CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN -năm C

Bài 1

1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; Lc 6,27-38

Chủ đề: Hãy nhân từ như Thiên Chúa: tha thứ cho kẻ bách hại mình; HÃY YÊU KẺ THÙ.

* 1Sm 26,23: Đavit nói với vua Saolê: “hôm nay ĐỨC CHÚA đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại Đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong.

* Lc 6,27.35: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em… Vì Đấng Tối Cao vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

 Lời Chúa của Chúa Nhật VII C, Mùa Thường Niên đặt các tín hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, trước một thách đố lớn lao, một đòi hỏi của Đức Giêsu mà với sức tự nhiên của con người, tưởng chừng như là không thể thực hiện được; Bởi vì thoạt nghe qua thì đòi hỏi đó đi ngược lại với những suy nghĩ, cảm xúc, chuẩn mực xử thế thường tình của kiếp người vốn đang bị quyền lực của tội lỗi khống chế. Đó là Đức Giêsu đòi hỏi môn đệ Người hãy “yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6,27b-28). Thế nhưng tình yêu mà Đức Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Chúa không phải là một tình yêu theo chuẩn mực nhân loại vốn là thứ tình yêu đã bị tội lỗi làm thoái hóa, lệch lạc đến độ ngay cả các tương quan thân bằng quyến thuộc gắn kết mật thiết như vợ chồng (Adam – Eva chẳng hạn), anh em ruột (Cain – Aben), cha vợ – con rể (Saolê – Đavit) … cũng bị hủ hóa, méo mó, nói chi đến việc dùng tình yêu đó mà yêu mến kẻ thù.

Tình yêu mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, đặc biệt cho các môn đệ là Tình Yêu của chính Thiên Chúa: một tình yêu tinh tuyền, vô vụ lợi, yêu nhân loại ngay cả khi họ còn là tội nhân (x. Rm 5,8), ngay cả lúc họ còn là thù nghịch với Thiên Chúa (x. Rm 5,10), thì Chúa đã ban cho nhân loại người Con Một của người để cứu độ họ (x. Ga 3,16). Và để nhân loại có được tình yêu của Thiên Chúa, Người đã “thay tim” cho nhân loại bằng cách “bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các ngươi” (x. Ed 36, 26-27). Vậy trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đổ TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI VÀO LÒNG CHÚNG TA nhờ Thánh Thần mà Người ban tặng cho chúng ta (x. Rm 5,5). Do đó, tất cả những ai mở rộng cõi lòng, TIN, NGHE, ĐÓN NHẬN, GIỮ LỜI của Người thì tình yêu của Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ ở trong người đó (x. Ga 14,23). Vậy Thiên Chúa đã “thay tim”, đã gieo Tình Yêu thần linh vào con tim nhân loại, do đó khi ta yêu kẻ thù bằng tình yêu Chúa ban là chúng ta TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA (Lc 6,36), thể hiện trọn vẹn bản chất của mình là HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA. Như thế khi đòi buộc phải yêu kẻ thù; Thật ra, Đức Giêsu đã khai mở lại cho môn đệ con đường giúp họ hoàn tất ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa theo đúng như ý định ban đầu của Chúa Cha trong công trình tạo dựng.

Bài đọc 1 là một minh họa cho chủ đề hãy yêu thương, tha thứ cho kẻ thù ghét mình: trong khi Saolê hận thù, ganh tỵ truy tìm giết Đavit, thì một hôm nhà vua đã bị rơi vào một tình huống có thể bị Đavit giết chết. Thế nhưng Đavit vì lòng kính sợ Chúa và vì tôn trọng Đấng đã được Chúa xức dầu nên đã tha chết, không sát hại Saolê. Hành vi quảng đại, đáng trân trọng, nhưng đối với những đòi hỏi của Đức Giêsu thì vẫn chỉ ở mực độ bình thường, sức người có thể đạt được (x. Lc 6,32-34) vì thực ra Đavit vẫn xem Saolê là cha, là vua của mình, là Đấng Chúa xức dầu (x. 1Sm 26,23).

Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu đòi hỏi một tình yêu triệt để, tinh tuyền tuyệt đối: yêu chỉ vì yêu! Do đó yêu không loại trừ ai, yêu cả kẻ thù; Chỉ muốn điều thiện hảo cho tất cả mọi người. Cho nên tình yêu mà Đức Giêsu đòi hỏi không dừng lại ở mực độ tha thứ cho kẻ thù mà còn đi xa hơn nhiều: “hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6,27b-28).

Tình yêu tha thứ không phải là nhu nhược, bỏ qua lỗi lầm kẻ khác cho yên chuyện bất chấp hậu quả; Nhưng đó là cách biểu lộ cao độ ĐỨC ÁI: tìm đủ mọi cách để những kẻ thù, kẻ gây họa cho mình cũng được hưởng mọi phúc lộc cứu độ ngang qua việc làm ơn cho họ, chúc lành cho họ và nhất là chuyển cầu cho họ trước tôn nhan Chúa. Tín hữu làm mọi sự vì mình là con Thiên Chúa, mình muốn giống Cha mình là Đấng nhân hậu cả với kẻ bội bạc và những kẻ gian ác (Lc 6,35-36). Vậy qua lệnh truyền tha thứ cho kẻ thù, Đức Giêsu mời các môn đệ trở nên CỘNG TÁC VIÊN của Chúa hồi phục quyền làm con cho chính mình và cho mọi người để cuối cùng không còn “kẻ thù” nữa, mà tất cả nhân loại thành một gia đình con của cùng một Cha trên trời.

Bài 2

Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em (6,27b)… và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng Nhân Từ (6,35b.36).

  Lời Chúa của Chúa Nhật VII C Mùa Thường Niên mời chúng ta suy gẫm về một lệnh truyền xem ra đi ngược lại với khuynh hướng tình cảm tự nhiên của con người, dạy chúng ta cung cách ứng xử phải có đối với những người mà giữa họ với chúng ta có một mối bất hòa lớn, đến độ hiềm thù nhau, hoặc từ đơn phương hoặc từ cả hai phía: YÊU KẺ ĐỊCH THÙ.

Trong cuộc đời, việc xích mích, rồi hiềm thù, ganh tỵ… là điều khó tránh; Và nếu có thể nói, đó là chuyện bình thường, vấn đề là sau cú va chạm đó, cách ứng xử của chúng ta như thế nào mới là quan trọng.

Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu cũng có những cú va chạm nẩy lửa: đối với kẻ giả hình, cứng lòng đã đành mà còn cả với đám đông dân Chúa (x. Mt 11,21-24; Lc 10,13-15), với Phêrô và cả với Đức Mẹ nữa (x. Lc 2,41-49). Tuy nhiên các va chạm đó dù trầm trọng đến đâu cũng chỉ là sự kiện nhất thời rồi sẽ qua đi. Điều Chúa muốn dạy là tâm tình phát sinh ra và còn lại nơi tâm hồn để trở thành tầm nhìn cho cả cuộc sống: Kết thúc của cuộc “va chạm” giữa hai Mẹ – Con năm Đức Giêsu 12 tuổi là: “Sau đó, Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các ngài (Lc 2,51a). – Còn Mẹ thì “ghi nhớ tất cả những điều ấy” (2,51b. Xem thêm Lc 1,19 và nốt “b”, “c” CGKPV).

Điều Thiên Chúa muốn là qua những va chạm ấy, Chúa mời những kẻ tin vào Chúa hãy biện phân, khám phá rõ hơn và đi sâu vào dự tính yêu thương của Thiên Chúa, cộng tác với Chúa để cuối cùng Tình Yêu thống trị, hận thù, xích mích bị đẩy lui, muôn loài phải thần phục Tình Yêu Thiên Chúa (x. 1Cr 15,28b).

Để cho Tình Yêu Thiên Chúa thống trị, điều cụ thể mà Lời Chúa hôm nay đề nghị cho chúng ta là gì?

  • Phần cá nhân, người của Chúa đừng nuôi dưỡng thù hận trong lòng mình, đừng để sự oán giận chiếm đoạt con tim mình, điều khiển con người mình theo những thành kiến sân hận bất khoan dung.

