CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – năm B

Bài 1

Gr 31,31-34; Ga 12,20-33
Chủ đề: Thời điểm lập Giao Ước mới đã đến; Giao Ước thứ tha.

* Gr 31,31.34b: Này sẽ đến những ngày, Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một Giao Ước mới… và sẽ không nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

* Ga 12,23.24b: Đã đến giờ Con Người được tôn vinh: Hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác.

Chủ điểm phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật V B Mùa Chay là Giao Ước Mới. Một Giao Ước sẽ được thiết lập vào thời Chúa định; và Giao Ước này sẽ tạo nên tương quan nội tại bền vững giữa Thiên Chúa và con người. Thời điểm thiết lập Giao Ước đó tới rồi với Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.

Khi nói tới Giao Ước, người ta thường nghĩ tới một cam kết hai chiều, song phương giữa hai đối tượng muốn tạo liên hệ hỗ tương với nhau. Mỗi bên đều có quyền lợi và bổn phận phải chu toàn vì lợi ích của đôi bên. Bên nào vi phạm Giao Ước sẽ gánh chịu mọi hậu quả, phải trả lẽ tương xứng và có khi phải chết.

Nếu cứ tính theo lẽ công bằng, sòng phẳng theo tinh thần Giao Ước pháp lý thì mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người đã phá sản từ lâu và con người đã bị hủy diệt vì bao lần vi phạm Giao Ước. Tuy nhiên khi đề nghị kết Giao Ước với con người, Thiên Chúa, Đấng Chủ động, đã không nhắm đến khía cạnh sòng phẳng mà Người nhắm đích đến là bằng mọi giá phải LIÊN KẾT NÊN MỘT với nhân loại. Chính vì thế những vi phạm nhất thời cục bộ từ phía con người không phá vỡ được dự tính yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa: thay vì lên án, tiêu diệt, Thiên Chúa chọn giải pháp kiên nhẫn giáo dục, thứ tha chờ phút giây con người hoán cải để Thiên Chúa hoàn tất dự Tính LIÊN KẾT NÊN MỘT của Người.

Lời Chúa hôm nay cho thấy tình yêu cuồng nhiệt của Thiên Chúa: Người THA THỨ, THA THỨ và THA THỨ… Và từng bước một, Thiên Chúa chuẩn bị cho một  Giao Ước quyết liệt, Giao Ước mới: không ký bằng văn tự khắc trên bia đá mà bằng ý định của Thiên Chúa được khắc ghi vào con tim nhân loại. Yếu tố được dùng để kết ước, về phần Thiên Chúa, là THA THỨ; Còn về phần con người là ĐÓN NHẬN ƠN THA THỨ CỦA NGƯỜI: Thiên Chúa mong đợi con người nhận ra sai lầm của mình, hoán cải rồi TRAO PHÓ TẤT CẢ CHO TÌNH YÊU THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA. 

Bài đọc một thuật lại sấm ngôn của ĐỨC CHÚA qua ngôn sứ Giêrêmia rằng Chúa sẽ ban cho Dân một Giao Ước mới với những đặc điểm như sau:

  • Không như Giao Ước cũ mang nặng tính luật lệ, pháp lý, đặt nền trên thưởng phạt theo luân lý. Giao Ước cũ đã bị cha ông người Do Thái hủy bỏ khi họ phạm tội vi phạm các điều khoản Giao Ước được khắc trên BIA ĐÁ.

  • Còn Giao Ước mới sẽ được ghi khắc trong TIM “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc sâu vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta”

  • Hệ quả là không cần ai dạy Dân phải giữ Luật nữa vì Luật đã được ghi trong con TIM mỗi người.

Vậy việc giữ luật không còn là một áp lực đến từ bên ngoài, thi hành luật không còn do sợ hãi án phạt; Nhưng từ nay giữ luật là một thái độ nội tâm phát xuất từ Tình Yêu đối với Luật Chúa. Luật không còn là những điều khoản phải giữ, mà trở thành máu thịt của Dân.

Tóm lại nền tảng của Giao Ước mới này là Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chóp đỉnh của Tình Yêu tha thứ là THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU. Đó là điều mà Tin Mừng sẽ trình bày cho chúng ta. Thời điểm thiết lập Giao Ước mới đã đến; Và phương thế Thiên Chúa dùng để lập Giao Ước mới này là ĐƯỜNG THẬP GIÁ. Thật vây vào tuần cuối cùng trước lễ vượt qua của cuộc đời dương thế của mình, Đức Giêsu công bố: “ĐÃ ĐẾN GIỜ CON NGƯỜI được tôn vinh… nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24).

