CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG NĂM C

Lc 3, 10-18

Chúng ta đang bước vào Chúa Nhật thứ ba mùa vọng. Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật của niềm vui, Chúa Nhật Gaudete. Lễ phục chuyển từ màu tím sang màu hồng. Đạo công giáo là đạo của niềm vui. Đã có một thời người ta quan niệm vào đạo,  nhất là đi tu, phải ăn chay hãm mình, phải đau khổ, buồn bã, ủ rũ suốt ngày. Nhưng Chúa Giêsu dạy nếu có ăn chay cũng phải xức dầu thơm,  phải tươi cười. Ngày nay chủng sinh hay đệ tử nào mà luôn mang bộ mặt dolorosa, sầu bi,  sẽ  bị cho ra khỏi cộng đoàn. Người Tây Phương nói  Un saint triste est un triste saint. Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. ĐGH Phanxicô nói: Ở đâu có tu sỹ ở đó có niềm vui.

Ngay cả trong mùa chay chúng ta vẫn vui mừng vì tin tưởng Chúa sẽ đến.

      Chúa nhật hôm nay chúng ta gặp lại Gioan Tẩy Giả. Ông rao giảng sám hối, canh tân để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Thánh Luca thuật lại là dân chúng lũ lượt kéo nhau đến nghe ông giảng.  Có lẽ một phần vì những lời rao giảng của ông hấp dẫn, lôi cuốn, thực tế, vì ông là thầy dạy nhưng cũng là chứng nhân. Ông dạy những điều ông sống. Ông nêu gương trước khi  dạy dân chúng. Đàng khác, có khi họ tưởng ông là Đấng Mêsia, mặc dù ông đã thanh minh: Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.  Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.(Lc 3,16).

      Nhiều thành phần dân chúng khác nhau đến để xin ông chỉ bảo. Họ hỏi: Chúng tôi phải làm gì đây (Lc 3,10). Đây là tâm tình của những người sám hối. Sau này khi các tông đồ đi rao giảng, dân chúng cũng hỏi ông Phêrô: Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì . (Cv 2,37).

      Vị  Tiền Hô cũng chỉ dạy những điều rất đơn giản, đó là Luật Tình Yêu: Bác Ái và Công Bình.

 *“Ai có hai áo, thì chia cho người không có…”  (Lc 3,11).

       Thánh Martinô còn làm hơn lời khuyên này, ông có một áo, đã cắt đôi cho người không có.

 Ở cửa thành Amiens, một ngày mùa đông, Martinô  gặp người ăn xin dường như trần truồng, chàng hiệp sĩ trẻ nói: – Tôi chỉ có áo quần và khí giới. Rồi rút kiếm ra, Ngài xẻ đi chiếc áo cho người ăn xin.

 Câu chuyện kết thúc với giấc mơ, trong đó Martinô thấy Chúa Kitô hiện ra mặc nửa chiếc áo và nói với các thiên thần. – Chính Martinô đã mặc cho Ta đây.

 (Trích Conggiao.info.Thánh Martino thành Turinô Giám Mục (315-397).

Ở cuối nhà thờ Tân Hương, Giáo phận Kon Tum có bức phù điêu diễn tả  cảnh thánh Martino đang chia áo cho người nghèo.

Chắc chẳng mấy ai có thể làm được như Thánh Martino.

 Người ta thuật lại khi cha Trần Thanh Chung (sau này làm giám mục Kon Tum) sắp rời Plei kơ Bay để đi làm bề trên chủng viện Kon Tum ở Đà Lạt, giáo dân đến xin ngài giúp đỡ. Phút chót có 2 người đến, ngài chỉ còn chiếc áo dòng cũ, ngài đã cắt đôi cho 2 người.

*Ai có gì ăn, thì cũng sẽ làm như vậy. (Lc 3,11) .

Mẹ Têrêsa Calcutta thuật lại có lần người ta báo cho mẹ có một gia đình đã ba ngày không có gì ăn. Mẹ và một xơ nữa đã đến thăm gia đình đó, mẹ đem cho họ 10 kg gạo. Ngay sau đó người mẹ gia đình này đi vào bên trong, chia số gạo  làm hai và xách một phần ra ngoài. Mẹ Têrêsa hỏi  bà đem đi đâu, bà nói đem cho một gia đình Hồi giáo gần đó cũng đã đói từ ba ngày nay. Chắc hẳn bà này nhớ kỹ lời dạy của Gioan Tẩy Giả.

      Bác ái là nhường cơm sẻ áo, là chia sẻ  những gì cần thiết, chứ không phải là những thứ dư thừa. Có cha còn nhấn mạnh: quần áo, giày dép để trong tủ 2-3 năm không sử dụng, đó chính là phần của người nghèo.

*Những người thu thuế thì được khuyên đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình.

Mới đây đầu tháng 12 trên mạng xã hội lan truyền một sự việc không mấy vui ở thành phố Thanh Hóa. Có hai nữ sinh lấy trộm một món hàng trị giá 160.000₫ trong một shop thời trang. Sợ bị phạt và bị truy tố, hai em đã đến gặp chủ tiệm shop xin lỗi và xin bồi hoàn số tiền trên; nhưng chủ tiệm không đồng ý, bắt hai em, mỗi em phải nộp 15 triệu. Gần gấp 100 lần. Một em, gia đình tương đối khá giả đã chấp thuận bồi thường. Em kia không đủ tiền, đã xin nợ, nhưng chủ tiệm đã không đồng ý còn đánh đập, hành hạ, quay clip và đưa lên mạng để làm nhục. Cuối cùng chủ tiệm đã bị bắt, bị  tịch thu tài sản (vì hàng hóa không có xuất xứ) chưa kể có thể sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Có người nói: phải chi chủ tiệm shop đã gặp Gioan Tẩy Giả hay đã nghe ông rao giảng: Đừng đòi hỏi gì quá mức của mình, thì chắc câu chuyện đã kết thúc êm đẹp biết mấy .

*Các binh lính thì được khuyên:

 “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. 

Nếu thời đó có các công nhân, chắc hẳn Gioan Tẩy Giả cũng đã khuyên: Hãy an phận với số lương của mình. Đừng chôm chỉa, đừng ăn bớt thời gian lao động, đừng kèn cựa, đừng tranh chấp nhau .

      Những người thu thuế và các binh lính được coi là những thành phần tội lỗi. Gioan đã không kêu gọi họ phải bỏ công việc của mình đang làm, nhưng là làm việc với một tinh thần mới.

Mỗi chúng ta cũng phải tự hỏi: Tôi phải làm gì để sám hối?

      Sống bác ái và công bình chính là sống trọn luật Yêu Thương, là dọn đường cho Chúa đến. Thực hiện ngay trong gia đình, ngay trong môi trường hiện tại của mình. Không cần phải đi đâu xa, không cần phải làm những việc to tát, khác lạ.

      Lạy Chúa, trong mùa vọng này xin cho chúng con triệt để sống trọn luật yêu thương: Bác Ái và Công Bình để dọn lòng chúng con đón Chúa.

                                    Nguyễn Đức Lân