  • Còn nếu tha nhân cứ coi ta như kẻ nghịch (trường hợp Saun với Đavit), thì Lời Chúa khuyên ta vẫn cứ khoan dung, không tìm cách trả thù hãm hại; Trái lại phải tha thứ, làm ơn, cầu nguyện cho họ nữa.

Vì sao Đức Giêsu lại muốn môn đệ mình phải yêu thương kẻ thù? Nhất là trong một xã hội vô luân, bất nghĩa, bất tín như hiện tại, liệu tình yêu đó của tín hữu có bị lạm dụng? và những nỗ lực của họ có vô ích như đem muối bỏ vào dòng sông?

Lời Chúa hôm nay không đưa ra một câu đáp có tầm cỡ lớn lao như đổi thay cơ chế, làm mới xã hội…; Điều mà Luca nhắm tới hôm nay khi mời các tín hữu sống lệnh truyền YÊU THƯƠNG KẺ ĐỊCH THÙ là người tín hữu hãy thể hiện nơi bản thân mình bản chất tinh tuyền của một con người theo ý Chúa: con người là hình ảnh của Thiên Chúa; con người là con cái Chúa (Lc 6,35). Chúa muốn mỗi tín hữu phải là một “hạt giống yêu thương”, “yêu cả kẻ thù” được gieo vào giữa lòng trần thế; Để rồi với bước đầu nhỏ bé đó, Chúa từng bước xây dựng lại thế giới yêu thương đã được khởi đầu với Đức Giêsu Thập Giá “xin Cha tha cho chúng” (Lc 23,34).

Thiên Chúa là Tình Yêu! Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong tình yêu và Thiên Chúa muốn mọi sự cũng sẽ kết thúc trong Tình Yêu. Yêu kẻ thù có nghĩa là biến kẻ thù ra đối tượng, thành người được yêu. Tất cả, trong Đức Kitô, đều là thành phần Nhiệm Thể của nhau, những thương tích, khổ đau do các chi thể xấu, bệnh gây ra cho toàn thân nhờ Luật “yêu kẻ thù” đều được đón nhận, hội nhập trở lại thành Thân Thể lành mạnh.

BÀI ĐỌC I: 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23

Trích từ Sách Samuel cuốn I, thuật lại chuyện vua Saun truy lùng để giết Đavit vì hận thù ganh tỵ; Tuy nhiên Thiên Chúa bảo vệ Đavit và vua Saun đã nhiều lần rơi vào tay Đavit, lẽ ra Đavit có thể giết vua Saun để bảo đảm an toàn cho bản thân mình, nhưng Đavit đã không làm thế, ông không ám hại vua vì vua là người của Chúa. Đây là lần thứ hai (lần 1 ở 1Sm 24) Đavit tha chết cho vua Saun.

Saun là vị vua đầu tiên của Israel. Giai đoạn lịch sử Israel trước vua Saun được sách Thủ Lãnh gọi là “thời không có vua, ai muốn làm gì thì làm” (Tl 17,6; 21,25). Tình hình khá bất ổn; mỗi chi tộc tự lo cho phần mình; lực lượng bị phân tán nên không ngừng bị các dân chung quanh chèn ép. Dân đòi có vua! Vị thủ lãnh cuối cùng là Samuel không đồng ý, nhưng Chúa bảo Samuel cứ chiều theo lòng dân với những lời cảnh cáo kèm theo (1Sm 8,4-9; 8,21). Và Chúa đã hướng dẫn Samuel gặp được Saun (1Sm 9,17) rồi xức dầu phong vương cho Saun (10,1), người chi tộc Benyamin.

Giai đoạn đầu của triều đại, Saun gặt hái nhiều thành công. Nhưng khi đã nếm cảm được vị ngọt của thành công, của quyền lực, Saun quên mất điều căn cản này: Thiên Chúa vẫn là thủ lãnh tối cao của dân, vua phải là người đầu tiên, nghiêm túc tuân phục ý Chúa. Tiếc thay vua đã nhiều lần đi trệch ý Chúa (1Sm 13,10-14 và nốt “u”, 15,11), nên Chúa loại bỏ Saun và chọn người khác làm vua (15,23b). Bắt đầu từ đó Saun suy thoái.

