CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Gr 17,5-8; Lc 6,20-26
Chủ đề: Hạnh phúc thật cho những ai cậy tin vào Chúa.

* Gr 17,7: phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA
               Và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.

* Lc 6,23.24: phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ… Vì phần thưởng cho anh em trên trời thật lớn lao.

 Lời Chúa của Chúa Nhật VI C Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự và tất cả mọi người đều quan tâm. Đó là “Hạnh Phúc” và “bất hạnh”. “Hạnh phúc” chắc chắn ai cũng ước mơ và tìm đủ mọi cách để đạt cho kỳ được; Trái lại, nghe đến “bất hạnh”, ai cũng e sợ, tìm cách lánh xa. Tuy nhiên, thế nào là “hạnh phúc”, là “bất hạnh”?

Trong cuộc sống trần thế bấp bênh, mọi thứ đều phù du, chóng qua, chúng ta không thể có câu trả lời dứt khoát, hoàn toàn mang tính khách quan cho câu hỏi trên. Điều được coi là “Hạnh Phúc” đối với người này, có thể là “Bất Hạnh” đối với người kia. Và rồi ngay cả trong “Hạnh Phúc” hay “Bất Hạnh” cũng ẩn tàng trong đó những yếu tố ngược lại, bởi vì sự vật ở đời này đều chịu tác động bởi định luật biến dịch không ngừng. Chuyện ngụ ngôn “Tái ông mất ngựa” là một minh họa cho tính vô thường của sự vật trần thế. Như vậy nếu chỉ hạn hẹp tầm nhìn của mình trong trần thế hữu hạn này thì mọi sự đều là “phù vân… tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Nói vậy không có nghĩa là không có Hạnh Phúc ở đời này! Vẫn có, nhưng Hạnh Phúc và cả Bất Hạnh đều sẽ qua đi. Vấn đề nơi mình là BÌNH AN TRONG CHÚA. Một câu chuyện minh họa:

Vua Đavit ra lệnh cho một thợ kim hoàn giỏi phải làm cho vua một chiếc nhẫn và khắc trên đó một câu, sao cho khi thành công hay khi thất bại, vua nhìn vào câu đó thì vẫn cảm nhận được sự bình an, ổn định trong cuộc sống. Nghệ nhân kim hoàn vò đầu bứt tóc… May thay ông gặp được thái tử Salomon, người có được sự khôn ngoan Chúa ban. Thái tử cho ông câu đáp: hãy khắc vào chiếc nhẫn câu này: “việc này rồi cũng sẽ qua đi”.

Vậy làm sao con người tìm được Hạnh Phúc thật, bền vững ngay trong cuộc sống chóng qua của đời này? PHẢI TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA! Đó là câu đáp của tôn giáo.

Đức tin công giáo dạy rằng: Thiên Chúa tạo dựng con người và vũ trụ là để mọi vật, hiện hữu, tồn tại trong Hạnh Phúc bao la vĩnh tồn của Thiên Chúa (x. Kn 1,14; 2,23) bao lâu con người còn sống trong thân mật với Thiên Chúa (x. GLHTCG 1721…). Thế nhưng nhân loại đã sa ngã, khước từ Hạnh Phúc mà Thiên Chúa đã trao ban; Và một khi đã xa lìa Thiên Chúa, Đấng đáp trả lấp đầy mọi khao khát Hạnh Phúc của con người thì trong con người có một lỗ hổng không gì lấp được. Con người bù trừ bằng vơ vét, tích lũy vật chất nhưng vô ích, đó là căn nguyên mọi “Bất Hạnh”. Chính trong tình trạng đáng buồn đó, Lời Chúa đến thức tỉnh con người, nhắc lại hãy quay về với Thiên Chúa, với ý định yêu thương của người để tìm lại được Hạnh Phúc chân thật, vĩnh cửu.

Theo bài đọc 1, kẻ Bất Hạnh là kẻ có sự chọn lựa KÉP: 1/ Chỉ tin tưởng, cậy dựa vào sức phàm nhân 2/ Từ đó “tâm hồn họ sống xa lìa Thiên Chúa”. Hình ảnh được dùng để mô tả Bất Hạnh của họ là: “cây cỏ trong hoang địa… trong nơi khô cháy… trong vùng đất mặn không người ở”. Như vậy thì dù hiện tại của họ có là gì đi nữa thì chắc chắn tương lai là héo khô, hủy diệt. Ngược lại người hạnh phúc là người tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Họ được sánh ví với “cây trồng bên bờ suối”, do đó dù mùa hè khô hạn họ vẫn tràn trề nhựa sống, sinh hoa kết trái dồi dào.

