CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – năm B

Bài 1

G 7,1-4.6-7; Mc 1,29-39
Chủ đề: Đức Giêsu chữa lành và giải cứu những người cùi khỏi bệnh
và hồi phục phẩm giá họ.

* Lv 13,45-46: ai mắc bệnh cùi đều trở nên ô uế và phải ở riêng ra bên ngoài trại.

* Mc 1,41-44: Đức Giêsu đụng đến anh cùi và anh được sạch…Người bảo anh hãy đi trình diện tư tế.

Lời Chúa của Chúa Nhật VI B Mùa Thường Niên tiếp tục đề cập đến vấn đề nỗi thống khổ của con người trước những bất hạnh gặp phải trong cuộc sống của kiếp làm người. Lần này chủ đề hẹp hơn, chỉ quy về một căn bệnh đặc biệt duy nhất: BỆNH PHONG CÙI.

Nỗi bất hạnh mà căn bệnh này mang lại cho bệnh nhân thật lớn lao, đáng sợ: – thể xác đớn đau đã đành – về mặt luân lý xã hội, họ bị coi là kẻ tội lỗi và bị Chúa phạt – hơn nữa, về mặt tôn giáo xã hội họ bị công khai loại trừ ra khỏi cộng đoàn: phải sống cách ly với mọi người, hoàn toàn bị cô lập.

Xã hội lẫn tôn giáo đều đưa ra những qui chế ngăn cấm người cùi tiếp cận với cư dân bình thường, họ bị buộc phải cách ly, ra ở một nơi riêng biệt bên ngoài trại. Như thế đồng nghĩa với việc họ không được tham dự phụng tự với cộng đoàn, không được gặp gỡ thờ phượng Thiên Chúa trong các nghi thức tế tự cộng đồng.

Theo cái nhìn của người Do Thái, chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh cùi (Ds 12,13-16; 2V 5,7) hoặc vị ngôn sứ được Chúa ban quyền mà thôi (2V 5,8). Do đó việc chữa lành bệnh cùi là một trong những dấu chỉ khai mạc thời thiên sai (x.Mt 10,8; 11,5; Lc 7,22).

Và việc chữa lành bệnh cùi không chỉ đơn giản là khôi phục lại tình trạng khỏe mạnh thể lý mà còn phải được bổ sung thêm bằng nghi thức trình diện tư tế để được vị này công bố là bệnh nhân đã được sạch và được hội nhập lại với cộng đoàn xã hội và tôn giáo.

Vậy việc chữa lành bệnh cùi không chỉ giải phóng bệnh nhân khỏi những khổ đau thể xác mà còn là phục hồi tinh thần và nhất là đưa họ tái hòa nhập vào cộng đoàn, được cùng toàn dân Chúa đến trước thiên nhan ca tụng Thiên Chúa. Đây quả là một cuộc giải phóng toàn diện chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được hoặc những nhân vật vĩ đại như Môsê, Êlia. Do đó việc chữa lành bệnh cùi được xem là dấu chỉ vững chắc giúp nhận ra được Đấng Mêsia.

Bài đọc một chỉ đề cập đến vài qui chế để xác nhận một người có thật sự bị cùi hay không. Đó là vai trò của tư tế. Sau khi tư tế xác nhận thì bệnh nhân trở thành ô uế; họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên “ô uế! ô uế”, và bị tách riêng ra ở bên ngoài trại. Xã hội, tôn giáo chỉ đưa ra được qui chế xác nhận ai bị cùi, chứ không có một cách thức nào để trợ giúp, ủi an họ. Chỉ trong Đức Giêsu, họ mới được hồi phục trọn vẹn về thể lý, phẩm giá con người lẫn tôn giáo.

Bài Tin Mừng của Marcô thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành một anh cùi, rồi sai anh đi thực hiện những gì luật Môsê đã dạy để được hội nhập vào lại với cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên trong trình thuật này có vài nét “tin mừng” chúng ta cần lưu ý tới:

  • Cái gì đã khiến anh bị cùi trong Tin Mừng này dám cả gan vượt qua luật cấm để đến gặp Đức Giêsu, quỳ xuống van xin Người?

  • Cái gì đã khiến Đức Giêsu không sợ những “ô uế” do luật qui định để dám “giơ tay đụng vào anh cùi” và chữa lành anh ta?