“Mầu nhiệm Thập Giá”, “Hạt giống phải chết đi” đó là điều ai cũng sợ, muốn trốn tránh. Đức Giêsu là con người, cũng không tránh được tâm trạng ấy: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến… Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này”. Tuy nhiên “tôn vinh Cha”, thi hành ý Cha vẫn luôn là lẽ sống, là ưu tiên chọn lựa số một của Đức Giêsu: Người xác định dứt khoát “nhưng chính vì giờ ngày mà con đã đến”, GIỜ THIẾT LẬP GIAO ƯỚC MỚI, Giờ của Thập Giá đã tới. Với Thập Giá, Thiên Chúa đã thứ tha, trên thập giá, Đức Giêsu đã lôi kéo mọi vật lên cùng Thiên Chúa: “…khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Phần Thiên Chúa, Người đã hoàn tất công trình tha thứ của Giao Ước mới. Và vì Đức Giêsu cũng là một CON NGƯỜI THẬT GIỐNG CHÚNG TA MỌI ĐÀNG, nên khi Người hoàn toàn tuân phục ý Cha thì Người đã thay mặt nhân loại của Người. Giao Ước mới đã được ký kết trong Đức Giêsu. Phần còn lại của mỗi tín hữu là noi gương Đức Giêsu để Thiên Chúa ghi Giao Ước Chúa trong tim ta bằng cách THEO ĐỨC GIÊSU, PHỤC VỤ ĐỨC GIÊSU, Ở LẠI VỚI ĐỨC GIÊSU (Ga 12,26).

Bài 2

“Hạt lúa gieo vào lòng đất… nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác… Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”          (Ga 12,24-32).

Qua phụng vụ, Giáo Hội đang từng bước một tiến tới đỉnh đồi Golgotha của Đức Giêsu. Tuần sau là Lễ Lá, Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem như một vị Quân Vương, nhưng là vị Vua, vị Mêsia của Thập Giá. Thật vậy, ngay sau giây phút nô nức của một “bầy đàn” đang hiểu lầm về vị Chủ Chăn của mình, giai đoạn tiếp theo là Tuần Thánh, Tuần Thập Giá. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đón nhận Tuần Khổ Nạn ấy trong tư thế hoàn toàn chủ động: Người hiểu ý nghĩa của Nó, và Người đã biến đổi cây Thập Giá khổ hình thành cây Thập Giá cứu độ qua những gì Người thực hiện cho các môn đệ trong Thứ Năm Tuần Thánh.

Để dọn đường cho Tuần đại lễ trên và để giúp mỗi tín hữu thực sự cảm nghiệm trong chính bản thân mình, con đường cứu độ của Thập Giá. Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm Thập Giá tận trong ý định tiên khởi của Chúa Cha, được hé mở trong công trình sáng tạo: sự mục nát của hạt lúa giống là cội nguồn, là điều kiện thiết yếu để có được một vụ mùa phong nhiêu, mang lại no ấm, niềm vui, hạnh phúc cho nhân loại “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất… mà chết đi thì nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đức Giêsu nhắc lại mặc khải đó không phải chỉ cho các môn đệ và đám đông người Do Thái mà còn cho cả dân ngoại nữa (x.Ga 12,20-21). Mặc khải đó lại còn được Đức Chúa Cha chuẩn nhận qua cuộc thần hiện (x.Ga 12,28b). Qui luật sự sống của công trình sáng tạo (x.St 1,11-12) đã bị nhân loại sa ngã nhìn một cách sai lạc nên tưởng rằng việc đem hạt giống gieo vào lòng đất là mất đi, là thiệt thòi nên thay vì gieo giống thì lại trữ kín trong kho, khiến sự mục nát của hạt lúa trở thành một sự hủy diệt mang lại thảm họa cho nhân loại: “ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất…” (12,25a). Một lời cảnh cáo ngược đời, khó nghe đối với những ai cứ khép kín lòng mình, tìm lợi ích riêng cho chính bản thân mình mà thôi. Nhưng đó chính lại là căn nguyên của mọi bất hạnh của nhân loại.