Vậy Hạnh Phúc thật là tin tưởng, đặt vận mạng mình vào trong tay Chúa.

Trong Tin Mừng, Luca đưa ra một loạt những nghịch lý: những cái người đời cho là Bất Hạnh như khó nghèo, đói khát, khóc lóc, bị thù ghét loại trừ vì Đức Giêsu thì lại cho là có phúc. Trái lại những gì thế gian cho là Hạnh Phúc như giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng thì lại nói là vô phúc. Thực ra PHÚC hay HỌA không nằm ở tình trạng nghèo hay giàu… mà nằm ở thái độ đáp trả của ta trước các thực tại ấy. Chúa không coi thường tầm nhìn của nhân loại. Nhưng nếu những cái “phúc” đưa ta đến chỗ cậy dựa, trao phó vận mạng mình cho chúng để rồi lãng quên, xa lánh Thiên Chúa thì đó mới là Bất Hạnh. Vậy Lời Chúa không phải là cuốn sách dạy ta vài “bí quyết” để làm giàu, thành công ở đời này mà là một LỜI NHẮC LẠI cho ta CỘI NGUỒN HẠNH PHÚC. Đó chính là Thiên Chúa. Vậy Hạnh Phúc là tâm tình luôn gắn bó, phó thác cho Chúa dù thực tế trước mắt có là gì đi nữa. Đó là chân lý bài một nhắc tới.

Một khi khước từ Thiên Chúa thì mọi phúc lộc trần thế không đủ lấp đầy được hố thẳm thiếu vắng Thiên Chúa trong tâm hồn con người và nhất là với cái chết, tất cả đều về lại số không. Còn khi có “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”, khi ý thức “mình đang hiện diện trước nhan thánh Chúa” và “thờ lạy Người” thì đó chính là Hạnh Phúc bất diệt không gì cướp mất được, bởi vì con người hiện tại của ra đã là ĐỀN THỜ của Thiên Chúa rồi (x. 1Cr 3,17b) đã thuộc về Thiên Chúa rồi (1Cr 6,19), chúng ta đã vào Nước Thiên Chúa ngay tại thế này rồi (x. Lc 6,2b).

Bài 2

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em… Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi (Lc 6,20b.24).

Đọc thoáng qua hai bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay chủ đề chính là một vấn đề luôn mang tính thời sự và thiết thân với phận làm người: đó là HẠNH PHÚC và BẤT HẠNH, hay nói gọn đó là chuyện PHÚC/ HỌA trong cuộc đời nhân thế. Làm người, ai cũng muốn bản thân, người thân và cả mọi người được hạnh phúc. Khi có dịp chúc nhau, truyền thống Việt Nam thường chúc: PHÚC – LỘC – THỌ – KHANG – NINH. Phúc đức, Giàu có, Sống lâu, Khỏe mạnh, An ninh bình an. Chữ PHÚC đứng đầu. Nhưng đó chỉ là mơ ước của con người, và những hạnh phúc con người mơ ước chẳng bao giờ trọn vẹn, và phù du: điều hôm nay là phúc, mai có thể trở thành họa và ngược lại; Điều là phúc đối với người này có thể là họa đối với người kia. Và rồi cõi lòng của con người là vô đáy: “được voi, đòi tiên”, lúc ngặt nghèo thì được ăn no mặc ấm là hạnh phúc rồi, nhưng khi nhu cầu cơ bản đã tạm đủ thì nẩy sinh khát vọng “ăn ngon mặc đẹp”. Nhu cầu, khát vọng của con người là vô đáy, tất cả vũ trụ này không đủ để lấp đầy hố sâu khát vọng của lòng người. Như vậy thật sự không có hạnh phúc tuyệt đối và bền vững ở trần thế này. Và rồi với cái chết, tất cả mọi tích lũy, mọi hạnh phúc thế trần đều tan biến: tất cả trở về lại bụi tro.