Đó là vì nơi Đức Giêsu, “lòng chạnh thương” của Thiên Chúa đã tỏ bày rõ nét. Đức Giêsu chính là hiện thân của “lòng chạnh thương của Thiên Chúa”. Và việc chữa lành anh cùi đã là MỘT DẤU CHỈ KINH THÁNH kín đáo mặc khải Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, là Thiên Chúa.

Phần anh cùi được chữa lành, dường như anh không vâng lời Đức Giêsu: anh không giữ bí mật như Đức Giêsu dạy; Anh không đi trình diện tư tế; Trái lại, anh rao truyền, loan tin ấy khắp nơi? Thực ra đối với những ai đã gặp được Đức Giêsu, được chữa lành thì việc tuân thủ chi tiết luật trở thành THỨ YẾU. Điều quan trọng là CA NGỢI Thiên Chúa, Vì Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã dành cho ta. Cuối cùng là một điều biến đổi kỳ diệu đã xảy ra cho DÂN CHÚA: hiệu năng mang tính cộng đoàn của phép lạ được nhấn mạnh: vì lời rao truyền của anh cùi, Đức Giêsu không vào thành được, “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Nhưng nơi nào có Đức Giêsu, nơi đó không còn là hoang vắng nữa vì “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”.

Đức Giêsu đến để hồi phục con người, thiên nhiên! Tất cả được thăng hoa, tràn đầy sức sống. Hãy đến với Đức Giêsu, nhất là lúc gặp khó khăn, mở rộng lòng đón nhận Người để ta được chữa lành, và qua ta, vũ trụ được khởi sắc.

Bài 2

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch … Đức Giêsu bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. Lập tức chứng phong cùi biến khỏi anh và anh được sạch” (Mc 1,40b.41.42).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật VI B Mùa Thường Niên. Bài đọc Tin Mừng hôm nay tiếp ngay sau bài đọc Chúa Nhật V B tuần trước. “Một ngày mẫu”, một ngày Sabat thật bận rộn, nhưng thành công đã trôi qua bình an. Dân Capharnaum tỏ vẻ bằng lòng, ủng hộ các hoạt động trừ quỷ, chữa lành của Đức Giêsu cho dù được làm trong ngày Sabat. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau, tức ngày thứ nhất trong tuần, có một khoảng cách giữa ước muốn của Đức Giêsu và ước muốn của dân dần lộ ra: – dân đến với Đức Giêsu chỉ mong được hưởng phép lạ vật chất trước mắt, dường như họ không lưu tâm gì đến những lời giảng dạy của Đức Giêsu; – Trái lại, Đức Giêsu thì lại muốn rao giảng Tin Mừng, muốn họ sám hối đón nhận Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa họ.

Thật vậy, sau một đêm ngon giấc với giấc mơ đẹp được chữa lành; Ngay sáng hôm sau, Marcô bắt đầu hé cho thấy những nét không ăn khớp với nhau giữa Đức Giêsu, các môn đệ và đám đông.

Ngày thứ nhất trong tuần là ngày Thiên Chúa khởi sự công trình sáng tạo, Ngày mà Lời phát xuất từ Thiên Chúa đã hoàn tất trọn vẹn Thánh Ý Người: “Chúa phán “hãy có…”; tức thì có”. Vào cuối ngày Sabat, chuyển sang ngày mới “lúc chiều đến, khi mặt trời đã lặn” (1,32) thì mọi lời của Đức Giêsu đã hoàn tất tốt đẹp.

Marcô muốn trình bày công trình cứu độ của Đức Giêsu như là một công cuộc sáng tạo mới (sẽ được thực hiện từng bước một trong suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, và cuối cùng tấm màn che ngăn cách Thiên Chúa với dân cũng được xóa bỏ lúc Đức Giêsu gục đầu tắt thở, biểu lộ trọn vẹn vinh quang thần linh của Người: Mc 15,39). Thật vậy, sau một ngày Sabat cật lực làm việc (thay vì “nghỉ”), Đức Giêsu đã ổn định lại trật tự; Bộ mặt của Hội Đường, của Nhà Simon, của thành Capharnaum đổi mới hoàn toàn, có thể so sánh đó là một “vườn Eden mới” đã bắt đầu hình thành: 

  • Đã có Đức Giêsu, có cộng đoàn thiên sai ở giữa

  • Thần ô uế đã bị trục xuất, môi miệng dối trá lọc lừa của y cũng bị khóa lại.