Đức Giêsu đến trần gian, đảm nhận phận làm người bất hạnh ấy nhằm mở ra trở lại con đường hạnh phúc chân thật là DÁM CHO ĐI, dám phục vụ, dám đem những hạt lúa chắc mẩy nhất gieo trồng rồi ra công làm việc… Khi ấy những hạt lúa đơn độc thay vì chỉ đủ nuôi sống được vài cá nhân trong một thời gian ngắn thì sẽ góp phần thành những vụ mùa phong nhiêu nuôi sống nhiều người, tạo phúc lộc dài lâu. Đó là hình ảnh báo trước hạnh phúc trường cửu vì đời này trăm năm đáng là bao: “…còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (12,25b).

Lưu ý: ở đây Đức Giêsu không nói ai ghét “sự sống của mình” mà nói “sự sống của mình trong thế gian”; Cách nói này đối lại với “sự sống đời đời”. Vậy Lời của Đức Giêsu hàm ẩn một CHỌN LỰA giữa cái mình đang có, đang nắm trong tay, đang là của mình: “sự sống trong thế gian”; Với sự sống tương lai mà mình chưa nắm được.

Cái đang nắm trong tay là “hạt giống đang nằm trong kho lẫm”, nó đang là của mình có thể nuôi sống mình bằng một bữa ăn. Nếu mình bám víu, quý nó đến độ không dám gieo nó làm lúa giống thì rốt cuộc nó cũng phải hư mất vì mục nát trong kho, hay vì được đem nấu làm một bữa ăn.

Còn cái “sự sống đời đời” là cái còn đang ngoài tầm tay của mình, nhưng theo định luật của công trình sáng tạo, thì “sự sống đó” chắc chắn đang ẩn tàng bên trong hạt giống. Nếu dám quăng hạt giống xuống ruộng đã được cày bừa thì sẽ có vụ mùa bội thu, hạt giống tiếp tục truyền sức sống của nó lâu bền.

Vậy “coi thường” hay “ghét” không có nghĩa là khinh chê, phủ nhận giá trị của “sự sống”, “mạng sống” mình trong hiện tại ở “trong thế gian” này mà là một lời mời hồi tâm nhìn vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa để nhận ra cái “dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa” trong cái “mạng sống hiện tại giới hạn” của chúng ta rồi làm một CHỌN LỰA: hoặc cứ khư khư giữ lấy hạt giống (tức mạng sống trong thế gian) cho riêng mình để rồi hạt giống (mạng sống) đó sẽ qua đi không để lại dấu tích nào cho tương lai; hoặc chấp nhận GIEO HẠT GIỐNG xuống đám ruộng đã cày bừa sẵn sàng để rồi cũng chết đi nhưng rồi sẽ sinh nhiều hạt khác, sự sống của hạt lúa được trường tồn.

Đức Giêsu đang tiến vào Giêrusalem lần cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Người. Đức Giêsu biết trước rằng lần này Người phải chết (x.Ga 12,7); Trong khi đó người ta vẫn cứ ngộ nhận vai trò Mêsia và cách thức thi hành sứ mạng của Người: từ dân (12,13) đến môn đệ (12,16) kể cả nhóm Pharisêu (12,19). Cuộc rước lá đón tiếp Người là chóp đỉnh của ngộ nhận. Cần phải chặn đứng ngay sự hiểu sai lạc này. Và Đức Giêsu, nhân dịp các người hi lạp muốn THẤY (động từ ôrao) Người, Người đã bày tỏ ý nghĩa thâm sâu của Thập Giá, của việc Người được tôn vinh, cụ thể là Người phải chết cách nào để biểu lộ vinh quang Mêsia của Người (12,33). Điều đó là Thánh Ý Chúa Cha và Tin Mừng Gioan nhấn mạnh Cha đã chuẩn nhận bằng một cuộc thần hiện công khai cho mọi người có mặt đều thấy và được Đức Giêsu giải thích rằng sự kiện xảy ra đó là cho đám đông có mặt ở đó (12,30b). Sự hiện diện và các ước nguyện gặp Chúa của các người hi lạp được Tin Mừng Gioan lồng vào trong khung cảnh như thế.