Tuy nhiên trong mực độ tương đối thì cách chung mọi người cũng khá thống nhất với nhau về một vài chuẩn mực để đánh giá một người hạnh phúc hay không: giàu thì hạnh phúc hơn nghèo; thành công hơn thất bại; đẹp thì hơn xấu… Nhưng đó cũng chỉ là tầm nhìn tạm bợ, những thứ phù hoa đó tự nó còn không tồn tại, nói chi chúng mang tới hạnh phúc cho kẻ khác. Chúng chỉ mang lại cho các tôi tớ của chúng chút khoái lạc, thích chí trong giây lát kèm theo không biết bao là âu lo, mánh mung để bám víu vào chúng lâu chừng nào hay chừng ấy để rồi cuối cùng cũng phải buông bỏ tất cả.

Vậy chẳng lẽ đời người không có hạnh phúc bền vững? Cái gì tự nó là vĩnh tồn thì sẽ mang lại hạnh phúc bền vững, còn những gì là phù du thì chỉ mang tới những khoái lạc, thích chí nhất thời, chóng qua.

Chọn đúng chủ mà theo phục vụ và biết tại sao mình lại chọn như thế thì sẽ tìm được hạnh phúc thật dù thực tế trước mắt vẫn còn nhiều cam go. Vậy hạnh phúc, CHÍNH YẾU, không nằm ở sự việc mà ở tầm nhìn, động cơ, mục đích của sự việc. Có tiền, có quyền để hưởng thụ, đấu đá nhau, bày mưu hãm hại kẻ khác… với có chút tiền nhưng biết chia sẻ, nâng đỡ người nghèo, chịu hy sinh để đem lại niềm vui cho những ai bất hạnh, cho đồng loại… cái nào có phúc hơn… TÙY!

Chúng ta là người công giáo, chúng ta sẽ suy tư về hạnh phúc theo tầm nhìn, động cơ, mục đích của đức tin đã được mặc khải trong Kinh Thánh và được Đức Giêsu hoàn thiện. Đức tin Công Giáo xác tín rằng Thiên Chúa là cội nguồn sự sống và hạnh phúc. Và Thiên Chúa muốn thông chia sự sống, hạnh phúc vô biên đó của Người nên đã tạo dựng vũ trụ, trong đó con người được Người ưu ái đặc biệt dựng nên theo hình ảnh Chúa, có hồn sống là chính hơi thở của Thiên Chúa (x. St 1-2); Và con người đã sống hạnh phúc trong Chúa, được cộng tác với Chúa để làm chủ và hoàn tất công trình sáng tạo của Chúa. Đó chính là cội nguồn hạnh phúc, là hạnh phúc thật và là hạnh phúc bền vững cho con người. Tiếc thay, con người đã dại dột, nghe lời xuyên tạc của Rắn, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, tách rời khỏi đường lối của Người. Do đó đánh mất tình yêu Thiên Chúa. Mất Thiên Chúa là cội nguồn, khát vọng hạnh phúc nơi con người không còn có gì lấp đầy được; Từ đó con người mạnh ai nấy vẽ ra những con đường hạnh phúc bất toàn cho mình rồi lao vào đó như những con thiêu thân lao vào lửa. Thiên Chúa thương yêu, không bỏ con người, Người tiếp tục trung tín với công trình sáng tạo của Người, sai Con Một Người xuống trần gian hướng dẫn cho con người biết lối quay về lại với hạnh phúc chân thật là chính Chúa. Thiên Chúa đặt lại cho mỗi người một chọn lựa để có hạnh phúc: theo đường lối của Thiên Chúa hay là chạy theo những lộ trình mị dân, nhất thời đưa tới những khoái lạc ngắn ngủi trước mắt để rồi cuối cùng là diệt vong?

Lời Chúa hôm nay mời ta suy niệm và chọn lựa giữa hai con đường hoàn toàn khác nhau đó.

BÀI ĐỌC I: Gr 17,5-8

Bài đọc 1 hôm nay trích từ phần đầu của sách Gr 1,4 – 25,13 gồm những sấm ngôn lên án Giuđa và Giêrusalem. Trước các điều tệ hại trong Israel, ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ dùng đế quốc Babylon làm công cụ để sửa phạt Giuđa (Gr 25,1-13a). Nhưng ngay trong án phạt ấy, Chúa cũng thoáng cho thấy hồng ân tha thứ, phục hồi (25,12-13).