  • Ngày Sabat được hồi phục ý nghĩa, thực sự là ngày giải cứu.

  • Cộng đoàn thiên sai thực thi tốt vai trò trung gian nối kết nhân loại ốm đau với Cứu Chúa của mình.

  • Nhân loại ốm liệt đã được phục hồi trở nên người phục vụ Đức Chúa và cộng đoàn.

  • Ngôi nhà của môn đệ, ngôi nhà nhân loại trở nên trung tâm qui tụ, nơi những ai khốn cùng đến gặp Chúa và được chữa lành.

Như vậy trong ngày Sabat, Đức Giêsu đang dần khôi phục lại một “Eden – mới”. Vấn đề tiếp theo là môn đệ và nhân loại phải tiếp tục công việc mà Đức Giêsu đang khởi sự và đưa tới chỗ hoàn tất. Tuy nhiên phải chiến đấu cam go, và quỷ ma vẫn còn hiện diện quấy phá (giống như “Con Rắn” đối với Adam và vợ trong vườn Eden): trước khi bị trục xuất, quỷ đã la lớn tiết lộ sớm căn tính thần linh của Đức Giêsu với âm mưu ác độc lừa con người chỉ bám vào phép lạ mà bỏ quên lời giảng dạy, “giáo lý mới mẻ” và cứu thoát của Đức Giêsu. Mặc dù quỷ đã bị Đức Giêsu ngăn chặn và đuổi đi, nhưng (cũng như Eva trong St 3,6 tự mình đút đầu vào tròng) nọc độc của lời gian trá của quỷ luôn là cơn cám dỗ chết người của nhân loại, của từng người.

Và cuộc chiến thực sự đã khai mở ngay “sáng sớm (của ngày thứ nhất trong tuần) lúc trời còn tối mịt. Đức Giêsu, các môn đệ và dân thành đều thức dậy sớm nhưng với ba hướng hoạt động hoàn toàn khác nhau. Đã có sự lệch pha, lạc điệu giữa Đức Giêsu và đám đông:

  • Đức Giêsu ngay từ giây phút đầu của ngày mới, tuần mới, đã đến với Cha để biện phân Ý Cha, tìm cách thực thi chương trình của Cha (1,38): chủ yếu là rao giảng Lời Chúa, chứ không tìm làm thỏa mãn những nhu cầu hưởng các phép lạ mà đám dân Capharnaum chờ đợi.

  • Trái lại đám đông đi tìm Người, dù bản văn không nói rõ ra, nhưng chắc chắn chỉ là để thụ hưởng lợi lộc vật chất do các phép lạ mang đến.

  • Còn các môn đệ thì đi tìm Đức Giêsu, nhưng không để hiệp lòng cùng Người cầu nguyện mà chỉ để thông tin đám đông đang tìm Người.

Đức Giêsu có sứ mạng phải RAO GIẢNG cho nhiều nơi; còn dân Capharnaum chỉ muốn giữ Người lại để làm phép lạ riêng cho họ. Thế là phải tạm chia tay. Đức Giêsu không quay lại gặp đám đông capharnaum, mà đi các nơi khác để rao giảng.

Dường như dân Capharnaum không chấp nhận đường lối đó của Đức Giêsu (cũng như dân Nadaret trong Tin Mừng Luca), cho nên chỉ “vài ngày sau” (Mc 2,1) khi Đức Giêsu quay lại Capharnaum thì người ta vẫn tụ tập kéo đến và việc trước tiên của Đức Giêsu vẫn là RAO GIẢNG LỜI, rồi cũng làm phép lạ, nhưng họ đã không chấp nhận được cái mới mà Đức Giêsu mang đến trong khi làm phép lạ: Người chữa lành bằng một lời THA THỨ TỘI LỖI (Mc 2,5). Họ chống đối Đức Giêsu và kể từ đó, chống đối ngày càng tăng, và chỉ trong thời gian rất ngắn họ đã lập bè đảng để tìm cách giết Đức Giêsu (x.Mc 3,6).

Thế là Đức Giêsu và các môn đệ lặng lẽ rời Capharnaum. Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm bên ngoài Capharnaum và vào ngày thứ nhất trong tuần. Một phép lạ chữa lành một người phong hủi: vừa chữa lành phần xác, vừa chữa lành tâm hồn, đưa anh ta về lại với cộng đoàn, phục hồi phẩm giá của con người nguyên thủy là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được ra trước tôn nhan Chúa phụng thờ Người. 