Chúa chọn Đavit và Samuel xức dầu phong vương cho cậu ngay khi Saun còn tại vị (1Sm 16,1.12-13). Chúa phù hộ Đavit liên tục thành công, đặc biệt là việc nhân danh Chúa, hạ gục tên khổng lồ Gôliat (1Sm 17) kéo theo lời ca khen của dân chúng: “vua Saun được hàng ngàn, ông Đavit hàng vạn”, từ đó Saun đâm ra ganh tị Đavit và tìm cách hại Đavit (18,6-11); kể cả việc gả con gái cho Đavit cũng là âm mưu sát hại Đavit (18,25), nhưng Đavit vẫn thành công, Saun phải gả con gái và ngày càng sợ Đavit và “trở thành kẻ thù của Đavit suốt đời” (18,29).

Nhưng Đavit thì vẫn trung thành, kính trọng vua. Trong tinh thần của chủ đề “yêu kẻ thù”, bài đọc 1 kể lại lần tha chết thứ 2 của Đavit đối với vua Saun.

1/ Lòng thù hận của Saun đối với Đavit (26,2): quyết giết!

*Vua Saun lên đường… với ba ngàn quân tinh nhuệ…: Saun đã dùng đến cả một đạo binh để truy đuổi Đaivt. Chi tiết này cho thấy quyết tâm của Saun. Vua thực sự coi mình là kẻ thù không đội trời chung với Đavit, vốn là thần dân, là tôi trung, là con rể của vua. Lòng ganh ghét, đố kỵ đã biến tình thân ra hận thù. Đây là bước đầu của việc Saun tự hủy diệt bản thân và triều đại của mình.

2/ Thái độ đáp trả của Đavit: tha thứ, không nuôi thù hận:

*Cơn cám dỗ của Đavit (1Sm 26,8)

Đang đêm, Đavit và Abisai đã lén đột nhập vào đến tận lều của vua Saun mà không ai hay biết.

Abisai là em của Yôab, tổng tư lệnh binh đội của Đavit sau này; cả hai đều là cháu gọi Đavit bằng cậu (x. 1Sm 2,15-16). Khi Đavit làm vua, Abisai là người chỉ huy toán dũng tướng ba mươi người gọi là Nhóm Ba Mươi cực kỳ dũng mãnh của Đavit (2Sm 23,18).

Abisai là người cương trực trung tín nhưng nóng nảy và muốn cái gì cũng sòng phẳng (x. 2Sm 16,9; 19,22). Đứng trước kẻ thù của chủ mình ông muốn ra tay hạ sát. Lời đề nghị hợp lý của Abisai (câu 8) thực sự là một cơn cám dỗ cho Đavit: giết Saun, Đavit sẽ được bình an và chắc chắn là lên ngôi Vua.

*Phản ứng của Đavit (26,9)

Đề nghị của Abisai – cháu Đavit – là cái nhìn của kẻ thù đối với kẻ thù. Đavit không xem Saun là kẻ thù, cũng không nhìn Saun dưới cái nhìn cảm tính nhân loại: cha vợ. Cái nhìn của Đaivit là cái nhìn của đức tin được Lời Chúa hướng dẫn: Saun là vua, được Chúa chọn, được Chúa xức dầu phong vương. Đavit vẫn tôn trọng Saun (26,9); Việc xét xử là của Chúa, người phàm không được chiếm đoạt quyền đó của Thiên Chúa. Cơn cám dỗ “trái cấm Eđen” đang bày ra trước mặt Đavit.

May thay, Đavit đã không phản ứng theo sự thúc đẩy của cảm tính xác thịt, ông hành xử theo đức tin, ông không ra tay sát hại Saun và kết quả thật tuyệt vời: nếu đọc tiếp 1Sm 26,17-21 (phần không được trích đọc trong bài đọc 1) thì ta sẽ thấy tình yêu thương trong đức tin của Đavit đã biến đổi con người thù hận của Saun, hồi phục nhân phẩm, lương tâm của Saun, vua tỉnh ngộ nhận ra lòng tốt của Đavit và không coi Đavit là kẻ thù nữa mà là con (26,21). Tiếc thay giây phút tốt đẹp này không kéo dài. Vậy yêu kẻ thù không chỉ là nhân đức luân lý, tha thứ mà còn là quyền năng Thiên Chúa trao ban cho tín hữu để mỗi người góp phần với Chúa hoán cải lòng người, từng bước một đổi mới thế giới.