Còn về mặt chính trị, vào giai đoạn trước lưu đày, các vua cuối cùng của Giuđa (x. 2V 23,36 – 25,7) luôn bị giằng co giữa hai thế lực: Ai Cập và Babylon. Mặc dù đang là chư hầu của Babylon, phần lớn triều đình Giuđa muốn dùng binh mã liên kết với Ai Cập để dành lại độc lập; Chỉ có một số ít sáng suốt nhận định đúng tình hình thấy cần phải tạm thần phục Babylon với hy vọng đất nước sẽ được hưởng một quy chế tự trị nào đó.

Riêng Giêrêmia còn cho rằng phải chấp nhận quyền bính Babylon, vì đó là ý muốn của Yavê. Để thoát khỏi ách Babylon, vấn đề không phải là lo liên minh quân sự với Ai Cập, nhưng là phải lo sửa đổi đời sống, thực thi công bình đức nghĩa thì chính Thiên Chúa sẽ gìn giữ Giuđa (22,1-5). Dưới cái nhìn Kinh Thánh, việc liên minh với các đế quốc bị coi như là bỏ Thiên Chúa để cậy dựa vào binh mã phàm nhân. Đó là một tội. Chưa kể là khi cậy nhờ một đế quốc, đó là dịp để việc tôn thờ các ngẫu tượng xâm nhập vào Israel. Do đó Giêrêmia đã hết lời khuyên can và cảnh cáo vạch cho vua, dân thấy đâu là họa, phúc đích thực.

Bài đọc 1 hôm nay trích phần các sấm ngôn vạch tội Giuđa. Giêrêmia đưa ra hai dung mạo đối nghịch nhau: phúc/ họa; kẻ bị nguyền rủa/ người được chúc phúc:

  • Kẻ bị nguyền rủa là kẻ tin vào người đời, chỉ cậy dựa vào sức của phàm nhân, không gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa. Hình ảnh được dùng để minh họa số phận của kẻ bị nguyền rủa là “bụi cây trong hoang địa”.

  • Còn người có phúc là người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chỉ cậy dựa vào Yavê mà thôi. Hình ảnh minh họa là “cây được trồng bên dòng nước”.

Chính sự chọn lựa của mỗi người (của dân) sẽ quyết định vận mạng hạnh phúc của mình.

1/ Dung mạo của kẻ bị nguyền rủa (Gr 17,5)

Hay nói cách khác, thế nào là TAI HỌA? bài đọc 1 đưa ra hai yếu tố để xác nhận tình trạng tai họa của kẻ bị nguyền rủa. Bản văn không đề cập, mô tả tình cảnh bên ngoài của kẻ bất hạnh mà chỉ đưa ra hai tương quan nội tâm của kẻ đó với Thiên Chúa và tha nhân. Hai tương quan này vọng lại tâm tình của Ađam và vợ lúc cùng nhau sa ngã:

  • Tin và cậy dựa vào con người

  • Đồng thời lòng dạ rời xa Yavê Thiên Chúa.

*Tai họa là tình trạng của kẻ tin vào người đời, cậy dựa vào sức phàm nhân: – “Người đời” là những kẻ mạnh thế, quyền uy có đủ lợi thế để thống trị, đè bẹp kẻ khác; Trên bình diện tập thể, quốc gia, “người đời” là các liên minh, các cường quốc mà những nhóm, quốc gia nhược tiểu phải lụy phục, cậy nhờ, chịu nhiều thiệt thòi để hy vọng đổi lại được chút yên thân.

– “Sức phàm nhân” là tất cả những phương thế nhân loại có năng lực giúp con người đạt được một mục đích nào đó: gương Môsê muốn tự ý cứu dân bằng sức lực của riêng mình dựa trên uy quyền của một hoàng tử Ai Cập. Áp dụng vào bối cảnh của những triều đại cuối của vương quốc Giuđa, những cụm từ trên ám chỉ các tính toán của vua dân Giuđa, muốn dùng biện pháp liên minh quân sự với các cường quốc để giải quyết vấn đề liên quan đến vận mạng, tương lai của Dân Chúa.