* Có một người phong hủi đến gặp Đức Giêsu …

Cựu Ứớc xem phong hủi là dấu chỉ của một tội phạm trầm trọng, đó là hình phạt của Thiên Chúa đối với tội nhân (x.Ds 12,9-10; 2V 5,27; 2Sb 26,16-21 …). Chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh này (x.Ds 12,13-16; 2V 5,7), hoặc vị ngôn sứ được Chúa ban quyền (x.2V 5,8). Do đó việc chữa lành bệnh cùi là một trong những dấu chỉ khai mạc thời thiên sai (x.Mt 10,8; 11,5; Lc 7,22).

Đó là bệnh lây nhiễm đáng sợ nên người ta phải cô lập bệnh nhân và buộc họ chịu một qui chế khắc nghiệt: bị loại khỏi cộng đồng, bị đuổi ra bên ngoài trại, đi đâu phải hô to “ô uế! ô uế!” để người khác biết mà tránh đi; tệ hại nhất là không được tham gia phụng tự dâng lễ vật cho Thiên Chúa, mà như vậy thì làm sao được tha thứ, chữa lành.

Vậy mà, ở đây có một người cùi đã vượt qua qui chế dám đến nơi có người ở để gặp gỡ Đức Giêsu và van xin Người. Điều đó hàm ý: Đức Giêsu phải có một lòng nhân hậu, một phong cách sống thế nào đó đến nỗi phá vỡ được bức tường ngăn cách từ bao đời của xã hội và tôn giáo để lôi cuốn được người bệnh dám vượt rào để đến với Người; Rồi Đức Giêsu cũng phá rào luôn khi giơ tay đụng vào anh mà không sợ mình ra ô uế. Đó quả là một nét “xé trời ngự xuống” được Đức Giêsu thực hiện trong cuộc sống đời thường.

* “Nếu Ngài muốn…”: lời van xin biểu hiện lòng phó thác tuyệt đối; Tất cả tùy thuộc vào ý muốn của Đức Giêsu; không đòi hỏi, không đặt điều kiện cho Thiên Chúa. Điều đó hàm ý rằng bệnh nhân nhìn nhận thân phận mình như tội nhân, chịu như thế này là đáng (x.Lc 23,41). Do đó hy vọng duy nhất là cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa (x.Lc 23,42). Sẵn sàng chấp nhận Chúa không nhậm lời dù Người nhân hậu hoặc đã hứa như trường hợp Abraham (x.St 18,32; 19,24-25).

* Xin cho tôi được “sạch”: ngôn từ liên quan tới tha tội, thanh tẩy hơn là chữa lành một bệnh thể lý. Chi tiết này dọn đường cho phép lạ tiếp theo (x.Mc 2,5-7) để mặc khải Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người có quyền tha tội (2,10). Thật vậy các chi tiết trong phép lạ chữa cùi này đều được Marcô khéo léo sử dụng kín đáo mặc khải Đức Giêsu là Thiên Chúa:

  • “Chạnh lòng thương”: động từ SPLAGKHNIZOMAI có nghĩa là “xúc động, rúng động đến tận đáy lòng”, do danh từ SPLAGNON là “lòng dạ”, “trái tim”, “tình cảm thâm sâu”. Trong Cựu Ước, dân Do Thái chỉ dùng động từ này khi khẩn cầu cùng Thiên Chúa (x.1V 8,50; Tv 4,2; 6,3; 9,14…79,8; 106,45…). Còn trong các sách Tin Mừng, động từ này chỉ dành riêng cho Đức Giêsu; Trừ một trường hợp được Lc 15,11-32 gán cho Người Cha Nhân Hậu vì ông là hình ảnh của Thiên Chúa, xúc động trước nỗi khốn cùng của đứa con lầm lạc dại khờ.

  • “Tôi muốn, anh sạch đi”, lập tức…anh được sạch. Chỉ phán một lời mà sự việc thành sự ngay tức khắc, đó là quyền năng của Thiên Chúa (St 1).

Vậy qua phép lạ này, Marcô kín đáo một lần nữa mặc khải Đức Giêsu hành động như một vị Thiên Chúa: Con người với thân xác đang đi khắp Galilê để rao giảng là chính Thiên Chúa (x.Mc 1,1).