3/ Đavit phó thác tất cả cho Thiên Chúa (câu 12.13.22.23)

*“Yêu kẻ thù” không có nghĩa là dung dưỡng sự ác, bỏ qua điều bất công, bất nghĩa, xảo trá. Vẫn phải vạch mặt sự dữ và sau đó trao lại cho Thiên Chúa quyền kết án và xét xử.

– Đavit tha cho vua nhưng lấy đi ngọn giáo và bình nước để phía đầu của vua (câu 12) rồi âm thầm thoát ra, đi lên đỉnh núi, lớn tiếng gọi vua và binh đội đang ngủ mê mệt dậy (câu 13) bảo một đầy tớ của vua qua lấy đồ dùng của vua về (câu 22). Hành động đó vạch trần tội của vua đồng thời bày tỏ lòng khoan dung, trung thành của Đavit.

– “Xin Yavê thưởng công cho mỗi người tùy theo sự công chính và lòng trung tín của họ” (câu 23). Điểm đến của tình yêu tha thứ, yêu thương kẻ thù không phải là sự thánh thiện luân lý cá nhân, càng không phải là làm ngơ trước sự ác, bỏ mặc thế giới này trong nanh vuốt Ác Thần… mà là trao phó tất cả vào tình yêu quan phòng nhân ái của Thiên Chúa. Tin tưởng vào tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa.

Đavit có thái độ hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, đặt vận mạng của mình dưới sự bảo trợ của Chúa, sẵn sàng đón nhận mọi phán quyết của Người đến với mình cũng như với kẻ nghịch cho dù thực tại trước mắt có ra sao đi nữa. Đavit không đoạt quyền phán xét chung cuộc của Thiên Chúa để thực hiện điều có lợi cho bản thân riêng mình.

*Nguyên nhân chính để Đavit có cách ứng xử phó thác:

Bài đọc 1 không đề cập đến vấn đề luân lý đạo đức, cũng không đề cập đến các đức tính nhân bản của Đavit. Bản văn chỉ đưa ra một điều: LÒNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA, tôn trọng đường lối của Thiên Chúa trên con người Saun (x. 1Sm 26,9.23c). Đối với Đavit, tương quan nền tảng cho mọi cách ứng xử của ông đối với Saun là: Saun là người được Yavê xức dầu tấn phong.

Đavit tin rằng Chúa sẽ có cách cư xử phù hợp, đúng lúc đối với ai Chúa đã chọn: “xin Yavê thưởng công cho mỗi người tùy theo sự công chính và lòng trung thành của họ” (26,23).

Vậy tha thứ là dám để cho Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Chúa trên bản thân tôi, trên kẻ thù, trên tha nhân, trên mọi sự đúng nơi đúng lúc, để ý Chúa là tất cả trong mọi sự.

TIN MỪNG: Lc 6,27-38

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là tiếp nối ngay sau trích đoạn tuần trước. Sau bài giảng về các mối phúc/ họa, Đức Giêsu tiếp ngay một lệnh truyền mới gần như là đi ngược với bản tính tự nhiên của con người: yêu thương kẻ thù. Nhưng thực ra Đức Giêsu đã tạo điều kiện để con người chúng ta nên giống Chúa: “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng Nhân Từ” (6,36). Thật vậy:

Bài giảng về Phúc/ Họa có thể coi đó là tình yêu khoan dung tha thứ của Thiên Chúa đối với con người phản loạn, nghe lời Rắn, coi Thiên Chúa như là kẻ thù, sợ con người bằng Chúa (x. St 3,4-5). Do nghe lời Rắn, nghi ngờ Thiên Chúa, coi Thiên Chúa như là kẻ ganh tỵ với con người nên con người mất cái hạnh phúc thật và vĩnh cửu Chúa ban; Từ đó mới tìm cách bù trừ, vơ vét để lấp vào lỗ trống mất Hạnh Phúc của Thiên Chúa đó và rơi vào bất hạnh. May thay Thiên Chúa vẫn yêu thương “con người phản loạn” ấy, cho Con Một giáng trần đảm nhận hết vận khổ của “quân phản loạn”, chỉ lại cho nhân loại con đường đạt tới PHÚC THẬT. Như vật các mối phúc/ họa chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người phản loạn. Tình yêu ấy đã biến con người phản loạn trở nên đối tượng của Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa (x. Ga 3,16-17).