*Và lòng dạ xa rời Yavê:

Thực ra việc “cậy dựa vào con người” tự nó không phải là xấu, trái lại trong chừng mực nào đó lại còn đẹp lòng Thiên Chúa nữa là khác. Vấn đề chỉ trở nên tệ hại là khi con người đi đến chỗ thái quá: XA RỜI THIÊN CHÚA.

Tai họa nằm ở chỗ là khi con người được chút thành công thì nảy sinh ra ảo tưởng cho rằng chỉ với sức riêng mình, mình đã đạt được hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu mà không cần gì đến Thiên Chúa nữa.

Đó là một biến thái của tội nguyên tổ: gán cho các tạo vật một quyền năng mà tự chúng không hề có; rồi tiếp đến là đặt vận mạng cuộc đời mình vào đó, đến độ loại trừ luôn Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Vấn đề ở đây không phải là một tội phạm hình sự, luân lý cụ thể mà là chối từ một mối tương quan, chối từ một dự tính vĩnh cửu của Thiên Chúa trên thân phận con người: nhân loại quên mất rằng mình là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Do đó chỉ trong Thiên Chúa, con người mới thể hiện được căn tính của mình và tìm được chân phúc vĩnh cửu.

Vậy căn nguyên cái họa là tình trạng “lòng dạ rời xa Yavê!”

*Hình ảnh minh họa số phận kẻ bị nguyền rủa (Gr 17,6)

Số phận kẻ bị nguyền rủa được so sánh với “bụi cây trong hoang địa”, cằn cỗi, cô đơn, không bao giờ hưởng được chân phúc. Hình ảnh thật thê thảm: 

“Hoang địa” là nơi cằn cỗi, thiếu nước không đủ để cỏ cây sinh trưởng, con người, thú vật đến sinh sống. Hình ảnh gợi lại vườn Eđen lúc chưa có mưa và chưa có con người để canh tác. Nếu không có tình yêu Thiên Chúa can thiệp thì hậu quả là cằn cỗi, cô độc, héo tàn và tự diệt.

2/ Dung mạo của người có phúc (Gr 17,7)

*Thế nào là người có phúc? Là kẻ đặt niềm tin vào Yavê, cậy dựa vào Yavê?

Bản văn không hề nói phải khinh chê, loại bỏ các giá trị nhân loại; Cũng không hề khuyên đừng tin tưởng, đừng cậy dựa vào con người. Tất cả những gì được Thiên Chúa đặt để trong công trình sáng tạo, con người đều phải tôn trọng, phải tùy thuộc, nương theo các định luật của công trình sáng tạo để hành động. Tuy nhiên ta không đặt cọc cuộc đời ta vào đó. Tất cả phải được sử dụng trong tương quan tùy thuộc vào Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa như một anawim, nghĩa là như một người chỉ biết phó thác vào Thiên Chúa, xem Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của đời mình mà thôi.

*Hình ảnh minh họa số phận người có phúc (Gr 17,8) là một hình ảnh hoàn toàn tương phản với những gì được mô tả trong câu 6 theo từng cặp: 6a/ 8ab; 6bc/ 8cd; 6dđ/ 8đe. Người có phúc được ví như “cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong” (Gr 17,8ab); Và kết quả là sức sống và năng xuất ổn định (17,8đe) bất chấp những khó khăn, nắng nóng, hạn hán (17,8cđ).

Hình ảnh nước dồi dào là biểu tượng hồng ân tràn đầy của Thiên Chúa, của tình yêu quan phòng của Chúa đối với công trình sáng tạo của Người, đặc biệt là đối với nhân loại (x. St 2,5b-6). Còn hình ảnh cây xanh tươi quanh năm và luôn sinh trái là biểu tượng của địa đàng được hồi phục (x. Ed 47,12), là “Trời Đất Mới”, là phần thưởng chung cuộc thời cùng tận Thiên Chúa dành cho những ai trung tín (x. Kh 22,1.2)

Tóm lại, bài đọc 1 đưa ra cho ta hai con đường và mời chọn lựa để có được hạnh phúc bền vững. Phúc/ Họa là tùy con người đặt niềm tin tưởng của mình vào đâu:

  • Họa là tin ở người đời, là lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa và lòng dạ xa rời Thiên Chúa (Gr 17,5).

  • Phúc là đặt niềm tin vào Yavê, có Yavê làm chỗ nương thân.

