CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – năm B

Bài 1

Is 63,16-17.19b; 64,2b-7; Mc 13,33-37

Chủ đề: ĐỢI TRÔNG CHÚA ĐẾN.

* Is 63,19b: phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống.
* Mc 13,33: Anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến.

          Hôm nay là ngày “TẾT” của năm Phụng Vụ; Chúng ta bước vào năm phụng vụ mới: MÙA VỌNG năm B. Tâm tình khát khao mong chờ Chúa đến và thái độ luôn ở trong tình trạng TỈNH THỨC sẵn sàng để khi Chúa đến, chúng ta đừng bị rơi vào tình trạng bất ngờ chưa kịp chuẩn bị; Đó là hai chủ đề được Hội Thánh kiên trì, ân cần nhắc nhở con cái mình trong suốt Mùa Vọng nhất là Chúa Nhật thứ nhất.

          Sở dĩ chúng ta can đảm đợi trông vì CHÚA ĐÃ ĐẾN RỒI và Chúa cũng hứa Người sẽ LẠI ĐẾN để hoàn tất công cuộc của CHA. Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng luôn hướng về hai lần ĐẾN của Đức Giêsu:

  • Bài một nói về tâm tình chờ mong của dân Cựu Ước khắc khoải chờ mong Đấng Thiên Sai, Mêsia đến giải cứu họ.

  • Bài Tin Mừng là lời cảnh cáo của Đức Giêsu nói về lần đến thứ hai của Người. Yếu tố được nhấn mạnh là tính BẤT NGỜ của quang lâm và thái độ phải có để luôn sẵn sàng khi quang lâm đến, đó là TỈNH THỨC.

Bài đọc một mời chúng ta rút ra bài học cho mình từ hai tâm tình chờ Chúa của dân Cựu Ước:

  • Chờ Chúa với tất cả niềm khao khát, khắc khoải đợi trông: “phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống” (63,19b). Lời khẩn cầu như thôi thúc Chúa đến mau; như giận dỗi, ấm ức vì sao Chúa chậm đến.

  • Và tâm tình tỉnh ngộ, sám hối ăn năn: ban đầu, khi chịu cảnh khổ cực lưu đày, Dân Chúa mang tâm tình như trách Chúa vì sao Chúa lại để cho dân đi lạc xa đường lối Chúa (63,17) để rồi bị phạt. Thế nhưng, với ơn Chúa, khi bình tâm nhìn lại, dân nhận ra đó là đường lối Chúa dùng để sửa dạy dân, tập dân sống tự do (64,3-4) giúp dân thực sự nhận ra lầm lỗi của mình và thật lòng thống hối về lại với Chúa (64,5-6).

Qua trường học khổ đau ấy, dân mới dần nhận ra sự ngỗ ngáo của mình và chân nhận Chúa thật sự là người CHA đầy yêu thương. Thật vậy, Chúa đã nhận dân là con đầu lòng của Chúa (Xh 4,22-23); Rồi khi dân quên Chúa, suýt bị diệt vong bên Ai Cập thì Chúa đã giải cứu dân; Chúa thật sự đã khai sinh dân khi ban cho dân Luật (x.63,16b; 64,7).

Chính khi tỉnh ngộ, nhờ ơn Chúa, khám phá ra tình thương của Chúa như thế, Dân trở về nài xin Chúa để cứu; Van xin với tất cả lòng khát khao, sám hối, hối thúc Chúa: “phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống”. Để thực sự sống Mùa Vọng, chúng ta phải bắt chước Dân Do Thái sống lại nơi bản thân ta kinh nghiệm về Thiên Chúa là CHA, là ĐẤNG GIẢI THOÁT, là Đấng SÁNG TẠO nên ta. Chưa sống được mối tương quan này với Chúa nơi ta thì Mùa Vọng chỉ mới là hình thức.

Tin Mừng hôm nay trích từ bài giảng của Đức Giêsu về ngày quang lâm. Mc 13 là bài giảng Đức Giêsu dành riêng cho các môn đệ, đặc biệt là cho bốn ông: Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê (13,3). Bài giảng nói nhiều điều nhưng có thể tóm vào vài nét chính:

*Chắc chắn là có ngày quang lâm (13,28-31).
*Tuy nhiên ngày giờ rõ ràng là bí mật của Chúa Cha (13,32).

Khi nói về ngày quang lâm là một biến cố trong tương lai, thì SỨ ĐIỆP mà Đức Giêsu muốn gởi tới cho các tông đồ lại là một SỨ ĐIỆP HIỆN TẠI: sứ điệp đó là PHẢI TỈNH THỨC “anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Sứ điệp lúc đầu chỉ nói cho bốn môn đệ, cuối cùng Đức Giêsu cũng mở ra cho hết thảy mọi người: PHẢI CANH THỨC.