  • Các người hi lạp đó là những ai? Họ là những người dân ngoại không chịu phép cắt bì, nhưng họ có cảm tình và gắn bó với Do Thái giáo qua việc gìn giữ một vài tập tục Do Thái, được Do Thái xếp vào hạng người “Kính sợ Thiên Chúa” (x.Cv 10,2.22.35; 13,16,26). Họ tin vào tôn giáo độc thần của Do Thái giáo và sống đoan chính. Họ đến Giêrusalem là để hành hương và trong thâm tâm họ cũng muốn thực tâm đi tìm chân lý (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B, Các Mùa… trang 372). Với lòng tin của họ vào Do Thái giáo, chắc chắn họ cũng biết ít nhiều trên lý thuyết về Đấng Mêsia. Giờ đây cơ hội thuận tiện đến, Người đang ở Giêrusalem vào dịp lễ, Người được dân chúng tung hô là Mêsia và đón tiếp long trọng (12,12-19) nên họ cũng muốn được THẤY Người.

“Họ đến gặp ông Philipphê… và xin rằng: … chúng tôi muốn THẤY ông Giêsu”: “THẤY” ở đây không chỉ có nghĩa là “xem cho biết mặt”, “xem cho thỏa óc tò mò”, vì chỉ có thế thì đâu cần gì phải nhờ đến Philipphê. Đúng ra họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu trao đổi với Người, đây quả thực là một bước khởi đầu của đức tin. Thật vậy, trong Tin Mừng Gioan, động từ THẤY = ôrao, thường được dùng để chỉ thực tại của đức tin (x.Ga 1,51; 3,11.32; 8,56; 14,9), và kiểu mẫu hoàn hảo của người tín hữu chính là người môn đệ Chúa yêu, sau khi THẤY ngôi mộ trống thì ông “đã THẤY và TIN” (sđd 372).

Vậy qua việc các người hi lạp xuất hiện ở đây để thờ phượng Thiên Chúa và để THẤY được Đức Giêsu, Tin Mừng Gioan muốn chuyền tải một sứ điệp thần học về phổ quát tính của ơn cứu độ do Thập Giá Đức Giêsu mang tới: chương trình cứu độ phổ quát đó bắt nguồn từ Ý Cha trong công trình sáng tạo, giờ đây đang đi vào giai đoạn hoàn tất: “Giờ” Thập Giá phát sinh hoa trái bắt đầu: khi Thập Giá của Đức Giêsu đã được giương cao thì mọi kỳ thị phải được dẹp bỏ, “không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do… nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (x.Gl 3,28).

  • Philipphê và Anrê: Hai ông này là trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa các người hi lạp với Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, phần lớn các môn đệ đến được với Đức Giêsu đều qua một trung gian, rồi sau đó chính họ lại trở nên trung gian đưa người khác đến với Đức Giêsu. Philipphê và Anrê là hai dung mạo trung gian nổi bật đưa người khác (Nathanael và Phêrô) đến với Đức Giêsu. Trong phép lạ nhân bánh, hai ông này cũng góp phần tích cực để Đức Giêsu làm phép lạ (x.Ga 6,5-9). Vậy ở đây, Tin Mừng Gioan báo trước tầm quan trọng của việc truyền giáo, vai trò trung gian của đoàn môn đệ để đem dân ngoại đến với Đức Giêsu.

  • Câu trả lời của Đức Giêsu: các người hi lạp muốn THẤY Đức Giêsu, nghĩa là muốn được hiệp thông với Người trong con đường cứu độ, giống như Philipphê say này cũng xin Đức Giêsu cho được THẤY Cha (x.Ga 14,8-9). Đức Giêsu trả lời: con đường hiệp thông với Người, nên môn đệ Người là con đường Thập Giá, nhưng Thập Giá là vinh quang: “đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (12,23). Rồi sau đó, Đức Giêsu giải thích vinh quang Thập Giá bằng việc mặc khải mầu nhiệm Thập Giá đã ẩn tàng ngay trong công trình sáng tạo, đã được Cha an bài như là qui luật của sự sống ngay cả trước khi tạo dựng nên con người. Chúa Tạo Hóa là Đấng thông ban sự sống của Người cho mọi loài thọ tạo, thì mọi loài, nhất là con người là hình ảnh Thiên Chúa cũng phải biết cho đi sức sống của mình như thế.

  • Hạt giống phải được kéo ra khỏi nơi an toàn là kho lẫm. Rồi phải được gieo vào lòng đất đối đầu với thời tiết nắng mưa. Rồi phải phá vỡ cái võ bao bọc an toàn, chịu phân hủy…để mở đường cho mầm sống mới vượt lên thành cây mạ chuẩn bị cho vụ mùa bội thu.

  • Rất tiếc, tội lỗi sa ngã đã làm con người sợ hãi định luật “cho đi” của Tình Yêu Thiên Chúa. Giờ đây Đức Giêsu đến mặc khải trở lại: “ai yêu quí mạng sống…ai coi thường (ghét) mạng sống ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (12,24-25).