TIN MỪNG: Lc 6,17-18.20-26

Sứ vụ công khai của Đức Giêsu xoay quanh ba trục chính: kêu gọi môn đệ; rao giảng; và làm phép lạ. Ba trục này được phối hợp chặt chẽ với nhau để minh chứng sứ vụ của Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa và sẽ được tiếp tục nơi các môn đệ. Cho tới chương 6 hôm nay, Đức Giêsu đã kêu gọi được nhóm môn đệ tiên khởi (Lc 5,10-11; 5,27-28), đã làm được một số phép lạ, riêng việc rao giảng thì chỉ mới đề cập đến cách chung chung (4,44; 5,3; 6,6…). Tin Mừng hôm nay là bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu có ghi rõ nội dung rao giảng. Bài đọc Tin Mừng là trích đoạn mở đầu của bài giảng tại đồng bằng của Luca nói về các mối phúc. Thay vì trình bày tám mối phúc như Mt 5,1-10 thì Luca lại nêu lên bốn mối phúc và bốn lời nguyền rủa, kèm theo những lý do cho biết tại sao là phúc/ là họa. Những điều mà thói đời cho là phúc như: giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng; đó là những điều mà người đời luôn tìm kiếm, bám víu, cậy dựa vào… thì bị Luca cho là HỌA. Còn những điều mà phàm nhân đều sợ hãi, trốn tránh như nghèo hèn, đói khát, khóc lóc, bị bách hại thì lại được đánh giá là PHÚC. Thật ra, họa hay phúc không nằm ở sự kiện mà là ở nguyên nhân và cùng đích của các sự kiện ấy trong tương quan với cuộc sống thật, vĩnh cửu của kiếp người. Đối tượng trực tiếp Đức Giêsu nhắm tới là các môn đệ (6,20a). Người trình bày cho họ thế nào là PHÚC/ HỌA theo một chuẩn mực mới do Người mang đến. Người đặt các môn đệ mà Người vừa chọn trước một giá trị, một tiêu chuẩn mới do Người mang đến; Và mời chọn!

1/ Khung cảnh và tính phổ quát của bài giảng khai mạc (6,17-18)

*Trong Tin Mừng Luca, đây là bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu có mang nội dung cụ thể rõ ràng. Bài giảng này diễn ra ở nơi đất bằng, được so sánh tương đương với bài giảng trên núi của Matthêu, nhưng ngắn hơn, chỉ 30 câu (Lc 6,20-49). Đối tượng thính giả mà Luca nhắm tới cũng rộng hơn gồm có: Nhóm Mười Hai, đông đảo môn đệ, đoàn lũ dân Do Thái từ Giuđê và Giêrusalem kéo đến, còn có cả dân ngoại từ Tia và Sidôn (6,17). Tuy nhiên đối tượng chính vẫn là các môn đệ (6,20a).

Đức Giêsu muốn lấy khỏi đầu các môn đệ tư tưởng quốc gia chủ nghĩa, tính địa phương hẹp hòi, cục bộ của người Do Thái mà Đức Giêsu đã vấp phải khi về thăm quê Nadaret (4,23; 4,42.43). Và Người ra đi loan Tin Mừng khắp nơi (4,31.44) và bắt đầu chú tâm kêu gọi các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng phổ quát của Người sau này (5,1-11; 5,27-28). Tầm nhìn và cách hành động của Đức Giêsu đã khiến cho một số kinh sư và pharisêu chống đối Người (5,15-25.29-32.33-39) và tìm cách hại Người (6,11). Trước thực tế đáng buồn đó, Đức Giêsu hướng hoạt động của Người về Nhóm môn đệ mặc dù vẫn giảng dạy cho đám đông (5,12-16).

*Tính phổ quát của sứ điệp Đức Giêsu: ngay trong bài giảng khai mạc, đối tượng đến với Đức Giêsu đã được Luca mở rộng ra cho mọi người kể cả dân ngoại, cũng không loại trừ, xua đuổi người bệnh tật, kẻ ô uế, người bị quỷ ám (x. Lc 4,25-27; 4,42-44; 6,17-18). Thời ân sủng được khai mở bằng hành động của Đức Giêsu mở rộng tầm tay đón nhận tất cả, chữa lành, hồi phục tất cả (6,17-19). Trước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng, đều được Đức Giêsu đón tiếp, đều được lắng nghe Lời Chúa, đều được thưởng phạt theo chuẩn mực mới do Đức Giêsu mang đến.