Theo Marcô, canh thức đối với chung cho mọi người là chu toàn việc được chủ trao là đủ (c.24a); Riêng đối với NGƯỜI GIỮ CỬA thì trách vụ chính là PHẢI CANH THỨC. Vậy đây là lời Chúa nhắc nhở đặc biệt cho hàng lãnh đạo Hội Thánh (4 vị), sau là cho toàn tín hữu phải đóng vai trò NGƯỜI CANH ĐÊM để nhắc nhở, giúp mọi người hãy lo chu toàn bổn phận mà Chủ đã giao phó cho TỪNG NGƯỜI (câu 34a). Người tín hữu cần xác tín rằng Nhân loại đang ở dưới ách bóng tối, ngày Chúa đến không có gì đáng sợ cả, vì Chúa đến là để chấm dứt đêm đen, chuẩn bị đưa nhân loại vào một ngày mới. Trong ngày mới, những gì là “ngái ngủ” của đêm không thể tồn tại. Phải chuẩn bị cho nhân loại bước vào “NGÀY MỚI” đón cảnh tốt đẹp. Đó chính là sứ mạng của Hội Thánh, của từng tín hữu kitô giáo: canh thức cho chính bản thân mình và cho cả nhân loại nữa.

Bài 2

“Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến…Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết mọi người là: phải canh thức” (Mc 13,35.37)

Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới. Dòng lịch sử cứu độ với những biến cố chính yếu được Giáo Hội tưởng niệm, tái hiện lại trong thời gian một năm phụng vụ để mời gọi và trợ giúp con cái mình đón nhận, hiệp thông làm thành của mình và sống ngay tại thế này, hôm nay, ở đây, hồng ân cứu độ mà Chúa “đã dọn sẵn cho tất cả những ai tin, được chúc phúc từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25,34).

Khi cử hành hằng năm Phụng Vụ Mùa Vọng, Giáo Hội hiện tại hóa niềm mong đợi Đấng Mêsia của tuyển dân Do Thái, mặc dù đức tin dạy rằng Đấng Cứu Tinh ấy đã đến rồi trong Đức Giêsu. Trong khi hiệp thông và sống tâm tình khát khao, chuẩn bị lâu dài đó, các tín hữu kitô giáo canh tân lòng sốt sắng của mình đón chờ Người ngự đến lần thứ hai. Và điều quan trọng hơn hết là giữa hai lần Chúa đến (trong quá khứ, trong tương lai) đó, tín hữu phải làm sao nhận ra Người đang đến trong phút giây hiện tại. Như vậy, Mùa Vọng kitô giáo bao hàm ba chiều kích của lịch sử cứu độ.

  • Quá khứ: nhìn lại lộ trình khát vọng mong chờ Chúa đến của tuyển dân Cựu Ước để rút ra cho mình bài học tiếp đón Chúa khi Người đến. Thật vậy, dân Do Thái đêm ngày khát khao chờ mong Chúa đến, họ hối thúc van nài: “phải chi Chúa XÉ TRỜI mà ngự xuống (x.Is 63,19b: Bài đọc một). Thế nhưng khi Đức Giêsu đến họ đã khước từ Người. Họ khắc khoải chờ mong hàng ngàn năm thời Chúa đến; Nhưng khi đã gặp Người, chỉ cần ba năm, họ đã đóng đinh Người vào Thập Giá. Và hôm nay, thay vì họ chờ Chúa thì Chúa đang chờ họ: Người chờ họ mở mắt nhận ra Người đang ở giữa họ. Vậy đi lại lộ trình của người Do Thái là cần thiết để sống tốt Mùa Vọng hôm nay.

  • Hiện tại: qua Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc nhở tín hữu kitô giáo: Chúa đã đến rồi. Và Chúa đang chờ chúng ta nhận ra và tiếp đón Chúa. Ước gì Mùa Vọng của Thiên Chúa và Mùa Vọng của chúng ta “gặp nhau” trong cuộc sống của Giáo Hội, của mỗi tín hữu hôm nay. Đó là điều Giáo Hội mong chờ và hướng chúng ta đến biến cố lịch sử: Giáng Sinh của Đức Giêsu cách nay 2000 năm.

