CHÚA NHẬT LỄ LÁ  NĂM A

Mt 26,14-27,66.

Chúa Giêsu bị bắt. (Tranh của Caravaggio)

      Chúng ta đang bước vào Tuần Thánh. Tuần thánh khởi đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá. Mỗi năm phụng vụ cho chúng ta nghe về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu hai lần: ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thường chúng ta hát Cuộc Thương Khó theo Gioan. Riêng Chúa Nhật Lễ Lá mỗi năm chúng ta đọc theo một thánh sử tùy theo năm A,B,C, lần lượt theo Matthêu, Mác cô và Luca.

      Con xin mạn phép sơ lược chia sẻ bài Suy Niệm Thập Giá Minh Chứng Tình Yêu của cha Giuse Maria Cao Gia An, SJ.

      Cha Cao Gia An khởi đi từ những tranh vẽ của Caravaggio. Các bức tranh luôn có phông nền tối để làm nổi bật những ánh sáng đặc biệt.

      Cha nói việc sáng tạo của Thiên Chúa cũng giống như một công trình nghệ thuật, khi bóng tối còn bao trùm vực thẳm thì Thiên Chúa đã phán: phải có ánh sáng (St 1,1-3).Thiên chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật (St 2,7).Bụi đất cũng là phông nền bóng tối để Chúa tạo dựng ánh sáng là con người.

      Các thánh sử tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu cũng giống như một công trình nghệ thuật: phông nền tối là sự đau khổ của Chúa, nhưng trên đó có nhiều chấm sáng nổi bật.Ví dụ như cuộc đổi đời của Phêrô. Hay như,  trên cuộc hành trình khổ nạn của Chúa, khi các tông đồ bỏ trốn hết, lại có một phụ nữ can đảm đứng ra lấy khăn lau mặt Chúa.(Tin mừng không thuật lại, nhưng truyền thống Kitô giáo vẫn nhớ đến bà Veronica trong chặng đường thánh giá thứ sáu, và khăn liệm thành Turin còn lưu truyền). Hay như một Simon Ky rê nê, đã ghé vai vác đỡ thánh giá cho Chúa.(Mt 27,32).Có lẽ ông là người đầu tiên đã thực hành lời Chúa Giêsu: Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo.(Lc 9,23). 

       Cuộc đổi đời của Phêrô là một mảng sáng lớn. Ông được Chúa gọi làm tông đồ đầu tiên. Trong số 12, ông là người gần Chúa nhất: trên núi Ta bo hay trong vườn cây dầu, Lúc vinh quang cũng như lúc đau khổ của Chúa. Ông bộc trực, tự tin: Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. (Mt 26,33). 

      Chúa biết trước sự vấp ngã của Phêrô: Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh. (Lc 22,32).

      Vì Phêrô dở nên Chúa mới chọn, chứ Chúa không chọn người giỏi. Chúa chọn một người đã từng có kinh nghiệm đau khổ, có nhân cách, đã được huấn luyện, đã được đào tạo. Đó là người Chúa tin tưởng gửi giáo hội Chúa. Giáo hội không được xây trên nền những người quá giỏi. Chúa cần trước hết những người có tính cách tốt, hơn những người giỏi. Phêrô không phải là người giỏi, nhưng Phêrô là người có tính cách đã được Chúa huấn luyện ngang qua những thất bại, để cuối cùng ông trở thành người được Chúa tin tưởng. 

      Trước khi ông vấp ngã, Chúa đã biết và Chúa đã tha cho ông rồi. Chúa không nhìn vào biến cố đó, Chúa nhìn xa hơn: một khi anh trở lại, sẽ làm cho anh em vững mạnh. 

       Trời lạnh, người ta đốt đống lửa, ngồi sưởi ấm. Phê rô đến sưởi. Ông theo Chúa xa xa (Mt 26,58). Theo xa xa, nhưng vẫn còn theo. 

       Người tớ gái nói: Bác này cũng theo ông Giêsu, người Nadarét đấy và Phêrô đã chối phắt: Tôi không biết người ấy.(Mt 27, 71-72).

