học cho bản thân cũng giống như trong câu 27,4b: thận trọng trong lời nói để về sau khỏi hối tiếc, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Tuy nhiên trong trường hợp này, ta cũng cần sáng suốt biện phân: có những trường hợp dù biết rõ rằng những điều mình sắp nói, sắp viết ra… không rõ là đúng hay sai, thì vẫn phải bày tỏ ra để được nhiều người góp ý chỉnh sửa nếu sai và củng cố xác tín nếu đúng: đó là trường hợp học sinh, sinh viên làm bài; góp ý hội thảo, học ngoại ngữ…

Vậy vấn đề ở đây là phải sử dụng ngôn ngữ đúng lúc, đúng nơi một cách vừa phải, hợp lý, với mục đích xây dựng cho nhau. Nói ít, nói nhiều không là tiêu chuẩn. Im lặng có khi là “vàng” cũng có khi là “đồng lõa”. Để biện phân được đâu là phải/ trái, rồi dám nói ra hoặc giữ im lặng điều cần giữ thật không dễ; Vì ma quỷ, tội lỗi, sợ hãi, ngụy biện luôn bủa vây ta khiến ta ứng xử ngược: điều cần nói lại im; điều cần im lại gào lên, tranh nhau bóp méo sự thật vì lợi ích bản thân, bè phái.

Cầu xin Chúa ban cho nhân loại và từng cá nhân – lòng kính sợ Thiên Chúa; – biết tôn trọng sự thật; – Thành thực với chính bản thân mình; – và ơn can đảm của một chứng nhân của Chúa để dám biện phân và nói đúng sự thật.

3/ Phán đoán ngay chính, công minh: mượn hình ảnh của người làm vườn cây ăn trái CHUYÊN NGHIỆP để làm công việc so sánh, biện phân.

Lời khuyên “xem quả thì biết vườn cây” tưởng chừng là đơn giản; nhưng thật ra để có thể “xem quả biết cây” cần phải có một tầm nhìn và kiến thức tối thiểu về các loại cây trồng chứ không phải bất kỳ ai cũng làm được. Thêm nữa, để có được “quả” thì phải cần thời gian cây tăng trưởng, ra hoa, rồi phải đợi tới vụ mùa thì “quả” mới hiển lộ ra được đặc tính của cây: không thể vội vã phán đoán trước hạn kỳ của mùa thu hoạch, hoặc chỉ dựa vào một số quả cuộc bộ, vừa thấy được trước mắt.

Áp dụng để lượng giá một con người thì cũng như hai hình ảnh trước, yếu tố để đo lường là LỜI NÓI và CÂY là LÒNG NGƯỜI: “nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (27,5b). Tuy nhiên ở hình ảnh thứ ba này thì điểm nhấn nằm ở câu 6a: “chớ vội… khi người chưa lên tiếng”.

“Chớ vội” hàm ý phải kiên trì, đừng vội phán đoán trước thời vụ: tiếng nói chung cuộc mới là yếu tố chính đánh giá một con người: xem đứa con hoang đàng, Dakêu, Tên trộm lành. Đó là những “vườn cây tốt” nhờ thấy được “hoa trái” chung cuộc là lời nói quyết định của họ (xem thêm Ed 33,12-16).

Tóm lại, bài đọc 1 hôm nay chuyển trao đến cho chúng ta một kinh nghiệm khôn trong cách ứng xử giúp ta dựa vào đó để biết mình, biết người, đó là Lời nói; Lời nói biểu lộ ra cái thâm sâu của lòng người. Tin Mừng cũng sẽ lập lại xác tín đó: lòng có đầy miệng mới nói ra. Để biết người, phải lắng nghe những gì họ nói, và cũng vậy để biết mình cũng phải nghe những gì mình nói vì lời nói là tấm gương phản chiếu những điều ẩn núp trong thâm sâu tâm hồn mình mà mình không hay biết hoặc cố công che đậy. Chỉ đến khi “tức nước vỡ bờ” thì lúc ấy mới bật ra thành lời nói. Ý thức và nắm bắt được những lời bật tung ra đó, ta mới có thể biện phân được bản thân mình, cũng như những người khác có thật là môn đệ Đức Giêsu hay không.

TIN MỪNG: Lc 6,39-45

Tin Mừng của Chúa Nhật VIII C Mùa Thường Niên là đoạn trích thứ ba liên tục nhau của “Bài giảng khai mạc” diễn ra ở đồng bằng theo Luca (Lc 6,20-49).

  • Trích đoạn 1, Lc 6,20-26 đưa ra những nghịch lý nói về các mối phúc/ họa được đọc trong Chúa Nhật VI C. Đức Giêsu yêu thương nhân loại tội lỗi, bội phản đang đắm chìm trong lầm lạc khổ đau, chỉ cho họ đường phải đi, lối phải tránh để tìm lại phúc thật, được hưởng Nước Trời.