  • Tương lai: Một khi đã tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa làm người thì chúng ta không dừng cuộc sống ở thế trần này nữa. Cuộc sống hiện tại của chúng ta mang một ý nghĩa mới nhờ nhìn mọi biến cố thế trần theo nhãn giới Giêsu “vì xưa Ta đói các ngươi cho ta ăn” (x.Mt 25,31-46). Nhãn giới mới đã đưa ta hướng về “Trời mới Đất mới”. Giáo Hội mời chúng ta sống chiều kích tương lai của Mùa Vọng qua việc chuẩn bị hiện tại để nghênh đón “Đấng đã Giáng Sinh” sẽ đến lần thứ hai hoàn tất công trình cứu độ.

Để giúp tín hữu ý thức được ba chiều kích trên của Mùa Vọng, Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng đã trình bày hai đoạn Lời Chúa đề cập tới hai lần đến của Đức Giêsu: Bài đọc một mời tín hữu hiệp thông với dân Do Thái trong tâm tình khắc khoải chờ mong Chúa đến: “phải chi Chúa xé trời ngự xuống” (x.Is 63,19b), thật lòng sám hối ăn năn, nhận ra sai lỗi của mình (63,18), muốn quay về cùng Thiên Chúa là Cha (63,16; 64,7). Đáp lại lòng mong đợi đó, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể vào cung lòng Đức Maria, được sinh ra làm người trong biến cố Giáng Sinh, cách nay hơn 2.000 năm. Trong thời gian cư ngụ nơi trần thế, Người đã chỉ dạy, ban phương tiện giúp con người trở về và nhận ra, rồi được quyền làm con Thiên Chúa (bài đọc một).

Nhờ đó, ngay trong hiện tại, người môn đệ đã là con, được sống mối tương quan phụ tử thần linh với Thiên Chúa (1Cr 1,3), nhờ được nghe lời Chúa, được hiểu biết mầu nhiệm của Người. Do đó cho dù còn đang sống trong trần thế, còn trong giai đoạn chờ đợi Đức Giêsu quang lâm thì người môn đệ cũng đã được hưởng đầy đủ mọi ân huệ trong Đức Giêsu rồi (bài đọc hai).

Như vậy với tâm tình và kinh nghiệm của dân Cựu Ước, người tín hữu kitô giáo hướng về ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai trong thái độ tuân phục lắng nghe và hiểu Lời Chúa (1Cr 1,5b). Mỗi tín hữu đều ý thức rằng mỗi người đã được chủ chỉ định cho một công việc, đồng thời cũng được chủ trao cho quyền bính cần thiết để hoàn tất công việc. Bổn phận của họ là phải tận dụng những ân ban đó để chu toàn bổn phận đã được trao phó. Đó là chủ ý của bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Vọng. Tin Mừng hướng chúng ta về lần đến thứ hai của Đức Giêsu. Khía cạnh “bất ngờ” của Quang Lâm được nhắc lại; Và phần tín hữu là phải “canh thức”.

Như vậy “bài giảng cánh chung” của Đức Giêsu vốn là lời loan báo cho các môn đệ về Ngày Tận Thế, mang nặng tính cảnh báo và ngăm đe, thì giờ đây, trong đức tin, khi được sử dụng trong phụng vụ Mùa Vọng, thì những nét đặc thù của cánh chung (bất ngờ – chớp nhoáng…) lại trở thành đối tượng của đức cậy trông của người tín hữu: kẻ tin ngong ngóng chờ mong Chúa đến. Đó không phải là ngày xét phạt, hủy diệt, mà là “ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến mặc khải vinh quang của Người, Ngày Thiên Chúa lấp đầy trọn vẹn mọi ơn lành cho ta (bài đọc hai: 1Cr 1,7).

Đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay là phần cuối của “Bài giảng cánh chung” theo Thánh Marcô. Đây là câu trả lời của Đức Giêsu cho bốn môn đệ về thắc mắc thời điểm và điềm báo của biến cố thành Giêrusalem bị hủy diệt (x.Mc 13,1-4). Trong phần trả lời (Mc 13,5-37), Đức Giêsu đã dịch chuyển trọng tâm từ biến cố Giêrusalem bị tàn phá qua biến cố Quang Lâm (13,5-27); Người xác định là có Quang Lâm (13,28-30); Nhưng thời điểm, điềm báo là bí mật của Chúa Cha (13,32); Điều quan trọng mà Người muốn nhấn mạnh là thái độ mà người môn đệ phải có trong hiện tại để không bị bất ngờ khi Quang Lâm thình lình ụp tới: phải tỉnh thức, phải canh thức! Đó là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gởi tới các môn đệ (13,33), lẫn mọi người (13,37).