       Người ấy . Ngôi thứ ba số ít, hoàn toàn xa lạ. Đây mới chỉ là người tớ gái, một Ô sin, chứ nếu là binh lính, là sĩ quan hay người quyền thế hơn, chắc hẳn Phêrô đã nói tôi không biết hắn ta là ai. 

      Nhưng sao ông lại chối ba lần? 

 Vì ông đã từng chối Chúa lần nhất, thì sẽ có lần hai, sẽ có lần ba.

Vì chúng ta đã phạm một lần rồi, tuy có hơi áy náy, nhưng chắc dễ có lần thứ hai, lần thứ ba. Người ta phạm tội giống như sự nhân nhượng, nhân nhượng từ từ, sau trở thành thói quen lập đi lập lại. 

      Tại sao ông dừng lại lần thứ ba?-  Vì nghe được tiếng gà gáy.

Trong cuộc đời nhiều khi có tiếng gà gáy lên và ta đã vặn cổ gà. Có những người được Chúa  gửi đến như tiếng gà cảnh tỉnh. Chúa gửi người nào đó đến nhắc nhở ta, nhưng ta đã phớt lờ, thậm chí có khi còn chống lại.

      Khi  Phêrô nghe tiếng gà gáy, đúng lúc Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ và ra ngoài khóc lóc.(Lc 22,62). Bấy giờ Chúa đang bị đánh đòn, sao Phêrô biết Chúa nhìn mình? 

Ông quay nhìn Chúa thì ông mới biết Chúa nhìn ông chứ. Nếu không nhìn Chúa làm sao ông biết Chúa đang nhìn mình.Thường khi phạm tội, người ta cúi gằm xuống, không dám nhìn ai, tránh cái nhìn của mọi người. Điểm khác biệt của Phêrô là sau khi chối Chúa, ông lại ngước mắt nhìn Chúa. Phêrô không mặc cảm tội lỗi. Ánh mắt của Chúa chạm vào ánh mắt ông.

      Chúng ta đọc được những yếu đuối của Phêrô: ông quá tự tin, khẳng định mình, sẵn sàng đạp anh em mình xuống đất: tất cả chối Thầy, con cũng không chối. (Mt 26,33). Chúa Giêsu không chỉ nhìn về Phêrô với cái phông tối đó. Nhìn vào Phêrô, Chúa nhận ra những điểm sáng: Theo Chúa một cách xa xa, nhưng ông vẫn theo Chúa. Trong cái yếu đuối vẫn có cái chân thật của con người. Ông quay lại nhìn Chúa, ông sẵn sàng trở lại, quay ra ngoài khóc lóc và trở lại trong cuộc hành trình thương khó của Chúa. Ta thấy tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Bóng tối không bao giờ chiến thắng được ánh sáng. Một ngọn nến, dù nhỏ, cũng đủ làm nên ánh sáng, ta thấy được giá trị tích cực. Một tí hi vọng cũng cho thấy cuộc đời có ý nghĩa.

       Phêrô cho ta một mẫu gương đẹp. Từ cái yếu đuối của mình, Phêrô học đứng lên làm lại cuộc đời.

        Các thánh sử viết về cuộc thương khó của Chúa không phải để chúng ta than van, khóc lóc, nhưng trước hết là để rao giảng. Các tông đồ kể về một sự kiện rõ ràng là Chúa bị đánh đòn, đóng đinh và chết trên thập giá, để từ đó rao giảng về sự sai phạm, yếu đuối của mình và về tình yêu thương của Thiên Chúa. Chính sự yếu đuối của các tông đồ làm nên giá trị lời các ngài rao giảng.[ Một cha Trần An, tu sĩ Dòng Thiên An, Huế, sau một thời trai trẻ trụy lạc đã trở lại theo Chúa và làm tu sĩ, làm linh mục dòng Thiên An. Hiện tại ngài đang trông coi một trung tâm nuôi dưỡng và cai nghiện các thanh thiếu niên nghiện ma túy, bên cạnh trung tâm Thánh Mẫu La Vang, giáo phận Huế. Chắc chắn,nhờ những kinh nghiệm bản thân, lời giáo huấn, cách dạy dỗ của cha có kết quả rõ rệt.]