Những ai đã được nghe (câu 27: những người đang NGHE đây…) và đón nhận Tình Yêu khoan dung tha thứ của Thiên Chúa qua bài giảng Phúc/ Họa thì đến phiên mình phải chia sẻ nó lại cho người khác. Nghĩa là: chúng ta, các môn đệ, “những người đang nghe Đức Giêsu”, tin lời giảng Phúc/ Họa của Người thì phải nên giống Chúa: yêu kẻ thù.

Như vậy, các mối Phúc/ Họa là phương dược, là sáng kiến, là tình yêu của Thiên Chúa dùng đối xử với nhân loại bội phản, kẻ thù để hồi phục hồng ân “hình ảnh Thiên Chúa” nơi mọi tội nhân; Thì khi con người nào đã đón nhận các mối Phúc/ Họa đó cũng phải đáp trả lại bằng thái độ “yêu thương kẻ thù”, để hoán cải kẻ thù, tội nhân thành bạn, thành con cái Thiên Chúa.

Còn phần các môn đệ, khi yêu kẻ thù, môn đệ nên giống Chúa. Đó là phần thưởng lớn lao, Chúa ban ngay ở đời này cho người môn đệ.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay có nhiều chi tiết đáng để suy niệm. Tuy nhiên trong một bài chia sẻ ngắn, ta không đề cập hết mọi vấn đề được; Chỉ suy niệm hai ý chính:

  • Câu 27c: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.

  • Câu 35: làm như vậy… “anh em sẽ là con Đấng Tối Cao…”

1/ Hãy yêu kẻ thù:

*“Yêu”: thế nào là “yêu”? Không dễ có câu đáp trọn vẹn. Tuy nhiên đừng lẫn lộn “tình yêu” với “cảm tính”, “tính khí”, để rồi đưa tới cách ứng xử thiên vị, bất công, nhất là khi cần diễn tả ra bằng hành động, bằng những quyết định: “thích, khoái” (chứ không phải là “yêu”) thì dễ dàng tha thứ, khoan dung, dù lỗi phạm có lớn đến đâu cũng tìm cách che đậy, lấp liếm; Ngược lại “không ưa” (chưa đến nỗi thù hận không đội trời chung) thì cũng đã nghiêm khắc, tìm cách kết tội, dù sự việc chỉ bình thường: có bé xé ra to, để kết tội.

Rồi có người có tính khí hiền lành tự nhiên, dễ tha thứ, bỏ qua… cái gì cũng “dĩ hòa vi quý”, đi dần tới chỗ trốn trách nhiệm, né tránh những đối đầu cần thiết… rốt cuộc để lại bao hậu quả, kẻ ác lờn mặt, lộng hành. Đó không phải là tha thứ, là tình yêu.

Điều Đức Giêsu muốn dạy là “YÊU”. Đức Giêsu là mẫu mực của “Yêu”. Chúng ta hãy quan sát, chiêm ngắm vài cách ứng xử cụ thể của Người: Đức Giêsu không chiều chuộng các môn đệ, sẵn sàng nặng lời “Satan” khi cần; Đức Giêsu không đồng lõa với tội phạm: tha thứ nhưng nghiêm khắc đòi hỏi “đừng phạm tội nữa”; Đức Giêsu cũng vạch mặt mưu đồ của những kẻ cứng lòng, chống đối…

Nhưng kết cục Người làm tất cả vì yêu và tình yêu đó bộc lộ rõ ràng trên Thập Giá: “xin Cha tha cho chúng”. Và Người đã chết để ban ơn cứu độ cho mọi người kể cả kẻ giết Người. Đó là YÊU.