Bài đọc Tin Mừng có thể chia làm hai phần:

  1. Câu 33 và 37 tạo thành một bao hàm với chủ đề chính là TỈNH THỨC (c.33) hay là CANH THỨC (37). Thái độ này được gởi đến cho mọi người. Lý do phải canh thức là vì không ai biết biến cố Quang Lâm đến lúc nào. Marcô chỉ đề cập đến tính BẤT NGỜ của Quang Lâm (lập lại hai lần: câu 33 và 35). Yếu tố đó cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc tới.

  2. Nhưng thế nào là “canh thức”? Mỗi tác giả sách Tin Mừng đều có cái nhìn độc đáo của mình. Với Marcô, “canh thức” được mô tả trong dụ ngôn ngắn chỉ có ba câu: từ câu 34-36.

  • “Người kia trẩy phương xa”: cụm từ này rõ ràng ám chỉ Đức Giêsu: với biến cố thập giá, rồi phục sinh và thăng thiên, Đức Giêsu đã đi trước về nhà Cha để dọn chỗ cho môn đệ…

  • “để nhà lại”: có thể hiểu “nhà” là Giáo Hội. Thật vậy trong Mt 16,18, sau lời tuyên tín của Phêrô, Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Phêrô. Với biến cố Thăng Thiên, từ nay các môn đệ bước vào giai đoạn phải tự mình đảm nhận trách nhiệm lo cho tòa nhà Giáo Hội.

  • “Trao quyền cho các đầy tớ của mình”: Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô; trao quyền tháo cởi/cầm buộc cho ông (Mt 16,19) lẫn cho các tông đồ (x.Mt 18,18). Mỗi người được chủ trao cho một việc.

    * Riêng NGƯỜI GIỮ CỬA, Chủ ra lệnh phải CANH THỨC:

“Người giữ cửa” ám chỉ ai? Đây là người được trao đích danh một công việc đặc biệt là “canh thức”. Theo Marcô, chương 13 là lời đáp Đức Giêsu dành riêng cho bốn môn đệ (13,3-5). Đây là bốn môn đệ tiên khởi của Người. Ba Người trong họ, trừ Anrê, đã được Đức Giêsu cho thông dự vào các biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Người: – chứng kiến cảnh Người cho con gái ông Giaia, trưởng hội đường sống lại – Hiển Dung – cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Mặt khác, Marcô là thư ký và là con thiêng liêng của Phêrô (x.1Pr 5,13); Do đó toàn bộ sách tin mừng thứ hai đều chịu ảnh hưởng bởi cái nhìn của vị thủ lãnh tông đồ. Từ các nhận định trên, chúng ta tìm thêm vài chi tiết trong các sách tin mừng khác để so sánh, tìm xem “người giữ cửa” là ai?

  • Mt 16,19: Thầy sẽ trao cho anh (Phêrô) chìa khóa Nước Trời.

  • Lc 22,31-32: Simon, Simon ơi…phần anh một khi đã trở lại hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh.

  • Ga 21,15-17: “anh có yêu mên Thầy không?” “Hãy chăn chiên của Thầy”.

Mỗi sách tin mừng đều có đề cập đến một trách nhiệm riêng biệt Chúa đã trao cho Phêrô. Vậy Mc 13,34b là cách thức mà Marcô dùng để diễn đạt cùng một ý tưởng như ba tác giả kia.

* Chủ nhà đến: lúc chập tối/nửa đêm/gà gáy/tảng sáng.

Chi tiết lạ lùng nơi Marcô là chủ chỉ đến vào ban đêm. Qua đó, liệu Marcô có gởi đến một sứ điệp nào chăng? Có lẽ Tin Mừng Marcô được viết cho các tín hữu gốc Roma dân ngoại nên Marcô sử dụng cách phân chia đêm làm bốn canh theo lối Roma. Tuy nhiên trong cách phân chia này có từ “gà gáy”. Có khả năng là qua từ này, Marcô muốn nhắc lại một kinh nghiệm đau thương của Phêrô: ông vừa lên tiếng chối Thầy lần thứ ba thì gà gáy. Riêng Mc 14,71-72 còn nói gà gáy đến hai lần.

Thêm nữa, theo quan điểm người Do Thái, giai đoạn hiện tại thường được biểu trưng như là một đêm tối, tương lai như một ngày hay một buổi sáng (chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B Các Mùa trang 24). Phaolô cũng sử dụng hình ảnh biểu tượng đêm tối để mô tả thời gian hiện tại cho đến ngày quang lâm (x.Rm 13,12) (Sđd 26). Vậy chủ đến trong đêm nghĩa là Người đến trong lúc dòng thời gian của công trình sáng tạo còn tồn tại, Người đến trong dòng lịch sử nhân loại.