       Một nhân vật khác cũng khá nổi bật trong các bài tường thuật về việc thương khó Chúa Giêsu, đó là Giu đa Iscariot.

1.Chúng ta biết gì về Giu đa Iscariot?

Nói về Giuda, người ta thường chỉ nhìn thấy phông nền đen tối, đó là một người phản bội, một môn đệ lấy nụ hôn mà bán Thầy.Thậm chí trong dân gian người ta còn lấy tên Giuda để gán cho những người tội lỗi, lọc lừa. 

Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Chúa đã chọn 72 môn đệ. Đặc biệt sau khi thức suốt đêm cầu nguyện(Lc 6,12-13) Chúa đã chọn 12 tông đồ, trong đó có Giu đa. Giuđa lọt mắt xanh của Chúa Giêsu. Giữa bao nhiêu người khác, Chúa đã chọn ông. Chắc hẳn ông cũng phải có nét đặc biệt gì đó. Chúa giao  cho ông làm thủ quỹ, một nhiệm vụ khá quan trọng. Sao chúa không giao cho Mát thêu?Giu đa là người biết chăm sóc cho Chúa và anh em, một người làm hậu cần, chu đáo. Nếu ông ta dở, thì đâu đã được chọn làm tông đồ. 

       “Iscariot” cũng còn giống một cách sát sao với hạn từ Hy Lạp có nghĩa là “người mang dao găm”. Điều này gợi ý rằng Giuđa là một thành viên của “Những người mang dao găm” [Dagger-Bearers], nhánh cực đoan nhất của nhóm Nhiệt thành [Zealots].

Nhóm Nhiệt thành tin Đấng Mêsia đến trong tư cách một lãnh đạo quân sự để giải phóng người Do Thái khỏi những áp bức của người Rôma. Trong nhóm này, những người mang dao găm có ý định giải phóng dân tộc Do Thái thông qua điều mà ngày nay chúng ta xem là những hành vi khủng bố. Lý thuyết này cho rằng Giuđa bị Đức Giêsu làm vỡ mộng và ông tin rằng việc Đức Giêsu bị bắt giữ có thể thúc đẩy Ngài bắt đầu cuộc cách mạng.

2.Giu đa phản bội Chúa khi nào? 

      Tin mừng Gioan đoạn 13 thuật lại trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu lấy nước và rửa chân cho các tông đồ, Ngài nói: Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.(Ga 13,14). Thói đời có đi có lại mới toại lòng nhau hoặc hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Nếu thế thì Chúa phải dạy: Thầy rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho Thầy. Không, Chúa dạy anh em phải rửa chân cho nhau. Rửa chân cho nhau chính là rửa chân cho Thầy. Đó là nét đặc biệt của tình thương Kitô giáo. 

      Sau đó, Chúa tâm sự với các tông đồ như là với những người bạn:Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.(Ga 13,21). Các môn đệ phân vân không biết người nói về ai. Các môn đệ nhìn nhau, nhìn vòng vòng, không ai tự nhìn mình. Các tông đồ hỏi: Lạy Chúa, ai vậy? Đức Giêsu trả lời: Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Ít-ca-ri-ốt.(Ga 13,25-26). 

      Sau khi ăn miếng bánh, Giu đa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối. (Ga 13,30). Chúa Giêsu và 11 người còn đó, Giu đa tách khỏi nhóm, đi vào trong đêm tối. Đây là dấu hiệu đầu tiên về thất bại của Giu đa. 