*Kẻ thù: trong văn mạch của toàn bộ Kinh Thánh, kể từ khi hai nguyên tổ phạm tội, tất cả mọi người ai cũng có thể là kẻ thù của nhau, mang tai họa đến cho nhau: vợ chồng như Ađam – Eva; cha con như Absalon – Đavit; vua tôi như Saun – Đavit; anh em như Cain – Aben, Esau – Giacob…

Nguyên do đưa tới đổ vỡ trên: sau sa ngã, con người trốn Chúa; lánh xa dung nhan Chúa hầu che đậy lỗi phạm của mình; Con người thấy mình trần truồng, mất tất cả, xấu hổ về chính bản thân mình… do đó tìm cách che đậy, vơ vét, tích trữ hầu che giấu tội, lấp đầy khoảng trống thiếu vắng Thiên Chúa nơi mình. Từ đó, bất kỳ ai hay thứ gì dám làm lộ ra cái trần truồng, dám ngăn cản hoặc làm tổn hại đến những gì mình vơ vét, tích lũy cách vô vọng… thì đều có nguy cơ trở thành kẻ thù dưới cặp mắt của mình. Rồi sự thù nghịch ấy lan tràn từ cá nhân qua tập thể, con người kéo bè kết đảng chống lại nhau: oán thù vì thế ngày càng chồng chất.

Đức Giêsu đến để phá vỡ xiềng xích, vòng luẩn quẩn này, bằng cách gánh vác hết mọi hận thù, mọi hậu quả rồi đưa lên cây Thập Giá. Trên Thập Giá, Người tha thứ tất cả yêu thương tất cả (Lc 23,34). Tình yêu đó đã biến đổi tội nhân thành công dân Nước Trời: tên trộm lành (Lc 23,43). Tình yêu Thập Giá của Đức Giêsu đã thực hiện cụ thể, ngay tại chỗ mối phúc thứ nhất cho anh trộm lành: chính khi anh ta nhận ra tình cảnh khốn cùng, đáng nguyền rủa của mình và nhận ra tình yêu tha thứ, tình yêu yêu kẻ thù của Đức Giêsu, anh ta được phúc vì Nước Trời là của anh nhờ Lời Đức Giêsu.

Như vậy người kitô hữu không coi ai là kẻ thù của mình cả. Tuy nhiên họ không phải là hạng người sống trong ảo tưởng: họ ý thức rất rõ họ bị nhiều người thù ghét, ganh tỵ, cản trở công việc, chống phá… đồng thời cũng can đảm chấp nhận những hận thù ấy vì danh Đức Giêsu (Mt 10,22), nhưng vẫn đáp trả lại bằng yêu thương, tha thứ theo gương Thầy, cầu xin cho kẻ ác hoán cải và được hưởng phúc Nước Trời cùng với họ.

*Vậy “yêu kẻ thù” chính là tâm tình tin, cậy, mến kitô giáo khắc sâu vào trong lương tâm, trí lòng của người kitô hữu, hướng dẫn, điều động mọi hành vi, ứng xử của họ: khao khát, nài xin Chúa, tìm đủ mọi cách kể cả hy sinh mạng sống mình để cho những ai coi họ như kẻ thù cũng được hưởng ơn cứu độ, được trở nên công dân Nước Trời, con cái Thiên Chúa như họ.

Đó chính là “yêu kẻ thù”. Nó không nằm trên bình diện cảm tính, tính khí, phần thưởng trần gian. Tình yêu kẻ thù đưa mọi người tới ơn cứu độ, biến mọi người nên anh em, hồi phục nhân phẩm: con người là hình ảnh Thiên Chúa.

*Tóm lại: “yêu kẻ thù” không là hoa trái của tính khí, cảm tính, tâm lý phàm nhân; Nhưng “yêu kẻ thù” có thể nói đó là một thuộc tính của chính Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu; Vì yêu, Người đã ban, thông chia bản tính “TÌNH YÊU THẦN LINH” đó của Người cho chúng ta để giúp khắc phục được nọc độc của ganh tỵ, hận thù ăn sâu trong ta khi nghe lời Rắn.