  • Đường Thập Giá đó chính là PHỤC VỤ. Trước tiên là phục vụ Đức Giêsu, là muốn làm môn đệ, đi theo con đường của Thầy. Lúc đó Cha – Thầy – môn đệ hiệp thông trọn vẹn trong lòng mến (12,26). Đến Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu mặc khải mầu nhiệm “hạt giống chết đi”, mầu nhiệm phục vụ, làm môn đệ Người bằng lệnh truyền “RỬA CHÂN CHO NHAU” (13,13-17).

  • Mặt trái của Thập Giá: Đức Giêsu vừa mặc khải chỉnh sửa những ngộ nhận của con người về vinh quang của Đấng Mêsia bằng cách giải thích, hồi phục lại ý nghĩa của Thập Giá (hạt lúa phải chết đi) theo Ý Cha trong công trình sáng tạo (sẽ sinh nhiều bông hạt). Tuy nhiên nét đáng sợ, khía cạnh án phạt của Thập Giá do tội lỗi gây nên vẫn còn đè nặng trên tâm trí, hiện sinh của nhân loại. Là con người, Đức Giêsu cũng không được miễn trừ những gánh nặng đó trong hiện tại: “BÂY GIỜ, tâm hồn Thầy xao xuyến!”. May thay, Đức Giêsu đã không để cho cái sợ hãi phàm nhân, cái cảm tính tự nhiên khống chế Người. Người làm chủ chúng, không trốn chạy Thập Giá, nhưng dấn thân, phó thác: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi GIỜ này, nhưng chính vì GIỜ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (12,27b-28a).

  • Đây chính là cuộc CHIẾN ĐẤU của tín hữu trong Chúa Nhật V B này. CHIẾN ĐẤU vượt thắng sợ hãi để đón nhận Thập Giá như là ĐIỂM HẸN (GIỜ) của Tình Yêu Thiên Chúa; CHIẾN ĐẤU để tái khám phá lại ý nghĩa Thập Giá trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; CHIẾN ĐẤU để dám gieo hạt giống xuống lòng đất; CHIẾN ĐẤU để sẵn sàng đầu tư dọn đất, dọn tâm hồn; Kiên trì CHIẾN ĐẤU như người nông dân từ lúc gieo hạt cho đến lúc thu hoạch vụ mùa (x.Gcb 5,7-8). Tuy nhiên CHIẾN ĐẤU trong NIỀM VUI vì biết chắc rằng Thập Giá mình đang vác sẽ đưa tới “vụ mùa phong nhiêu”.

  • Cuộc Thần Hiện: xác nhận của Cha (12,28-30): có thể nói đây là biến cố kép “Hiển Dung – Thần Hiện” theo Tin Mừng Gioan, không dành riêng cho ba môn đệ ưu tuyển trong Nhất Lãm, nhưng là cho mọi người: đám đông (c.12); môn đệ (c.16); biệt phái (c.19); hi lạp (c.20). Cuộc thần hiện cho thấy những gì Đức Giêsu làm, nói trong hai ngày vừa qua (xức dầu / vào Giêrusalem) là dự tính của Thiên Chúa Cha. Vậy hãy tin vào Người, tin vào những gì sắp xảy ra trong những ngày sắp tới và nhận ra ý nghĩa cuộc “sáng tạo mới” trong mầu nhiệm Thập Giá.

Đó là tiếng “TỪ TRỜI” (12,28) đáp lại lời cầu xin của Đức Giêsu để củng cố Người trong con đường Thập Giá; Đồng thời để Người công bố ý nghĩa cứu độ toàn thế giới của Thập Giá: “Một khi Tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (12,32).

Tuần Thánh đã cận kề, Thập Giá ngày càng xuất hiện rõ nét! Giáo Hội muốn giúp tín hữu chủ động đón nhận mầu nhiệm Thập Giá với tất cả những nét đáng sợ lẫn những giá trị cứu độ của Nó. “Vác Thập Giá” chính là sứ vụ mà Đức Giêsu đã đón nhận từ Cha để qua đó biểu lộ vinh quang thần linh của Người lẫn của Cha. Đó cũng là lộ trình mỗi tín hữu phải chiến đấu để vượt qua theo Ý Chúa để được thông phần vinh quang của ơn cứu độ.

Frère Pierre Đình Long FSC