      Giu đa phản bội Chúa, khi ông phản bội phản bội cộng đoàn. Nhóm này không có gì hay, nhiều khi đã tranh nhau địa vị chỗ này chỗ kia. Đây không phải là một cộng đoàn lý tưởng. Đó là một cộng đoàn thiếu sót, nhưng giáo hội được thành lập từ những người còn ngồi lại với Chúa Giêsu trong bữa tiệc. Giáo hội được thành lập không phải từ những người đạo đức, nhưng bởi những người chấp nhận ngồi lại với nhau, với tất cả những giới hạn của mình. Nhờ trung thành với Chúa, họ dần dần lớn lên. Họ không phải là những người hoàn hảo, nhưng điều lạ lùng là nhờ có họ mà ta có giáo hội ngày nay. Ai cũng có lý do để tách khỏi cộng đoàn. Mọi thành viên trong cộng đoàn đều có khiếm khuyết. Chấp nhận cộng đoàn của mình mới là điều khó, bỏ ra đi thì dễ. Chọn đi ra rất dễ. 

Nhìn vào phông nền màu tối,  có nhiều lý do để tách mình ra.  Chọn lựa ở lại mới khó.

Năm 1510 Luther, một linh mục rất đạo đức. Ông về thăm Roma. Thời Trung cổ Giáo hội rất bê bối, nhiều tệ đoan.

Năm 1517 Luther giận dữ, tách khỏi giáo hội, đứng ra thành lập một giáo hội khác, với mong muốn một tổ chức tốt đẹp, thánh thiện hơn. 

     Vài năm sau, một nhóm người trẻ đến trước mặt Đức Giáo hoàng, xin góp phần canh tân giáo hội.  Đó là Ignatio, Phanxicô xaviê, những người thành lập Dòng Tên.

 Hai lựa chọn khác nhau hoàn toàn. Nếu xác tín giáo hội là mẹ của mình thì việc đầu tiên để canh thân là quỳ xuống trước mặt giáo hoàng, xin đức giáo hoàng chỉ dẫn chúng con làm gì để canh thân giáo hội. 

1.Khi ra đi, Giuda đã phản bội Chúa, đã phản bội cộng đoàn. Những người ở lại là những người đã xây dựng cộng đoàn. 

  1. Giuda liên hối hận.Tin mừng dành riêng từ hối hận cho Giu đa. Nhưng quan trọng là hối hận, rồi làm gì nữa.

Giu đa ném tiền ra ngoài.  Giuđa phản bội Chúa khi đã phản bội chính mình. Giu đa  hối hận để cuối cùng quyết định mình là tội nhân, là công tố viên: Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến người phải chết oan.(Mt 27,4) , là lý hình,. (Ga 27,5).

      Người ta thất vọng với chính mình, từ thất vọng đến kết án chính mình. Chúng ta biết hối hận, nhưng không phải hối hận nào cũng tốt, khi chết trong hối hận của mình, thì hối hận không còn đường đi tiếp nữa. Phêrô ra ngoài, khóc lóc, đứng lên sau thất vọng. Thất bại cần có trong cuộc đời, để huấn luyện nên hành trình đức tin. Giu đa ngã, rồi ngã luôn. 

Ta có xu hướng bạo lực với chính mình, tự xử mình. Khóc lóc ăn năn vì tội của mình, đó là điều tốt nhưng rồi sao nữa? Nếu ăn năn giúp mình sợ tội, tránh xa con đường tội và làm cho con đường mình tốt hơn, thì việc ăn năn đó tốt.

     Ngược lại khi thất vọng Giu đa đã phản bội cộng đoàn, rồi phản bội chính mình. Vẫn còn một tia lửa, nhưng tia lừa đó không được ông đón nhận để làm lại từ đầu, nên ông thất bại. 

Thất bại của Giu đa là không chấp nhận thất bại của mình.

Chấp nhận thất bại của mình là đường đi lên tất yếu.

Không tôn trọng kế hoạch của Chúa. Không đọc lại đời mình.

Phê rô còn đi theo Chúa, dẫu xa xa, vào vườn Cây dầu, dẫu ngủ mê.  Nên còn dịp để trở lại.

Giu da bỏ đi ra ngoài, trời tối . Không còn dịp.

       Lạy chúa, xin dạy chúng con biết luôn đứng dậy, sau những vấp ngã, để chúng con sống mãi trong tình yêu thương của Chúa.

                                                                 Nguyễn Đức Lân