2/ Bài giảng khai mạc: chuẩn mực mới của PHÚC/ HỌA (Lc 6,20-26)

*Đây là đoạn song song với Bát Phúc trong Mt 5,1-10, nhưng Luca trình bày thành bốn cặp đối xứng nhau PHÚC/ HỌA.

Mặc dù được nói chung cho tất cả mọi người (Lc 6,17) nhưng đối tượng chủ yếu, trực tiếp vẫn là các môn đệ (6,20a), nghĩa là những người đã có chút lòng tin vào Đức Giêsu, đã đi theo Người, đã được nghe một số lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Giờ đây Đức Giêsu muốn trình bày cho họ những giá trị, chuẩn mực mới, hàm ý mời gọi họ tin vào đó, bước theo Người tiến vào một vận hội mới, làm một cuộc hoán cải tận căn như Phaolô: điều trước kia tôi xem là lợi lộc, thì nay tôi coi như là rác rưởi trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô (Pl 3,8). Như vậy xét bề ngoài, sự việc vẫn không đổi, cái phải đổi thay là mối tương quan gắn bó của tôi đối với sự việc đó. PHÚC/ HỌA không nằm ở bề mặt của sự kiện nghèo, giàu… theo tầm nhìn trần thế mà là nhận ra được Tình Yêu của Đức Giêsu, của Thiên Chúa đối với mình qua sự việc đó. Bài giảng khai mạc là một lời mời chọn lựa: mỗi người được Đức Giêsu đặt trước “cây trái cấm”, chọn sống theo chuẩn mực mới do Người đưa ra, hoặc chọn theo những giá trị cũ mà thế gian đang tôn thờ.

*Cấu trúc của mỗi mối phúc/ họa gồm hai vế:

– Vế 1 mô tả tình trạng hiện tại của đối tượng được phúc: nghèo, đói, khóc, bị khai trừ hoặc mắc họa: giàu, no, cười, được ca tụng.

– Vế 2 nêu lên lý do tại sao được phúc hay mắc họa.

Phúc/ họa không nằm ở vế 1 tức là tình trạng hiện tại trước mắt, nhưng là nằm ở vế 2; nghĩa là phúc/ họa mà Đức Giêsu loan báo ở đây là chuyện tương lai. Tuy nhiên cái tương lai ấy lại tùy thuộc và nối kết chặt chẽ với tình trạng hiện tại.

*Phúc/ họa chỉ là đảo ngược tình thế điều đang có trong hiện tại?

Thoạt nhìn qua các mối phúc/ họa của Luca, nhất là mối thứ 2 và thứ 3, chúng ta dễ rơi vào cảm giác rằng đó chỉ là một cuộc đảo lộn tình huống giữa thời điểm hiện tại với tương lai: ai trong hiện tại đang giàu (nghèo) thì rồi tương lai sẽ nghèo (giàu), theo lối định luật biến dịch tuần hoàn của trời đất. Nếu vậy thì Đức Giêsu có đem lại điều gì mới cho vũ trụ này? Và nhất là cho phận người tội lỗi đang bị sự bất hạnh khống chế? Và nếu chỉ là định luật tuần hoàn thì cái phúc/ họa luôn đổi thay đâu còn bền vững. Và nhất là phúc/ họa không nằm ở sự kiện giàu nghèo đói no… mà là ở mối tương quan với Thiên Chúa. Điều này đã được Thiên Chúa hé mở cho Giêrêmia (bài đọc 1: Gr 17,5.7). Và chúng ta cũng xác tín vào giáo lý Công Giáo: Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc thật và bền vững; Sở dĩ con người bất hạnh là vì chối từ, tách rời khỏi Thiên Chúa (St 3); để tìm lại được hạnh phúc phải nối kết lại tương giao với Thiên Chúa.

3/ Thế nào là phúc/ họa thật?

Lời Chúa mời ta suy gẫm câu đáp ẩn chứa trong mối phúc/ họa thứ nhất và thứ tư.

*Phúc cho anh em… vì Nước Thiên Chúa là của anh em (Lc 6,20c).