  • Trích đoạn 2, Lc 6,27-38 tiếp tục đưa ra một nghịch lý khác, đòi hỏi ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì phải theo, yêu kẻ thù. Trích đoạn này được đọc trong Chúa Nhật VII C Mùa Thường Niên. “Yêu kẻ thù” là bí quyết Đức Giêsu ban tặng để hóa giải mọi oán thù, biến trần gian hận thù thành một gia đình có Thiên Chúa nhân từ với mọi người là Cha.

  • Trích đoạn thứ 3, Lc 6,39-45 được đọc hôm nay, gom lại ở đây những lời cảnh báo dành cho các môn đệ, liên quan đến các mối tương quan trong đời sống nội bộ của cộng đoàn, đặc biệt trong lãnh vực hướng dẫn, chỉ đạo, sửa lỗi cho nhau. Đó phải là những dịp tốt nhắc nhở người môn đệ phải biết nhìn lại bản thân mình để sự trợ giúp anh em thật sự mang lại kết quả tốt đẹp.

1/ “Mù mà lại dắt mù được ư? Cả hai sẽ chẳng lăn cù xuống hố sao?” (Lc 6,39). Câu này cũng có ở Mt 15,14 nhưng nằm trong bối cảnh một cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và các pharisêu. “Kẻ dẫn đường mù quáng và ngu si nữa (Mt 23,16-17) là chính các pharisêu bị Đức Giêsu trách là kẻ hướng dẫn đui mù.

Còn trong Luca, Đức Giêsu nói câu này cho các môn đệ nhất là cho các tông đồ, và qua họ, là cho tất cả những ai có trách nhiệm trong cộng đoàn tín hữu. Vậy trong Luca, đây là lời cảnh báo mọi tín hữu, nhất là các vị lãnh đạo ở mọi cấp một khi đã lãnh nhận trách nhiệm làm người hướng dẫn kẻ khác trong Giáo Hội phải luôn để cho ánh sáng của Đức Kitô hướng dẫn, đừng có đui mù trong những sai lạc của mình mà làm hại mình, hại tha nhân.

2/ “Học trò không hơn thầy, nhưng trò nào được huấn luyện đầy đủ sẽ giống như thầy” (6,40, dịch sát nghĩa). Mặc dù được nói cho mọi người, nhưng câu này đặc biệt dành cho các môn đệ. “Môn đệ” là người được Đức Giêsu “huấn luyện đầy đủ” (Mt 13,10-11; Lc 8,9-10), là những người “có tai để nghe” và hiểu thâm ý lời của Đức Giêsu (Mt 10,25).

Vì vậy câu nói “học trò không hơn thầy” không mang một ý nghĩa bình thường như trong vấn đề học kiến thức, kinh nghiệm; Trong các lãnh vực đời thì “con hơn cha là nhà có phúc” mà. Ở đây Đức Giêsu đang dạy bài giảng khai mạc về Nước Trời. Đức Giêsu đang dạy một giáo lý hoàn toàn mới về “phúc/ họa”, về tình yêu: “yêu kẻ thù”. Đó là những điều hoàn toàn đi ngược lại với kiến thức, kinh nghiệm khôn ngoan, quan niệm về thành công hạnh phúc trần thế. Đức Giêsu đã dám can đảm “lội ngược dòng” để đem lại ơn cứu độ, hạnh phúc thật cho nhân loại. Kết quả là Người bị mọi người chống đối và chung cuộc số phận của Người là Thập Giá. Đó là cái mà môn đệ không thể hơn Thầy được: phải chấp nhận giáo lý đường Thập Giá và phải vác Thập Giá mỗi ngày mà theo Thầy. Ai chỉ cần có ý tưởng phê phán, vượt qua, né tránh đường Thập Giá sẽ không còn là môn đệ mà là “đối thủ”, “kẻ chống đối” Người (là Satan: Mt 16,23); Còn môn đệ thì phải cùng số phận như Người: vác Thập Giá (Mt 16,24).

Vậy ở đây, câu này của Luca đã kín đáo báo trước con đường Thập Giá cứu độ mà Đức Giêsu là người dẫn đầu, là vị Thầy Tối Cao của con đường đó; Không ai có thể vượt qua Người. Ai được Người “huấn luyện đầy đủ” và “có tai để nghe” thì sẽ là môn đệ Người và kết quả là “họ sẽ giống như Người”, cùng chung số phận và cũng cùng chung vinh quang như Người.

Tất cả những ai được Đức Giêsu “huấn luyện đầy đủ” và chịu nghe và can đảm làm theo giáo huấn của Đức Giêsu trong “bài giảng trên núi” (theo Matthêu) hoặc “bài giảng khai mạc tại đồng bằng (theo Luca) thì chắc chắn “sẽ giống như Thầy”, cùng số phận như Thầy trong Thập Giá và vinh quang không thể khác được.

3/ Dụ ngôn về “cọng rơm” và “cái xà” trong mắt (6,41-42)

Dụ ngôn này có cùng ý nghĩa như dụ ngôn “mù dắt mù”: phải luôn xét mình, nhìn lại con người mình dưới ánh sáng của giáo lý Đức Kitô trong khi làm công việc trợ giúp nhau sống đạo trong đời sống cộng đoàn.