* Chữa lành xong, Đức Giêsu nghiêm giọng đuổi anh đi ngay và cấm anh đừng nói gì với ai (1,43-44a), nhưng liền sau đó là lệnh truyền phải đi trình diện tư tế và dâng lễ vật theo luật Môsê để được tư tế xác nhận là đã sạch bệnh và được hội nhập lại với cộng đoàn.

Tại sao lại cấm nói? Sự việc sờ sờ ra trước mắt làm sao che giấu được? Thực ra lệnh cấm chỉ là cách diễn tả để hé lộ một nét thần học của Marcô. Đức Giêsu quả thật là Thiên Chúa! Nhưng chân lý này chỉ được mặc khải khi Chúa đi trọn con đường “làm người” theo đúng ý Chúa Cha. Chỉ khi Đức Giêsu gục đầu tắt thở hoàn tất kiếp người thì lúc đó mầu nhiệm thần linh nơi Người mới được mặc khải trọn vẹn. Con đường dẫn tới vinh quang Thiên Chúa là đường Thập Giá đi trọn kiếp người (x.Mc 15,39). Còn nếu gắn kết Đức Giêsu với các phép lạ thì đám đông dễ đi tới sai lầm rằng Đấng Mêsia là một nhà thần thông, chuyên gia làm phép lạ để giải quyết các vấn đề vật chất trần thế. Như thế là rơi lại vào cơn cám dỗ Địa Đàng: bỏ đi ý Chúa để làm theo ý của loài thọ tạo.

Thế thì tại sao còn bảo đi trình diện tư tế? Vấn đề không phải là chữa khỏi bệnh cùi mà là được hòa nhập lại với cộng đoàn để tất cả cùng nhau dâng lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa. Do đó phải trình diện tư tế để được người có thẩm quyền xác nhận đã lành bệnh và công bố cho toàn dân đón nhận kẻ được chữa lành được hội nhập lại với cộng đoàn.

Riêng đối với các tư tế là những nhà lãnh đạo dân, giỏi luật…khi họ thấy và chứng nhận cho một người cùi được lành, thì họ phải nhận ra rằng THỜI MESIA ĐÃ TỚI và phải công bố, hướng dẫn dân sống Triều Đại mới.

Như vậy qua phép lạ này, Đức Giêsu phát ra một tín hiệu cho dân lẫn các thủ lĩnh Do Thái giáo biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến; đồng thời dò xem phản ứng lại của mọi người là như thế nào để Người có đường lối thích hợp. Đức Giêsu đến không để phá Luật mà để hoàn thiện bằng cách sử dụng Luật để giúp việc chữa lành được hoàn thiện hơn: Đức Giêsu chữa lành, nhưng phải nhờ Luật, nhờ tư tế mà bệnh nhân mới được vào lại cộng đoàn dân Chúa, cùng nhau tạ ơn phụng thờ Chúa.

* Đáp trả của anh cùi: báo trước đường thập giá:

Anh cùi đã không vâng lời: không giữ kín, không đi trình diện tư tế, trái lại anh đi công bố rao truyền, tung tin ấy khắp nơi. Anh ta cũng không quay lại gặp Đức Giêsu để tạ ơn. Anh cũng không hòa nhập vào với cộng đoàn để cùng nhau tạ ơn Chúa. Anh ra đi, vui hưởng cho riêng anh niềm vui được chữa lành và làm theo điều anh thích. Việc làm của anh chỉ thúc đẩy đám đông tìm đến Đức Giêsu để hưởng phép lạ. Càng đến với Đức Giêsu theo kiểu ích kỷ đó thì họ càng lạc xa Người … Do đó chỉ “vài ngày sau” (2,1) khi chứng kiến một phép lạ, họ đã chống đối Người, không nhận mặc khải mới mẻ Người mang lại (2,7).

Tuy nhiên, phần Đức Giêsu, Người vẫn tiếp đón họ vì đó là sứ vụ của Người. Vấn đề là phải làm sao giúp người ta hiểu được con đường thiên sai đích thực, phải vạch cho họ thấy mặt thật của họ (so với Ga 4,15; 6,26) và đưa họ vào mặc khải thần linh. Cuộc chiến không khoan nhượng này sẽ đưa Người đến Thập Giá. Và chỉ trên Thập Giá, Mầu Nhiệm thần linh của Người mới được mở tung trọn vẹn: “viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người TẮT THỞ NHƯ VẬY liền nói “Quả thật CON NGƯỜI NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA”” (Mc 15,39).

Frère Pierre Đình Long FSC