Yêu kẻ thù không là một phản ứng nhất thời nhằm bày tỏ thái độ ưu ái, thân mật đối với “kẻ thù”; Nhưng đây là một tầm nhìn, một chiến lược hành động dài hạn thúc đẩy bởi TIN, CẬY, MẾN dựa trên giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu, nhất là Thập Giá và Phục Sinh, nhằm từng bước tái lập lại tương quan huynh đệ với những anh chị em đang vì lầm lạc mà thù ghét ta, coi ta như kẻ thù. Đây là một cuộc trường chinh cam go, nhưng cũng là phương thức tuyệt hảo và duy nhất do Đức Giêsu mang đến và chứng thực bằng Thập Giá Phục Sinh, nhằm giúp nhân loại phục hồi nhân phẩm nguyên thủy, tái lập và củng cố tình huynh đệ, sum họp gia đình trong Tình Yêu Cha. Đây là bước khởi đầu đưa vũ trụ này vào Trời Đất Mới của Thiên Chúa.

2/ Làm được như vậy… anh em sẽ là con Đấng Tối Cao (6,35)

*“Con Đấng Tối Cao” (x. Lc 1,32) là danh hiệu được gán cho Đức Giêsu trong ngày “Truyền Tin”. Chính khi mang lấy thân phận làm người trong tình yêu vâng phục để cứu vớt nhân loại bội phản, Đức Giêsu đã tỏ lộ vinh quang “Con Đấng Tối Cao”, mặc dù trước mắt Người là một Hài Nhi bất lực.

Như vậy, giờ đây ai tuân lệnh Người “yêu thương kẻ thù” thì sẽ được thông chia quyền làm con Đấng Tối Cao với Người và được thông dự vào uy quyền của Người. Cần nhớ rằng không có hành vi đạo đức nào từ phía con người có năng lực biến ta thành con Thiên Chúa. Nhưng việc chúng ta được trở nên con Chúa là ước muốn từ thuở đời đời của chính Thiên Chúa (x. Ep 1,5). Vậy trong Thánh Ý Chúa, chúng ta đã là “con” và Thiên Chúa đã tạo điều kiện để ta tham gia vào công trình của Thiên Chúa được trở thành “con”. Thiên Chúa tôn trọng tự do của ta, trao cho ta quyền tự do đón nhận hay không đón nhận quyền làm con.

*Phương tiện Chúa trao ban cho ta ngay tại thế này để giúp ta nên con Thiên Chúa là “hãy yêu kẻ thù”. Làm con Thiên Chúa không phải chỉ là một điều đáng mong ước và chỉ diễn ra vào Ngày Tận Thế: ngay khi biết “yêu thương kẻ thù”, chính lúc đó con người được hưởng quyền làm con. Khi “yêu kẻ thù” người tín hữu có “lòng nhân từ”, con người nên giống Chúa vì “Chúa là Đấng Nhân Từ” (6,36).

Để kết: Trong thực tế, chắc là phần lớn nhân loại không có “kẻ thù” theo nghĩa hẹp, tức là những kẻ thù hận nhau đến độ phải tìm đủ mọi cách làm hại, loại trừ nhau.

Tuy nhiên những kẻ quấy rầy ta, cản bước tiến của ta, làm ta bực bội, làm mất mặt ta… chắc là nhiều. Coi chừng, đằng sau những chuyện tưởng là nhỏ nhặt đó “kẻ thù” đang rình rập chúng ta. Chúa đã cảnh cáo như thế (x. St 4,6-7). Chuyện Saun – Đavit (bài đọc 1) cũng là một minh họa. Cũng phải đề phòng, “kẻ thù” nguy nhất của ta chính là “ta”. Nếu không làm chủ được mình, “cái tôi” ích kỷ có thể làm mọi người thành kẻ thù ta.

“Yêu kẻ thù” không phải là một điều khoản, một đạo luật pháp lý; Đó là một lý tưởng, một ân huệ thần linh Chúa ban cho nhân loại để khắc phục nọc độc hận thù hằn sâu trong ta do nghe lời xuyên tạc của Rắn, nhờ vậy kẻ tin đủ sức hoàn thiện bản thân và cùng nhau tái lập gia đình có Thiên Chúa là Cha nhờ Đức Giêsu và Thánh Thần.

Frère Pierre Đình Long