“Mùa dắt dù” nhấn mạnh đến vai trò của người chỉ đạo, hướng dẫn 

Còn dụ ngôn 6,41-42 thì hướng về việc sửa lỗi cho nhau.

Đức Giêsu không dạy ta bỏ qua điều xấu, Người vẫn đòi buộc anh phải sửa lỗi cho nhau (Lc 17,3-4; Mt 18,15.21.22). Điều Đức Giêsu muốn ở đây là thái độ phải có, tương quan phải có khi làm công việc sửa lỗi, góp ý với anh em. “Sửa lỗi” không phải là dịp để soi mói, phanh phui, bới móc các sai lầm của anh em; Đó là dịp ta phải ý thức nhận ra thân phận tội của mình. Chính trong tình trạng ý thức mình cũng là hối nhân, tội nhân cần phải sám hối mà chúng ta sửa lỗi anh em; Có như vậy chúng ta mới biết thái độ, cách ứng xử phải có như thế nào cho phù hợp với đường lối sửa dạy của Thiên Chúa.

Trong chỉ hai câu ngắn, dụ ngôn này nói tới từ “con mắt” đến 6 lần và chia làm 3 cặp: “trong con mắt của tha nhân” và “trong con mắt của chính mình”.

“Con mắt” là biểu tượng của “cái nhìn”, “tầm nhìn”: nhìn người mà nghĩ đến ta; Biết đâu “cọng rơm” trong mắt của anh em là do “cái xà” ở trong mắt tôi gây ra. Đây không phải là chuyện luân lý hơn thua, đúng sai, lớn nhỏ mà là vấn đề hoàn thiện cộng đoàn theo lý tưởng mẫu mực mà Đức Giêsu  mang tới: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em” (Mt 5,48). Để cộng đoàn nên hoàn thiện thì phải thấy “cọng rơm trong mắt anh em” đồng thời cũng ý thức mình có cái xà trong mắt mình. Phải GIÚP NHAU lấy ra cả hai. Đó mới là sứ điệp của dụ ngôn. Khi người ngoài thấy anh em trong cộng đoàn đối xử với nhau như vậy, họ tôn vinh Thiên Chúa (Mt 5,16). Điều đó được khai triển trong đoạn kết bài đọc Tin Mừng hôm nay.

4/ Xem quả biết cây: môn đệ chân chính (6,43-45)

Câu này cũng có trong Mt 7,20 và Mt 12,33. Tuy nhiên Matthêu đưa ra tiêu chuẩn giúp cá nhân và cộng đoàn biện phân nhận ra đâu là ngôn sứ thật, đâu là giả; đâu là người tốt/ kẻ xấu để khỏi bị họ đánh lừa đi vào con đường sai trái (Mt 24,23-25).

Còn ở đây, Luca nhắm khuyên người môn đệ phải xét mình xem những gì mình nói, làm, tỏ lộ ra bên ngoài có trung thực với những gì mình ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng mình hay không?

Thay vì nhìn vào việc làm, lời nói của người khác (xem quả) để nhận ra con người thật của họ (biết cây), theo Matthêu; thì Luca mời người môn đệ nhìn lại lời nói, hành động của chính mình (xem quả) rồi thành thực với lòng mình xét xem có ăn khớp với những gì mình chất chứa trong tâm can hay không (biết cây). Câu kết của đoạn này cho phép ta suy hiểu như thế: “vì lòng có đầy miệng mới nói ra” (6,45b).

Phải thành thật với chính mình; người môn đệ của Đức Giêsu phải có ngôn, hành, tâm như nhất (x. Tv 15)

Nhìn dưới góc cạnh cộng đoàn, Phaolô đã áp dụng câu này để biện minh cho tính trung thực, hợp pháp của chức vụ tông đồ của ông (x. 1Cr 9,1-2). Đức Giêsu cũng đã dạy như thế: nhìn những việc làm tốt lành của anh em (quả) người ta tôn vinh Thiên Chúa (cây): nhận ra vinh quang Thiên Chúa. Nhìn cuộc đời tận hiến và cái chết yêu thương, tha thứ, cứu chuộc của Đức Giêsu (quả), nhân loại nhận ra “con người này là Con Thiên Chúa” (cây: Mc 15,39).

Như vậy, trích đoạn hôm nay cũng như cả “Bài giảng khai mạc” đưa ra cho chúng ta những nét đặc thù của người môn đệ Đức Giêsu; Chúng ta có thể dựa vào đó để biện phân chân/ giả cho chính bản thân mình, cho cộng đoàn và cho người khác. Môn đệ là người

– Sống theo các mối phúc/ họa do Đức Giêsu mang tới
– Yêu thương kẻ thù
– Hướng dẫn người khác theo ánh sáng Đức Kitô (6,39)
– Được “huấn luyện đầy đủ” con đường Thập Giá và vững tin (6,40)
– Giúp nhau hoàn thiện bản thân và cộng đoàn (6,41-42)
-Trung thực nhất quán với bản thân, vạn vật và Thiên Chúa (6,42-45)

Frère Pierre Đình Long FSC