* “Bắt gặp anh em đang ngủ”: chi tiết này cũng nhắc tới một kinh nghiệm đau thương nữa của Phêrô: trong vườn Cây Dầu khi Đức Giêsu cầu nguyện chiến đấu đón nhận Thập Giá thì ba môn đệ “cưng” của Người ngủ ngon lành, vô tâm. Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều thuật lại chi tiết trên, nhưng việc gọi đích danh Phêrô để trách cá nhân ông thì chỉ có mỗi Mc 14,37 thuật lại: “Simon, anh ngủ à!”.

Rồi cảnh Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, chỉ một mình Marcô nhấn mạnh ĐẾN BA LẦN, Đức Giêsu đến đánh thức các môn đệ thức dậy, nhưng các ông vẫn cứ ngủ: Marcô cho thấy cái nặng nề yếu đuối của xác phàm, không sao TỈNH THỨC, CANH THỨC được. Ba lần mê ngủ, kéo theo ba lần chối Thầy, chắc chắn đây là kinh nghiệm của Phêrô và Marcô đã thuật lại cách trung thực.

Qua những nét trình bày trên, ta thấy mỗi câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay đều gợi lại một ký ức nào đó của chính Phêrô đối với Thầy mình, đối với SỨ MẠNG RIÊNG mà Thầy giao phó. Và mỗi ký ức đều kèm theo một kinh nghiệm đau xót, thất bại của chính mình. Chính vì thế lời cảnh báo PHẢI CANH THỨC được lập lại đến ba lần (so với ba lần ngủ mê, ba lần chối Thầy) với tất cả sức nặng của cả một kinh nghiệm xương máu của vị tông đồ trưởng.

Tóm lại, “người giữ cửa” là PHÊRÔ. Và trong tinh thần của đoạn Tin Mừng, trách nhiệm ấy được mở rộng cho các tông đồ và các người kế vị (câu 35) và cuối cùng là cho tất cả mọi người (câu 37).

Đối với cộng đoàn nhân loại thì CANH THỨC là vai trò của Giáo Hội. Ở một tầm cỡ nhỏ hơn, vai trò này có thể được mở rộng cho tất cả các chủ chăn, cho tất cả những ai có trách nhiệm chăm lo, hướng dẫn kẻ khác: các bề trên, cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên…

Chủ đến trong “đêm”: ta đã nói “đêm” biểu tượng dòng lịch sử; Vậy “chủ đến trong đêm” là Người trở lại với ta ngay trong dòng lịch sử (của nhân loại lẫn của cá nhân) để CHẤM DỨT đêm đen bằng ánh sáng cứu độ, biến bóng đêm thành ánh sáng vĩnh cửu cho kẻ tin đang kiên trì TỈNH THỨC.

Vậy CANH THỨC theo Marcô rõ ràng là KHÔNG NGỦ. Tuy nhiên phải hiểu theo nghĩa biểu tượng. Cả lịch sử nhân loại từ khi Adam sa ngã, là một đêm dài. Tuy nhiên Thiên Chúa đã cho một Ánh Sáng, một Mùa Vọng: ban “Đấng Đạp Đầu Rắn” (St 3,15). Do đó nhân loại sống Mùa Vọng, “không ngủ” nghĩa là TRÔNG CẬY VỮNG VÀNG, là không để niềm hi vọng vào lời Chúa hứa bị lụi tàn do thất vọng, do các áp lực của sự dữ. Trong lúc chiến đấu để bền lòng CẬY TRÔNG (tức không ngủ) mỗi người nổ lực hoàn thành sứ vụ Chủ trao.

Sứ vụ CANH THỨC được mở rộng dần từ cá nhân (c.33), đến tập thể (c.35) và cuối cùng là cho mọi người (c.37) mặc khải cho chúng ta TÍNH CỘNG ĐOÀN, TÍNH LIÊN ĐỚI của sứ vụ CANH THỨC.

Không ai canh thức một mình (không làm nổi) mà là với CHÚA GIÊSU, với Giáo Hội, và với toàn thể nhân loại là anh chị em của nhau. Chính trong tư cách THÀNH VIÊN của NHIỆM THỂ mà chúng ta, từng người, KHÔNG NGỦ. Bình minh bắt bắt đầu ló dạng rồi vì Đức Giêsu đã GIÁNG SINH. Và Giáo Hội qua Phụng Vụ, đang giúp từng tín hữu HIỆN TẠI HÓA hồng ân đó nơi mình: MÙA VỌNG!

Frère Pierre Đình Long FSC