Trong Cựu Ước, sự nghèo, đói, khóc, bị loại trừ được nhìn dưới 2 góc độ khác nhau: theo cái nhìn luân lý, nệ luật thì các tình trạng kể trên là HỌA, là án phạt của Thiên Chúa dành cho tội nhân, kẻ bất hảo. Cái bất hạnh về thể xác ấy kéo theo cái họa thiêng liêng là bị ra ô uế, không thể gần Thiên Chúa, gần đồng loại, bị khai trừ, không được ơn cứu độ. Ngược lại sự giàu, no, vui… được coi là phần thưởng Chúa ban cho những ai đạo đức, họ sẽ được cứu độ (x. ĐN TH TK “Nghèo” Cựu Ước I). Vì thế những kẻ nghèo, đói, khóc… vừa bất hạnh vật chất, vừa bị đồng loại khai trừ, vừa không hi vọng gì được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, đúng là HỌA. Thiên Chúa đối với họ là vị quan án nghiêm khắc, Người có đó để xét xử họ.

Giờ đây với sự xuất hiện của Đức Giêsu: những lời Người dạy, những việc Người làm ẩn chứa một năng lực thần linh; Người có quyền trên sự dữ, trên thần ô uế; Và nhất là đối với tội nhân, Người có một tấm lòng trắc ẩn bao la và có quyền THA TỘI cho họ (Lc 5,24.32). Người có quyền vượt hơn Lề Luật, những việc làm mang tính cách mạng của Người thực ra là giải phóng con người, tôn vinh Thiên Chúa (Lc 5,26).

*Với một quyền năng mang đậm nét thần linh, với một Tình Yêu bao dung, với một lòng thương xót lớn hơn tội lỗi của con người, vượt xa hơn Lề Luật, Đức Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em vì Nước Thiên Chúa của anh em”.

Vậy cái phúc của người nghèo… không nằm ở trong hiện trạng khốn cùng của họ mà là trong thái độ của Đức Giêsu đối với họ: Người là Đấng Mêsia, Người đến quan tâm tới họ, ưu ái họ, công bố từ nay họ cũng có được Nước Thiên Chúa là gia sản. Khi công bố “phúc cho những người nghèo vì Nước Thiên Chúa là của anh em”, Đức Giêsu ngầm bảo thời Mêsia đến rồi, chính Người là Mêsia. Và “hạnh phúc” không gì khác hơn là được Người chiếu cố cách đặc biệt. Còn về phía kẻ nghèo, để cái phúc Đức Giêsu mang tới thật sự là gia sản, là mối phúc cho mình thì hãy mở lòng đón nhận sự quan tâm của Chúa trong tâm tình tạ ơn, phó thác.

Lưu ý đến khía cạnh hiện tại của hồng ân “Nước Thiên Chúa là của anh em” (động từ “LÀ” ở thì hiện tại indicatif): Ngay trong thân phận nghèo, đói, khóc… của kẻ bất hạnh, họ đã nhận ra trong Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là của họ ngay trong tại thế này. Đó mới là chân phúc.

Vậy phúc/ họa không chỉ là lời hứa hướng về một tương lai tươi sáng mà là một thực tại ngay tại thế nhờ tin và gắn bó vào Đức Giêsu. Gương đứa con hoang đàng, Dakêu, tên trộm lành là những tội nhân có phúc vì họ đã đón nhận Nước Thiên Chúa làm của họ nhờ Đức Giêsu.

*Còn mối phúc thứ tư (6,22-23): cụm từ “bị oán ghét, bị khai trừ…” gợi lên chính thân phận của Đức Giêsu trên đường Thập Giá: bị các thủ lãnh Do Thái oán ghét, tìm đủ mọi cách khai trừ Người ra khỏi cuộc sống (Lc 22,66 – 23,1); đặt điều nói xấu Người, gán cho tước Mêsia những ý nghĩa sai trái (23,2-5); bị môn đệ bán, chối từ như một tội phạm xấu xa; bị quân lính nhạo báng, sỉ vả…

Vậy mối phúc này là được nên giống Đức Giêsu, là niềm vui được xếp vào hàng ngũ ngôn sứ của Người, của Thiên Chúa. Cùng chịu đau khổ sẽ cùng hưởng vinh quang (Rm 8,17; Pl 3,10-11; 1Pr 4,13-16…).

Frère Pierre Đình Long FSC